Chương 5
Nẫu tản cư (*)

     hiếc ghe bầu mà Ba tôi thuê để chở cả nhà di tản về quê, tôi nhớ không lầm thì bề ngang đâu khoảng 2 thước rưởi, bề dài khoảng 8 đến 10 thước tây. Toàn thân ghe đóng bằng gỗ tốt, dày bản và có trét chai xung quanh. Thân ghe sơn màu nâu sẫm. Chiếc ghe Ba tôi thuê không có buồm, cũng chẳng thấy có cột để trang bị buồm khi chạy gió. Giữa ghe, có một mái vòm dài khoảng 5,6 thước làm bằng lạt tre đan để che nắng mưa. Trong khoang đủ chỗ rộng cho 7, 8 người nằm. Khoang ghe chia làm hai phần, ngăn trước như một phòng ngủ. Giữa khoang để các vật dụng dùng để ngủ trên ghe và ngăn sau là bếp. Một cái đầu rau làm bằng đất nung dùng để nấu ăn, dăm ba cái thau nhôm cùng rổ rá chén bát, đó là cái nhà bếp chính dùng cho ghe. Sàn ghe phía trước đánh bóng láng cóng, sạch sẽ. Chiều tối sau khi cơm nước xong là hai anh em tôi a-la-kềnh (nằm) dài trên sàn ghe tha hồ ngắm trăng sao. Đêm nào tôi cũng nằm đếm sao, và cãi lộn với thằng em chùm sao bánh lái khác với chùm sao bắc đẩu. Cho đến bây giờ tôi mới hình dung được cái thú ở khách sạn ngàn sao. Nhưng lần đếm nào cũng khoảng sau 5, 10 phút là tụi tôi “kéo gỗ rừng khuya” ngay. Phía sau hai bên thành ghe có gắn hai cái cọc lớn dùng để buộc mái chèo. Cạnh đó mỗi bên có hai khúc tre dài khoảng tám thước dùng để chống khi ghe đi vào chỗ cạn trong sông. Đàng sau lái cũng có trang bị thêm cái ghế đẩu để cho ông lái ghe ngồi kềm cái bánh lái. Bên trái cái ghế có một khoảng trống đậy nắp có tam cấp gỗ dùng để đi xuống dưới gầm ghe, dưới đó cũng có thêm một tầng nhỏ để các vật dụng cần thiết, và cũng là nơi chủ ghe xuống lườn ghe để tát nước ra khi nước thấm nhiều vào ghe. Trước mũi hai bên đều có vẽ hai con mắt và một hàng chữ cùng số bộ của ghe.
Chủ ghe là một ông trung niên người rắn rỏi dạn dày sông nước. Mắt ông rất buồn duy chỉ cái miệng thì khi cười tôi có cảm tình ngay mặc dầu lúc nào trên môi ông cũng gắn một điếu thuốc lá vấn Cẩm Lệ to tổ chảng!. Khi ông bặp bặp môi thì đầu thuốc nháng lửa lên như cục than trong bếp khi người ta thổi vào làm than hừng lên vậy. Ban đêm ông ngồi một mình sau lái, tay kẹp càng tay lái, tôi chẳng nhìn rõ ông, chỉ thấy mẫu thuốc lá trên môi ông sáng lên sau mỗi lần ông bặp bặp. Lúc nhỏ tôi có cái tật là hễ thấy người nào có một chút gì đặc biệt, tôi hay đặt tên cho họ. Tôi gọi ông chủ ghe là “ông bặp bặp!” Tay chân ông rám nắng chắc nịch, cái chắc của người quanh năm nổi trôi trên sông nước. Ông nói tiếng Quảng Nam đặc sệt, một đôi khi ông dùng những từ gì mà tôi nghe không hiểu bèn nhớ đó để tới chiều tối hỏi nhỏ lại ba tôi. Vì tôi sinh ra tại thành phố, cũng nói tiếng Quảng, nhưng