Chương IV

     ưới Hĩm đã được hơn năm trời mà bà lý vẫn chẳng biết tin tức gì về con. Bà đã nhờ một người trong họ làm thư ký viết hộ bà lá thư gửi hỏi thăm ông nghị, bà nghị và nhờ ông cho biết cái Hĩm của bà. Nếu bà biết chữ, viết lấy được, bà sẽ kể lể nỗi khổ tâm của bà, bà sẽ ngỏ lời van lơn ông nghị, bà nghỉ một cách thống thiết để họ rủ lòng thương bà mà thương đến con bà. Bà không dám thổ lộ tâm can sợ người ta chê cười.
Nhiều lần đi chợ, bà con gặp hỏi han đến Hĩm: “Cô nghị lâu nay không thấy về chơi nhà. Cô nghị vẫn được mạnh khỏe đấy chứ? Bao giờ bà lên thăm cô nghị?”
Bà đáp một cách ngượng nghịu: “Cám ơn bà, cháu nó vẫn được mạnh”. Và bà nhớ đến Hĩm, thương hại Hĩm, lắm lúc bà rơm rớm nước mắt.
Đã ba bốn lần bà định lên chỗ ông nghị để biết rõ tình cảnh con. Bà đã hỏi thăm đường lối cặn kẽ, nhưng bà còn ngần ngại đường sá xa lạ. Cái thư bà gửi lên thăm ông nghị, bà nghị hơn tháng nay rồi mà vẫn chẳng thấy ông bà trả lời. Bà nóng lòng sốt ruột, nghĩ thầm: “Thế nào mình cũng phải đi mới được. Cứ thế này mãi thì chẳng còn làm được việc gì”. Bà nghĩ, rồi bà cả quyết chọn ngày đi cho được mọi sự may mắn.
Ngày hai mươi bốn tháng Tư, một ngày nên ra đi, cầu xin, dâng lễ, buôn bán; bao nhiêu việc nên làm trong ngày ấy cùng hợp với ý định bà. Bà dậy thật sám bảo ban mọi việc, dặn cái Sồi coi nhà. Bà lấy ở đáy quả ra một bộ quần áo mặc Tết. Bà không dám ăn mặc luộm thuộm, sợ có ảnh hường xấu xa đến con bà. Bà gọi thằng Chút ra đứng đón cổng để được gặp trai, rồi cắp cái rổ trên phủ cái vỉ mới, ra đi. Một bà đi chợ tươi tỉnh hỏi:
- Bà lý đi đâu mà thắng bộ đẹp thế?
Bà lý trả lời niềm nở:
- Thưa bà, tôi lên trên ông nghị thăm cháu.
- Bà lý lên thăm cô nghị đấy à? Đem quà về cho bà con với nhé!
- Vâ... âng!
Mặt trời chưa xuất hiện. Ánh hồng phơn phớt sau làn sương nhẹ như khói tỏa. Trong các khóm cây xanh mát, những tiếng chim đua hót như đón chào.
Đến đầu làng, bà rẽ xuống bờ ruộng đi tắt cho gần. Bà nhớ lại ngày còn trẻ, đi lễ Phủ Giầy với bọn chị em, bà cũng rẽ xuống con đường này. Độ ấy tâm hồn bà còn thảnh thơi, đầy mộng tưởng, dễ vui, dễ cảm xúc với cảnh vật. Bà còn là một cô gái lanh lẹn, cắp cái thúng con xinh xắn vừa thoăn thoắt bước vừa đùa giỡn với lũ chị em tinh nghịch. Bà cảm thấy thời già đi chóng quá, tưởng như vừa mới độ nào. Bây giờ bà đã có tuổi, đã trải bao nhiêu lo lắng, khổ nhục, đã dùng bao nhiêu nỗ lực, tâm trí để gây dựng giang san nhà chồng. Cặp mắt bà đã kém sáng, nét mặt bà kém tươi, cử chỉ bà nặng nề, bước đi bà chậm chạp. Phong cảnh đồng áng man mác chung quanh không còn làm rung động tấm lòng khô héo của bà nữa. Bà lủi thủi bước một trên các bờ ruộng. Thỉnh thoảng một con cò bợ kiếm ăn dưới khe lúa thấy động, vụt bay. Bà đưa mắt nhìn theo cho đến khi cái điểm trắng lần khuất vào một khóm tre gần đấy. Bà buồn rầu nghĩ đến Hĩm vừa lớn lên đã phải xa nhà xa cửa, đem tấm thân non nớt đến hầu hạ người ta. Bà tưởng tượng những cách hành hạ ác nghiệt của vợ cả, những lúc con bà ẩn vào một xó khóc rưng rức và chắc lúc ấy không khỏi oán giận bà. Thì chính lúc này bà cũng đương oán giận bà vì quá nhu nhược với họ nhà chồng để đến nỗi con bà phải lâm vào cảnh lẽ mọn. Bà thở dài, đổi chiếc rổ sang cánh tay trái: “Mình rõ lẩn thẩn. Biết đâu rằng nó khổ”. Bà nhớ lại những lời bà chánh Bút: “Bà nghị hiền lành, ông nghị tử tế, hai cô con gái dễ bảo”. Nhưng lương tri bà bắt buộc bà không thể tin được những lời ngọt ngào, xảo quyệt ấy. Phải, mụ mối có mấy khi nói thật. Bà cắm đầu, vừa đi vừa nghĩ liên miên, lúc ngửng lên thì quán nước trên vệ đê đã sừng sững trước mắt. Bốn năm anh xe đứng vắt chéo chân, đôi càng chổng ngược lên trời, chào khách:
- Bà đi xe tôi kéo.
