Dịch giả: Lê Khánh Trường
Chương 14
LIÊN MINH LƯỠI KIẾM VÀ LƯỠI CÀY

     hi người đàn bà trở về già, nhiều chuyện khó chịu có thể xảy ra với bà ta: răng có thể rụng, tóc có thể bạc và thưa dần, có thể khó thở, có thể phì nộn, có thể gầy teo, nhưng giọng nói sẽ không thay đổi. Nó vẫn trong trẻo như ngày còn là cô nữ sinh trung học, là vợ chưa cưới hoặc nhân tình của một tên du đãng.
Bởi vậy, khi Ippolit gõ cửa và Êlêna Bour hỏi vọng ra “Ai đấy?” thì Ippolit lặng tim đi. Giọng nói của người tình của ông vẫn hệt như năm một ngàn chín trăm lẻ chín, trước ngày khai trương hội chợ triển lãm ở Pari. Nhưng khi bước vào phòng và nheo mắt vì ánh sáng, Ippolit Matveevich thấy rằng vẻ đẹp ngày xưa không để lại chút dấu tích nào.
– Chị thay đổi ghê quá, bất giác ông nhận xét.
Bà Êlêna gục vào ngực ông.
– Cám ơn anh, – bà nói – em biết rằng anh phải liều mình ra sao khi đến thăm em. Anh vẫn là chàng hiệp sĩ cao cả ngày xưa. Em không hề hỏi anh từ Pari về đây làm gì? Anh thấy chưa, em đâu phải là kẻ tò mò.
– Nhưng có phải tôi từ Pari về đâu! – Ippolit bối rối nói.
– Tôi và ông nhà đây ở Béc-lin về đấy, – Ostap bóp khuỷu tay của Ippolit, nói chữa, – xin chớ nói cho ai biết điều đó.
– Ôi, em mừng xiết bao khi gặp anh! – Mụ thầy bói reo lên – Nào, mời anh sang phòng bên này... Còn ông Polesov, xin lỗi, độ nửa tiếng nữa ông hãy quay lại được không?
– Ô! – Ostap nhận xét – cuộc gặp gỡ đầu tiên mà lại! Những phút giây khó nói! Xin phép cho tôi cũng được lui ra. Thưa ông Polesov đáng yêu, tôi đi cùng ông được chứ?
Lão thợ nguội mừng rơn, kéo Ostap đến phòng mình. Tại đó, Ostap ngồi trên các mảnh cánh cổng của nhà số No5 cùng phố, bắt đầu vẽ ra trước mắt lão thợ nguội cá lẽ, sững sờ, những tư tưởng mê hoặc ngả theo chiều hướng cứu quốc.
Một giờ sau, họ quay trở lại nhà Êlêna Bour và thấy hai kẻ già nua trở nên đờ đẫn.
– Mình vẫn nhớ chứ, Êlêna? – Ippolit hỏi.
– Anh vẫn nhớ đấy chứ, Ippolit? – Êlêna cũng hỏi.
“Có lẽ đã đến thời điểm tâm lý của bữa tối rồi đây”, – Ostap nghĩ bụng. Hắn ngắt lời Ippolit lúc này đang gợi lại kỳ bầu cử vào hội đồng dân biểu thành phố.
– Ở Béc-lin có một tập quán rất lạ: người ta dùng buổi tối muộn đến nỗi chẳng hiểu đấy là ăn tối sớm hay ăn trưa muộn nữa.
Êlêna Bour sực tỉnh, rời cặp mắt thỏ khỏi Ippolit và lê bước vào bếp.
– Bây giờ phải hành động, hành động và hành động! – Ostap nói và hạ giọng xuống nước bí mật tuyệt đối.
Hắn kéo tay Polesov.
– Bà ta có đáng tin cậy không? Không phản bội chứ?
Polesov chắp tay cung kính.
– Tín đồ chính trị của ông phải không?
– Thưa vâng, bà ấy luôn luôn làm theo tôi, – Polesov đáp.
– Hy vọng ông là người theo phái Kirill chú?
– Dạ, đúng thế, – Polesov đứng thẳng người lại.
– Nước Nga sẽ không quên ông! – Ostap nói rành rọt.
