Chương VII

     àng ngừng dệt, quay lại, mặt hầm hầm:
- Này tôi bảo thật. Đừng có đem tiền của tôi đi mà đánh bạc, kẻo rồi chẳng ra gì với tôi đâu.
Hắn chẳng thèm nói năng, cứ việc thọc hai tay vào túi áo trong, cắm đầu đi thẳng.
Mẹ chồng nàng ngồi trên giường, trong bóng tối, bế đứa cháu gái mới đẻ được bốn năm tháng. Đứa gái đầu lòng đã lên ba, nằm ngủ co ro trong chiếc chăn nâu ở bên cạnh. Nghe thấy nàng gắt chồng, bà ngửng lên quát mắng theo:
- Thằng phải gió chết băm chết vằm kia! Mày có trả ngay nó không? Khốn nạn thân mày! Làm đã chẳng chịu làm. Vợ đầu tắt mặt tối kiếm ra được đồng vốn đồng liếng nào thì mày lại đem đi nướng sạch.
Trong lúc mẹ hắn quát tháo thì hắn đã đi ra khỏi cổng và đã lẫn vào trong xó tối.
Nàng thở dài, nước mắt chạy quanh:
- Thôi, bu nói làm gì với cái con người ấy. Người ta có nghĩ gì đến mẹ, đến vợ con.
Nàng nói thực. Từ khi hắn ham mê xóc đĩa, hắn chỉ nghĩ đến các sòng bạc. Động trong túi có tiền là mất hút không còn thấy bóng vía hắn đâu nữa. Nhất từ ngày nàng đẻ đứa con gái thứ hai, hắn làm ra mặt chán đời để lấy cớ chơi cho thỏa thích. Có ai trách hắn lêu lổng, hắn làm ra vẻ buồn, thở dài, nói: “Bác tính, con trai chẳng có, để tiền làm gì mà chẳng chơi”.
Có người biết rõ tâm tính, nói thẳng ngay vào mặt hắn: “Phải, có con trai nữa bác không chơi, không chết mê chết mệt với bốn đồng tiền cái”.
Mấy hôm nay, không còn đồng trinh dính túi, hắn đã định theo đòi lý Cúc, cầm hai sào vườn lấy tiền gỡ gạc, thì may sao, ban trưa vợ vừa bán ba vại thuốc lào được bốn mươi lăm đồng.
Hắn giật được mười lăm đồng bỏ túi. Nàng níu chặt lấy áo. Hai vợ chồng giằng co. Hắn đẩy mạnh. Nàng ngã ngay trước mặt bọn lái thuốc. Hắn bỏ chạy. Nàng ngồi phệt xuống đất, mặt tái hẳn đi vì xấu hổ và căm tức. Nàng vừa thở hổn hển vừa vấn lại tóc rồi đứng dậy phủi áo xống và ngồi trên ngưỡng cửa quay vào phân bua: “Các ông tính chồng con thế đấy! Rõ điêu đứng chưa!” Nàng ngừng ngay được không đến nỗi để thố lộ nỗi khổ của mình và nói thậm tệ chồng trước mặt người lạ tuy những người ấy cũng là “người làng người nước cả”.
Bọn lái ra rồi, nàng lẳng lặng đi lại ngồi vào khung cửi dệt mải miết để quên nỗi căm tức chồng vì thực tâm nàng không bao giờ muốn thù ghét chồng.
- Được, để nó về rồi tao bắt nó trả. Thằng tệ bạc thế thì thôi. - Mẹ chồng nói để an ủi con dâu chứ bà cũng thừa biết là mất đứt.
Chiều, hắn trở về, tưởng thế nào vợ cũng rầy la om sòm đòi cho bằng được. Hắn định, nếu vợ làm quá, hắn sẽ trả, chỉ giữ lại năm đồng để tối nay đi mừng đám khao nhà lý mới và đánh dè dặt một vài đồng họa may phất chăng.
