Phần V

     ấy anh em vừa ăn cơm xong thì có tiếng gõ cửa, Thịnh vội vàng chạy ra mở. Một người đàn bà trạc ngoài ba mươi, nhưng vẫn còn ăn mặc một cách diêm dúa, hỏi chàng:
- Đây có phải nhà ông Vượng không?
- Thưa vâng, đây là nhà anh tôi, bà hỏi gì?
Người đàn bà không trả lời câu hỏi của Thịnh, tiến vào phòng khách:
- Ông mời ông ấy ra đây.
Cái cử chỉ suồng sã và ngang nhiên của người này làm cho Thịnh ngờ là nhân tình của anh mình. Thịnh đi vào buồng ăn với một bộ mặt bí mật:
- Có một người đàn bà hỏi anh.
Vượng bỗng thấy lo, chàng ngờ là Huệ. Chàng luống cuống tìm guốc. Trong mấy khắc ấy, chàng tìm cách để đối phó với Huệ và để giấu các em, nhưng chàng tìm chưa ra, vì thế, chàng lại luống cuống. Khi ra đến phòng khách, nhìn thấy bà phán Hữu, chàng mới hoàn hồn:
- À chị Phán lại chồng họ, tôi lại tưởng ai!
- Anh đã giật mình, có phải không? Chị ấy đâu?
Bà phán Hữu vừa cười, vừa hỏi ỡm ờ như thế, mặc dầu bà biết Vượng chưa vợ. Bà phán Hữu là người cho vay lãi ở trong sở, có một người em họ cùng làm với Vượng. Bà góa chồng đã bốn năm nay, mà Vượng quen bà từ hồi chồng bà còn sống, nghĩa là từ ngày chàng phải nhờ người em họ của bà đưa đến vay lãi ở nhà bà.
Bà góa chồng, nhưng không có đứa con nào, đẻ hai lần, đều không nuôi được cả. Bà đối với Vượng có rất nhiều cảm tình, bà thường tỏ cái thái độ ấy ra mặt. Mỗi cuối tháng, bà đến sở đòi nợ những người vay bà. Cái cử chỉ lả lơi ấy làm cho anh em thường nói đùa những người chưa có tiền trả bà:
- Thì việc quái gì mà lo. Nói với bà ấy một tiếng là xong.
Vượng chỉ tủm tỉm cười:
- Các ông làm như tôi là chồng bà ấy.
- Nếu ông bằng lòng thì bà ấy cũng nhận ông là chồng tắp lự.
- Các ông tưởng tượng...
- Thì đấy, chúng tôi ai hỏi vay, bà ấy cũng làm khó dễ, duy ông nói một tiếng là bà ấy đưa ngay.
Cũng đã nhiều lần, Vượng nể anh em, hỏi vay giúp, lần nào bà phán Hữu cũng nói một câu:
- Nể ông mà cho các ông ấy vay đấy.
Mỗi khi Vượng lại nhà bà thì bà tìm hết cách để giữ Vượng lại thật lâu. Và đã có một lần, bà nửa mỡ, nửa nạc gọi Vượng bằng cậu, trong khi ép Vượng ở lại ăn cơm.
Không phải bà có ý xấu gì, nhưng vốn tính đứng đắn, Vượng không chịu được cái lối cợt nhả của bà. Vả, sinh trong một gia đình đạo đức, Vượng sẵn có thành kiến không tốt với những người cho vay lãi.
Mới năm hôm trước đây, Vượng lại nhà bà mua họ, bà đã lôi kéo Vượng trước mặt mọi người, để giữ Vượng ở lại đánh tổ tôm. Vượng vì sợ để bà co kéo mãi thì người ta cười, nên buộc lòng phải ở lại. Anh em trong sở biết chuyện thường bảo Vượng:
- Thì người ta đã thành tâm yêu cầu ông, sao ông chả chấp đơn cho người ta. Mất gì? Ông xí cái mỏ ấy đi cho anh em nhờ.
Chính ra vì Vượng sợ mang tiếng là người đào mỏ nên hết sức tránh bà phán Hữu.
Bà phán Hữu không giàu lắm, nhưng cũng là hạng người được mát mặt ở cái đất Hà Nội. Có hai ngôi nhà và dăm nghìn đồng bạc vốn, bà cũng là một mồi thơm cho nhiều người ngấp nghé. Bà riêng quý Vượng vì bà thấy Vượng tính nết cẩn thận sẽ không phá phách của bà, nếu bà lấy Vượng. Với lại bà cũng thấy bị lôi cuốn bởi cái duyên thầm của anh chàng vừa hiền lành, vừa đẹp trai nữa.
Lần này, bà mới đến nhà Vượng là lần đầu. Mỗi câu bà nói với Vượng là một câu khiêu khích:
- Nhà không có đàn bà, mà ngăn nắp thế này, giỏi đấy.
