Dịch giả: Lê Khánh Trường
Chương 37
DƯỚI NHỮNG ĐÁM MÂY

     a ngày sau cuộc trao đổi tiền – ghế giữa hai nhân vật của chúng ta với thợ điện Mechnikov, nhà hát Kolumbo đáp tàu lửa đi qua Makhachkaia và Bacu. Suốt ba ngày đó, không hài lòng về bộ ruột của hai chiếc ghế bị phanh phui trên đỉnh núi Mashuk, Ostap và Ippolit chờ đợi Mechnikov mang đến chiếc ghế thứ ba cũng là chiếc cuối cùng của nhà hát Kolumbo. Nhưng Mechnikov quá khổ sở vì món nước suối, đã quẳng cả hai chục rúp mua rượu vốtca và lâm vào tình trạng bị cấm cung trong sân khấu.
Biết tin nhà hát đã lên đường, Ostap nói:
– Tác dụng của suối khoáng thế đấy! Lão thợ điện thật là quân chó má! Từ rày thì kiềng mặt bọn nhân viên nhà hát nhé!
Ostap có vẻ tất bật hơn trước kia. Khả năng thành công trong vụ săn tìm kho báu đã tăng lên mức cao nhất.
– Phải có tiền đi Vlađikavkaz – hắn nói – Từ đây mình sẽ đến Tiflis bằng ô tô theo đường Quân đội Grudia. Cảnh vật ở đấy hết sức hữu tình! Thiên nhiên hùng vĩ! Không khí vùng núi cứ gọi là khỏi phải chê! Và kết quả là một trăm năm chục ngàn rúp không hào không xu. Vụ này cần được tiếp tục.
Nhưng lên tàu rời khỏi Piatigosak không phải dễ. Ippolit không biết cách đi tàu lậu vé, thành thử mọi cố gắng của ông ta nhằm lên tàu đều uổng công vô ích. Ông đành sắm vai cựu thanh tra học đường ra đứng ăn xin ở “Vườn Hoa”. Kết quả chẳng là bao. Sau mười hai giờ đồng hồ lao động nặng nhọc và nhục nhã, chỉ được bố thí hai rúp. Tuy nhiên số tiền ít ỏi ấy cũng đủ để mua vé đi Vlađikavkaz. Còn Ostap thì đi lậu.
Đến ga Beslan, Ostap bị đuổi xuống. Vua mánh đã chạy theo đoàn tàu đến năm cây số, vừa chạy vừa giơ nắm đấm dọa Ippolit là kẻ chẳng có tội tình gì.
Sau đó Ostap nhảy lên được bậc toa của một chuyến tàu chạy chầm chậm về phía dãy núi Kavkaz. Đứng ở đó Ostap tha hồ tò mò đưa mắt ngắm toàn cảnh dãy núi Kavkaz trải rộng trước mặt hắn.
Lúc ấy chừng hơn ba giờ sáng. Các đỉnh núi trọc đã hồng lên ánh bình minh. Ostap không thích núi non.
– Toàn chóp nhọn là chóp nhọn – hắn nói – Đẹp man rợ. Chả ra cái đếch gì.
Cạnh ga Vlađikavkaz, một chiếc xe buýt của công ty công nghệ phẩm Zakavkaz mở rộng cửa chờ khách và có tiếng chào mời dịu dàng:
– Ai muốn đi trên con đường Quân đội Grudia, chúng tôi xin chở giúp không lấy tiền.
– Đi đâu thế, Kisa? – Ostap nói – Lên xe buýt kia mà. Không mất tiền, tội gì không đi.
Khi xe buýt chạy đến văn phòng công ty công nghệ phẩm để hành khách đăng ký vé đi tiếp, Ostap không vội làm việc đó. Hắn giả vờ mải trò chuyện với Ippolit, mải ngắm đỉnh núi Stolovaia ôm mây và nhanh chóng lẩn mất.
