Chương III

     ừ ngày dạm hỏi, mỗi khi người ta chòng ghẹo gọi Hĩm là cô nghị Ích, Hĩm giãy nảy, mặt phụng phịu, nói gắt: “Tôi thèm vào làm lẽ người ta”. Có khi giận quá, Hĩm nói sỗ với cả chú, bác, cô, dì trong họ.
Mặc Hĩm giãy nảy, mặc Hĩm gắt gỏng, mặc Hĩm không bằng lòng, số phận Hĩm đã định rồi. Như con lợn nuôi, đã định trước ngày bán, mặc con lợn khốn nạn ấy lồng lộn trong chuồng mỗi khi có khách đến thăm.
Đem Hĩm ví với con lợn thì tội nghiệp cho Hĩm quá! Vả lại cũng không đúng với tâm tình Hĩm chút nào. Hĩm ngây thơ, dại dột như con chim, dễ quên nỗi khổ, thản nhiên... Mà biết đâu! Bà nghị cả có thể ốm, chết, để lại cho Hĩtn cả một cơ nghiệp đồ sộ. Biết đâu dòng dõi nhà ông nghị, lại không ở Hĩm mà sinh sôi này nở. Ấy là mẹ Hĩm vì quá thương Hĩm mà nghĩ lần thẩn như thế cho khuây khỏa nỗi ăn năn...
Thòi giờ qua, thấm thoắt đã đến ngày cưới, một ngày vui tươi, thỏa mãn, chứa chan tình yêu, một ngày đầy hạnh phúc, đấy mộng tưởng cho những cô gái gặp nhiều sự may mắn. Nhưng đối với Hĩm, nó chỉ là một ngày đầy nước mắt, một ngày ủ dột, lạnh lẽo như một ngày tang.
Khốn nạn thân Hĩm! Ngoài mẹ Hĩm ra, nào có ai thương đến Hĩm, nào có ai để ý đến nỗi cay đắng, đến những giọt lệ chan chứa trên gò má Hĩm.
Họ còn bận nghĩ đến họ, đến ngày vui mừng để được phô những bộ áo mới đẹp, để được chè chén thỏa thuê. Ông lý cũng thuộc vào hạng những người ấy. Ông hớn hở chạy đi chạy lại mời khách, ông cười ha hả mỗi lần người ta cợt giễu, xưng hô ông bằng cái tên “cụ nhong nhong”.
Ngay hai hôm trước ngày cưới, ông đã cặm cụi lau chùi bàn thờ, cùng những đồ thờ bóng nhoáng. Ông lôi những nậm bạch định cổ, chén cổ, khay cổ ra bày, ngắm đi ngắm lại, mặc những cái bĩu môi, lườm nguýt của vợ, mặc những tiếng sụt sùi, những giọng thổn thức của con gái ngồi trong xó buồng, quây quần những chị em đến dỗ dành khuyên nhủ. Ông không có hơi chút hối hận. Trái lại ông sung sướng tưởng đến anh con rể mà ông cho là một kho tàng để ông bòn rút. Được rồi! Sau này nhỡ có thua thì ông rẽ đến mượn thằng ông con rẽ dăm bảy chục. Chả nhẽ ông con rể lại tiếc mà từ chối!
Sáng sớm hôm cưới, nhà ông, nhà trên nhà dưới quét dọn sạch sẽ; bàn ghế, giường phản bày biện tích tươm. Gian giữa, trước bàn thờ, một cái sập gụ ông mượn được của ông hội, trên trải chiếu mới, cạp điều để dành riêng cho cụ lý cả và để lát nữa ông nghị lễ với cô nghị trẻ của ông.
Họ hàng khu xóm đến ăn trầu, uống nước mừng cho ông lý, bà lý mỗi lúc một đông. Hai đứa trẻ tuy chẳng được hơn gì ngoài những bộ mặt tết, thấy khách đến dìu đập cũng hớn hở chạy nhảy nô đùa với lũ trẻ hàng xóm.
