Chương V

     uổi sáng hôm ấy, Quỳnh đã trở dậy rất sớm. Nàng ngạc nhiên thấy mình không nhọc mệt chút nào cả, ấy là đêm hôm trước, nàng đã thức khuya. Thì ra cái sung sướng cũng là một thứ thuốc bổ đủ sức chạy chữa cho những thời giờ phải dùng vào sự suy nghĩ nhọc mệt.
Tối hôm trước, đương ngồi một mình ở cửa hàng, Quỳnh bỗng thấy cụ phán, nghĩa là thân phụ của Liêm. Nàng giật mình, hồi hộp, biết là trong cái đời êm lặng của mình, hôm nay có một đại sự, cụ phán hai tay chắp sau lưng, cặp kính trắng đạo mạo, đã ung dung bước vào, dịu dàng hỏi:
“Có ai ở nhà không hử cô?”. May sao bữa ấy, cả cô lẫn chú nàng và mẹ nàng đều cùng có nhà cả. Nàng đã chạy vào loan báo cho người trên một cách mừng rỡ như là người ta phải mừng rỡ, vào trường hợp ấy. Nàng kết luận: “Có lẽ vì vậy mà tối hôm nay không thấy Liêm đi qua cửa nữa”. Nhưng bữa ấy, Quỳnh đã cứ ngồi lỳ ngoài hàng, không vào pha nước chè Tàu như những bận có khách khác, vì một cái hổ thẹn xa xôi, không rõ căn nguyên... Nàng nghĩ thầm: “Đích thị ông già đáng kính mến này, tối hôm nay đến đây, chỉ có việc xin ta về làm nàng dâu mà thôi. Ta cứ ở ngoài này để cho ở trong ấy, người nhớn nói chuyện với nhau cho tiện”.
Quỳnh đã đoán đúng.
Sau khi cãi nhau với bà vợ ở nhà và mặc áo dài hầm hầm định đi ra phố rong chơi cho nguôi cơn giận, cụ phán đã thay đổi ý kiến và nghĩ ra rằng việc có ích lợi hơn hết là đến ngay “nhà gái”, chính mình ướm hỏi cho con trai mình trước đã, xem sao... Nếu trông chừng được, thế thì xong rồi, bằng nếu không, người ta sẽ tránh được cái mất thời giờ về cãi nhau vô ích quanh một việc chưa chắc đã có kết quả. Vả lại, đã bao lâu nay, những việc hệ trọng trong gia đình hĩnh như thuộc về bà vợ cả, ông bố của Liêm thấy rằng nếu mình cứ để vợ chiếm đoạt cả quyền hành như thế mãi thì hỏng to! Cái lòng tự ái của cụ đã liên lụy vào việc này. Cụ không cả quyết cũng không được.
Cụ Phán ngồi rất khuya. Khi cụ đứng lên cáo thoái ra về, đồng hồ đã điểm mười tiếng. Thấy nét mặt vui vẻ của cụ, sự lễ phép đậm đà của những người bề trên của mình lúc tiễn cụ ra cửa, Quỳnh sung sướng cực điểm, yên trí ngay rằng cuộc trăm năm của mình hẳn là không gặp một trở lực nào cả.
Cho nên đến cả đêm hôm trước, nàng đã nằm yên để mặc cho cái trí não hoạt động về những ý nghĩ kiến thiết tương lai. Liêm đã trở nên một người đứng đắn nhất mực, đáng tin cậy cả trăm phần trăm, yêu nàng cho ra yêu, phụng sự một cái nghĩa cả là nghĩa vợ chồng, chứ không phải có cái manh tâm “chim chuột lăng nhăng” gì nữa. Do thế, nàng cũng đã tìm thấy một cái cớ gần như chính đáng để cho mình khỏi phải hối hận, khỏi phải tự mình lại buộc tội mình, trong việc lén lút đi chơi với người yêu. Không có gì để làm cho ta sung sướng được như cái lòng tin, thứ tín nhiệm, hoàn toàn, trong tình yêu Quỳnh đã được hưởng cái sung sướng ấy.
Nàng đã thức ngót một đêm liền, nhưng nàng chẳng vì vậy mà mệt mỏi.