Ippolit tay cầm chiếc bánh ngọt, ngơ ngác nhìn Ostap, nhưng không dám ngăn hắn lại. Hắn đã bốc lên rồi. Ông vua mánh cảm thấy hứng khởi, bất chấp nguy cơ bị tố giác. Hắn đi đi lại lại trong phòng như một con hùm.
Êlêna Bour khệ nệ bưng cái ấm xamôva từ trong bếp ra, bắt gặp hắn đang trong tâm trạng hứng khởi ấy. Ostap lịch sự bước lại gần mụ ta, đỡ lấy chiếc ấm đặt xuống bàn. Cái ấm reo ri ri. Ostap quyết định hành động.
– Thưa bà, – hắn nói, – chúng tôi sung sướng coi bà là đại diện...
Hắn chưa biết hắn sung sướng coi Êlêna Bour đại diện cho ai. Đành phải nhắc lại câu ấy. Trong số tất cả những câu nói xã giao quen thuộc của chế độ Sa hoàng, hắn chợt nhớ mấy tiếng “xin đại nhân cho phép”. Nhưng cái này không hợp. Bởi vậy, hắn chuyển ý với nét mặt nghiêm trang.
– Bí mật nghiêm ngặt! Bí mật quốc gia!
Ostap chỉ Ippolit.
– Theo bà, ông già khỏe mạnh này là ai? Thôi, bà đừng trả lời, bà không thể biết được đâu. Đấy là nhà tư tưởng khổng lồ, là cha đẻ của nền dân chủ Nga, là nhân vật kế cận Hoàng thượng.
Ippolit đứng dậy tạo vẻ oai vệ cho cái vóc dáng tuyệt đẹp của mình và bối rối nhìn quanh. Ông chẳng hiểu mô tê gì hết, chỉ biết qua kinh nghiệm, rằng Ostap Benđer không bao giờ nói điều gì phi chủ đích, cho nên ông cứ ngậm miệng ăn tiền. Tất cả cảnh tượng này khiến cho Polesov run bắn người lên. Ông ta đứng đó, cằm hếch lên trần nhà, trong tư thế của một kẻ sẳn sàng tham gia lễ diễu binh, Êlêna Bour thì ngồi xuống ghế, sợ sệt nhìn Ostap.
– Người của ta ở thành phố này có nhiều không? – Ostap hỏi thẳng – Tinh thần họ ra sao?
– Khi có sự thiếu... – Polesov bắt đầu giải bày các tai họa của mình một cách lẫn lộn. Nào chuyện gã lao công bên nhà No5 đã gọi ông là đồ chó má, nào là chuyện không có cái bàn ren ba tấc tám, nào chuyện tàu điện, và vân vân.
– Thôi được! – Ostap ngắt lời – Bà Êlêna! Chúng tôi muốn nhờ bà bắt liên lạc với những nhân vật ưu tú của thành phố mà số phận độc ác đã đẩy họ vào hoạt động bí mật. Có thể mời ai đến họp ở nhà này?
– Có thể mời ai nhỉ? Makxim Pêtrôvich và vợ ông ta chăng?
– Không mời vợ, – Ostap sửa lại, – Không đem theo vợ! Bà sẽ là trường hợp ngoại lệ duy nhất. Còn ai nữa?
Qua cuộc thảo luận mà Polesov hăng hái tham gia, họ đi đến kết luận rằng có thể mời Makxim Pêtrôvich Chasushnikov, nguyên phát ngôn viên của viện Đuma thành phố, hiện đã chui được vào hàng ngũ cán bộ Xô viết, rồi đến ông chủ hợp tác xã “Đóng gói nhanh” là Điadep, rồi ông chủ nhiệm Ác-ten “Bánh vòng Odessa” “Bánh vòng Mátxcơva” là Kisliarski và hai gã trẻ tuổi không rõ họ gì, nhưng hoàn toàn đáng tin cậy.
– Vậy tôi đề nghị mời họ đến đây hội ý ngay lập tức. Phải giữ bí mật tuyệt đối.
Polesov nói:
– Tôi chạy đến nhà Makxim Pêtrôvich, Nikesha và Vlađei, còn Êlêna thì nhờ bà chịu khó chạy sang tìm ông Điađep và Kisliarski.
