Chương 1

     ừa mới ôm cặp bước vào nhà, Ngôn đã nghe tiếng cô Tam khóc thút thít, tiếng mẹ la hét và tiếng bà nội đay nghiến chửi rủa. Ngôn đứng sựng lại, rồi bước trở ra, ngồi phịch dưới gốc cây mận. Mặt Ngôn buồn thiu.
Ngôn hình dung ra được nhân dáng của cô Tam lúc này. Có lẽ cô đang co ro lau nhà, tóc cô rối nùi, mắt cô lem nhem nước, môi cô thì mím chặt lại... Tội nghiệp cô Tam quá. Không hiểu sao nội với mẹ ghét cô Tam dữ thần vậy? Ngôn thấy cô Tam tối ngày quần quật làm công chuyện nhà, Ngôn đủ thương rồi. Hơn nữa cô Tam hiền lành lắm, lễ phép lắm. Nói chuyện với nội cũng như với mẹ một thưa, hai cũng thưa. Nhiều khi Ngôn muốn binh cô Tam, muốn nói cái gì đó cho nội, cho mẹ đừng ăn hiếp cô Tam nữa. Hai người mà xúm lại gấu ó một người với Ngôn, đúng là ăn hiếp. Ở trường thầy giáo dạy, mọi người nên thương yêu lẫn nhau. Chắc tại nội không có đi học, mẹ nữa. Nên cô Tam bị ghét bỏ, hắt hủi. Có một mình Ngôn là thương cô Tam thôi. Ngôn thương cô Tam nhiều lắm, nhưng không biết có đủ làm cô Tam quên buồn không?
Ngôn đưa mắt nhìn vào nhà, Ngôn thấy nội bước ra, tay nội đang xỉa thuốc trong miệng, gương mặt nội chưa tan hết nét giận dữ. Ngôn cúi đầu xuống, bâng quơ nhặt mấy chiếc lá héo, xé nhỏ, Ngôn biết thế nào nội cũng gọi Ngôn cho xem. Nội cấm Ngôn ngồi dưới gốc mận, nhất là đi học về mà không vào trình cho nội hay, nội rầy nhiều lần rồi nhưng Ngôn vẫn không sợ. Nội với mẹ thương Ngôn lắm, không khi nào đánh đòn Ngôn cả.
- Ngôn, đi học về rồi đó à?
Tiếng nội oai nghiêm vọng vào tai, Ngôn không thèm đứng dậy, cũng không thèm ngó nội nữa. Nó ngồi xé dần những chiếc lá chung quanh. Nội trố mắt nhìn Ngôn rồi lê dép xẹp xẹp ra sân. Nội đến vuốt tóc Ngôn, dịu dàng:
- Sao con không vào nhà mà ngồi đây? Đi vô, để nắng nôi rồi lại bịnh hoạn, đa!
Ngôn lắc đầu. Nội cúi xuống xách cặp Ngôn lên, kéo tay Ngôn đứng dậy:
- Thôi con vô nhà, sao mà bữa nay lại kỳ cục nè? Vô nhà đi, có gì nói nội nghe. Bộ bị thầy giáo đánh hả? Ờ, mai nội ghé ngoài làng nội nói cho, không sao hết con.
Ngôn nắm tay nội:
- Con không muốn vô, cô Tam đang khóc.
- Ối xời, kệ nó, can gì con? Nó hư thì mẹ con la, nội dạy. Hơi đâu con để ý.
- Con thương cô Tam nội à.
Ngôn nhìn thẳng vào mặt nội, nói liên miên:
- Sao nội hay đánh cô Tam quá. Mỗi lần vậy, con tự nhiên thấy buồn buồn. Cô Tam khóc, tội nghiệp ghê nội. Con đâu có thấy cô Tam làm biếng gì đâu. Gà gáy là cô Tam đã gánh đầy hai lu nước sông, lóng sạch để lát đi chợ về nấu ăn, trưa cô Tam chẻ củi, cô Tam còn lau nhà, còn giặt giũ quần áo nữa. Nội không thấy cô Tam cực khổ sao? Cô Tam bà con với mình mà. Cô Tam đâu phải là người ở như anh Cu bên nhà bà Cả, nội à, nội đừng đánh cô Tam nữa nha nội.
Nội cười, cục thuốc xỉa làm nụ cười của nội méo mó, mà Ngôn thương. Mỗi lần nội cười với Ngôn, Ngôn thấy nội hiền queo chứ đâu có vẻ dữ dằn như những lần nội nhìn cô Tam. Ngôn theo nội vào nhà...
- Nội cười là nội chịu rồi, héng?
Nội khẻ đánh lên đầu Ngôn:
- Mồ tổ mầy, sao mầy hay bắt bí bà nội quá. Con Tam nó làm lỗi thì nội phải đánh chớ.
- Đâu được, nội. Cô Tam lớn rồi. Sao mẹ đó, có lần mẹ làm nội sùng lên, nội đâu có đánh mẹ. Nội à, nội rầy cô Tam thôi.
Nội im lặng. Ngôn cũng hết biết nói gì nữa để mà binh cô Tam. Phải chi riêng một mình nội rầy la đánh đập cô Tam thì Ngôn cũng không nói làm gì. Tại có mẹ nữa. Mẹ với cô Tam cỡ tuổi nhau, chắc vậy, mẹ dữ ghê nơi. Nội vỗ vai Ngôn:
- Con thay quần áo, xuống sông tắm đi Ngôn. Cho mát mẻ rồi lên ăn cơm với nội.
- Dạ! Để con vô thưa mẹ đã.
Ngôn chạy vụt ra sau, mẹ đang phì phò thổi lửa. Ngôn khoanh tay lại:
- Thưa mẹ con đi học mới về.