Vê đến nhà thấy vợ chẳng nói nửa lời, có ý dỗi, hắn lặng yên, tủm tỉm cười một mình và nghĩ bụng: “dỗi càng hay”. Duy có mẹ hắn chửi mắng hắn thậm tệ. Hắn không tức, không sợ, mặt trân trân như mặt phỗng đá.
Lúc hắn đội khăn mặc áo ra đi thì vừa mới chập tối. Đêm ấy là đêm mười sáu tháng Hai trăng lên muộn và trời hơi lạnh lạnh. Ngõ xóm vắng tanh. Ngoài những con chó đứng cổng sủa ra, không còn tiếng gì khác. Hắn cắm đầu, vừa đi vừa nghĩ.
Từ ngày biết chơi bời, hắn chỉ đánh chắn hay tổ tôm còm được thua độ một đồng trở xuống. Những hôm tết, hắn đi lễ, có thấy bọn nghèo hèn ngồi họp xóc đĩa cò con với lũ trẻ hay lũ mục đồng trong quán, hắn dừng lại, đứng ngoài vứt liền ba bốn xu vào mặt chẵn hay lẻ. Cũng có khi, may tay hắn cúi xuống mở bát. Cả hai mặt dồn lại không đầy dăm hào chỉ, có thua cũng chả mấy. Hắn đánh một vài tiếng rồi đi. Hắn vẫn sợ xóc đĩa là thứ chơi quốc cấm, nhỡ bị quan hay ông chánh tổng bắt được thì rầy.
Những ngày mùng sáu, hội quan lão năm xưa, hắn có tám hào trong túi. Đã sẵn tiền lại gặp ngày được phép đánh thả cửa, hắn rẽ vào quán đa, liều một canh để nếm mùi đổ bác lớn. Hắn cố lách vào chiếm được một chỗ ngồi. Bắt đầu hắn đã phải đặt ngay một hào vì họ chỉ ăn từ hào trở lên. Hắn thua liền bốn tiếng bạc. Mặt hắn nóng bừng. Hắn tiếc quá. Biết thế để bốn hào đánh chắn, thua hết cũng còn lâu chứ có đâu không đầy một chốc. Hắn ngồi mân mê bốn hào còn lại túi, cặp mắt thao láo nhìn một cách thèm thuồng những tờ giấy bạc và một đống hào trong lòng nhà cái. Sau cùng hắn nhắm mắt, cố ghìm lòng ham muốn, đứng dậy, định về thì bỗng tiếng reo, “ngửa tư” giữ hắn ngồi lại. Hắn đã nghiệm nhiều lần, bao giờ tiếng trước ngửa tư hay sấp bốn thì tiếng sau cũng sấp hai, chắc chắn là sấp hai. Ấy là theo cuộc thí nghiệm của hắn, chứ không nhiều khi sấp một, sấp ba là thường. Hắn mạnh bạo, quả quyết, cái quả quyết hiếm có của hắn ném cả bốn hào vào mặt chẵn. Ném rồi hắn mới thấy hắn bạo tay quá, định kéo về một nửa thì nhà cái đã cân liền.
- Sấp hai. - Hắn vỗ tay reo to hon hết mọi người bên phía chẵn.
- Tiếng này lại sấp hai đây. Bạc hôm nay nhiều lúc dồn, cứ đánh gấp chão vào.
Hắn biết người nói ngồi cạnh hắn là tay cờ bạc lõi, đương hăng và trong lòng phấn khởi, hắn nghe theo nhưng không dám táo gan đánh cả. Hắn vơ sáu cái chẵn liền, và lúc đứng dậy còn được tám đồng bạc giấy với cái vốn tám hào bỏ túi. Chóng thật! Không đầy hai tiếng đồng hồ. Ấy là hắn còn non gan không dám đặt hàng đồng hay đặt gấp chão.
Từ đấy, sẵn có cái vốn to, hắn quen mui đi vào các sòng, không thèm đếm xỉa đến những bàn chắn, bàn tổ tôm nhỏ xíu của những bạn hằng ngày. Dần dần hắn đâm ra say mê quên cả sợ phép quan, không còn nhìn nhỏ đến nhà đến cửa.
