Chương 10
Trở về mái nhà xưa

     au gần ba năm tản cư xa Đà Nẵng, gia đình tôi nay đã trở về. Chiếc ghe chở chúng tôi cập vào đúng cái bến mà trước đây chúng tôi đã ra đi. Chỉ khác có một cái là ngày đi thì chiếc ghe bầu lớn chở chúng tôi chạy bon bon ra biển, song ngày về thì lại lén lút với chiếc ghe tam bản nhỏ vừa đủ chỗ cho 6 người ngồi.
Lên bờ, cảnh cũ lại hiện ra trước mắt. Cũng cái bến đá này: Cống Bà Xin, nơi mà mỗi chiều trước đây tôi hằng thả bộ dọc sông Hàn để câu cá dìa. Cũng cây đa trong công viên trước Cổ viện Chàm, bên này đường là cái bến cũ có con đò đưa khách sang Mỹ Khê. Con đường vẫn còn lồi lõm bởi những ổ gà chưa trám nhựa. Dọc ven bờ sông có đôi trai gái tay trong tay tản bộ hóng mát. Đàn chim chiều đã về tổ, đang râm ran trò chuyện trong những tàn cây rậm rạp dọc dài theo khu Thương Chánh.
Chúng tôi lặng lẽ đi, không ai nói năng gì. Ba mẹ tôi dẫn đầu, đến phiên hai đứa chúng tôi và chị Bẻo. Từ bến đá Cống bà Xin về đến nhà tôi không xa lắm. Đi bộ khoảng 15 phút là cùng, nhưng ba tôi cẩn thận chưa muốn về nhà vội. Ông đưa chúng tôi đến nhà ông bà Phán Trinh là người bà con gần đó để ngủ nhờ lại ít hôm. Sáng hôm sau ba mẹ tôi tất tả về nhà tính để mở khóa dọn dẹp lại nhà cửa cho sạch sẽ trước khi về. Nào ngờ khi đến nơi thì thấy có bóng người thấp thoáng trong nhà. Ba tôi sợ không dám vào bèn ghé qua gặp lối xóm. Họ cho biết khi ba tôi bỏ nhà đi được vài tháng thì có một gia đình nào đó ngoài Huế tản cư vô thấy nhà trống bèn bẻ khóa dọn vào ở. Ba mẹ tôi đành phải trở về nhà thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho ông bà Phán nghe. Vì gia đình ông bà Phán là nhà có địa vị trong làng, ông lại làm thông phán cho Tây, nên hôm sau ông tức tốc cùng ba tôi lên nhà để mời họ ra và lấy nhà lại. Giằng co cãi cọ với họ cả buổi sáng và cũng nhờ lối xóm đứng ra chứng nhận rằng nhà này là nhà của ba tôi, ông Phán cũng hăm he rằng sẽ đi báo cho chính quyền biết nếu họ không dọn đi ngay trả nhà lại cho người ta vì họ bẻ khóa vào nhà là bất hợp pháp. Ba tôi có mang theo văn tự nhà đất cho họ coi nên họ đuối lý đồng ý sẽ dọn nhà đi vài ba bữa nữa.
Sáng hôm sau ba tôi tức tốc lên sở cũ trình diện và được ông Chánh chủ sở (ông này là người Pháp mới đến nhậm chức) cho biết rằng trước khi nhận ba tôi lại, ông phải lập hồ sơ gửi ba tôi qua bên Sở Mật Thám để họ điều tra và cứu xét vì ba tôi đi tản cư mà ở lâu quá gần ba năm mới trở về nên họ tình nghi. “Tình hình bắt đầu rắc rối đây,” ba tôi than thở với mẹ tôi và ông bà Phán. Lại một lần nữa chúng tôi có quý nhân phò trợ. Ông Phán bảo ngay với ba tôi:
“Chú Minh đừng lo, tôi có bạn quen bên Sở Mật Thám, để tôi nói với họ một tiếng và bảo đảm cho gia đình chú là được ngay”.
