Chương V

     hóng thật! Vừa mới ngày nào bây giờ đã gần đến tháng đẻ. Cái bụng nàng to sẵn, thắt lưng chặt quá vì sợ xổ, phềnh ra bằng cái thúng đại. Lắm lúc trông nó to một cách ngạo nghễ quá, nàng bật cười một mình. Mấy tháng trước mà to thế thì nàng xấu hổ có lẽ không dám thò ra đến ngoài. Nay nàng đã quen với nó lắm rồi. Nàng không tưởng đến nó nữa mà chỉ tưởng đến đứa con nằm trong. Nàng vẫn phân vân không chắc, tuy mẹ chồng, mẹ đẻ nàng đã đoán biết trước thế nào nàng cũng đẻ con trai, lấy cớ rằng bụng nàng to về bên trái và cái thai hay cựa quậy về bên trái. Còn mọi bà trong họ thì mỗi bà một thuyết, chẳng ai giống ai.
Mới rồi nàng đương đi chợ, bỗng nghe thấy bà tổng gọi đằng sau. Nàng quay lại. Bà tổng mừng, bảo nàng đẻ con trai vì thấy nàng quay về bên trái. Nàng cho là hú họa. Nàng nhớ lúc ấy nàng cắp rổ về bên tay trái. Nếu cái rổ ở bên tay phải, nàng sẽ thuận chiều mà quay về phía ấy ngay.
Nhưng trai hay gái rồi chẳng bao lâu nàng sẽ biết. Mấy hôm thấy râm râm đau bụng, nàng không dám đi chợ, sợ đẻ rơi giữa đường. Đợi mãi sáng nay chẳng thấy gì nàng mới cắp rổ ra đi. Lúc trở về đến cổng, bỗng cơn đau bụng nổi lên dữ dội. Nàng bỏ rơi rổ đồ ăn xuống đất. Hai tay bíu chặt lấy thành cửa, mặt nhăn nhó và tái mét.
Mẹ chồng nàng chạy vội ra, gọi con ở cầm rổ vào bếp rồi vừa xốc nách nàng vừa nói:
- Con đi vào để bu đỡ cho, nhỡ đẻ ở đây thì rầy rà.
Nàng vẫn bíu chặt lấy cánh cửa. Một lát bụng đã đỡ đau, nàng vịn vai mẹ chồng, cố lê vào nhà ngang. Nàng đã kê sẵn giường phản và quây liếp chung quanh thành cái buồng kín. Nàng kiêng không dám để ở nhà trên vì có bàn thờ ông vải.
Vừa đến phản, cơn đau lại tăng bội, nàng nằm vật xuống, bíu chặt lấy mép phản, nghiến chặt răng để khỏi kêu.
Mẹ nàng chạy tất tả sang hàng xóm, đứng ở cổng gọi:
- Chị Vót ơi! Chị Vót!
Vót là tên tục vợ xã Khoan, nhà ở ngay sát vách với nhà Bổng. Chị ta là một người đàn bà đanh đá, chua ngoa. Cả xóm không mấy ai dám đôi co. Hơi có chuyện xích mích với ai chị ta lải nhải hằng giờ nếu người kia cả nhịn. Nếu không thì phải biết! Bốn năm ngày liền chưa chán mõm. Tuy vậy mà cả xóm không ai nỡ ghét. Chị ta có tật ấy thì lại có nhiều nết khác. Chị ta không giận ai lâu, và sẵn lòng bỏ việc nhà để giúp việc người một cách tận tụy miễn là người ta chịu khó phỉnh chị một vài câu.
Người chồng tính khác hẳn như nước với lửa. Vợ nóng nảy thì chồng hiền lành nhu mì. Vợ lơ đễnh, làm đâu vứt đấy, bỏ vương, bỏ vãi thì chồng ngăn nắp, cẩn thận, quét tước dọn dẹp luôn. Vợ bỏ liều con cái, đánh mắng chửi rủa luôn mồm thì chồng chăm nom săn sóc từ ăn uống cho chí tắm giặt. Còn bao nhiêu tính khác nhau như thế, nhưng trong nhà không bao giờ lục đục vì anh chồng suốt đời chịu nhịn nhục, mặc cho vợ quát tháo.
Nghe thấy tiếng bà lão bên hàng xóm, chị ta vội ẵm con chạy ra. Một lũ con chạy theo sau như đàn gà.
- Cụ gọi gì cháu?
Đứa bé ẵm trong lòng vẫn ngậm đầu vú, một tay luồn vào yếm mẹ.
- Việc này phải nhờ đến chị mới xong. - Bà đã biết tính, bao giờ cũng phỉnh trước rồi mới nói vào việc - Chị ạ, cái xã nó giở dạ.
- Ý chừng cụ muốn nhờ cháu đi gọi bà Vị.
- Phải việc này chỉ có chị mới giúp được.
Chị ta mừng như người vừa vớ được việc gì thú để làm, chạy vào bếp đưa con cho chồng:
- Thầy nó bế hộ, tôi đi đằng này có chút việc.
Đứa trẻ rời vú mẹ òa lên khóc, tay bíu chặt lấy yếm.
- Hộ ai hẵng để đấy có được không. Việc còn ngập ra đây nhé!
- Việc việc cái gì! Chẳng làm lúc này thì làm lúc khác. Mượn bế hộ tí mà đã vội duỗi ra. Bế lấy nó!