nhiều từ ở địa phương khác tôi vẫn không rành vì chẳng bao giờ có dịp để nghe và dùng đến. Vả lại người xứ Quảng trên miệt nguồn nói cũng có khi khác hơn người dưới biển, thậm chí ngoài cửa Đại có một hòn đảo nhỏ ngoài khơi không xa lắm gọi là cù lao Chàm, ôi thôi nghe mấy “ôn mệ” ngoài đó phát ngôn, thì tôi chỉ có vái dài cả nón không hiểu mô tê chi cả. Bà vợ ông chủ ghe là một bà người Quảng Ngãi nhỏ thó, xứ của đường phổi nhưng bà chả ngọt chút nào. Ăn nói nhát gừng, lúc nào mặt cũng đăm chiêu cau có như chẳng bao giờ hài lòng với ai cả!  Thỉnh thoảng bà nhai trầu, miệng đỏ chót, lúc nào nói chuyện cũng lúng ba lúng búng không ai nghe rõ, chỉ có mình ông chồng là hiểu bà thôi. Nhiều khi bà nhìn ông chồng, hứ một tiếng, rồi nhổ toẹt bãi trầu xuống sông nghe cái chủm. Thêm vào đó cái mà tôi ghét nhất và không ưa bà ta là lúc nào miệng bà cũng méo xệch vì trong môi trái ở phía trên bà nhét một cục thuốc lá Cẩm Lệ to gần bằng nửa quả bóng pin poong. Thỉnh thoảng bà lại lấy chiếc lưỡi của mình rà cục thuốc qua lại ra cái điều khoái trá. Bà cười như mếu, nên thỉnh thoảng tôi cứ nhìn trộm bà và quay mặt đi ôm bụng cười một mình như nắc nẻ!. Mỗi lần bà dọn cơm lên là tôi nghe mùi thuốc lá với trầu nó dính đâu đây trong chén cơm hay đôi đũa. Có bữa tôi phải nói với má tôi: thôi má xới cơm cho con đi. Tuổi nhỏ hễ thấy gì thích thì nói thích, không thì nói không chẳng bao giờ biết lịch sự là gì nên tôi thường bị má tôi quở mắng và khỏ vào đầu bảo thằng này ăn nói không lễ độ, bủng bủng chảng chảng!. Thật vậy, cho đến bây giờ tôi vẫn còn không hiểu rõ các từ bủng bủng chảng chảng là nghĩa làm sao? Ông bà chủ ghe có hai người con trai, anh lớn khoảng đâu 24, 25 tuổi, cậu em nhỏ hơn vài ba tuổi. Hai anh em tánh tình dễ mến, ông anh ít nói, lúc nào cũng cười, hỏi gì thì anh cũng hỏi lại: cái chi? Riết rồi tôi đặt tên anh là “anh Chi”. Còn cậu em thì hiền như Bụt cả ngày cạy răng cũng không thấy một lời, cha mẹ bảo gì thì cứ vâng lời lầm lũi làm ngay. Tôi mến hai anh em đó nhất, dầu chỉ có ba ngày trên ghe, nhưng khi xuống ghe về làng, nước mắt tôi cũng chạy quanh.
Loại ghe bầu này rất thông dụng trong vùng Quảng Nam-Đà Nẵng thời bấy giờ. Con buôn chở thực phẩm trên mạn ngược xuôi dòng Thu Bồn xuống Hàn để bán rồi mua các vật dụng ngoài thành phố chở ngược về nguồn. Một số lớn chở cát lấy ở lòng sông hay bãi biển về bán tại Đà nẵng cho những nhà thầu làm nhà. Tính cách hữu dụng của ghe bầu lúc đó rất cần thiết cho nền kinh tế vùng Quảng Nam, nên sự đi lại trên sông và ven biển cửa Đại thật tấp nập và nhộn nhịp vô cùng. Có thể nói đó là những chiếc tàu đò con thoi nhỏ thời bấy giờ.
