Dịch giả: Mai Sơn
Chương 14
CỬA ĐÓNG

     ăm 1943, Tống Mỹ Linh, vợ của Thống chế Tưởng Giới Thạch, đi dọc nước Mỹ, từ Bờ Tây sang Bờ Đông, New York đến California. Hành trình của bà rất giống với hành trình của bà Nhu hai mươi năm sau. Người ta cũng gọi bà Tưởng là Rồng Cái - vì sự quyết tâm, bạo dạn, và cố tình quyến rũ. Và giống như bà Nhu, bà Tưởng cũng tham gia cuộc viễn chinh chống lại mối đe dọa đen tối do Chủ nghĩa Cộng sản đặt ra cho đất nước bà.
Nhưng bối cảnh thì khác. Chuyến đi thăm năm 1943 của bà Tưởng diễn ra chưa đầy hai năm sau vụ tấn công Trân Châu Cảng. Người phụ nữ Trung Hoa yểu điệu này xuất hiện ở phòng họp Thượng Viện Mỹ khắc họa nên một dáng vẻ thu hút; bà là nhân vật gây nhiều cảm hứng cho người Mỹ - họ đã chiến đấu chống kẻ thù chung trong Thế chiến thứ hai: Nhật Bản. Nếu bà Tưởng nói Cộng sản là một mối đe dọa khác đối với an ninh của Trung Hoa, nước Mỹ sẵn sàng tin bà. Công chúng Mỹ say mê cách ăn mặc của bà, cách bà phát biểu, và thậm chí vấn đề vệ sinh và trang điểm hàng ngày của bà. Báo chí cập nhật từng chi tiết chuyến đi của bà.
Dù vẻ ngoài lạ lẫm, với đôi mắt hình lưỡi liềm, tóc đen mượt, và dạng người nhỏ thanh mảnh, bà Tưởng vẫn khá quen. Bà từng đi học ở Wellesley. Bà biết cách nói chuyện với người Mỹ. Đây không phải là chuyến đi đầu tiên của bà đến nước Mỹ, và bà đã quen với văn hóa của nó.
Bà Tưởng hiểu một nghịch lý của Mỹ đã khiến bà hoài nghi một cách tự nhiên về cách mình được đối xử. Trong kinh nghiệm của bà, người Mỹ có thể thú nhận bị mê hoặc bởi câu chuyện lãng mạn phương Đông nhưng vẫn giữ thái độ phân biệt chủng tộc và trịch thượng. Bà Tưởng nổi giận với bất kỳ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay thái độ trịch thượng mặc nhiên nào vì bà là người Trung Hoa, và bà nhất định đòi hỏi phải có những nghi thức long trọng trong suốt chuyến thăm Hoa Kỳ của bà. Giống như bà Nhu, về lý thuyết bà Tưởng không phải là vợ của quốc trưởng danh nghĩa: Tưởng Giới Thạch là người có nhiều chức vụ, nhưng chức chủ tịch Trung Hoa không nằm trong số đó. Bất chấp điều đó, đích thân Tổng thống và Phu nhân Roosevelt chào đón bà Tưởng khi chuyến tàu lửa của bà dừng bánh trên sân ga ở Washington, D.C. Bà ngồi trên xe của họ chạy tới Nhà Trắng. Tại đây có một lần vợ chồng Roosevelt mời bà qua đêm tại Phòng Hồng và chuẩn bị giường cho bà với những tấm trải lụa cho hợp với làn da nhạy cảm của bà. Trong suốt chuyến đi, gần như mỗi tháng một đêm, vợ chồng Roosevelt lại mời bà Tưởng đến ăn tối với họ.(1)
Trái ngược hoàn toàn, bà Nhu vẫn đang nhận sự đối xử lạnh lùng từ bộ máy hành chính Kennedy và toàn bộ chính phủ Hoa Kỳ.