Họ phải ngồi ở Vlađikavkaz mấy ngày. Nhưng mọi cố gắng xoay tiền để đi xe vượt con đường Quân đội Grudia hoặc hoàn toàn không đem lại kết quả, hoặc chỉ đủ mua đồ ăn. Ý đồ móc túi mỗi công dân mười côpếch mới cho họ ngắm cảnh dãy núi Kavkaz là không thực tế, vì dãy núi này quá cao và quá rõ, chả phải qua cửa nào. Về dòng sông Terek chảy qua cửa “Trek” thì thành phố đã thu tiền vé vào xem của khách mà không cần nhờ sự giúp đỡ của Ostap. Ippolit đi ăn mày hai ngày chỉ được có ba mươi côpếch.
– Thôi đủ rồi – Ostap nói – chỉ còn một lối thoát là cuốc bộ đến Tiflis. Trong năm ngày chúng mình sẽ đi được ba trăm cây số. Không sao, ta sẽ được thưởng thức phong cảnh hữu tình và không khí trong lành của vùng núi, ông bạn thân mến ạ!... Chỉ cần tiền mua bánh mì và món Kolbasa. Ông có thể thêm vào vốn từ ăn xin vài câu tiếng Italia, câu gì cũng được, miễn là đến tối ông phải mang về đây ít nhất hai rúp! Trưa nay chúng ta sẽ nhịn, đồng chí thân mến ạ! Than ôi! Khả năng thành đạt sao mà ít ỏi!...
Sớm hôm sau họ vượt qua chiếc cầu nhỏ bắc ngang sông Terek, vòng quanh khu doanh trại quân đội và tiến sâu vào một thung lũng xanh tươi – con đường Quân đội Grudia chạy trên thung lũng này.
– Chúng mình gặp may đấy, ông Kisa ạ – Ostap nói – đêm qua mưa nên bây giờ khỏi phải nuốt bụi. Ông hãy hít không khí trong lành cho thật căng lồng ngực vào. Hãy hát lên. Hãy nhớ lại những bài thơ Kavkaz. Hãy tươi tỉnh một chút!
Nhưng Ippolit không hát và không nhớ lại các vần thơ. Đường lên dốc. Những đêm ngủ ngoài trời gợi nhớ đến cái đau trẹo sườn, cái mỏi nhừ dưới chân, còn món Kolbasa dỏm thì thà không ăn còn hơn. Ippolit bước đi không vững, tay ôm chiếc bánh mì gối nặng năm funt bọc trong tờ báo Vlađikavkaz, chân bên trái gần như phải lết.
Lại đi bộ! Lần này đến Tiflis, lần này đi trên con đường đẹp nhất thế giới. Ippolit chẳng thiết gì nữa. Ông ta không nhìn ngắm xung quanh như Ostap. Ông ta hoàn toàn chẳng buồn để ý tới dòng sông Terek đang bắt đầu chảy như thác dưới đáy thung lũng. Và chỉ những đỉnh núi đóng băng lấp lánh ánh mặt trời mới làm cho ông ta lờ mờ thấy lúc thì giống các viên kim cương, lúc thì như những cái quan tài trang trí đẹp nhất của lão thợ Bejentruc.
Từ Balta trở đi con đường đi vào khe núi hẹp, men giữa những khối đá đen thẳng đứng. Con đường xoắn ốc lên trên, và buổi tối hôm đó hai người đã lên tới trạm Lara, ở độ cao một ngàn mét so với mặt biển.
Họ ngủ đêm trong một tiệm ăn nghèo, không phải trả tiền trọ, thậm chí còn được cho mỗi người một cốc sữa vì đã làm cho ông chủ tiệm và khách của ông ta thích thú bằng các trò ảo thuật cờ bạc.
