Chương III

     ai giờ đêm rồi!
Gió bấc nổi từng cơn ào ào, những giọt mưa mỏng manh như bụi, lấm tấm bay... Thật là cảnh trời sầu đất thảm, nhất là vào lúc cuối năm, cả một xã hội ai nấy cũng đều điêu linh vì lo chạy cái Tết khốc hại. Trông thấy cảnh mưa phùn gió bấc, Liêm cũng có băn khoăn nghĩ đến cái ngày xuân, nay mai, nó sắp tới, nhưng nó chẳng vui gì. Tuy chàng đương đau khổ lắm, song khi trông thấy, trên hai vỉa hè của các phố vắng vẻ, thỉnh thoảng có bóng dáng của một vài người ủ rũ trong đêm khuya, chàng cũng chạnh lòng nghĩ đến cái nghĩa nhân sinh phiền phức của cuộc đời, và thấy rằng cái khổ của chàng có lẽ chỉ là một thứ khổ sướng. Rồi chàng thấy nóng ruột lắm, không biết Quỳnh ở nhà hiện giờ làm gì, ra sao... Chàng rờn rợn lo sợ một cách vu vơ thấy mình hình như có tội, hĩnh như đã phũ mồm quá.
Liêm quay lại bảo Cử Tân:
- Này anh, anh!... Hay là... hay là tôi về?
Cử Tân ngồi nhổm ngay lên, sửng sốt như bị một kẻ xúc phạm rất nặng, gay gắt hỏi:
- Mais qu’est ce que tu me chantes, crénom de Dieuz [1].
Liêm lắc đầu, làm ra vẻ lần khân:
- Thôi, xin lỗi anh thôi, tôi không về thì không xong!
Cử Tân, với một thứ giọng bất kỳ chua lanh lảnh:
- Rõ đồ khốn nạn ở đâu ấy! Tao đùa với mày đấy à? Tự nhiên mày chạy đến nhà tao, mày kêu là mày đi ngủ lang đêm nay vì mày đã cãi nhau với vợ mày, thế rồi tao cho bồi đi mua thuốc, hút để thức đêm với mày, rồi tao lại cho đi tìm mấy người bạn gái nữa đến đây cho nó vui chơi một đêm, vì mày, mà bây giờ mày lại đòi về! Tao xin hỏi ngay đến Thượng đế rằng mày như thế là có phải hay không!
Liêm vỗ vai người bạn đương cáu, xin làm lành:
- Thôi, thôi, mày im đi, tao lạy mày nữa, tao nhất định ngủ lại đây vậy!
Cử Tân đã nguôi, nhưng cũng còn tức, lại được thể nói tục hơn nữa:
- Mẹ kiếp! Chứ con giai con giếc mà thế vợ nó sẽ nhổ vào mặt cho! Đã giận thì cho nó ra giận, đã đi chơi đêm thì phải cho nó ra đi chơi đêm! Một vài lần dọa, có thể nó mới sợ mình... chứ cứ cái chính sách nửa vời như thế, cương đấy lại nhu ngay đấy thì nó còn sợ đếch gì mình nữa! Ông ghét nhất những thằng vừa đánh vợ xong mà lại làm lành với vợ ngay, nhoen nhoẻn ngay như chó với mèo, ban ngày vừa thượng chẳng chân hạ căng tay xong, ban đêm chưa chi đã lại rúc đầu ngay vào với nó rồi! Đê nhục lạ một cách! Những thằng như thế tao truyền đời báo danh cho mày biết không sợ vợ thì cũng mọc sừng nay mai thôi.
Liêm cười nhạt để chữa cái hổ thẹn, van vỉ:
- Thôi thì tao lạy mày nữa! Sao mà mày nói như đàn bà ấy thế!
- Khốn nhưng mà những hạng “cu ngẩu” mới nhớn lên như mày, nếu không có người nào mở mắt thì không xong cơ!
Liêm ngồi xuống cởi áo dài ra, vứt xuống cái ghế trường ở bên cạnh để tỏ ra mình đã nhất định không đòi về nữa. Cử Tân ném gói thuốc lá thơm về phía trước mặt Liêm, mời trịch thượng như ra một cái lệnh:
- Hút đi! Rồi kéo vài điếu thuốc phiện nữa để mà nói chuyện! Vợ mày nó ngủ một mình một đêm thì đã sao đâu! Đòi về nhặng mãi!
