Dịch giả: Lê Khánh Trường
Chương 28
Ả GÀ MÁI VÀ CHÚ GÀ TRỐNG THÁI BÌNH DƯƠNG

     hóng viên Persitski hăng hái chuẩn bị kỷ niệm hai trăm năm nhà toán học vĩ đại Isaak Niutơn.
Giữa lúc công việc đang dồn dập, thì Stêpa phụ trách mục “Khoa học và đời sống” dẫn một phụ nữ béo núc ních bước vào.
– Đồng chí Persitski – Stêpa nói – chị này muốn gặp anh có chuyện gì đấy. Nào mời chị, đồng chí này sẽ giải thích rõ cho chị biết.
Nói xong, Stêpa cười chạy đi.
– Sao? – Persitski hỏi – chị cần gì?
Mađam Gritsasueva (người phụ nữ chính là chị ta) đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn nhà báo và lặng lẽ chìa mẩu giấy báo cho ông.
– Bị ngựa đụng... Bị một mẻ sợ... Chuyện gì vậy? – Persitski hỏi.
– Địa chỉ – chị gái góa van vỉ – anh cho tôi biết địa chỉ với.
– Địa chỉ của ai?
– O. Benđer.
– Làm sao tôi biết được kia chứ?
– Cái nhà anh lúc nãy bảo anh biết mà.
– Tôi không biết đâu. Chị hãy ra phòng địa chỉ của mà hỏi.
– Có lẽ đồng chí cố nhớ hộ chăng? Đi giày màu vàng này...
– Chính tôi cũng đi giày màu vàng đây. Ở Mátxcơva còn hai trăm ngàn người nữa đi giày màu vàng kia. Chị muốn biết địa chỉ của tất cả họ chăng? Nếu vậy thì được thôi. Tôi sẽ bỏ hết mọi việc để giúp chị. Nữa năm nữa chị sẽ biết tất. Tôi đang bận lắm chị ạ.
Nhưng chị gái góa cảm thấy rất kính trọng Persitski, cứ lẽo đẽo đi theo ông dọc hành lang, cái váy mới hồ bột cứ kêu sột soạt. Chị ta nhắc đi nhắc lại đề nghị của mình.
“Thằng Stêpa đểu thật – Persitski nghĩ – Được rồi, mình sẽ tung tin đồn là hắn sáng chế ra động cơ vĩnh cửu, tha hồ cho hắn múa may”.
– Tôi biết làm thế nào bây giờ? – Persitski dừng lại trước chị gái góa và bực bội hỏi. – Tôi đào đâu ra địa chỉ của công dân O. Benđer kia chứ? Tôi là con ngựa húc phải anh ta chắc? Hay tôi là lão đánh xe ngựa, kẻ đã bị Benđer thụi vào lưng ngay trước mắt tôi?...
Chị gái góa lúng túng nói gì đó, chỉ nghe thấy mấy tiếng “đồng chí” và “rất mong”.
Công việc ở Nhà hữu nghị các dân tộc đã chấm dứt. Các văn phòng và hành lang chả còn ai. Chỉ có tiếng máy chữ cô độc gõ tành tạch ở đâu đó.
– Pác-đông, mađam, chị thấy là tôi đang bận đấy!
Vừa nói, Persitski vừa lẩn ngay vào nhà xí. Loanh quanh trong ấy chừng mươi phút, ông ta vui vẻ bước ra. Gritsasueva kiên nhẫn đứng chờ ở góc hành lang. Khi Persitski tiến lại, chị ta lại cầu khẩn.
Nhà báo nổi đóa lên.
– Thế này bà nhé – ông nói. – Tôi sẽ chỉ cho bà biết O. Benđer của bà ở đâu. Bà cứ đi thẳng hành lang này, rồi rẽ tay phải và đi thẳng, sẽ đến một cái cửa. Bà hỏi ông Cherepennikov. Ông ấy biết đấy.
Hài lòng về sự nhanh trí của mình, Persitski chuồn đi nhanh đến nỗi chị gái góa không kịp hỏi thêm điều gì nữa.
Mađam Gritsasueva sửa lại nếp váy và đi theo hướng nhà báo vừa chỉ.
Các hành lang của nhà hữu nghị các dân tộc dài và hẹp đến nỗi những ai đi dọc hành lang đều bất giác rảo bước nhìn người đi, có thể biết anh ta đã đi nhiều hay ít. Nếu bước hơi nhanh, tức là anh ta chỉ vừa mới bắt đầu hành trình của mình. Nếu đã vượt qua hai, ba hành lang, thì anh ta sẽ phóng nước kiệu. Đôi khi có thể thấy người phi nước đại, ấy là người đã vượt hành lang thứ năm. Còn ai đã đi qua tám hành lang, thì có thể dễ dàng thi độ nhanh với chim, ngựa đua hoặc vô địch thế giới về môn chạy là vận động viên Nurmi.
