-- I --


-- VIII --

     hế là số phận của Đông cung Thái tử Lê Duy Vỹ đã được quyết định: Chàng sẽ bị xử tử vì một việc dâm loạn mà chàng không phạm.
Thực là cái oan uổng tày trời. Và một người anh tuấn thanh niên như chàng, tương lai đương hứa hẹn rõ ràng một cách hoa gấm, bỗng nhiên bị hãm hại, nỗi phẫn uất có thể khiến óc chàng nổi loạn lên được.
Ngặt vì vây cánh không, thế lực không, bởi tiền của không có gì, Thái tử đành khoanh tay chịu chết, chết vì sự độc ác, sự nham hiểm, sự bạc bẽo của đồng loại.
Chàng đành phận lắm rồi, đến nỗi bao nhiêu năng lực xúc cảm ở chàng không hoạt động nữa có lẽ đã bị dùng nhiều quá. Chàng trơ ra, không đau đớn, không ưu phiền, không oán trách gì nữa. Tâm trí nhờ vậy trở nên sáng suốt một cách lạ.
Chàng thấy rõ cái cảnh âm thầm cực khổ của phụ hoàng, cái cảnh nửa đời hiu quạnh của Lê Hoàng Phi và cái cảnh côi cút của ba thằng con dại, vừa mới ra đời đã gặp ngay cơn gia biến, mà ngây thơ chẳng hiểu gì.
“Còn cha, gót đỏ như son!” Một khi mồ côi cha, một khi sống với một người ông nội không quyền hành, giữa một bầy lang sói, ba con chàng liệu có được vẹn toàn tính mệnh không?
Ý nghĩ này còn có thể khiến lòng Thái tử nao nao lên được, nhưng rút lại, chàng đành thở dài tự nhủ:
“Trăm sự nhờ Trời cả!”.
Vẩn vơ thế nào rồi chàng lại nghĩ đến Tiên Dung quận chúa. Chàng nhớ lại dung nghi của bậc giai nhân khuynh quốc, cũng chỉ vì dây dưa với chàng mà đầu xanh mang lụy, nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.
Chàng hồi tưởng hôm Quận chúa qua đời, những câu dặn dò tỏ ra Quận chúa quên hẳn mình mà chỉ nghĩ đến chàng. Trời, thực là một tâm hồn đầy nhân ái, đầy vị tha, một mối tình thủy chung và đằm thắm biết chừng nào!...
Nhờ có Quận chúa, Thái tử không oán hận chi người đời nữa, mặc dù chàng đã bị người đời làm cho oan khổ đến cực điểm.
Nhờ Quận chúa, Thái tử đã tha thứ cho kẻ thù của chàng, bởi chàng vẫn còn có chỗ để tin rằng người đời chưa hẳn là lang sói cả. Lạc trong bọn loạn thần tặc tử vẫn có những trai trung gái liệt, nghĩa là những mối tình sâu xa, nó làm vẻ vang cho nhân loại và làm cho cuộc sống, dù sao, vẫn đáng để chàng yêu tha thiết.
Chàng yêu tha thiết cuộc sống mà người ta nhất định cắt đứt không cho chàng được hưởng. Ngay cả điều này nữa, chàng cũng không lấy làm oán hận. Là vì, chết đi, chàng hy vọng sẽ được gặp Quận chúa Tiên Dung ở bên kia cõi thế.
“Ừ, lúc sống đã chẳng được cùng nhau vui vầy cá nước, khi chết đi, hai linh hồn sẽ cùng nhau phiêu diêu ở miền cực lạc chẳng cũng là hay lắm ru!”...
Từ lúc ấy, hai mắt chàng luôn luôn nhìn ra phía cửa ngục có hai cánh bằng gỗ lim dày và nặng. Tất cả sự hoạt động tinh thần của chàng dồn vào một sự chờ đợi: Chờ đợi cái phút thoát ly.
Chàng vốn là một người quang minh chính đại, tâm hồn chàng lúc nào cũng như một gian phòng nhiều cửa sổ mở tung ra bốn phương trời. Vì vậy, sự tối tăm của nhà ngục làm cho chàng bứt rứt khó thở.
“Nào, chúng nó làm chi thì làm mau lên!”.
Thái tử chẳng phải chờ lâu, vì bản án của “Tam Pháp ty” đệ lên đã được Tĩnh Đô vương chuẩn y tức khắc.
Một buổi sáng kia, trời trong trẻo rực rỡ, khác hẳn mọi hôm khác. Người ta thình lình thấy nắng ấm, có cảm tưởng như mùa xuân hay mùa hạ lạc loài tới giữa những ngày giá rét để đem lại cho người và sự vật một chút tưng bừng vui vẻ đã mất từ lâu.
Kinh thành Thăng Long quả nhiên như một thiếu phụ đương khăn tang áo xô bỗng đổi bộ y phục của thiếu nữ lúc đi về nhà chồng. Quanh hồ Gươm, trên làn cỏ xanh viền bốn mép, dân kẻ chợ đua nhau ra hưởng lấy cái nắng ráo mà Tạo vật bỗng ban cho.
