CHƯƠNG 20

     a cầm cái chổi dựa vào góc phòng dòm chừng ra ngoài. Nàng chợt thấy con mực lẽo đẽo theo lão câm đi về phía ngõ sát hàng hoè rồi cả hai biến dạng. Lạ quá! Sao bữa nay nó lại theo ông ta ra ngõ trước, không canh mình như thường lệ?.
 Tận dụng ngay lúc này nàng quơ vội mớ đồ dơ mở cửa bước ra. Suốt thời gian bị giam lỏng nàng  đã để ý quan sát khu vực này nên bước đi lẹ làng không bỡ ngỡ. Nàng hướng về phía tay phải của sân lát gạch rộng lớn, cuối cùng nhận ra cái giếng. Tất tả đi lại tiến sát bờ giếng cúi đầu nhìn xuống.
Giếng sâu, nước trong vắt. Xung quanh giếng quang quẽ, tuyệt không có cây cối gì.
 Để đống đồ xuống, chưa múc nước vội nàng ngửa mặt hít thở khí trời, chạm tay vào thành giếng mát lạnh, cảm giác thật dễ chịu. Thích quá! Nàng cúi đầu thật thấp nhìn bóng hình mình trong lòng giếng buột miệng gọi: "Giếng ơi!" rồi cầm cái gàu thòng dây xuống múc nước hì hục đổ vào chậu gỗ ai để sẵn đó tự bao giờ. Đang loay hoay bỗng  giật mình nghe giọng chị Xuân:
_Chào cô Sa! Gớm đi từ xa nhìn cô cúi xuống lòng giếng mà rợn cả người. Tưởng cô lại muốn đâm đầu xuống đó nữa chứ! May cô đã không có ý đó!
Nghe những lời vừa vô tình thốt ra Sa ngẩn người trố mắt nhìn sững chị Xuân rồi như chợt hiểu ra nàng vội bào chữa:
_Đâu có chị! Hôm nay con Mực không hiểu sao theo lão câm ra phía trước, em mang mớ  đồ dơ đi giặt thấy nước giếng trong quá cúi xuống soi bóng chút thôi, có gì đâu! Rồi nàng hạ thấp giọng:
Chị nghĩ em tệ thế sao? Em thật tình không muốn gây hoạ cho ai cả! Em không tự vẫn đâu chị đừng lo! Bữa trước em hành động do cạn nghĩ nhưng em không đớn hèn trốn chạy không muốn gây khó cho ai nữa! Nếu có khổ đau nhục nhã em chấp nhận chịu đựng một mình. Em không có quyền buộc người khác phaỉ khổ lây. Hôm nay em hoàn toàn khoẻ rồi, chị để chậu quần áo  đó em giặt luôn thể.
Trong lúc trả lời chị Xuân trong đầu Sa thấp thoáng bóng hình người chồng in trên vách hôm làm lễ tơ hồng. Chỉ vậy thôi! Ngoài tà áo gấm xanh tuyệt nhiên Sa không thể hình dung được chồng mình như thế nào mặt mũi ra sao. Dạo gần đây Sa cố nhớ lại những chi tiết xảy ra trong cái phòng hoa chúc tối hôm ấy.
 Xuân nhìn Sa hơi ngỡ ngàng không hiểu sao giọng Sa lại trở nên ngậm ngùi cay đắng nhưng vô cùng trầm tĩnh đến vậy? Xuân đặt chậu đồ đang cắp trên tay xuống nhìn Sa mỉm cười:
_Thôi em cứ giặt phần em được rồi, đồ này để chị.