Polesov lao đi ngay. Mụ thầy bói say đắm nhìn Ippolit rồi cũng ra theo.
– Thế là nghĩa gì? – Ippolit hỏi.
– Nghĩa là ông là kẻ quá lạc hậu, – Ostap đáp.
– Tại sao?
– Tại vì... Xin lỗi hỏi ông một câu khốn nạn: Ông có bao nhiêu tiền?
– Tiền gì cơ?
– Tiền bạc. Tiền giấy, kể cả tiền làm bằng bạc và bằng đồng.
– Ba mươi lăm rúp.
– Và với số tiền ấy ông định trang trải toàn bộ khoản chi tiêu cho dịch vụ của chúng ta ư?
Ippolit im lặng.
– Thế này nhé, thưa ông chủ ngớ ngẩn. Tôi chắc ông chẳng hiểu nổi tôi đâu. Trong khoảng một giờ, ông hãy tạm sắm vai nhà tư tưởng khổng lồ, một nhân vật kế cận Hoàng thượng.
– Để làm gì?
– Tôi với ông cần có tư bản lưu động. Ngày mai tôi cưới vợ. Tôi không phải kẻ ăn mày. Tôi muốn mở tiệc chiêu đãi mừng cái ngày đáng ghi nhớ đó.
– Vậy tôi phải làm gì? – Ippolit rên rỉ.
– Ông phải câm lặng. Thỉnh thoảng phồng má lên cho có vẻ oai.
– Nhưng như thế là lừa dối.
– Ai nói vậy nhỉ? Bá tước Tônstôi nói thế chăng? Hay là Đácuyn? Không. Tôi nghe câu ấy từ cửa miệng một kẻ mà tối hôm qua thôi còn định đang đêm đột nhập vào phòng góa phụ Gritsasueva để ăn cắp ghế. Xin ông đừng nghĩ ngợi cho tôi nhờ. Hãy im lặng và chớ quên phồng má đấy.
– Ngoắc vào cái chuyện tày đình này làm gì? Họ có thể tố giác ta.
– Ông khỏi lo. Tôi đã bắt mạch là trúng phóc. Sự việc sẽ diễn biến tuyệt đến nỗi chẳng ma nào hiểu gì hết. Thôi, uống trà đi.
Trong lúc hai thành viên hợp đồng uống và ăn, còn con vẹt nhằn hạt hướng dương, thì khách khứa lần lượt bước vào phòng.
Nikesha và Vlađei cùng đến với Polesov. Lão thợ nguội không dám giới thiệu hai gã trẻ tuổi với nhà tư tưởng khổng lồ. Hai gã khép nép ngồi ở góc phòng và quan sát vị cha đẻ của nền dân chủ Nga xài món thịt bê nguội. Nikesha và Vlađei là hai kẻ vụng về, ngớ ngẩn. Cả hai đều ngót nghét ba mươi. Chắc hai đứa đều thích thú vì được mời đến luận bàn việc đại sự.
Nguyên phát ngôn viên của nghị viện Duma thành phố, lão già Chasushnikov béo phục phịch, thì cứ lắc lắc mãi bàn tay của Ippolit Matveevich và nhìn vào mắt nhà tư tưởng khổng lồ. Dưới sự giám sát của Ostap, các vị cao niên của thành phố bắt đầu ôn lại quá khứ. Sau khi để họ hàn huyên chán chê, Ostap hướng về phía Chasushnikov.
– Trước kia ngài phục vụ ở trung đoàn nào?
Chasushnikov lúng túng:
– Tôi... tôi, nói chung là chưa tòng ngũ, bởi vì tôi được xã hội tín nhiệm, được đề cử vào...
– Ngài dòng dõi quý tộc chứ?
– Vâng, có thể ngày xưa...
– Tôi hy vọng ngày nay ngài vẫn là quý tộc. Hãy giữ vững tinh thần. Sẽ cần đến sự giúp đỡ của ngài. Polesov đã nói với ngài chưa? Nước ngoài đang giúp đỡ chúng ta. Phải nắm chắc dư luận xã hội. Tổ chức phải tuyệt đối bí mật. Chú ý!