Sau quán “Vọng Tiên”, cũng như ở các đầu phố Hàng Khay và Hàng Bạc, từ lũ trẻ con tụ họp nhau, trần truồng và ầm ĩ để “nhảy vô” đánh đáo, “thả đỉa ba ba” hoặc rồng rắn... Cạnh cầu “Thê Húc”, bọn dân nghèo công nhiên giặt giũ áo xống, phơi phóng, vá víu lại những chỗ rách và bắt rận. Thỉnh thoảng, một người ngẩng trông khu đền “Ngọc Sơn”, với cái cảm tưởng như cả khu đền bỗng nổi lềnh bềnh trên muôn lớp sóng.
Những người mua, kẻ bán lũ lượt kéo nhau vào chợ “Đồng Xuân” và chùa “Báo Thiên” đến mãi quá giờ Ngọ vẫn chưa vãn. Những đống bùn lớn ở mặt đường dần dần se lại, rồi khô hẳn, và sau cùng theo gió bay lên thành từng đám bụi mù mịt. Thỉnh thoảng, công chúng lại phải giãn ra, nhường lối cho những cỗ kiệu sơn son của các quan Tham, Chưởng hoặc những cái võng màu đỏ và màu cánh gián của các vị phu nhân,các tiểu thư khuê các. Vì gần gũi hàng ngày với vua chúa, quan liêu, dân kẻ chợ vẫn tự hào với dân tứ trấn là có thể cứ trông màu sơn trên kiệu, sắc gấm ở các võng giá mà đoán được phẩm trật của mỗi vị quan liêu.
Trong khi cả đô thành, quân nghèo cũng đang tưng bừng, náo nhiệt trong ánh nắng như vậy, một đám đông quan quân kéo ra bãi Thảo Tân, theo sau một cái thanh la kêu phèng phèng thảm đạm.
Người ta tò mò đứng lại xem thì thấy Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, mình mặc áo vóc đỏ thêu rồng, cưỡi ngựa đỏ, đeo trường kiếm đi trước nhất. Thứ đến bốn tên đao phủ điệu hai tội nhân, tay trói giật cánh khuỷu, đầu trọc, đi chân đất. Một đoàn giáp binh độ năm mươi tên dàn kèm hai bên tả hữu và đoạn hậu.
Có kẻ thành thạo nói:
- A, quan quân đem chém bọn tù phạm!
Một kẻ thóc mách hỏi:
- Tù phạm nào thế nhỉ?
- Ồ, đám phá ngục để cứu Đức ông Hoàng trừ đấy mà!
- Còn đứa cung nhân đâu?
- Chắc đương bị ngựa xé xác ở cửa Nam...
- Ăn vụng mãi vào!
- Có chắc sự thật như vậy không? Hay lại câu chuyện vua Lê Duy Phương!
Dân chúng cứ việc thì thào bàn tán, trong khi bọn quan quân cứ việc dẫn bọn tử tù ra pháp trường.
Đến bãi cỏ đã định, bốn tội nhân bị trói ngay vào bốn cái cọc tre có đánh dấu vôi.
Một hồi thanh la rền rĩ...
Bốn tên lính trao mã tấu cho đao phủ.
“Phèng... Phèng... Phèng...”
Đao phủ bước sấn đến sau lưng tội nhân.
“Phèng... Phèng...”
Hai làn chớp lòe ra dưới ánh mặt trời chói lọi. Hai cái thủ cấp văng xuống cỏ, trong khi hai cái thây cụt đầu cứ run bây bẩy như gà cắt tiết...
Vũ Bá Cảnh, Nguyễn Lệ đã chết dưới lưỡi đao chuyên chế...
Cùng lúc trên bãi Thảo Tân diễn ra tấn thảm kịch, đầu rơi máu chảy, trong ngục đề lĩnh, người ta cũng đương sửa soạn một công việc não nùng chẳng kém: việc hành hình Thái tử Lê Duy Vỹ.
Trước cửa ngục, một án son trên để một đạo sắc chỉ do cả vua và chúa cùng chuẩn, một con dao nhọn, một tấm lụa đào và một chén tống thuốc độc màu nâu sẫm như màu nhựa a phiến.
Một chiếc lọng vàng che trên án thư.
Cạnh đấy là một cái ghế bành, chỗ ngồi của giám sát quan Thái giám Phạm Huy Định.
Hai hàng giáp binh nón sơn áo nâu cắp gươm trần đứng ra hai bên tả hữu trang nghiêm, tĩnh túc.
Bốn đao phủ, mặt lạnh như tiền, sẵn sàng chờ làm cái việc ghê gớm của chúng.
Cuối giờ Tị bắt đầu sang giờ Ngọ, mọi công việc sắp đặt đã xong. Thái giám Phạm Huy Định truyền ngục quan điệu tội nhân đến.
Đôi cánh lim nhà ngục từ từ mở. Một mùi hôi hám ẩm mốc phào ra làm cho ai nấy khó chịu. Những tiếng xiềng sắt loảng xoảng báo hiệu người ta đương tháo cùm cho Thái tử Duy Vỹ.