Sa kéo chậu đồ lại gần phía mình:
_Chị để em, em muốn ngồi đây giặt nhìn cảnh vật xung quanh cho khuây khoả. Chị bận gì cứ làm đi. Chị ơi! Hôm nay nhà ta có gì mà sân phơi đầy thuốc hả chị? Hồi nãy em còn thấy lão câm xách thùng vôi quét hết những gốc cây. Sân vườn bữa nay sạch sẽ quang đãng tinh tươm quá chị à! Hôm qua lão đốt lá quét rác gánh tro ra tuốt đằng sau. Thường ngày lão đã siêng từ qua tới giờ coi bộ còn siêng hơn, trông hối hả quá!.
Xuân vừa vò quần áo vừa quan sát Sa. Thái độ Sa khiến Xuân bớt lo. Có vẻ tỉnh táo, đang quan tâm đến mọi điều xung quanh. Không lẽ chỉ một thời gian ngắn với mấy thang thuốc lại có tác dụng thay đổi con người đến thế?. Hay lại diễn trò giả vờ? Mong rằng không phải vậy!
Thấy chị Xuân không nói gì chỉ nhìn mình tủm tỉm Sa cũng lặng lẽ giặt không nói gì thêm nữa. Vò xong đồ mình nàng nhoài tay ra cầm lấy cái áo nho nhỏ trong chậu của chị Xuân giơ lên nhìn đăm đăm rồi bật cười hỏi:
_Phải áo cu Tí không chị?
Xuân gật đầu. Sa vừa vò quần áo vừa nói như tâm sự:
_Chị biết không, em nhớ tiếng học bài của Tí, nhưng từ bữa đó đến nay không thấy cháu nó đâu? Bữa nay chị cho em vào bếp ở lại làm cơm được không? Em ở bếp thôi không ra khu vực trước đâu! Em muốn được chào mẹ và gặp cu Tí một chút thôi được không chị?
Xuân ngần ngừ rồi đáp:
_Ừ thì cô cứ theo tôi nhưng chỉ được ở bếp thôi nhé! Ai nói gì cứ để ngoài tai đừng vận vào người thêm khổ! Cháu Tí đi học bên cụ đồ Lương nhiều khi xế chiều mới về, nội giữ riết trong phòng, hai bà cháu tỉ tê quen rồi! Tội nghiệp nội chỉ có nó là cháu, nó không ở với bà thì ai vui với bà đây! Tới đây Xuân nghẹn họng không thể nói gì thêm, thở dài mắt ngấn lệ.
Sa nhìn Xuân thật trìu mến. Không hiểu tại sao khi nhìn thấy hai mẹ con họ nàng lại thích gần gũi đến vậy? Sa đứng dậy thòng gàu xuống múc nước lên đổ vào chậu rồi lại ngồi hối hả xổ đống đồ vừa vò xong. Xuân cũng xổ vội vàng. Khi hai chị em giặt xong thì nắng đã dạt đến gần bệ giếng. Xuân chỉ tay ra phía khoảng đất trống có dựng mấy cây sào nói:
_Phơi đồ chỗ kia nhé em! Nắng đã bắt đầu gắt rồi đây. Coi chừng kẻo ốm lại. Chị mừng khi thấy em khoẻ hơn chị tưởng. Vóc hạc xương mai được như vậy là tốt rồi! Giữ gìn sức khoẻ em nhé. Cái gì không vui quên đi em à! Đời người có là bao đâu phải không em?
Những lời tỉ tê to nhỏ của chị Xuân làm Sa nguôi ngoai phần nào, vững lòng hơn nàng cúi đầu khẽ khàng đáp thật chân tình:
_Dạ! em đang cố đây chị ạ! Chị ơi chị giúp em chị nhé!
Xuân cúi xuống đỡ Sa đứng dậy rồi nhấc cái chậu đồ lên cắp nách nói:
_Mình ra phơi đồ đi em!
Bà Chánh đang ngồi nói chuyện với thím Sinh trên cái phản to rộng đặt trong bếp. Đó là nơi mọi người trong nhà quây quần ngồi dùng bữa mỗi ngày. Khuyên ngồi cạnh ngoáy trầu dùm hai bà thì Xuân và Sa bước vào.