Bà lý, trước ngày đi, đã hỏi giá xe cẩn thận. Bà bước lên đê đứng mặc cả:
- Hăm nhăm xu lên quán Cháy, có đi không?
Bà định trả ba hào, nhưng cũng như mặc cả thức ăn, bà nói bớt đi năm xu để bọn xe thêm lên thì vừa.
Một anh xe bĩu môi, nói giọng khinh bỉ:
- Hăm nhăm xu đây lên quán Cháy! Bà thử trả ngay bốn hào xem chúng tôi có buồn đi không.
Tuy vậy, cả bọn cũng lẽo đẽo theo sau, nài giá.
- Hăm nhăm xu đấy, có đi thì đi.
Vẫn anh ban nãy, cười nhạt, trả lời hỗn xược:
- Hăm nhăm xu thì xin mời bà đi bộ cho dẻo chân.
Bà lý chưa trả tăng vội, vì bà còn muốn tạt vào chợ mua con cá làm quà ông nghị bà nghị.
Lúc vào khoảng tám giờ. Chợ chưa đông lắm. Bà đi đến một hàng cá, cúi xuống mặc cả con vược. Con cá không được to nhưng mà tươi. Bà ưng ý lắm, nghĩ thầm: “Con cá này, ông nghị bà nghị hẳn bằng lòng”. Bà đã mặc cả từ tám hào lên đến đồng hai rồi mà chị hàng cá chưa buồn bán, cứ nằng nặc đòi đồng tư. Bỗng một bà ở đâu đến trả tăng lên năm xu, mua tranh. Bà lý tức mình, trả cao hởn bà kia hai xu nữa. Hai bà sắp sửa thành đôi co thì chị hàng cả bằng lòng bán cho bà lý đồng ba, lấy cớ rằng bà ta mặc cả trước.
Bà ra khỏi chợ, nhắc vỉ lên ngắm lại con cá. Bà lẩm bẩm một mình: “Kể thì đắt năm xu, nhưng mình mà không vội trả tăng lên thì con mẹ nó mua tranh mua cướp mất, còn đâu. Không biết cái con mẹ nào mà đành hanh, quạ mổ thế! Dáng chừng nhà giàu!”
Nếu bà không phải mua làm quà thì không khi nào bà chịu trả đến giá ấy.
Ra đường cái, bọn xe lại châu vào đón chào. Một anh khác ban nãy lải nhải:
- Bà trả thêm chứ hăm nhăm xu rẻ quá, chúng cháu không thể kéo được.
- Thì thêm hai xu nữa là hai hào bảy đấy, không đi thì thôi. - Bà vừa nói vừa cắp rổ vờ đi thẳng.
Anh xe lẽo đẽo theo sau. Cả bọn nối đuôi, lững thững như đi bách bộ. Anh trên đi sát vào bà lý đặt đôi càng xuống, nói bằng một giọng quả quyết:
- Thôi thế nhất định giá ba hào, bà không đi thì cháu cũng chịu!
Bà lý thấy đúng giá mình định, bèn bước lên xe ngồi. Anh xe vừa nhấc đôi càng, sắp kéo thì anh ban nãy nắm cánh tay giữ lại:
- Mày có để ngay xuống không? Ông mời người ta từ trước.
