Dịch giả: Lê Khánh Trường
Chương 8
KẺ CẮP QUÝ PHÁI

     hủ nhiệm nhà dưỡng lão 16 No2 là một tên kẻ cắp bẽn lẽn. Toàn bộ thể xác y chống lại sự trộm cắp, nhưng không đánh cắp thì y không chịu nổi. Y đánh cắp và y xấu hổ. Y đánh cắp thường xuyên, y thường xuyên xấu hổ, bởi vậy hai gò má nhẵn nhụi của y bao giờ cũng đỏ hồng lên vì bẽn lẽn, bối rối, ngượng ngập và xấu hổ. Tên y là Alecsandr Iakolevich, còn tên vợ y – Alechsandra Iakolepna. Y gọi vợ là Sashkhen, vợ y gọi y là Alkhen. Trên đời này chưa thấy kẻ cắp quý phái nào như Alecsandr Iakolevich.
Y không chỉ là chủ nhiệm nhà dưỡng lão, mà nói chung làm chủ nhiệm gì gì cũng xong tuốt. Lão chủ nhiệm cũ, vì đối xử thô bạo với các cụ bà, đã bị cách chức và cử đi làm nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng. Alkhen khác hẳn lão thủ trưởng vô giáo dục của y trước đây. Trong giờ làm việc đủ tám giờ vàng ngọc, y quản lý toàn bộ nhà dưỡng lão và ăn nói cực kỳ lịch thiệp với các bà già về hưu. Y tiến hành tại đây những cuộc cải cách và cải tiến quan trọng.
Ostap Benđer kéo cánh cửa gỗ sồi nặng chình chịch của tòa biệt thự nhà Ippolit và có mặt ở tiền sảnh. Ở đây thoang thoảng mùi cháo khê. Từ trên gác vọng xuống tiếng râm ran nghe như tiếng u-ra dây chuyền; mà không thấy có ai xuất hiện. Một cầu thang lớn bằng gỗ sồi xưa kia được đánh véc-ni dẫn lên tầng trên. Những phiến đồng ép thảm còn đó, nhưng thảm trải cầu thang đã không còn nữa.
Vừa lên trên gác, Ostap vừa nghĩ: “Thằng cha đô thống quý tộc ngày trước sống cũng vương giả đây!”.
Ở căn phòng thứ nhất rộng rãi và sáng sủa, khoảng mười lăm bà cụ tóc bạc, mặc quần áo may bằng loại vải tualdenor màu lông chuột rẻ tiền nhất, đang ngồi thành một vòng tròn. Các cụ nghển cổ nhìn một người đàn ông béo tốt đứng giữa vòng tròn và đồng thanh hát.
Tiếng trống vọng lại từ xa
Ấy là tiếng xe tam mã quen thuộc...
Tuyết lấp lánh xa xa
Như một tấm màn trắng rộng
Người điều khiển dàn đồng ca, cũng mặc bộ đồ may bằng vài tualdenor màu lông chuột, dùng cả hai tay đánh nhịp và hét to.
– Bà Diskant, khẽ chứ! Bà Kokushkina, hát nho nhỏ thôi!
Anh ta nhìn thấy Ostap, nhưng không đủ sức ngăn cử động đôi tay, vẫn tiếp tục chỉ huy dàn đồng ca, chỉ nhìn người vừa bước vào với cặp mắt thiếu thân thiện. Dàn đồng ca cất tiếng nghèn nghẹn như bị bịt gối vào miệng.
Ta-ta-ta, ta-ta-ta, ta-ta-ta,
Tô-rô-rôm, tu-ru-rum, tu-ru-rum...
Chọn lúc dừng nghỉ giữa hai giai điệu, Ostap hỏi:
– Xin lỗi, tôi muốn gặp đồng chí chủ nhiệm nhà dưỡng lão.
– Có việc gì thế, đồng chí?
Ostap chìa tay cho vị chỉ huy dàn đồng ca và thân mật hỏi:
– Hát dân ca cổ phải không? Hay đấy. Tôi là thanh tra phòng chữa cháy.