Chồng không dám hé răng, giơ hai tay đỡ lấy con. Thằng bé rời khỏi tay mẹ càng khóc to. Chồng luống cuống, hát liều: “A, a... Mẹ nó chỉ săn sóc việc người thôi a... a...”.
Vợ đã ra tới gần cổng còn quay lại, nói bướng:
- Thế thì đã làm sao?
Chồng sợ hãi hát tiếp luôn:
- A, a... Thế thì chả làm sao cả a, a...
Vợ tủm tỉm cười đi thẳng. Nhưng nếu không may cho chị xã Bổng thì chị ta sẽ gặp toàn những người nỏ mồm như chị ta. Chị ta sẽ đứng lại chuyện trò từng lúc một. Lúc ấy dài hay ngắn sẽ tùy theo tính nết từng người mà chị ta bắt gặp...
Người mẹ chồng đợi lâu quá; nóng ruột, đi ra đi vào, hai bàn tay chắp lại khấn khứa: “Lạy bốn phương Trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương, phù hộ cho nhà nó được mẹ tròn con lành”. Cặp mắt bà luôn luôn nhìn ra cổng chê chán mới thấy bà Vị với Vót theo sau. Bà nói trách:
- Gớm! Mong cụ suốt từ sáng đến giờ! Sao mà chậm thế?
- Mãi gần trưa tôi mới thấy chị ta đến mời.
Vót vội cãi:
- Thì nhà cụ ở mãi tận cuối làng, xa hàng thôi đường... Với lại chị xã chị ấy đã xổ đâu mà rộn.
Lúc ấy đã xế trưa, chị xã vẫn còn quằn quại rên rỉ trên giường.
Bà Vị không sốt ruột, ngồi ung dung trên phản đợi, thỉnh thoảng động viên người đẻ bằng những câu nói ngọt ngào, thân mật mà vì nhắc đi nhắc lại luôn, bà đã hầu như thuộc lòng.
Bà vốn dòng Gia Tô, thường ở gần các bà sơ, nên bà học được những điều phổ thông về nghề đỡ đẻ. Giá lúc này vớ phải tay bà Tỵ ở xóm trong thì người ta đã hành hạ người đẻ đủ thứ, nào vuốt bụng, nào đấm lưng, nào dứt tóc, nào bắt rận, giục đẻ như giục tà.
Cùng như người mẹ chồng khấn Trời khấn Phật, bà Vị luôn luôn cầu nguyện Chúa và đức Bà.
Còn Vót đứng thuỗn ra, hết nhìn hai bà lại nhìn chị Bổng nhăn nhó, quằn quại trên giường đẻ. Bỗng Vót sực nhớ, chạy vội ra rút cọc chuồng lợn, rồi vừa trở vào vừa nói:
- Cách này không xong, cháu còn cách nữa rất công hiệu.
- Ừ, phải đấy. Tôi rối ruột cũng quên lú đi mất - Người mẹ chồng nói thêm - Này chị ạ, bây giờ tôi mới lại nhớ ra. Chị xuống bếp, lật ông bồ rau, khoét lấy một ít đất...
Bà Vị không bằng lòng, ngắt lời:
- Úi chào! Các người cứ vẽ. Lúc chị ấy đẻ thì tự khắc đẻ. Tôi đỡ mãi mà không am tường hay sao? Cái thai cũng chẳng khác gì cái quả...
Vót cũng không bằng lòng, cãi lại:
- Cụ cứ nói chứ... Thì ngay bác Mịch ở xóm này chứ đâu. Có lần nào mà không phải dùng đến ngoại khoa.
Chị Bổng mê man, không biết gì. Mỗi lần cơn đau trội lên quá, lại bíu chặt lấy thành giường, nghiến cnặt hai hàm răng để chống lại với cái đau.
Bà Vị vẫn thản nhiên ngồi đợi. Mẹ chồng nóng ruột hỏi:
- Liệu có việc gì không, bà?
- Việc quái gì. Có người giở dạ đến hai ngày mới đẻ cũng chả làm sao nữa là.
- Nhưng tôi sợ lâu quá, cháu nó kiệt sức.
- Cụ đừng lo. Tôi đã có thuốc.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, Vót đã biến đâu mất. Nửa giờ sau thấy xã Bổng và Vót ở cổng vào.
- Cởi thắt lưng ra, mau!
Người chồng còn ngơ ngác, chưa kịp hỏi thì Vót giục luôn:
- Bảo cởi thì cứ cởi ra nào! Vứt qua nóc nhà kia!
Bổng chợt hiểu, cười:
- Thế mà chị chẳng nói rõ. Nói thế thì bố ai hiểu được.
Hắn vội vàng ném dây lưng qua mái nhà ngang. Trong lúc vội, không kịp nghĩ, hắn quên không quấn vào một viên gạch nhỏ. Chiếc dây lưng nhẹ quá, xõa xuống nửa chừng mái. Vót gắt. Hắn cuống lên, đứng thuỗn ra nhìn trong lúc Vót đi tìm sào khều xuống.
Trong nhà bỗng có tiếng oe oe trẻ khóc. Mẹ chồng cảm động, thấp thỏm đứng ngoài, không dám hỏi.
Bà Vị ở trong buồng nói ra:
- Con gái, cụ ạ.
Bà kia đã nghe rõ, nhưng còn mong nghe nhầm. Hỏi lại:
- Con gái, hở cụ?
- Vâng, con gái. Sinh gái đầu lòng càng dễ nuôi, cụ ạ.
Mẹ chồng thất vọng thở dài.