Ba tôi nghe lấy làm hớn hở trong lòng. Mấy hôm sau ông sang Sở Mật Thám trình diện. Người Chánh Sở Mật Thám biết ba tôi trước đây rồi nên cũng không làm khó khăn chi, song họ cũng bắt ba tôi đứng phơi nắng ngoài sân chờ đúng một ngày mới cho giấy nhập cư. Ba tôi cầm tấm giấy nhập cư về nhà lòng mừng khấp khởi, ông cám ơn ông bà Phán vô cùng. Má tôi nói:
“Nó hành ông có một ngày đứng nắng là may cho ông lắm đó, chứ 10 ngày ông cũng phải đứng chờ chớ biết mần răng?”
Mấy ngày sau đó vợ chồng người chiếm nhà dọn đi và trả lại nhà cho ba tôi. Ông vào quét dọn sạch sẽ, xem lại vườn tược bếp núc xong rồi mới cho mẹ con tôi về.
“Trở về mái nhà xưa! Come back to Sorrento!)
Sau này mỗi lần tôi nhớ lại cái lúc tản cư trở về nhà là tôi bèn ngân nga ca khúc trên của Ý và mỉm cười lấy một mình.
Chúng tôi dọn nhà cửa xong xuôi thì đã gần Tết. Còn hai hôm nữa là tiễn đưa ông Táo. Hàng xóm có một vài người bắt đầu đi chợ mua cá chép về cúng. Có bà người miền Bắc ở cạnh nhà tôi mua sẵn xấp giấy vàng bạc để về hóa vàng (đốt tiễn đưa ông Táo về Trời). Ngoài đường cũng đã thấy lác đác những người gánh hoa mai, hoa cúc xuống chợ Nại Hiên gần nhà. Mặc dầu đang trong thời buổi chiến tranh nhưng Tết đến không nhiều thì ít ai cũng lo đón Tết, không có thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ hay nêu cao buồng pháo bánh chưng xanh thì cũng có được cái bánh tét bánh ú và vài đĩa trái cây. Nhiều ông bà vẫn cằn nhằn với nhau: “Ôi chiến tranh mà Tết với nhứt chi!” Nói thì nói vậy chớ trong nhà mồng một cũng phải có đĩa xôi cái bánh cho nó có vị. Đó cũng là tình cảnh nhà tôi. Đi tản cư về tiền bạc hết sạch sành sanh, cơm không đủ ăn lấy đâu cho Tết?! Ba tôi trong lúc chờ đợi Sở gọi đi làm, ông mượn chiếc xe đạp của người lối xóm đi lo ba công bốn chuyện. Ông bà Phán Trinh cho chúng tôi ở đậu được 5 ngày, lại nuôi cho 5 miệng ăn cũng đã là khá tốt lắm rồi. Trước khi gia đình chúng tôi rời nhà ông bà để về trên nhà, ba mẹ tôi thành thật ngỏ lời cám ơn sự giúp đỡ tận tình của ông bà trong lúc ngặt nghèo, ông bà Phán vui vẻ bắt tay ba tôi và tiễn đưa ra đến tận ngõ.