Một dịp để Vượng khoe em gái:
- Tôi có cô nó trông coi cho.
- Đâu, cô ấy đâu?
Vượng không muốn cho em gái mình tiếp xúc với những người không đứng đắn, vừa toan tìm cớ thoái thác thì Nhàn vì thấy có khách đàn bà đã bưng khay nước ra.
Sự có mặt Nhàn ở đấy cũng không làm cho bà phán Hữu đứng đắn thêm được chút nào.
- Chà anh em thật là giống nhau, cùng xinh cả. Thế nào đã có ai hỏi chưa, không để tôi làm mối cho.
Vượng phải nói xuôi:
- Vâng nhờ bà.
Rồi sợ ngượng với em, Vượng ngắt câu chuyện:
- Hôm nay hẳn bà chị đem tiền chồng họ cho tôi.
- Thì có thế tôi mới đến, chứ nhà ông chưa vợ ai đến làm gì.
Bà phán Hữu vừa nói, vừa ném cho Vượng một cái nhìn lẳng lơ. Thấy Vượng vẫn nghiêm trang, bà hình như thẹn:
- Tôi đã bảo ông có cần tiêu gì cứ lấy tiền của tôi mà tiêu, còn họ thì cứ để dốc ống, ông chẳng nghe. Như thế này, có phải thiệt mấy chục không.
- Chúng tôi chẳng dám phiền bà.
- Ông cứ khách tính thế, đã là chỗ bạn thân, sao lại còn có sự phiền.
Sau khi đã đếm đủ hai trăm sáu mươi tư đồng bảy hào đưa cho Vượng, và đã lấy giấy ký nhận rồi, bà phán Hữu cứ ngồi nói chuyện con cà con kê với Nhàn mãi, rồi lâu lâu, bà lại quay sang Vượng nói trêu một câu. Vượng chỉ mỉm cười không đáp. Chàng đã nóng ruột.
Chàng nghĩ đến những vẻ mặt vui sướng của các em chàng, khi biết có tiền để may quần áo. Chàng đang tính nhẩm xem dùng món tiền vào những việc gì. Đại để thì nhiều việc lắm, nhưng toàn là những việc làm vui lòng các em chàng. Chàng nghĩ đến bộ mặt hớn hở của Thịnh và của Nhàn khi được mặc áo mới. Nhàn vẫn ao ước một cái nhẫn mặt đá, mà Thịnh thì thích một đôi giày da cam. Chàng đã hình dung thấy cái khuôn mặt nghiêm trọng của Thịnh khi dặn người thợ giày, chàng đã biết Thịnh sẽ nói những gì. Nghĩ cái điệu bộ của Thịnh, chàng mỉm cười. Bà phán Hữu lúc ấy đang nói chuyện với Nhàn quay lại thấy chàng cười lại tưởng chàng cười vì mình, nên cứ ngồi mãi.
Thần hồn của Vượng lúc ấy thì ở tận đâu đâu. Chàng nghĩ đến cái tính xuề xòa của Đạt. Đạt thì chẳng muốn may gì, nhưng thế nào chàng cũng phải ép Đạt may một bộ áo mới và mua một cái mũ. Chàng lại nhớ đến lời Hồ nói với chàng. Chàng cũng cần may một bộ. Chàng sẽ chọn màu tím, cái màu lúc nào cũng mặc được, và là... cái màu mà Quỳ thích. Chàng nhớ đến cái hôm Quỳ mặc chiếc áo tím ngồi cạnh chàng, cầm bài hộ. Hôm ấy thì Quỳ đẹp lắm...
Đạt quần áo tề chỉnh ở trong nhà đi ra:
- Em đi đằng này một chút nhé.
Vượng vội vàng ngăn:
- Ấy, chú hãy ở nhà tôi bảo cái này đã. Có một việc cần, rất cần.
Chàng dằn từng tiếng ở câu sau để cho bà phán Hữu hiểu ý mà đi, nhưng bà phán Hữu không hiểu. Bà ngồi mãi, ngồi mãi cho đến gần chín giờ, bà mới đứng dậy. Trước khi đi, bà còn mời Vượng lại đằng bà đánh tổ tôm, Vượng từ chối một cách quyết liệt:
- Tôi có việc cần với chú nó.
Bà phán Hữu đi rồi, Vượng thở dài một cách khoan khoái, Nhàn thì cười bảo anh:
- Bà này coi bộ quý anh lắm.
- Úi dà, nói như mẹ môi, ai mà chịu được. Cô lên gọi chú Ba xuống đây.

 

- Nào chú định may gì nào? Đóng một đôi giày nhé.
Vượng vừa nói, vừa cầm bút biên.