Ostap bảo Polesov ngồi tách ra khỏi chỗ hai gã trẻ tuổi, đoạn nghiêm khắc hỏi:
– Hai anh trước đây ở trung đoàn cận vệ nào? Các anh sắp được phục vụ tổ quốc rồi. Hai anh thuộc dòng dõi quý tộc chứ? Hay lắm. Phương Tây sẽ viện trợ cho ta. Hãy giữ vững tinh thần. Các khoản đóng góp, nghĩa là tổ chức ấy, phải tuyệt đối giữ bí mật. Chú ý.
Ostap lại hứng lên. Công việc xem ra trót lọt. Sau khi được bà Êlêna Bour giới thiệu với chủ nhiệm Ác-ten “Đóng gói nhanh”. Ostap kéo ông ta vào một góc phòng, dặn ông ta giữ vững nhuệ khí. Hỏi ông ta ngày trước ở trung đoàn cận vệ nào, hứa hẹn ngoại bang sẽ giúp đỡ và bảo phải tuyệt đối giữ bí mật cho tổ quốc. Cảm giác đầu tiên của vị chủ nhiệm “Đóng gói nhanh” là nguyện vọng mau chóng rời khỏi căn nhà chứa đựng mưu mô xảo quyệt này. Ông ta cho rằng hãng của mình có thừa chững chạc và chắc ăn, chẳng dại gì chui đầu vào thứ áp-phe liều lĩnh này. Nhưng khi ngắm kỹ thân hình dẻo dai của Ostap, ông ta do dự và lưỡng lự: “Biết đâu đấy!... dẫu sao, tất cả còn lệ thuộc vào chỗ bàn tiệc sẽ được bày ra theo kiểu nào”.
Cuộc hội ý thân mật trở nên sôi nổi sau bàn trà. Những người tham gia đều nuôi giữ ý đồ bí mật thiêng liêng và chỉ nhắc đến các tin tức mới nhất trong thành phố.
Người đến sau cùng là công dân Kisliarski, một kẻ hiện giờ là quý tộc và chưa từng bao giờ phục vụ ở một trung đoàn cận vệ, sau vài giờ trao đổi với Ostap đã nhận thức rõ tình thế.
– Hãy giữ vững tinh thần, – Ostap lên lớp cho lão già Kisliarski.
Lão già hứa hẹn. Ostap tiếp.
– Ngài là đại diện của tư bản tư nhân, ngài chớ nên làm ngơ trước tiếng rên siết của tổ quốc.
Kisliarski lộ vẻ buồn rầu thông cảm.
– Ngài có biết ai ngồi kia không? – Ostap chỉ tay về phía Ippolit Matveevich.
– Có chứ, – Kisliarski đáp – đó là ngài Ippolit.
– Đấy là, – Ostap trịnh trọng, – nhà tư tưởng khổng lồ, người cha của nền dân chủ Nga, một nhân vật kế cận Hoàng thượng.
“Ít nhất thì việc có mặt ở đây cũng xơi hai mươi năm tù như chơi”, – Kisliarski nghĩ thầm, người run bắn lên, – “Mình tới đây làm cái quái gì nhỉ?”
– Liên minh bí mật giữa lưỡi kiếm và lưỡi cày – Ostap thì thào hăm dọa.
“Mười năm tù mất”, – ý nghĩ ấy lóe lên trong óc lão già.
– Ngài muốn bỏ về cũng được, nhưng xin cảnh cáo trước, tổ chức chúng tôi có thể vươn tay đến bất cứ nơi nào!
“Tao sẽ cho mày biết tay, đồ chó đẻ” – Ostap nghĩ thầm, – “Tao phải bắt mày chi ra ít nhất một trăm rúp mới được về”
Kisliarski hóa đá. Vừa chiều nay lão ta còn thưởng thức một bữa ăn ngon lành và bình yên. Có món gà hầm, súp đậu, chẳng biết gì về “liên minh lưỡi kiếm và lưỡi cày” đáng sợ. Lão đành ngồi lại vì mấy chữ “có thể vươn tay đến bất cứ nơi nào” đã gây nên một ấn tượng bất lợi cho lão.