Mà cũng lạ! Lúc mới tập thì sao đỏ thế. Đánh đâu được đấy. Có lần người ta đồn hắn được hằng trăm. Đến lúc hắn đã thạo nghề, đã biết tính nước bạc nào “tám phi” nào “tứ đối” “ngũ thành phần”, đã biết mua bán, biết “vào vị” biết “keng bằng, keng lệch”, đã dám bạo tay mở tiếng bạc hằng chục thì lại là lúc hắn thua xiểng liểng. Bao nhiêu tiền được thua hết, thua lấn cả vào tiền nhà. Rồi nay hắn bán vài thúng thóc để gỡ gạc, mai hắn nói dối quanh đi mừng đám này, đi phúng đám nọ để nặc tiền vợ, Nhưng chưa bao giờ hắn lấy của vợ quá số năm đồng.
Hôm nay, không hiểu sao, hắn dám lấy tới ngần ấy. Thật là một sự phi thường.
Đến đầu xóm, hắn dừng bước, nửa muốn đi thẳng, nửa muốn trở về trả bớt vợ. Hắn còn đương băn khoăn, hối hận ngập ngừng thì một con bạc ở đâu đến, khoác vai hắn kéo đi:
- Đêm nay nhiều con bạc sộp lắm đấy. Tớ có dăm đồng. Không biết chừng, may ra phất hằng trăm cũng nên. Đằng ấy có đem đi khá thì cho tớ giựt tạm một ít.
- Tớ cũng chỉ có ngần ấy thôi. - Và hắn nghĩ thầm: “Nó có dăm đồng mà còn hy vọng hằng trăm huống chi mình”.
Hắn hớn hở dấn bước, trong lòng hết băn khoăn, hối hận.
Trăng đã lên khỏi lũy tre, mập mờ đằng xa. Vành trăng tuy tròn, nhưng ánh trăng đục như ánh đèn chiếu qua lần giấy bóng. Sương xuống nhiều và lạnh.
Tuy vậy tâm trí hắn vẫn nhẹ nhàng, khoan khoái, hắn đương nghĩ đến những tiếng bạc sắp mở, những tập giấy nằm cuộn tròn trong lòng bàn tay, những hào đầy túi. Chuyến này hắn sẽ không dại như mọi chuyến, biết chắc được mười mươi mới thò tay mở. Hắn sẽ không dại, đánh đến tan cuộc mới chịu đứng dậy. Hắn sẽ găm như ông hội Quỳnh hay ít ra cũng dành lại vốn dăm đồng bạc trước.
Dưới ánh trăng mờ, những vườn thuốc cao ráo, sạch sẽ, những cây thuốc non, lá xanh phơn phớt, gióng thành hàng lối như những vườn cải.
Hắn vừa đi vừa bàn, nghĩ không để ý đến hai vườn thuốc của hắn ngay sát vệ đường. Bạn nói gì hắn cũng chẳng hiểu nữa.
Hai người đi lẫn vào khóm tre um tùm ở cõi Hùng nổi tiếng là lắm ma, qua đình thôn Trung, rồi rẽ vào xóm “chánh Quất” - Phần nhiều xóm không có tên. Người ta thường lấy tên một vị đàn anh nhất trong xóm để gọi cho dễ nhớ, hoặc tên một nhà giàu nhất như xóm “lý Trí”, xóm “cán Thận” hoặc tên người mà ai ai cũng biết như xóm bà “đồng Ấn”.
Hai người rẽ vào xóm “chánh Quất”, qua bốn năm nhà, vòng quanh cái ao vuông nhà chánh Quất đến gốc sung nằm ngang thành cái cầu rồi đến cái cổng gạch nhà lý mới trên có đắp cái đồng hồ quả lắc và con số 1923. Họ cứ việc đi thẳng vào, biết trước rằng mấy con chó đã cũi, qua sân gạch, không lên nhà trên, đi thẳng xuống nhà ngang là chỗ chứa bạc.