- À may gì thì may, nhưng cũng phải chừa ra năm chục để về quê tết này, và năm chục mua các thức về biếu bác và chú. Thế nghĩa là chỉ còn một trăm sáu thôi đấy.
Thịnh nhìn anh:
- Thế anh có may gì không?
- Chú cứ may đi, rồi anh liệu. Áo chú Hai cũ lắm rồi. Thôi để ra ba chục cho chú Hai.
Đạt chưa nói gì thì Thịnh đã nói:
- Dạ, bây giờ ba chục thì mặc không được, cũng phải ba mươi lăm đồng.
- Thế nghĩa là chú muốn may bộ áo ba mươi lăm đồng chứ gì? Đây cho chú bốn mươi hai đồng cả tiền giày. Chú Hai cũng cầm lấy bốn chục muốn may gì thì may.
Thịnh cầm tiền soăn soe:
- Hay tôi không may áo nữa, tôi may pa-đờ-suy. Pa đờ suy của tôi cũ lắm rồi.
Vượng ngẫm nghĩ một lát, rồi đưa cho em hai chục nữa:
- Ừ nhỉ, tôi vẫn định bảo chú cần phải may pa-đờ-suy.
Thịnh hớn hở cầm lấy tờ giấy hai mươi đồng:
- Thế còn em Nhàn?
- Thì nó phải may “măng tô”. Và mua cho nó chiếc nhẫn. Đây cho cô năm chục, đủ chứ?
- Thừa.
- Còn thì để sắm vặt.
Đạt nhìn ở trước mặt chỉ còn hơn chục bạc, liền hỏi:
- Thế anh không may gì ư?
- Tôi ấy à? Áo tôi hình như hãy còn mới.
- Anh may cùng với thằng Thịnh.
- Nhưng tôi giữ gìn, kể gì với chú ấy.
Đạt liền cầm chục bạc ném lại trả anh:
- Thôi tôi may bộ áo ba chục, cũng sang chán.
Vượng gạt đi:
- Bộ dạ phải may thứ tốt mới đẹp và bền lâu. Chứ may thứ rẻ thì mấy chốc mà bạc màu, rồi trơ tải ra.
- Nhưng thế thì anh không còn tiền để may. Vì phải để dành trăm bạc đến tết.
Nhàn cũng đưa trả hai chục:
- Hay em trả mua nhẫn nữa. Đeo một chiếc này cũng được rồi.
Vượng đùn số tiền lại trả em:
- Ồ ồ, con gái cần phải ăn mặc, chả nhẽ lại không có tí vàng nào ở trong người! Cô cứ sắm, thôi để tám chục đến tết thôi. Anh cũng may vậy. Mai chú Ba đi chợ may, xem có cái mẫu nào đem về đây cho anh coi. Rồi ngày kia, sáng chủ nhật, chúng ta cùng đi sắm một thể. Chú thì hẳn phải sành hơn tôi với chú Hai.
Nói xong, Vượng đưa tám chục cho Nhàn:
- Số tiền này cô cất đi, từ giờ đến tết, tôi sẽ xoay được hai chục điền vào đấy, chứ một năm mình mới về quê một lần, không có quà cáp cho mọi người thì coi không tiện.
Anh em còn đang bàn soạn thì Quỳ đến với một vẻ mặt ngơ ngác:
- Mợ tôi mệt, mời anh lên ngay.
Vượng hoảng hốt, vì chàng coi bà Xuân Thái như mẹ:
- Mệt xoàng thôi đấy chứ?
- Cũng xoàng thôi. Nhưng nặng lắm.
Vượng kéo áo Đạt:
- Thế chú lên với tôi, nhỡ có phải đi mời đốc tờ hay tiêm tiếc thì nó tiện. Thế nào có đánh giấy cho anh cả chưa?
- Mợ tôi mới mệt buổi chiều, mời anh lên xem sao, rồi sẽ liệu.
Hai anh em Vượng lên đến nơi thì thấy bà Xuân Thái đang nằm trên giường rên khừ khừ. Thấy cửa buồng đóng kín mít, Đạt vội vàng bảo:
- Ấy phải mở cửa ra cho khí trời vào, chứ u uất thế này, người khỏe cũng phải ốm.
Quỳ nhìn Đạt bằng một cái nhìn kính phục:
- Thế mà em lại cứ tưởng có gió vào độc lắm.
Vượng nghe thấy tiếng “em” nàng dùng để xưng hô với Đạt ngọt ngào hơn là tiếng em nàng xưng hô với mình.
Bà Xuân Thái thấy Vượng lên, liền giơ tay vẫy lại gần. Vượng ngồi sát ngay cạnh bà. Sau một cơn ho, bà bảo Vượng:
- Mẹ mệt lắm con ạ.
