Chương III

     a đến ngoài phố, Liêm đi thất thểu như kẻ vô hồn. Chàng không trông thấy gì cả. Phố xá đông người và xe như vào những ngày hội. Nhưng tai chàng đương ù, mắt chàng đương quáng, trí não chàng đã không còn sự thông minh. Chàng đi giữa cái tấp nập của Hà Thành vào một buổi chiều thứ bảy cũng như đang đi trong một giấc mộng mà những sự vật quanh mình hiện ra rồi lại mờ đi như những cái ảo ảnh. Từ phố cửa Đông, Liêm cứ việc tiến thẳng, tuy chẳng biết mình đi đâu. Đến phố Richaud, nhờ có hai rặng cây che bớt ánh sáng của những đèn điện, nhờ sự thưa vắng của một phố Tây, chàng mới bắt đầu tỉnh táo, và tìm thấy cái trí não đã lạc mất trong một lúc.
Ở nhà vừa rồi đã xảy ra một tấn kịch chưa bao giờ thấy có. Chỉ vì việc Quỳnh, Liêm đã nằn nì với mẹ, và yêu cầu mẹ nhân cơ hội có bà tham Bích tại Hà Nội, thì nên đi nói ngay... Bà mẹ vì là người cổ, nên không hiểu rằng vào thời buổi này thì cần phải để cho thiếu niên có quyền tự ý kén chọn bạn trăm năm và lập gia đình, nên đã lưỡng lự. Có hai nguyên nhân là vì mẹ Quỳnh đã đi lấy chồng khác, hai là vì Quỳnh đã có tiếng là có nhiều vốn riêng. Bà mẹ sợ rằng chửa dò la ý tứ mà đã hỏi ngay, nếu thất bại thì sẽ bẽ bàng lắm.
Vả lại dẫu hỏi mà được ngay nữa, bà cũng chẳng thích gì cho lắm, bà chẳng muốn con mình mang tiếng “đào mỏ”. Do thế, ông cụ phải bênh con trai bằng cách bác bỏ những lý luận của vợ. Hai người đã tiếng bấc tiếng chì cùng nhau. Và cụ phán ông đã chít khăn đi chơi một cách giận dữ. Thấy bố bênh, được thể, Liêm cũng đem hết quyền của một người con trai để buộc mẹ phải theo ý mình. Chàng đã nói: “Thưa mẹ, con năm nay đã hai mươi bảy tuổi đầu rồi. Về đường ăn học thì, một người như con, thế không phải là để nhục cho bố mẹ. về phần tư đức, con tưởng con cũng là người con ngoan, thật chưa hề làm gì cho bố mẹ phải phiền não. Vậy mà con chỉ đợi cái quyền rất chính đáng của con là tự ý kén chọn lấy vợ, nó là việc hệ trọng cho cả đời con, và chỉ quan hệ cho con mà thôi. Nếu đến cái việc ấy mà cũng không được nữa; mà con phải thất vọng, thì mẹ đừng lấy làm lạ rằng con sẽ đâm ra hư thân, chơi bời, suy đốn... Thật thế đấy, con không nói dọa mẹ đâu!”. Nói xong, Liêm đi liền.
Cái kiêu ngạo, cái tự phụ, xưa kia kín đáo, nay chàng đã nói ra miệng cả. Đó là một sự phản động mãnh liệt của một người con đem ra đối phó với những quyền hành của một bà mẹ không thức thời, nó làm chính Liêm cũng phải ngạc nhiên. Chàng không ngờ rằng mình lại cả gan quyết liệt đến như thế với mẹ. Nhưng nếu không thế thì không xong? Liêm đã trông thấy ngày Quỳnh thổ máu mà chết như Tố Tâm nếu chàng sẽ cúi đầu trước những lễ giáo với gia đình một cách nhu nhược như Đạm Thủy, một người vô lý.
