Dịch giả: Lê Khánh Trường
Chương 39
KHO BÁU

     ột ngày mưa gió cuối tháng Mười, Ippolit Matveevich chỉ bận chiếc áo gilê lấm tấm các ngôi sao trắng, không mặc áo vét, đang bận rộn làm việc trong căn phòng của Ivanopulo. Cho đến giờ ở đây vẫn chưa có bàn, nên Ippolit phải tì lên bậu cửa sổ. Vua mánh có nhận đơn đặt hàng lớn về khoản trang trí nghệ thuật cho các tấm biển địa chỉ của Hội nhà đất. Việc kẻ biển theo khuôn khổ Ostap giao cho Ippolit, còn đích thân hắn thì suốt một tháng ròng, kể từ hôm quay về Mátxcơva, cứ quanh quẩn ở khu vực nhà ga Oktiabrơ, kiên quyết lần cho ra dấu vết của chiếc ghế cuối cùng, là chiếc ghế chắc chắn giấu trong lòng nó những viên kim cương của mađam Petukhova.
Ippolit nhăn trán kẻ các tấm biển bằng sắt theo khuôn khổ. Sau nửa năm săn tìm kim cương, ông ta đã đánh mất các thói quen của mình.
Đêm đêm Ippolit mơ thấy những dãy núi, những băng biểu ngữ transparant quái đản, thấy Iznurenkov bay lượn trước mặt mình, thấy những con thuyền lật úp, thấy cảnh người chết đuối, gạch từ trên trời đổ xuống, đất nứt toác và tung lớp bụi xám vào mắt ông ta.
Ostap hàng ngày ở bên cạnh Ippolit, không nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào ở ông ta. Song thật ra Ippolit thay đổi rất ghê gớm. Dáng dấp ông ta không còn như trước, ánh mắt cũng trở nên man rợ, bộ ria được nuôi cũng không song song với mặt đất như xưa, mà vểnh ngược lên như râu mèo già. Ippolit còn thay đổi cả nội tâm nữa. Trong tính cách ông ta xuất hiện những nét quả quyết và tàn ác mà xưa kia chưa từng có ở ông. Ba sự việc dưới đây đã dần dần tạo nên ở ông những cảm xúc mới: cái may mắn thoát khỏi trận đấm đá của giới kỳ thủ Vasiuki, ngày đầu tiên làm kẻ ăn mày ở “Vườn Hoa” tại thành phố Piatigosak, và cuối cùng là trận động đất (mà sau đó Ippolit bị thương nhẹ và nuôi lòng căm hận thầm kín đối với anh bạn đồng hành Ostap).
Thời gian gần đây càng ngày Ippolit càng hay ngờ vực. Ông ta sợ rằng Ostap sẽ một mình moi ruột ghế lấy hết kho báu và trốn đi, bỏ mặc ông ta cho số phận trớ trêu. Mà nói thẳng sự ngờ vực ra thì Ippolit không dám, vì ông ta biết rõ tính cách cương quyết và quả đấm nặng cân của Ostap. Hàng ngày ngồi bên cửa sổ dùng lưỡi dao manh-xơ-lam cùng tỉa tót các chữ cái đã khô sơn cho gọn ghẽ, Ippolit rất nóng ruột. Ngày nào ông cũng sợ Ostap không trở về nhà, và ông ta sẽ chết đói ở căn phòng chật hẹp, ẩm thấp này.
Nhưng tối nào Ostap cũng về, mặc dù hắn không đem theo tin gì đáng mừng. Sinh lực và sự vui vẻ của hắn quả là vô tận. Hy vọng không phút nào từ bỏ hắn.
Ngoài hành lang chợt vang lên tiếng chân người chạy hối hả, có ai đá vấp mạnh vào chiếc két sắt đánh sầm một cái, rồi cánh cửa gỗ dán mở toang ra nhẹ như một trang sách bị gió lật. Vua mánh đứng sừng sững ở ngưỡng cửa. Người hắn ướt như chuột lột, hai má đỏ như mận chín, hơi thở hổn hển.
– Ippolit Matveevich! – Ostap gọi to – Ippolit Matveevich!
Ippolit kinh ngạc. Chưa bao giờ tay giám đốc kỹ thuật gọi tên và chữ đệm của ông ta đầy đủ như vậy. Và ông ta chợt hiểu...
