Phần Kết

     ượng biết rằng Thịnh thế nào cũng viết thư cho Nhàn. Mà nhận được thư, thế nào Nhàn cũng lên.
Quả đúng như chàng đoán, năm hôm sau Nhàn lên thật. Bây giờ, Nhàn cũng đã tậu được xe hơi. Thấy Vượng, Nhàn hỏi ngay:
- Chị ấy là cô đầu thật đấy à?
Vượng gật đầu.
- Đối với em, anh muốn lấy ai thì lấy, nhưng đối với nhà chồng em thì...
Vượng cười:
- Can hệ gì đến? Anh tưởng chú ấy đã hiểu anh lắm!
Vượng vốn cưng em gái, không muốn nói với em gái những lời quyết liệt, nên cứ khôi hài:
- Cái chuyện con khỉ như thế, hà tất cô để tâm. Có chú Thịnh bây giờ chú ấy ăn phải đũa ông Nghị kiểu cách thì chú ấy lo tiếng tăm, chứ cô cũng lo như thế ư? Để rồi chú ấy lên đây, anh sẽ nói với chú ấy. Người ta ở đời, những sự lấy vợ như thế là thường, có nghĩa gì. Thế nào, chú ấy đã biết chuyện chưa?
- Em chưa dám nói với nhà em.
- Ồ cái việc cỏn con ấy, có nghĩa quái gì. Có phải chú Thịnh, chú ấy viết thư cho cô để cô lên khuyên anh bỏ người ta đi phải không? Anh bỏ làm sao được người ta đã có con với anh rồi. Thôi, thế cô và chú Thịnh đừng nhận chị dâu. Mà người ta cũng không dám làm chị dâu một bà Huyện và một quan Huyện đâu.
Vượng nói xong cười ngất. Nhàn cũng cười, Vượng lại nói:
- Người ta cũng biết thân chỉ đáng là một cô ký khổ mả thôi. Đấy cô xem, cô đến mà có dám thò ra đâu? Thôi, cô bằng lòng vậy. Anh cũng biết lòng cô chú mong cho anh thế kia thế khác, nhưng cái số anh nó xoàng thì dù cô chú mong mấy cũng chẳng được.
- Thế nhưng tại làm sao anh lại lấy? Anh...
- Ồ thì cô tính, cô chú đã rõ khi anh buồn, anh đi chơi nhăng. Ai ngờ có con. Thôi đành. Có lẽ số trời định như thế.
- Chúng em thì chả sao, nhưng chỉ sợ trong khi giao thiệp chung đụng với người ngoài, người ta coi thường, coi khinh, thế thôi.
- Cô cứ nói thế, một bà Huyện, ai dám coi thường.
- Nhưng anh cơ chứ?
- Anh chả cần. Anh có địa vị gì mà bảo cần tiếng với tăm. À thế nào, cháu Nga có chơi không?
- Có. Cháu độ này ngoan lắm.
Nhàn muốn nói nhiều, nhưng Vượng cứ khôi hài và đánh trống lảng, thành ra Nhàn không nói gì được. Nhàn hậm hực ra về.
Vượng tiễn em gái ra tận xe:
- Thôi, cô đừng có nghĩ lôi thôi, người ta ở đời mỗi người một phận số. Anh biết cô muốn cho anh khá, nhưng trời không cho anh khá thì cô cũng đến chịu.
Nói xong, Vượng lại cười tít.

 

Cái ngày mà Vượng lo sợ nhất đã đến: ngày giỗ mẹ. Chàng lo nhiều nỗi, chàng lo các em chàng về, rồi có những sự phiền lụy giữa Huệ và các em chàng. Huệ thì chàng biết, không dám nói gì rồi, nhưng các em chàng, thứ nhất là vợ Thịnh. Chàng lại lo ông bà Nghị có thể lên, và ông bà Ký có thể ở quê ra. Chàng lo chú bác chàng sẽ hạch sách chàng. Đó là những điều lo về tinh thần. Còn vật chất? Thì bây giờ chàng nghèo lắm, mà cái giỗ này xoàng lắm thì cũng mất hai chục. Chàng đã dành dụm từ tháng trước, nhưng cũng chỉ mới được có hơn một chục. Chàng phải giật của hai người anh em mới được đủ số tiền.
Sau khi Huệ đã đi mua bán mọi thứ xong rồi, chàng liền bảo:
- Không phải anh thấy các em sang trọng mà anh sợ đâu, nhưng thật là lòng anh không muốn làm phiền lòng chúng nó, vậy em nên thể tình cho anh. Cô Huyện và thím Huyện thì thế nào trưa mai cũng về, vậy sáng mai em nên đến nhà chị em nào ở cho hết ngày kia hãy về.
Huệ buồn rầu nhưng bằng lòng ngay:
- Miễn sao cho anh vui lòng thì thế nào em cũng chịu được. Nhưng em đi rồi thì mai ai làm.
- Được, em đừng lo. Cô và thím ấy về thì rồi có khối người làm.
- Nhưng em không quen ai, biết ở đâu được? Hay anh cho em về quê em vài hôm.
- Về quê thì phải có tiền. Tiền đâu. Đây anh chỉ còn có hai đồng, lỡ còn phải tiêu những cái vặt.
- Thôi thế anh cho em một đồng. Đây về Thanh Oai, một đồng đủ chán.
Sáng hôm sau, Huệ ứa nước mắt mà đi. Vượng cũng ứa nước mắt tiễn nàng.
Vừa may, Huệ đi, lúc tám giờ thì vợ Thịnh và Nhàn về. Hai người chỉ cách nhau chừng nửa giờ. Cả hai không thấy Huệ ở đấy, đều mừng rỡ hiện ra nét mặt. Mỗi người đều đem theo đầy tớ.
Vượng thấy các em cười ngay:
- Gớm anh lo quá. Anh sợ các em mai mới lên thì không ai làm?
Nhàn hỏi ngay:
- Thế... gì đâu?
- Ồ, đi rồi.
- Nếu thế thì may quá. Thầy em đang ở chơi dưới em, trưa mai cũng lên với nhà em.
Vợ Thịnh nói ngay:
- Tôi thì tôi không biết làm, nhưng thằng bếp tôi đem theo thì khéo hết chỗ nói, bác cứ yên tâm.
Vượng nhìn Nhàn:
- Tôi chỉ lo nhà chật quá. Chú Lý vừa viết giấy cho tôi, trưa nay thì thế nào chú cũng đến đấy.
Nhàn thừa một lúc vợ Thịnh không có đấy, liền sẽ hỏi anh:
- Đâu rồi, anh đuổi đi thật rồi à? Như thế là phải lắm.
Vượng cau mày, không bằng lòng:
- Anh đã bảo với cô, người ta có con với anh, anh không thể đuổi người ta đi được. Đuổi người ta đi tức là đuổi con anh đi. Mà anh thì không phải sở khanh. Có cái anh nể các cô chú, nên anh bảo tránh mặt đi. Từ giờ cô đừng hỏi anh về việc ấy nữa. Cô và chú Thịnh chỉ biết độc có một sự ích kỷ mà thôi.
Xưa này, Vượng không nói với em bằng một giọng gay gắt như thế bao giờ, nay vì chàng đau đớn quá, không nén nổi lòng, mới bật ra những lời phẫn uất như thế. Nhưng vừa nói xong thì chàng đã lại hối, chàng cố cười và nói bông:
- Ví dụ nếu chú ấy phụ cô thì cô có thích không mà cô lại xúi anh phụ người ta.
Nhàn bỗng đỏ ửng mặt:
- Anh lại đem em ví với người ta thế nào được?
Vượng biết em giận vội vàng xin lỗi:
- Thì người ta cũng là người, nhưng...
- Nhưng năm bảy hạng người.
Vượng gật đầu:
- Phải rồi, phải rồi. Nói đùa cô thế thôi.