Mùa hè năm 1945 là thời điểm chiến tranh Pháp Việt bùng nổ lớn. Mặt trận Việt Minh nổi lên khắp nơi chống Pháp, và Đà Nẵng cũng không là ngoại lệ. Tiếng súng râm ran ngoài Huế từ đầu tháng năm và dân chúng rộn rịp tản cư dồn dập vào Đà nẵng. Họ đi bằng đủ mọi phương tiện. Xe đò, xe lửa, ghe thuyền tấp nập đậu ở sông Hàn. Nét mặt người nào người nấy cũng hối hả và lo âu. Thậm chí có rất nhiều gia đình từ Huế đã chạy vào đến Đà nẵng rồi, lại nghe tản cư nữa thì họ cũng chẳng còn biết chạy đi đâu, thôi thì ở lì tại đó. Tiếng đồn Việt Minh đã chiếm Huế, trong khi một vài đoàn convoy của Tây tiến vào Đà nẵng, thế là cả thị xã hoảng hồn, dân chúng lại rộn ràng tất bật tản cư..
Gia đình tôi cũng ở trong hoàn cảnh đó. Thoạt đầu Ba má tôi cũng không biết chạy đi đâu. Sau đó Ba tôi quyết định là về quê ngoại của ông, trong 2 làng Phú Mỹ và Phước Thành. Dùng xe đò trên quốc lộ 1 để đi vào phía đó thì muộn rồi, vì cứ mỗi một đoạn đường ngắn thì Việt Minh lại đào đường đắp mô để cản xe của Tây không cho tiến vào Hội An cùng Tam Kỳ được. Mà nếu gia đình tôi có đi được cũng chưa chắc đã bình yên mà qua lọt các chốt gác của Tây. Vì thế mà Ba tôi chỉ còn có một quyết định là dùng ghe bầu xuôi Nam vào cửa Đại, xong theo một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn để đến một địa điểm gần làng nhất càng tốt. Từ đó chúng tôi sẽ liên lạc người trong làng đem xe bò ra rước hoặc cáng về làng. Làng quê bên ngoại của Ba tôi nằm chếch trên quốc lộ số 1 gần dãy trường sơn, cách xa Đà nẵng khoảng 30 cây số. Nơi đó có thể tạm yên ổn trong thời gian có đụng độ ngoài Đà nẵng.
Trời tháng năm oi nồng sau những cơn mưa rào ẩm thấp. Những đám mây mọng nước đen dày giăng kín cả bầu trời bên phải chợ Được, nhưng bên trái thì trời lại nắng ráo! Những lúc mưa như vậy thì tôi lại bảo với thằng em rằng nơi đó có tới hai ông Trời! Người tôi ngột ngạt, chỉ mong cởi được chiếc áo tơi ra (áo mưa dệt bằng lá dừa khô), nhưng sau đó lại phải co ro đứng sát dưới hàng hiên đụt mưa trên thềm đất nhà tranh của chợ. Mưa vẫn trút nước xuống ào ào, sấm chớp nổi lên như muốn xé tan bầu trời đen nghịt. Thỉnh thoảng những cánh chớp loằng ngoằng từ trên trời rơi xuống đất. Tiếp sau đó là những tiếng nổ long trời, tiếng rền vang vọng đi từ tây sang đông kéo dài như tiếng gầm của một loài ma quái. Cái áo mưa của Ba tôi đã rách một khoảng sau lưng nên nước mưa bắt đầu thấm vào lưng ông ướt sủng. Ông chủ ghe và hai đứa con trai đã giúp khiêng chiếc giường và mẹ tôi lên tận chợ đặt trên một cái sạp trống. Ông nhận tiền và cùng mấy cậu con trở lại ghe từ lâu. Thằng em tôi ngồi đó dưới chân giường cuộn tròn trong cái áo tơi nhỏ nom như cái giỏ lác!