Ai nấy cùng lộ vẻ hoan hỉ, cười nói om sòm. Nhưng nếu ai to mò để mắt vào buồng cô dâu, sẽ thấy một cảnh thương tâm không sao cầm lòng được. Hĩm đầu bù lóc rối, quần áo lốc thốc, nằm lăn lộn trên giường, gào thét như con một điên: “Con cắn cỏ con lạy thầy bu, thầy bu đừng ép con. Con không bằng lòng lấy người ta đâu...” Hĩm van vỉ như người mắc nạn kêu cầu cứu. Một vài chị em họ ngồi cạnh giường khuyên dỗ mãi chẳng được, phát gắt, nói dọa: “Này chúng tôi bảo thực, cheo cưới đã nhận đủ rồi, không nghe người ta xỏ mũi người ta lôi đi chứ chẳng chơi”. Thấy vô hiệu họ đứng dậy bỏ ra nhà ngoài để nhường cho hai bà thím.
Bỗng có tin cụ lý cả đến. Mọi người đứng dậy răm rắp. Trong nhà, ngoài sân huyên náo. Mấy ông đàn anh trong họ đương cười nói bô bô, im bặt.
Cụ lý vừa ngồi xuống sập đã hỏi:
- Vẫn cứ giờ Thìn rước dâu đấy chứ? Cô dâu đã sắm sửa đủ lễ bộ chưa?
Một ông chú đứng dậy, phép tắc thưa:
- Bẩm cụ vâng, vẫn theo giờ cụ chọn. Bẩm con bé ương ngạnh quá, cứ nằm lỳ trên giường, dỗ thế nào cùng không được.
Cụ lý còn cầm gậy trúc trong tay, chống đứng dậy đi lại cửa buồng quát to:
- Con bé đâu! Muốn sống muốn tốt thì ngồi ngay dậy sửa soạn đi. Ối chào! Đã dễ mà một chốc lên chức cô nghị đấy. Mày không biết chứ chán vạn kẻ mong ước mà chẳng được kia kìa. Này, ông bảo, nghe ông thì ông còn thương chứ mà giở cái thói hỗn hào, bất hiếu bất lực ra, ông thì bắt trói bỏ võng khênh đến nhà trai ngay lập tức.
Hai thím nâng dỗ Hĩm dậy, nói thêm: “Đấy, sửa soạn đi cháu. Cụ nóng lên thì các thím cũng chịu”.
Khác nào một người bị thôi miên, Hĩm ngồi dậy ngoan ngoãn để hai bà thím trang điểm trước mặt cụ. Hĩm và các em xưa nay vẫn sợ cu lý như sợ cọp. Hĩm đã được nghe người ta kể: ngày xưa con gái thứ hai cụ chê chồng, bị cụ bắt trói bỏ võng khênh đến nhà trai. Vì thế, chợt nghe thấy tiếng võng, Hĩm đã sợ hết hồn hết vía đi rồi.
Từ lúc cụ lý đến, nhà trên tự nhiên biến đi đâu mất những tiếng cười đắc chí. Ngoài sân lũ trẻ tản mát dần. Duy còn một ít huyên náo ở nhà dưới vọng lên.
Cụ lý uống xong tiệc nước thì ở cổng đi vào bốn người đội bốn năm cau trên phủ vuông vải tây đỏ. Theo sau, bốn năm người đàn ông ăn mặc lịch sự lối thôn quê, khăn lượt xếp hạng rẻ tiền, áo sa tanh lụng thụng, quần chúc bâu sột soạt vì chưa giặt lần nào và đôi tất màu sặc sỡ trong đôi giày vừa mới sắm: Họ nhà trai.
Cụ lý vội ra đứng trên thềm đón tiếp ông cháu rể quyền quý của cụ. Cụ chưa kịp hỏi ai là chú rể thì một người mảnh dẻ đến chỗ cụ gãi tai thưa sẽ:
- Bẩm cụ anh nghị con có việc quan cần kíp phải lên tỉnh hầu cụ thượng. Bất đắc dĩ phải cho con là em ruột đến đại diện. Anh con xin cụ cho phép đến hôm nhị hỉ sẽ đến lễ nhà thờ. - Hắn nói thác ra thế. Nghị Ích ung dung ngồi nhà để tránh cái lễ mà hắn cho là không xứng đáng với chức tước và quyền thế của hắn. Bà chánh Bút đã dặn dò người em rằng: việc gì cũng cứ nói khéo với lão lý già là xorg xuôi hết.