Sáng hôm sau trời đẹp đến nỗi Ippolit tỉnh người ra vì không khí vùng núi, bước đi tươi tỉnh hơn ngày hôm qua. Ngay sau trạm Lara nổi lên bức thành hùng vĩ của dãy núi Bokovoi. Lũng sông Terek khép lại thành một vùng rất hẹp. Phong cảnh kém xanh tươi dần, còn các chữ viết trên các tảng đá thì nhiều vô kể. Ở chỗ các tảng đá chìa ra, gần như đè bẹp dòng chảy của Terek, nơi chiếc cầu bắc qua sông chỉ dài chừng mươi xagien (1), hai nhân vật của chúng ta thấy nhiều chữ đề trên các tảng đá đến nỗi Ostap quên cả cảnh tượng hùng vĩ của khe núi Đarial, hét to lên cố át đi tiếng nước chảy ầm ầm của dòng Terek.
– Những con người vĩ đại thay! Ngài đô thống hãy nhìn kìa. Ông thấy chưa, Kisa? Chỗ cao hơn đám mây và thấp hơn con chim ưng một chút kia kìa! Dòng chữ “Kolia và Mika, tháng 7 năm 1914”. Một cảnh tượng khó quên! Ông hãy lưu ý cách trình bày đầy tính nghệ thuật! Mỗi chữ cái cao một mét và được viết bằng sơn dầu hẳn hoi! Hỡi Kolia và Mika, hiện giờ các vị ở đâu? Ông Kisa này – Ostap nói tiếp – chúng mình cũng nên lưu danh muôn thuở ở đây đi. Mình phải đè đầu lão Mika xuống. Tôi có mang theo cục phấn đây! Bây giờ tôi sẽ leo lên viết mấy chữ “Kisa và Osia đã từng ở đây”.
Và chẳng cần suy nghĩ, Ostap đặt ngay món Kolbasa dự trữ xuống cạnh bức tường ngăn cách con đường với vực sông Terek sôi sục ở bên dưới, bắt đầu leo lên tảng đá.
Ippolit lúc đầu theo dõi vua mánh leo lên cao, nhưng sau đó ông ta quay lại ngắm nhìn cái nền của lâu đài Tamara còn lưu dấu vết trên một phiến đá giống hình răng ngựa.
Lúc ấy, cách đấy ba kilômét, từ phía Ippolit, cha Fêđor tiến vào khe núi Đarial. Cha bước đều chân như một người lính, cặp mắt kim cương quả quyết nhìn thẳng về phía trước, tay chống một chiếc ba-toong.
Với số tiền cuối cùng, cha Fêđor đáp xe đến Tiflis và bây giờ đang cuốc bộ trở về thị trấn quê hương, vừa đi vừa ăn xin dọc đường. Khi qua đèo Cây Thập tự (cao 2345 mét so với mặt biển) cha bị một con chim ưng sà xuống mổ. Cha phải dùng ba-toong xua đuổi con chim dữ để đi tiếp.
Cha đi, mây vờn quanh người cha, miệng cha lẩm bẩm:
– Không phải mưu cầu lợi lộc gì, tôi chỉ làm theo ý muốn của bà vợ đã phái tôi đi!...
Khoảng cách giữa hai kẻ thù ngắn dần. Sau khi vượt qua một khúc quanh, cha Fêđor tiến thẳng về phía một ông già đeo kính kẹp mũi gọng vàng.
Khe núi như đổ sụp trước mắt cha Fêđor. Dòng Terek ngừng bặt tiếng gầm ngàn đời của nó.
Cha Fêđor đã nhận ra Ippolit Vorobjaninov. Sau thất bại khủng khiếp ở Batum, sau khi mọi hy vọng đều sụp đổ, một khả năng mới về sự chiếm đoạt kim cương lại tác động mạnh tới cha Fêđor.
Cha chộp ngay lấy cái yết hầu lồ lộ của Ippolit, bóp chặt các ngón tay và gầm lên, giọng khản đặc:
– Mày giấu kho báu của bà mẹ vợ bị mày giết ở đâu?
Ippolit hoàn toàn bị bất ngờ, không thốt ra được một tiếng, lồi hai mắt ra tới mức chúng gần như chạm vào cái kính kẹp mũi.
– Nói đi! – cha Fêđor ra lệnh – Xưng tội đi, quân tội lỗi.