Cơn mưa to quá! Tôi ngồi xuống bó gối trên hàng hiên nhìn ra khoảng sân đằng trước. Những giọt mưa ào ạt ném xuống đất đồm độp làm dội lên từng vũng nước nhỏ. Nước chảy không kịp tràn vào đến tận thềm nhà. Vài con ếch không biết ở đâu nhảy ra ngồi đó giương mắt nhìn đoàn người tản cư chúng tôi. Tôi ngước đầu lên nhìn lên phía Ba tôi rồi lo lắng hỏi: Bao giờ người ta mới tới đón gia đình mình hả Ba? Ba tôi lắc đầu tiếp: Ba không biết nữa, nhưng chắc không lâu đâu. Cứ ngồi đây chờ chớ bây giờ mưa quá đi đâu được. Thế là chúng tôi đành phải ngồi từ sáng đến trưa mà bụng thì đói meo. Thức ăn mang theo từ lúc rời ghe đã ăn hết từ sáng. Quán hàng ở chợ Được thì lưa thưa hiu hắt dưới cơn mưa. Chợ trưa đã vắng lại càng vắng thêm vì những trận mưa rào. Mà cũng chẳng có chi để mua ngoại trừ vài sạp quán còn bán ít bắp nướng đã nguội ngắt hoặc vài ba dĩa khoai mì hấp, ruồi bu lốm đốm như những hạt đậu đen. Chả bỏ bằng mấy ngày trên ghe bầu, tụi tui được ăn uống no nê ngon lành. Sáng ra cháo khoai với cá kho khô, trưa cơm nếp thịt kho, tối thì thịnh soạn hơn, khi ông chủ ghe được ba tôi hào phóng chi thêm khoảng tiền đồ ăn nên ông lo đầy đủ chu đáo lắm. Bữa cơm tối hôm qua có ba món: thịt gà nướng, cá chiên cùng canh rau bù ngót nấu với tôm tươi. Đi tản cư mà ăn uống được như vậy cho dù chỉ trong ba ngày hai đêm trên sông biển cũng đã làm tụi tôi thích thú vô cùng. Chiều hôm qua khi ghe vào sông nước ròng nên bị mắc cạn, chống thế nào ghe cũng không nhúc nhích, thế là ông chủ ghe cùng mấy người con trai đành phải cắm sào dừng lại bên cồn cát chờ tới sáng cho nước lên. Tụi tôi tha hồ nhảy ùm xuống sông tắm lội thỏa thuê. Sau đó lên ăn một bụng xôi và cá cơm kho khô ngon lành mà đến bây giờ tôi còn nhớ rõ.
Tôi quay mặt qua thằng em thấy nó đang ngủ gà ngủ gật. Tôi hích nhẹ vào vai nó hỏi khẽ: Mi có đói không? Hắn khẽ gật đầu. Ba tôi tinh ý đứng dậy. Ông lững thững theo hàng hiên đi men qua mấy cái sạp bỏ không, tiến đến một cái sạp có treo mấy xâu bánh ú. Ông lấy 4 cái trả tiền rồi lẵng lặng đi về chỗ tụi tôi ngồi. Ông đưa cho mỗi đứa một cái và bảo ăn đi. Tôi và thằng em đang kiến bò bụng nên chụp lấy và bóc ăn ngay. Duy chỉ có má tôi lắc đầu và bảo để đó khi nào đói bà mới ăn.
Cơn mưa đã dứt, trời lại sáng trong. Xa xa trên mõm cồn cát bên kia chợ một cái mống đủ màu hiện ra. Nắng bắt đầu chói nghiêng qua nóc các chòi trong chợ. Hơi nước dưới ruộng vẫn còn bốc lên như khói nhạt. Tiếng ếch nhái bắt đầu ọt ệt râm ran. Chợ cũng bắt đầu đông lại. Kẻ mua người bán lại tấp nập ra vào. Chẳng mấy chốc chợ Được lại nhộn nhịp như đàn chim chiều về tổ.
Một toán bốn người trong đó có ba thanh niên và một ông trung niên trờ tới. Ông nháo nhác nhìn qua nhìn lại như có ý kiếm ai. Ba tôi nhìn thấy ông vội vàng đứng lên và chạy ra vừa ngoắc vừa mừng.
- A, chào cậu Tám, lại có cả anh hai Diện nữa!