Cụ lý quay vào bảo với vợ chồng ông lý:
- Này anh lý chị lý, ông nghị có việc quan cần phải lên tỉnh hầu cụ lớn thượng, cho ông em đi thay. Vậy anh chị ra mà nhận lễ.
Mọi người trong họ đều ngạc nhiền, thì thầm với nhau: “Cưới đâu lại có thứ cưới không rể bao giờ. Họ khinh họ nhà gái mình quá”.
Ông lý chạy ra nhận lễ. Ông sung sướng nhìn xuống gói giấy đỏ đề ngoài hai chữ “nhất bách” đặt trên cái dĩa. Ông cho thế là đủ rồi còn ông rể nghị có mặt hay không có mặt cũng chẳng quan hệ.
Bà lý đương ủ dột trong xó nhà. Bà ăn vận như ngày thường. Họ hàng vật nài mãi bà mới chịu mặc thêm chiếc áo the thâm. Thấy nói rể không đến, bà lấy làm nhục cho thanh danh nhà bà. Bà liền đứng dậy theo chồng ra kháng cự:
- Thưa trên có cụ, sau nữa có quan viên họ đông đủ, khi ăn hỏi, rể đã không có mặt, nay rể lại không có đây thì xin hoãn ngày cưới.
Những tiếng thì thầm lan khắp nhà. Cụ lý cất tiếng. Mọi người im bặt.
Theo kế hoạch bà chánh Bút, người em lại gãi tai, thì thầm với cụ lý: “Bẩm cụ trăm sự nhờ cụ. Cụ nói giùm với bà lý cho. Thật là sự vạn bất đắc dĩ, chứ anh con có muốn thế đâu. Cụ đã biết, việc quan thường xảy đến bất thình lình không ai lường trước được. Ngày giờ cưới xin đã được cụ chọn lựa rất kỹ càng. Bỏ đi thì thật khó cho cả nhà trai lẫn nhà gái. Hay là con xin lễ thay anh con vậy”.
Cụ lý quay vào nói to như truyền lệnh:
- Ông Hai - Cụ tự tiện gọi thế - ông Hai đã nói thì họ ta cũng bằng lòng đi vậy. Việc là việc trăm năm của cháu, can hệ đến đời cháu nhiều. Còn đặt ra lễ tổ tiên là theo tục lệ xưa, có càng hay mà không có cũng được. Với lại lời ông nghị cũng sẽ đến lễ nhà thờ vào hôm nhị hỉ kia mà.
Cụ vốn trọng lễ nghi, hơi chếch lệch, khuyết điểm là không xong với cụ. Nay cụ chịu dàn xếp một cách giản dị như thế chắc là cụ muốn làm công làm cán với ông nghị.
Bà lý nghĩ đến con. Chỉ còn một ngày hôm nay, rồi con bà sẽ vào tay người ta. Mình mà làm khó, chỉ tổ thiệt cho con mình. Vì thế, tuy trong lòng uất ức mà ngoài mặt, bà vẫn phải bằng lòng theo ý cụ lý. Nhưng bà không muốn trách nhiệm trút sạch cả lên đầu bà để sau này người ta có thể nói được. Bà quay ra nói với họ:
- Thưa quan viên họ, cụ đã dạy thế thì tùy quan viên họ đấy.
Cố nhiên là quan viên họ đều thuận để được lòng cụ lý.
Cụ lý hả dạ, vừa nói vừa trở vào ngồi đĩnh đạc trên sập:
- Công việc khó khăn, lão đã thu xếp được ổn thỏa rồi... Bây giờ ông nào, bà nào, cô nào đi thì bảo để người ta liệu. Cũng nên đi đông đông cho đám cưới được trọng thể.