Buổi sáng đã đến với một thứ gió thu hiu hắt làm cho người ta quên những ngày hè oi ả, khó chịu, khổ sở của mấy bữa trước. Với những buổi sáng như thế, người ta cảm thấy đủ cả những cái tốt đẹp của đời, vào những ngày vui...
Quỳnh ngồi trên ghế, nét mặt trầm mặc, vui sướng như những thiếu nữ mới yêu lần đầu trong đời mà được hưởng hạnh phúc ngay, bình tĩnh như những người không có việc gì phải lo toan, phải mưu tính nữa. Vì tối hôm trước, sau khi cụ phán ra về, mẹ nàng và cô chú nàng đã gọi nàng vào để cả ba người cùng hỏi:
- Đấy, cụ phán nhà cậu Liêm đến nói chuyện muốn xin cô cho cậu ấy đấy, cô thử nghĩ xem có bằng lòng được không?
Quỳnh bẽn lẽn, mặt đỏ ủng, thẹn không nói được nữa. Nàng cầm vạt áo đưa lên mồm để nhấm nhấm như một đứa trẻ con. Thấy không được tự nhiên, nàng lại bỏ rơi vạt áo, đặt lại mấy khóm huệ cắm trong lọ. Để phải hỏi mình đến ba câu, nàng mới khẽ đáp:
- Thưa mẹ, thưa cô chú, con hãy còn bé dại, con chẳng biết nghĩ thế nào cả, vậy cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.
Ông phán Hòa mỉm cười mà rằng:
- Ấy đấy, thế có ngoan không! Thời buổi giải phóng bình quyền này mà thấy một cô gái biết nói như thế với bố mẹ khi có người hỏi, là hiếm lắm.
Bà phán Hòa cũng nói:
- Thật không ngờ anh Liêm lại lấy chị Quỳnh! Chả bao giờ tôi nghĩ đến sự ấy.
Ông phán Hòa không bằng lòng vợ:
- Sao mà “không ngờ”? Hai người ấy lấy nhau là phải lắm chứ?
Bà mẹ Quỳnh mỉm cười, ngắt:
- Thôi đi, ông chỉ định quơ vào cho cháu ông thôi!
Ông phán Hòa cãi:
- Nào tôi có vơ đâu! Bà chị cứ hỏi nhà tôi đấy mà xem! Nghĩa là tôi vẫn có ý đánh tiếng hộ, thế thôi. Nhưng mà chưa kịp làm ông mối để kiếm cái áo mặc tết thì chưa chi chính nhà trai đã sấn sổ chạy lại hỏi rồi.
Ngần ấy người đều bật cười về hai tiếng sấn sổ. Bà phán Hòa bĩu mồm:
- Sấn sổ! Chuyện trò rõ đến hay thôi! Làm như người ta chạy vào cướp giật của mình cái gì ấy!
Ông phán lại vươn cao cổ lên để nói bông:
- Ừ! Cái ông cụ ấy rõ đến hay thôi! Thưa lúc mọi người vô ý bất kỳ, thấy bà mẹ về đây chơi, bất thình lình là nhảy tót ngay đến xin cô con gái! Làm mình cứ tưng hửng cả người ra thôi! Giá mà bàn trước với mình thì có phải mình cũng được là ông mối hẳn hoi, hai bên nhà gái nhà trai đều phải kính trọng hay là sợ hãi cả, thì có phải oai vệ hơn không?
Bà tham Bích cũng nói đùa:
- Thôi, ông chả là mối thì ông cũng là thằn lằn từ bao giờ rồi! Ông vờ vĩnh khéo lắm.
Ông phán Hòa đứng lên, đi ra giữa sân để lấy chiếc khăn mặt. Ông nói:
- Thế này có tức không? Mình chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện gì mà mình cứ bị ngờ oan mãi. Đến cả thằng Liêm nó cũng không bảo tôi thì mới giận chứ!
Bà phán Hòa cũng phân trần:
- Ấy đầu đuôi quả thật là như thế đấy, chị ạ. Một bên cháu cô, một bên cháu cậu, lấy nhau thế mà cô lẫn cậu không biết trước, không được cái hân hạnh làm mối hay đánh tiếng gì cả. Vì thế mà lúc nãy, tôi bảo là “không ngờ”.