 

Ông Lý Quyết đến với đôi gà trống thiếng. Thấy các cháu sang cả, ông mừng rỡ:
- Thế này thì mẹ các cháu cùng được vui vẻ ở dưới âm. Lúc thầy các cháu mất đi, chú chỉ lo xảy đàn tan nghé. Anh cả, bây giờ còn anh lấy vợ đi nữa thế là trong nhà đẹp đẽ cả.
Vượng lặng thinh không nói.
Trưa hôm sau, bà Xuân Thái cũng đến. Cũng như ông Lý Quyết, cũng như mọi người, bà khuyên Vượng lấy vợ. Vượng chỉ ừ hữ cho qua. Trông thấy bà Xuân Thái, bao nhiêu kỷ niệm của thuở xưa như sống cả lại ở trong đầu Vượng. Vượng thấy một nỗi chua cay đến với lòng mình. Vượng nhìn mọi người thì thấy mọi người đều vui vẻ, không có một mảy may những khổ cực của lòng mình. Sự nhận xét ấy làm cho Vượng càng ngao ngán, tai chàng như ù, nên chàng không nghe tiếng bà Xuân Thái hỏi mình:
- Thế nào, anh cả, bây giờ anh đã lo liệu cho các cô chú ấy thành đạt cả rồi, anh cũng phải nghĩ đến anh thôi chứ?
Thấy Vượng ngơ ngác không trả lời, Thịnh vội đỡ lời hộ:
- Vâng, anh con cũng chỉ nay mai thôi.
- Hễ hôm nào cưới, phải cho tôi biết để tôi xuống uống rượu mừng đây.
Cho biết? Vượng không thể cho bà Xuân Thái biết. Biết ra chắc bà cũng không thèm xuống uống rượu.
Ở ai, Vượng cũng nhận thấy một thỏa mãn vì địa vị của mình, người ta có săn sóc đến Vượng, chẳng qua là chiếu lệ. Chàng hy vọng ở ông Lý Quyết một hiểu biết hơn thì ông Lý Quyết càng làm cho chàng thất vọng và đau đớn thêm.
Sau khi khách khứa về rồi, chàng đem chuyện mình nói với ông Lý Quyết để mong ông định đoạt thì ông liền chua chát:
- Ồ, tôi không ngờ anh lại lẩn quẩn đến thế? Thảo nào, trong các anh em, duy có mình anh lẹt đẹt, chẳng làm nên được cái gì to tát cả. Xưa kia, bao nhiêu người thế nọ thế kia cầu anh, anh không lấy, bây giờ anh định rước một con đĩ về nhà. Thầy mẹ anh giá còn sống thì chắc là phải khổ sở lắm. Sao anh lại có thể thế được? Nếu anh nhất quyết như thế thì từ giờ tôi không bao giờ bước chân ra đây nữa.
Vượng phần vì sợ chú, phần bị ức quá, nên không cãi nữa, mà từ đây chàng cũng không nói gì nữa.
Thịnh thấy thế liền thưa:
- Con cũng đã bảo anh con, nhưng anh con không nghe.
- Nếu thế thì là anh bêu giếu cả gia đình. Tôi không dè anh lại giở chứng đốn đến như thế.
Bị ông Lý Quyết mắng một cách tàn nhẫn và vô lý trước mặt các em, Vượng không cãi, nhưng chàng cảm thấy thấm thía rằng, cái dây liên lạc giữa chàng và các em chàng sẽ rời rụng. Mọi người không ai hiểu chàng cả, họ hiểu độc có cái bề ngoài của cuộc đời.
Nhàn và Thịnh không ai bênh chàng lấy một tiếng. Chẳng những thế, họ còn lấy làm sung sướng nữa. Vợ Thịnh thì cầm cái giũa móng tay chăm chú giũa, như không thèm để ý nghe những câu chuyện ấy.
Tâm thấy thế bèn nói:
- Chú dạy thế con cho là rất phải, nhưng nó chỉ mới phải theo những ước thúc của xã hội thôi. Biết đâu anh cả con không có những lý do khác của lòng?
Vượng nhìn Tâm bằng một cái nhìn cảm ơn, nhưng chàng cũng không chịu phân trần nữa. Phân trần để làm gì, một khi đã sống với nhau ngần ấy ngày mà không hiểu nhau.
Lúc ấy, Vượng thấy thương Huệ một cách sôi nổi. Duy có Huệ là hiểu chàng, thương chàng thôi.
Ông Lý Quyết nghe Tâm nói thế liền nói to:
- Anh Huyện nói như thế là sai. Tôi không biết bây giờ các anh nghĩ thế nào, tôi chỉ biết không gia đình đứng đắn nào có thể chứa chấp được gái giang hồ, thứ nhất anh Vượng lại là con trưởng. Người vợ phải chọn ở những nơi tử tế, chứ một khi đã cắn bậy như thế thì sau này còn hòng gì. À, ra bây giờ tôi mới hiểu. Anh viết giấy về lấy tiền của tôi ra để nuôi đĩ.
Thịnh nghe chú nói thế liền bảo anh:
- Tại sao anh không hỏi em?
Vượng nhếch mép không trả lời. Không muốn phân trần với mọi người, chàng chỉ lặng thinh.
Ông Lý Quyết không thấy chàng nói gì, lại gặn hỏi:
- Tôi cứ theo lẽ phải mà nói như thế, bây giờ anh định thế nào? Anh còn muốn cho tôi ra đây nữa hay thôi? Tôi thì tôi nói trước cho anh biết tôi không thể có người cháu dâu làm đĩ được đâu. Vả lại, anh cũng phải nên nghĩ đến cái địa vị hiện tại của các em anh chứ.
Nhàn và Thịnh đồng thanh:
- Vâng, chúng cháu cũng đã nói mãi với anh chúng cháu như thế.
- Anh phải sợ người ta chê cười các em anh chứ.
Lúc này, Vượng bực lắm rồi, không tài nào nén được nữa, nhưng chàng vẫn cung kính:
- Cháu biết những lời chú vừa nói đều do cái chủ tâm muốn cho cháu hay. Ngày nay, thầy cháu mất đi, thì chú thay thầy cháu dạy bảo các cháu. Nhưng cháu thiển nghĩ thói thường thiên hạ chẳng qua thấy đỏ lửa thì sà vào, mà áo xám thì lảng ra. Vì thế cho nên cái dư luận của họ, cháu cũng không quan tâm cho lắm. Từ trước đến nay, bao giờ cháu cũng chỉ theo lương tâm, không bao giờ suy tính đến sự lợi hại cho riêng mình. Thì bây giờ cũng vẫn cứ theo lương tâm cháu mà cháu làm. Cháu chỉ lo lương tâm cháu trách móc, chứ cháu không tính đến chỗ tiếng tăm với thiên hạ. Người ta đã có con với cháu thì cháu lấy. Được tiếng với thiên hạ mà để cho mình phải khinh mình thì cháu chịu.
- Thế nghĩa là nhất định anh không nghe lời tôi?
- Thế chú bảo cháu bỏ con cháu ư?
- Ai bảo anh bỏ? Anh có thể cho người ta một món tiền, rồi bắt lấy con. Con thì đằng nào chẳng là con anh.
Vượng lặng thinh không nói. Ông Lý Quyết thấy mặt Vượng đầy tức bực, liền đấu dịu:
- Không, chú nói thế, anh nghe chú hay không thì tùy. Anh bây giờ lớn rồi, chú không có quyền đối với anh nữa.
- Sao chú lại nói thế, bao giờ chú cũng có quyền. Chú xem trong mười mấy năm nay, từ ngày thầy cháu mất đi, cháu có làm điều gì cho chú phải trách mắng đâu. Sở dĩ ngày hôm nay, cháu phải để cho chú trách mắng, cháu cũng lấy làm khổ tâm lắm, nhưng tình thế gặp phải cái bước khó xử, cháu nghĩ chỉ có một cách là nghe theo lòng mình.
- Lòng những người mê gái có thể lầm lắm.
Vượng bỗng hoa cả mắt. Chàng thấy muốn khóc, nhưng nước mắt không trào ra mà lại chạy trở vào trong. Chàng nghẹn ngào bảo:
- Cháu thì không bao giờ dám cãi chú, nhưng vừa rồi, chú cho cháu là mê gái thì oan cho cháu. Cháu phải nghĩ đến giọt máu của cháu chứ thật ra thì người này không làm cho cháu say mê bằng những người trước kia. Nhưng thôi nói làm gì nữa, chỉ xin chú rộng lượng xét thì chú sẽ thấy rằng trong cái cử chỉ của cháu có nhiều chỗ khả thủ.
Ong Lý Quyết gật gù cái đầu:
- Phải, tôi biết cái chỗ khả thủ ấy. Chẳng qua là bởi anh già kén kẹn hom đấy thôi.

 