Vị chủ nhiệm bối rối:
– Vâng, vâng, – anh ta ngượng ngùng đáp – vừa vặn tôi đang chuẩn bị viết báo cáo.
– Đồng chí khỏi lo – Ostap tuyên bố dễ dãi – tự tôi sẽ viết báo cáo hộ. Đồng chí hãy đưa tôi đi xem ngôi nhà.
Alkhen giơ tay ra hiệu giải tán dàn đồng ca và các cụ bà tản ra đi bằng nhưng bước chân líu ríu mừng rỡ.
– Xin mời theo tôi – vị chủ nhiệm nói.
Trước khi đi, Ostap quan sát kỹ đồ gỗ ở căn phòng thứ nhất. Ở đây có một cái bàn, hai chiếc ghế dài chân bằng sắt (trên lưng một chiếc khắc rõ chữ “Kotia”) và một cây đàn hoàng cầm.
– Trong phòng này không có bếp dầu hỏa chứ? Hoặc các thứ bếp lò tạm thời khác chẳng hạn?
– Không, không ạ. Phòng này chúng tôi dùng làm nơi tập cho các tổ kịch đồng ca, âm nhạc và nghệ thuật tạo hình...
Nói đến hai tiếng âm nhạc, Alkhen đỏ mặt. Cái cằm đỏ trước, rồi đến trán và hai bên má. Alkhen ngượng quá. Anh ta đã bán hết các dụng cụ nhạc khí. Lá phổi yếu ớt của các bà già dầu sao cũng chỉ phát ra những tiếng phều phào mà thôi. Ai lại để hàng đống nhạc cụ bằng kim loại chết dí một chỗ.
Alkhen không thể không đánh cắp bộ nhạc cụ ấy. Cho nên bây giờ anh ta xấu hổ.
Trên tường treo một khẩu hiệu chữ trắng, viết trên một mảnh vải tualdenor màu lông chuột căng từ cửa sổ này sang cửa sổ kia:
“DÀN NHẠC KHÍ LÀ CON ĐƯỜNG DẪN TỚI SÁNG TÁC TẬP THỂ”
– Tốt lắm – Ostap nói – phòng tập này không có gì nguy hiểm về phương diện phòng chữa cháy. Nào, ta đi tiếp.
Đi qua mấy phòng ngoài của biệt thự nhà Ippolit, Ostap không thấy đâu chiếc ghế bằng gỗ hồ đào chân cong, bọc loại vải hoa Ăng-lê sáng màu. Chân các bức tường lát đá cẩm thạch treo la liệt các chỉ lệnh về nhà dưỡng lão No2. Ostap đọc các chỉ lệnh ấy, thỉnh thoảng lại hỏi “Ống khói có được nạo thường xuyên không?, Các bếp lò ổn cả chứ?”. Và sau khi nghe những câu trả lời cặn kẽ, họ lại đi tiếp.
Thanh tra phòng chữa cháy ra sức sục sạo mọi ngõ ngách trong nhà để tìm một góc nào đó có nguy cơ phát hỏa, nhưng về phương diện ấy, tất cả điều tốt đẹp. Ostap bước vào các phòng ngủ. Các cụ bà thấy hắn đều đứng dậy và cúi chào. Trên các chiếc giường đều có những cái chăn xù lông như lông chó và một đầu có dệt chữ “Chân”. Dưới gầm gường kê những chiếc hòm gỗ nhỏ, thòi ra đúng một phần ba theo sáng kiến của Alkhen là người ưa tác phong quân sự.
Mọi thứ trong nhà No2 đều toát ra vẻ giản dị quá mức: đồ gỗ gồm toàn những chiếc ghế dài chở từ đại lộ Alechsandrop, nay là đại lộ thứ bảy lao động vô sản, về đây, những chiếc đèn dầu hỏa mua ngoài chợ; những cái chăn có chữ “Chân” đáng sợ. Chỉ có một thứ được gắn thật chắc, thật cầu kỳ: ấy là các lò xo cửa.