Mẹ quay lại, vuốt mồ hôi trán.
- Ngôn đó hả? Ờ, đi tắm đi con.
- Cô Tam đâu mẹ há?
- Ngoài chuồng heo.
- Chắc cô Tam đang cho heo ăn. Con ra ngoài chút nha.
Mẹ nhíu mày:
- Chi vậy?
Ngôn ngạc nhiên nhìn mẹ.
- Xời ơi, thì mọi lần con đi học về con phải thưa cả nhà. Mẹ dạy con vậy mà con chưa thưa cô Tam.
- Thôi khỏi, con. Lần sau con khỏi thưa nữa. Mẹ cho phép.
Ngôn lững thững bước ra sau hè, mai mốt đi học về khỏi thưa cô Tam nữa, sao? Kỳ cục vậy. Lúc trước, mỗi lần Ngôn khoanh tay “Thưa cô Tam, Ngôn đi học” hay là “Thưa cô Tam, Ngôn mới về” là Ngôn được cô Tam thưởng cho một cái hôn vào má.
Cô Tam nói Ngôn lễ phép, ngoan ngoãn vậy, cô Tam rất bằng lòng, đi thưa, về phải trình là điều mà đứa học trò nào cũng không được quyền quên.
Mẹ cũng nói như với Ngôn như cô Tam đã nói. Vậy mà...
- Ngôn, con đi đâu đó? Con không nghe mẹ hả?
Ngôn đứng lại.
- Con kiếm cô Tam.
- Mẹ biểu con khỏi thưa con mọi đó. Con nghe chưa?
- Sao mẹ kêu cô Tam là con mọi?
Mẹ trừng mắt lên:
- Im đi, lo mà tắm rửa cho rồi. Ở đó mà dần lân, mẹ bạt tai cái chết bây giờ.
- Dạ, mà mẹ cho con kiếm cô Tam chút.
- Chuyện gì nữa đó?
- Cái cần câu của con gẫy rồi. Con nhờ cô Tam làm cái khác. Chủ nhật này con đi câu với con Bông.
- Ờ, lẹ đi.
Ngôn bước nhanh. Sau nhà lúc nào cũng im lặng, bóng tre, bóng trúc làm dịu mát ánh nắng chói chang buổi trưa. Ngôn ngóng mắt về phía chuồng heo, mấy con ột đang bao quanh thau cám, cô Tam đứng nhìn chúng mỉm cười, trời ơi cô Tam hiền như một bà tiên. Ngôn rón rén bước vòng ra sau để hù cô Tam chơi. Cô Tam vén tóc mai vào vành tai, mặt cô Tam không có vẻ gì là buồn khổ cả. Lúc nào cô Tam cũng mau quên. Ngôn thấy rõ như vậy. Khi bị mẹ hay nội la rầy, cô Tam im lặng nghe. Khi bị đánh đau, cô Tam khóc. Rồi thôi. Qua lúc đó, cô Tam lại bình thường, Ngôn đến sát mé chuồng, nhón chân lên, lừa lúc cô Tam khom xuống bưng thau cám. Ngôn la to lên:
- Hù!
Cô Tam giật mình buông thau ra, ngó dáo dác, Ngôn thụp người trốn. Nhưng cô Tam đã cười:
- Cô biết là Ngôn chứ chẳng ai vô đây. Ngôn mới đi học về đó hả?
Ngôn định hù cô Tam hai ba lần như vậy, dè đâu bị cô Tam biết ngay lần đầu. Ngôn bước đến trước mặt cô Tam ngoan ngoãn:
- Thưa cô Tam, Ngôn đi học mới về.
- Ừ, Ngôn dễ thương lắm. Mà sao bữa nay lại bày đặt hù cô nữa? Rủi cô hết hồn cô ngã ra chết thì sao?
Ngôn cười:
- Tại Ngôn thấy cô ngó mấy con ột chăm chăm hà.
Chợt Ngôn xịu mặt xuống, quay đi chỗ khác. Cô Tam ngạc nhiên:
- Ủa, sao vậy Ngôn?
- Cô Tam quên...
- Quên cái gì đâu nà?
Ngôn chìa má ra nhõng nhẽo:
- Ngôn thưa rồi mà cô Tam chẳng mi Ngôn gì hết hà.
Cô Tam hun thật kêu lên má Ngôn:
- Rồi đó, chịu chưa?
Ngôn gật đầu. Cô Tam bảo:
- Ngôn đi tắm chưa hả?
- Chưa, cô ơi! Bữa nay Ngôn muốn cô tắm cho Ngôn nè.
- Cô đang bận đây.
- Thì chừng nào cô làm rồi, cô tắm cho Ngôn. Ngôn đoán chắc cũng sắp xong. Mấy con ột bỏ đi rồi kìa. Cô Tam.
Cô Tam kêu ột! ột! vài tiếng, heo vẫn tảng lờ đi tản mác khắp chuồng. Con nào con nấy ục ịch hết sức. Bọn nó ăn no rồi. Cô Tam đưa tay quẹt mồ hôi trán đang rịn đầy, cô Tam ngó Ngôn:
- Ừ, thôi Ngôn đợi cô há. Cô dọn dẹp rồi cô dẫn xuống sông tắm. Cô cũng nực nội quá chừng.