Em nghị Ích chạy vội đến cụ lý gãi tai thì thầm:
- Bẩm cụ đường sá xa xôi mà xe tay chỉ thuê được tám chiếc, nhà trai đã dùng bốn chiếc, còn bốn chiếc phần nhà gái. Bẩm cụ, có bao nhiêu xe anh con đã thuê cả từ hôm qua mới được thế đấy.
- Thế à! - Thực thì cụ cũng thừa biết rằng xe ở vùng huyện có ít ra là vài chục chiếc và riêng những xe đỗ quán Nam cũng đủ cho hết họ nhà trai lẫn nhà gái. Cụ liền nói chữa - Lão tính đi đông cho trọng thể nhưng hiềm vì đường sá xa xôi và xe vùng này hiếm lắm. Ông nghị thuê được có tám cái thôi. Vậy họ ta cũng liệu liệu thu xếp cho đủ chỗ ngồi.
Một xe đã dành riêng cho cô dâu với cô phù dâu. Còn ba cái có thể chứa được sáu người là cùng. Trong họ, người nọ đùn người kia, không ông bà nào muốn đi. Vì cứ cái tình thế hiện thời, họ biết trước rằng: Có đến cũng vị tất sẽ được ăn uống tiếp rước tử tế. Rút cục các ông đàn anh ở lại để nhường sáu anh xi nhép chẳng ra hồn người.
Trong buồng bỗng có tiếng gào khóc và tiếng van lơn: “Cháu cắn cỏ cháu lạy thím. Cháu không bằng lòng lấy người ta đâu. Thầy bu ơi! Thầy bu không thương con với, thầy bu!”
Nhiều người chạy lại đứng vây ngoài cửa buồng. Một vài người rơm rớm nước mắt nhìn cảnh tượng đau đớn. Hai thím cầm hai tay Hĩm co kéo. Hĩm, nước mắt chứa chan cố sức kéo giựt lại, như con bò non biết trước người ta đem đi đâu, cố cưỡng lại chốc lát.
Cụ lý ngồi trên sập, gọi bà lý lại bảo:
- Chị vào khuyên nhủ con chị, chứ để nó làm thế thì mang tiếng cả họ. Chẳng gì bố nó cũng là một ông lý cựu và chú bác nó toàn là hang chức dịch cả.
Bà lý nét mặt thảm đạm, vào trong buồng. Bà vừa lấy vạt áo lau nước mắt con, mắt bà cũng đẫm lệ, vừa tỉ tê nói nhỏ:
- Con ơi! Số phận con thế thì bu biết làm thế nào! Con nghe bu, con đi về với ong nghị (bà ngượng không dám dùng tiếng chồng). Nhà người ta hiếm hoi... Rồi nhờ trời, con cũng được sung sướng. Bu thấy con khổ, bu cũng đứt từng khúc ruột...
Được mẹ dỗ dành, Hĩm bớt tủi, ngoan ngoãn theo hai bà thím bước ra thềm, xuống sân, đi lẫn vào đám đông, mặt cúi gằm, một tay cầm vạt áo đưa lên lau nước mắt. Hĩm đành nhẫn nhục chịu đựng hết nỗi khổ. Mẹ Hĩm đứng cổng nhìn con mỗi lúc một xa, cặp mắt ngơ ngác như con bò mẹ vừa bị người ta bắt mất con. Trông bà thiểu não ái ngại chẳng kém gì cái Hĩm.
Bà đứng thừ ra như thế không biết bao nhiêu lâu. Lúc trở vào thì họ hàng, khu xóm đã tản mát gần hết, chỉ còn Vót với vài người thân thích ngồi lại. Trông thấy họ, bà cực thân, ngồi gục mặt xuống khóc nức nở. Các bà xúm lại khuyên:
- Bác chả nên buồn làm gì thêm yếu người. Trẻ đứa nào lớn lên rồi chả đi lấy chồng. Mình giữ được mãi chúng nó ở nhà hay sao? - Duy có Vót là biết nỗi đau khổ của bà.