Chàng điềm nhiên bước ra trước án, với một gương mặt gầy và xanh. Chàng dừng lại bên ngoài ngưỡng cửa, chớp nhanh hai mí mắt cho quen dần với ánh sáng.
Giám sát quan truyền lệnh:
- Lê Duy Vỹ hãy quỳ xuống nghe truyền đọc Thánh chỉ!
Thái tử cười nhạt:
- Thánh chỉ nào? Có đời nào ta vô tội nhà vua lại giết! Có đời nào Hoàng đế lại giáng chỉ xử tử Đông cung vô tội! Đấy chẳng qua lại là một trò hề của loạn thần tặc tử bày ra để che lấp mắt tai thiên hạ đó mà thôi! Ta phiền ngươi bảo với thằng Trịnh Sâm hộ ta câu này: Khi sống ta không giết được nó, khi chết ta sẽ hiện hồn về hãm hại nó, nghe chưa? Nó cam tâm hãm hại ta, con cháu nó sẽ bị tuyệt diệt và sẽ phải oan thác như ta lúc này.
Phạm Huy Định gật gù:
- Vâng, miễn là ngài cứ dùng hộ một trong ba cái món quốc điển này là đủ. Rồi sau, nếu ngài hiển linh được, chúng tôi xin nghênh tiếp ngài một cách xứng đáng!
Thái tử Duy Vỹ ngoảnh trông đao phủ và bọn giáo binh một lượt và nói:
- Anh em binh sĩ! Các người đều là hạng người khảng khái cả, ném bút nghiên theo việc đao cung chắc bản tâm cũng muốn đem thân báo đền nợ nước ơn vua. Nhưng gian tặc nó đã dùng anh em vào việc gì? Vào toàn những việc bất nhân tàn ác cả! Khiến cho bộ nhung y của anh em phải vấy bao nhiêu giọt máu trung trinh, vô tội. Thắng ra, thầy trò chúng nó hưởng phú quý cùng nhau; bại ra, chỉ một mình anh em phơi xương dội máu khắp mặt sa trường. Ta nay hàm oan mà chết, xin chúc cho anh em được sống lâu, ngẫm nghĩ kỹ về những câu ta nói, mau mau hô hào liên kết, trên giúp Bệ hạ trừ gian thần, dưới bảo hộ bách tính, hòng lưu cái danh thơm lại đời sau, nghe chưa!
Mấy lời của Thái tử làm xúc động ba quân một cách mãnh liệt. Đến nỗi trong bọn có kẻ không cầm được nước mắt.
Ngài quay lại Phạm Huy Định:
- Trịnh Sâm nó thù ta, giết ta đã đành. Còn cung nữ Lê Thị vô tội, Nguyễn Lệ, Vũ Bá Cảnh là bề tôi trung lương, sao nó cũng giết hại người ta? Nay, ta chết, nó chắc sẽ thỏa lòng, vậy ta muốn xin cho mấy người kia, liệu có được chăng?
- Tên cung nữ giờ này đương bị xé ở Cửa Nam, còn hai đứa tôi trung của ngài chắc đã rụng đầu trên bãi Thảo Tân rồi!
Thái tử thở dài:
- Ngồi trên xương máu mà chúa tôi nhà ngươi ăn ngon ngủ yên được, ta đây xin bái phục!
- Nào, thôi xin ngài phiên phiến lên cho! Ngài ưa dùng món nào?
- Dải lụa, để cho đàn bà, thuốc độc nhường kẻ nhát gan. Mày hãy đưa con bảo đao đây cho ta!
Thái tử nhận lấy con dao sáng loáng. Ngài quỳ xuống, mặt hướng về Đế khuyết:
- Con xin bái biệt phụ hoàng và xin chúc phụ hoàng muôn tuổi! Hỡi Lê hoàng phi, ta đành phụ bạc cùng nàng từ đây! Tiên Dung quận chúa ơi, hãy đón chờ Duy Vỹ!
Dứt lời, Thái tử cởi phanh vạt áo trước, để phơi ra một tấm ngực trắng như ngà. Ngài ngẩng nhìn bộ mặt tái mét của Huy Định và khẽ mỉm cười, đoạn ung dung ấn mạnh lưỡi dao rạch thẳng một vạch từ mỏ ác xuống đến rốn...
Thái tử bỏ dao và, trong khi máu tươi phun ra đỏ lòm cả mặt chiếu cạp, ngài kéo dài ruột ra ngoài và nói tiếp:
- Tấc lòng ngay thẳng của ta, xin Trời Đất Quỷ Thần soi xét!
Chớp mắt, vì máu ra nhiều quá, Thái tử lảo đảo muốn ngã. Ngài liền ra hiệu cho một tên đao phủ:
- Dũng sĩ, phiền ngươi giúp ta một tay!...
Tên đao phủ gạt nước mắt tiến lên, vái Đông cung một vái, đoạn vung mạnh thanh mã tấu sắc như nước...