Mấy hôm chờ đợi vụ nhà cửa ba tôi cũng có ghé thăm mấy người bà con để vay mượn đỡ mỗi người ít chục, nên nhà cũng có đủ tiền tiêu dùng trong lúc chờ công đợi việc. Người giúp đỡ ba tôi đầu tiên là cụ Dư Phước Thuận (sau này là Thượng nghị sĩ thời ông Thiệu) đã cho ba tôi liền 50 chục đồng khi ba tôi rời ghe chạy lên nhà ông thông báo gia đình vừa mới hồi cư. Cũng chính ông đã giúp đỡ cho ba tôi mau trở lại làm việc ở Nha Quan Thuế. Mẹ tôi thì xuống chợ dò la bạn bè để vay tiền mở lại sạp vải bán trong chợ, vì trước kia mẹ tôi có tiệm buôn bán vải vóc. Có thất cơ lỡ vận mới biết được người tốt người xấu! Bình thường trong lúc mình còn có tiền có bạc, có chức tước thì lắm kẻ mình chưa hỏi vay, họ cũng đã đưa. Đến lúc cơ hàn chưa gặp, họ đã lánh mặt rồi. Còn lỡ mà đối diện thì cũng kiếm cớ thối thác chối từ rằng dạo này tui làm ăn thất bại, hay dạo này nhà túng quẫn quá vì vừa có mấy việc không hay v.v.. Ngay cả đến trước kia những người đã mang ơn gia đình tôi rất nhiều, nay thấy ba mẹ tôi xuống dốc cũng liền ngoảnh mặt đi. Thói đời là vậy! Song ba mẹ tôi cũng đã tính trước những trạng huống xấu có thể xảy ra nên không buồn lắm vì lúc nào ông bà cũng tin rằng mình ăn ở phải thì trước sau gì cũng có người giúp.
Một bằng chứng hiển nhiên sau đây làm cho ba mẹ tôi ngạc nhiên vô cùng là một hôm mẹ tôi đến thăm ông bạn người Ấn độ tên Shia có tiệm vải cùng đường với tiệm mẹ tôi trước đó. Sau khi bà đến chào thăm ông và kể lể hoàn cảnh hiện tại của gia đình, cùng ngỏ lời xin ông dành cho cái đặc ân là khi nào mẹ tôi tìm và sang được một cái sập để bán vải trong chợ Hàn, thì xin ông trao vải cho mẹ tôi bán trước rồi mẹ tôi sẽ giao tiền sau. Bà vừa nói xong, chẳng những ông đã nhận lời ngay mà còn hứa cho mẹ tôi mượn trước một số tiền để đặt cọc cho chủ sập. Mẹ tôi quá đỗi ngạc nhiên, không ngờ ông tốt đến làm vậy. Ông nói: (nguyên văn)
“Chi Barr…tui minh la chorr anh em di buonrr voi nhau. Con nguoi corr luc nay luc khacrr. Chi nayrr het von canrr tien thi toi corr là toi giup, nay mai chi corr thi tra lai tui, cho on nghia chi hè?. Chi dung corr ngai, cu cam lay di, tui giup chi thi mai kia corr Phat giup lai tui.”
(Chị Ba.. tụi mình là chỗ anh em đi buôn với nhau. Con người có lúc này lúc khác. Chị nay hết vốn cần tiền thì tôi có là tôi giúp, nay mai chị có thì trả lại tui, chớ ơn nghĩa chi hè? Chị đừng có ngại, cứ cầm lấy đi, tui giúp chị thì mai kia có Phật giúp lại tui.)
Nghe ông nói mà mẹ tôi mừng bắt ứa nước mắt, bà thầm nghĩ: ngay cả bà con anh em bạn bè người Việt với nhau mà cũng không có ai tốt bằng ông này. Số là trước năm 1945, mẹ tôi cũng có cửa hàng bán vải như ông ở cách đây một block đường. Ông là người giao sỉ hàng lụa nhập cảng bên Ấn cho mẹ tôi, và cùng là chỗ bạn hàng. Ông là người Ấn. Cha mẹ ông sang Việt Nam buôn bán từ những thập niên cuối thế kỷ 19. Ông sinh ra bên Ấn nhưng theo cha qua VN lập nghiệp từ năm 1920. Ông có vợ Việt Nam và nói rành sỏi tiếng Việt, nhưng cách phát âm thì còn rặt Ấn độ. Sau đó ông bảo với mẹ tôi rằng hai ba bữa nữa đến ông mà lấy tiền để đóng cọc cho người ta. Mẹ tôi về nhà thuật lại với ba tôi và bảo hôm nào có đến lầy tiền thì ba tôi cùng đi xuống thăm và cám ơn ông luôn thể.