Đang nói cười bình thường vẻ mặt bà Chánh đổi sắc sa sầm xuống. Từ hôm bị trả về đây  không ai ngoài Xuân, cu Tí và lão câm thực sự nhìn thấy nàng. Đối với bà Chánh, Sa lặng lẽ như cái bóng. Lâu lâu bà có thoáng thấy nàng ở phía sau, mới thấy đó đã biến mất  bà cũng chưa nghe Sa cất tiếng nói gì kể từ hôm đó.
Khuyên nhìn sững Sa lòng nhói đau khi bất ngờ đối diện với người Tùng lấy làm vợ. Trời! Con gái ở làng quê sao có người đẹp nhừơng ấy?.  Sự ghen ghét khiến Khuyên cứ đờ người ra nhìn. Sa cúi đầu trước mặt bà Chánh cố gắng một lúc mới thốt lên:
_Thưa mẹ, thưa thím hôm nay trong người con đã khoẻ, con xuống bếp phụ chị Xuân.
Thím Sinh kêu lên:
_ Sao rồi? Đau ốm ra sao giờ mới thấy mặt hả con?
Cơn tức uất lại dồn lên nhưng vì ngồi cạnh thím Sinh và Khuyên bà Chánh cố kìm lại, khẽ gật đầu hờ hững quay mặt về phía thím Sinh tiếp tục câu chuyện.
Nhìn thoáng thái độ của bà Chánh đối với Sa, nỗi đau trong lòng Khuyên dịu xuống. Ánh mắt không chút thân thiện nếu không nói ghẻ lạnh của bà Chánh nhìn con dâu làm Khuyên thấy hả hê. Những điều hôm qua nàng nghe Dân tỉ tê chắc chắn có thật, những gì cu Tí nói khi bị gặng hỏi cũng đúng luôn. Tuy vết bầm trên mặt Sa đã tan nhưng vành môi rách vẫn còn vết. Niềm hy vọng lại nhen nhúm, nàng khẽ liếc nhìn về phía hiên bếp nơi Sa và chị Xuân đang lui cui nhóm lửa, lặng lẽ cười một mình. Ánh mắt Khuyên loé lên những tia sáng như một người trong lúc khốn quẫn tuyệt vọng bất ngờ tìm ra cái gì đó vô cùng quý giá có thể cứu vớt mình ra khỏi cơn nguy khốn. Bằng cả hai tay nàng dâng trầu cho bà Chánh rồi hỏi:
_Thưa bác như vậy là ngày mai anh Dân mang thuốc qua rồi con kiểm lại và sắp xếp được chưa ạ?
Bà Chánh trầm ngâm một lúc rồi nói:
_Hôm qua bác có coi phòng chẩn mạch, thấy ý lão câm muốn vài bữa nữa hẵng sắp thuốc vào vì còn lau dọn, phòng bỏ trống lâu ngày còn ẩm với lại  để Tùng về kiểm lại đã, cái gì liên quan đến tính mạng sức khỏe con người không ẩu tả được! Hồi nãy thằng Dân có tới, bác bảo nó mày đi lâu, vào đây nói chuyện với tao cho vui nó cứ nhất định đòi ra phía sau coi, bác phải gắt lên nó mới thôi. Coi cái gì ở đó kia chứ! Cái thằng cũng lạ! Hồi bác trai nó còn sống mỗi lần réo mang thuốc qua dễ đến mấy lần mới thấy  vác mặt tới, sao giờ sốt sắng thế không biết lại còn đòi xem xét sửa chữa dãy nhà sau nữa chứ! Chuyện lạ đời!
Thím Sinh nói đỡ cho con:
_À tại nó mang về nhiều thuốc lắm. Nó muốn về thăm em lâu lâu một tị nên đi chuyến này thành gấp hai ba lần  ấy mà! Nó để chật nhà muốn mang qua bớt bên này cho thông thoáng, nhưng em  dặn nó để vài bữa nữa đã sao đâu!