Ippolit cảm thấy nghẹn thở dần.
Lúc ấy cha Fêđor đang đắc thắng, chợt trông thấy Ostap từ trên tảng đá tụt xuống. Vị giám đốc kỹ thuật vừa tụt vừa hát to:
Sóng sủi ngầu sủi bọt
Đập mãi vào đá xám...
Nỗi sợ hãi ghê gớm bóp nghẹt trái tim cha Fêđor. Tay cha vẫn nắm chặt yết hầu ngài đô thống như một cái máy, nhưng đầu gối cha đã bủn rủn.
– Ai đấy nhỉ? – Ostap thân ái hỏi to – A, tổ chức cạnh tranh!
Cha Fêđor không dám chần chừ. Theo bản năng cao quý, cha chộp ngay lấy món Kolbasa và cái bánh mì của đối thủ rồi bỏ chạy.
– Đồng chí Benđer ơi, hãy giần cho nó một trận! – Ippolit vừa thở hổn hển, vừa gọi.
– Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!
Ostap huýt sáo đuổi theo:
– Chịu – chịu! Kịch chiến trên kim tự tháp, hoặc Benđer đi săn thú! Chạy đi đâu thế, ông bạn hàng? Xin mời ông mua một chiếc ghế đã moi ruột tử tế!
Cha Fêđor không chịu đựng nổi nỗi gian truân của sự săn đuổi, bèn leo lên một tảng đá dựng đứng. Sức mạnh đẩy cha lên chính là quả tim đang thót lên đến tận cổ và cảm giác buồn buồn dưới gót chân, một cảm giác chỉ những thằng hèn mới biết. Hai chân tự nó tách khỏi mặt đá hoa cương và nâng chủ của nó lên cao.
– U-u-u! – Ostap đứng dưới hét. Bắt lấy nó!
– Nó cướp mất thức ăn của ta rồi! – Ippolit gào to, chạy đến chỗ Ostap.
– Đứng lại, lão già kia! – Ostap quát lớn – Ta bảo lão đứng lại kia mà.
Nhưng câu nói ấy chỉ tăng thêm sức lực cho cái thể xác đã mệt lử của cha Fêđor. Cha vẫn cứ leo và sau mấy bước chân cuối cùng đã vọt lên chỗ cao hơn dòng chữ cao nhất tới hàng chục xagien.
– Trả món Kolbasa đây! – Ostap gọi – Trả ta món Kolbasa đây, đồ ngốc! Ta sẽ tha thứ hết.
Cha Fêđor không còn nghe thấy gì nữa. Cha đã đứng trên một chỗ bằng phẳng mà từ xưa đến nay chưa một người nào leo lên nổi. Nỗi kinh sợ xâm chiếm lòng cha. Cha hiểu rằng cha không tài nào tụt xuống được nữa, vì phiến đá trơn tuột và gần như dựng đứng. Cha nhìn xuống bên dưới. Ở đấy Ostap đang chạy nhào lên tức giận, và cái gọng vàng của chiếc kính kẹp mũi của Ippolit lấp lánh. Cha gọi to:
– Cho tôi xuống với, tôi xin trả lại món Kolbasa!
Đáp lại chỉ có tiếng dòng Terek chảy ầm ầm và những âm thanh là lạ từ phía lâu đài Tamara. Đấy là nơi cư ngụ của bầy cú.
– Cứu tôi xuống vớ-ới-ới! – Cha Fêđor gọi thảm thiết.
Cha nhìn rõ mọi động tác của hai đối thủ. Chúng chạy đi chạy lại bên dưới tảng đá và nhìn cử chỉ, có thể đoán chúng đang chửi tục.
Một giờ sau, cha Fêđor nằm sấp bụng, cúi đầu xuống và thấy Ostap cùng Ippolit bỏ đi về phía đèo Cây Thập tự.