Liêm ngoan ngoãn lại nằm xuống sập, tuy trong lòng vẫn phấp phỏng, tưởng chừng như sắp có một sự gì sẽ xảy ra. Cử Tân lại bàn rộng chung quanh cái cử chỉ lúc trước của người bạn trẻ:
- Thật đấy, mày cứ liệu ngay từ giờ đi thì vừa! Phương ngôn đã có câu: Dạy con từ thuở con thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về...
Liêm phì cười, ngắt:
- Mày cừ nhỉ? Tao không ngờ một người gần vong bản như mày mà còn nhớ phong dao...
- Chứ lép! Nếu mày không biết ra oai một vài lần, đánh mắng phủ đầu đi cho vợ mày nó sợ trước đi, nhỡ mà cho con vợ mày nó nhờn, nó lấn áp mày, thì rồi mày chết. Thì rồi thế nào mày cũng sợ vợ. Mà anh phải biết cái điều này mới được nhé? Là càng những thằng yêu vợ, sợ vợ, quý vợ, thờ vợ, thì lại là những thằng có nhiều sừng nhất ở trên đầu! Đấy, mày cứ ngẫm mà xem tao nói có đúng không? Những thằng chồng mọc sừng phần nhiều là những thằng dễ thương cả, yêu vợ cả, mới là những thằng chồng có vợ trung thành vào bậc nhất! Nỗi đời nó lại vô lý như thế mới chó chứ?
- Anh nói đúng lắm.
Đáp thế xong, Liêm ngẫm nghĩ mãi về những lời ấy, và càng ngẫm nghĩ, chàng lại thấy là đúng sự thực. Do thế, chàng được yên tâm. Chàng không lo mình đã phũ mồm, đã quá đểu với vợ nữa. Trái lại Liêm còn cho mình là phải nữa, nhất là sau khi, với luận điệu xác đáng kia, ông bạn từng trải đã vô tĩnh an ủi được mình. Liêm nghĩ đến câu phương ngôn: Có hạng đàn bà thích bị đánh đập. Quỳnh có thể ở vào hạng ấy được lắm, và nếu Liêm không mắng, không sỉ nhục, không đánh đập, thì có khi không xong! Trong óc Liêm bây giờ, cái giá trị của đám phụ nữ chỉ còn cái giá trị nô lệ. Không, không, sỉ nhục vợ, Liêm chỉ đã giữ đúng cái bổn phận của người làm chồng! Không ai có quyền gì được nói vào đấy, mà cả đến Quỳnh nữa, cũng không được phép oán hận! Những đàn bà được chồng yêu quý lắm thì sẽ xỏ chân lỗ mũi chồng để đi ngủ với trai mà thôi!
Tuy nhiên...
Không, không được thật, không xong thật. Dẫu sao đi nữa, Liêm cũng biết mình đã trót quá nóng. Mắng Quỳnh thì được, nhưng lại sỉ nhục Quỳnh cả việc có một người mẹ không ở vậy thì quả thật đó không phải là chuyện chơi. Dẫu sao, Quỳnh cũng không có lỗi gì, trong cái sự mẹ nàng đã đi bước nữa. Nếu Quỳnh có tội thì bị mắng đã đành... Nhưng bị sỉ vả vô lý, chi cho khỏi Quỳnh không tủi thân? Không, mình đã có lỗi. Nghĩ thế, Liêm băn khoăn lắm, vì rằng, dẫu sao, chàng cũng chưa phải là người mất hẳn trí khôn. Nhưng mà đáng lẽ tự oán trách mình, thì Liêm lại bị lòng tự ái xui giục cho nghĩ khác hẳn, lấy lẽ rằng ắt phải có vì lẽ gì, chàng mới phải nói tàn nhẫn đến thế, và kẻ nào làm cho chàng phải nói thế thì chính kẻ ấy mới có lỗi. Thốt nhiên, lỗi của Liêm bao nhiêu lại đổ cả vào đầu Quỳnh! Trước ngọn đèn dầu lạc, chàng tần ngần giở hai lá thư, hai lá thư mà không lúc nào chàng quên giữ trong mình như bùa hộ mệnh.
Trong lá thư đầu tiên mà Quỳnh gửi cho chàng, Liêm đã để ý đến hai câu này: “Sự thực em cũng đã yêu vụng dấu thầm anh trong bao nhiêu lâu nay! Bây giờ được anh ngỏ ý ra, em sướng quá, thật là hả lòng hả dạ”.