– Có hả? – Ippolit nghẹn ngào hỏi.
– Tất cả là ở chữ “có” ấy đấy. Chà, Kisa, quỷ tha ma bắt ông đi!
– Đừng kêu tướng lên như thế, người ta nghe thấy mất.
– Đúng, đúng, người ta có thể nghe thấy mất – Ostap nói nhỏ, thật nhanh – Có, ông Kisa ạ, có, và nếu ông muốn, tôi có thể chỉ chỗ cho ông ngay bây giờ. Nó đang ở câu lạc bộ công nhân đường sắt, câu lạc bộ mới xây... Khánh thành ngày hôm qua... Làm cách nào tôi tìm ra ấy à? Chuyện vớ vẩn ư? Cực kỳ khó khăn đấy! Một kiểu tổ chức công việc thiên tài, được thực hiện xuất sắc từ đầu đến cuối! Một sự mạo hiểm chưa từng thấy!... Tóm lại là hết sảy!
Không đợi Ippolit mặc xong áo vét, Ostap đã chạy ra hành lang. Ippolit đuổi kịp vua mánh ở cầu thang. Cả hai vừa hồi hộp trao đổi với nhau, vừa chạy trên các đường phố ướt át dẫn tới quảng trường Kalachep. Họ thậm chí cũng không nghĩ rằng có thể đáp tàu điện đến đó.
– Ông ăn mặc như một lão thợ giày ấy! – Ostap vui vẻ nói – Ai lại ăn mặc như thế ra đường bao giờ? Lẽ ra ông phải thắng bộ đồ là thẳng nếp, đi bít tất lụa và dĩ nhiên đội mũ lễ mới đúng. Ông là đại diện cho một cái gì đó cao quí! Này, quả thực trước kia ông giữ chức đô thống quý tộc à?
Sau khi chỉ cho ngài đô thống thấy chiếc ghế đặt ở căn phòng của ban cờ quốc tế và có hình dáng đúng là kiểu ghế Hambx thông thường (tuy chứa đựng trong lòng nó kho báu vô giá), Ostap kéo Ippolit ra hành lang. Ở đây không có ai. Ostap tiến lại chỗ cái cửa sổ chưa kịp trám kín khe hở (để phòng lạnh mùa đông) và gỡ cả hai khung kính ra khỏi chốt (1). Hắn nói:
– Chúng mình có thể dễ dàng chui qua cửa sổ này vào trong câu lạc bộ vào bất cứ giờ nào đêm nay. Ông nhớ kỹ nhé, cửa sổ thứ ba tính từ lối cổng chính.
Hai người còn lang thang trong khuôn viên câu lạc bộ khá lâu, giả dạng các đại diện của Sở giáo dục say sưa ngắm nghía các căn phòng của câu lạc bộ mới khánh thành.
– Ví thử ở Vasiuki tôi được ngồi trên chiếc ghế kia mà đấu cờ – Ostap nói – chắc tôi sẽ không chịu thua ván nào. Nhiệt tình sẽ giúp tôi chiến thắng. Nhưng ta đi thôi, ông già ạ, tôi có hai mươi lăm rúp trong túi đây. Ta phải làm một chầu bia và nghỉ ngơi đôi chút trước giờ hành động đêm nay. Bia không làm ông bị choáng chứ, ông đô thống? Không sao. Sáng mai ông đã có thể nốc sâm banh thả cửa rồi.
Từ quán bia bước ra phố Sivsev Vrashek, vua mánh hứng chí chọc ghẹo người qua đường. Hắn ôm vai ngài đô thống ngà ngà say và thân ái nói:
– Ngài quả là một ông già đáng yêu, nhưng tôi sẽ không chia cho ông quá mười phần trăm đâu. Lạy Chúa, không nên chia cho ông nhiều hơn. Ông cần ngần ấy tiền để làm gì kia chứ?
– Sao lại để làm gì? Sao lại để làm gì? – Ippolit nổi nóng hỏi.
Ostap cười thân ái và cọ má vào ống tay áo ướt đầm của ông bạn đồng hành.