– Thưa các vị – Ostap khai mạc phiên họp, – cuộc sống đặt ra những quy luật của nó, những quy luật nghiệt ngã. Tôi sẽ không nói về mục đích phiên họp của chúng ta, vì các vị đều đã rõ. Một mục đích thiêng liêng. Chúng ta nghe tiếng rên siết vang lên từ khắp mọi nơi. Cả đất nước rộng lớn của chúng ta đang kêu cứu. Chúng ta phải giơ tay giúp đỡ, và nhất định sẽ chìa tay giúp đỡ. Một số vị ngồi đây được ăn bánh mì phết bơ, một số vị khác đi kiếm ăn ở nước ngoài. Nhưng cả hai loại đều được ngủ trên những chiếc giường có chăn ấm nệm êm. Chỉ riêng những đứa trẻ đáng thương, những đứa trẻ mồ côi là không nơi nương tựa. Chúng là những bông hoa của đường phố, hay như những người vô sản lao động trí óc vẫn gọi, chúng là những nhành hoa trên đường nhựa, chúng đáng được hưởng một cuộc sống an nhàn. Chúng ta, thưa các ngài bồi thẩm đáng kính, được hưởng một cuộc sống an nhàn. Chúng ta, thưa các ngài bồi thẩm đáng kính, chúng ta phải giúp đỡ chúng. Và chúng ta, thưa các ngài bồi thẩm đáng kính, chúng ta sẽ giúp đỡ chúng.
Bài diễn văn của ông vua mánh gây cho thính giả những cảm xúc khác nhau.
Polesov không hiểu nổi anh bạn mới của mình, – chàng sĩ quan cận vệ trẻ nữa.
“Bọn trẻ nào?” – Ông ta nghĩ – “Sao lại bọn trẻ nhỉ?”
Ippolit thì cố gắng không suy nghĩ gì hết. Ông đã mặc kệ từ lâu và chỉ ngồi im, thỉnh thoảng lại phồng má lên.
Êlêna Bour sụt sịt.
Nikesha và Vlađei say sưa ngắm cái áo gi-lê màu xanh của Ostap.
Chủ nhiệm “Đóng gói nhanh” hết sức hài lòng “Bày bàn được lắm” – lão nghĩ, – “bày bàn kiểu này thì mất tiền cũng đáng. Nếu thành công thì mình vẻ vang! Thất bại cũng chẳng hại gì đến tôi. Tôi chỉ giúp đỡ trẻ mồ côi thôi!”.
Chasushnikov treo đổi cái nhìn đấy ý nghĩa với Điadep và tiếp tục nặn các viên bi bánh mì cho chúng lăn trên bàn: ông ta bái phục tài ăn nói bí mật của báo cáo viên.
Kisliarski thì mừng rơn.
“Những ý kiến vàng ngọc” Lão nghĩ. Lão có cảm giác chưa bao giờ mình yêu quý bọn trẻ lang thang như bây giờ.
– Các đồng chí, – Ostap tiếp – Phải giúp đỡ ngay không chần chừ. Chúng ta phải cứu các em nhỏ khỏi móng vuốt của phố phường, và chúng ta sẽ cứu được. Chúng ta sẽ giúp các em. Chúng ta sẽ nhớ kỹ rằng trẻ con là những bông hoa của cuộc sống. Tôi mời các đồng chí đóng góp ngay bây giờ để kịp giúp đỡ các em, chỉ giúp đỡ các em thôi, chứ không giúp ai khác. Các đồng chí hiểu ý tôi chứ?
Ostap rút trong túi quần ra một quyển hóa đơn.
– Đề nghị các vị đóng góp. Ngài Ippolit sẽ xác nhận thẩm quyền của tôi.
Ippolit phồng má và cúi đầu. Lúc này thì ngay đến hai gã Nikesha và Vlađei ngớ ngẩn, cũng như ông thợ nguội trí thức đều hiểu rõ ngụ ý bí ẩn của Ostap.
– Kính lão đắc thọ, thưa các vị – Ostap nói – ta hãy bắt đầu từ này Makxim Pêtrôvich đáng kính.
Makxim Pêtrôvich ngọ ngoạy và cố đóng góp ba chục rúp.
– Khi nào tình hình khá hơn, tôi sẽ đưa thêm! – lão tuyên bố.
– Tình hình sắp khá hơn rồi – Ostap nói – Nhưng kể ra điều này không liên quan gì đến bọn trẻ mà bây giờ tôi đang đại diện.