Một anh lực lưỡng to béo chạy lại can thiệp:
- Ai bảo mày không nài thêm? Anh em cùng nghề với nhau mà động một tí là giở ngay cái lối bắt nạt!
Cả bọn cùng có vẻ bằng lòng, vì xưa nay họ vẫn ghét cái thói du côn, ăn hà ăn hiếp của anh kia. Họ thì thầm với nhau: “Khốn cu cậu còn muốn bắt chẹt người ta kia!”
Anh xe được anh nọ buông tay, gò lưng ra đằng trước, kéo, rồi đều chân chạy, tai còn vẳng nghe thấy tiếng dọa nạt:
- Về ông giã cho thành tật!
Như đáp lại câu ấy, anh xe vừa chạy vừa phàn nàn với bà lý:
- Bà xem, nó chỉ bắt nạt người hiền lành như chúng cháu. Hôm nay không có bác Tuất thì ít ra bà cũng phải trả tới bốn hào... Mà rồi nó có đi đâu, nó lại để cho thằng oắt con ngồi đợi trong hàng nước lấy nửa tiền. Thành thử nó ăn không một nửa.
Bà lý trả lời lại. Câu chuyện tâm sự của hai ngươi bắt đầu từ đấy. Anh xe biết bà lý có cô gái cả gả làm lẽ ông nghị Thịnh Cầu, cô gái thứ hai, lỳ lỳ suốt ngày, thằng trai lớn gầy gò và hay đánh lú, thằng trai nhỏ khỏe mạnh nghịch ngợm như thằng quỷ. Anh ta biết cả ông lý ham mê cờ bạc, thường lấy trộm tiền của bà đi nướng xóc đĩa.
Trái lại, bà lý biết anh xe có bà mẹ già bán hàng nước ở đầu làng Tiên, biết vợ anh ta gánh rau muống đi chợ bán, và đến mùa thuốc lào đi bắt sâu, bẻ ngạch, rửa “nhờn” thuê. Bà biết anh ta có đứa con gái lớn toét mắt và thằng bé lên ba, mắt lúc nào cũng đầy rử...
Xe đi được một thôi dài, hai người lại bắt đầu vào chuyện. Anh xe, mồ hôi mồ kê đầm đìa mà vẫn giòn chuyện như thường. Anh ta nói:
- Chúng cháu làm chỉ đủ ăn thôi, bà ạ. Bà tính không phải đi vay đi mượn là tốt... Nhưng mà từ rằm tháng Chạp cho đến tận cuối tháng Ba thì phát tài lắm, bà ạ. - Anh ta nghỉ mộr lát để thở và để lau mồ hôi ròng ròng trên trán - Có ngày cháu kiếm được hai đồng... Trừ thuế má, trừ ăn tiêu đi rồi cũng còn được hơn một đồng.
Bà lý ngồi lắc lư trên xe (vì đường gò ghề tuy có lát đá) trả lời:
- Khá lắm nhỉ. Sao không dành dụm để bà cụ và chị ấy làm cái vốn buôn bán?
- Khốn nhưng ai đánh bạc cho.
Bà lý ngạc nhiên:
- Chị ấy à?
- Cả cháu lẫn nhà cháu. Cháu được lời ra bao nhiêu thì tét vào xóc đĩa với thò lò. Còn nhà cháu có đồng nào thì chỉ sang hàng xóm đánh chắn. Có lần cháu đã nắm tóc nó kéo từ bàn chắn về nhà giã cho một trận nhừ tử thế mà đâu vẫn hoàn đấy.
Bà lý thương hại người vợ thở dài nói:
- Tội nghiệp! Ai lại nỡ đánh đập người ta thế. Sao không lấy lời mà bảo ban người ta có hơn không?
- Cháu bảo ban mãi chẳng được... Chồng đã chẳng ra chồng, vợ lại cũng chẳng ra vợ. - Anh xe nói đã có dáng nhọc mệt. Bà lý thấy vậy, thôi không hỏi chuyện nữa. Bà ngồi tựa lưng vào thân xe cứng nhắc, thiu thiu ngủ... Bỗng một bánh xe vấp phải hòn đá, nhảy lên đập xuống. Bà lý giật mình, mở choàng mắt. Bà nhìn trước mặt hỏi:
- Có phải cầu Mục kia không bác? - Bà mang máng nhớ lại ngày đi Phủ Giày, bà đứng trước một hàng nước ngay đầu dãy đón ô-tô đi Nam. Câu chuyện ngớ ngẩn của bà khi xưa lại làm bà nhếch mép tủm tỉm cười.