Sau ngày giỗ ấy, Vượng thấy buồn một cái buồn ghê gớm. Rồi một hôm đi làm về, chàng thấy chân tay bải hoải, không tài nào đứng vững được. Chàng không ăn cơm, lên giường nằm ngay. Đêm ấy chàng sốt cả đêm. Nhưng sáng hôm sau, mặc dầu đầu nhức như búa bổ, chàng cũng gượng dậy mặc áo để đi làm.
Huệ thấy thế vội cản:
- Trời ơi, mình nóng lắm, đi làm lỡ trúng gió một cái thì làm thế nào.
Vượng sờ lên trán:
- Ừ, nóng thật!
Chàng ngần ngừ:
- Nhưng không đi thì bị trừ lương, lấy gì mà góp cho người ta? Lại còn mười đồng bạc anh vay hôm giỗ. Thôi không sao. Đi ra ngoài, chắc là nó xong đi.
Chàng lảo đảo dắt xe đạp ra cửa. Huệ chạy theo giữ lại:
- Thôi, có thế nào cũng đành, anh cứ ở nhà, viết giấy cho thằng nhỏ đi xin phép. Hai mẹ con em chỉ trông cậy vào anh.
Đầu gối Vượng đã run, nhưng chàng cố làm ra bộ mạnh khỏe:
- Không sao đâu, anh thấy trong người nhẹ nhõm lắm rồi.
Vượng ra sở chỉ gượng được đến mười giờ. Rồi cơn sốt rét kéo đến dữ dội quá khiến chàng cầm bút không nổi, mắt cứ hoa lên chẳng trông thấy gì cả. Chàng phải buộc lòng vào buồng chủ xin phép nghỉ.
Chủ thấy thế không bằng lòng:
- Công việc bề bộn thế này mà anh nghỉ thì ai làm?
Nhưng trông thấy mặt Vượng đỏ gay, ông lại vội nói:
- Thôi anh nghỉ hôm nay, mai đỡ thì cố mà đi làm nhé.
Ngày mai cũng không đỡ, ngày kia cũng không đỡ, Vượng bị sốt li bì trong nửa tháng trời. Lúc tiền trong nhà đã hết sạch, và có cái gì đáng giá, Huệ đã cầm bán hết rồi thì Vượng tỉnh dậy. Vượng tỉnh dậy trong một buổi sáng mùa xuân cảnh vật đẹp như vẽ.
Huệ thấy Vượng tỉnh, mừng rỡ ôm chầm lấy, Vượng giơ bàn tay gầy trơ xương, vuốt má nàng:
- Anh sốt ghê lắm phải không?
- Anh sốt khiếp lắm, em tưởng là anh nguy. Bây giờ anh thấy trong người thế nào?
- Thấy đỡ. À từ hôm anh sốt, không có ai đến chứ?
- Không. Chỉ có người tùy phái ở sở, ông chủ sai đến hỏi xem anh khỏi chưa.
Vượng toan ngồi dậy, nhưng vì sức yếu quá, chàng lại phải nằm xuống:
- Mình không viết thư cho cô, chú đấy chứ?
- Không. Em định nếu mai kia mà mình không bớt thì em đánh dây thép cho.... chú Huyện.
Vượng xua tay:
- Đừng, đừng! Mình có gì cho anh ăn, anh thấy đói cào ruột.
- Em bảo nấu cháo nhé.
- Cháo thì lâu. Có sửa pha cho anh uống.
Thấy vợ lặng thinh, Vượng chợt nhớ ra rằng hôm mình ốm, nhà chỉ còn có năm hào.
- Em hết tiền rồi phải không?
Huệ ứa nước mắt, gật đầu. Vượng không bằng lòng:
- Ồ, tại làm sao em khóc? Em khóc vì chúng ta nghèo phải không?
Huệ úp mặt vào ngực Vượng khóc to:
- Không phải thế. Em khóc vì bây giờ không lấy tiền đâu mà lấy thuốc cho anh nữa.
- Ồ, thế mà anh vẫn chẳng chết cơ mà. Thôi nín đi, anh không thích những sự khóc lóc. À thế nào, em làm thế nào mà sống từ hôm nọ đến nay?
- Nhà còn gạo đong từ đầu tháng. Em chỉ phải lấy thuốc cho anh thôi. Quần áo em cầm hết cả rồi, giá bây giờ có chục bạc lấy cho anh mươi thang thuốc nữa thì... Bây giờ, anh lại cần tẩm bổ.
Huệ nói xong lại khóc. Vượng cau mày:
- Kìa, anh đã bảo đừng khóc. Anh không bằng lòng mà. Hôm nay, bao nhiêu rồi nhỉ?
- Hai mươi lăm tây.
- Trời ơi, ra anh ốm trong hai tuần lễ cơ à? Không biết từ nay đến cuối tháng, anh có thể dậy đi làm để lĩnh lương không?
- Khó lòng. Dù thế nào em cũng không cho anh đi đâu. Nhưng từ nay đến hôm ấy.... lấy gì...
Vượng giơ tay:
- Im, im.
Chàng ngẫm nghĩ một lát:
- Mình gọi thằng nhỏ lên đây tôi bảo. Bảo nó đi gọi anh loong toong ở sở, rồi nhờ y đi bán cái xe đạp.
- Bán đi thì rồi hôm nào anh lấy gì mà đi làm?
- Ồ đến đâu hay đây. Chờ lúc ấy sẽ hay. Anh đi bộ có sao.

 

Chiếc xe đạp bán tống bán tháo chỉ được có hai mươi đồng. Người tùy phái nhăn nhó mang đến:
- Giá ông để thư thư con tìm người mua thì cũng được ba bốn chục...
Vượng ngắt lời:
- Thôi không cần, miễn là cho qua lúc này. À ông chủ có hỏi gì tôi không?
- Ông chủ cho con lại xem ông đã khỏi chưa tất cả mấy bận. Công việc không có ông ùn cả lên. Ông chủ nói nếu cuối tháng này, ông không khỏi thì sẽ mượn người khác.
- May ra thì khỏi, bây giờ tôi hết sốt rồi.
- Nhưng ông gầy lắm, đã đi lại thế nào được.
Vượng chép miệng:
- Không đi lại được cũng phải cố mà đi.
Người tùy phái đi rồi, Vượng đưa tiền cho vợ:
- Mình cầm những gì, đem chuộc lại.
Huệ không nghe:
- Ồ cần gì mặc, em có đi đến đâu, chỉ đi lấy thuốc cho mình và để mình tẩm bổ, là mình mạnh khỏe. Mình nằm nhà để em mua sữa và gọi ông lang nhé.
Ba hôm sau, Vượng đã ngồi dậy được ăn trả bữa, nhưng chỉ đi được mấy bước chàng đã thở dốc. Chàng nhìn lên tập lịch lo lắng:
- Thế này thì không biết bao nhiêu ngày nữa mới đi làm được?
- Ít nhất thì cũng nửa tháng nữa.
- Nhưng thế thì bị đuổi. Việc làm độ rày kiếm khó lắm.
- Mặc, cứ chờ mình mạnh khỏe đã, còn người là còn của.
- Đành thế, nhưng tiền nhà, tiền nợ và tiền ăn, lấy vào đâu?
Huệ không muốn cho Vượng đi làm, nhưng nghe Vượng nói thế, nàng cũng không biết tính làm sao. Nàng ngần ngừ một lát:
- Hay mình viết thư xuống hỏi vay cô Huyện, hay chú Huyện ít tiền.
Vượng lườm vợ:
- Đàn bà là chúa tham, từ giờ mình nên bỏ những ý tưởng ấy đi. Người ta chỉ ba lần nghĩ bậy như thế là hết đời. Mình còn bao nhiêu đây?
- Em còn sáu đồng. Chiều nay ông lang đến còn phải trả ông ấy hai đồng.
- Được rồi, đủ đến hôm ấy. Anh chỉ cần uống mấy thang nữa thôi.

