Dịch giả: Lê Khánh Trường
Chương 35
VÀ VÂN VÂN

     áng ra, hai nhân vật của chúng ta đã tới thành phố Cheboksar. Ostap thiu thiu ngủ bên tay lái. Ippolit thì vừa chèo vừa ngủ gật. Hơi lạnh ban đêm khiến cả hai run rẩy. Ở phía đông nở lớn những nụ hồng. Cái kính kẹp mũi của Ippolit sáng dần, lấp la lấp lánh, lần lượt in hình hai bờ sông. Ngọn đèn hiệu ở bờ bên trái bị cong gập trong mắt kính lõm từ hai phía. Cái vòm xanh của Cheboksar trôi như những con tàu. Vườn cây phía đông mở rộng. Các nụ hồng biến thành núi lửa và bắt đầu phun ra những dòng phún thạch đủ màu. Bầy chim trên bờ trái đua nhau cãi cọ ầm ĩ. Cái gọng vàng của chiếc kính chợt bừng lên, chiếu vào đại kiện tướng. Mặt trời đã mọc.
Ostap mở mắt, duỗi người, vặn khớp xương kêu răng rắc, làm con thuyền chòng chành.
– Chào ông Kisa – hắn cố nén cái ngáp, nói – Tôi đến để chào ông, và kể rằng mặt trời đã mọc, rằng không hiểu sao mới sáng ra trời đã nóng như nung...
– Đến bến tàu rồi – Ippolit báo cáo.
Ostap lấy cuốn tài liệu địa phương chí ra xem.
– Chắc đây là Cheboksar. Thử xem nào...
Chúng tôi chú ý đến một thành phố rất đẹp nằm trên bờ sông. Đó là Cheboksar...
– Kisa, thành phố này có đẹp thật không?
Hiện nay Cheboksar có 7702 người dân.
– Kisa, tôi với ông hãy bỏ phắt cuộc săn tìm kim cương, để tăng dân số Cheboksar lên bảy ngàn bảy trăm lẻ bốn người. Đồng ý chứ? Ép-phê ra phết... Ta sẽ mở một cửa hàng kinh doanh món gì đó và sẽ có những miếng bánh mì thật to... Nào, xem sách viết gì.
Xây dựng từ năm 1555, thành phố đến nay vẫn còn nguyên mấy nhà thờ rất đẹp. Ngoài các cơ quan hành chính của nước cộng hòa Truvasơ, ở đây có: một khoa công nhân, một trường Đảng, một trường trung học sư phạm, hai trường cấp hai, một nhà bảo tàng, một hội nghiên cứu khoa học và một thư viện. Ở bến tàu Cheboksar và ngoài chợ, ta có thể gặp những người Truvasơ và Treremis qua hình thức nổi bật của họ...
Nhưng trước khi cặp bến để gặp những người Truvasơ và Treremis, hai người nhìn thấy một vật đang trôi phía trước con thuyền.
– Ghế! Ostap kêu to – Kisa, chiếc ghế của chúng mình đang trôi kìa.
Họ cho thuyền bơi lại bên chiếc ghế. Nó đang đung đưa, quay tròn, khi nổi lên, lúc chìm xuống né tránh hai thành viên hợp đồng. Nước chui vào đầy cái bụng rỗng của nó.
Đây là chiếc ghế đã bị rạch bụng trên tàu “Skriabin” và lúc này đang trôi ra biển Caspi.
– Chúa thật! – Ostap nói – Lâu lắm mới gặp lại nó. Kisa, ông biết không, chiếc ghế này làm cho tôi nghĩ đến cuộc đời của chúng mình. Chúng mình cũng đang xuôi dòng như nó. Người ta muốn dìm chết ta, ta vẫn ngoi lên, tuy điều đó chẳng làm ai vừa ý. Chả ai yêu thương ta, trừ Bộ luật hình sự, mà bộ luật ấy cũng chẳng thương gì ta. Không ai muốn dính dáng với ta. Giả sử tối qua đám kỳ thủ Vasiuki dìm chết tôi với ông, thì người ta chỉ còn biết về tôi với ông qua biên bản khám nghiệm tử thi: “Cả hai cái xác đều nằm, đầu chỉ hướng tây bắc, chân chỉ hướng đông nam. Trên người có nhiều vết thương có lẽ bị đánh bằng vật không nhọn”. Chắc bọn Vasiuki sẽ dùng bàn cờ để đập chúng mình. Cái bàn cờ là vật không nhọn mà... Cái xác thứ nhất là một người đàn ông trạc năm mươi tuổi, mặc chiếc áo vét rách rưới, quần dài và ủng đều tã. Trong túi áo khoác có thẻ căn cước mang tên Konđrat Karlovich Mikhelson... Đấy, người ta sẽ viết về ông như thế đấy, Kisa ạ...
– Thế còn anh thì sao? – Ippolit giận dữ hỏi.