- Vâng, cầu Mục đấy. Từ đây rẽ lên quán Cháy còn độ hai cây nữa thôi.
- Hai cây nữa thôi? - Bà ngồi trầm ngâm nghĩ đến con gái, đến gia đình ông nghị mà bà phác họa trong tưởng tượng. Phong cảnh tốt tươi dưới ánh nắng của bầu trời xanh ngắt, những tiếng chim cu gáy từng hồi trong những khóm tre râm mát, những tiếng mục đồng hát trên mình trâu, cả những tiếng động của chiếc xe lắc lư trên con đường đầy hố cũng không đủ làm cho bà ra khỏi những ý nghĩ ám ảnh...
Bỗng anh xe ngả người ra đằng sau hãm đà xe lại:
- Quán Cháy đây rồi.
- Đến rồi à?
- Vâng.
Anh xe đặt đôi càng xuống vệ đường ngồi, lấy khăn tay nâu vắt vai lau mồ hôi đầm đìa trên mặt, trên cổ, trên cánh tay. Bà lý móc cái túi vài giắt trong dây lưng, đếm trả tiền. Anh xe vừa cầm nón quạt vừa ngửa tay nài thêm vài xu uống nước. Bà lý đãi thêm một xu rồi hỏi đường lối vào nhà ông nghị.
- Bà cứ đi thẳng con đường này vào tận giữa làng, thấy cái nhà gác mới làm là nhà quan nghị đấy. - Nói xong, anh xe đi vào ngồi trong quán Cháy uống nước, hút thuốc và chốc nữa, đỡ mệt, sẽ làm dăm ba xu bún riêu.
Trời đã gần trưa. Ánh nắng chói lọi và nóng bức. Cảnh đồng áng tẻ dần. Người và vật nghỉ mát dưới những gốc đa hay những khóm tre. Một vài bà đi chợ về, mỗi bà đội hai cái thúng đại chồng lên nhau đầu lót vỉ, hai tay vung va vung vẩy, luôn miệng nói chuyện chồng con. Bà lý dẫn bước, đi cạnh một bà, hỏi thăm nhà ông nghị lần nữa cho chắc chắn. Bà kia cũng trả lời tương tự như anh xe và hỏi lại:
- Bà hỏi nhà ông nghị có việc gì? Ý chừng bà đến vay mượn hay khắt nợ chăng?
- Không ạ, tôi đến thăm ông nghi bà nghị. - Bà chưa dám hỏi thăm cái Hĩm củ bà, sợ thất vọng. Bà không muốn chóng đến nơi vì bà đương phân vân, không biết ông nghị bà nghị sẽ tiếp đãi bà thế nào. Lãnh đạm hay niềm nở? Bà sẽ xử trí ra sao? Nên vồ vập, thân mật như người nhà hay phép tắc giữ gìn như người khách lạ? Con gái bà thì chắc là mừng lắm rồi. Chắc thế nào cũng níu lấy áo bà hỏi thăm rối rít. Hơn năm trời cô bé xa nhà xa cửa còn gì. Rồi lúc vắng ông nghị bà nghị, cô chẳng khỏi khóc mếu, phàn nàn về nỗi vất vả, nặng nhọc. Cô gái măng nào mới về nhà chồng chả vậy. Cứ tự suy xét về bà khi xưa thì biết. Nhưng bà sẽ khuyên con ăn ở cho phải đạo, hết mực chiều chuộng bà nghị. Bà sẽ cố lấy lòng bà nghị! Cho được thế, bà phải nấc nỏm khen bất cứ cái gì thuộc về bà nghị. Bà phải mắng và chớ khen con ngay trước mặt bà nghị...
Đến ngã ba, bà lưỡng lự, không biếc rẽ lối nào. Bà ngơ ngác nhìn chung quanh... Chợt thấy một ngôi nhà gác mới làm vững chãi, chắc chắn như cái “lô-cốt” nhô lên khỏi những mái ngói, mái tranh như một anh cao lênh khênh đứng giữa những anh lùn. Bà đoán chắc là nhà ông nghị. Không cần hỏi ai, bà cứ việc đi thẳng, lấy ngôi nhà gác làm đích, rẽ vào xóm, qua hai cổng gạch cánh cửa lim. Bà tấm tắc khen thầm: “Kiên cố thật! Ngay nhà cụ huyện làng mình cũng chẳng được kiên cố như vậy”. Bà đi men theo một dãy tường cao chót vót cắm tua tủa những mảnh chai. Nếu bà đã biết nhà hỏa lò ở Hà Nội, tất bà sẽ đem nhà ông nghị của bà ra so sánh với nó. Đến cái cổng đẹp hơn, bà dừng bước. Đối cánh lim rắn như sắt, đóng kín mít, bà không nhìn vào được. Bà còn đương phân vân không biết có nên gọi hẳn tên cái Hĩm thì một bọn thợ cấy đi lại. Bà hỏi một người trong bọn:
- Này bác, có phải nhà ông nghị đây không?