 

Hai vợ chồng đang bàn soạn thì có tiếng xe ô-tô ở cửa. Vượng vội vàng gượng gạo đi ra. Thịnh đẩy cửa bước vào. Trông thấy Vượng xanh và gầy, Thịnh hỏi ngay:
- Anh làm sao đấy?
Vượng vịn tay vào ghế cho khỏi run chân:
- Không. Mệt xoàng. Chú về có việc gì?
Thịnh nghe Vượng nói thế không để ý đến sự gầy yếu của Vượng nữa:
- Tôi về có tí việc. Tôi định... thay sang Tri huyện hành chính và nhân thể về lấy nhẫn vòng cho nhà tôi.
Vừa nói, Thịnh vừa móc túi lấy ra một cái hộp. Rồi mở hộp đưa cho Vượng xem:
- Anh nhìn: chữa có một cái cuống như thế này mà họ tính những chục bạc. Đắt quá nhưng vì là bạch kim, chỉ duy có mình hiệu tây là có máy chữa! Thứ này rắn không thể làm bằng tay được.
Chiều lòng em, Vượng cầm lấy xem, rồi đưa trả lại:
- Ừ khó chữa thật, hôm nay chú ở chơi đây chứ?
- Không, tôi lại thăm anh một tí rồi tôi phải đi ngay. Tôi còn phải đem vòng nhẫn về cho nhà tôi để tối nó đi dự dạ hội. À thế nào, mai dưới ấy có chợ phiên, anh có xuống xem không?
Vượng cảm thấy như có một làn sương nó bao phủ lấy mắt, chàng cố gắng lắm mới mỉm cười được:
- Cám ơn chú, tôi không có thì giờ.
- Mai chủ nhật, anh được nghỉ cơ mà.
- Đành thế, nhưng tôi phải đi làm buổi sáng.
Thịnh nhìn anh:
- Anh làm vừa chứ, không tôi trông thấy anh xanh lắm đây.
Vượng làm ra bộ ngạc nhiên:
- Thế à? Nhưng tôi không thấy trong người làm sao cả.
- À quên, tôi nhờ anh một việc, anh nhớ giùm cho nhé. Đến mồng ba tây này, nếu tôi và nhà tôi mà không lên được thì anh làm ơn mua hộ một ít cam và một ít nho tươi gửi xuống cho tôi nhé. Anh nhớ gửi chuyến tàu trưa mới kịp vì mồng năm, tôi phải đãi tiệc...
- Được rồi, nhưng mua độ bao nhiêu?
- Mỗi thứ độ dăm cân. Thôi tôi đi nhé.
Thịnh nói xong đứng dậy ra xe, quên không đưa tiền cho anh.
Thịnh đi rồi, Huệ ở trong nhà đi ra:
- Trời ơi các em mình đối với mình tệ quá. Mình như thế này, mà em mình không biết rằng mình ốm. Em mình lại không biết rằng mình nghèo phải bán cả xe đạp để lấy tiền ăn và uống thuốc nữa. Sao em nghe người ta nói trước kia mình ở với em mình tốt lắm cơ mà?
Vượng quắc mắt:
- Ô hay, mình hư quá nhỉ? Tại sao mình lại ăn nói như thế. Một trăm gia đình, anh em bất hòa đều vì người đàn bà. Đúng quá. Tôi nói thật cho mình từ giờ còn ở với tôi, mình đừng ăn nói như thế.
Huệ tức không chịu được:
- Nhưng em thấy thế, bực quá thì em phải nói. Mình xưa kia đối với các cô chú ấy như thế nào mà nay các cô chú ấy đối với mình như thế. Hôm nay lấy đâu ra hơn chục bạc để mua cam và nho mà gửi xuống.
Vượng nghiến răng. Rồi chàng hầm hầm cầm chiếc chén ở trên bàn đập tan xuống sàn:
- Tôi không bao giờ bằng lòng để cho gà mái gáy ở trong nhà nhé.
Huệ thấy thế hoảng sợ, vội vàng đi nhặt những mảnh chén. Vượng lặng lẽ ngồi nhìn nàng. Sau khi nhặt xong, Huệ vừa toan lại gần Vượng để xin lỗi thì Vượng đã du ngay ra:
- Cút đi. Với những người đàn bà thiểu tâm đức như mình thì anh em dễ giết nhau lắm. Mình nên nhớ, đã là kẻ bề trên thì chỉ biết có sự trông xuống, mà chẳng cần đến sự kẻ dưới trông lên. Tôi là anh chúng nó, chứ tôi có phải là bạn chúng nó đâu mà bảo tôi đi so kè về sự chúng nó đối với tôi tốt hay không tốt.
Vượng nói xong, thấy mệt, dựa đầu vào thành ghế. Huệ không dám lại gần và không dám nói gì, chỉ đứng xa ngó.
Thằng nhỏ bưng cơm lên, Vượng ngồi vào ăn, cũng chẳng nói với Huệ một lời. Huệ càng sợ. Sau khi cơm xong, Huệ rót chén nước rồi rón rén lại gần Vượng. Thấy cái điệu bộ ấy, Vượng thương hại:
- Đàn bà các em bụng dạ hẹp hòi lắm. Các em chỉ có một lòng yêu, nhưng lòng yêu ấy lại dựa vào lòng ích kỷ. Việc đời nếu xử theo lòng các em và xét theo con mắt các em thì không còn cái gì là đẹp đẽ nữa. Các em không biết tìm ngay thấy ở trong sự nghèo nàn và nguồn đau đớn những lẽ sống nó làm cho mình quên ngay cái nghèo nàn và đau đớn ấy đi.
Huệ ngồi xuống cạnh Vượng:
- Thôi em xin lỗi mình. Từ giờ em xin nhắm mắt theo mình mà không dám thế nữa.
- Nếu mình còn thế thì mình làm buồn cho anh lắm đó.