Nikesha và Vlađei góp tám rúp.
– Ít thế, hai đồng chí.
Hai đồng chí đỏ mặt.
Polesov chạy về nhà và đem đến năm mươi rúp.
– Tuyệt lắm, kỵ sĩ ạ! – Ostap khen – đối với một kỵ sĩ độc thân có mô tơ, lần thứ nhất thế này là đủ. Giới thương gia sẽ đóng góp sao đây?
Diadep và Kisliarski cò kè hồi lâu và so bì kẻ ít người nhiều.
Ostap nghiêm mặt.
– Trước mặt ngài Ippolit đây mà xử xự như thế là thiếu tế nhị.
Ippolit gật đầu. Hai thương gia đóng góp mỗi vị hai trăm rúp để cứu giúp trẻ em.
– Xong – Ostap thốt lên – cả thảy bốn trăm tám mươi tám rúp! Chà! Thiếu mười hai rúp nữa là được con số chẵn.
Êlêna Bour ngồi im từ nãy liền đứng dậy, đi sang phòng ngủ và cầm chiếc xắc đến giao đúng mười hai rúp cho tròn con số tổng cộng.
Phần còn lại của phiên họp không có nội dung rõ rệt và thiếu phần long trọng. Ostap thì tỉnh dần. Êlêna Bour lại mê mẩn hơn. Khách khứa lục tục ra về sau khi kính cẩn chia tay với những người tổ chức.
– Về ngày họp sau, các vị sẽ được thông báo riêng – Ostap nói lúc chia tay – bí mật tuyệt đối. Sự nghiệp cứu giúp trẻ em phải là bí mật tuyệt đối... Mà khỏi phải nói nhiều, điều đó liên quan trực tiếp đến quyền lợi riêng của các vị đấy.
Nghe mấy lời đó, Kisliarski định góp thêm năm chục rúp nữa để khỏi phải đến dự bất cứ cuộc họp nào. Lão phải cố lắm mới kềm chế được ý muốn sôi sục đó.
– Thôi, kết thúc ở đây – Ostap nói – Ngài Ippolit, tôi hy vọng ngài sẽ không khước từ lòng mến khách của bà Êlêna và sẽ ngủ với bà. Vả lại, để đảm bảo bí mật, tôi với ngài nên tạm xa nhau một đêm. Tôi đi đây.
Ippolit tuyệt vọng nháy nháy mắt với Ostap, nhưng hắn làm ra vẻ không để ý, cứ bước thẳng ra sân.
Đi được một quảng, hắn sực nhớ trong túi hắn có năm trăm rúp hắn vừa kiếm được bằng sức lao động chân chính.
– Ê xe! – Ostap gọi xà ích – đền tiệm ăn “Feniks”
– Được! – người đánh xe trả lời.
Ông ta thong thả chở Ostap đến cái tiệm ăn đã đóng cửa.
– Sao? Đóng cửa rồi à?
– Nghỉ lễ mà.
– Ô, vớ vẩn! Có tiền mà chẳng có chỗ chơi! Vậy hãy đưa tôi đến phố Plêkhanôp. Bác biết đường chứ?
Ostap quyết định đến nhà vợ chưa cưới của mình.
– Thế ngày trước gọi là phố gì ạ? – Người đánh xe hỏi.
– Không biết.
– Thế thì đi đường nào? Tôi cũng chả biết đâu.
Chiếc xe lăn lọc cọc chừng một tiếng rưỡi giữa thành phố vắng ngắt, vừa đi vừa hỏi đường những người gác đêm và các chiến sĩ công an. Một anh công an làm bộ quan trọng hồi lâu, mới chịu nói rằng phố Plêkhanôp chính là phố Gubernator ngày trước.
– Nào, đi Gubernator! Tôi biết phố ấy lắm. Tôi đã chạy xe ở đó hai mươi bốn năm liên tục.
– Thì đi đi!
Họ đến phố Gubernator cũ nhưng hóa ra bây giờ nó là phố Các Mác, chứ không phải Plêkhanôp.
Ostap tức giận lại bảo xe đi tìm phố Plêkhanôp lần nữa. Nhưng vẫn không kết quả.
Ánh bình minh nhợt nhạt chiếu vào khuôn mặt kẻ đau khổ sẵn tiền mà không có chỗ giải trí.