Sáu bảy chiếc chiếu trắng trải liên tiếp nhau, ngang dọc khắp gian giữa. Hai chiếc đèn phạn treo từ xà nhà đến gần sát đầu người ngồi bằng những dây chão.
Ông chánh hội ngồi xếp bằng xóc cái, các con bạc ngồi bày chung quanh chiếu thành hình bầu dục. Hàng chục người tò mò, hoặc không tiền, nhất là không tiền, đứng sau cúi xuống nhìn cho đỡ thèm và bàn tán, mách nước như những tay chầu rìa tổ tôm.
- Tưởng thế nào chứ thế này thì lấy gì làm to. - Hai anh em thì thầm với nhau.
Một người đứng cạnh nghe rõ quay lại nói:
- Các ông muốn ăn to thì lát nữa. Những khách sộp các nơi còn chén cả ở nhà trên. Ông trưởng bạ, ông quản Chu, và các tay sộp làng ta cũng ở cả trên ấy. Lát nữa chỉ sợ các ông không đủ tiền mở một tiếng.
Bổng hơi tức, định bắt bẻ cái anh hỗn xược ấy, nhưng sợ mất thời giờ phiếm vô ích, hắn lờ đi, chăm chú nghe tiếng bạc đương rền trong cái bát úp trên cái đĩa nằm trong lòng hai bàn tay thạo nghề của ông chánh hội.
- Bán lẻ!... Lẻ bán! - Nhà cái xướng một cách đường hoàng dõng dạc.
Hắn nhìn mặt lẻ, nhằm tính vào khoảng ba đồng.
- Bán lẻ!
Ông chánh hội nhắc lại và nói tiếp:
- Không ai đắt thì tớ cân đây này. - Vừa nói ông vừa xoay trôn bát, dọa mờ. Bổng vội giơ tay ra cản:
- Hượm! hượm! Cụ!... Cho cháu mở “châm lửa” một cái lấy may.
Ông chánh hội ngửng lên:
- Xã đấy à?
- Vâng, cụ xướng lại cho cháu mở.
- Bán lẻ! Lẻ bán! - Ông chánh hội vừa xướng vừa giơ tay ra đỡ.
- Đắt. - Hắn ngồi xuống, miệng nói tay cầm trôn bát hắt mạnh vào nhà cái.
Phía chẵn reo mừng: “Sấp hai!” Còn phía lẻ tức tối, phàn nàn: “Lại sấp hai!”
Một người nói gắt: “Sấp hai đâu lại sấp hai đến sáng chắc. Mình cứ khát nước mãi thế này thì nguy kịch”.
Ông chánh hội vừa giam tiền vừa phàn nàn theo:
- Ông khát nước thì nữa tôi không. Tôi thua bốn tiếng bạc liền, mất ngót hai chục rồi đấy.
- Một dịp bạc chuyền, cụ đã vơ bao nhiêu!
Người đương nói ấy là khán Duy, một nhà trước kia giàu sụ bây giờ khánh kiệt về xóc đĩa.
Xã Bổng mở “châm lửa” được tiếng bạc ấy rồi lại được luôn tiếng sau. Đến tiếng thứ ba, Bổng lại định đánh chẵn thì một anh ngồi cạnh ném hai động bạc giấy ra giữa chiếu: “Keng bằng đây!”
Bạc rền luôn chín tiếng rồi. Đương linh tay, hắn liền cộp bốn đồng lên hai đồng kia, rồi cầm cả sáu đồng ném vào mặt chẵn. Đánh thế có phần lợi cho hắn, vì nếu sấp hai, hắn còn được sáu đồng bạc đền và nếu may ra ngửa tư hay sấp bốn, hắn sẽ được mười hai đồng, một gấp ba...