Các bộ dụng cụ lắp vào cánh cửa là niềm say mê của Alkhen. Anh ta đã đầu tư muôn vàn công sức để trang trí cho hết thảy – không trừ cánh cửa nào – những bộ lò xo thuộc các hệ thống, kiểu loại hết sức khác nhau. Có loại lò xo đơn giản nhất theo kiểu thanh ngang. Có loại lò xo hơi, với những cái bơm hình trụ bằng đồng. có loại lò xo quả tạ như những cái túi treo lủng lẳng. Có cả loại lò xo cấu tạo rối rắm đến mức những tay thợ mộc cừ khôi cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Và tất cả các loại lò xo, dụng cụ ấy đều có sức mạnh ghê gớm. Các cánh cửa đóng sập lại nhanh ngang với lúc bẫy chuột bị sập, làm rung chuyển cả tòa nhà. Các cụ bà ré lên tìm cách tránh né những cái cánh cửa đóng sầm sập nhưng không phải bao giờ các cụ cũng chạy kịp. Cánh cửa đuổi theo những kẻ bỏ chạy, đập vào lưng họ, còn từ phía trên lao xuống quả đối trọng vút ngang bên thái dương như một viên đạn đại bác, kèm theo một tiếng cạch khô khốc.
Khi Ostap cùng vị chủ nhiệm đi xem nhà, các cánh cửa chào đón họ bằng những cú sập đáng sợ.
Toàn bộ pháo đài tuyệt hảo này không giấu giếm thứ gì, mà chiếc ghế nọ vẫn mất tăm. Để phát hiện nguy cơ gây cháy, đồng chí thanh tra bước vào bếp. Ở đây, một cái chảo lớn vốn để giặt quần áo, đang ninh món cháo mà cái mùi của nó ông vua mánh đã đánh hơi thấy từ lúc ở tiền sảnh. Ostap khịt khịt mũi, hỏi:
– Món này nấu với dầu ma-dút à?
– Thưa, nấu với bơ nguyên chất đấy ạ!– Alkhen đỏ bừng mặt, đỏ đến tận chân tóc – Chúng tôi mua loại bơ này ở trại vắt sữa đấy.
Vị chủ nhiệm xấu hổ quá chừng.
– Dầu sao món này cũng không có nguy cơ phát hỏa – Ostap nhận xét.
Trong bếp cũng không có ghế tựa. Chỉ có một cái ghế đẩu mà tay đầu bếp đeo tạp dề và đội mũ may bằng vải tualdenor đang ngồi.
– Tại sao ở đây các thứ y phục đều một màu xám xịt và thô như giẻ lau cả thế?
Alkhen bẽn lẽn cúi gầm mặt xuống.
– Người ta cấp phát cho chúng tôi ít tiền quá – Anh ta tự thấy mình đáng ghét.
Ostap nghi ngờ nhìn anh ta, nhận xét:
– Điều đó không liên quan gì đến cơ quan phòng chữa cháy mà tôi đang đại diện.
Alkhen sợ hãi đáp:
– Chúng tôi áp dụng mọi biện pháp phòng cháy. Chúng tôi dùng cả bình cứu hỏa phun bọt nhãn hiệu “Ekler” đấy ạ.
Vị thanh tra rẽ vào gian nhà kho, miễn cưỡng tới xem cái bình cứu hỏa. Cái chóp nón đỏ bằng sắt của nó, tuy là đồ vật duy nhất trong nhà liên quan đến công tác phòng chữa cháy, song lại khiến cho vị thanh tra hết sức khó chịu...
– Cái này mua ở chợ trời phải không?
Rồi không đợi câu trả lời của Alkhen (Anh ta như vừa bị sét đánh). Ostap gỡ cái bình cứu hỏa ra khỏi chiếc đinh gỉ, bất ngờ đập vỡ ngòi và nhanh tay xoay chóp nón lên phía trên. Nhưng thay vì tia bọt vọt lên, cái chóp nón chỉ phát ra tiếng xì xì giống như giai điệu cổ “Thượng đế vinh quang của chúng con ở Xi-ông”.