Sự xưng hô thân mật ấy làm cho Vượng rươm rướm nước mắt, nhưng làm cho Quỳ không bằng lòng. Quỳ đăm đăm nhìn Đạt, lúc ấy đang đứng ở đằng sau anh.
Vượng đặt tay lên trán bà Xuân Thái:
- Chà nóng lắm. Bà để cho chú nó xem cho bà, rồi thế nào ta liệu gọi đốc tờ.
- Cậu hai cũng đến đấy à?
Đạt không trả lời, tiến lại gần nắm lấy tay nghe mạch.
- Mạch chạy mau quá. Bà thấy trong người làm sao?
- Buổi chiều tôi tắm xong là thấy ngây ngấy, rồi thì cơn sốt kéo đến.
- Sốt nhiều lắm. Phải đi gọi “đốc tờ” mới được.
Bà Xuân Thái chép môi, rồi rên:
- Không khéo lần này tôi chết mất. Thằng cả nhà tôi không biết có ăn ở với em được như anh em cậu không?
- Không sao. Cảm đấy thôi. Đốc tờ đến tiêm là có thể khỏi ngay, bà đừng ngại.
- Tôi tức ngực lắm, không thở được.
Vượng lấy tay vuốt ngực cho bà Xuân Thái rồi bảo em:
- Chú đi gọi thầy thuốc đi.
Đạt vừa toan đi thì Quỳ đã bảo:
- Anh làm ơn đánh hộ dây thép gọi anh cả tôi về với.
Vượng vội gạt đi:
- Hãy để xem “đốc tờ” nói bệnh tình làm sao đã, chứ không làm cho anh ấy loạn lên, vô ích.
- Mợ em không thế này bao giờ.
- Cô cứ yên tâm. Đây với Thanh Hóa có ô-tô đi một nhoáng là đến nơi.
Bà Xuân Thái rên rỉ:
- Anh nó nói phải đấy.

 

Thầy thuốc đến khám bệnh nói bà Xuân Thái bị lạnh phổi, cần phải đưa ngay lại phòng khám bệnh của ông ta để bơm dưỡng khí.
Quỳ nghe thấy nói thế sợ hãi cuống cuồng. Đạt vội vàng nói cho nàng yên lòng:
- Bệnh thế là thường, bơm vào là đỡ ngay.
Vượng ghé lưng cõng bà Xuân Thái ra xe, Tý thấy thế khóc nức nở.
- Đừng khóc. Mợ tiêm xong, mợ lại về. Thôi cô Quỳ ở nhà với cậu ấy. Hai anh em tôi săn sóc cụ đủ rồi.
Quỳ không nghe, nhất định đòi đi theo. Vượng với Quỳ ngồi đỡ bà Xuân Thái ở sau xe, còn Đạt vì chật chỗ phải đi xe đạp theo.
Lúc xe sắp chạy, Vượng dặn với em:
- Chú ra đánh dây thép cho anh Hồ và về bảo chú Thịnh lại đây đem chăn gối và mọi thứ cần dùng đến nhà thương hộ.
Lúc thầy thuốc đã bơm dưỡng khí xong và bà Xuân Thái đã thiêm thiếp ngủ, Vượng bảo Quỳ:
- Thôi, bây giờ thì cô về nhà, để tôi trông cụ cho.
Quỳ không nghe:
- Em cứ ở đây cơ.
- Cô ở đây không tiện, lại cũng chẳng có ích gì. Không có chỗ ngủ, mà cần phải có người coi nhà. Tôi bảo phải nghe.
Vượng bảo Quỳ không nghe, nhưng Đạt bảo thì nàng nghe ngay:
- Cô ở đây vô dụng, chỉ thêm làm bận rộn cho người ta. Anh cả với chú Ba cũng về đi, để mình tôi ở đây.
- Hai chú còn cần phải học. Thôi hai chú đưa cô ấy về. Tôi bảo thì ai cũng phải nghe. Sáng mai cô đến. Bảo u già đến ngay đây.
- Thế anh giúp em nhé. Nhưng mai anh phải đi làm.
- Ồ, đối với tôi thức một đêm nghĩa gì. Cô cứ vững tâm đi về đi, bà không sao đâu.
Hai giờ đêm, theo lời thầy thuốc dặn, Vượng đang cho bà Xuân Thái uống thuốc thì vợ chồng Hồ ở Thanh Hóa ra đến nơi. Thấy bạn, Vượng vội nói ngay:
- Lúc nãy tưởng nguy, nhưng bây giờ thì chắc chắn là không việc gì.
Bà Xuân Thái thấy con về sẽ quay đầu lại. Hồ lại gần nắm tay mẹ:
- Mợ có làm sao không?
Bà Xuân Thái lắc đầu:
- Không sao. Con đã về đấy ư? Các cháu có về không?
Hồ nghe mẹ nói thế hoảng sợ:
- Mẹ mệt lắm ư? Để mai con cho chúng nó về.