- Sấp bốn. -Tiếng reo vang cả mấy gian. Bao nhiêu mắt ngạc nhiên hay thèm thuồng đổ dồn cả vào Bổng. Hắn sướng run lên, mặt nóng bừng. Đỏ thật! Cả canh bạc không có một tiếng lạ lùng như thế, hắn bạo dạn đặt luôn mấy tiếng. Tiếng được tiếng thua, đổ đồng hắn còn được vài ba chục.
Bỗng ngoài sân sáng rực. Lý mới cầm cái đèn cao ngọn đi trước dẫn lối. Một lũ hằng chục người theo sau. Nhiều người say, nói bô bô.
Ông chánh hội nghỉ xóc, đứng dậy cười nói:
- Ông nào đánh nhỏ thì xin nhường chỗ cho khách ngồi.
Một vài con bạc tép nhép đứng dậy. Bọn khách vào ngồi thành hai dãy dài. Một tên người nhà đưa cho ông chánh hội một cỗ bài xanh và một cái hòm con trên nắp đục một cái khe nhỏ như cái hòm tiền hàng xén, để đựng hồ lỳ. Hai người đàn bà hàng sáo, ngồi ăn trầu uống nước ở gian cạnh.
Ông lý Cúc mau mồm mau miệng, cất tiếng:
- Hôm nay đông đủ quý khách, xin mời cụ chánh Nam ngồi xóc cái, cụ xóc mặn mà, có duyên.
Quản Chu lúc say quên cả trật tự, cãi lại:
- Cụ nói mặn mà có duyên thì nhất “điệng” đàn em không chịu. Ăn nói mặn mà có duyên chứ xóc thì chỉ có thể rền hay rời rạc như cơm nguội thôi, cụ ạ.
Ông lý Cúc thấy hắn say bí tỉ, không thèm chấp. Vả lại ở đây, trong lúc này, chỉ có ai sẵn tiền, đánh to, mở bạo là đáng kể. Mà quản Chu lại là tay mở bát có tiếng, nên ông đã không bắt bẻ lại còn khen hắn nói phải, làm cho hắn sướng phồng mũi.
Chủ khách đã ngồi đâu vào đấy. Ông chánh hội đối diện với ông chánh Nam. Cỗ bài và hộp tiền để trước mặt. Cỗ bài vừa dùng làm bàn tính vừa dùng làm thẻ hồ. Cứ mỗi cây bài là năm xu. Mỗi người bỏ ra một đồng đôi lấy hai mươi quân. Bao giờ hết hai mươi quân lại phải bỏ ra đồng nữa để lấy hai mươi quân khác.
Trước khi vào cuộc, ông dặn cặn kẽ:
- Bây giờ đông đủ các cụ, các ông, tôi xin nói đỡ nhà chủ. - Thực thì chính ông là chủ, vì khách các nơi phần nhiều là khách của ông cả. Tiền hồ chia tay, ông sẽ được phần to nhất - Tiền hồ xin cứ như lệ thường, nghĩa là mỗi đồng năm xu. Đánh khấu đồng trở lên...
Quản Chu ngắt lời:
- Trở lên bao nhiêu, cụ?
Ông chánh hội cười:
- Trở lên bao nhiêu là tùy ở sức các ngài, một chục, một trăm, một nghìn, càng nhiều càng lời cho... hồ. Ai có dã tâm đem bạc giả lộn sòng, nếu bắt được thì phạt bỏ vào hồ một đồng, mà đồng bạc giả phải xé đi.
Quản Chu lại ngắt:
- Cụ chỉ làm lợi cho hồ. Nhưng nếu đồng bạc giả bỏ ra không ai biết ở tay ai và không ai nhận thì cụ tính sao? - Hắn nói rồi ngả người ra đằng sau, cười ha hả.
Một người khác nói:
- Úi chao! Cụ hội người tinh mắt lắm. Đồng giấy nào của ai ném ra mà cụ chẳng biết.