Cô Tam tẩn mẩn hốt những vụn cám mà bầy heo làm rơi vãi ra ngoài, quăng vào thau. Cô xối nước rửa chuồng heo sạch, sau mỗi bữa ăn của heo, cô Tam chắc mệt lắm. Ngôn dành xách giúp cô mấy gầu nước mà cô không cho. Nhìn cô thoăn thoắt quét dọn, Ngôn phục cô ghê luôn. Cô làm việc chẳng khác anh Cu bên nhà bà Cả. Đáng lẽ cô Tam phải sung sướng, hay ít ra cũng được thảnh thơi phần nào. Ngôn nhớ ba dặn: “Cô Tam cũng là bà con của mình, con đừng đầy đọa cô Tam mà có gì cũng phải quý mến, bênh vực cô Tam nghe chưa”. Có lẽ ba sợ Ngôn giống tính mẹ, giống tính bà nội hay làm khó dễ cô Tam; mà hình như ba thương cô Tam lắm. Anh Cu đi ở đợ cho nhà bà Cả, anh Cu làm công chuyện bù đầu là đúng. Còn cô Tam, cô Tam là bà con chớ bộ. Lát nữa Ngôn phải hỏi cô Tam mới được. Ngôn hối thúc cô:
- Lẹ đi cô, còn ăn cơm nữa, không thôi nội la chết.
- Ờ, xong rồi.
Cô Tam nắm tay Ngôn dẫn thoăn thoắt xuống bờ sông, bàn tay cô Tam chai sạn và cằn cỗi, tại cô Tam làm lụng nhiều. Nhưng mà Ngôn không ghét đâu. So với tay mẹ thì không bằng, tay mẹ thon dài mà mềm mại. Mẹ hay gãi da đầu Ngôn nhè nhẹ khiến Ngôn buồn ngủ mỗi tối. Mẹ cũng hay nâng mặt Ngôn lên nhìn thật lâu, rồi thở dài.
Không hiểu tại sao, có lúc mẹ tỏ ra thương xót cô Tam, hối hận vì nặng lời với cô Tam. Lại có lúc mẹ vô cùng tàn nhẫn. Bàn tay mẹ trở nên thô bạo, cộc cằn.
- Coi kìa, Ngôn! Té bây giờ.
Tiếng cô Tam làm Ngôn giật mình. Nó ngước lên nhìn cô Tam cười, nó gặp tia mắt thật thương yêu của cô Tam đang gắn vào nó. Mắt cô Tam như muốn khóc. Cô Tam ấn Ngôn ngồi xuống đầu cầu:
- Cô mà tắm cho Ngôn thì cô không cho Ngôn nhảy xuống sông bơi đâu.
Ngôn nheo mắt:
- Ngôn cứ nhảy.
- Làm sao Ngôn dám cãi lời cô? Ngôn vẫn ngoan ngoãn mà.
- Thiệt tình thì Ngôn không muốn bơi cô Tam ơi.
Cô Tam múc nước sông dội lên người Ngôn, cô bắt đầu kỳ cọ. Bữa nay Ngôn vào trường chơi giỡn cũng khá nhiều, nên thân thể dơ dáy sao đâu. Ngón tay cô Tam cọ vào đâu là chỗ đó có đất nổi lên đen kẹt. Cô Tam lắc đầu:
- Ngôn chơi dơ ghê! Mẹ mà tắm cho Ngôn chắc mẹ đánh đòn.
Ngôn cãi lại:
- Cô Tam nói! Mẹ thương Ngôn nhất đời. Có khi nào cô Tam thấy mẹ đánh đòn Ngôn đâu. Mẹ thương Ngôn lắm.
- Vì vậy nên cô mới vui, và cô muốn Ngôn phải ngoan ngoãn nghe lời mẹ. Mẹ Ngôn thương Ngôn hơn cô tưởng...
Cô Tam chớp chớp đôi mắt:
- Nhiều khi Ngôn làm lỗi, cô sợ Ngôn bị đòn đau mà mẹ Ngôn chỉ la rầy, phạt Ngôn quỳ gối thôi. Cô mừng hết sức.
Ngôn bỡ ngỡ nhìn cô Tam:
- Bộ cô Tam không muốn cho Ngôn bị đòn?
- Ừ bị đòn đau lắm Ngôn. Ngôn nhỏ như vầy.
Cô không nói nữa, cô quay mặt chỗ khác dụi mắt. Ngôn nhìn ra giữa sông. Nắng làm giòng sông lấp lánh chiếu ngời. Nước sông đục ngầu, lềnh bềnh mấy đám lục bình có hoa tim tím. Ngôn hỏi cô Tam một câu ngớ ngẩn:
- Cô Tam à, mấy cụm lục bình đó trôi đi đâu hả cô?
Cô Tam ngó theo:
- Chắc nó tìm chỗ nào vui vẻ hơn đó Ngôn.
- Sao cô biết?
- Thì cô đoán vậy.
Cô Tam xối lượt nước cuối cùng lên đầu Ngôn, thân thể thằng bé đỏ ửng lên vì bị kỳ cọ quá nhiều, Ngôn vuốt nước trên mặt. Tự nhiên sao cô Tam buồn quá vậy, mắt cô chĩu xuống thật đen. Ngôn nhớ tới hồi nãy. Nghe tiếng cô Tam khóc Ngôn nắm cánh tay cô Tam:
- Bộ hồi trưa mẹ với nội rầy cô Tam hả?
Cô Tam giật mình:
- Ai nói với Ngôn?
- Không có ai nói hết, tại lúc đó Ngôn đi học về, Ngôn nghe tiếng cô khóc thút thít.
Cô Tam cười nữa miệng:
- Tại cô hay khóc.
- Mà mẹ với nội có đánh cô không?
- Không có đâu.
- Ngôn thương cô Tam lắm.