Khuyên lại quay đi giấu  nụ cười đầy bí ẩn.

 

Bà Chánh hôm nay lòng nóng như lửa đốt, thật ra kể từ hôm đám cưới có lúc nào được yên ả? Nhưng không bao giờ bà muốn để lộ ra ngoài. Ở bà, xưa giờ nhất cử nhất động đều khoan thai dịu dàng.
Ngồi xếp bằng tròn trên cái trường kỹ phòng thờ, bà say sưa ngắm thằng cháu cưng đang gác cái đầu trọc lên đùi bà ê a đọc sách. Lâu lâu bà lại nhìn lên cây nhang đang cháy đỏ cắm trong lư hương lẩm bẩm gì đó rồi lại nhìn ra ngõ dòm chừng.
Thằng Tí  tự dưng đọc to lên để gây chú ý. Thấy bà cứ thẫn thờ nó lập lại thật to “Nhân chi sơ tính bản thiện” Bà giật mình nhắc nhở: “Đọc nhỏ thôi con!” Nó đọc nhỏ, lại vẫn câu ấy. Bà biết cháu láu cá muốn bà tập trung vào những gì nó đang làm nên bà đọc tiếp “Nhân chi sơ tính bổn thiện, tính tương cận tập tương viễn” nó lại đọc “Ngọc bất trắc bất thành khí” bà lại đọc “Nhân bất học bất chi lý”, cứ thế hai bà cháu thay nhau đọc bài  bỗng thằng bé ngồi nhổm dậy, cặp mắt sáng đăm đăm nhìn bà rồi ghé lỗ tai thỏ thẻ:
_Nội ơi! Con muốn hỏi nội cái này nhưng nội phải hứa đừng có mắng con nhé!
_Giời ạ! Chưa nói mà lại bảo bà không mắng ư? Thế con dối gian bà, con làm điều bậy cũng cho qua à? Cái thằng này học chuyện ma mãnh ở đâu ra không biết, nhà này có ai dạy con thế đâu? Nếu đàng hoàng sao phải rào trước đón sau như thế, biết chuyện không hay mới sợ nói ra bị mắng chứ!
Mặt thằng bé xịu ra nó nằm xuống phụng phịu:
_Thôi thế thì con không nói nữa đâu! Không thôi nội lại nói con không đàng hoàng. Làm sao con dám lừa dối nội kia chứ?
_Lại dỗi rồi đấy phỏng? Được rồi hỏi đi nội biết thì trả lời ngay!
Nó lập tức nhổm dậy trở lại, nhìn quanh quất rồi thì thào:
_Có phải nội đẻ ra bố con, còn ngoại đẻ ra mẹ con không?
_Ừ đúng rồi!
_Nội ơi thế mẹ con không phải con gái nội vậy là gì của nội?
_Là con dâu
_Còn nội là mẹ chồng à?
Bà Chánh gật gật
Thằng bé hỏi tới:
_Còn mụ gia là ai?
_Mụ gia cũng là mẹ chồng.
_Mụ gia là mẹ chồng, là “mẹ anh” phải không?
Bà Chánh trố mắt:
_Ơ hay “mẹ anh, mẹ anh” cái gì? Mẹ chồng hay là mụ gia hiểu chưa?
_Ủa sao chú Dân giải thích  “mẹ anh” là “mụ gia”?
Bà Chánh hơi khựng lại rồi nói:
_Đúng ra người ta nói mẹ chồng hay mụ gia, chỉ khi nào người vợ nói chuyện với chồng ám chỉ về mẹ đẻ ra anh ta  mới nói là “mẹ anh” Vậy thôi!
Thằng bé kêu lên:
_Ối! thế thì chú Dân giải thích đúng rồi!
Bà Chánh bực mình gặng hỏi:
_Thế chú Dân giải thích gì?