Bà Nhu đến Washington, D.C ngày 15 tháng Mười năm 1963. Bà đã nói chuyện với sinh viên Đại học Princeton ở bang New Jersey sáng hôm đó, và ngày hôm trước ở Đại học Cambridge, Massachusetts, trường Luật Harvard và Radcliffe College. Bà sẽ mất thêm một tuần nữa ở Bờ Tây, ở giữa và chung quanh thủ đô của quốc gia này, trước khi bay đến Chicago. Một lịch trình mệt nhoài. An ninh tăng cường đã được thực hiện; có lẽ do dự báo những cuộc biểu tình phản đối sẽ còn tệ hơn ở Washington so với ở New York. Do đó bà Nhu có cả đoàn tùy tùng theo sát bà đi qua Hạt Columbia và các vùng phụ cận. Bà cùng con gái đi trên chiếc xe dẫn đầu, một chiếc limousine dài màu đen, được cảnh sát mở đường, chặn xe cộ; thậm chí đoàn xe hộ tống của Tổng thống Hoa Kỳ cũng phải ngừng lại, chờ bà đi qua. Nghe cách bà Nhu tự hào nhớ lại điều đó năm mươi năm sau, bạn sẽ nghĩ bà là Moses rẽ Biển Đỏ để đi qua.
Bà Nhu bước lên thềm nhà cha mẹ bà vào tối thứ Tư, một ngày sau khi đến Washington. Ngôi nhà mới của vợ chồng ông Chương thật khiêm nhường. Sau khi bỏ lại sau lưng những phù hoa của Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng hòa hồi tháng Tám, người cựu đại sứ và vợ mình lui về sống ở một con phố cây xanh hai bên đường trong một khu dân cư của vùng Đông Bắc Washington. Ngôi nhà gạch kiên cố có hai tầng và chỉ có năm phòng. Nó là một ngôi nhà khá thoải mái, nhưng đối với đôi vợ chồng mang dòng máu hoàng tộc trong người đã quen sống có kẻ hầu hạ và xa hoa tột bậc, thì ngôi nhà trung lưu kiểu Mỹ này chắc hẳn là sự xuống dốc thê thảm.
Không phải nỗi nhớ nhà đã đưa bà Nhu đến trước cửa nhà họ, tuy bà biết rằng cha bà, trong diễn văn từ chức chứa đầy danh dự, đã nghẹn ngào khi nhắc đến con gái mình. Bà nghi ngờ cảm xúc của cha bà. Giữa công chúng ông Chương chỉ nhắc đến bà là Madame Nhu. Ông nói với các phóng viên rằng ông đơn giản là “không muốn biết tin cô ta”. Thực vậy, ông và vợ ông cảm thấy có bổn phận nói lên quan điểm của mình để “đánh tan mùi hôi thối” mà con gái họ đã gây ra. Cựu Tổng thống Harry Truman, mà con gái ông bằng tuổi bà Nhu, nghe nói đã nồng nhiệt khen tặng ông Chương đã đối phó xuất sắc với đứa con gái dữ dội của mình.(2)
Ông Chương tìm cách xem thường con gái mình trong vai trò Đệ nhất Phu nhân. Cô ta “không có thứ quyền lực mà người ta nghĩ là cô có”, ông sụt sịt khi được hỏi về sự vận hành bên trong của chính quyền Sài Gòn. Trong buổi phỏng vấn của CBS được phát trên truyền hình mạng lưới, ông trình bày chi tiết hơn. Người sếp chín năm của ông, Tổng thống Ngô Đình Diệm, chỉ là người đứng mũi chịu sào. Quyền lực thực sự ở Việt Nam thuộc về em trai ông và là con rể của ông Chương: Ngô Đình Nhu. Bà Nhu có thể đã bị tiêm nhiễm căn bệnh “cuồng điên quyền lực” như chồng mình, nhưng cô ta “chỉ là cái bóng”.(3)
Ông Chương đang tìm cách làm cho con gái mình trở nên tầm thường, nhưng ông đã thất bại.
Thay vào đó ông tái xác nhận những gì người Mỹ đã đi đến chỗ nghi ngờ và sợ hãi: rằng kết hợp với nhau vợ chồng ông Nhu có quyền lực cực kỳ lớn so với ông Diệm. Điều đó khiến cho bà Nhu có thêm, chứ không bớt, ảnh hưởng.