Ông chánh hội nhũn nhặn:
- Cái đó là nhờ cả con mắt của các ngài. Với lại nói thì nói chứ làm gì có người tồi đến thế... Ai đã thò tay ra xoay trôn bát thì bắt buộc phải mở. Nếu không cũng phải phạt một đồng...
Quản Chu nói:
- Vào hồ.
Ông chánh hội cười:
- Cố nhiên... Ai muốn ăn một hai đồng, năm sáu đồng với người đặt, phải cộp ngay, không cộp không ăn. Tiếng “keng” tiền “vào vị” phải để ra giữa bàn.
Quản Chu lại định ngắt. Một người gạt đi:
- Thôi, ông quản, để cụ hội người nói nốt kẻo muộn rồi.
Ông chánh hội tiếp luôn:
- Người nào mở bát mà những người đánh không tin là có tiền giam thì phải cộp trước khi mở. Người nào mãi lúc nhà cái hay người đắt thò tay mở mới vứt tiền ra đánh thì không được đền. Thôi thế bây giờ xin mời cụ chánh “khởi” cuộc.
Ông chánh Nam ngồi xếp bằng, gò vai lại xóc một hồi rất ròn, rồi ông để bát trước mặt ông lý Cúc: Rước cụ cựu mở trước... Sấp một! Hừ, canh bạc hẳn to. Đoạn ông lại xóc: “Tiếng này phần ông quản... Sấp hai! Bạc đều đấy”. Tiếng thứ ba, nhà cái mở lấy: “Sấp hai! Canh bạc này hẳn sẵn sấp hai...” Ông mở luôn tiếng nữa: “Sấp ba! Thôi thế là bạc chuyền đủ mọi mặt, vậy giờ xin mời các ngài đánh đi”.
Bắt đầu chưa biết bạc đi về ngả nào nên ai cũng đánh cầm chừng, một hai đồng đến năm đồng là nhiều nhất. Cả trong lẫn ngoài đổ đồng không đầy vài chục.
Rồi bạc mỗi lúc một to. Có tiếng, riêng mặt chẵn hay mặt lẻ đã tới năm sáu chục. Mấy gian nhà yên lặng. Bao nhiêu tai mắt, tư lự chú trọng cả vào cái bát và đồng bạc. Lúc này mới thật đúng nghĩa: “Thần đổ bác”, vì sự yên lặng lúc ấy nhiễm vẻ thành kính, tôn sùng của mọi người như lúc họ vào trong cung cấm vậy.
Ông chánh hội bày những quân bài thành hàng để tính số bạc la liệt trên hai mặt như lúc ông tính số bằng que diêm. Cứ tới mỗi chục, ông lại gác hai quân lên nhau như hình chữ thập. Đoạn ông hô: “Chẵn: Bốn mươi hai đồng. Lẻ: Mười bảy đồng. Chẵn thừa vị chi là - Ông làm tính trừ vẫn bằng những quân bài bày trước mặt - Hai mươi lăm đồng. - Chẵn thừa hai mươi lăm đồng!” Nhà cái xướng theo.
Ông chánh hội nhìn ông chánh Nam, ngạc nhiên hỏi:
- Ô hay! Cụ không đánh mấy tiếng liền à?
Nhà cái lắc đầu, tủm tỉm cười nhạt nhẽo:
- Đen lắm, cụ ạ. Phải nghỉ một dạo cho nó hồi lại đã.
Ông chánh hội quay sang bên cạnh:
- Xã! Đương đỏ, đánh dấn lên chứ!
- Cụ tha lỗi, bạc nhảy cộc kệch như ngựa chạy ba chân thì đánh làm sao được mà đánh.