 

Hôm cuối tháng, Vượng còn mệt lắm, nhưng cũng vẫn phải gượng đi làm. Vấn đề y thực cấp bách bắt buộc chàng.
Ra đến sở, ông chủ trông thấy chàng còn mệt, liền bảo:
- Tôi trông anh còn mệt lắm, liệu anh có thể làm được không? Nếu còn mệt thì anh hãy nghỉ mấy hôm nữa đã.
- Tôi làm được.
Ông chủ trỏ đống sổ sách bừa bộn:
- Thôi anh cố đi, hôm nào xong, tôi sẽ cho anh nghỉ ba ngày.
Không muốn, nhưng tự nhiên một ý nghĩ chua chát đến với Vượng. Đến người chủ mướn mình chỉ cốt để mình làm mà thấy mình, còn nhận ra mình ốm. Còn người em ruột thịt của mình lại không nhận thấy! Tuy thế nhưng điều nghĩ ấy cũng không làm cho Vượng giận Thịnh mà nó chỉ làm cho chàng bồi hồi nghĩ đến Đạt. Chàng không trách Thịnh, bởi vì chàng biết tính tình Thịnh nông nổi chỉ ham vui. Chàng thở dài lẩm bẩm: “Giá chú Đạt không đi!...”
Vì còn yếu, lại phải làm nhiều, nên buổi trưa hôm ấy, Vượng chóng cả mặt, về đến nhà là nằm. Huệ thấy thế lo lắng:
- Em đã bảo mình đừng đi làm vội mà.
- Không sao. Đã lâu không làm. Bây giờ mới bắt vào làm nó như thế.
Thì cũng vừa may, người chủ nợ đã đến.
Vượng lấy mười lăm đồng đưa cho y, còn bốn mươi lăm đồng đưa cho vợ.
- Số tiền mười đồng hôm giỗ, tôi chịu lại được. Mình trả tiền nhà đi và đến mồng ba nhớ lên Hàng Buồm mua năm cân cam và năm cân nho. Mua thứ tốt ấy, rồi để tôi đóng hòm gửi đi cho chú Huyện. Đừng có quên mà nhỡ cả công việc của chú ấy. Bây giờ mọi sự chi tiêu phải hết sức hà tiện lại. Còn phải để dành tiền cho đến khi mình sinh đẻ.
Vượng nghĩ một phút rồi thở dài:
- Trước kia, các cô chú ấy còn ở với tôi, tôi chẳng ốm bao giờ. Và đi làm vừa được lương cao, lại gặp chủ tốt. Mà khi các cô chú ấy đi ở riêng rồi thì tôi gặp bao nhiêu là cái xui xẻo. Ngày nay tôi mới biết xưa kia được thế là nhờ về cái thần tài của các cô chú ấy.
Tuy mệt, nhưng đến mười hai giờ, Vượng cũng phải cố gượng dậy để ăn cơm.
Huệ muốn cân thêm thuốc bổ cho chàng uống, chàng vội gạt đi:
- Tạng tôi mạnh, mấy hôm nữa thì tôi khỏi, không cần. Uống thuốc hết thì từ giờ đến cuối tháng lấy gì mà tiêu.
Huệ ứa nước mắt:
- Thì lại chay. Tháng trước lúc mình ốm, nhà không có một xu cũng chả sao. Đến đâu hay đó, miễn cho mình mạnh.
- Còn có hai chục bạc, thuốc với thang thì còn gì nữa.
Mặc Vượng không bằng lòng, Huệ cũng cứ đi cắt năm thang. Đến chiều về trông thấy, Vượng gắt:
- Tôi đã bảo mình mà. Đời tôi khổ nhất là sự phải đi vay mượn. Trước kia còn có cái thần tài của cô chú còn dễ vay, chứ bây giờ thì khó vay lắm.

 

