Chương IV

     ừ ngày nàng đi cầu tự ở Phủ Giầy đến tháng Ba này vừa đúng hai năm mà vẫn chưa thai nghén. Mẹ chồng nàng gắt gỏng luôn tuy không bao giờ chửi mắng hay trách móc. Nàng cũng biết, chỉ vì mẹ chồng nàng tức tối về nỗi chưa có cháu nội và nếu không vì thương nàng chịu khó vất vả quanh năm thì mẹ chồng nàng đã ép nàng lấy vợ lẽ cho chồng rồi. Nàng biết thế nên lại càng nể mẹ chồng và tủi cho số phận hiếm hoi của mình. Kể ra tuổi nàng đã lấy gì làm nhiều, nàng mới hai mươi bảy. Có người mãi ba mươi mới lấy chồng thì sao?
Chồng nàng, trái ngược hẳn, chẳng bao giờ để tâm đến đường con cái. Hắn còn đương thì trai trẻ, đương độ ham chơi vui thú.
Từ Tết, không mấy khi hắn về nhà. Cả ngày hết đánh chắn đằng xã, chừng lại đánh tổ tôm góp hai hào ở nhà khán Đệ. Phần vì đánh thấp sợ thua to, phần vì chức nhỏ, hắn không dám ngồi kề đùi kề vai với các ông lý, khán cựu. Lắm khi mê chơi, mãi già nửa đêm hay sáng rồi hắn mới mò về, vợ có gắt thì hắn chỉ cười trừ hay gắt ngay phủ đầu nếu hắn thua.
Hai sào thuốc trồng cữ tháng Giêng, hắn chẳng nhìn nhận, để mặc nàng trông nom. Vì thế nàng phải nuôi đứa con gái nhà cả Mịch để nó thay nàng thổi cơm, nấu nước, băm bèo quấy cám cho lợn. Còn nàng suốt ngày ở ngoài vườn, cặm cụi bắt sâu bẻ ngánh và rửa “nhờn”. Hai sào vườn, nàng phải bỏ hơn ba chục bạc “bởi” chứ có ít tiền đâu mà bảo bõ liêu bỏ bễ được. Hơi trễ biếng là tranh mọc đầy, sâu ăn hết lá hay muội phủ đen kịt. Lúc ấy thì vốn liếng sẽ đi đời!
Tuy vậy mà không bao giờ nàng dám oán trách chồng. Nàng coi chồng như một đứa trẻ để nâng niu, để săn sóc, để chiều chuộng. Vả lại, trong làng có mấy anh chồng là không rong chơi thỏa thích trong mấy tháng xuân, có mấy anh chồng là đi bắt sâu, bẻ ngánh, trừ khi những anh ấy thuộc vào hạng đụt, không biết quân bài lá bạc là gì, không biết đỏ mặt tía tai vì chai rượu với chiếc đùi thịt chó.
Nhưng, rồi cũng như mọi năm; cứ đến cuối tháng Ba là hết mùa ăn chơi, hết mùa cờ bạc, chồng nàng lại trở nên ngoan ngoãn, làm việc chăm chỉ. Sáng dắt trâu vác cày ra đồng, chiều về thả diều rồi ngồi khềnh trên thềm nghe sáo.
Vì hai sào thuốc, nàng vất vả cả ngày, không còn có những buổi trưa nhàn rỗi để ngồi bắt chấy cho mẹ chồng, không còn thì giờ để sang hàng xóm chuyện gẫu. Bao nhiêu tâm trí, bao nhiêu nghị lực, nàng để cả vào hai sào thuốc.
Chiếc khung cửi suốt ngày bỏ không, trừ khi mẹ chồng kỳ cạch một vài lúc. Bà vừa dệt chậm lại vừa có tuổi, ngồi hơi lâu là thấy mỏi.
Nhưng tối đến, cơm nước xong, chưa kịp xỉa răng, nàng đã vùi đâu vào khung cửi dệt cho đến gần sáng. Vì thế mà chẳng buổi chợ nào là nàng không có vải bán. Cũng vì thế mà chị em thường thì thầm với nhau: “Nhà chị ta khôn ngoan quá nên hiếm hoi đấy mà!”
Nàng mải việc quá. Về cuối tháng Năm, ngày nào nàng cũng phải đi nhặt lá “thuốc lá” về nhờ cả Mịch làm thành cuốn và đem bàn thái sang thái hộ. (Cả Mịch vốn là thợ thái thuốc). Mỗi lần, nàng không quên đãi hắn một cút rượu với hai tấm đậu phụ rán và một bữa cơm.