Rồi Ngôn chậm chạp kể lại cho cô Tam nghe chuyện lúc trưa. Cô Tam vừa mặc lại quần áo cho Ngôn, hai cánh tay cô run run, chắc là cô Tam cảm động. Ngôn thấy môi cô Tam mấy máy, mắt cô Tam chớp chớp nữa. Cô Tam hôn lên tóc ướt của Ngôn một cái hôn dài, cô dựa má cô vào Ngôn. Cô thì thầm:
- Cô cũng thương Ngôn lắm! Ngôn biết không?
Khuôn mặt cô Tam ướt nước, mắt cô cũng vậy. Không biết tại cô hay khóc hay là tại đầu tóc Ngôn ướt rồi cô dựa vào. Chỉ biết rằng, nhìn cô Tam lúc này, Ngôn thương cô biết chừng nào nói. Ngôn giữ cô Tam ngồi trên cầu một lát. Ngôn chưa muốn vào nhà bây giờ. Ngôn ôm cánh tay cô Tam:
- Sao mà cô Tam lại thương Ngôn vậy?
- Ngôn không biết hả? Thì tại vì Ngôn ngoan ngoãn. Chứ tại sao Ngôn thương cô Tam? Ngôn nói nghe coi.
Ngôn vuốt vuốt lên tóc mai của cô Tam:
- Thầy giáo dạy Ngôn mọi người đều phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Ngôn nghe lời thầy. Với lại Ngôn cùng cô ở chung nhà, cô là cô của Ngôn, Ngôn phải thương cô chớ.
Cô Tam gát tay lên vai Ngôn, cằm cô tựa lên đầu Ngôn. Cô buông ra một điệu hò ơi ngọt ngào:
- Hò... ơ... Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước... ờ... Hò... ơ... nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Ngôn nghe tiếng tim cô Tam đập mạnh trong lồng ngực từng nhịp một. Ngôn muốn nói với cô Tam rằng lòng thương của Ngôn đối với cô Tam đầy như nước sông trưa nay lóng lánh ánh nắng mặt trời. Cô Tam hiền lành vậy mà sao mẹ với nội lại ghét cô Tam, hành hạ cô Tam?
Ngôn lại muốn nói chuyện bá láp tàm xàm với cô Tam, để cô Tam ngồi im, làm như thể cô Tam có nhiều điều suy nghĩ. Chuyện gì bắt người ta phải suy nghĩ thì chắc ít vui nhiều buồn. Ngôn khều khều cô Tam:
- Cô Tam à, cô Tam thích màu gì nhất hả?
Cô Tam chỉ một đóa hoa lục bình:
- Cô thích màu tím đó đó với màu tím mồng tơi.
- Ngôn cũng thích màu tím nữa. Con Bông đó cô Tam, nó có cái áo bà ba tím đẹp ghê nơi. Mỗi lần nó bận áo này nha, sao Ngôn thấy nó dễ thương hết sức cô Tam ơi.
- Màu tím là màu buồn, Ngôn mà cũng thích màu tím thì lạ thật.
- Có gì mà lạ đâu cô. Mà cô Tâm nè tuốt muốt bên kia bờ sông có gì vui hả cô? Bữa nào cô chèo ghe chở Ngôn đi chơi nghe.
Cô Tam gật đầu:
- Thôi, đi lên nhà, kẻo nội với mẹ trông. Mai mốt rảnh cô chở Ngôn đi. Bên kia bờ không biết có gì vui nữa Ngôn ạ!
Hai cô cháu nắm tay nhau leo dốc cầu để lên bờ. Bà nội đã đứng đó từ lúc nào, cặp kính lão trễ xuống lưng mũi, cho thấy đôi mắt nội đang mở trừng thật to, nội chống nạnh, hỏi gằn:
- Bây làm gì dưới đó mà lâu vậy hả?
Cô Tam lấm lét:
- Thưa bác... con...
- Con con cái khỉ khô gì. Bây lôi nó xuống sông, xuống nước mà bây để hàng tiếng đồng hồ. Bây không sợ ông bà nào dưới đó quở nó sao hả?
Cô Tam cuối đầu:
- Dạ, tại...
Nội xấn tới chỉ ngón tay trỏ vào trán cô Tam một cái thật mạnh làm cô Tam ngã ra sau:
- Bây còn lẻo mép nữa hả. Tao thấy rõ ràng mà. Tao nuôi nó cho bây, nó là cháu tao rồi, tao cưng nó như thế nào thì bây thấy mà. Bây dẫn nó xuống cầu ngồi, bây chỉ này chỉ nọ, bây nói gì chớ? Bây muốn tao đuổi bây đi phải không nà?
Thấy nội làm dữ, Ngôn ôm tay nội năn nỉ:
- Nội à, tại con mà nội. Con muốn ngồi một lát mới lên nhà.
Nội giận quá, giơ tay cú đầu Ngôn một cái mạnh:
- Tại con hả? Tại con nè! Sao con khờ khạo vậy. Nội nói con tắm rồi con lên ăn cơm mà. Con cãi nội hả? Nội chờ con, mẹ con cũng chờ con nữa kìa. Con đi vô nhà lẹ lên.
Ngôn bị cú đầu đau điếng nhưng nó không khóc, nó nhìn cô Tam rồi nhìn nội. Ngôn khoanh tay lại:
- Nội, nội tha lỗi cho con, con xin chừa, từ rày sắp tới con không dám vậy nữa.
Nội gầm nhỏ:
- Ừ, đi vô nhà đi. Nội tha cho đó.
- Mà nội đừng la cô Tam nữa. Tại con đó, cô Tam chiều con...
Nội quát lên:
- Đi vô.