Người ta nói chuyện như là đôi trẻ đã lấy nhau rồi vậy. Quỳnh bèn hỏi:
- Thưa me, có phải me đã nhận lời rồi, hay không?
Bà tham Bích ngơ ngác một lúc rồi nói:
- Không! Mẹ đã nói gì đâu! Dẫu bằng lòng đến chết đi nữa thì cũng phải từ từ chứ ai lại vồ ngay lấy như thế!
Quỳnh bẽn lẽn cãi:
- Vì con thấy cô với me nói chuyện y như đã nhận lời rồi ấy.
Ông phán Hòa gật gật cái đầu:
- Chưa nhận thì cũng như nhận rồi! Hai đứa lấy nhau là phải. Tuy thằng Liêm là cháu gọi tôi bằng cậu, nhưng mà tôi xin thề rằng tôi nói thế cũng như một người ngoài mà thôi. Liêm nó là người thế nào, hẳn người cô ruột của Quỳnh đã biết.
Bà phán cũng họa:
- Chính thế, chị ạ. Học thức thì... đỗ tú tài Tây. Còn ở nhà thì... tử tế. Tính nết thì... ngoan ngoãn. Ờ, chị ạ, ngoan lắm, ít có đấy, không chơi bời gì cả.
Mẹ Quỳnh ngẫm nghĩ một lúc rồi thân mật nói:
- Tôi tuy là mẹ nó, nhưng chẳng gì cũng là cải giá rồi. Vậy thì tôi thiết nghĩ tôi nên để một chút quyền hành cho cô, trong viện này. Phương ngôn có câu: cô cũng như cha. Vậy cô xem nếu được thì gả. Cháu nó xem ý cũng bằng lòng rồi thì việc này dễ lắm. Để đêm mai thì tôi xin lại chơi đằng nhà cụ Phán đáp lễ và nói rằng công việc có gì thì đã có cô ở đây, rồi cô sẽ báo tín cho tôi sau.
- Vâng, chị dạy chính phải.
Mọi người còn ngồi bông lơn với nhau lúc lâu nữa, mãi đến khuya mới đi nghỉ. Trong việc ấy, ai cũng có một điều được bằng lòng. Thật là cả nhà vui vẻ.
Cho nên sáng hôm sau, Quỳnh chỉ mong sao cho chóng đến chiều để thấy mẹ đi đến nhà Liêm. Nàng rất sốt sắng việc ấy, nhưng không dám hỏi mẹ sẽ đi vào giờ nào, cũng như không dám giục, Quỳnh chỉ sợ cả nhà biết hai người đã phải lòng nhau từ lâu. Phải lòng ai rồi lấy người ta, sự ấy chỉ chính đáng riêng cho những người trong cuộc, và rất là bất chính, đối với những kẻ ở ngoài cuộc.
Đương nghĩ đến đấy, Quỳnh thấy bà mẹ xách ô ra đi...
- Mẹ đi đâu ạ?
- Mẹ đi mua mấy thứ đồ nấu, chốc nữa mẹ về.
Quỳnh nhìn lên đồng hồ, thấy mới có 7 giờ.
“Thì ra hôm nay nhà ta mở hàng sớm nhất!”, nàng nghĩ.
Ngoài phố, những quà bán rao inh ỏi, đinh tai... rồi thì, từ xa vang lên những tiếng rao điểm tâm, đó là một hồi kèn trống não nùng của một bài xuân nữ. Một đám ma sắp qua cửa. Quỳnh bỏ ghế ngồi đứng lên.
Những vòng hoa, những người quần áo đen viền trắng, cái kèn Tàu ai oán, bốn con ngựa bị mãng che hết cả thân thể dẫn đầu đi lử đử lừ đừ như đã nhọc mệt lắm - quang cảnh ấy bất thần đến quấy rối cái tâm thần sáng lạn của Quỳnh như một mảnh sành quấy rối cái phẳng lặng của mặt hồ thu. Sau cái xe hắc ám, mấy thiếu phụ khóc lóc thê thảm chung quanh một người - ý chừng là một người chồng - cứ đi một cách bình tĩnh như là không cảm động chút nào cả. Vừa đàn ông vừa đàn bà, số người đi đưa là vài ba trăm, họ bình phẩm cái chết của người thiếu phụ oang oang. Quỳnh nghe lõm bõm lắm, chỉ hiểu đại khái rằng người chết là vì tự tử bằng giấm thanh thuốc phiện.
