Chương 6
Nước mắt chan cơm

     rèo lên đi, trèo lên, hổng có sao đâu mà sợ!  tao đã nắm chặt cái mũi nó rồi, mày cứ nghe tao, trèo lên đi!”
Thằng Nhái con ông hai Ếch cứ giục tôi mãi nhưng tôi vẫn ngần ngại không dám leo lên lưng con trâu. Đây là lần thứ nhất trong đời tôi được trèo lên lưng một con vật to lớn nên còn sợ sệt và e dè lắm. Hơn nữa từ nhỏ đến nay, đã hơn 10 tuổi đầu thằng tôi chỉ quen ở tỉnh chớ có ở nhà quê lần nào đâu mà biết trâu với nghé!  Sau khi thằng Nhái đồng ý cho tôi leo lên lưng trâu và cũng đã nghe nó căn dặn kỹ lưỡng năm lần bảy lượt rằng thì là:
“Mi cứ tự nhiên nghe, khi mô tao biểu trèo lên thì trèo nhè nhẹ lên, đừng làm cho nó nhột nó chạy hoặc mi mà nhảy mạnh lên là nó hất văng mi xuống đất đó.”
Nhái còn nói thêm với tôi là "Tao thích mi lắm tao mới cho mi cưỡi hén đó nghe, chớ ba tau mà biết được ổng tát tai tau liền." 
Tôi nghe lời thằng Nhái, lom khom hai tay vịn lưng trâu, một chân đứng trên bờ đê còn chân kia bỏ nhẹ qua lưng con trâu mắt thì theo dõi thái độ của nó và thằng Nhái. Tim tôi đập mau hơn bình thường thấy rõ. Nhưng không biết tại con trâu nó kỳ thị tôi hay sao mà khi tôi vừa mới đặt đít lên lưng nó, bỗng nó phát nhảy một cái và hất tôi xuống ruộng một cái bạch như trời giáng! Áo quần mặt mũi tôi dính bê bết đầy bùn đất, tôi hết hồn lồm cồm bò dậy trong tiếng cười ha hả của thằng Nhái và tiêng “é ngọ” của con trâu. Vì con trâu giật quá mạnh nên cái giây thừng máng vào mũi nó cũng kéo thằng Nhái đi một sải suýt hỏng cẳng té luôn. Tôi nghe tiếng thằng Nhái la con trâu một tiếng thật lớn và ghìm cái dây móc mũi nó xuống đất rồi cười ha hả. Con trâu dừng lại ngay, lúc lắc cái đầu ngoảnh cổ nhìn thẳng vào mặt tôi như có ý trêu tức!. Tôi không giận nó nhưng ước gì tôi có thể đọc được ý nghĩ trong đầu nó vào lúc này? Nó sợ tôi chăng? hay giận, hay chơi khăm tôi đây? Tôi đã theo lời thằng Nhái trèo nhè nhẹ lên lưng nó mà?!  Con trâu đứng đó mắt lờ đờ nhìn tôi như một triết gia, miệng nhai qua nhai lại, rồi quay mặt ngoảnh đi.  Của đáng tội, bây giờ tôi mới thấy ghét nó quá chừng mà không làm chi nó được. Đá nó một cái chăng? Đâu có được, nhỡ nớ đau nó quật cho một cái thì gãy ba sườn với lại con Trâu là của thằng Nhái mà! Tôi nghĩ vậy rồi ì a ì ạch đứng lên, cái chân bên trái và mông đít của tôi đau như dần vì té nửa cái mông dộng mạnh trên bờ ruộng. Tôi xuýt xoa thoa chỗ đau, cố nở một nụ cười mếu mó với Nhái. Tôi nói với thằng Nhái:
“Thôi con trâu của mi nó không ưa tao, không cho tao ngồi thì thôi, tao không thèm cỡi nữa đâu”!.
Thằng Nhái mắng át tôi:
“I’, cái thằng ở tỉnh mà nhát gan thấy mẹ, thằng Sếu tao cho trèo lên lần trước nó cũng bị té như mi đó, riết rồi nó cũng ngồi được, có răng mô na?”
Tôi lắc đầu quầy quậy không phải vì sợ con trâu nhưng tức và vì tôi nghỉ tới chiều về khai với ông bà già ra sao về bộ đồ ướt nhẹp dính đầy bùn đất đây? Ổng bả cũng dặn đi nhắc lại thằng tôi mấy lần rồi, rằng chơi chi thì chơi đừng có đụng tới con trâu vì xem mặt nó hiền rứa chớ nó mà đã không ưa ai là nó báng (lấy sừng đâm) cho mà chết đó! Nghĩ tới đó tôi càng sợ con vật này. Từ đó trở đi tôi mất cảm tình với con trâu và cái cảnh thằng bé con ngồi trên lưng trâu thổi sáo hay miệng hát nghêu ngao “ai bảo chăn trâu là khổ? không! chăn trâu sướng lắm chứ” thì tôi chắc chỉ có trong tiểu thuyết hay nét nhạc của ông Phạm Duy mà thôi!