Mấy tuần sau khi mẹ tôi có sạp rồi, chính ông và đứa con thân chinh vác vải ra sạp cho mẹ tôi bán. Hai tuần sau ba tôi cũng được sở cũ gọi lại nhận công việc, lần này làm trong văn phòng chứ không phải đổi đi đâu cả.
Mọi việc rồi đâu cũng vào đấy, sau đó ba tôi xin cho hai anh em tôi vào trường huyện trên chợ mới gọi là trường Hòa Vang (lấy cùng tên của huyện). Em tôi vào lớp Tư, tôi vào lớp Nhất. Niên khóa đầu tiên của tôi rất là cực nhọc. Lý do là tôi đã bỏ học đã gần ba năm nên chữ trả lại cho thầy hết. Tôi phải tranh thủ (học) ban ngày không đủ, tranh thủ cả ban đêm, nên năm đầu tôi ốm thấy rõ. Tôi không được đi chơi với chúng bạn ngoại trừ vào chiều Chủ Nhật, vì buổi sáng tôi phải đi lễ cùng cha mẹ. Tôi cũng không có thì giờ đi câu, cái thú mà tôi thích nhất, vì ba tôi hễ khi nào ông thấy tôi có cần câu mà đem giấu, biết được là chỉ có chết với ông!
Căn nhà của ba tôi là căn nhà ngói ba gian thứ nhì trong xóm, sau nhà của ông bà Thị Tuấn bà con với chúng tôi. Căn nhà của ông bà lớn gấp đôi nhà tôi và có nhiều phòng hơn, tọa lạc ở phía sau nhà tôi cách một con hẻm nhỏ. Vì ông bà và cậu con đi tản cư chưa về nên quân đội Pháp trưng dụng nhà làm căn cứ hành chánh trong xóm tôi. Vì thế có một anh trung úy người Pháp làm bên đó mướn một căn phòng nhỏ trong nhà tôi để ở cho gần nơi làm việc. Anh này thích tôi lắm, mỗi chiều đi làm về là mang theo bánh mì và phó mát cho tôi. Có hôm anh cũng cho tôi hộp C-ration (khẩu phần lương khô của lính) của Tây nữa. Tôi ăn xong bèn lấy cái hộp làm hộp đàn (hộp vuông vắn khoảng 5 x 5 inches, cao hơn 1 inch, bằng nhôm sơn màu xanh lá cây), kiếm miếng gỗ vuông xỏ vào làm cán đàn và giây đàn thì lấy giây điện telephone tháo từng sợi ra làm giây. Thế là tôi có một cái đàn guitar nho nhỏ để khảy tứng từng tưng chơi.
Tôi thích nhạc lắm, mỗi khi anh Trung úy mang về cái máy quay đĩa hiệu Pathé có vẻ hình con gà ở ngoài cùng mấy chục cái đĩa hát 85 tours là tôi theo qua phòng anh nghe khính. Hầu hết đều là mấy bản xưa “ vi a cà cộ”, do cô đào Edith Piaf hát, như J’ai deux amours…Marseillais v.v.. tôi nghe mà bắt thuộc lòng. Bài mà tôi thích nhất là “Sur le pont d’Avignons” sau này năm 1985 tôi có dịp sang Pháp ghé thăm, ở vùng Provence miền Nam nước Pháp trên đường từ Marseille về Paris.
Một hôm có một người Việt Nam đi lính cho Pháp bên Tunisie về thăm nhà mang theo một cây đàn banjo. Ông ta đến thăm người Trung úy và tiện thể ghé qua phòng thăm xả giao ba tôi. Ông thấy tôi đang ngồi so giây khảy cây đàn C- ration tự chế. Ông hỏi tôi:
 “Ai làm cây đàn này vậy?”
Tôi đáp:
“Dạ cháu làm ra đấy”.
 Ông cầm lên và cười với tôi rồi nói với ba tôi:
“Thằng con ông khéo tay nhỉ”.