Kể bạc lúc ấy chuyển cũng có phần không đều. Nhưng thực thì không phải vì thế mà hắn đánh rụt rè. Hắn trót canh ty với trưởng bạ mở hai tiếng cùng thua cả. Rồi hắn cố gỡ gạc, vào mấy cái “vị” cũng đều mất hút. Rồi càng gỡ càng thua, càng thua càng cay, hắn đâm mụ, mất cả trí khôn, quên cả nước bạc, đánh liều đánh lĩnh. Cuốn bạc trong lòng bàn tay tuôn ra mòn dần cho đến khi còn tay trắng. Hắn thò tay vào túi đếm nhẩm và ngạc nhiên chỉ thấy còn vỏn vẹn năm đồng. Chả có nhẽ! Hắn đinh ninh ít ra còn vài chục. Móc sang túi khác, hắn chỉ thấy lọc cọc cái sáp thuốc với năm sáu đồng “xanh căng”. Hắn không còn túi nào nữa để tìm kiếm chút hy vọng.
Ông chánh hội quay sang giục:
- Đánh đi chứ! Bạc lúc này đương rền đấy nhé.
- Bạc thế mà cụ bảo rền!
Quản Chu chưa hết say, ngồi nghiêng ngả, cặp mắt lừ đừ. Tiếng bạc nào nhà cái bán, hắn cũng vươn tay ra vội: Đắt! Đắt!
Cả bàn thấy hắn say dí, cho là hắn mất trí khôn, thi nhau đặt cho hắn chết một mẻ. Nhưng cái say vẫn chịu cái đỏ, hắn mở tiếng nào là được tiếng nấy. Không mấy chốc đống bạc của mọi người vào lòng hắn quá nửa.
Một vài người căm tức, thì thầm với nhau: “Ấy thế mà rồi hẽt nhẵn củ kiệu lúc nào cho mà xem”. Họ nói không phải không có lý. Quản Chu có mấy khi được đâu! Dẫu lúc này có được rồi đến lúc tan cuộc cũng hết. Vì say, hắn nhắm mắt đánh liều.
- Tiếng này sấp hai đây xã ạ. Đánh to vào cho lão ấy chết.
Bổng lắc đầu cười trừ. Tiếng bạc mở. Ông chánh hội quay sang gắt:
- Đã bảo đánh thì chẳng đánh. Thế mà cũng học đòi đánh bạc.
Nhưng ông chánh hội có biết đâu rằng hắn chẳng còn đồng cóc nào trong túi và nụ cười nhạt nhẽo của hắn là nụ cười của người tuyệt vọng.
Không còn tiền đánh, hắn ngồi rồi, đoán suông vậy.
Thật mỉa mai! Lúc này lại là lúc hắn đoán trúng hơn hết. Trưởng bạ theo hắn mở mấy tiếng cùng được cả. Hắn đau đớn, nghĩ bụng: “Còn tiền thì làm gì mà chẳng gỡ được”.
Một lần, bấy giờ gần về sáng, bạc đã mãn canh, trưởng bạ thò tay sắp mở. Hắn máy miệng nói liều:
- Hượm cho tôi ăn với.
Trưởng bạ, tay vẫn nắm trôn bát quay lại hỏi:
- Sáu đồng nhé?
Hắn ừ liều. Tiếng ấy thua. Rõ cay đắng! Hắn vờ soát các túi rồi làm ra vẻ ngạc nhiên:
- Quái! Chục bạc mình để ở túi đi đằng nào mất... Ông... ông cho tôi giựt tạm bốn đồng nữa là một chục. Mai kia tôi trả nhân thể.
- Thật đấy nhé. Nếu sai hẹn, tôi đến tận nhà thì đừng trách. - Vừa nói trưởng bạ vừa xỉa bốn đồng cho hắn mượn.
Thua lắm, hắn đâm ra rụt rè, mất cả lòng tự tin, ngồi mân mê mấy tờ giấy bạc, thỉnh thoảng thò ra đồng nào, mắt gió đồng ấy. Chắng bao lâu, tay trắng lại hoàn tay trẳng. Hắn ngồi ngây ra như người mắc bệnh si, cặp mắt lờ đờ, buồn thiu, thong thả đưa từ đồng tiền này sang đồng tiền khác.
Sau cùng hắn tắc lưỡi, đứng dậy ra về, nét mặt thê thảm như anh chàng đại hà tiện vừa bị mất cắp.