Những lời sỉ nhục vẫn còn gây kích động. Khi một nhà báo người Ý hỏi ông Nhu về cha vợ của mình, ông Nhu bày tỏ quan điểm của ông và vợ ông. Chỉ có lần này ông mới để rơi mặt nạ, và lời lẽ của ông thể hiện sự bạo lực trả thù vốn dường như hoàn toàn xa lạ với một người quản thủ thư viện thận trọng mà ông từng chứng tỏ. Nếu ông Chương trở về Sài Gòn, ông Nhu thản nhiên nói, như thể nhận xét thời tiết, “Tôi sẽ cho cắt đầu ông ta. Tôi sẽ treo cổ ông ta và để ông ta lơ lửng giữa quảng trường. Vợ tôi sẽ thắt nút sợi dây thừng vì cô hãnh diện là người Việt Nam và cô là người yêu nước thực sự”.(4)
Ngôi nhà tối om khi chiếc limousine tấp vào bờ tường. Lệ Thủy rung chuông cửa nhà ông bà ngoại trong khi mẹ cô đứng ngay sau lưng. Bà Nhu đứng chống nạnh, khuất tầm nhìn của người trong nhà khi nhìn qua khe lỗ khóa. Có thể nhìn thấy một ống quần lất phất qua khe tà áo dài, chân giày cao gót gõ nhẹ - vẻ nôn nóng và căng thẳng. Bà Nhu đóng vai đứa con gái hờn dỗi rất hoàn hảo. Chỉ hai ngày trước bà thậm chí đã là một người như vậy khi bà rên rỉ với các phóng viên NBC trong chương trình Meet the Press về cách mà cha bà đã thể hiện chống lại bà từ thuở nhỏ.
Bực bội vì chờ đợi, bà Nhu kéo Lệ Thủy qua một bên, rồi cong mấy ngón tay gõ cửa. Vẫn không có hồi đáp. Bà Nhu nhạy bén biết có khoảng hai chục phóng viên theo sát bà đến đây đang chăm chú từng cử động của bà. Đèn lóe lên, hắt ánh sáng lên những đường viển màu trắng của ngôi nhà, bắt lấy hình ảnh Đệ nhất Phu nhân đang khiêm nhường đứng đó. Giờ này bà Nhu đang phẫn nộ vì bị phớt lờ - và lại bị phớt lờ trước đám đông. Bà xoay lưng lại và đi nhanh ra sân sau. Chọc những cái lỗ trên bãi cỏ bằng đế giày nhọn, bà rảo bước về phía cổng sau, ở đó bà băng lên mấy bậc hiên và nhìn chăm chú vào trong nhà qua cửa sổ.
Những căn phòng tối om và những bức tường bên trong gần như trống trơn. Bà có thể nhận ra những chiếc ghế mượn tạm mà cha mẹ bà đang sử dụng hay căn phòng không trải thảm. Tấm ảnh chụp hai vợ chồng dựa vào cái chụp đèn, và họa phẩm duy nhất là bức tranh lụa thanh nhã vẽ đôi bàn tay của bà Chương. Có lẽ còn có những cái hộp chưa mở. Khi vợ chồng ông Chương rời khỏi Tòa Đại sứ, chắc chắn họ đã đem theo nhiều thứ hơn chứ không phải chỉ thế này - như bộ sưu tập sách, bình lọ và họa phẩm Á châu. Tấm ảnh chụp gia đình từng treo ở vị trí nổi bật trong Tòa Đại sứ, tấm ảnh chụp bà Nhu khi còn là cô bé nắm tay cha mẹ, giờ không thấy đâu nữa. Có một cái máy quay đĩa nhỏ mà ông Chương từng để bên cạnh bàn làm việc của mình ở Tòa Đại sứ. Ồng dùng nó thường xuyên để nghe các vở kịch của Shakespeare. Chúng “đầy minh triết”, ông nói; ông Chương thích nghe những câu chuyện kể hàng thế kỷ trước và tìm cách làm cho những thức nhận của chúng thấm sâu vào trong hành vi con người. Vở bi hài kịch tự nó đang diễn ra trong đời thực trên bãi cỏ trước nhà ông có tất cả sự khẩn thiết - và tiềm tàng sự hủy diệt - của màn chót một bi kịch Shakespeare.(5)