- Ấy là mợ hỏi thế thôi, chứ mợ chưa việc gì. Không có anh cả, anh ấy mời đốc tờ thì không khéo khốn.
Hồ toan nói thì Vượng vội ngăn:
- Thôi anh để cho cụ ngủ. Chị cũng về ngủ đi, tôi với anh ở đây là đủ rồi.
Vợ Hồ đi rồi, Hồ khép cửa, rồi kéo bạn ra ngoài hàng hiên:
- Đốc tờ bảo bệnh tình mợ tôi thế nào?
- Bà tắm lạnh, bị cảm, đau màng phổi. Nhưng biết ngay, thành ra không việc gì.
Hồ nắm tay bạn:
- Cảm ơn anh. Không có anh thì các em tôi ở nhà lúng túng không khéo nguy.
- Ồ, tại làm sao anh lại cám ơn. Bà thường ngày vẫn coi tôi như con.
Hồ trầm ngâm một lát:
- Công việc của tôi ở dưới ấy bề bộn quá, nếu mai đốc tờ mà nói không việc gì thì tôi để nhà tôi lại đây, rồi ngày kia, tôi lại phải đi xuống dưới ấy, công việc cấp bách mà “sếp” mới gắt lắm. Trên này mọi việc nhờ anh.
- Được rồi, nếu có cần anh cứ đi, đã có tôi và các chú ấy. Anh đừng ngại, nói dại, có thế nào, tôi sẽ đánh dây thép cho anh.
- Mỗi ngày, anh đánh dây thép cho tôi một lần.
- Nhưng anh cũng phải chờ mai đốc tờ nói thế nào, rồi anh mới đi được chứ.
- Thì đã hẳn. Ấy là tôi dặn phòng thế thôi.
- Ban ngày anh để chị ấy và cô Quỳ ở đây trông cụ, còn đêm thì để tôi. Thôi bây giờ anh đi ô-tô mệt, có ngủ thì ngủ đi.
Hai người trải chiếc chiếu ra bao lơn, rồi cứ nguyên quần áo như thế mà nằm. Câu chuyện tâm sự bắt đầu:
- Tôi chỉ lo mợ tôi có mệnh hệ nào thì em Quỳ năm nay đã hai mươi mốt. Chờ ba năm nữa thì lỡ lứa mất.
- Anh đừng lo. Thời buổi này, hai mươi bốn, hai mươi nhăm mới lấy chồng là thường.
- Mợ tôi thương nó lắm. Vì thế mợ tôi cứ kén mãi, chứ nó cũng đã lắm người hỏi, mợ tôi chẳng bằng lòng ai cả.
Rồi chậm rãi:
- Mợ tôi chỉ muốn tìm một người có đức hạnh, chứ không cần đỗ đạt.
Vượng lòng rạo rực, nhưng cố lờ đi:
- Không, bây giờ đối với đàn bà, cũng cần phải có địa vị thì hạnh phúc mới được lâu dài.
- Thế là họ ngu. Mợ tôi, nói dại, có thế nào mà thấy nó chưa lấy được người chồng vừa ý thì mợ tôi phẫn lắm.
- Thế để chờ bà khỏi, rồi anh liệu...
- Nhưng mợ tôi khó tính lắm cơ. Người vừa được ý mợ tôi rất ít.
Vượng lại đánh trống lảng:
- Vợ chồng là cái duyên số, kén cũng chẳng được.
Thấy Vượng cứ lảng mãi, Hồ sực nhớ đến những điều mà Vượng đã nói với mình cũng thôi, không gợi chuyện Quỳ nữa. Một lúc lâu, mới hỏi Vượng:
- À thế nào, còn anh, anh cứ nhất định chờ cho chú Đạt chú ấy thi ra, mới lấy vợ à?
- Thì cố nhiên. Bổn phận buộc tôi phải như thế.
Hồ thở dài:
- Bổn phận nhiều khi nặng nề cho người ta thật.
- Nhưng nó cũng đem đến cho mình nhiều an ủi. Bây giờ lấy một người vợ tốn lắm. Anh tưởng tượng một gia đình tôi bây giờ, nếu thêm một người nữa, thứ nhất người ấy lại là một người đàn bà cần phải trang điểm, cần phải tiêu nhiều thứ tốn tiền...
- Thì anh cũng có thể chọn một người khá giả.