– Hiển nhiên là mua ở chợ trời – Ostap xác nhận ý kiến ban đầu của mình và treo cái bình cứu hỏa vẫn đang tiếp tục phun xì xì vào chỗ cũ.
Tiếng xì xì tiễn chân hai vị đi tiếp.
“Chiếc ghế đâu nhỉ? – Ostap nghĩ thầm – Mình bắt đầu bực rồi đây”. Và hắn quyết định chưa rời bỏ tòa nhà lắm vải tualdenor này nếu như chưa tỏ tường mọi chuyện.
Trong lúc vị tranh tra và ông chủ nhiệm bò lên gác xép, đi sâu vào chi tiết công việc phòng cháy và tình trạng các ống dẫn khói, thì nhà dưỡng lão No2 của ủy ban bảo đảm xã hội thành phố Stargorot vẫn sống cuộc sống thường ngày của nó.
Bữa trưa đã nấu xong. Mùi cháo khê tăng lên rõ rệt và át hẳn mọi mùi chua, mùi khai còn lại trong tòa nhà. Các hành lang nhộn nhịp hẳn. Các cụ bà hai tay bưng trước ngực những cái đĩa sắt đựng cháo, thận trọng từ bếp bước ra và ngồi xuống dãy bàn dài, cố tránh nhìn những khẩu hiệu treo la liệt trong phòng ăn do đích thân Alecsandr Iakolevich sáng tác và được Alechsandra Iakoplepna trình bày mỹ thuật. Các khẩu hiệu ấy như sau:
“THỨC ĂN LÀ NGUỒN GỐC CỦA SỨC KHỎE”
“MỘT QUẢ TRỨNG CÓ HÀM LƯỢNG MỠ NGANG ¼ FUN THỊT”
“NHAI KỸ THỨC ĂN LÀ BẠN GIÚP ĐỠ XÃ HỘI”
“ĂN THỊT CÓ HẠI”
Tất cả những chữ thiêng liêng ấy gợi các cụ bà hồi tưởng những chiếc răng đã rụng từ trước cách mạng, những quả trứng đã mất tăm cũng vào dạo đó, món thịt phải thua trứng về hàm lượng mỡ, và có thể các vụ suy ngẫm về cái xã hội mà họ đã không có khả năng giúp được nữa trong khi nhai kỹ thức ăn.
Ngoài các bà già ngồi ăn còn có Isidor Iakovlevich, Apfanseix Iakovlevich, Kirill Iakovlevich, Oleg Iakovlevich và Pasha Emilevich. Cả về tuổi tác lẫn giới tính, năm người trẻ tuổi ấy đều không dính dáng gì tới các nhiệm vụ bảo đảm xã hội, thế nhưng bốn tay Iakovlevich lại là em trai của Alkhen còn Pasha Emilevich là cháu gọi gọi Alechsandra Iakoplepna bằng cô. Năm vị này, mà người cao tuổi nhất là Pasha Emilevich mới ba mươi hai tuổi, không hề coi cuộc sống của họ ở nhà dưỡng lão là bất bình thường. Họ sống ở đây theo chế độ người già về hưu, họ cũng nằm giường công và được phát loại chăn có dệt chữ “Chân”, cũng mặc những bộ quần áo may bằng vải tualdenor màu lông chuột như các cụ bà, nhưng nhờ trẻ và khỏe, họ ăn uống tốt hơn hẳn các bà cụ. Họ đánh cắp trong nhà tất cả những gì Alkhen chưa kịp đánh cắp, Pasha Emilevich có thể ăn vụng liền một lúc hai kilogram cá và lần ấy hắn đã làm cho cả nhà dưỡng lão hết sạch suất ăn trưa.
Các cụ bà chưa húp hết một phần ba đĩa cháo thì bọn thằng cha Iakovlevich và Pasha đã chén sạch suất của mình và đứng dậy đi xuống nhà bếp để tìm kiếm tất cả những gì có thể nuốt được.