Đó là tất cả những gì mà người làm báo ở Washington có thể làm để bám sát Đệ nhất Phu nhân khi bà lẻn vào cơ ngơi của cha mẹ bà. Bà Nhu cảm thấy khó chịu. “Thật không hiểu nổi. Mới hồi nãy tôi còn gọi điện nói chuyện với ai đó ở đây”. Nhưng giây phút đó đã qua, và giờ đây vợ chồng ông Chương không có ở nhà hoặc họ đã làm một việc tuyệt vời là làm bộ không có ở nhà. Bà Nhu và Lệ Thủy thu người chui vào băng ghế sau chiếc limousine, và chiếc xe lao đi. Nó băng qua những đường phố vắng lặng của thủ đô cho đến khi đột ngột dừng lại trước Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng hòa. Khi bà Nhu đi vào trước cửa và gõ mạnh, một dáng người mặc trang phục màu trắng mở cửa gần như ngay lập tức. “Châu!”, bà Nhu kêu lên. Sau đó, theo các phóng viên đến đúng lúc để chứng kiến cảnh đó, bà Nhu gieo người vào hai cánh tay của người đàn ông nhỏ thó. Sau này có người giải thích với báo chí rằng Châu là người đầu bếp của gia đình bà trong nhiều năm. Ông ta dẫn bà Nhu và Lệ Thủy vào trong tòa nhà, tránh xa đám báo chí soi mói. Tân đại sứ Việt Nam Cộng hòa từng nói với người Mỹ một cách tự tin rằng ông không quan tâm nhiều đến Đệ nhất Phu nhân, nhưng ông đủ khôn ngoan để thết đãi một bữa ăn tối đàng hoàng - công việc của ông, nếu không muốn nói là của cả đời ông, đã gặp nhiều hiểm nguy nếu làm khác đi. Và bởi vì nhà ngoại giao mới nhận chức để ông Châu tiếp tục làm việc sau khi vợ chồng ông Chương ra đi, bếp núc ở đây có lẽ vẫn đầy sẵn những nguyên liệu để làm ra những bữa ăn mà bà Nhu từng ưa thích khi còn nhỏ - có thể là món phở bắc đuôi bò vị cây hồi hay những viên chả heo nướng bọc lá diếp thơm mùi bạc hà. Hương vị gia đình sau cùng của bà Nhu không đến từ cha mẹ bà, những người bỏ bà đứng trong giá lạnh, mà từ người đầu bếp họ từng thuê. Đó là một gợi nhớ cay đắng dù cũng quen thuộc, như tuổi thơ của bà quay lại lần nữa từ đầu, khi cha mẹ bà bỏ bà trong trang viên của ông bà nội và giao cho hai người vú nuôi chăm sóc.
Khi bà Nhu còn ở châu Âu trước khi đến Mỹ, mẹ bà đã gọi một cố vấn thân cận của Tổng thống Kennedy đến ngôi nhà mới của bà dự một cuộc họp “sống còn”. Khi ông ta đến, bà nói thẳng: Yêu cầu ông Kenney loại bỏ anh em họ Ngô. Ông Diệm bất lực; em trai ông, ông Nhu, là un barbare (tên man rợ). Về đứa con gái của bà, bà Chương nói rằng bà đã khuyên mọi người trong cộng đồng người Việt ở New York và Washington “lấy xe hơi” tông bà Nhu khi bà ấy đến. Nếu họ không dám làm việc đó, thì nên ném cà chua và trứng thối. Liếc qua vành tách trà, bà thề với ông cố vấn Tổng thống Kennedy rằng nếu Nhà Trắng không làm gì để bịt miệng bà Nhu, thì bà, bà Chương, hoàn toàn có thể tổ chức “một cái gì đó chống lại con quái vật này”.