Ngôn liu ríu nghe lời. Vừa bước đi, vừa nhìn lại cô Tam phía sau. Cô Tam cũng khẽ liếc nhìn theo Ngôn như ngầm bảo: “Ngôn vô nhà đi. Nội không la cô đâu!”, Ngôn tự nhiên muốn khóc. Nó đưa tay quẹt mắt, tại nó tất cả. Tội nghiệp cô Tam. Có chút xíu vậy cũng bị nội hằn học. Vào tới cổng nhà, Ngôn còn nghe tiếng nội la lớn: “Tao đập bây chết bây giờ, đồ mọi!” Ngôn quay lại, nhưng không thấy bóng cô Tam, bóng nội ở đâu hết, hàng rào tre um tùm ngoài ngõ ngăn không cho Ngôn thấy! Cô Tam đang ôm mặt khóc nức nở và nội đang giơ tay đánh thẳng vào lưng cô Tam mấy cái bình! bình!

*

Từ hôm đó trở đi Ngôn ít gặp cô Tam. Có khi vừa thấy cô định gọi thì cô đã vội bước khuất. Đi học về, cô Tam không hôn lên má Ngôn nữa, cũng chẳng có dịp nào để Ngôn ngồi nói chuyện lâu lâu trong tay cô. Hễ mà Ngôn giữ cô lại được để hỏi han thì cô Tam viện lẽ nhiều việc phải lo. Ngôn buồn quá.
- Ngôn à, sao trò buồn thiu vậy?
Ngôn giật mình. Nãy giờ vác cần câu đi cạnh mấy đứa bạn mà Ngôn quên bẵng cứ nghĩ ngợi gì đâu không. Tiếng thằng Thạnh kéo Ngôn về thực tại. Ngôn lính quýnh trả lời:
- Có gì buồn đâu. Tại tui nghĩ không biết lát nữa câu có được nhiều cá không đó chớ?
Rồi Ngôn vừa cười hì hì. Các bạn Ngôn cười theo. Con Bông đánh nhẹ lên vai Ngôn:
- Nói trò đừng buồn nghen. Coi bộ độ rày trò giống... ông già Ba-Tri ghê nơi. Trò làm sao ấy!
- Trò Bông nói kỳ.
Ngôn chống chế yếu xịu, mà thiệt, Ngôn giống điên, giống khùng gì đâu á. Thằng Thạnh, thằng Khôi tiến nhanh lên trước, đường đất vào rạch rất hẹp chỉ vừa hai đứa đi thôi. Khôi quay lại nheo mũi với Bông:
- Trò coi chừng thằng Ngôn lọt nghe, Ngôn nó mở mắt vậy chứ nó hổng thấy đường đâu.
Cả bọn lại cười. Ngôn đánh Khôi một cái thật đau. Cà rịch cà tang vậy mà cũng tới địa điểm câu, bốn đứa dừng lại dưới gốc dừa to, có thân nghiêng ra ngoài nước. Thạnh lên tiếng:
- Ê! Thi câu nhe, ai câu nhiều nhất thì bận về khỏi đi.
Bông chu môi:
- Giỡn hoài trò! Bận về khỏi đi, chớ không lẽ ngồi đây cả buổi à?
- Không phải, trò chưa hiểu ý tui. Như vầy nè, ai câu được nhiều nhất thì sẽ được mấy người câu ít thay phiên nhau cõng về tới nhà. Hổng ấy làm kiệu khiêng cũng được.
- À thì ra là vậy. Được đó.
Ngôn với Khôi phì cười vì lời đề nghị lạ lùng mà thích thú của Thạnh. Ngôn đặt cần câu xuống, hình như nó đã không còn nhớ tới cô Tam nữa rồi. Trò chơi lôi kéo trí óc của nó trở về với trạng thái vui vẻ hồn nhiên một cách mau chóng, mắt Ngôn sáng, mặt Ngôn tươi và mười ngón tay nhanh nhẹn mắc mồi vào lưỡi câu chứ không buồn rầu xuôi lơ hay bâng khuâng chống vào hai bên má. Khôi kề tai Ngôn nói nhỏ cái gì đó. Ngôn cười gật đầu. Ngôn gọi các bạn lại, rồi bàn:
- Tui muốn các trò chia phe. Chịu hôn. Phe nào ăn thì được phe kia cõng.
Thạnh nói:
- Vậy cũng được. Mà ai bắt bồ với ai đây?
Khôi dơ tay lên:
- “Tay trắng, tay đen” đi, ai ra trước người đó bắt, héng.
Cả bọn bằng lòng:
- Tay trắng tay đen chè đậu đen nấu đường cát trắng. Một! Hai, ba!
Vì là bốn đứa, nên cứ huề nhau hoài. Sai hai ba lần “tay trắng, tay đen” như vậy kẻ ra đầu tiên là Ngôn. Ngôn nhìn mặt tụi bạn để lựa. Đứa nào cũng muốn bồ với Ngôn hết. Thật tâm thì Ngôn thích bắt bồ với con Bông hà. Con Bông dễ thương. Nhưng Ngôn sợ thằng Thạnh, thằng Khôi trộ Ngôn là khoái con gái. Ngôn ngập ngừng mãi mới chỉ vào Khôi:
- Tui xí trò Khôi.
Khôi hí hửng ôm lấy vai Ngôn cười toe toét, Bông thì bí xị. Bông cũng thích bồ với Ngôn hơn. Phải chi Bông ra trước, Bông sẽ được quyền bắt bồ, Bông sẽ xí Ngôn cho xem.
Đàng này, Ngôn ra trước, mà chắc Ngôn không thích chơi chung với Bông đâu. Nghĩ vậy, Bông tự nhiên muốn bỏ về. Bông vác cần câu quay nhìn chỗ khác, không muốn thấy mặt đứa nào hết. Còn Thạnh thì gãi đầu, nhăn nhó. Thạnh đâu có cầu mong mình cùng phe với con Bông. Kỳ cục thấy bà. Khi không lại bị bồ với con gái. Thạnh phản đối:
- Tui không chịu đâu. Tui không... không.