Tôi tiện thể đáp luôn:
“vì cháu không có tiền mua đàn thiệt, vả lại cháu cũng chưa biết đàn, chưa học đàn nên làm cây này khảy tưng tưng chơi cho đỡ buồn”.
Ông cười và khen tôi có khiếu. Ngày hôm sau ông về nhà đem qua một cây đàn banjo thật đẹp, khung đàn làm bằng aluminum, xung quanh bọc mấy hạt kim cương giả sáng chói. Giữa lòng đàn là miếng da trừu trắng căng thẳng băng. Ông khảy mấy tiếng làm tôi mê liền. Ông đàn mấy bài tôi biết nên tôi khe khẽ hát theo. Ông hỏi tôi sao biết mấy bài ông đàn? Tôi thưa:
“Dạ cháu biết chớ!”
Ông hỏi tiếp:
“Cháu học với ai mà biết?”
Tôi đáp:
“Dạ cháu nghe đĩa hát của anh Trung úy Tây nên thuộc lòng.”
Ông thấy tôi nhìn cây đàn của ông mà không chớp mắt, dáng điệu thèm thuồng, ước gì mình mà có cái đàn ni thì sướng kể gì! Tôi đang suy nghĩ như vậy, thì ông ta buột miệng hỏi tôi:
“Cháu thích cây đàn này không?”
Tôi trả lời không suy nghĩ:
“Dạ cháu thích lắm chớ, ước gì cháu có một cây như vầy?”
Ông ta nhìn tôi nói:
“Chú cho cháu cây đàn này đó.”
Vừa nghe xong tôi nhảy tưng tưng hét lên với ba tôi.
“Ba ơi, ông này cho con cây đàn.”
Ba tôi nhìn tôi la nhỏ:
“Của ông mà sao con dám xin?”
Tôi đáp:
“Tự ông ấy thương con thì ông cho con, chứ con đâu có dám xin.”
Tôi cười ngỏn ngoẻn, tay cầm cây đàn hết vuốt ve phím đàn đến xoa xoa cái trống đàn. Tôi nâng niu còn hơn bà xã tôi ngày đầu tiên bà có chiếc nhẫn hột xoàn. Tôi thích quá quên cả cám ơn ông khách. Ba tôi nhắc:
“Cám ơn ông đi con!”
Chừng đó tôi mới nhớ rằng tôi quên chưa cám ơn ông. Tôi rối rít cám ơn đi cám ơn lại mấy lần. Ba tôi ngoài mặt thì vui nhưng trong lòng không thích cho lắm vì sợ tôi mê đàn mê hát rồi bỏ học hành, nên sau đó mấy tuần khi thấy tôi có vẻ lơ là ông liền đem cây đàn cho cậu tôi. Ông bảo tôi phải lo học vì đã bị bỏ học từ lâu, bây giờ không phải là thời gian chơi mà là thời gian chú trọng vào việc học, nên tôi không được phép lơ là. Vả lại cuối niên học này tôi phải đi thi tiểu học, ông dọa nếu không đậu ông sẽ gửi về quê ở với ông dượng tôi để đi làm ruộng. Tôi nghe vậy hết hồn đành vuốt nước mắt chịu trận. Ngay cả sau này khi ra Huế học trung học ở trường dòng Pellerin, tôi được theo học khóa guitar và nhạc lý căn bản của trường. Nghỉ hè tôi đem cây guitar mới toanh mà tôi mới mua ngoài Morin định về khoe với ông, thế mà ông giận tôi vì đã không nghe lời ông, không lo học mà cứ lo đờn ca xướng hát. Tôi bảo việc học nhạc cũng là một môn học của nhà trường, tuy không có ghi vào thời biểu nhưng cũng giúp cho sinh viên khỏi phải đi đàn đúm trong thời gian nghỉ hè. Ông càng giận hơn và xách cây đàn mà bao nhiêu tiền ăn quà tôi đã dành dụm cả năm mới mua được đập bể nát tan. Tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ và năm đó cả mùa hè tôi buồn lắm chỉ đi câu và mong cho mau hết hè để trở lại trường.