Đêm xuống nhanh. Trong bóng tối đen đặc và tiếng gầm đáng sợ ngay dưới chân mây, cha Fêđor nằm khóc nức nở, người run lẩy bẩy. Giờ này cha chẳng cần gì những kho báu dưới trần nữa. Cha chỉ còn muốn mỗi một điều: xuống được dưới đất. Đêm ấy, đôi lúc cha rú lên át cả tiếng nước sông Terek chảy như thác. Sáng ra, sau khi được trợ lực bằng món Kolbasa và bánh mì, cha cười man rợ như quỷ satăng ở trên đầu những chiếc xe ô tô chạy dưới đường. Cả ngày cha nằm lặng ngắm các quả núi và thiên thể – mặt trời. Đêm thứ hai, cha mơ thấy hoàng hậu Tamara, từ lâu đài của mình nàng bay sang đây và kiểu cách nói:
– Ta sẽ là láng giềng của nhau nhé.
– Mẹ ơi! – cha Fêđor dịu dàng đáp – Không phải tôi mưu cầu lợi lộc gì...
– Ta biết, ta biết – hoàng hậu nhận xét – chỉ là để thực hiện ước nguyện của người vợ đã phái ngươi đi.
– Sao hoàng hậu biết ạ? – Cha Fêđor ngạc nhiên.
– Ta biết chứ. Sang ta chơi nhé, ông bạn láng giềng. Ta sẽ chơi bài sáu sáu với nhau, bằng lòng chứ?
Hoàng hậu cười phá lên rồi bay đi, câu nói đùa còn văng vẳng giữa trời đêm.
Ngày thứ ba, cha Fêđor bắt đầu giảng đạo cho các loài chim. Không hiểu sao cha lại khuyên chúng theo thuyết Lute.
– Chim chóc ơi! – cha dịu dàng bảo chúng – các ngươi hãy công khai thú nhận tội lỗi của mình đi!
Ngày thứ tư, cha Fêđor đã thành đối tượng của những khách tham quan ở phía dưới. Mấy cán bộ hướng dẫn dày kinh nghiệm nói:
– Bên phải là lâu đài Tamara. Còn bên trái có một người đứng ngắm cảnh. Người ấy sống bằng gì và làm thế nào lên được đó đến nay vẫn chưa ai biết.
– Dân vùng núi man rợ thật! – Khách tham quan tỏ ý ngạc nhiên.
Những đám mây bay tới. Lũ chim ưng quần tụ trên đầu cha Fêđor. Một con táo tợn nhất dám đánh cắp miếng Kolbasa còn lại và lúc vỗ cánh bay lên đã làm cho một funt rưỡi bánh mì văng xuống dòng sông Terek ngầu bọt.
Cha Fêđor giơ một ngón tay dọa con chim ưng, mỉm cười rạng rỡ, thì thầm:
Chim thần không hề biết
Lo nghĩ và làm việc
Chẳng bao giờ tất bật
Xây tổ ấm lâu dài
Chim ưng liếc nhìn cha Fêđor, kêu mấy tiếng “Ku-ku-ro-ku” rồi bay đi.
– Ôi, chim ưng, chim ưng, mi là đồ hư đốn!
Mười ngày sau từ Vlađikavkaz một đội cứu hỏa đem theo thiết bị cần thiết tới đây và cứu cha Fêđor đem xuống.
Khi người ta khiêng cha xuống, cha vừa vỗ tay vừa hát thều thào:
Và em sẽ là bà hoàng hậu của thế gian
Người bạn gái suốt đời của ta!
Và núi Kavkaz nghiêm nghị nhắc lại nhiều lần lời thơ của M.Iu. Lermontov với nhạc của A. Rubinstein.
– Không phải mưu cầu lợi lộc – cha Fêđor nói với viên đội trưởng cứu hỏa, – mà chỉ vì...
Người ta dùng thang cứu hỏa chở vị cố đạo cười nhăn nhăn nhở nhở tới bệnh viện tâm thần.

 

Chú thích:
(1) Đơn vị đo lường của Nga. 1 xagien = 3 ác sin = 2,13m