Dần dần, tự cái ngờ ngợ không hiểu rằng mình là đứa con bất hiếu hay một thiếu niên có nghị lực, Liêm đi đến cái tâm trạng được yên trí rằng mình chỉ còn là người làm theo đúng lẽ phải trong cuộc chiến đấu lấy cái hạnh phúc cá nhân. Chàng lại nhiễm phải ít nhiều tư tưởng... quá khích bằng cách chủ trương rằng phàm con người ta ở đời, muốn chinh phục lấy điều gì, thì phải chiến đấu, phải ngang ngạnh một chút, chứ kêu xin như một kẻ ăn mày thì chẳng bao giờ được toại chí.
Vậy, Liêm phải làm gì bây giờ? Phải tỏ rằng mình đã phẫn uất đến nỗi liều lĩnh để dọa nạt bà mẹ. Người mẹ nào mà lại không nhu nhược, trước cái liều đời của một đứa con? Nghĩa là Liêm phải đi chơi cả đêm? Đi hát, đi khiêu vũ, đi hút thuốc phiện, đi tìm cái tình dục ô trọc với bọn kỹ nữ, cái gì cũng được cả, miễn là đi suốt đêm. Để bà phải hoảng hồn, khi thấy đứa con vì thất vọng mà đổ đốn.
- Ừ, vốn biết thế, nhưng ta đi đâu? Và đi với ai bây giờ?
Thật thế, đó là sự khó giải quyết. Ngót ba chục tuổi đầu rồi, Liêm cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ. Chàng chưa hề biết cái gì là chơi bời. Đó là một thiếu niên ít có, ở giữa Hà Thành mà vẫn ngây thơ, nếu ta không muốn nói là nhà quê. Hư thân đi chơi đêm, đó chẳng phải là việc dễ dàng như chàng vẫn tưởng.
Hai tay đút túi quần, đầu hơi cúi, Liêm cứ ung dung đi như đếm từng bước, như một triết nhân đang suy nghĩ về một vấn đề thuộc hình nhi thượng học [1].
Bỗng tầm mắt chàng dắt tới một chiếc xe hơi nhỏ, sơn màu trắng, đỗ ngay ở vỉa hè. Chàng còn ngờ ngợ thấy rằng chiếc xe này hình như của một người nào quen thuộc, thì vừa chợt sau lưng đã thấy có người gọi:
- Tiens! Mon Petit Chose! [2]
Đó là Cử Tân, một bạn đồng nghiệp. Liêm quay lại... Cử Tân lúc ấy mặc sơ-mi và quần đùi, đứng trước cổng sắt, có một mẩu thuốc lá lập lòe ở miệng. Sau khi bắt tay nhau, Cử Tân đẩy cửa ý bảo Liêm vào nhà mình.
- Ơ kìa! Tôi tưởng không phải nhà anh ở phố này.
- Tao mới dọn lại đây có năm hôm.
- Xe anh để thế này, chắc anh định sắp đi đâu...?
- Không! Vả lại có định sắp đi đâu thì hoãn lại cũng không sao.
Đáp xong, Cử Tân vỗ vai Liêm, đẩy vào nhà, lên gác bằng mười cái bậc xi-măng mà trên là một giàn nho.
Cử Tân vốn là một giáo sư của nhà nước, đỗ đạt từ khi cái bằng cử nhân còn là một vật hiếm có, cho nên không mấy ai là không biết tiếng. Lương anh đã trên ba trăm bạc ngay từ lúc tuổi anh ta chưa ngoài ba mươi. Không ai hiểu vì lẽ gì Cử Tân xin thôi trường nhà nước để dạy học tư. Người ta chỉ biết rằng đó là một anh chàng có cái học thức rất uyên bác, đã lấy vợ đầm, và do thế, bị cái xã hội thượng lưu Việt Nam coi là đồ vô tích sự cho nòi giống. Từ khi góa vợ, Cử Tân sống như một kẻ cô độc, giết cái buồn ở những nhà khiêu vũ hay ở xóm Khâm Thiên. Đó là một người có học thức và ăn chơi rất bậy bạ.