Thời giờ thấm thoát thoi đưa. Cuối niên học này tôi phải khăn gói vào Hội An để thi Tiểu học. Ngày rời trường huyện Hòa vang, thầy Lê Quý Kỵ là người đã dạy chúng tôi lớp Nhất, ông chúc mấy đứa chúng tôi ráng thi cho đỗ để còn sửa soạn mà vào Trung Học. Thầy Kỵ còn trẻ lắm, mới 20, 21 tuổi chi đó, người trắng trẻo dong dỏng cao, tôi nhớ lúc đó ông vừa mới thi xong sư phạm ở Huế về thì dạy ở trường tôi. Cũng cái chuyện “học trò trong Quảng ra thi, thấy o gái Huế bước đi không đành”, nên vừa về trường tôi dạy đâu được 6 tháng, ông ra Huế ẵm vô một o gái Huế thiệt xinh về Đà Nẵng làm đám cưới liền. Nhứt quỷ nhì ma thứ ba học trò, tụi tôi cứ đọc câu ca dao trên mỗi khi thấy ông, ông chỉ cười và lắc đầu. Một hôm tôi thấy ông vui tôi bèn nói: 
“Thầy ơi! Kỳ này chắc em không vào Hội An thi đâu, thầy làm ơn xin cho em ra Huế thi đi, để em còn có dịp bắt chước thầy!”
Những lúc đó tôi thấy ông dễ thương lạ, mặt đỏ rần miệng cười mím chi lắc đầu với tụi học trò quỷ sứ. Có hôm chủ nhật, tụi tôi rón rén đến nhà ông giả vờ mượn sách, qua khe cửa chúng tôi thấy hai ông bà đang ôm nhau ngáy khò khò. Tụi này rúc rích cười rồi bỏ ra về.
Vì gián đoạn việc học trong mấy năm trước đó nên phần đông tụi chúng tôi cũng đã lớn, trong số đó có tôi, nên thầy Kỵ không cho chúng tôi gọi bằng thầy mà chỉ gọi bằng anh. Ông cười và còn đe chúng tôi, nếu đứa nào kỳ này mà thi không đậu thì đi trường khác mà học chớ đừng có trở lại lớp này với anh nghe. Chúng tôi hứa và từ đó trở đi tôi ít khi được gặp thầy Kỵ, thỉnh thoảng nghỉ hè mới về lại Hòa Vang để thăm ông. Năm đó tôi đậu cao và được ba mẹ sắm cho chiếc xe đạp hiệu Peugeot mới toanh.
Những ngày học ở trường Huyện rất êm đềm. Chiều chiều chúng tôi hay qua một cái chùa gần bờ sông trên con đường mù u (đường này trông rất nhiều cây mù u, người Đà Nẵng dùng dầu mù u để thắp đèn) để học bài vì trong sân chùa trồng rất nhiều cây cao tỏa bóng mát cả sân. Chúng tôi ngồi trên mấy cái ghế đá trước sân chùa mà học bài, gió mát trước sông thổi vào hây hây lắm khi muốn ngủ gục. Thỉnh thoảng cũng vác ná đi bắn chim gần đó. Sau này chỗ ngã ba đường mù u và đường lên Chợ Mới này Tây có làm một cây cầu bê-tông ngang qua sông Hàn đặt tên là cầu De Lattre de Tassigny (*).