Thạnh muốn nói tui không thèm bồ với trò Bông nhưng nó vừa bắt gặp dáng điệu giận hờn của Bông, nó sợ nói ra Bông... buồn. Thấy Thạnh cứ nhắc lại chữ không, không hoài Khôi cười hì hì:
- Sao tự nhiên cà lăm vậy? Bộ khớp hả? Trò Bông đâu có ăn hiếp trò đâu nà?
Thạnh vẫn không thôi gãi đầu:
- Nhưng mà... mắc cở quá ơi.
- Gì mà mắc cở? Làm quá...
- Thôi, tui không chịu đâu, “tay trắng, tay đen” lại.
Ngôn bây giờ mới tủm tỉm:
- Nếu trò Thạnh không chịu thì đổi trò Khôi, tui bồ với trò Thạnh cho.
Bông đứng ở tư thế cũ không thèm nói tiếng nào. Dù rằng nó đã thấy tức cành hông. Làm như thể, nó là ma quỷ hổng bằng, chẳng đứa nào chịu bắt bồ cả. Khôi cũng không chịu luôn, Khôi chỉ qua Ngôn, Ngôn lắc đầu, Bông dậm chân, phụng phịu:
- Mấy trò chơi gì kỳ cục, tui về!
Nói rồi Bông bỏ đi một nước. Ba thằng con trai nhìn nhau. Câu chưa được con cá nào đã sinh ra lôi thôi, tại thằng Khôi hết, bày đặt chia phe, chia đảng. Vậy mà Ngôn cũng nghe theo. Ngôn gọi:
- Bông ơi! Bông!
Bông vẫn đi. Ngôn nhìn Thạnh:
- Ở đây nha, tui chạy theo kêu trở lại để trở về tội nghiệp lắm.
Khôi e ngại:
- Thôi kệ đi. Kêu trò Bông lại rồi ai bồ với trò?
Thạnh cũng biểu đồng tình:
- Ừa, đúng rồi đó! Đừng thèm kêu, ai biểu ham giận chi, về đâu về phức cho rồi.
Ngôn lắc đầu:
- Đâu được nà! Mấy trò để tui kêu lại chuyện kia tính sau. Đứng đây chờ nha. Chút thôi.
Nhìn bóng dáng Bông nhỏ nhắn vừa mất hút sau lùm cây đằng kia, Ngôn hấp tấp chạy theo. Bộ bà ba đen đồng ruộng của nó nhảy lúp xúp trên con đường quanh co trông ngộ nghĩnh hết sức, như con cá lóc mắc cạn. Thạnh, Khôi cười bâng quơ rồi cùng nhau ngồi xuống gốc dừa, móc mồi để sẵn. Chưa gì mà gần hết buổi chiều. Nhỏ Bông lại rộn chuyện, giận với hờn làm tốn thêm thì giờ năn nỉ. Thạnh thắc mắc. Sao con gái hay giận ghê! Con Thu em nó cũng vậy đó, hễ mà có cái gì không vừa ý là bỏ đi ra chuồng nghé ngồi một mình, mặt chù ụ. Còn con trai, chẳng khi nào. Chuyên môn bị giận, bị năn nỉ, bị bắt bí... lung tung hết. Như Thạnh thì bị Bông giận, Ngôn bị đi năn nỉ, còn Khôi bị bắt bí. Khổ ác.
Chắc ông trời cũng khổ với bà Trời lắm nên bắt tụi con trai chia xẻ. Nhưng mà Thạnh không ngán con gái đâu. Chắc Khôn cũng vậy. Chỉ có mình Ngôn là yếu thôi. Bông nó giận hả? Ừ, cho giận đã đời luôn. Tội gì...
Thạnh ngẩng đầu lên nhìn mấy lá dừa lao chao trong gió, nó nói một mình:
- Có điều, con gái coi... ngộ hơn con trai.
Khôi ngồi cạnh bên, trố mắt:
- Trò nói gì vậy. Thạnh?
Thạnh cười. Lúc đó Ngôn với Bông cũng vừa xuất hiện xa xa.
Thạnh chỉ:
- Tui nói Ngôn với Bông về kìa. Bộ mắt trò nhắm rồi hả?
- Tưởng trò nói gì chớ cái đó... tui thấy rồi. Trò Bông vậy mà hay chớ.
Ngôn với Bông đi dần về phía hai đứa tụi nó, Ngôn thì quơ tay quơ chân như phân bua, bày tỏ cái gì, còn Bông lẳng lặng bước đi, mắt chỉ chúi nhìn xuống đất. Đợi bọn Ngôn tới nơi. Thạnh mới cất tiếng thật oai:
- Sao? Bây giờ thì câu cá hôn? Hay đi về?
Ngôn chỉ con Bông:
- Hổng ai về phe trò Bông hết, thì tui “hy sinh” vậy. Nếu bằng lòng thì bắt đầu cuộc thi.
Khôi xoa tay:
- Chịu gấp! Tui với trò Thạnh xí luôn gốc dừa này. Hai trò kiếm chỗ ngồi đi; dụm một chỗ khó câu lắm.
Ngôn lấy cần câu và giỏ mồi của mình rồi vịn vai Bông đi lại gốc dừa khác. Không quên nói lại với bọn Thạnh một câu chúc lành:
- Hai trò ráng câu được nhiều cá nhen!
Bọn Thạnh nheo mắt:
- Tụi tui cũng mong hai trò câu được nhiều cá để khỏi bị cõng.