- Ừ thì cho thế nữa tôi khỏi lo về đồng tiền, nhưng nó lại đem đến cho tôi nhiều cái lo khác ghê gớm hơn. Ví dụ con người khá giả ấy hợm của, trong gia đình xảy ra những xích mích giữa chị dâu và em chồng. Các em tôi thuần là những đứa giàu tình cảm, giàu danh dự. Chúng nó nể tôi quyết là không bao giờ chịu nói ra, nhưng anh thử tưởng tượng sự đau đớn âm thầm của chúng nó. Cái bổn phận của tôi chẳng những là phải gây dựng cho chúng nó, lại còn phải tìm cách tránh đi cho chúng nó những hận lòng. Tôi đã nghĩ chín, tôi chậm hưởng hạnh phúc yêu đương vài ba năm không sao, chứ lấy ngay vợ về mà lỡ xảy ra xích mích thì sẽ có ảnh hưởng không tốt cho cuộc đời của chúng nó về sau. Vả anh em đang hòa thuận như thế này...
Hồ thở dài:
- Làm người anh cả cần phải hy sinh nhiều thật.
- Thế cũng không gọi là hy sinh được, bởi chính mình tìm ngay thấy cái nghĩa của cuộc đời ở đấy. Và mình cũng đã được hưởng bao nhiêu vui thích. Anh đã biết thầy tôi đấy chứ?
- Có. Ông nhà ở với anh em thì lúc nào cũng như bát nước đầy.
- Nhiều người thấy thầy tôi bù đắp cho anh em nhiều quá cho là thầy tôi dại, nhưng họ có hiểu đâu, chính thầy tôi đã tìm thấy biết bao sướng thỏa về tinh thần ngay ở trong bù đắp ấy. Mỗi người có một quan niệm về cuộc đời khác nhau, tôi thì có một quan niệm về cuộc đời giống thầy tôi. Tôi cho trong gia đình, ai cũng có thể nghĩ đến mình, duy có người anh cả là không thể. Tôi càng không thể vì thầy mẹ tôi đã mất, không còn sống để gây dựng cho các em tôi nữa.
- Nhưng tôi chỉ lo, một ngày kia những hy sinh ấy sẽ đưa anh đến hối hận.
- Không, tôi cũng sẽ như thầy tôi, chẳng hối hận bao giờ.

 

Bà Xuân Thái nằm ở nhà thương hơn một tháng thì về nhà. Trong cái thời gian ấy, trưa nào Vượng cũng đến thăm bà, và tối nào cũng ngủ lại để trông coi bà. Từ ngày ấy thì bà Xuân Thái thuần gọi Vượng bằng con, và bà xưng với Vượng bằng mẹ. Các em Vượng đến thăm bà nghe bà xưng hô với anh mình như thế, đều yên trí rằng bà đã nhất định gả Quỳ cho Vượng, và đã có lần Thịnh gọi Quỳ bằng chị. Người vui sướng nhất trong ba em Vượng là Nhàn. Nhàn biết anh yêu Quỳ và nàng cũng mến Quỳ nữa. Nhưng chỗ mà nàng không biết là Quỳ yêu mến Đạt, mà Đạt thì vô tình nên cứ làm ngơ. Và nhiều khi lại còn xẵng với Quỳ là khác. Điều ấy thì Vượng biết. Vì thế mỗi khi thấy bà Xuân Thái quyến luyến mình, chàng băn khoăn không biết là nên buồn hay nên mừng.
Người khó chịu nhất khi nghe bà Xuân Thái xưng hô mẹ con với Vượng có lẽ là Quỳ. Quỳ kính trọng Vượng lắm, và thấy Vượng chăm chút mẹ mình, nàng cũng cảm động, nhưng ái tình là một thứ kỳ quái, có phải chỉ một lòng kính trọng là đủ kéo nó lại đâu.
Vốn tính người vui vẻ và bồng bột, nàng bị ảnh hưởng bởi vẻ trầm mặc của Đạt. Tình yêu vốn có những sự cảm ứng trái ngược như thế. Và nói cho đúng ra, nàng cũng bị ảnh hưởng bởi trào lưu sùng bái những cái bề ngoài của thời đại. Lấy Vượng thì nàng chỉ là một cô ký, mà lấy Đạt thì nàng sẽ trở nên một bà đốc. Trong tình yêu của cô gái ngây thơ cũng xen vào một sự tính toán, sự tính toán tự nhiên của bản năng tự tôn mà không một ai có thể trách nàng.
Đạt thì chẳng thấy gì hết. Một là chàng yên trí rằng một ngày nào kia thế nào nàng cũng lấy anh mình, lại nữa, chàng đã tìm cho đời chàng một lý tưởng cao siêu hơn người đàn bà. Cái làm cho chàng mê man không phải là những sách thuốc mà là vấn đề chính trị. Tuy bây giờ chàng còn ở trong thời kỳ nghỉ ngơi và hàm dưỡng, chàng chưa nói hở ra với ai, nhưng trong đầu chàng, trong tim chàng đã có nhiều cơn bão táp ghê gớm. Chính những cơn bão táp của tinh thần ấy đã đem đến cho diện mạo chàng một cái đẹp khắc khổ, nó cuốn hút lòng Quỳ về với chàng.