Cuộc trò chuyện đó được ghi lại đẩy đủ và xếp vào loại “mật”. Một viên chức có óc mỉa mai đã viết nguệch ngoạc bên cạnh tài liệu này: “Tình thương của mẹ”.(6)
Trong mấy ngày tiếp theo ở Washington, bà Nhu đi ngược lại lời khuyên mà bà tiếp nhận từ Marguerite Higgins, phóng viên của tờ New York Herald Tribune. Người Đệ nhất Phu nhân này đã quay lại chỉ trích chính phủ Mỹ, một sự công kích dự tính sẽ cản trở và làm tổn hại đến chính quyền Đảng Dân chủ, mà bà buộc tội là mềm mỏng với Cộng sản. Một số người tự do giấu tên vây quanh Kennedy, bà nói, “chưa đỏ, nhưng hồng”.
Hơn nữa, đám đông có vẻ cảm thông với bà Nhu. Năm trăm người ngồi chật kín ở Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia để được nhìn thấy bà hôm thứ Sáu, ngày 18 tháng Mười. Cử tọa đó đã làm gián đoạn bài phát biểu của bà hơn hai chục lần bằng những tràng pháo tay - trung bình ba phút một lần khi bà Nhu ở trên sân khấu. Đáp lại, bà rừ rừ trong miệng và mỉm cười duyên dáng. Bà ngợp trong thiện chí của dân chúng Mỹ, bà nói. Tuy nhiên, bà vẫn còn chút buồn phiền và bất an. Chính quyền Kennedy tiếp tục đối xử lạnh nhạt với bà. Bà nói bà hiểu rằng đây không phải là chuyến công du cấp quốc gia. “Nhưng vẫn có cách thức để thực hiện những điều này”. Bà Nhu chọn giọng điệu “đau khổ thay vì giận dữ” và gợi ý chính quyền Kennedy có thể xử lý toàn bộ vấn đề, thực chất là toàn bộ chính sách liên quan đến Việt Nam Cộng hòa, tốt hơn một chút. Bà hàm ví rằng chính quyền này không thực sự biết nó đang làm gì và đang đối phó với ai. Những lời nói bóng gió của bà hẳn đã làm ông Kennedy điên tiết. Nhưng, như mọi khi, bà Nhu không sai.
CHÚ THÍCH
1. Những chi tiết về cuộc viếng thăm Hoa Kỳ vào mùa xuân 1943 của bà Tưởng được mô tả trong Madame Chiang Kai-shek: China’s Eternal First Lady của Laura Tyson Li, (New York: Atlantic Monthly Press, 2006), 197-198.
2. Về Trần Văn Chương nghẹn ngào trong diễn văn từ chức của ông, xem “Sad-dened Diplomat”, New York Times, 23 tháng 8, 1963.
3. Về lời trích dẫn rằng bà Nhu “không có cái quyền lực mà người ta nghĩ là bà có”, xem Henry Raymont, “Diems US Envoy Quitsin Protest, ”New York Times, 23 tháng 8, 1963. Về lời dẫn cho rằng ông Nhu là một lãnh tụ đứng mũi chịu sào và bà Nhu là cái bóng của ông, xem Joseph Wershba, cuộc phỏng vấn Trần Văn Chương trên CBS, New York Post, 18 tháng 10, 1963.
4. Câu “Tôi sẽ cho cắt đầu ông ta” trích từ cuộc phỏng vấn của ông Nhu với tuần báo Ý Espresso; xem “Điện tín từ Lodge ở sứ quán Sài Gòn gởi đến Bộ Ngoại giao, 7 tháng 10, 1963, 7 p.m.”, Document 186, FRUS, 1961-1963, 4:385-386.
5. Những mô tả về ngôi nhà và đổ đạc của ông Chương, xem Nan Robertson, “Ex-Saigon Envoy”, New York Times, 22 tháng 9, 1963.
6. Cuộc trò chuyện của người hầu cận Kennedy với bà Chương về việc đã tông xe hơi vào bà Nhu, xem Document 18, September 17, 1963, FRUS, 1961-1963, vol. 4.