– Thế ông sẽ mua cái gì nào, Kisa? Mua cái gì? Đầu óc ông có biết nghĩ ngợi xa đâu. Lạy Chúa, mười lăm ngàn đối với ông là quá đủ... Ông đã già nua, sắp đi ngủ với giun rồi, cần tiền làm quái gì kia chứ... Ông biết không, có lẽ tôi sẽ chẳng đưa cho ông đồng nào lại hóa hay. Cưng chiều ông chỉ có hại. Tôi sẽ lấy ông làm thư ký cho tôi. Thế nào? Lương bốn chục rúp một tháng. Tôi nuôi ông ăn. Bốn ngày nghỉ... Được chứ? May quần áo cho ông nữa, rồi còn tiền puốc-boa, tiền bảo hiểm xã hội... Sao? Ông coi đề nghị của tôi đạt chưa?
Ippolit gỡ tay hắn ra và đi vượt lên trước. Lời nói đùa của vua mánh khiến ông ta điên tiết.
Ostap đuổi kịp Ippolit ở cổng nhà tập thể sinh viên.
– Ông giận tôi thật đấy à? Tôi nói đùa đấy mà. Ông sẽ được chia ba phần trăm. Lạy Chúa, ba phần trăm là quá đủ với ông rồi, Kisa ạ.
Ippolit hầm hầm bước vào phòng.
– Sao, Kisa? – Ostap đã tỉnh tảo – Đồng ý nhận ba phần trăm đi! Lạy Chúa, đồng ý đi! Kẻ khác hẳn bằng lòng liền. Ông chả cần mua nhà, vì Ivanopulo đã đi Tver một năm nữa mới về kia. Đằng nào thì ông cũng sẽ trở thành gia nhân của tôi thôi... Chỗ làm ấy thơm phải biết.
Thấy không có cách gì khiến Ippolit mở miệng, Ostap ngáp dài, vươn vai chạm cả tay vào trần nhà, hít một hơi căng lồng ngực nở nang và nói:
– Thôi, ông bạn hãy chuẩn bị túi đi. Chúng mình sẽ tới câu lạc bộ trước lúc trời sáng. Đó là giờ hay nhất. Bọn gác cổng sẽ ngủ gật, mơ thấy những giấc mơ ngọt ngào, vì thế mà bọn họ thường bị người ta thải hồi luôn và không cho lãnh tiền trợ cấp thôi việc. Còn bây giờ thì tôi khuyên ông bạn ngủ đi đã.
Ostap nằm xuống ba chiếc ghế đã được đem về đây từ ba nơi khác nhau ở Mátxcơva và vừa thiếp đi, vừa nói:
– Làm gia nhân của tôi ấy mà... Lương hậu hĩ... Được nuôi ăn... Tiền puốc-boa... Thôi, tôi đùa chút chơi đấy... Kỳ họp tiếp tục! Băng đã trôi, thưa các quý ngài!
Đây là những lời cuối cùng của vua mánh. Hắn thiếp đi trong giấc ngủ vô tư, say sưa và không bận một cơn ác mộng nào cả.
Ippolit bước ra đường. Ông ta cực kỳ thất vọng và giận dữ. Trăng len lỏi giữa các cụm mây. Những song cửa ướt của các biệt thự lấp lánh. Những ngọn đèn hơi có bụi nước bao quanh phát sáng chập chờn. Từ quán bia “Orel” người ta đẩy ra một kẻ say. Hắn ta kêu rống lên. Ippolit nhăn mặt, quả quyết quay về. Ông ta chỉ muốn chấm dứt tất cả mọi chuyện chóng chừng nào hay chừng nấy.
Ông ta bước vào phòng, nghiêm mặt nhìn Ostap ngủ, lau mắt kính và nhặt con dao lam từ bậu cửa sổ lên. Lưỡi dao còn dính sơn khô. Ông ta đút dao vào túi, đi ngang qua chỗ Ostap một lần nữa, không nhìn hắn, nhưng nghe rõ tiếng hắn thở. Nhòm ra hành lang, Ippolit thấy không khí vắng lặng và ngái ngủ. Rõ ràng mọi người đã đi ngủ cả. Trong bóng tối của hành lang, Ippolit bỗng mỉm cười nham hiểm và cảm thấy lớp da trên trán ông ta xê dịch. Để kiểm tra cảm giác mới mẻ ấy, ông ta lại mỉm cười lần nữa và sực nhớ rằng hồi còn đi học, một tay học trò tên là Pưkhtep Kakuep có thể vẫy vẫy tai.