– Ồ! Về tôi họ sẽ viết khác hẳn. Đại loại như sau: “Cái xác thứ hai là của một thanh niên khoảng hai mươi bảy tuổi. Người này đã yêu và đã đau khổ. Anh ta yêu tiền và đau khổ vì thiếu tiền. Cái đầu anh ta có vầng trán cao, với vài món tóc đen nhánh xõa xuống trán, hướng mặt về phía mặt trời. Hai bàn chân tuyệt đẹp của anh ta, đi cỡ giày bốn mươi hai, hướng về phía bắc cực quang. Xác được che bằng bộ quần áo trắng sạch bong, trên ngực đeo một cái đàn hạc bằng vàng có khảm ngọc trai và một câu trong bản tình ca ‘Vĩnh biệt quê mới’. Người thanh niên này làm nghề khắc nóng trên gỗ, xét qua tấm thẻ căn cước tìm thấy trong túi áo, cấp ngày 23 tháng tám năm 1924, No 86/1562 tại xưởng thủ công ‘Pegas và Parnas’”. Và ông Kisa ạ, tôi sẽ được chôn cất tử tế, có dàn nhạc hẳn hoi, có điếu văn, và trên bia mộ sẽ đề: “Nơi đây yên nghỉ cán bộ kỹ thuật nhiệt Ostap-Suleiman-Berta-Maria Benđer Bei, mà người cha là một công dân quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ khi chết đi không để lại cho cậu con trai Ostap-Suleiman của mình chút tài sản gì. Mẹ của anh thanh niên quá cố là bá tước và vốn sinh sống bằng thu nhập không chính đáng”.
Vừa nói chuyện như thế, chiếc thuyền của hai người đã cặp vào bờ Cheboksar.
Buổi tối, sau khi tăng thêm năm rúp vào lưng vốn nhờ bán chiếc thuyền thuê ở Vasiuki, hai người xuống chiếc tàu thủy “Uritski” để đi Stalingrat, với dự kiến sẽ đến đó trước nhà hát Kolumbo vì tàu “Skriabin” chạy rất chậm.
“Skriabin” tới Stalingrat vào đầu tháng bảy. Hai nhân vật của ta ra nấp ở các kiện hàng trên bến và đón chờ nó. Trước khi lên bờ, người ta tổ chức một cuộc quay số có thưởng rất lớn dưới tàu.
Phải chờ gần bốn giờ đồng hồ mới thấy ba cái ghế. Đầu tiên các diễn viên nhà hát Kolumbo và các nhân viên quay số lên bờ trước. Khuôn mặt Persitski nổi bật trong đám họ.
Ngồi ở chỗ phục kích, hai thành viên hợp đồng nghe rõ tiếng ông ta nói:
– Vâng, tôi đi Mátxcơva tức khắc! Tôi đã đánh đi một bức điện! Và các bạn có biết nội dung thế nào không? “Vui với tất cả”. Mặc họ đoán già đoán non!
Sau đó Persitski leo lên một chiếc ô tô cũ (ông ta đã đi vòng quanh xe xem xét và sờ mó vào hộp tản nhiệt thật kỹ). Chiếc xe chạy đi và không rõ vì sao người ta tiễn nó bằng tiếng “u-ra”.
Sau khi cái máy nén thủy lực được đưa lên bờ, người ta bắt đầu chuyển các dụng cụ trang trí của nhà hát Kolumbo. Lúc ba chiếc ghế được bưng ra, trời đã nhá nhem tối. Người ta chất tất cả đồ đạc lên năm cái xe và vui vẻ phóng thẳng đến ga xe lửa.
– Hình như họ không biểu diễn ở Stalingrat, – Ippolit nói.
Điều đó khiến Ostap lo ngại.
– Phải bám theo họ – hắn quyết định – mà tiền đâu mua vé bây giờ? Thôi, ta cứ đi ra ga, sau hãy hay.
Tới ga, mới biết rằng nhà hát đi Piatigorak qua ngả Tikhoretskaia – Nước khoáng. Hai thành viên hợp đồng chỉ đủ tiền mua một chiếc vé.
– Ông có biết cách đi tàu lậu vé không? – Ostap hỏi Ippolit.
– Để tôi thử xem vậy – Ippolit lưỡng lự trả lời.
– Quỷ tha ông đi! Tốt hơn là ông chớ có thử! Tôi tha cho ông lần này nữa. Vậy là tôi phải đi trốn vé.
Một chiếc vé ở toa ghế cứng được mua cho Ippolit. Ông ta đáp tàu tới ga “Nước khoáng” của tuyến đường sắt Bắc Cápcadơ, một nhà ga bày nhiều chậu cây trúc đào, cố không chạm trán với các diễn viên nhà hát Kolumbo lúc họ xuống ga, và bắt đầu đi tìm Ostap.
Nhà hát đã chuyển tàu đi Piatigorak bao nhiêu lâu rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng Ostap đâu cả. Mãi chiều tối hắn mới tới và thấy Ippolit đang ở trong trạng thái cực kỳ hoang mang.
– Anh ở đâu vậy? – vị đô thống rên lên – Tôi đến là khổ sở!
– Ông khổ sở vì được ung dung đáp tàu với chiếc vé trong túi hả? Còn tôi sướng lắm phải không? Vậy là không phải tôi bị người ta đuổi khỏi chuyến tàu của ông ở ga Tikhoretskaia chăng? Vậy là không phải tôi bị ngồi ở ga đó suốt ba tiếng đồng hồ như một thằng ngốc, chờ chuyến tàu hàng chở toàn vỏ chai nước khoáng chắc? Ông là con lợn, ông đô thống ạ! Nhà hát đâu rồi?
– Họ đã đi Piatigorak
– Thì ta đi thôi. Tôi đã kiếm được ba rúp dọc đường. Tuy không nhiều nhặn gì, nhưng cũng đủ để mua vé và uống nước để cầm hơi.
Chuyến tàu chở khách đi nghỉ cuối tuần sau năm mươi phút đã đưa hai nhân vật của chúng ta đến Piatigorak. Họ đi ngang qua Zmeika và Beshtau tới chân núi Mashuk.