Người kia đứng lại. Cả bọn thấy người lạ cũng tò mò đứng dừng lại nghe. Người kia trả trả lời:
- Phải, nhà ông nghị đấy. Ý chừng bà đến vay mượn, phỏng?
- Không! Tôi đến thăm ông nghị bà nghị.
- Gọi cổng nhà ông nghị khó lắm cơ, bà ạ. Bà cứ réo thằng Quýt lên. - Nói rồi người ấy và cả bọn cùng đi thằng. Bà lý gọi réo hôi lâu; đàn chó thấy động sồ ra sủa. Thằng Quýt hé cửa ra nhìn, hỏi:
- Ai?
- Tôi đây, cậu ạ.
- Tôi là ai?
- Cậu vào bẩm với ông nghị bà nghị mẹ cái Hĩm có con cá vược tươi lắm đến thăm ông bà. - Bà tủm tỉm cười, cho con cá vược tươi của bà có sức mạnh đưa bà đến ông nghị bà nghị một cách dễ dàng.
Thằng Quýt đóng sập cửa lại rồi biệt tăm không ra nữa. Bà đứng ngoài đợi đã thấy chồn chân, mỏi cả hai gối. Chốc chốc bà lại nhắc: “Quái! Dễ hắn không vào bẩm với ông nghị. Muộn lắm rồi còn gì”. Bà nhắc vỉ. Con vược tươi đã thấy kém tươi. Sau cùng bà đứng réo tên cái Hĩm mãi cũng chẳng ai thưa. Bà uất lên tận cổ, ứa nước mát, chửi thầm: “Cha con đẻ ra mẹ nó, chứ nó lại khinh bà à!” Bà buồn thiu trở về. Đến chỗ chị bán dầu hôi, kim, chỉ ngay vệ đường, bà ngồi xuống mua một cái kim và dăm con chỉ để lấy cớ làm thân.
Bà tỉ tê hỏi:
- Bác có biết cô Hĩm, vợ lẽ ông nghị không nhỉ?
- Nàng hầu đấy chứ có phải vợ lẽ đâu. Tội nghiệp nhà chị ta. Con người đon đả, đẹp đẽ thế mà chịu vùi thân vào cái nhà ấy. - Chị hàng dầu hạ giọng, thì thầm - Bà không biết chứ con mẹ nghị ấy ăn thịt người không biết tanh đấy. Nó hành hạ chị ta đến khổ. Thật, tôi tớ còn sung sướng hơn. - Chị ta không để ý đến cặp mắt đỏ heo của bà lý, tiếp luôn - Lại hai cô con gái nhà bà ta mới gớm chứ. Thật hai con nặc nô. Chúng nó xúm nhau vào hành hạ. Tôi đã làm thuê ở đấy, tôi biết, có lần nó túm tóc chị ta xuống rồi cứ đũa cả đánh túi bụi cả vào đầu óc. Ai trông thấy cũng phải thương... Mà chúng nó thì xấu như quỷ, so với chị ta thế nào được...
Bà lý ngồi thừ ra như pho tượng, thỉnh thoảng quay ra đằng sau hỉ mũi và lau nước mắt. Chị hàng dầu biết, nhưng cho là một người đàn bà dễ cảm, hay mau nước mắt. Thấy câu chuyện mình kể có người chú ý, chị ta càng dẻo mồm kể tỉ mỉ từng ly từng tí những cách hành hạ của vợ cả lẫn con chồng. Bà lý thương con quá, không sao cầm lòng được, ứa nước mắt kêu lên: “Trời ơi! Tôi không ngờ con bé khổ sở đến thế!” Rồi không để chị kia hỏi lại, bà cắp rổ đứng dậy chào xong, đi một cách vội vàng hấp tấp, vừa đi vừa sụt sịt khóc, chốc chốc lại đưa vạt áo lên lau nước mắt.
Chị hàng dầu nhìn theo thở dài:
- Mình quên khổng hỏi... Không khéo chính mẹ đẻ ra nhà cô ta cũng nên. Trông khuôn mặt giông giống... Tội nghiệp!