Thằng Tí ngần ngừ ấp úng. Bà dỗ dành:
Nói đi, không sao đâu bà không mắng đâu mà sợ. Biết đâu nghe xong bà lại thấy vui thì sao?
Thằng bé lộ vẻ e dè nhưng rồi nó cũng kể lể:
_Nội sẽ không thấy vui đâu! Hôm qua con đi học bên nhà cụ Lương,con gặp chú Dân ở đó, chú nghêu ngao mấy câu con nghe bực lắm nhưng không dám hỏi ai, hôm nay con đọc nội nghe nhé!
Nghe cháu nhắc đến chú Dân bà tò mò muốn biết thằng ranh đó nói gì nên vỗ nhẹ lưng cháu:
_Ờ đọc bà xem nào!
Thằng nhỏ bắt đầu đọc môt lèo:
_ “ Mẹ anh như con quỷ già
Ngồi trong lỗ nẻ thò ra đớp ruồi
Mẹ anh độc lắm anh ơi!
Trở về đập chết làm mồi câu cua”
Nghe tới đây bà Chánh rít lên:
_Đúng là cái thằng Dân nhà này …
Nhưng bà đã kịp kìm lại không nói tiếp. Bà chửi thầm trong đầu “Đúng là đồ mất dạy!” Rồi bà trừng mắt nhìn cháu nghiêm giọng trách:
_Nội thấy con học những gì nhăng nhít bên ngoài thì nhanh lắm! Đọc làu làu ba cái điều xằng bậy lại còn hỏi han cặn kẽ nữa chứ, còn những điều trong sách thánh hiền sao học hoài huỷ không xong cứ vấp lên vấp xuống thế?
Thằng bé phân bua:
_Vậy mà chú Dân cứ đọc hoài câu đó khi tán chuyện bên nhà cô Khuyên đó nội! Con thấy câu này sai bét. Như bà nội đây cũng là mẹ chồng, nội thương mẹ con mà mẹ con cũng thương nội lắm phải không nội?
Đang tức tràn họng nghe được những lời tỉ tê đến là mát ruột của thằng bé, cái cục tức đang ứ lên tới cổ bỗng tụt xuống bà thở hắt ra nhìn cháu trìu mến nhẹ nhàng dặn dò:
_Con đừng nghe những gì người ta nói với nhau bên ngoài, hãy học những điều sách dạy hiểu chưa con?
_Vâng ạ!
Thôi con ngủ đi để nội quạt cho mát. Thằng bé ngoan ngoãn nằm nép vào lòng bà lim dim. Vừa quạt cho cháu ngủ bà vừa suy nghĩ mông lung. Những lời kể vô tư đầy ngây thơ của cu Tí  lại khiến bà nghi ngờ chuyện không hay của đứa con dâu thứ hai đã bị lộ. Thiên hạ có thể không biết nhiều nhưng làm sao ngăn người ta không bàn tán điều tiếng gì về gia đình bà trong lúc này?. Sống trên đời thật khó! Làm sao để những người xa lạ có thể sống hoà thuận với nhau dưới một mái nhà?. Điều này không dễ. Bà là người đã hai thứ tóc trên đầu, có lạ gì nhân tình thế thái? Dễ gì người dưng khác họ bỗng đâu thương mình? Bởi vậy mới có câu:
“Thương chồng mới khóc mụ gia
Còn như tôi với mụ thì có bà con chi?