Quỳnh đứng thừ người ra như nhọc mệt như chán nản, như chính nàng đương có điều gì đáng buồn rầu thật. Chết! Chết! Không, loài người chẳng có ai lại có thể sung sướng thật vì chẳng ai lại thoát khỏi được cái chết nó vẫn đứng rình mò chúng ta đây kia... Chết! Thật vậy, sung sướng đến đâu thì rồi cũng chết! Sống mà để bất thình lình phải chết, thì thử hỏi có bõ không?
Quỳnh lầm bầm: “Rõ phiền quá đi mất!”. Trong một phút, nàng đã có cái ủy mị của những thiếu nữ giàu tình cảm như Thúy Kiều vào lúc bỗng dư nước mắt khóc người đời xưa.
- Chị Quỳnh?
Nàng quay lại, đó là một người bạn gái: Thanh.
- Ơ kìa, chị Thanh! Đi đâu sớm thế!
- Em đi đưa đám đây, chị ạ.
- Thôi thế thì em chẳng dám mời chị vào chơi.
- Chị cứ cho em vào! Em mỏi chân lắm. Để chốc nữa, em đi tàu điện đuổi theo đám cũng kịp chán! Đi tự Cột Đồng Hồ đến đây còn gì!
- Thế đám cất ở đâu? Mời chị vào nghỉ chân...
- Đám cất về nghĩa địa Trung Hoa ở đường Voi Láng qua ngã tư Sở.
Hai người kéo nhau vào phía trong quầy hàng. Tuy kêu mỏi chân, Thanh cũng không vì thế mà mỏi mồm. Cứ nói luôn về người chết:
- Chị có biết ai không? Cô Ngọc đấy, hoa khôi của trường Hàng Cót ấy mà!
- A, lấy chồng tham tá gì đó, dạo tháng mười năm ngoái?
- Chính đấy. Hai người yêu nhau lắm rồi mới lấy nhau đấy nhé. Cái đám cưới của họ là một đám cưới to nhất Hà Nội, mà cuộc tình duyên của họ cũng là một cuộc tình tốt đẹp nhất Hà Nội nữa!
Quỳnh ngắt:
- Thấy nói chết vì tự tử, giấm thanh, thuốc phiện, có không?
- Đích thị!
- Sao? Sao lại đến nỗi thế?
- Nào ai biết? Từ độ Ngọc lấy chồng, em cũng không năng đến chơi, mà cũng không năng đến chơi với em. Thế rồi... bất kỳ hôm nay thấy báo đăng cáo phó, em choáng người lên, em đi đưa ma, thế thôi. Hôm qua nhật báo có đăng tin chị Ngọc tự tử, chị không biết à?
- Em không thấy, hay là vì không đọc kỹ. Nhưng mà, vì đâu đến nỗi? Làm gì mà phải tự tử? Sao lại có thể như thế được?
Thanh so hai vai, thở dài:
- Nào ai biết đâu! Dư luận về cái vụ này xôn xao lắm, chị ạ. Người ta bảo anh chồng mê gái nhảy, chán vợ, hành hạ vợ đến nỗi vợ phải tự tử. Kẻ thì bảo chị vợ hư hỏng, có nhân tình, đã cho chồng mọc sừng, nên thằng chồng làm nhục, xấu hổ mà phải chết. Người thì lại bảo chỉ vì chuyện đào mỏ hay khảo của gì đó, vì lúc lấy nhau thì giao hẹn là có hồi môn, đến nay thì lại té ra không...
- Dư luận loạn xạ đến mức như thế thì có giời mà hiểu được sự thực!
- Ấy thế!
- Mà sao sự đời lại bẩn thỉu như thế hở chị?