Không khí ở đây bắt đầu im lặng, chỉ còn tiếng lá dừa lao xao, như bầu không khí của bao cuộc thi khác, cũng đượm vẻ quan trọng cũng chứa đầy sự cố gắng. Ngôn ngồi cạnh Bông gắn mồi vào cần câu thả xuống làn nước chảy lười biếng lững lờ. Bông đã buông câu tự nãy giờ, nó mở to mắt nhìn đăm đăm vào cái phao lềnh bềnh trên mặt nước, khuôn mặt xương xương của Bông làm Ngôn để ý mãi.
Tóc con Bông dài chấm vai thật đen, được vén vào mép tai gọn gàng. Ngôn thấy con Bông giống giống cô Tam, nhất là mớ tóc mai vuốt ve hai bên má. Mỗi lần cô Tam làm việc mệt như sau khi chẻ củi chẳng hạn thì tóc mai lấm tấm mồ hôi, đẹp sao đâu. Mẹ cũng vậy nữa. Ngôn bỗng nhớ lại tiếng hò dịu ngọt buồn thiu của cô Tam một đêm nào đó:
Hò ơ... Tóc mai sợi vắn sợi dài,
Lấy nhau không được... ờ...
Hò ơ... Lấy nhau không được thương hoài ngàn năm.
Làm sao Ngôn có thể nói hay đọc câu ấy lên cho con Bông nghe? Ngôn nghĩ rằng câu ca dao đó người lớn lắm, dù nó chưa hiểu. Chợt cái phao của Ngôn động đậy, Ngôn giật lên thật mạnh, một con cá bóng dừa mắc câu. Ngôn mừng rỡ tháo ra bỏ vào cái rổ tròn đeo bên hông. Nó hí hửng móc mồi khác và buông câu chờ đợi. Con Bông nãy giờ trông chừng mà cá chẳng đớp mồi, thấy Ngôn có được con bóng dừa mập ú, nó cũng mừng, nhưng Ngôn không thèm kêu nó để khoe cho nó được mừng chung. Bông liếc thằng Ngôn dài ngoằng rồi quay đầu chỗ khác, không để ý đến cần câu của mình nữa muốn ra sao thì ra. Có gì thì thằng Ngôn bị cõng chứ Bông thì chắc chắn là không rồi. Bông ngồi bó gối, gác cần lên vòng tay đặt hờ hững, mắt thả bâng quơ những tia nhìn trên gợn nước lăn tăn. Nãy giờ Bông cũng chưa nghe tiếng phe bên kia reo mừng, vái trời cho phe kia ăn, để Ngôn ì ạch cõng cho đáng cái đời... làm le hổng thèm nói chuyện với Bông.
- Bông ơi Bông!
Dữ hôn, đến bây giờ mới chịu gọi, nhưng Bông không nhúc nhích. Tự nhiên nó muốn làm mặt giận thiệt lâu. Ngôn lại gọi nữa. Và Bông lại làm thinh. Bông hất hất mái tóc ra sau tỉnh bơ nhặt mấy cục đất nhỏ liệng xuống rạch. Nó không cố tình, nó quên rằng làm như vậy cá chẳng con nào dám đến cắn mồi nữa. Ngôn biết Bông đang giận dỗi. Mà sao nhỏ này bữa nay hay giận ghê! Sanh tật rồi chắc! Ngôn nhìn Bông cứ lâu lâu thảy vài cục đất xuống rạch, nó tức thấy mồ.
Ngôn la lên:
- Mèn ơi, sao trò ngu vậy, trò liệng đất xuống, nước động sao có cá được. Bộ trò muốn cõng lắm hả?
-......
- Cái thân ốm nhom ốm nhách của trò đó, cở trò Thạnh hay trò Khôi mà cởi lên, có môn sụm bà chè, trò biết hôn?
Bông vẫn làm thinh. Phao của Ngôn lại động đậy. Ngôn giật cần câu lên, à thêm một con nữa. Ngôn khoái chí gỡ cá ra bỏ vô rổ rồi đếm:
- Một con, hai con... Cũng đặng chớ.
Ngẩng lên Ngôn thấy Bông cứ lì lì ra đó hoài. Ngôn cáu:
- Nãy giờ được hai con hà, trò được con nào chưa?
Bông cũng không thèm nói, Ngôn sùng trong bụng. Sao dễ ghét quá. Phải chi Ngôn nghe lời Thạnh và Khôi bỏ cho Bông về mất đất cho rồi. Ngôn ngó Bông chăm bẳm. Con nhỏ ngồi ngộ ghê ta, Ngôn cười cười vì văng vẳng bên tai Ngôn, giọng cô giáo vui vui đọc bài học thuộc lòng Thu-Điếu. Ngôn có cách làm cho Bông phải quay lại rồi. Ngôn lầm thầm xin phép ông Nguyễn-Khuyến cho Ngôn sửa lại mấy chữ trong bài thơ, để hợp tình, hợp cảnh hơn, Ngôn để cần câu xuống đất, lấy chân đạp lên cần để giữ, tay vuốt cần. Ngôn tằng hắng mấy cái để gây sự chú ý của đối phương, con Bông vẫn không thèm tỏ vẻ gì là quan tâm cả. Ngôn cao giọng đọc to lên, cố ý cho Thạnh và Khôi nghe cùng:
Rạch thu lạnh lẽo nước trong veo
Một nhỏ ngồi câu bé tẻo teo.
Ngôn thấy mắt nhỏ Bông chớp chớp. À, Bông đã nghe rõ rồi đó. Ngôn đọc tiếp:
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Bên kia, tiếng thằng Thạnh, thằng Khôi hòa nhau nối tiếp của hai câu bài học thuộc lòng
Rừng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Con Bông ngẩng lên quay sang thằng Ngôn nhíu mày, khẽ nói:
- Tui không có giỡn nghe trò! Tui đang... sùng đừng chọc à!