Ba tôi tíu tít chào hỏi và nắm tay mấy bà con vừa mới đến. Ông mà ba tôi gọi là cậu Tám là em út của bà nội tôi. Bà là chị thứ tư. Tôi phải gọi ông bằng ông cậu Tám. Ông cậu Tám vóc người nhỏ nhắn, cỡ ngang tuổi với ba tôi, nhưng vì ông là con út của bà nội tôi, theo vai vế tôi phải gọi là ông chứ thực ra ông còn trẻ măng à, mặc dầu công việc đồng áng có làm ông già hơn trước tuổi và gương mặt khắc khổ hơn ba tôi. Ông mừng rỡ ra mặt hỏi ngay:
Chú Minh chờ tôi có lâu không? Tới lâu chưa? Ăn uống gì chưa?
Ba tôi chưa kịp trả lời ông lại hỏi tiếp:
Thím và mấy đứa đâu? có mạnh giỏi không?
Má tôi đang nằm trên cái giường mây ngóc đầu lên chào ông và chỉ vào tụi tôi ngồi bên cạnh.
“Dạ chào cậu,” rồi bà chỉ tay vào hai đứa tôi tiếp: “Tụi nhỏ đây, chúng nó vẫn bình thường. Cậu mạnh giỏi không cậu?. Mợ và mấy anh chị cũng khỏe hả cậu?”
Ông cậu Tám nhìn má tôi nằm trên giường vẻ ái ngại nói tiếp:
“Tội nghiệp chị Đội, cái cẳng đi mà chừ nằm đó thiệt!…( ông chép miệng)  rồi nói tiếp:
“Cầu Trời Phật về đây tỉnh dưỡng rồi tập đi lại hỉ!”
Ông quay sang tôi hỏi:
“Chà cái thằng... chi?”
Ông nhìn tôi ngập ngừng một chút, rồi tiếp.
“À, cái thằng Thông! Chu choa, mới mấy năm mà hắn lớn ghê hè?. Mạnh giỏi không con?” 
Tôi ấp úng định trả lời thì Ba tôi tiếp:
“Dạ tụi con và các cháu tới đây lúc nửa buổi, mắc mưa nên ngồi đây từ đó cho đến giờ.”
Ông cậu Tám quay sang má tôi:
“Cơ khổ! tại trời mưa dữ quá nên mấy tui vừa đi vừa đụt mưa, chớ nếu không đã đến đây từ ngọ. Thôi ăn uống chi chưa? Nếu chưa thì vào chợ kiếm cái chi ăn qua loa ba miếng rồi về trên làng ăn túi (tối). Cậu đã dặn tụi nhỏ lo giết mấy con gà làm gỏi mình về nhậu lai rai đó chú Minh. Thiệt tình, có chạy giặc mới gặp chớ ít khi chú Minh về lại trong làng. Đã 3, 4 năm rồi đó chứ răng!”
Ba tôi gật đầu cám ơn cậu Tám và cho biết rằng sáng cũng đã ăn no rồi. Ông chỉ vào hai đứa tôi:
“Mấy thằng ni vừa mới ăn bánh ú nên chắc cũng không đói mô. Thôi cám ơn cậu, nếu cậu chưa ăn chi thì cứ ăn rồi hẵn về, tui cũng mới ăn một cái bánh ú lưng lửng bụng rồi.”
Ông cậu Tám gật đầu rồi nói tiếp với Ba tôi:
“Thôi để cậu bảo bầy trẻ vác cáng vô kiếm chút chi lót lòng rồi lên đường về cho sớm, chớ cái điệu ni trời mưa tới mưa lui đường sá trên ruộng trơn trợt sợ mấy đứa nhỏ chú Minh đi không quen nó chụp ếch thì cũng mệt.”
Ông nói xong nhe hàm răng sún mất mấy cái ra cười khì khì. Ông cậu Tám tiếp:
“Sáng ni cậu làm một bụng bây chừ cũng còn no chưa có đói. Tụi nhỏ ăn xong thì thím Minh cho thằng út lên nằm với rồi tôi bảo tụi nhỏ cáng giường đi, chú với thằng lớn chịu khó đi theo tui nghen. Cũng không xa lắm đâu, qua khỏi cái cồn cát này băng qua quốc lộ 1 đi lên một tí nữa là tới làng. Có mang theo đồ chi nhiều không?”