Bữa trưa vẫn tiếp diễn. Các cụ bà nhao nhao:
– Chúng nó ních đầy bụng rồi sẽ hát rống lên cho mà xem.
– Sáng nay thằng cha Pasha Emilevich đã lấy chiếc ghế ở phòng câu lạc bộ đem bán cho một con buôn ở cổng hậu.
– Tối nay thế nào hắn cũng say khướt cho mà xem...
Lúc ấy câu chuyện giữa các cụ bà bị cắt đứt bởi tiếng loa lạo xạo, át cả tiếng xì xào vẫn đang phát ra từ cái bình cứu hỏa, và một giọng bò đực mở đầu.
–...ch... ê... ế...
Các cụ bà quay lưng về phía cái loa phóng thanh đặt ở góc phòng, ngay dưới sàn, tiếp tục ăn với hy vọng thoát khỏi tiếng điếc tai. Nhưng tiếng loa bị tắt đã lại thông báo:
– Đơ-ơ-ấy lơ-ơ-à một sáng chế có giá trị. Một đội trưởng trên tuyến đường sắt Murmanak là đồng chí Sovutski...
Cái loa lại bị tắc nghẹn, cố hít không khí lấy hơi, rồi thông báo tiếp.
–... chề ê-ế tín hiệu ánh sáng trên các thiết bị dọn tuyết. Sáng chế đã được viện nghiên cứu cầu đường ủng hộ.
Các cụ bà như những con vịt xám bơi về phòng mình. Cái ống loa rung bần bật vì sức mạnh âm lượng, cứ tiếp tục sôi lên trong căn phòng trống.
– Còn bây giờ mời các bạn nghe vài khúc dân ca Novgorot.
Xa lắc xa lơ, ở giữa lòng trái đất, ai đó chạm vào dây đàn ba la lai ca, rồi cất tiếng hát lên:
Lũ rệp đang bò trên tường. Bò trên tường tránh nắng.
Trông thấy viên thanh tra tài chính, viên thanh tra tài chính.
Chúng lăn ra chết tức thì...
Ở giữa lòng trái đất, bài hát dân ca ấy kích thích người ta hoạt động sôi nổi. Từ loa phát ra tiếng ầm ầm, nghe không rõ là tiếng vỗ tay như sấm hay là các núi lửa ngầm bắt đầu chuyển mình.
Trong khi ấy, viên thanh tra phòng chữa cháy đang bực mình tụt bằng mông từ trên gác xép xuống, hóa ra lại có mặt ở nhà bếp, nhìn thấy năm công dân đang sục cả hai tay vào thùng bắp cải muối và bốc lên nhai nhồm nhoàm. Cả năm lặng lẽ ăn. Chỉ riêng Pasha Emilevich lắc đầu như một kẻ sành ăn, vừa gỡ sợi bắp cải dính ở râu, vừa nói như đang nghẹn:
– Món bắp cải này mà không có rượu vốt-ca thì chán ngắt.
– Một tốp năm bà cụ mới đến à! – Ostap hỏi.
– Đấy là bọn trẻ mồ côi đấy ạ – Alkhen trả lời trong khi dùng vai dồn vị thanh tra ra khỏi bếp và vung nắm đấm dọa “bọn trẻ mồ côi”.
– Bọn trẻ từ vùng Povolie đói khát đến hả?
Alkhen lúng túng chưa biết ăn nói ra sao.
Ostap nói:
– Di sản nặng nề của chế độ Sa hoàng chăng?
Alkhen dang hai tay thất vọng, ra vẻ muốn nói: biết làm sao được một khi di sản nặng nề như vậy.
– Kết hợp giáo dục cả hai giới nam và nữ theo phương pháp tổng hợp chăng?
Alecsandr Iakolevich ngay lập tức mời viên thanh tra phòng chữa cháy dùng bữa trưa với tinh thần “trời cho gì ăn nấy”.