Đã thiếu một tháng thì phải thiếu mãi. Đó là một trạng thái đau xót trong đời những người làm công lương ít, chỉ vừa đủ cho sự chi tiêu trong ba mươi ngày. Mặc dầu Huệ đã hết sức dè xẻn, Vượng cũng thấy rằng tháng nào cũng bị thiếu hụt. Tháng nào, Vượng cũng phải chạy, chứ đừng nói để dư ra chờ ngày Huệ đẻ nữa. Trong sự chi tiêu, số tiền thuốc lá của Vượng chiếm một phần lớn: sáu bảy đồng. Lắm lúc chàng muốn chừa nhưng không tài nào chừa được. Đời chàng bây giờ không như trước, nó buồn lắm rồi. Chàng không có một nguồn vui ở bên trong để chống đỡ với sự nghiện ngập.
Lại khổ một nỗi, Nhàn và Thịnh vẫn cứ tưởng anh khá, lâu lâu gửi thư về nhờ mua thứ nọ, thứ kia mà không lần nào hoàn lại số tiền cho Vượng cả. Vượng thà chết đói, chứ không đời nào để cho các em biết cái nghèo của mình.
Chàng nhìn một cách lo sợ cái bụng của Huệ càng ngày càng to. Chàng dự tính thì ít lắm cũng phải mất năm chục, tiền quần áo con, tiền thuốc thang và tiền nhà thương. Số tiền ấy, Vượng không biết xoay vào đâu.
Huệ thấy thế, cứ an ủi:
- Mình đừng lo. Nếu không có thì em về nhà quê đẻ, chỉ tốn chục bạc thôi.
Vượng không thể phó thác con mình cho tay một bà mụ, nên gần đến ngày Huệ đẻ, Vượng liền chịu lại tiền nhà và tiền góp.
Chủ nhà và chủ nợ thi nhau đến làm rắc rối, chàng cứ bấm bụng chịu. Nhưng không may cho chàng, một hôm chàng đi vắng thì Nhàn lên, lên giữa lúc chủ nhà đến đòi.
Nhàn sạn mặt liền trả cho anh, nhưng khi Vượng về thì Nhàn cự ngay:
- Tiền nhà có tám đồng bạc, sao anh để lôi thôi cho nó đến réo như thế, có phải mang tiếng không.
Vượng buộc lòng phải nói dối:
- Mẹ chủ ấy nó nặc nô lắm. Tháng này anh lãnh lương chậm.
Nhàn không tin:
- Tôi đã biết mà. Lấy những ngữ như thế là nó rút hết ruột hết gan mà.
Vượng tuy nể em, nhưng chàng không bao giờ chịu được những sự bất công:
- Cô đừng nói thế, cô ta không ăn hoang mặc rộng, phá hoại gì tôi cả.
Nói xong, Vượng móc ví lấy ra tập bạc:
- Hôm nay, anh mới lĩnh lương mà.
Rồi Vượng cầm tám đồng bạc đưa giả em, Nhàn từ chối:
- Thôi, anh có túng thì cầm lấy mà tiêu.
- Không, không anh không túng.
Nhàn cầm lấy món tiền:
- Hễ bao giờ anh có cần tiền anh viết giấy xuống cho tôi nhé.
- Cám ơn cô. Được rồi, hễ bao giờ anh túng, anh sẽ hỏi cô. Nhưng cô chắc cũng chả có thừa mấy.
- Không, độ này nhà tôi bổng lểnh cũng khá.
Nhàn đi rồi, Vượng ngồi phân vân nghĩ ngợi. Chẳng những sự chàng lấy vợ cô đầu đã làm phiền lụy cho các em chàng, mà chính cái cảnh nghèo nàn của chàng cũng làm bẽ mặt cho các em chàng nữa.
Chàng muốn dọn biệt đi một chỗ không cho các em chàng biết địa chỉ, nhưng suy đi xét lại, chàng thấy mình không có quyền như thế. Như thế tức là không phải với các em, tức là khai chiến công khai. Vả lại còn ngày giỗ, ngày tết? Ngày tết thì không cần rồi, nhưng còn ngày giỗ?
Một điều làm chàng khổ sở hơn nữa là Nhàn và Thịnh không chịu chào hỏi vả nói năng gì với Huệ. Ừ ngày nay, Huệ chưa đẻ con thì không nói làm gì. Nhưng một ngày kia Huệ đẻ con rồi. Dù sao thì Huệ cũng là mẹ đứa con của chàng, vợ của chàng.
Trong nhà có những sự như thế thì bao giờ đời người còn vui vẻ được nữa. Chàng lại khổ một điều là chú, bác chàng ở nhà quê bây giờ lại thường xuống chơi với Nhàn và Thịnh, chứ không bao giờ lên chơi với chàng nữa.