Vốn đã sẵn có một thành kiến, một mối ác cảm không nguyên cớ, xưa nay, gặp Cử Tân ở trường, Liêm chỉ bắt tay chào hỏi qua loa thôi. Nói đúng ra, thấy một người cao tuổi sống một cuộc đời khác mình, thoạt đầu Liêm đã e sợ, coi mình không đủ tư cách giao thiệp với hạng người ấy. Cho nên bao giờ đối với Liêm, Tân cũng vồ vập, cũng xưng mày, tao, mà Liêm thì vẫn phải giữ thái độ dè dặt, hơi lãnh đạm. Tân hay vỗ vai Liêm mà gọi chàng là “mon Petit Chose...”. Thoạt đầu, Liêm bất bình về cách gọi thân mật ấy lắm, nhưng sau, thấy cái vẻ mặt mình có sự ngây thơ, hiền lành, đứng đắn nên Liêm lại hóa ra hơi thích chí nữa. Tuy vậy, chàng cũng chẳng tìm đến nhà Cử Tân bao giờ. Trước mặt chàng đó là một người bất cần dư luận, có học thức nhưng chỉ làm xấu lây bọn học thức mà thôi. Liêm rất ghét những kẻ vong bản. Cử Tân, trước mắt chàng, lại chính là kẻ giữ chức vô địch về môn vong bản. Đối với hạng ấy, chàng đã sẵn có lối lịch sự: Kính nhi viễn chi.
Bữa nay thấy Cử Tân có vẻ tốt với mình, Liêm nghĩ thầm: “Ừ thì ta thử gần gũi anh chàng này xem sao! Có lẽ đó là một người tốt nữa cũng chưa biết chừng! Sự gì mình chửa rõ thì mình không nên có thành kiến, e sẽ là nô lệ của thiên hạ, của cái dư luận thường là thiên lệch và không có giá trị gì cả”. Nghĩ vậy, chàng cứ đổ cho người bạn già đẩy mình đi đâu thì đi.
Vào đến phòng khách, Cử Tân bấm chuông gọi bồi, sai mở rượu bia thết người bạn trẻ. Liêm nhận thấy cách bày trí cái phòng tối tân ấy có một vẻ lịch sự rất kín đáo, rất lọc lõi, thật là cách ăn ở của người trí thức. Chàng hỏi:
- Anh ở đây có một mình thôi à?
Cử Tân so vai đáp bằng tiếng Pháp:
- Tao bồ côi cả bố lẫn mẹ, góa vợ, không có anh em, không có con, tất nhiên là tao chỉ ở đây có một mình.
Một lát lại tiếp:
....
Liêm gật gù rồi phê bình:
- Anh thế mà là người sung sướng nhất đời đấy.
Cử Tân xoa tay ngăn:
- Mày còn trẻ tuổi, tao coi mày như đứa em tao, nên tao không nói. Nếu mày có từng trải hơn nữa, thì tao sẽ nói rằng: “Trước mặt mày bây giờ đây, cái thằng đương nói với mày đây, chỉ là một đứa khổ sở nhất đời!”.
- Sao lại có thể như thế được?
- Ồ! Mày đã hiểu sao được mà tao nói!
Đáp xong, Cử Tân nhấc cốc bia khổng lồ lên, ngửa cổ nốc có một hơi mà cạn hẳn. Liêm rùng mình tưởng chừng trước mặt chàng, đó là một người say rượu, hung hăng, sắp gây sự đánh nhau. Có lẽ sợ người bạn trẻ mếch lòng, Cử Tân lại tiếp:
- Không! Rồi tao cũng sẽ nói cho mày hiểu, nhưng mà phải lúc nào rỗi rãi, có rảnh việc mới được.
Liêm cúi đầu không đáp. Chàng nghĩ thầm:
“Cái thằng cha này thế mà cũng hay hay. Vị tất nó đã khinh người hay đểu giả như mình vẫn tưởng. Dễ thường nó lại là người tốt, cao thượng, khổ sở nữa cũng chưa biết chừng”.
- À, tại sao anh lại bỏ việc nhà nước thế nhỉ?
-... Dạy tư thế này, kiếm được hơn là lĩnh lương nhà nước.
- Sao vậy?
- Vì tao có một phần ba cổ phần ở trường.