Hội An là một phố nhỏ, hai bên đường là những phố cổ rêu phong. Một bên là lối kiến trúc Nhật Bản, một bên là kiến trúc Trung Hoa. Nhận xét cho kỹ mới thấy, nếu không thì nhà nào cũng giống nhau cả, chỉ khác rõ nét là mái ngói âm dương và bên trong mà thôi. Tôi ở trọ trong nhà một người quen với ba tôi. Gian nhà hình chữ nhật rộng rãi và dài thòng, cửa chính bên này đường nhưng cửa sau lại trổ sang bên con đường khác. Thật ra nhiều nhà chẳng có cái gọi là cửa sau vì hai cửa cũng đều giống như nhau. Ở ngay chính giữa căn nhà là một khoảng sân vuông vức (courtyard) rất rộng. Ở đó có một hồ chứa nước lớn dùng cho cả nhà. Giặt giũ, tắm rửa và nấu ăn cũng cạnh khuôn viên đó. Trong nhà những cây cột gỗ lim đen nhánh vòng tay ôm trọn chống đỡ cả nhà và gác. Xung quanh gác trên courtyard một vòng lan can vuông vức chạm trổ hoa văn thật xinh đẹp. Hầu hết nhà cửa như vậy ở đây có tuổi trên vài ba trăm năm là chuyện thường.
Xưa kia trước thời Pháp thuộc, những dãy phố lầu này được gọi là phố Hiến, (sau này Pháp gọi là Faifo) một kỳ công về kiến trúc của hai dân tộc Nhật Bản và Trung Hoa đến đây giao thương và lập nghiệp. Vì thế sách sử ta có ghi: “thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”. Phía kiến trúc của người Hoa họ dùng căn dưới để ở và thường thì tầng trên để buôn bán, có nơi lầu đặc biệt sơn màu đỏ, vì thế mới gọi là lầu son. Đặc sản ở phố Hội An lúc đó (1948) có món cao lầu, một loại hủ tíu của người Hoa bán trên lầu nên người Đà Nẵng lúc đó hay rủ nhau vào Hội An để ăn cao lầu. Nếu gọi đúng tên ra thì phải gọi là món hủ tíu cao lầu mới đúng, vì nguyên liệu chính làm bằng bột gạo lứt (brown rice) tại địa phương, tráng ra thành bánh phở dày có màu tím nhạt. Sau đó họ xắt thành từng lát bề ngang khoảng 1 phân. Riêng người Việt ta ở Hội An cũng có một món na ná như trên nhưng lại gọi là "mì gỗ" vì sợi bánh lớn cứng và dày, ăn không ngon như mì Quảng ngày nay. Đặc sản Quảng Nam chỉ có tô mì Quảng là mềm mại và đậm đà. Sợi mì Quảng cũng làm bằng bánh ướt nhuộm màu nghệ và không thay đổi cho đến ngày nay. Cho đến bây giờ tôi vẫn thắc mắc và không hiểu tại sao người Quảng gọi món đó là “mì” (**) vì sợi phở đó làm bằng bột gạo mà? Có nhiều người cắc cớ hỏi tôi: "Anh là dân xứ Quảng, vậy tại sao món đó gọi là 'mì' Quảng?" Tôi bí!
Tôi đến sớm trước ngày thi một ngày, được ba dắt cho đi xem Chùa Cầu làm theo lối kiến trúc Nhật Bản. Hai đầu cầu có tượng 2 con chó và 2 con khỉ.  Khi xe đạp đi qua cầu tôi nghe mấy miếng ván cũ lót cầu kêu lọc cọc cơ hồ như muốn sứt ra! Tôi cũng được ra cửa Đại ngắm cảnh hoàng hôn trên biển. Về đêm thì phố yên tĩnh đến rợn người, chẳng có một tiếng xe hay cả tiếng hàng quán bán rong. Đèn dầu lờ mờ trong vài căn nhà gỗ, thỉnh thoảng vài tiếng chèo khua nước trên sông Hoài chảy dài sát phố. Sau này có nhiều lần trở về thăm phố cổ, Hội An chẳng hề thay đổi, nếu có chỉ thêm đèn lồng về đêm, nhưng Đà Nẵng thì mỗi ngày mỗi khác. 
Chú thích:
 (*) tên một vị Đại tướng Pháp ở Đông dương.
(**) có thể là người ta nhuộm bánh phở ra màu vàng nghệ giống màu sợi mì chăng?