Vì có những ý nghĩ ấy, nên buổi chiều chàng đi làm với bộ mặt đưa ma. Ra đến trước cửa nhà Gô đa thì chàng chạm trán với vợ chồng Quỳ. Quỳ thấy chàng hỏi ngay:
- Độ này anh làm sao mà gầy thế?
Rồi trách ngay:
- Anh Hồ tôi nói anh đã lấy vợ rồi phải không?
Vượng gật đầu.
- Thế mà anh không mời chúng tôi, anh tệ thật.
- Anh chị đổi đi ở tỉnh nào, có ở đây đâu mà bảo mời.
Vượng nói xong liền xin lỗi:
- Thôi anh chị đi chơi nhé. Tôi cần phải đi làm. Đến giờ rồi.
Vượng bước đi, lòng nặng trĩu những buồn khổ. Chàng có cái cảm tưởng rằng mình bị đuổi theo bởi cái nhìn thương hại của Quỳ và của Hải.

 

Sau mấy tháng khổ sở đủ mọi cách, một hôm Vượng vui vẻ đẩy cửa bước vào nhà. Thấy Huệ đang ngồi cho con bú, chàng cúi xuống hôn con, rồi bảo vợ:
- Thôi, chúng ta sắp hết nghèo rồi. Hôm nay, ông chủ cũ đến tìm tôi. Ông ấy mới mở một hãng buôn trong Saigon, ông ấy đến gọi tôi về làm. Chúng ta đi Saigon, chúng ta đi xa đất này.
Huệ nghe chồng nói thế, cũng mừng tíu tít:
- Ừ chúng ta đi xa đất này. Em khổ lắm rồi. Đấy mình coi dù sao thì em cũng là vợ của mình, các cô chú về hỏi con mà chẳng hỏi em lấy một câu. Em vì sợ mình mà không dám rỉ răng.
Vượng lắc đầu:
- Mình lại làm cho tôi mất vui bây giờ. Nếu mình yêu tôi thì mình cứ im đi, có phải càng quý hơn không.
- Thì khổ quá, mình cũng cho em nói một câu chứ.
- Mình nhầm. Khổ mà im đi thì cái khổ ấy mới có ý nghĩa. Thế nào, không biết con đi tàu bè có được không?
- Con mới được có hai tháng, em thấy lo lắm. Đi tàu chen chúc.
- À, không phải chen. Ông chủ này đối với anh tốt lắm. Chúng ta đi tàu bể và tàu hỏa đều được đi hạng ba cả.
Vượng cúi xuống hôn con:
- Con trai cậu đi tàu rồi nhìn bể nghe không?
Vượng hôn mạnh làm cho thằng bé không bằng lòng khóc thét lên. Huệ phải cho nó bú nó mới nín.
- Nhưng mình còn nợ đìa ra thế này, đi thì họ kéo đến đòi, làm thế nào?
- Thì trả. Anh đã hỏi vay trước ông chủ độ bốn trăm, ông ấy hẹn anh đến sáng mai thì lên lấy. Chúng ta lại cũng còn tháng lương nữa. Tiền tàu đã có sở trả, mình sắm sửa lấy ít quần áo và may cho con cho đủ, chứ anh nghe nói vào trong ấy đắt lắm.
- Nhưng bao giờ đi. Đi ngay à?
- Không, phải làm hết cuối tháng cho người ta chứ. Nghĩa là bảy hôm nữa.
- Thế mình có cho chú Huyện và cô Huyện biết không?
Vượng lắc đầu:
- Không. Cho cô chú ấy biết làm gì, vô ích. Để hôm nào đi, anh sẽ viết thư cho cô chú ấy. Anh chỉ mong từ nay cho đến hôm đi, cô chú ấy không biết, chứ cô chú ấy biết, lại kéo lên thì lôi thôi lắm. Chắc là cô chú ngăn không cho đi.
Huệ nhìn chồng:
- Mình tưởng thế?
Vượng ngước mắt nhìn vợ toan mắng, nhưng đến khi nhìn sự đau đớn nó rành rành trên mặt vợ, chàng lại cúi đầu. Chàng cúi đầu bởi vì chàng cũng cảm thấy rằng các em bây giờ coi mình là một người thừa, chẳng những là một người thừa mà lại còn là một ngtrời làm vướng bận cho hạnh phúc của người ta nữa. Chàng có cái cảm tưởng mình như một bà già, suốt đời hy sinh cho gia đình, nhưng đến khi già quá chỉ làm phiền lụy, thì con cháu mong cho chóng chết đi.
Chàng quay đi để giấu những giọt nước mắt nó từ nổi lên trên mí, rồi ràn rụa xuống hai gò má.