– Chở ta đến khách sạn “Sorbonna”! – Hắn quát – Cũng đòi làm xà ích! Có cái phố Plêkhanôp cũng đếch biết.

*

Ngôi nhà của góa phụ Gritsasueva sáng trưng. Ngồi chủ bàn tiệc là ông vua cơ – con trai của vị công dân quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ. Hắn lịch thiệp và ngà ngà say. Khách khứa chuyện trò rôm rả.
Cô dâu không còn trẻ nữa. Ít ra cũng không dưới ba mươi lăm tuổi. Thiên nhiên ban phát cho chị ta rất hào phóng. Nào bộ ngực đồ sộ, nào cái mũi hình lưỡi rìu, nào hai gò má phúng phính và cái gáy thật bự. Chị ta say mê và sợ hãi người chồng mới. Bởi vậy chị ta không gọi hắn bằng tên, vả lại chị ta cũng không biết tên hắn là gì, mà cứ gọi bằng họ: đồng chí Benđer.
Ippolit Matveevich lại thượng lên chiếc ghế thiêng liêng của mình. Suốt tiệc cưới, ông cứ nhún nha nhún nhẩy trên ghế để thử vật cứng dưới nệm ghế. Đôi khi ông cảm thấy có cái gì cưng cứng thật. Lúc ấy ông thích tất cả quan khách, và ông bắt đầu hét tướng lên “Đắng quá! Đắng quá” (1).
Ostap thì luôn miệng chuyện trò, chúc rượu. Mọi người nâng cốc chúc mừng nền giáo dục nhân dân và công trình thủy lợi của Uzơbêkistăng. Sau đó khách khứa lục tục ra về. Ippolit đứng lại ở bên cửa sổ và nói nhỏ với Ostap.
– Anh khẩn trương lên nhé. Chính nó rồi đấy.
– Ông hám giàu quá – Ostap say rượu, trả lời – cứ về khách sạn đợi tôi. Đừng đi đâu cả. Tôi có thể về bất cứ lúc nào. Trả tiền khách sạn trước đi. Chuẩn bị sẳn sàng nhổ neo. Amen! Tạm biệt ngài thống chế! Hãy chúc tôi ngủ ngon đi chứ!
Ippolit chúc Ostap ngon giấc, đoạn về khách sạn “Sorbonna” để mà hồi hộp.
Năm giờ sáng thì Ostap xách chiếc ghế về đến nơi. Ippolit mừng rơn. Ostap đặt cái ghế giữa phòng và ngồi xuống.
– Làm thế nào mà lấy được nó vậy? – Cuối cùng Ippolit hỏi.
– Rất đơn giản, người trong nhà mà lại. Góa phụ đang ngủ say và nằm mơ. Đánh thức dậy thì thương “Chớ đánh thức nàng vào lúc rạng đông”. Than ôi, đành phải để lại mấy chữ dành cho người yêu: “Anh đi Novokhopersk báo cáo. Đừng chờ anh về ăn trưa. Suslik (2) của em”. Chiếc ghế này tôi lấy ở phòng ăn. Sáng sớm tàu điện chưa chạy, dọc đường tôi vẫn ngồi nghỉ trên cái ghế này.
Ippolit reo mừng đâm bổ lại chỗ chiếc ghế.
– Khẽ chứ, – Ostap nói – phải hành động thật nhẹ nhàng.
Hắn rút trong túi ra một cái kìm dẹt, và công việc bắt đầu.
– Ông khóa cửa lại chưa? – Ostap hỏi.
Hắn gạt Ippolit nôn nóng sang một bên, cẩn thận mở mặt ghế, cố không làm rách miếng vải hoa Ăng-lê.
– Loại vải này bây giờ đào đâu ra, phải giữ gìn nó. Biết làm thế nào, đói hàng hóa mà lại.
Tất cả những cái đó khiến Ippolit nóng ruột vô cùng.
– Xong rồi, – Ostap nói khẽ.
Hắn khẽ lật tấm vải bọc ra rồi thọc cả hai tay vào giữa các lò xo. Trán hắn nhăn lại.
– Sao? – Ippolit nhắc đi nhắc lại câu hỏi theo âm sắc khác nhau – Sao? Sao?