Ippolit ra đến đầu cầu thang và dỏng tai nghe. Cầu thang chẳng có ai. Từ ngoài đường vọng vào tiếng vó ngựa lộp cộp rất rõ rệt, tựa hồ con ngựa kéo xe đang đếm từng bước. Ngài đô thống nhón chân như mèo quay vào phòng, móc trong túi áo vét của Ostap vắt trên thành ghế ra hai mươi lăm rúp và cái kìm dẹt, đội lên đầu chiếc mũ đô đốc bẩn thỉu và lại dỏng tai nghe.
Ostap ngủ say không ngáy. Tỵ hầu và bộ phổi của hắn làm việc thật lý tưởng, hít vào và đẩy không khí ra đều đặn. Một cánh tay gân guốc thỏng xuống chạm sàn nhà. Cảm thấy máu chảy giần giật trên thái dương, Ippolit thong thả vén tay áo bên phải lên quá khuỷu, dùng khăn mặt bông quấn quanh cánh tay trần, lùi ra cửa, lấy lưỡi dao trong túi ra, dùng mắt đo khoảng cách trong phòng rồi xoay công tắc điện. Đèn phụt tắt, nhưng căn phòng vẫn mờ mờ ánh sáng từ ngọn đèn đường hắt vào.
– Càng hay – Ippolit lẩm bẩm.
Ông ta tiến lại phía đầu Ostap, tay cầm lưỡi dao đưa xa ra đằng sau rồi dùng hết sức bình sinh cứa thẳng ngang cổ họng Ostap, đoạn rút ngay ra và nhảy lùi vào sát tường. Vua mánh phát ra âm thanh tương tự như cái lỗ lavabô lúc thoát nước. Ippolit tránh không để máu phun vào người. Ông ta cọ áo sát tường, lần ra cửa và ngoảnh nhìn Ostap một giây nữa. Người hắn cong ưỡn lên hai lần rồi ngã dụi vào lưng ghế. Ánh đèn đường bơi trên một vũng nước đen đen mới xuất hiện ở dưới sàn.
“Vũng gì thế nhỉ? – Ippolit nghĩ thầm – À, phải rồi, máu... Đồng chí Benđer ngủm rồi”.
Ippolit tháo chiếc khăn mặt dính máu, ném đi, rồi thận trọng đặt lưỡi dao xuống sàn nhà và bước ra, khép hờ cửa lại.
Tới đường, Ippolit cau mày, lẩm bẩm: “Tất cả kim cương đã là của mình, chứ hoàn toàn không phải chỉ có vài phần trăm”, rồi ông ta đi đến quảng trường Kalachep.
Tới cửa sổ thứ ba tính từ cổng chính vào câu lạc bộ công nhân đường sắt, Ippolit dừng lại. Các cửa kính của tòa nhà trong như ngọc dưới ánh rạng đông. Trong không khí ẩm nghe lầm rầm tiếng đầu máy xe lửa dồn toa, Ippolit khéo léo leo lên gờ tường, đẩy khung cửa và nhảy vào hành lang không một tiếng động.
Dễ dàng định hướng trong các căn phòng lờ mờ ánh rạng đông của câu lạc bộ, Ippolit lọt vào phòng sinh hoạt của ban cờ, cụng đầu vào bức chân dung Emmanuel Lasker treo trên tường, và tiến lại chỗ chiếc ghế. Ông ta không vội. Ông ta cứ ung dung mà hành động. Chẳng ai săn đuổi ông ta cả. Đại kiện tướng O. Benđer thì đang yên giấc nghìn thu ở tòa biệt thự màu hồng ở phố Vrashek.
Ippolit ngồi xuống sàn, dùng hai chân quặp lấy cái ghế và với thái độ lạnh lùng của bác sĩ nha khoa, ông ta bắt đầu nhổ từng chiếc đinh đồng ra khỏi cái ghế, không bỏ sót một chiếc. Lớp vải hoa Ăng-lê bọc ghế đã không còn gì níu giữ nữa.
Chỉ còn việc lật vải lên là sẽ nhìn thấy những chiếc bao, hộp nho nhỏ đựng đầy các viên ngọc quý.
“Phải đáp ô tô ra ga ngay – Ippolit nghĩ bụng, ông ta đã học được sự khôn ngoan qua trường học rèn luyện của vua mánh. – Sau đó tới thẳng biên giới Ba lan. Lót tay cho bọn công an biên phòng một hạt kim cương thì chúng cho mình tót sang bên kia thôi. Sang đó sẽ hay...”