Sau khi rẽ phải, mađam Gritsasueva bắt đầu chạy. Ván sàn kêu ken két.
Đi ngược lại phía chị ta là một thanh niên tóc đen, mặc áo gi lê màu xanh da trời và đi giày màu đỏ. Nhìn vẻ mặt Ostap, có thể thấy rõ ràng việc đến thăm Nhà hữu nghị vào giờ giấc muộn màng thế này hẳn là vì công việc đặc biệt hệ trọng đòi hỏi phải như vậy. Hiển nhiên việc gặp người yêu không nằm trong kế hoạch của vị giám đốc kỹ thuật.
Trông thấy Gritsasueva, Ostap liền quay ngoắt người đi ngược trở lại phía sau.
– Đồng chí Benđer ơi – chị gái góa sung sướng gọi to – đồng chí đi đâu thế?
Vua mánh rảo bước. Chị gái góa chẳng chịu thua.
– Chờ em với, em bảo cái này này – chị ta nài nỉ.
Nhưng lời chị ta không bay tới tai Ostap. Hắn chỉ còn nghe thấy tiếng gió rít ù ù. Hắn vọt qua hành lang thứ tư, lao vùn vụt xuống cầu thang. Người yêu của hắn chỉ còn nghe thấy tiếng vọng của bước chân hắn hình hịch ở cầu thang.
– Cảm ơn, thế là thoát – Ostap nói khi ngồi ở tầng năm – cô ả tìm đúng lúc thuận lợi để răng đê vu. Ai phái cô ả đến đây thế nhỉ? Đã đến lúc chấm dứt vụ làm ăn ở Mátxcơva, kẻo lại gặp thêm thằng cha thợ nguội Polesov nữa thì khốn.
Lúc ấy mađam Gritsasueva bị ngăn cách với Ostap bởi ba tầng gác, hàng ngàn cánh cửa và một tá hàng lang, lấy vạt váy lau mồ hôi trên khuôn mặt nóng bừng bừng và bắt đầu cuộc tìm kiếm. Thoạt tiên, chị ta muốn mau chóng tìm thấy anh chồng để thổ lộ tình yêu. Những cái bóng đèn mờ mờ ở hành lang đã bật sáng. Tất cả các bóng đèn, tất cả các hành lang và các cánh cửa đều giống nhau. Chị gái góa bỗng phát hoảng, chỉ muốn thoát ra ngoài cho nhanh.
Theo đường tiến của hành lang, chị ta chạy mỗi lúc một nhanh. Nửa tiếng sau thì đã không thể dừng lại được nữa. Cửa các đoàn chủ tịch, các ban thư ký, các ban chấp hành công đoàn, các phòng tổ chức và các tòa soạn cứ ào ào lướt qua hai bên thân hình kềnh càng của chị ta. Dọc đường chạy, cái váy cứng của chị ta lật nhào những cái chậu đựng mẩu thuốc lá. Những cái chậu ấy cứ lăn cồng cộc theo gót chị ta. Ở những góc hành lang cắt nhau, tạo thành những đợt gió lốc và nước xoáy. Những cánh cửa thông gió đập rầm rầm. Những tờ giấy dán trên tường nửa bong nửa dính cứ đập soàn soạt vào người chị gái góa đáng thương.
Cuối cùng Gritsasueva lọt vào bệ cầu thang bên trong. Ở đây tối om, nhưng chị gái góa nén nỗi sợ hãi, chạy xuống dưới và xoay cánh cửa kính. Cửa bị khóa. Chị ta chạy bổ ngược trở lại. Nhưng cánh cửa mà chị ta vừa chạy qua vào đây cũng đã bị bàn tay chu đáo của ai đó khóa lại mất rồi.
Ở Mátxcơva người ta thích khóa các cửa.
Hàng ngàn cửa chính của các tòa nhà bị chặn bằng gỗ ván ở bên trong, và hàng trăm ngàn người phải chui đằng cửa hậu để vào phòng của mình. Năm mười tám đã trôi qua từ lâu, cái khái niệm lờ mờ “cướp đột nhập vào nhà” thời ấy cũng đã bị quên lãng, các tổ bảo vệ do từng gia đình cử ra để chống bọn cướp đã ngừng hoạt động từ lâu, vấn đề giao thông đường phố đã được giải quyết, những nhà máy điện lớn được xây dựng, những phát minh khoa học vĩ đại ra đời, nhưng vẫn không một ai cống hiến cuộc đời mình cho việc giải quyết vấn đề cánh cửa bị đóng im ỉm.
Ai sẽ giải quyết nổi câu đố của các rạp chiếu bóng, nhà hát, rạp xiếc?