Đồng hồ đã đủng đỉnh điểm 3 giờ đêm, song Liêm không để ý.
Trong thâm tâm chàng, lại thấy sôi nổi một mối ghen tuông hình như chính đáng lắm. Chàng tự hỏi: “Ừ, nó đã ‘yêu vụng giấu thầm’ bao nhiêu người như thế trước khi nó yêu vụng giấu thầm ta?”.
Tư tưởng hoài nghi về dĩ vãng khiến Liêm lại đau khổ lắm, tưởng chừng có thể khiến chàng quay về nhà ngay lập tức để lại gây sự với vợ một trận nữa! Chàng tiếc rằng lúc ban chiều đã quên mất điều ấy, không đem ra căn vặn, để sỉ nhục, để hành hạ... Chàng nhắc lại cho khối óc: “Ừ, đã bao nhiêu thằng đã được nó yêu vụng giấu thầm như ta? Thật thế, vì rằng trên cõi thế gian, không phải chỉ có một mình ta là đáng yêu mà thôi, cũng như không phải mình ta là người con trai thứ nhất và cuối cùng, mà nó gặp trong đời nó! Không còn gì nữa, dám chắc con này đã phải lòng nhiều người rồi, nó sẽ lấy người khác, và dẫu lấy ai, hẳn nó cũng nói y như thế. Như vậy, còn đâu là cái trinh tiết tinh thần! Mà chỉ cái trinh tiết tinh thần mới là đáng kể mà thôi!”. Liêm thở dài một cái.
Cử Tân ngừng tay tiêm hỏi đổng:
- Mày khổ gì thế? Sốt ruột à? Hối hận à?
- Không có gì đâu!
Liêm giở đến cái lá thư kia, tức là cái thư do chính tay Quỳnh viết, không biết gửi cho thằng nào mà để cho thằng ấy lại gửi đến cho Liêm, cái nguồn gốc mọi sự đau khổ của chàng. Đến lúc này, chàng bừng bừng nổi giận, thấy mình ngu ngốc quá đi mất! Trước một sự nhỡn tiền như vậy mà chàng còn lại phải hoài nghi... Thì cũng như hai với hai là bốn, Quỳnh đã có nhân ngãi rồi, sao Liêm còn bị họa lai thần ám đến như thế nào mà vẫn không hiểu, vẫn chưa yên trí? Vậy mà chàng lại còn sợ vợ mình bị mắng oan! Thật vậy, nếu Liêm mù lòa, ấy chỉ vì tại chàng đã quá yêu vợ... Không, nay chẳng phải áy náy gì, cũng như mai, chàng sẽ chẳng trù trừ gì, mà làm tan hoang một phen cho mà xem! Vả chàng đã bảo vợ nên sửa soạn cái chết, mà vợ chàng không nói gì cả, vậy sự im lặng ấy, vào trường hợp ấy, mà lại còn chưa là một cách thú tội? “Thật thế là mù lòa vô cùng!”. Nghĩ thế, chàng lại thở dài một cái nữa, giữa lúc đồng hồ vừa điểm bốn tiếng mà không biết.
Thốt nhiên, thấy dưới nhà có tiếng đẩy cửa, một chuỗi cười, một hồi gót giày nện hùng dũng vào bực thang, Cử Tân bảo Liêm:
- Chết thật, không biết hai con bé đi đâu mà đến giờ mới lại!
Liêm sửng sốt:
- Ủa! Đã đến bốn sáng rồi! Thức khuya mà không thấy đêm dài thì tệ thật!
Cánh cửa bị đẩy: đó là Khánh và Paulette, cô đầm lai. Cử Tân hỏi trống không:
- Thế nào? Ở tổ quỷ nào chui ra đấy? Các em vừa đi lừa dối ai xong thì về ngay đây, có phải không? Gớm thiệt, nhà mình thật là chỗ ba vạ.
Người đầm lai đấm Cử Tân thùm thụp mà rằng:
- Thối chửa, cho nó đi gọi người ta, lại còn kêu nhà ba vạ.
- Sao lại đến bây giờ mới về?
- Ở Royal Bar bước ra, gặp ngay cái thằng thổ tả ấy, cứ xe giờ gióng ba đi mãi, đi mãi!