Rồi để nhanh chóng nhìn thấy những gì ở “bên đó”, Ippolit lật lớp vải hoa, rồi lớp vải bố ra. Trước mắt ông ta hiện rõ những cái lò-xo Anh tuyệt diệu, vật liệu nhồi ruột ghế cực tốt chỉ có hồi trước chiến tranh, bây giờ bói cũng chẳng ra. Nhưng trong ruột ghế không còn thứ gì nữa. Ippolit cứ bới tung đám vật liệu nhồi ruột ghế như một cái máy và suốt nửa giờ đồng hồ cứ ngồi quặp chặt chiếc ghế, miệng lải nhải:
– Tại sao ở đây chẳng có gì? Không thể như vậy được! Không thể như vậy được!
Trời gần sáng rõ. Ippolit vứt bỏ tất cả mọi thứ ở phòng sinh hoạt của ban cờ, quên cả chiếc kìm dẹt và cái mũ viền vàng gắn hình hiệu của một câu lạc bộ thuyền buồm chẳng ai biết, rồi nặng nề và uể oải chui qua cửa sổ ra đường.
– Không thể như vậy được – Ông ta đã đi hết một quãng phố, vẫn lẩm bẩm – Không thể như vậy được!
Và Ippolit quay trở lại câu lạc bộ, cứ đi đi lại lại dọc các cửa sổ lớn, môi mấp máy, mấp máy:
– Không thể như vậy được! Không thể như vậy được! Không thể như vậy được!
Ippolit thỉnh thoảng khóc sụt sịt và đưa hai tay ôm cái đầu ướt vì sương. Nhớ lại mọi sự việc hồi đêm, ông ta cứ lắc lắc mái đầu bạc. Món kích thích bằng kim cương tỏ ra là một vị thuốc quá mạnh: trong vòng năm phút ông ta già sọm hẳn đi.
– Ai cũng kéo đến xem – Ippolit nghe có tiếng nói ngay bên tai mình.
Ông ta nhìn thấy người gác cổng mặc áo vải bạt và đi ủng chống lạnh. Đấy là một cụ già có vẻ mặt rất đôn hậu.
– Ai cũng kéo đến xem, ông ạ – Cụ già đã chán cái cảnh thức đêm một mình, thân mật bắt chuyện – và đồng chí cũng đến đây xem. Như thế là đúng. Câu lạc bộ của chúng tôi có thể nói là rất đặc biệt.
Ippolit đau khổ nhìn cụ già hồng hào.
– Đúng – cụ già tiếp – câu lạc bộ này rất đặc biệt. Không có cái thứ hai ở bất cứ nơi nào khác.
– Nó có cái gì đặc biệt ở bên trong ạ? – Ippolit định thần, hỏi.
Cụ già vui vẻ nhìn Ippolit. Rõ ràng câu chuyện về tòa câu lạc bộ đặc biệt này chính cụ cũng thích nghe, cho nên cụ muốn kể đi kể lại.
– Đầu đuôi thế này, đồng chí ạ – Cụ bắt đầu kể – Lão làm bảo vệ ở đây mười năm rồi mà chưa bao giờ gặp chuyện như vậy. Này anh bạn có nghe không đấy? Ừ thì kể. Ngày trước chỗ này cũng từng có một cái câu lạc bộ, nhưng lụp xụp lắm. Lão làm bảo vệ, lão biết mà. Câu lạc bộ gì nó, câu bí bộ thì đúng hơn... Phòng cứ trống tuềnh trống toàng, đốt lò sưởi tốn bao nhiêu củi cũng chả thấy ấm. Đồng chí Krasilnikôp lại còn vặn tôi: “Này ông già, củi của ông chạy đi đâu rồi?”. Làm như tôi ăn hết củi không bằng. Đồng chí Krasilnikôp cũng vất vả với cái câu lạc bộ này, chỗ thì mái dột, chỗ thì vỡ kính chống lạnh, ban nhạc khí không có phòng riêng, hôm nào có đoàn đến biểu diễn thì đến là khổ, vì các ông các bà nghệ sĩ cứ rét cóng cả chân tay. Suốt năm năm đi vay tiền để xây dựng câu lạc bộ mới mà lão chả hiểu vì sao ngân hàng không cho vay. Nghe đâu công đoàn đường sắt không bằng lòng. Một hôm, bấy giờ là mùa Xuân, đồng chí Krasilnikôp mua về một chiếc ghế dùng cho sân khấu, một chiếc ghế mềm còn tốt nguyên...