Ba ngàn con người phải vào hết rạp xiếc trong vòng mười phút, qua một cái cửa độc nhất chỉ mở có một cánh. Mười cái cửa còn lại được làm riêng để những khối lớn khán giả ra vào, thì bị đóng chặt. Ai biết được tại sao chúng bị đóng chặt? Có lẽ cách đây 20 năm rạp xiếc bị mất cắp một con lừa thông thái, cho nên từ ngày ấy đến nay ban giám đốc rạp xiếc phải chặn hết các cửa ra vào thuận lợi để đề phòng chăng? Mà cũng có thể một ông vua không khí nổi danh bị trúng gió lùa hồi nào đó nên nay phải đóng cửa lại cho an toàn.
Ở các rạp hát và rạp chiếu bóng, người ta chỉ cho khán giả vào từng tốp nhỏ như để khỏi tắc nghẽn. Muốn khỏi tắc nghẽn thật quá dễ dàng, chỉ việc mở toang các cửa là xong. Thay vì làm việc ấy, ban giám đốc lại sử dụng sức mạnh. Các nhân viên của rạp ngoặc tay vào nhau tạo thành một hàng rào sống và bằng cách nào đó làm cho đám đông bị tắc nghẽn ít ra là phải nửa giờ đồng hồ. Thế nhưng những cái cửa, những cái cửa thiêng liêng, bị đóng thời Pie đệ nhất, đến nay vẫn cứ bị đóng chặt.
Mười lăm ngàn người mê bóng đá, bị kích thích bởi lối chơi cừ khôi của đội tuyển Mátxcơva, buộc phải chen vai thích cánh nhau leo lên tàu điện qua một cái khe, một cái khe hẹp đến nỗi chỉ cần một quân nhân có vũ trang sơ sài cũng đủ sức kìm chân ở đó bốn mươi ngàn tên giặc hung hăng.
Sân vận động không có mái, nhưng có vài cái cổng lớn. Chỉ mở một cái nhỏ xíu. Chỉ ra được bằng cách đun đẩy nhau tới lúc bật tung mấy cái cánh cửa ra. Sau mỗi trận đấu lớn, các cánh cửa đều bị bật tung. Nhưng để bảo vệ truyền thống thiêng liêng nào đó, sau mỗi lần người ta lại sửa lại cẩn thận và đóng thật chặt.
Nếu không có cách nào bố trí cửa (mà người ta thường làm cửa khi chẳng cần cửa làm quái gì cả) thì họ đưa ra đủ kiểu thay cửa như:
1 – Chướng ngại vật.
2 – Barie.
3 – Những cái ghế dài lộn ngược.
4 – Các tấm biển ngăn cách.
5 – Các dây thừng.
Ở các lối đi lớn trong các cơ quan đều thấy đặt các chướng ngại vật. Để ngăn cách khách tới gặp người cán bộ cần gặp ở cơ quan. Khách đến liên hệ cứ như con cọp đi dọc vật chướng ngại, cố gắng làm hiệu cho người ta chú ý đến mình. Không phải bao giờ việc ấy cũng đem lại kết quả. Biết đâu khách mang theo một sáng chế hữu ích! Mà cũng có thể là khác chỉ đến trả tiền thuế thu nhập thôi! Nhưng vật chướng ngại đã cản trở họ – thế là sáng chế nằm trong bóng tối, và khoản thu thuế không được nộp.
Các barie được đặt ngoài đường phố.
Người ta dựng barie vào mùa xuân, trên trục đường huyết mạch, dường như để ngăn đoạn vỉa hè đang cần sửa chữa. Thế là con đường lớn nhộn nhịp trong khoảnh khắc trở nên vắng tanh vắng ngắt. Khách bộ hành phải lần mò tới nơi cần thiết theo những con đường khác. Hàng ngày họ phải đi xa thêm hàng kilômét, song họ vẫn hy vọng mỏng manh rằng người ta sắp sửa xong vỉa hè và dỡ bỏ barie. Mùa hè đi qua. Rồi đến mùa lá rụng. Barie vẫn còn đó. Vỉa hè không sửa. Đường phố vẫn vắng tanh.
Những chiếc ghế lộn ngược chắn ngang lối vào các công viên của Mátxcơva, những công viên mà tốp thợ xây dựng đã quên không xây những cái cổng kiên cố (thật là một sự khinh suất!).
Về các tấm biển ngăn cách, có thể viết kín cả một quyển sách, nhưng việc này nằm ngoài kế hoạch của hai tác giả chúng tôi.
Các tấm biển này có hai loại: trực tiếp và gián tiếp.
Thuộc loại trực tiếp, có:

CẤM VÀO

 

NGƯỜI LẠ CẤM VÀO

 

KHÔNG ĐƯỢC ĐI QUA

Những tấm biển này thường được treo trước cửa các cơ quan có đông khách đến liên hệ.
Những tấm biển gián tiếp mới thật tệ hại. Chúng không ngăn cấm sự đi lại, nhưng hiếm ai dám liều lĩnh sử dụng quyền của mình. Đây, những dòng chữ nhơ nhuốc:

KHÔNG CÓ BÁO CÁO CHỚ VÀO

 

KHÔNG TIẾP KHÁCH

 

AI TỚI ĐÂY SẼ QUẤY RẦY NGƯỜI BẬN CÔNG TÁC

Ở nơi nào không thể dựng chướng ngại vật, barie, ghế dài lộn ngược hoặc không thể treo biển ngăn cách, thì ở đấy người ta buộc dây thừng. Dây thừng được chăng tùy hứng, tại những vị trí bất ngờ nhất. Nếu chúng chăng ở độ cao ngang ngực người, thì chỉ khiến người ta hơi hoảng hoặc cười khẩy vài tiếng. Còn nếu chúng chăng ngang mắt cá chân, thì cái dây thừng có thể làm cho người trở thành tàn tật.
Hãy mở rộng những cánh cửa đóng chặt! Hãy giải tỏa cảnh xếp hàng chen chúc khi đi vào rạp hát! Hãy cho phép chúng tôi bước vào không cần có báo cáo! Xin hãy dọn ngay chướng ngại vật mà ban quản trị nhà ở đã tùy hứng bố trí trên các lối đi! Hãy khiêng dọn những cái ghế dài lộn ngược, đem chúng vào kê trong công viên làm chỗ ngồi chơi buổi tối! Ngồi chơi trong công viên buổi tối mới thích làm sao! Không khí trong lành, và những ý nghĩ sáng suốt này sinh trong đầu!
Mađam Gritsasueva ngồi ở cầu thang cạnh cửa kính bị khóa kín, ngay giữa Nhà hữu nghị các dân tộc, suy nghĩ về số phận gái góa của mình, chốc chốc lại ngáp dài chờ trời sáng.
Ánh sáng vàng vọt từ phía hành lang hắt qua cửa kính rọi đến chỗ chị ta. Buổi sáng màu tro lọt qua các ô cửa cầu thang, cũng chiếu vào.
Giờ này rất yên tĩnh, vì bình minh còn non trẻ và trong lành. Đúng lúc ấy Gritsasueva nghe thấy tiếng bước chân trong hành lang. Chị ta liền đứng dậy, áp mặt vào cửa kính. Cuối hành lang chợt ánh lên màu áo gi lê xanh da trời. Đôi giày màu đỏ dính các vệt vôi quét tường. Cậu con trai của vị công dân quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ vừa đi vừa phủi bụi dính vào áo vét tông, tiến gần đến chỗ cửa kính.
– Suslie ơi! – chị gái góa gọi – Su-u-uslie!
Chị ta thở vào kính với sự âu yếm tột bực. Kính mờ ngay đi, nổi lên những vết cầu vồng. Trong sương mù và cầu vồng thấp thoáng các bóng ma xanh.
Ostap không nghe thấy tiếng cúc-cu của chị gái góa. Hắn xoa lưng và lắc lắc đầu. Chỉ một giây nữa hắn sẽ khuất vào chỗ rẽ.
Người vợ đáng thương vừa rên rỉ “Đồng chí Benđer ơi!” vừa gõ gõ ngón tay vào cửa kính. Vua mánh ngoảnh lại.
– A – hắn kêu lên khi biết mình được ngăn cách với ả gái góa bởi cánh cửa đóng chặt – nàng cũng ở đây ư?
– Em ở đây, em ở đây – chị ta mừng rỡ nhắc đi nhắc lại.
– Nàng hãy ôm ta đi, con chim câu bé nhỏ của ta, bao lâu nay chúng mình chẳng gặp nhau – giám đốc kỹ thuật chào mời.