Hôm nay trời cho Alecsandr Iakolevich một chai rượu chát, món nấu xào thịt, món cá rán, bát canh chua bắp cải nấu với thịt loại một, một chú gà luộc và mấy cốc nước táo.
– Sashkhen ơi, – Alkhen gọi vợ, – em hãy làm quen đồng chí thanh tra phòng chữa cháy của thành phố đi.
Ostap làm điệu bộ nghệ sĩ cúi chào nữ chủ nhân, nói với chị ta những lời xã giao lập lờ nước đôi và dài dòng đến nỗi chính hắn cũng không nói hết câu. Sashkhen là một phụ nữ vạm vỡ mà vẻ yêu kiều bị giảm đi phần nào vì mái tóc cứng quèo. Chị ta cười khe khẽ và cùng cạn chén với cánh đàn ông.
– Chúc mừng nền kinh tế tập thể của hai anh chị, – Ostap chúc rượu.
Bữa ăn trôi qua vui vẻ, mãi đến lúc dùng món nước quả đét-xe, Ostap mới sực nhớ tới mục đích của mình. Hắn hỏi:
– Tại sao ở cơ quan nhà ta đây, các thứ đồ gỗ lèm nhèm thế?
– Đâu có – Alkhen lo lắng nói – thế cây đàn hoàng cầm thì sao ạ?
– Tôi biết, tôi có trông thấy nó. Nhưng thú thật ở đây chả có cái gì tử tế để ngồi cả. Toàn chậu giặt là chậu giặt thôi.
– Ở trong phòng câu lạc bộ có một cái ghế, – Alkhen tự ái, – một chiếc ghế Ăng-lê hẳn hoi. Người ta bảo nó là đồ dùng của chủ cũ để lại.
– À, mà tôi chưa nhìn thấy phòng câu lạc bộ của anh chị. Về phương diện phòng cháy, nó có vấn đề gì không? Tôi phải xem mới được.
– Xin mời đồng chí.
Ostap cảm ơn nữ chủ nhân và bước ra.
Ở phòng câu lạc bộ không thấy bếp dầu hỏa, bếp lò tạm thời cũng không, các ống khói nguyên vẹn và được nạo thường xuyên, nhưng chiếc ghế thì kỳ lạ thay cho Alkhen, chả thấy đâu cả. Họ bổ đi tìm. Họ ngó xuống các gầm giường, gầm ghế dài, họ xê dịch cả cây đàn hoàng cầm – không rõ để làm gì; họ căn dặn các cụ bà lúc ấy cứ e ngại liếc về phía Pasha Emilevich, nhưng chiếc ghế đã không cánh mà bay. Pasha Emilevich tỏ ra hăng hái truy tìm hơn ai hết. Mọi người đã bình tâm lại, riêng Pasha vẫn tiếp tục chạy sang phòng nọ phòng kia, ngó cả vào đáy các bình thủy tinh đựng nước trắng, xê dịch những chiếc ly hoặc ca sắt uống nước và lầm bầm:
– Quái lạ, ở đâu thế nhỉ? Sáng nay chính mắt tôi còn trông thấy nó mà! Buồn cười thật!.
– Chán mớ đời, các bà cụ non ạ! – Ostap lạnh lùng buông một câu.
– Quái lạ thật đấy! – Pasha khăng khăng nhắc đi nhắc lại.
Nhưng lúc ấy, cái bình cứu hỏa “Ekler”, cái bình vẫn cất tiếng hát từ lúc Ostap đập vỡ ngòi, đã lên đến nốt “fa” cao nhất, nốt “fa” mà chỉ riêng nghệ sĩ nhân dân Nezdanova của nước cộng hòa mới hát nổi, bỗng ngưng bặt, để một giây sau đùng đùng phụt ra một dòng bọt làm bay mũ của tay đầu bếp và bắn tung tóe lên trần nhà. Lạ thay, dòng bọt của nó cũng có màu xám hệt như vải tualdenor. Dòng bọt thứ hai khiến cậu cả Iakovlevich chưa đến tuổi thành niên bị ngã chổng kềnh, và nó cứ thế phụt ra ù ù.