Suốt ngày hôm ấy, bà chẳng buồn mó tay vào việc gì, ngồi lặng trên ngưỡng cửa nghĩ ngợi. Ông lý vớ được hại chục cheo và dăm chục bạc, tiền của nghị Ích và bà chánh Bút đưa cho, đã tìm đến lăn lộn trong đám bạc. Hai đứa trẻ thấy mẹ không vui cũng lẻn ra đường ra quán nô đùa. Cái Sồi lủi thủi làm dưới bếp. Ba gian nhà lạnh lẽo vắng tanh. Chiếc khung cửi bỏ không càng nhắc bà nhớ đến đứa con yêu quý. Chốc chốc hình như có sức mạnh gì ở đáy tim đưa lên làm cho bà thổn thức khóc nấc lên và kể lể nỗi khổ một mình như người điên.
Cả đêm bà không ngủ. Bà nằm nghĩ liên miên, nghĩ đến thời bà còn trẻ. Bà chợp mắt. Một cảnh đám cưới diễn ra trước mặt bà như một phim ảnh: Một tràng pháo nổ ran. Nàng dâu sau bao nhiêu lời giục giã, bẽn lẽn bưng tráp trầu sơn son vẽ vàng mới tinh ra đứng nép sau một bà đứng tuổi. Nàng mặc toàn đồ mới, chiếc khăn nhiễu tam giang mới, chiếc yếm trắng mới, chiếc áo the mới mặc ra ngoài chiếc áo lụa đỏ mới, chiếc dây lưng thiên lý mới và chiếc váy lụa mềm mới. Nàng xấu hổ cúi gằm mặt xuống và đi theo bà kia để bà đỡ lời nàng mời trầu hai họ. Những câu chúc tụng, cợt giễu của họ làm nàng mặt đỏ bừng như quả hồng quân. Mời xong, nàng đặt tráp trên bàn rồi chạy thọt vào buồng đợi chốc nữa các người lại giục giã nàng về nhà chồng.
Nàng chưa biết rõ mặt chú rể. Nàng chỉ nghe thấy người ta nói: chú rể thấp bé hơn nàng, khiến nàng không được thỏa lòng lắm. Nhưng lúc ấy vì xấu hổ, vì bỡ ngỡ, vì sợ hãi, nàng chẳng nghĩ gì cả...
Lại một tràng pháo nổ. Nàng bẽn lẽn bưng tráp trầu trên phủ vuông nhiễu đỏ, bước ra khỏi cửa buồng, đi chen vào giữa bọn người chị em bằng trạc tuổi nàng. Bốn chiếc nón nghệ trắng ngà che nghiêng bốn mặt như không muốn cho những kẻ phàm tục nhìn thấy mặt nàng... Đến nhà trai, họ đưa thẳng nàng vào căn phòng sạch sẽ. Nàng ngôi trơ trọi một mình trên chiếc giường màn mới, trong khi ở ngoài, hai họ ăn cỗ, uống rượu, chuyện trò ầm ĩ. Chốc chốc lại một tràng pháo nổ mừng... Đó là đám cưới bà.
Cảnh tưng bừng tốt đẹp ấy vừa diễn xong thì một cảnh khác tiếp liền, một cảnh ghê gớm và bi thương. Một ông già dữ tợn chống gậy quát vang nhà. Hai người đàn bà cầm hai tay người con gái kéo. Người con gái, nước mắt chan hòa, cố sức kéo lại. Tiếng khóc hòa lẫn tiếng kêu thảm thiết, ông già ác nghiệt quá quát luôn mấy tiếng: Người con gái sợ hết hồn, nhẫn nhục theo sau bọn đàn ông hùng hổ như bọn cướp...
Bà lý giật mình tỉnh dậy uất lên, nức nở khóc. Một lúc lâu, bà lau nước mắt, nước mũi, thở dài mấy cái rồi kêu lên như muốn trút hết nỗi đau khổ ra ngoài: “Ối giời ối là giời ôi! Nhục nhã khổ sở cho con tôi”.