Ngôn mỉm cười, chỉ vào cái vòng tay ôm lấy đôi chân của Bông!
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được.
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Con Bông phì cười, và cái phao của nó cũng nhúc nhích thật, nghĩa là có cá cắn câu. Bông kéo lên:
- Được một con rồi...
Ngôn vỗ tay:
- Khoái quá, héng!
Bông vừa gỡ cá ra vừa hằn học:
- Khoái cái gì?
- Mình được ba con cá, thì khoái chớ gì còn hỏi.
- Xí!
Bông bĩu môi, rồi móc mồi câu lần khác, không nói nữa. Con cá nó chẳng bỏ chung với Ngôn, nó bỏ vào lon của nó.
Hai đứa chơi riêng. Bông nghĩ vậy. Ngôn lại tưởng Bông hòa với mình nên gọi:
- Bông à! Trò Bông nè!
Con Bông không quay lại. Lúc này cá đớp mồi của con Bông cũng lia lịa, chẳng mấy chốc mà lon cá cũng được bốn năm con gì đó. Thêm Ngôn nữa, gần mười con.
Chiều đã sẫm xuống. Ngôn lên tiếng chấm dứt cuộc thi, nó cuốn nhợ, vác cần câu đứng lên, gió thổi mát rượi, Ngôn không muốn con Bông giận nó nữa, nó đã cố gắng làm hòa mà con Bông cứ ngoảnh mặt mãi. Ước gì cơn giận của con Bông lăn tăn gợn tí thôi, rồi yên lặng và sự làm hòa của Ngôn có giá trị như một làn gió mát làm dịu nỗi gắt gay của nắng chiều. Nhưng không được. Ngôn nhìn Bông ngồi lì dưói đất, không chịu đứng lên, không chịu hưởng ứng lời nói kết thúc của Ngôn, lòng Ngôn dâng lên nỗi tự ái. Ngôn bỏ đi về phía bọn thằng Thạnh, hai đứa đang chờ Ngôn tới để đếm cá. Thạnh cười:
- Sao lâu vậy trò? Bông đâu?
Ngôn bực bội:
- Thôi đếm cá đi, hai trò coi như phe tui là có một mình tui thôi. Đếm đi.
- Sao kỳ vậy?
- Không có kỳ, vảy gì hết, cá tui được tám con đó.
Thạnh với Khôi đổ cá ra đất, những con cá bóng dừa cá chèn nhảy soi sói, tất cả mười con. Đáng lý ra, bọn Thạnh bị cõng. Tại con Bông hết. Từ rày về sau đừng hòng nói chuyện với Ngôn. Ngôn xụi lơ:
- Vậy là tui bị cõng rồi. Nhưng có tới hai đứa lận...
Khôi hỏi lại:
- Trò Bông đâu?
Ngôn không nói, lặng lẽ hốt phần cá của bọn Thạnh bỏ vào lon của tụi nó, rồi trả lời:
- Trò Bông không có phe bên tui. Bây giờ tui cõng một người còn một người nắm lỗ tai tui trừ, từ đây về đến nhà. Chịu không?
Thạnh lắc đầu:
- Thôi, nếu không có đủ thì bỏ. Tụi mình về, trời cũng tối rồi.
Khôi cũng nói:
- Bỏ đi trò. Tụi mình về, trò Bông muốn ở lại mặc trò. Lát nữa thế nào trò cũng bỏ theo cho coi, con gái sợ ma dàn trời mà.
Ngôn sực nhớ ra điều mà Khôi vừa nói, con Bông sợ ma lắm. Phải rồi, bây giờ hùa nhau chạy, rồi la “ma, ma” con nhỏ chắc chắn phải cong giò. Ngôn nói cho các bạn biết ý mình luôn thể kể chuyện làm reo của con Bông nữa.
Thạnh và Khôi tức lây. Tụi nó vác cần câu, xách giỏ cá, cặp kè nhau đi. Khôi cười:
- Cho trò thấy. Con gái đáng ghét lắm chứ phải chơi. Làm như là... bà nội mình không hà.
Thạnh nheo mắt:
- Vậy mà có đứa thích chơi mới độc chứ.
Ngôn biết Thạnh nói mình, nên im lìm chịu trận. Hai thằng bạn cười to nắc nẻ. Đột nhiên Thạnh la lên:
- Ma! Bớ người ta, ma!
Cả bọn lôi nhau chạy sầm sập. Ngôn vừa chạy vừa ngoái đầu lại phía sau, nó thấy con Bông bỏ cả cần câu bỏ cả giỏ cá chạy hớt ha hớt hải như là tên Thoát Hoan bỏ cả ấn tín sất bất sang bang chạy tuốt về Tàu, sợ quân ta như sợ ma đuổi vậy. Con Bông la cầu cứu:
- Cứu tui với, ma! Mấy trò ơi đợi tui với!
Ngôn còn nghe nó khóc hu hu nữa. Ngôn thích chí lẫn thương hại. Ai biểu chọc sùng Ngôn làm chi. Ngôn muốn đứng lại để đợi Bông, trấn an Bông, nhưng nếu Ngôn mà vậy thì Ngôn bị mang tiếng “đứa thích chơi với con gái” như thằng Thạnh nói hồi nãy. Ngôn bặm môi chạy mau hơn, Khôi bồi thêm mấy tiếng la, ma, ma nữa, con Bông chắc sợ điếng hồn, Ngôn bắt đầu chạy chậm lại, hơi thở đứt quãng; Ngôn nhớ con Bông có làn tóc mai giống cô Tam, hình bóng cô Tam lúc này nở to dần, bao trùm lấy đầu óc nó...