Từ ngày bà Xuân Thái ở nhà thương về thì bà coi Vượng như con rể bà rồi. Thôi thì nhà động có thứ gì ngon lành là bà bắt thằng bếp hay u già đem lại tận nhà Vượng. Và thường thường buổi chiều bà cho người nhà chờ ở cửa sở để mời Vượng lại ăn cơm. Vượng vì thấy bà còn yếu cho nên buộc lòng phải chiều.
Những chủ nhật thì Vượng không đến từ sớm không được. Mới tám giờ đã có mấy tin lại mời. Nhiều lần bà bắt Quỳ đi. Cái ý định của bà thì cả nhà ai cũng biết. Quỳ thì không vui lòng, nhưng một khi mẹ đã ép thì nàng cũng phải vâng lời. Còn Hồ thì chỉ lo Vượng từ chối để cho mẹ mình phải buồn.
Vượng thấy Quỳ không yêu mình thì đau đớn lắm, nhưng chàng đã cân nhắc một cuộc nhân duyên của Quỳ đối với Đạt. Chàng thấy rằng cuộc nhân duyên ấy lợi cho em mình nhiều lắm. Chàng chưa rõ những tư tưởng của Đạt, cho nên chàng đinh ninh rằng nếu chàng bảo thì thế nào Đạt cũng nghe.

*

Một buổi chiều thứ bảy, nhân cả vợ chồng Hồ cũng về thăm mẹ, bà Xuân Thái bảo làm cơm rồi mời Vượng đến. Sau bữa cơm, bà cho gọi Vượng và Hồ lên gác. Lúc bà vẫy Vượng lại gần giường, nắm tay chàng, rồi bảo Hồ:
- Mẹ định gả em Quỳ cho cậu cả, con nghĩ thế nào.
Vượng nghẹn thở chưa biết nói sao thì Hồ đã nhìn Vượng bằng một ánh mắt cầu khẩn rồi bảo:
- Nếu anh Vượng bằng lòng thì con cho không còn gì tốt hơn.
Thấy Vượng cứ ngồi lặng im, Hồ lo ngại:
- Nhưng con chỉ sợ anh ấy không bằng lòng thôi.
Bà Xuân Thái vuốt cổ tay Vượng:
- Tại sao con lại không bằng lòng? Nó hiếu thảo lắm. Nó cũng hiền hậu như con ấy. Có phải con chưa muốn cưới ngay, con chờ đến khi Đạt thi ra thì mợ cũng bằng lòng cơ mà! Con cứ ừ đi một tiếng thì mợ không gả nó cho ai nữa để nó chờ con. Con ừ đi cho mợ bằng lòng.
Trời rét như cắt mà mồ hôi Vượng vã ra như tắm. Trong tâm hồn chàng nổi lên một cuộc phấn đấu ghê gớm. Chàng nghĩ đến một cuộc nhân duyên mà vợ chỉ đem về một lòng kính trọng, chàng nghĩ đến cái phần hạnh phúc mà chàng bị mất, chàng nghĩ đến nỗi tẻ lạnh của đời chàng sau này, chàng nghĩ đến Đạt, nghĩ đến tấm lòng Quỳ yêu Đạt, nghĩ đến cuộc hôn nhân bắt đầu bằng một tình ái của Đạt với Quỳ, chàng nghĩ đến cái tính vung quăng bỏ vãi không cần tiền của Đạt, chàng nghĩ đến cái địa vị của Đạt sau này phải cần nhiều tiền để khuếch trương, chàng nghĩ miên man, chàng nghĩ đến tất cả. Rồi chàng vuốt những giọt mồ hôi lả tả trên trán:
- Bà và anh có lòng...
Chàng vừa nói đến đấy thì Hồ nhìn sắc diện của chàng biết trước rằng chàng sẽ từ chối, liền ngắt lời:
- Anh phải nghĩ kỹ... anh phải đắn đo suy nghĩ những cái mà anh sẽ mất. Anh nói anh cần chờ cho đến khi chú Đạt thi ra, thì mẹ tôi cũng đã bằng lòng rồi đấy... Anh phải nghĩ kỹ, anh phải nghĩ chín.
Mắt Vượng sáng quắc một cách đành lòng:
- Tôi đã nghĩ chín, tôi đã nghĩ kỹ. Nếu có phải bà và anh đã thương tôi thì tôi xin cô ấy cho chú Đạt, chứ tôi thì nhiều tuổi lắm và tôi không có địa vị gì, sợ không xứng đáng.
Hồ đứng phắt dậy:
- Không, anh xứng đáng hơn chú Đạt nhiều. Ai mà có thể ví với anh được.