Câu ấy khiến Liêm nghĩ ngợi lắm. Thì ra cái người mà chàng rất ác cảm ấy, lại có thế lực đến như thế! Như vậy thì chàng phải gây thiện cảm cho mau đi thôi. Ồ! Nếu chàng biết trước thì hẳn không phải khó nhọc trong sự vận động chân dạy học như thế. Liêm bỗng hóa hối hận về cái óc sẵn thành kiến, và lập tức có một thái độ với Cử Tân.
- Tôi ngồi đây lâu có phiền gì anh không?
- Phiền tao à? Trái lại! Tuy hôm nay tao có hẹn với một con gà mái [3] nhưng mà chẳng hiểu nó có đến không? Được, mày hãy cứ ở chơi. Nếu mày có thể ở đây cả đêm được hay không thì để tao liệu... cho bõ!
Liêm gật đầu ngay:
- Anh muốn thế thì rất hân hạnh cho tôi rồi còn gì!
Cử Tân đưa tay ra bắt tay Liêm như một người Tây phương trong lúc cần phải bày tỏ một tình cảm. Liêm nghiệm ra rằng đó là người chẳng còn gì cốt cách Việt Nam. Tây đặc! Chàng lại thấy rằng từ lúc biết thế lực trong trường của Cử Tân, cái vong bản của người ấy không khiến chàng bất bình nữa.
Cử Tân đưa Liêm sang phòng bên cạnh. Lại một cảnh bài trí lạ mắt nữa: Những cái ghế dài, ghế tròn, lùn tịt, những đèn điện tối tân đục vào tường, những gối thêu, những thứ đồ chơi... Giữa một cái sập sơn son thếp vàng là một khay đèn phù dung đáng giá mấy trăm bạc. Liêm thấy rợn tóc gáy khi trông thấy một cái đầu lâu, hai con mắt sâu hoắm, hai hàm răng nhe ra như đương cười, để ở đầu giường, hầu như một cách biểu tượng về cái ý nghĩa: nghiện thuốc phiện là chết. Cử Tân nói:
- Tao đãi mày là bạn thân thì mày không được bậy bạ với ai cũng cổ động rằng tao nghiện đấy nhé! Tao không sợ thiên hạ biết tao nghiện, nhưng tao ghét những đứa cứ nhắm mắt công kích thuốc phiện trong khi chưa được hiểu thuốc phiện là cái gì?
Hai người nằm dài bên bàn đèn, lưng trên da hổ, đầu vào đầu hổ, đúc bằng thạch bạch. Cử Tân bấm chuông điện, một tên người nhà chạy ngay lên.
- Mày đẩy cái xe vào rồi đi mua cho tao cân nho đây.
Trong khi Cử Tân nằm trên, Liêm qườ tay lên đầu vớ những cuốn sách bìa da, chữ vàng. Đó là những sách khảo cứu về tâm lý học, về triết học, hay là, nếu là tiểu thuyết, thì cũng tiểu thuyết của những tay như Proust, Ner, Barrès, Wells, những tác giả “đọc vỡ đầu” cả. Chàng thấy rằng chủ nhân cái bàn đèn, cái phòng gaconnière [4] này chính là một kẻ bậy bạ thượng lưu. Điếu thuốc phiện giơ vào miệng, Liêm phải hút ngay, vì chàng rất sợ Cử Tân coi mình là trẻ con. Hút xong, chàng mới thấy rằng cái hương vị của thuốc phiện thật là vô vị.
Hai người lúc đầu, chỉ nói chuyện không can hệ. về sau, Cử Tân nói đến cái chuyện nhân bởi đâu anh ta là kẻ khổ sở nhất đời.