Trông thấy cảnh tượng ấy, Liêm nghĩ thầm: “Như Cử Tân thế mà là phải! Chẳng yêu ai, chẳng lấy ai. Đàn bà nào cũng chỉ coi là cái đồ chơi chốc lát, như thế, chẳng bao giờ phải khổ sở”. Khánh đến ngồi bên cạnh chàng, lấy khuỷu tay thích vào vai chàng một cái. Liêm bèn nói nửa thật nửa bỡn:
- Gớm, em làm cho anh nhớ em làm sao!
Khánh bĩu mồm:
- Thôi đi, đừng bịa!
- Thật đấy chứ lại bịa!
Cử Tân nói đỡ:
- Anh ấy nhớ em quá cho nên anh ấy phải lấy vợ cho nó khuây đi đấy! Nào, mời các tiên nga, xin các tiên nga nằm dài ra đấy để cho bỉ nhân được hân hạnh gánh vác cái bổn phận của thằng bồi tiêm!
Mỗi chuỗi cười của cô đầm lai chấm cho câu pha trò có duyên ấy. Khánh nằm cạnh Liêm nói hỗn:
- Gớm, cái mặt! Lấy vợ có khác: Võ vàng ra rồi! Có sướng không? Thôi thế là từ nay mà đi, tôi với anh thế là hết tình hết nghĩa!
Liêm nắm lấy cổ tay Khánh, song cô gái giang hồ giằng ra, làm phách:
- Thôi đốt anh đi! Anh có vợ rồi thì còn nước non gì!
Nằm dài bên cạnh người con gái có thứ nhan sắc ngây thơ ít khi thấy ở bọn giang hồ như thế, Liêm tự hỏi một cách đau đớn: “Lạ thật, sao một thiếu nữ như thế này lại phải đi làm cái nghề của chung mọi người? Ừ, nếu gặp ở ngoài đường, liệu có ai dám tưởng người như vậy mà trụy lạc không? Con này nó nghĩ gì? Nó sướng hay khổ? Nó có một khối óc không? Một quả tim không? Cái gì đưa nó đến chốn này? Hư hỏng hay số kiếp?”. Rồi chàng đem cái hình ảnh của Quỳnh ra so... Thật vậy, chàng, trong một phút mà linh trí sáng suốt ít có, hiểu rõ cái mỏng manh về số phận của người đàn bà, của kiếp hoa, và câu “hồng nhan bạc mệnh”. Chỉ cần một tí thôi, một thiếu nữ lương thiện có thể hóa ra trụy lạc được rồi! Và cứ như hiện tình xã hội này và với phong trào vật chất ấy, với sự suy đồi của thế kỷ như vậy thì đàn bà nào lại là không chịu một chút ảnh hưởng nào cả! Cái mối thương tâm vu vơ ấy khiến Liêm kết luận như thế này: “Nhưng mà thà cứ lấy ngay đĩ làm vỡ lại không sợ lôi thôi!”. Trong tư tưởng ấy, Quỳnh của chàng đã bị kết án vắng mặt mà chàng không biết...
Liêm mỏi mệt lắm, tuy nằm cạnh một thiếu nữ rất đẹp, chàng cũng chẳng buồn nghĩ đến sự đùa nghịch để cho khuây bớt những nỗi buồn rầu trong óc. Chàng chỉ muốn chợp mắt đi được một lúc thôi. Trong khi ấy, Cử Tân với cô đầm lai chuyện trò, bù khú rất tự do. Chàng không hề để ý, không nghe thấy gì cả.
Thời gian chạy vụt đi, chưa chi đã sáu giờ. Liêm ngồi dậy, nhìn ba người kia lúc ấy lim dim ngủ, sự nhọc mệt rõ rệt trên ba cái mặt đầy những trụy lạc quý phái và thức đêm: Thì vừa lúc tên bồi nhà Cử Tân chạy vào, khoanh tay nói:
- Thưa ông, có người nhà đến hỏi ông!
Giật mình, Liêm ngồi nhỏm lên, chạy ngay ra hành lang. Đó là thằng Ba, đứa ở của bố mẹ chàng. Liêm cau mày sợ hãi hỏi:
- Cái gì? Cái gì mà tìm tao sớm thế?
Thằng Ba mặt cũng tái mét, lắp bắp:
- Thưa cậu, ông bà bảo con đến đây... Mợ... Mợ nhà ta... tự tử... ở Hồ Tây... xác đã đem về... nhà thương Phủ Doãn... đội xếp đưa giấy gọi!
Chú thích:
[1] Này, mày nói cái gì với tao thế? Hở Thuợng đế?