Gritsasueva cuống lên. Chị ta cứ nhảy nhót bên kia cánh cửa như con chim chích trong lồng. Cái váy im lặng suốt đêm bây giờ lại sột sà sột soạt. Ostap dang tay như để ôm người yêu.
– Sao nàng không lại đây với ta, con gà mái ghẹ? Chú gà trống Thái Bình Dương của nàng đã quá mệt mỏi vì phải dự kỳ họp Hội đồng Tiểu dân ủy.
Chị gái góa mụ người đi.
– Suslie chàng ơi! – chị ta nài nỉ đến lần thứ năm – Mở cửa cho em với, đồng chí Benđer.
– Khẽ chứ, cô em! Cái đẹp của người phụ nữ là ở lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ. Sao cô em cứ nhảy như con choi choi ấy thế?
Gritsasueva nhăn nhăn nhó nhó.
– Sao cô khổ sở vậy? – Ostap hỏi – Kẻ nào làm tình làm tội cô thế?
– Anh bỏ em anh đi, bây giờ còn hỏi!
Và chị ta khóc hu hu.
– Lau nước mắt đi cô nàng. Mỗi giọt nước mắt của nàng là một phân tử trong vũ trụ.
– Em đợi chàng mòn con mắt, phải nghỉ bán hàng đi tìm chàng đây, đồng chí Benđer ơi!
– Thế bây giờ cô em sống ở cầu thang này thoải mái chứ? Có lạnh không?
Gritsasueva từ từ sôi dần như cái ấm samova của tu viện.
– Đồ phản bội! – chị ta rùng mình, hét to.
Ostap còn vài phút rảnh rỗi. Hắn bật ngón tay tanh tách, đung đưa người theo nhịp, khe khẽ hát:
Tình ta ôi ngang trái
Quỷ trỗi dậy trong lòng
Vòng tay ôm của gái
Thiêu đốt ngực đàn ông...
– Chó mày chết cháy đi. – Chị gái góa chúc hắn khi kết thúc điệu nhảy – Ăn cắp cả quà cưới của chồng người ta. Mày còn lấy cắp cái ghế đi nữa mà không biết nhục.
– Hình như cô em đổi cách xưng hô thì phải? – Ostap lạnh lùng nhận xét.
– Quân ăn cắp! Quân ăn cắp! – Gritsasueva quát lớn.
– Này cô gái hãy nhớ cho kỹ nhé: Ostap Benđer không bao giờ thèm ăn cắp.
– Thế đứa nào lấy cái lọc bã trà?
– Chà, cái lọc bã trà! Trong đám đồ đạc vô dụng của cô ấy ư? Cái ấy mà cô gọi là ăn cắp ư? Nếu vậy thì nhân sinh quan của chúng ta hoàn toàn trái ngược nhau.
– Thì gọi là thó vậy – Gritsasueva nói.
– Nghĩa là, nếu một thanh niên trẻ khỏe cầm nhầm của một mụ già ở tỉnh lẻ một đồ dùng mà mụ ta không cần đến nữa vì đã già yếu, thì gọi là ăn cắp phải không? Cô cho phép tôi hiểu như thế hả?
– Quân ăn cắp! Quân ăn cắp!
– Nếu vậy chúng ta phải chia tay thôi. Tôi đồng ý ly hôn.
Chị gái góa lao về phía cửa. Kính rung bần bật.
Ostap hiểu rằng đã đến lúc đi khỏi đây.
– Chả còn lúc nào để ôm hôn nữa – hắn nói – Vĩnh biệt em yêu! Chúng mình mỗi đứa một ngả, như hai con tàu trên biển.
– Cứu tôi với! Bắt lấy nó! – chị gái góa gào to.
Nhưng Ostap đã ra tới cuối hành lang. Hắn trèo lên bệ cửa sổ, nhảy ịch xuống mặt đất ẩm ướt vì trận mưa đêm qua và lẩn vào bãi tập luyện thể dục thể thao.
Nghe tiếng hét của Gritsasueva, người gác cổng tỉnh dậy. Anh ta thả nữ tù nhân ra sau khi dọa phạt tiền nếu còn tái phạm.