Pasha Emilevich, Alkhen và tất cả những gã Iakovlevich còn nguyên vẹn chạy đổ xô tới chỗ xảy ra sự cố.
– Một cái bình cứu hỏa độc đáo và quái dị! – Ostap nói.
Các cụ bà ở lại riêng với Ostap, thấy không có mặt thủ trưởng, liền tố cáo:
– Ông ấy toàn đưa anh em họ hàng vào nhà dưỡng lão, chấm mút hết thứ này đến thứ kia.
– Ông ấy nuôi lợn bằng sữa, còn cho chúng tôi ăn cháo loãng.
– Ông ấy bán đủ mọi thứ của cải nhà này lấy tiền đút túi.
– Bình tĩnh nào, các cụ ơi, – Ostap lùi lại – rồi thanh tra lao động sẽ đến giải quyết cho các cụ. Tôi không được nghị viện ủy quyền làm việc đó đâu.
Các cụ bà cứ nói:
– Chính thằng cha Pasha Emilevich đã lấy chiếc ghế đem bán sáng nay chứ ai. Mắt tôi trông thấy rõ ràng.
– Bán cho ai? – Ostap quát to.
– Chỉ biết hắn đã bán. Hắn còn định bán cả cái chăn của tôi nữa.
Ngoài hành lang đang diễn ra cuộc đấu khốc liệt với cái bình cứu hỏa. Cuối cùng thiên tài của con người chiến thắng, và cái vòi bị hai bàn chân cứng như sắt của Pasha Emilevich giầy xéo, chỉ còn phun được túm bọt cuối cùng để rồi câm họng vĩnh viễn.
Các cụ bà bị sai đi lau sàn. Viên thanh tra phòng chữa cháy hơi cúi đầu, oai vệ tiến đến chỗ Pasha Emilevich.
– Một người quen của tôi – Ostap lạnh lùng nói – cũng bán trộm đồ gỗ của công. Bây giờ hắn đang ngồi tù đấy, anh có biết không?
– Tôi thấy lạ về lời buộc tội vô căn cứ của đồng chí – Pasha nói, người hắn xông lên mùi bọt nồng nặc.
– Anh bán cái ghế cho đứa nào? – Ostap cao giọng hỏi.
Lúc này Pasha vốn có nhạy cảm siêu nhiên, hiểu rằng người ta sẽ đánh đập hắn, thậm chí có thể đá hắn.
– Thưa, cho một gã đi buôn bán lại, một ông hàng xách ạ – Pasha đáp.
– Địa chỉ của nó?
– Tôi gặp nó lần đầu trong đời ạ.
– Lần đầu trong đời?
– Thưa vâng.
– Đáng lẽ phải tống vỡ quai hàm của mày, nhưng Zaratustra, không cho phép, – Ostap nói. – Thôi, cút mẹ mày đi cho rảnh!
Pasha Emilevich mỉm cười xu nịnh và lùi lùi dần.
– Này, đồ con hoang, – Ostap ngạo mạn gọi, lại đây đã. Thằng bán hàng xách tóc vàng hay tóc đen?
Pasha bắt đầu tả tỉ mỉ. Ostap lắng nghe, rồi kết thúc cuộc phỏng vấn:
– Dĩ nhiên điều này không liên quan đến công tác phòng chữa cháy.
Lúc Ostap ra về, Alkhen bẽn lẽn trao cho hắn tờ bạc 10 rúp.
– Điều mười bốn của bộ luật hình sự quy định trừng phạt kẻ hối lộ cho cán bộ, khi người ấy đang thi hành phận sự, – Ostap nói.
Nhưng tiền hắn vẫn cầm và không thèm chia tay với Alkhen; hắn bước ta cửa. Cánh cửa lớn được trang bị bộ lò xo cực khỏe, đầy mãi mới chịu mở ra, rồi đập vào mông Ostap một cú với sức nặng tấn rưỡi của nó. Ostap xoa xoa chỗ đau, nói:
– Đòn đã giáng, phiên họp tiếp tục!