Hoặc tệ  hơn nữa là cái câu thằng bé vừa đọc. Giời ạ! Sao lại có người dám nghĩ xấu xa khiếp thế không biết! Như vậy mà cũng nói ra được! Còn cái thằng Dân nó qua Vân Nam giao du thế nào mà tư cách càng ngaỳ càng tệ,  cứ thế này chắc mình phải mách bố nó rồi kiếm nơi kiếm chốn cho nó chứ cứ để nó rày đây mai đó, có mà hối không kịp! Có thể cái câu tệ mạt ấy cũng chứa đựng chút sự thật. Cứ phải nghĩ đến tình huống  xấu nhất như thế cũng là cách luyện tập để giữ thăng bằng không bao giờ bị bất ngờ để rồi giận quá mất khôn. Chả vậy khắp vùng này bà nổi tiếng là người vượng phu ích tử, chỉ còn lại một mình với người con dâu, một lão bộc trong nhà vậy mà trông nom gia trang của dòng họ rất hữu hiệu. Chú Sinh cứ ba tháng đi ba tháng về nên cũng không giúp được gì nhiều cho gia đình bà. Từ hôm cưới con Sa về đã có lúc bà tưởng mọi công lao giữ gìn thanh danh sự nghiệp nhà chồng đổ xuống sông xuống  biển. May mà bà cứng cựa bình tĩnh hết mức. Mẹ thằng Tí thuỳ mị chịu thương chịu khó phụ một tay với bà mới trị được thứ mất nết đó! Mọi điều dần êm xuôi trở lại. Cả đời bà sống trong mẫu mực tam tòng,  tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu bây giờ phu tử thì tòng tử điều đó không có nghĩa để cho bị điều khiển rồi phải phục tòng. Bà chẳng đã từng khiến cho chồng phải bỏ ngay ý định muốn cưới thiếp về đó sao? Chuyện của lão gia bà còn không ngại nói gì tới vợ thằng Tùng? Nghĩ tới đây nét mặt bà đanh lại với tay lấy miếng trầu để sẵn trên cái đĩa gần đó cắn một miếng rất ngọt nhai nhóp nhép. Bà sẽ cho Vân Sa một thời gian sau đó sẽ có cách giải quyết. Như vậy là nhân từ lắm rồi! Có ai dám chấp nhận một đứa con dâu dám bỏ nhà ra đi như bà không? Đâu có dễ! Bà chưa hề có một cử chỉ phản hồi làm nhục đằng gái, cũng chưa hề đánh Vân Sa. Có mẹ chồng nào như bà không? Không phải không dám trị nó cho tới nơi tới chốn nhưng quyết không để cho mọi người có dịp  lời ra tiếng vào về gia đình bà đã đi cưới một đứa con dâu hoàn toàn xa lạ. lại có người yêu  rồi, chắc thân thiết lắm, không chừng đã mất trinh nên con này mới bạo gan bạo phổi bỏ trốn còn thằng kia mới tuyệt vọng đến tự vẫn chứ mới hơi hơi thì sao đến nông nỗi đó! Bực quá đi! Thật không hiểu nổi cái ông chồng mình mắt mũi sao lại đòi rước nó về không biết? Thật vô phước! Nó không yêu chồng thì sao yêu mình được. Bà cười nhạt  cúi xuống hôn má cháu giờ đã ngủ say rồi nói một mình “Khéo chừng trong đầu nó chẳng rủa thầm mình như cái câu thằng bé này vừa đọc”. Giam lỏng nó ở phiá sau là tốt nhất. Sự việc ra sao thời gian ắt biết. Nếu nó đúng là cục nợ thì đây là phương cách nhẹ nhàng nhất để loại bỏ. Bây giờ chờ Tùng về chặn con lại nói hết mọi điều trước khi nó bước vào phòng riêng. Theo như lời nhắn của con trai có lẽ nó sẽ về khoảng chiều nay hay trễ lắm là tối hay khuya thôi! Con vì chữ HIẾU vâng lời cha lấy vợ, nể cha mẹ thôi! Có tình yêu gì đâu mà ngại ngần. Nó sẽ trị vợ nó thẳng tay chắc bà cũng chẳng cần xía vào!Từ sáng tới giờ cứ phải lởn vởn ở phòng thờ nhìn thẳng ra ngõ, nếu con về vào nhà xong là khoá cổng ngay không cho ai vào kể cả thằng Dân. Nó lắm chuyện quá!