Ông nhìn xuống chỗ ba tôi ngồi thấy có hai chiếc rương và mấy cái giỏ lát, ông tiếp:
"Để mấy cái rương đó tụi nhỏ nó tiếp tay cho.”
Ông nói một hơi rồi ngồi thở dốc, nhưng miệng vẫn nở nụ cười nhân hậu. Ông lấy chiếc nón lá quạt phành phạch, mồ hôi trên trán ông lấm chấm, tay kia ông lấy cái khăn quấn ở càng cổ lau mặt rồi mỉm cười thoải mái.
Chúng tôi rời chợ Được vào khoảng xế trưa. Trời lúc đó nắng ráo. Một làn gió nóng phía hạ Lào thổi qua làm cho tôi phải cởi cái áo tơi ra quấn tròn lại cầm trong tay. Ba tôi dắt lấy tay tôi đi ra phía trước để theo ông cậu Tám cho khỏi lạc đường. Cái nóng hâm hấp vào buổi xế trưa làm tôi bắt đầu buồn ngủ. Tôi nhướng mắt nhìn trời cầu cho đừng có mưa trên đường về làng, nhưng cũng không biết chắc từ đây đến chiều còn trận mưa nào không? Sức khỏe má tôi còn rất yếu sau trận mổ xương ngoài Huế vừa qua nên bà chỉ nằm trên giường chứ không ngồi dậy được. Thằng em tôi trèo lên giường nằm dưới chân bà.  Hai cậu thanh niên lực lưỡng cột giây vào hai đầu giường rồi xỏ cây cáng tre qua. Một tấm vải bạt choàng qua đòn tre để cáng, nên tôi không còn thấy mặt mũi má và em tôi. Tôi thấy có một đám đông khoảng ba bốn người cùng đám trẻ con tò mò nhìn theo đoàn chúng tôi tay họ chỉ trỏ vào cáng. Tôi chỉ nghe loáng thoáng tiếng được tiếng mất của một người đàn bà hỏi chi đó, sau đó có tiếng đàn ông trả lời là:
“Xi’.., cái nẫu tản cư đó!”
Tôi cố gắng nhớ mấy chữ nẫu tản cư để đến chiều về trên làng sẽ hỏi lại ba tôi. Vượt qua cái cồn cát trắng tôi mệt đứ đừ, vì từ lúc chập chững biết đi đến giờ là đã mười mấy năm, nào tôi có bao giờ được đi qua cái cồn cát rộng thăm thẳm như thế đâu. Có chăng chỉ những lần đi tắm biển Thanh Bình với ba má tôi thì được chạy tung tăng trên cát biển là cùng. Qua khỏi cái cồn cát tôi đứng lại để xỏ giày vào, nhưng không quên nhìn lại nó một lần chót. Tôi cúi xuống nhìn đôi chân đỏ hỏn, rớm nước mắt nhưng tôi kìm được tiếng rên. Ba tôi quay lại:
Con có đau chân không? Tôi cố gắng bậm môi trả lời:
“Dạ không!”
Tôi ráng không cho ông biết rằng chân tôi bắt đầu bỏng rát bởi cát nóng phía dưới mặt cồn nung hầm mà ở lượt trên thì vì cơn mưa rào vừa rồi làm dịu bớt nên không nóng mấy. Tuy vậy tôi cũng ý thức được chút đỉnh rằng mình bấy giờ là đi tản cư chớ không phải đi du lịch, nên tôi ráng không tỏ ra đau đớn hoặc khó chịu trước mặt ba tôi và ông cậu Tám. Vừa đi tôi vừa suy nghĩ mông lung, tại sao đám người bên đường kia cứ chỉ chỏ vào chúng tôi mà kêu là cái “nẫu tản cư?” Ba mươi năm sau vào những ngày sau 30 tháng tư 75, tôi chợt nhớ lại và thấm thía với ba chữ ấy nhưng lần này thì lại là cái “nẫu di tản!”
 
Chú thích:
(*) Nẫu, hay nậu: nghĩa là bọn nó, chúng nó…