Bà Xuân Thái cũng vội vun vào:
- Mợ thương là thương con, mợ bằng lòng là bằng lòng con. Mợ muốn cho nó lấy được một người hiếu thảo như con, chứ người sang trọng giàu có thì thiếu gì.
Vượng liếm hai mép lúc ấy đã khô như ngói:
- Bà đã thương con thì chú nó cũng thế.
Hồ phát gắt:
- Tại sao cũng thế được. Như thế là anh bỏ cái lòng mợ tôi và tôi quý mến anh.
Trước cái tình bạn tha thiết ấy, Vượng thấy mình cần phải thú thật. Chàng nói với Hồ bằng tiếng Pháp:
- Je crois qu’elle aime mon frère elle ne m’aime pas. [1]
Hồ kinh ngạc:
- Elle a... [2]
Vượng vội ngắt lời:
- C’est en amour platonic. Rien n’est encore réel. Je crois distinguer dans ses regardes, ses facons d’agir... [3]
- De ma soeur? [4]
- Oui, de ta soeur. [5]
- Mais ton frère... [6]
- Je n’en sais pas encore. Mais il ne demande pas mieux... [7]
- En ce cas, c’est autre chose... [8]
Bà Xuân Thái thấy hai người bàn soạn bằng tiếng Tây có vẻ không bằng lòng:
- Thì các con muốn nói gì cứ nói, hà tất phải nói tiếng Tây để giấu mợ.
Hồ bèn đỡ lời hộ Vượng:
- Anh ấy bảo hình như em Quỳ nó muốn lấy chú Đạt hơn.
- Sao lại hình như? Sao lại như thế được?
- Thì mợ còn lạ gì con gái bây giờ, nó vẫn thích những người có thể có địa vị và trẻ trung, chứ những người như anh Vượng...
- Thế thì chúng nó dại.
- Nhưng mợ bảo biết làm thế nào. Một khi đã không thích nhau mà lấy nhau thì gia đình làm sao mà êm đẹp được?
Bà Xuân Thái phải vuốt bụng trước sự thật. Bà chép miệng:
- Ngu đến thế thì thôi.
Vượng vội vàng an ủi bà:
- Thì trong hai anh em con, bà thương ai cũng thế.
Quay sang Hồ:
- Có một cách dễ biết lắm, và nó sẽ làm cho anh hết nghi ngờ là anh cho gọi cô ấy lên hỏi rằng bà muốn gả cô ấy cho một trong hai anh em tôi, anh sẽ thấy cô ấy bằng lòng ai.
Bà Xuân Thái buông tay Vượng, nhưng bà vẫn xưng hô mẹ con:
- Thôi mợ hiểu rồi. Mợ vẫn đinh ninh dành nó cho con, nên đã có nhiều đám đến xin nhưng mợ đều từ chối. Nó đã không biết vàng thau...
- Thưa bà, chú Hai nó lại còn nhiều đức tính hơn con. Học hành giỏi hơn là khác. Con cho rằng chú ấy mới xứng đôi hơn. Thôi thì đằng nào cũng là... bà thương.
Bà Xuân Thái vẫn chưa được hả lắm:
- Không, chú Hai thì cũng ngoan nhưng không thể ví như con được. Thôi thì con đã nói thế thì mợ cũng bằng lòng. Mợ năm nay già lắm rồi, sống chết ngày nào chưa biết. Con liệu mà thu xếp cho chúng nó thành gia thất đi để mợ sống mợ trông thấy, cho mợ vui mừng. Mợ chỉ tiếc mợ không có ba con gái để gả cho cả ba anh em thôi. Thế mai con bảo chú Hai đến đây chơi nhé. Thôi thì hai nhà đã như một, ta tiệp diệp thế nào xong thôi, chẳng bày vẽ ra nữa. Sao cho chong chóng, mợ sẽ cho chúng nó bốn nếp nhà ở Hàng Bông. Thôi thì mợ chẳng lấy gì cả. Hoa hột của nó cũng đủ cả rồi nên chẳng cần phải sắm gì. Con chỉ lo cho chúng nó cái lễ tổ là xong. Và nếu có phí tổn gì mợ sẽ cho hết. Nhà nhờ trời cũng có bát ăn, chẳng cho các con thì cho ai.

 

Chú thích:
[1] Tôi nghĩ là nàng yêu em tôi, chứ không yêu tôi.
[2] Nàng đã...
[3] Đấy là một thứ tình yêu thuần lý tưởng, chưa có gì thực tế cả. Tôi cảm thấy, qua những cái nhìn, qua cách xử sự của nàng...
[4] Của em gái tôi?
[5] Vâng, của em gái anh.
[6] Nhưng mà, em trai anh...
[7] Tôi chưa rõ lắm. Nhưng mà em tôi, nó chẳng mong gì hơn.
[8] Trong trường hợp đó, lại là chuyện khác.