Trong khi Mịch kề cà nói chuyện với mẹ chồng thì nàng đi sang hàng xóm rọc thuốc giúp để khi thuốc nàng hái về họ lại sang làm giúp mình.
Chồng nàng khi ấy cũng bận, không còn thời giờ đâu mà thả diều. Nhưng công việc của hắn lại là cái thú đối với hắn.
Chiều đi làm về, dắt trâu vào chuồng, dựa cày vào xó bếp, ném vài nắm rơm cho trâu ăn, rồi vội đi ngay đến nhà có thuốc rọc, ngồi lẫn vào bọn con gái. Dưới ánh trăng trong (vì mùa thuốc thường vào đêm có trăng) câu chuyện nở như gạo vàng. Hắn thích nghe những câu hát ví, những lời giễu cợt của chị em - thường hắn vẫn là đầu đề câu chuyện vui của họ - để trả lời lại rằng:
- Muốn lắm chứ! Nhưng mà ai chịu làm lẽ mình mà lấy, hay là chị lấy tôi nhé?
Có chị xấu hổ, cầm cái que rọc vụt mạnh vào vai hắn, nói õng ẹo:
- Anh phải gió!
Cũng có chị bạo quá, vênh mặt nhoẻn cười, nói phứa:
- Ừ, nhưng mà liệu chị ấy có ghen không đã?
Những lúc ấy nếu có vợ hắn ngồi đấy thì chị em lại đùa lối khác. Họ nể nang, kính trọng đức hạnh của nàng, không nỡ để nàng tủi nhục.
Mùa thuốc chưa qua, mùa gặt đã đến. Mọi khi chỉ một vụ gặt cũng đủ không kịp thở, huống năm nay thóc lúa, thuốc men đổ dồn cả vào một tháng. Nàng bận tới tấp, việc nọ chưa xong đã phải bắt tay vào việc kia, suốt ngày đi lại dưới ánh nắng chang chang. Mặt mũi, chân tay cháy xem, trông nàng xấu hẳn đi. Ấy là việc bếp nước còn có con bé giúp, việc nặng nhọc đã có chồng, có anh em họ dương bá tay vào nếu không, có lẽ nàng đến héo quắt đi về nỗi vất vả.
Nhưng hết những tháng bận lại tiếp theo những tháng nhàn. Nàng lại quay về bếp nước, quay về khung cửi bỏ bẵng trong lâu nay. Nàng lại có những buổi trưa hè ngồi bắt chấy cho mẹ chồng ở thềm nhà trên, để nghe những tiếng hát ru em của cái Gái bên hàng xóm và những tiếng gà gáy báo trưa gần xa. Và bao nhiêu nỗi phiền muộn lại đến xâm lấn tâm hồn nàng.
Ngày tháng buồn tẻ, âm thầm trôi như dòng nước lờ đờ chảy trong quãng đồng quạnh hiu...
Rồi một hôm, một buổi sáng vào khoảng tháng một, nàng bắt đầu nôn khan. Nửa tháng sau, nàng thấy thích của chua và ăn cơm thấy ngan ngán.
- Hay là mình ốm nghén?
Nàng nhớ lại những đêm ân ái và tủm tỉm cười, nhắc lại:
- Có lẽ mình ốm nghén thực.
Đoán thế thôi, chứ nàng cũng chưa dám khoe ai hay tỉ tê với mẹ chồng. Nhỡ không phải thì thẹn chết!
Nàng đã thấy nhiều người cũng thích của chua, cũng ngán cơm, hay quằn quại đau bụng mà rồi sau thành ra tích huyết.
Nàng có thể tích huyết, cũng chưa biết chừng. Nghĩ vậy, nàng hơi buồn và chăm chú vào công việc để quên nỗi ngờ vực ấy đi.
Tháng thứ hai, nàng nắn bụng thấy răn rắn. Nàng mừng quá, cố nén mới nhịn được khỏi đi khoe với mẹ chồng.
Nhưng, rồi cái ngờ vực ở đâu nó lại đến lẩn khuất bên lòng và luôn luôn nhắc trong thâm tâm nàng: “Biết đâu đấy! Tích huyết thật thì sao?” Làm cho nàng lúc nào cũng nửa mừng nửa lo.
Tết đến bận tiếp kẻ ra người vào, bận trông nom cỗ bàn, bận đi lễ đi bái, nàng quên hẳn nàng đi. Nỗi ngờ vực cũng vì thế mà không lảng vảng đến nữa.