– Sao với chả sáo, – Ostap bực bội đáp – xác xuất thành công một trên mười một. Và lần này...
Hắn lại thọc tay tìm tiếp, rồi kết luận:
– Và lần này thành công chưa đến với ta.
Hắn đứng thẳng dậy và phủi hai khuỷu tay. Ippolit vồ lấy chiếc ghế.
Không thấy kim cương. Hai tay Ippolit thõng thượt. Nhưng Ostap vẫn ung dung.
– Bây giờ khả năng thành công của ta đã tăng lên.
Hắn đi vài bước trong phòng.
– Không hề gì! Cái ghế này làm cho góa phụ thiệt thòi hơn chúng mình.
Ostap rút từ trong túi quần ra một cái vòng vàng, nửa tá thìa vàng và một cái lọc bã trà bằng bạc.
Vì đau khổ, Ippolit thậm chí không ngờ rằng ông đã trở thành tòng phạm trong một vụ ăn trộm thông thường.
– Kể ra hơi đểu – Ostap nhận định – nhưng ông phải thừa nhận rằng tôi không thể từ giã người đàn bà yêu quý mà không để lại cho nàng chút kỷ niệm nào. Nhưng thôi. Đừng phí thời gian nữa. Công việc mới chỉ mở đầu. Phần kết thúc ở Mátxcơva kia. Mà bảo tàng đồ gỗ thì không dễ tính như góa phụ đâu. Sẽ khó hơn đấy.
Hai thành viên của hợp đồng nhét các mảnh ghế vào gầm giường, điểm lại số tiền (cùng với khoản quyên góp cứu giúp trẻ mồ côi, được cả thảy năm trăm ba mươi lăm rúp), rồi ra ga đáp tàu đi Mátxcơva.
Họ phải thuê xe ngựa đi đến tận đầu kia của thành phố.
Ở đường Kooperativ, họ thấy Polesov đang cắm đầu cắm cổ chạy trên vỉa hè như một con báo bị săn đuổi. Rượt theo sau là tay lao công nhà No5 phố Pereleshin. Đã quành vào một góc phố, hai thành viên hợp đồng còn nhìn thấy tay lao công đuổi kịp Polesov và bắt đầu đấm ông ta túi bụi. Polesov kêu ầm ĩ “Cứu tôi với!” và “Đồ lưu manh”.
Ostap và Ippolit ngồi trong nhà xí cho đến lúc tàu chạy vì sợ vợ mới cưới của Ostap bắt gặp.
Con tàu đưa hai người bạn đến trung tâm ồn ào. Cả hai dán mắt vào cửa sổ.
Các toa tàu lướt qua khu vực ngoại ô Gusisa.
Đột nhiên Ostap chụp tay Ippolit, nói rối rít:
– Xem kìa, xem kìa! Đấy, đấy, thằng cha Alkhen đấy, đồ chó đẻ!...
Ippolit nhìn xuống phía dưới. Ven đường tàu, một gã trẻ tuổi rậm râu đang kéo một chiếc xe nhỏ, trên đặt cây đàn hoàng cầm và năm bộ khung cửa gỗ. Người công dân mặc áo màu lông chuột bẽn la bẽn lẽn.
Mặt trời xuyên thủng các đám mây đen. Cây thánh giá trên nóc nhà thờ lấp lánh.
Ostap vừa cười hô hố vừa thò đầu ra ngoài cửa sổ, hét to:
– Pasha! Ra chợ trời đấy hả?
Pasha Emilevich ngẩng lên, nhưng chỉ thấy cái đầu sau của toa tàu cuối cùng và càng rảo bước hơn.
– Ông thấy chưa? Ostap vui vẻ hỏi – Đẹp ơi là đẹp! Người ta làm ăn thế đấy!
Ostap vỗ vào lưng ông bạn đường buồn rầu.
– Không sao! Cha nội ơi! Chớ có thất vọng! Phiên họp tiếp tục. Tối mai chúng mình đã ở Mátxcơva rồi!

 

Chú thích:
(1) Theo phong tục Nga, khi khách kêu như vậy, cô dâu và chú rể hôn nhau.
(2) Suslik trong tiếng Nga nghĩa là con chuột vàng.