Ippolit tựa cả người vào ông già gác cổng mà nghe. Ippolit nửa mê nửa tỉnh. Còn ông già thì vừa cười ha hả, vừa kể rằng một bữa cụ leo lên chiếc ghế để thay một cái bóng điện bị cháy, nhưng bị ngã chổng kềnh.
– Lão trượt chân ngã nhào xuống làm cho lớp vải bọc ghế rách toang. Lão bỗng thấy từ trong ruột ghế văng ra mấy chuỗi hạt đeo cổ.
– Hạt cườm – Ippolit nói.
– Ừ, hạt cườm! – Cụ già reo lên vui sướng – Tiếp đó anh bạn ạ, lão thấy trong ruột ghế còn mấy cái hộp nữa. Lão cũng chả sờ đến mấy cái hộp ấy xem bên trong có gì, lão chạy đi báo cáo với đồng chí Krasilnikôp. Sau đó lão được báo cáo trước một ủy ban. Lão không hề động chạm đến mấy cái hộp ấy. Và lão làm vậy là đúng, vì anh bạn biết không, trong đó đựng toàn các thứ châu báu mà bọn tư sản cất giấu...
– Thê châu báu đâu? – Ngài đô thống quát to.
– Đâu, đâu – cụ già nhại lại – đây chứ đâu, anh bạn. Anh phải biết tưởng tượng một chút chứ. Châu báu đây này!
– Đâu? Đâu?
– Đã bảo đây này! – cụ già khoái trá vì hiệu quả do mình tạo ra, nói oang oang – Thì đó, anh bạn hãy lau mắt kính mà nhìn. Người ta đã dùng chúng để xây dựng câu lạc bộ! Thấy rõ chưa, anh bạn? Đấy, câu lạc bộ đấy! Có hệ thống sưởi bằng hơi nước nóng này, có tháp đồng hồ này, có căng tin, sân khấu hẳn hoi này, muốn vào phải tháo giầy bẩn để bên ngoài!...
Ippolit lạnh xương sống, đứng im đưa mắt nhìn các gờ tường.
Thì ra kho báu của mađam Petukhova nằm ở đây! Tất cả đều ở đây! Toàn bộ một trăm năm mươi ngàn rúp không hào không xu, theo cách nói quen miệng của Ostap Suleiman Berta Maria Benđer.
Kim cương đã biến thành những tấm cửa kính dày, những bức tường bê tông cốt sắt. Vàng ngọc đã biến thành các phòng tập luyện và giải trí. Đá quý được dùng làm phòng biểu diễn có sân khấu quay, bông đeo tai trở thành các dãy đèn chùm, vòng đeo tay hóa thân thành một thư viện tuyệt diệu, các thứ đồ trang sức biến thành nhà mẫu giáo, xưởng làm tàu lượn, phòng chơi cờ và phòng đánh bi-a.
Kho báu vẫn nguyên vẹn, được bảo quản và thậm chí còn được tăng thêm. Có thể sờ mó vào nó, nhưng không thể bưng đi nơi khác. Nó đang phục vụ mọi người.
Ippolit đưa tay sờ mặt đá hoa cương lát bên ngoài. Cái lạnh của đá thấm vào tận tim ông.
Và ông ta rú lên.
Tiếng rú của ông ta nghe thật man dại, điên khùng – tiếng rú của con sói cái bị đạn xuyên thủng ngực – bay ra giữa quảng trường, chui vào dưới gầm cầu và, bị đẩy dội lại từ mọi phía bởi âm thanh của một thành phố lớn vừa thức giấc, nó lịm dần rồi tắt hẳn. Buổi sáng mùa thu đẹp trời từ trên các mái nhà ướt át lăn xuống đường phố Mátxcơva. Thành phố cựa mình, bắt đầu một ngày sinh hoạt bình thường của nó.
Chú thích:
(1) Ở xứ lạnh, cửa sổ thường có hai lớp kính để chống rét và không có cánh gỗ bên ngoài như ở xứ nóng.

HẾT


Xem Tiếp: ----