Tháng thứ ba, bụng nàng to dần. Nàng vừa lấy tay xoa bụng vừa nghĩ:
“Đích thị có mang rồi. Mình khỏe mạnh béo tốt thế này, có mang là phải lắm chứ!” Sự ngờ vực cãi lại liền:
“Chưa biết chừng. Tích huyết cũng nên! Người ta có thể tích huyết trong vài ba tháng mà bụng cũng to dần”.
Nàng thở dài, luôn luôn khó chịu với cái ngờ. Thì sao nàng không thổ lộ cho mẹ chồng hay, mẹ chồng nàng đã đẻ nhiều, đã kinh nghiệm, đã từng trải, thực hư thế nào tất mẹ chồng nàng phải biết. Thì chính vì thế mà nàng rụt rè, e ngại, mà nàng không dám quả quyết.
Hết ngày này sang ngày khác, nàng chỉ muốn mẹ chồng nàng để ý đến sự thay đổi trong người nàng, gọi nàng đến mà xem xét kỹ lưỡng cái bụng của nàng. Nhưng bực thay! Mẹ chồng nàng vì mãi chẳng thấy nàng dâu đẻ nên cũng chán mà cố nghĩ sang việc knác.
Sau nàng nghĩ được một kế. Ít lâu nay nàng chưa về thăm bố mẹ đẻ. Nàng xin phép về nhà.
Trước mặt mẹ, nàng ưỡn mãi bụng ra cốt để mẹ chú ý. Nàng mừng thầm khi thấy mẹ đã trúng kế. Mẹ nàng xoa bụng nàng rồi tươi tỉnh hẳn nét mặt, nói bằng một giọng nồng nàn vui sướng của người mẹ yêu con:
- Úi chào! Phúc đức quá! Quý hóa quá! Con có nghén rồi, con ạ!
Nàng vờ ngạc nhiên:
- Có nghén thật à, bu?
- Đích thị con có nghén rồi. Bu đoán không khi nào sai được.
Nàng sung sướng quá, ứa nước mắt, hỏi lại, giọng run run vì cảm động:
- Thật à, bu? Con chỉ lo - Nàng ngần ngại, sợ sự ngờ vực của nàng thành sự thực, sợ mẹ nàng chưa để ý đến bệnh tích huyết - con chỉ lo con mắc bệnh tích huyết.
Kbông để nàng chờ đợi, mẹ nàng nói ngay:
- Không! Không! Không phải tích huyết. Chính con có nghén đấy. Bu sờ bu biết. Đích thị con có nghén. Người tích huyết da dẻ xanh xao, chứ không được thế. Với lại, bu sờ bu biết. Người tích huyết bụng nó cũng to, nhưng to khác cơ.
Bà nhắc đi nhắc lại: “Quý hóa quá! Con tôi có nghén!” mỗi khi có người bà con đến thăm. Bà hớn hở, sung sướng như thể chính bà đã có nghén. Còn nàng, suốt cả buổi sáng ở nhả mẹ đẻ để giới thiệu cái bụng nghén với mọi người và để nghe họ đố nhau:
- Bà bảo chị ấy chửa được mấy tháng nào?
- Bụng ấy thì có chửa độ hai, hơn hai tháng chứ mấy.
- Bụng ấy ít ra phải bốn tháng.
- Bốn tháng! Bà này nói như người chưa đẻ bao giờ ấy. Bà đã đẻ năm con rồi đấy nhé.
- Bà ấy nói phải đấy. Bốn tháng thì đã trông thấy bụng rồi cơ.
- Thì gì bằng cứ hỏi ngay chị ấy tắt kinh được mấy tháng tự khắc biết, việc gì các bà phải cãi vã lôi thôi.
- Này chị xã! Tôi hỏi thật chị. Chị tắt kinh được mấy tháng?
Nàng tủm tỉm cười:
- Cháu cũng quên không biết được mấy tháng. Hình như tháng Chạp hay tháng Giêng ấy.
Bà khách thất vọng, thở dài:
- Rõ nỡm! Tắt kinh tháng nào cũng chẳng biết nữa.
Xế trưa, nàng hớn hở ra về, lòng chứa chan hy vọng.
Từ thuở về nhà chồng, không hôm nào nàng thấy sung sướng bằng hôm nay. Còn gì sung sướng bằng đương lúc băn khoăn, bực dọc về nỗi ngờ vực, đương lúc mong mỏi khao khát có con thì... thì nay một tin đích thực về thai nghén đã đến đánh tan sự ngờ vực và làm cho nàng toại được lòng mong mỏi. Nàng phấn khởi, bước những bước bạo dạn, mạnh mẽ như một tên lính trở về báo tin thắng trận cho xứ sở. Phải, nàng cũng sắp đem đến cho mẹ chồng nàng, cho cả họ nhà chồng nàng một tin mừng quan trọng. Từ nay nàng không còn phải nghe thấy những câu phẫn uất của mẹ chồng, những lời riễu cợt của họ hàng làng xóm. Từ nay, những ngày sống của nàng sẽ đẹp đẽ, quý báu như chuỗi hạt ngọc.