- Năm tao mười tám tuổi, tao yêu một thiếu nữ. Con bé mới đầu tưởng không lấy tao thì tự tử, thế mà chỉ mới vài tháng sau thì phụ tao! Rồi tao sang Pháp du học hơn mươi năm. Tao lấy đầm. Tao đem vợ đầm về đây, rồi vợ chết. Cái đứa sống thì chẳng chung tình với mình, cái đứa chung tình với mình, thì lại chẳng sống? Từ đấy tao coi đời là tấn hài kịch mà tao đã đóng hồi thứ năm [5]. Tao còn bao lâu nữa mới chết? Rồi thì là tao yêu hết thảy những đàn bà nào rơi vào tay tao? Càng yêu càng chán, vì đàn bà họ giống nhau cả, mà không thể cầu cái hạnh phúc của mình ở họ được... Mày xem: mỗi tháng tao kiếm mấy trăm bạc, không phải nuôi ai... vậy mà càng khổ sở, khổ sở không thể tưởng tượng được. Je suis malheureux! Malheureux! Malheureux! [6]
Đến đây, Cử Tân đập tay xuống giường, giọng nói thất thanh. Liêm tưởng chừng như đang xem một cuốn phim nói vào giữa lúc có một tấn bi kịch, hay là đương nằm với một ông lính trong lúc có cảm xúc mạnh...
- Tại anh chơi quá đấy chứ gì?
- Liêm, Mon petit Chose! Mày cứ mày, tao đi cho thân, đừng gọi tao là anh nữa, không thích! Tao chơi bời không phải vô mục đích. Tao đã để gần nửa đời người tao vào sự tìm tòi cho ra một điều bí mật nó khiến tao hỏng cả một đời người rồi! Mà đến bây giờ, tìm chưa ra! Tao muốn hiểu rõ cái bụng dạ người đàn bà nó là thế nào! Tao đọc, tao đọc, đọc mãi, tìm vân không thấy. Tao chơi, tao chơi, chơi mãi... tìm vẫn không thấy! Thế thì cái tâm lý đàn bà nó huyền bí đến bậc nào? Tại sao những người đã nằm trong cánh tay mình... mà mình vẫn không hiểu rõ nếu mình không nhận thấy rằng họ tầm thường như nhau mà thôi? Tại sao cô bé ngây thơ kia đã lừa dối tao? Hồi ấy, tao đẹp, trẻ, nhiều tiền, tao yêu nó lắm, chiều nó như chiều một nàng tiên, mà sao nó lại phụ tao? Tại sao? Pourquoi? Pourquoi? [7]
Cử Tân ngừng tiêm, ngồi dậy, đập vào ngực, trợn mắt lên... tiếng qua [8] thốt ở miệng anh qua cái nghiến chặt của hai hàm răng với sự nhe hai cái môi dày, như cơn đe dọa của một con thú dữ trong chuồng sắt bất bình về cái tình nghịch của một đứa trẻ, đứng ngoài ném đá. Còn cái giọng thì rên rỉ đầy những đau thương như của kẻ nào chán đời vô cùng.
- Ấy suốt đời tao cứ hành hạ bằng cái câu hỏi ấy. Tao hỏng cả đời tao chỉ vì con bé, mười tám tuổi, yêu tao, rồi phụ tao!
Không, anh chàng này chính là người nhiều tình cảm, rất đáng thương nữa, chứ chẳng phải chỉ là kẻ vong bản, kiêu ngạo, bậy bạ như thiên hạ vẫn tưởng. Liêm đương nghĩ thế để ái ngại cho Cử Tân lúc ấy nằm co ro hút thuốc phiện như một anh nghiện tầm thường, thì chợt có tiếng gõ vào cửa rất mạnh, và giọng hỏi gắt của một người đàn bà Tây phương.
Chú thích:
[1] Bây giờ gọi là siêu hình học.
[2] - Kia! Po-ti Sô của tao. Petit Chose là tên một nhân vật trong tiểu thuyết Pháp, gọi một cậu giáo bé nhỏ.
[3] Nói theo kiểu người Pháp gà mái là chỉ hạng đàn bà dễ dãi, ai gọi cũng đến.
[4] Nơi ở riêng của những người đàn ông để tiếp bạn gái.
[5] Hồi thứ năm là hồi cuối cùng trong các vở kịch.
[6] Tao khổ quá! Khổ quá! Khổ quá!
[7] Tại sao? Tại sao?
[8] Hai chữ cuối câu nói của Tân đọc là Puôrqua.