 

Thịnh nhận được bức thư từ giã của anh khi cầm vợt sắp sửa ra sân quần. Thịnh xin phép người bạn đến rủ:
- Xin chờ cho một phút.
Thịnh bóc phong thư:
Chú Thịnh,
Tôi có chủ cũ về gọi vào Saigon làm việc. Vì cấp bách quá, nên tôi không kịp xuống chào chú thím và hai cụ, vậy chú nói với hai cụ và thím tha lỗi cho tôi. Chủ giao cho tôi trông coi cả hãng trong ấy, tôi đi chuyến này không biết bao giờ về...
Thịnh chỉ xem đến đấy; rồi liền nhét phong thư vào túi.
- Anh moa đi Saigon, hôm qua, vì vội quá nên không cho moa biết sớm để moa đi tiễn.
- Anh nào? À ông anh lấy vợ cô đầu ấy à? Thôi ông ấy đi thế cũng là phải. Chứ không, một khi vợ toa gặp mặt cô đầu thì biết xưng hô thế nào? Vợ toa lại rất... coi trọng chỗ danh dự lắm. Giả dụ ông anh toa một hôm cao hứng hay là bị bà cô đầu bắt buộc, xuống đây chơi rồi lại gặp những bạn trước kia đã hát ở nhà cô ta thì thật là vỡ lọ cổ.
- Ừ vỡ lọ cổ. Nhưng cũng chẳng sao?
- Ô, sao lại chẳng sao? Ví dụ bà ấy đến trong khi vợ toa đang tiếp khách, trong khi có bà chánh án, bà tuần ở nhà toa chẳng hạn thì...
- Biến thật!
Quan Huyện nói xong thở dài. Người ta không biết cái thở dài ấy là thở dài nhớ anh, hay là thở dài vì khoan khoái.

 

Người đàn bà thật thà hơn. Sau khi đọc xong bức thư từ giã của Vượng, Nhàn bảo chồng:
- Thôi cho bác ấy đi như thế cũng phải. Ở đây thì khó chịu lắm cơ. Mỗi một lần tôi lên, gặp cô ả, mình không còn biết nói thế nào. Anh Huyện là anh ấy khổ lắm, nhất là chị Huyện, chị ấy ghét cay ghét đắng cô ả. Hôm nọ, chị ấy lên thăm cháu, chị ấy chỉ bế cháu, chứ không hỏi cô ả một lời. Tôi lại còn hỏi một câu “bác có mạnh khỏe không?”. May cô ả không gọi mình bằng em mà lại gọi mình bằng bà.
Nhàn nói xong thở dài. Cũng không hiểu duyên cớ sự thở dài này, nhưng có lẽ vì thương anh:
- Kể anh ấy đi xa cũng tội nghiệp. Anh ấy đối với chúng mình cũng tốt.
Tâm gặng hỏi vợ:
- Cũng tốt thôi à? Tôi tưởng quá cái sự tốt. Có lẽ mình với anh Huyện không tốt với anh ấy thì có. Tôi chắc vì mình với chị Huyện có những thái độ khó chịu với vợ anh ấy, nên anh ấy mới bực mình mà đi. Tôi chắc là anh ấy khổ tâm lắm, vì anh ấy thương mình và anh Huyện lắm.
Con Nga lúc ấy vác một con búp bê ở trong buồng chạy ra, Nhàn ôm con:
- Bác đi Saigon rồi con ạ.
Con Nga òa khóc:
- Thế bác đi thì ai mua búp bê cho Nga nữa?
Nhàn bế con lên lòng:
- Đã có thầy con.
Tâm ném điếu thuốc lá thở dài, rồi xoa đầu con:
- Thầy con bây giờ mới có tiền mua búp bê cho con, chứ trước kia...
Tâm cầm con búp bê ở tay con:
- Mà thầy cũng chưa mua. Con này cũng vẫn là của bác mua. Mình có nhớ không, con này anh ấy mua hôm tết tây khi sở thưởng cho anh ấy một tháng lương. Hình như mười lăm đồng thì phải.
- Ừ mười lăm đồng. Hôm nào rồi mình cũng phải mua trả thứ gì cho con anh ấy.
Tâm nhếch mép không nói. Chàng cúi đầu lặng lẽ nghĩ ngợi một lúc lâu, rồi bảo vợ:
- Mình nhớ sáng mai có viết thư cho bác thì bảo bác thế nào tết cũng ra chơi nhé. Anh có nhiều điều muốn nói với bác. Và mình nhớ phải hỏi thăm chị ấy nữa.

HẾT


Xem Tiếp: ----