Nghĩ vậy, nàng thấy không lúc nào nàng yêu chồng tha thiết hơn.
Nàng vui lòng mua thêm đường đất rẽ vào xóm lũy, qua cánh đồng lúa, để giáp mặt chồng. Hãy còn tận đằng xa, nàng đã gọi to:
- Mình ơi! Mình vẫn còn làm cơ à? Sao mà chăm quá thế!
Chồng nàng đương giở cày, ngửng lên nhìn thấy và lấy làm ngạc nhiên, phần vì câu hỏi của nàng (lúc ấy mới xế trưa) phần vì mọi hôm không bao giờ thấy nàng lảng vảng qua đấy.
- Mình đi đâu về?... Mà ra đây làm gì?
Nàng nhoẻn miệng cười:
- Ra đây để nhìn mình.
Nàng định dừng lại báo tin mừng rồi hình như ngượng lại đi thẳng để chồng một mình với sự ngạc nhiên. Đi được một quãng, không biết nghĩ thế nào, nàng định trở lại, rồi tự nhiên nóng ruột, nàng tất tưởi rảo bước về cho chóng...
Vừa thấy nàng đến cổng, mẹ chồng nàng đương kỳ cạch chữa khung cửi, đứng dậy:
- Này, mày ạ, khung cửi lệch lạc làm sao ấy. Tao chữa mãi không được.
Nàng tươi tỉnh, cắp thúng từ cổng vào, vừa đi vừa cười nói:
- Bu để đấy con chữa - Nhìn xuống khung cửi, nàng phàn nàn nhưng nét mặt vẫn tươi - Bu dệt làm sao mà mặt vải xùi lên thế này?
- Thôi chết! Tao lại nối “mặt ba” rồi.
- Sao bu không nối “ca go” cho khỏi nhầm.
- Ấy thế mới sinh chuyện!
Nàng ngồi xuống khung cửi, vặn chặt chốt cho căng mặt vải, nâng ca go, lấy bối tóc chải cho sạch bựa. Hai tay cầm “khổ” nâng lên đập xuống mấy cái, hai chân dận đi dận lại bàn đạp như anh tài xế soát lại máy trước khi cho ô-tô chạy.
- Tại bu để chùng go quá đấy mà - Nàng quay xuống nhìn dưới chân - Với lại... A, thảo nào! Hòn ngói con vẫn kê ở bến chân phải. Bu làm thế nào mà để nó bật ra được.
- Nào ai biết! Tao có đụng chạm gì đến nó đâu!
Nàng đứng dậy kê lại chân khung cửi, rồi ngồi vào bắt đầu dệt, trước còn thong thả nhát một, sau nhanh dần, đều đều như cái máy tốt.
- Thế thì mày tài thật!
Nàng sung sướng mỉm cười.
Nhưng việc ấy chưa phải là việc can hệ. Nàng không sao để chùng chình câu chuyện mà nàng đã định nói từ trước. Nàng bèn ngừng tay dệt, tỉ tê:
- Bu ạ, hơn hai tháng nay con chỉ nôn khan và thích của chua... Bụng lại thấy răn rắn. Hay là... dễ muốn có nghén, bu ạ.
Nói đến đây nàng đỏ mặt và nóng bừng cả người.
- Ồ! Thật à? Con đứng lên cho mẹ xem nào!
Mặt bà bỗng tươi sáng, cặp mắt bà bỗng long lanh vì nguồn sung sướng quá mạnh, khi bà đã xoa nắn bụng con dâu:
- Lạy Trời, lạy Phật, lạy Thánh, vạn bái. Con tôi có mang rồi.
Bà mừng quá không nói hơn được câu gì nữa. Bà đứng ngay dậy, bỏ nàng đấy, tất tả đi ra cổng như người chợt nhớ đến một việc cần mà mình chưa làm.
Nàng ngồi bên khung cửi nhìn ra cười, nói khẽ:
- Bà lão đã đi khắp xóm khoe con dâu bà có nghén. Hì! Chả ai nóng nảy như bà lão nhà mình.
Rồi nàng lại mải miết dệt. Chiếc thoi đi lại thoăn thoắt. Tiếng “cút thạch cun thành” liên tiếp nhau, vang động như đem hết nỗi vui sướng của nàng đi rao khắp mọi nơi.