Thanh lại xo vai một lần nữa, những lần này còn điểm cho cái so vai một cái bĩu môi:
- Có gì là lạ? Họ yêu nhau, say mê nhau, rồi họ chán nhau, rồi họ phụ nhau, họ hành hạ nhau, ấy sự đời chỉ có thế mà thôi! Chán chết đi ấy, chị ạ. Đấy, chị có nhìn vào mặt thằng chồng lúc đám ma đi qua không? Tuyệt nhiên không có một tiếng khóc, không có một giọt nước mắt, đấy nhé!
Đến đấy, Quỳnh thở dài:
- Buồn nhỉ! Một người như Ngọc, tài có, sắc có, lấy chồng như thế, mà rồi chết như thế!
- Thật bất ngờ! Khi người ta thấy đời có những sự bất ngờ đáng kinh hoàng như thế thì không một ai lại không giật mình về cái tương lai của mình, vì sự gì cũng có thể xảy ra được cả!
Thanh đáp gọn:
- Thì đã hẳn!
Từ đấy, hai người ngồi im một lúc lâu, buồn rầu cho người đàn bà xấu số hiện được hương hoa tiễn xuống hố. Thốt nhiên Quỳnh đứng lên nói:
- Chết chửa! Quên đi mất, mãi không rót nước mời chị! Thế về phần chị thì dạo này có gì lạ không?
Quỳnh vừa rót nước vừa đăm đăm nhìn Thanh. Nhưng Thanh đãng trí không đáp. Mãi một lúc lâu mới hỏi lại Quỳnh:
- Chị vừa hỏi gì em thế?
- Tôi hỏi dạo này chị có gì lạ không?
- Dạo này em ngồi nhà hàng mấy tháng, chả bước chân đi đến đâu, còn có gì lạ nữa!
Quỳnh không nói nữa. Nàng biết người bạn gái đã nói dối. Nghe nhiều lời đồn của những bạn khác, thì chính dạo này Thanh có rất nhiều chuyện lăng nhăng. Hai người vốn không là đôi bạn thân, có nhiều lúc lại là kẻ thù của nhau nữa, nhưng mà cả hai cùng không biết thế, bởi cái cớ hễ gặp mặt là phải bảo nhau rằng là đôi bạn chí thân. Có lẽ đó là một thói quen trong đám phụ nữ. Quỳnh vẫn khinh Thanh không được đứng đắn, có nhiều “bạn trai”, nghĩa là nhân tình. Mà lại còn hay đổi luôn! Nhưng cái khinh ấy, Quỳnh chỉ để bụng, hễ gặp mặt nhau, bao giờ cũng hời hợt, vồ vập, ra vẻ đằm thắm với nhau lắm. Đối lại, Thanh cũng khinh bỉ Quỳnh, có lẽ vì Quỳnh không hư hỏng như Thanh. Khi một người hư hỏng thấy người khác đúng đắn hơn, bao giờ cái ghen tức cũng làm cho người ấy phải mong ước sự hư hỏng ở người kia để cho cân nhau. Thanh không thoát khỏi cái thông lệ ấy. Thanh chỉ muốn Quỳnh cũng hư như mình. Vì những lẽ ấy, sự giả dối, cái xảo quyệt, sự nói tốt trước mặt nói xấu sau lưng, của hai người, là những điều không thể tránh được.
Đương ngồi yên, bỗng Thanh đứng lên:
- Chết, đám đã đi xa mất rồi, thôi em xin phép chị.
- Vâng, lúc nào nhàn rỗi mời chị lại chơi.
Hai người chào nhau.
Quay vào quầy hàng, Quỳnh nghĩ đến cái đám ma, thân thế ngắn ngủi của người chết tên là cô Ngọc xưa kia là một hoa khôi, người chồng đi đầu quan tài với một cái mặt thản nhiên, tiếng kèn ảo não, những thoi vàng bị dẫm nát, rải rác trên mặt đường. Bỗng đâu nàng run sợ, lo cho thân thế mình, trờn trợn về cái bất trắc của ngày mai.
Những câu Thanh nói lại vang bên tai nàng như một sự ám ảnh: “Có gì là lạ! Họ yêu nhau, họ say mê nhau, rồi họ phụ nhau, họ hành hạ nhau, ấy sự đời chỉ có thế mà thôi!”.