Sau gần cả tháng từ ngày gia đình tôi khăn gói tản cư về cái làng này, tôi mới làm bạn được với hai thằng: thằng Nẩm con ông Tám riu bà con bên ba tôi và thằng Nhái con ông hai Ếch tá điền của ông dượng tôi. Ban đầu cũng chẳng có ai dám làm bạn với anh em tôi, tôi cũng không hiểu và không cần biết lý do làm chi nên chỉ lủi thủi chơi với thằng em nhỏ của mình. Tụi con nít xóm này không phải nó kỳ thị, nhưng vì nó thấy nẫu tản cư lạ hoắc mới ở tỉnh dọn về nên mấy ngày đầu chúng nó tò mò cứ đứng đằng xa mà ngó chớ không đến gần làm quen. Tôi và thằng em dạn dĩ hơn ra làm quen trước. Sau này mới vỡ lẽ ra rằng cha mẹ tụi nó có dặn: mấy đứa bây đừng chơi thân với cái nẫu tản cư vì tao thấy xóm trên có mấy gia đình tới đây tháng trước có mấy thằng con tính nết mất dạy lắm. Cha mẹ chúng nó cũng oánh và chửi lộn như cơm bữa. Nhưng sau một thời gian nửa tháng mấy đứa trẻ trong làng này thấy gia đình tôi sống im lìm lặng lẽ. Ba tôi thì khi nào có dịp đi ra ngoài gặp ai cũng chào hỏi tử tế và gia đình không có chào xáo chi hết nên mấy thằng nhỏ trong xóm mới bắt đầu ló dó đến làm quen với anh em tôi. Từ đó tôi mới dạn dĩ theo tụi nhỏ đi bỏ lờ, đôm cá cùng với mấy anh lớn của chúng, và theo đánh bắt chim “chà chiện” (trò chuyện).
Trời trưa hè ở làng quê yên lắng lắm. Cái nắng nóng hầm làm mồ hôi trong người vã ra, song thỉnh thoảng cũng có cơn gió nhẹ thổi qua mát rượi. Làng quê của ba tôi thật êm đềm, trưa hè chỉ nghe thấy tiếng chim cuốc cuốc gọi nhau trong bụi cây hoặc tiếng gà mẹ túc túc lũ gà con sau vườn. Mặt trời chói chang oi ả chiếu xuống trên những cánh đồng lúa ngập nước, hơi nước dợn sóng bay lên nhè nhẹ như nồi nước sôi mới vừa mở hé chiếc vung.  Những cánh lúa nở đòng đòng nặng trĩu cành, đầy ắp những hạt. Một cơn gió thổi qua, lúa rạp mình xuống và gió lướt êm làm cả cánh đồng dợn sóng.  Một màu xanh chen vàng nhạt lung linh tít tận chân trời. Im lặng, hoàn toàn im lặng. Tôi ngồi đó cuộn tròn người lại như một hòn bi.  Tôi nghe rõ cả tiếng con ruồi trâu vo ve đâu đây. Một mình tựa cửa nhìn ra, buồn lắm, tôi nhớ nhà, nhớ Đà nẵng, nhớ những tiếng rao hàng mỗi chiều của bà bán bún bò:
“Ai ăn bún bò không?..........”
Tiếng rao mệt nhọc của bả mỗi chiều khi gánh cái gánh bún bò nặng chĩu ngang qua ngõ nhà tôi. Rồi thì kế tiếp vào chập tối là chị bán chè đậu ván. Đặc biệt tôi thấy là cứ mỗi tối khi chị này đi ngang qua nhà tôi, chị ta dừng lại một chút và có ý rao to hơn, dường như chị đoán biết rằng ba tôi và tôi rất mê chè đậu ván của chị.  Nhớ đến đó tôi thèm lắm, nước miếng chạy quanh. Bụng đang đói, suy nghĩ không cũng đã thấy cồn cào. Tôi ước chi bây giờ có được tô bún bò và chén chè đậu ván!
Mấy hôm nay nhà tôi gần hết gạo, hũ gạo còn được vài ba lon nhỏ.  Còn ít gạo quá nên ba tôi ghế sắn khoai nhiều vào rồi nhặt từng hạt cơm ra cho tôi và đứa em ăn!  Nhìn cha mẹ ăn sắn với khoai, tôi cầm chén cơm mà nước mắt lưng tròng.  Thương cha mẹ quá! Tôi cố mỉm cười quên chuyện đó đi, chợt nhớ lại chị bán chè đậu. Số là sau nhiều lần tối tối ba tôi cứ kêu gánh chè của chị Huế vào trước sân ăn như thường lệ. Bỗng hôm nay sao lần này ba tôi vừa kêu chị chè đậu vào là má tôi la lên ngay:
“Thôi đi nghe ông, đừng có ăn nữa, tiền mô mà chè với cháo mỗi đêm?”
Nhưng tôi thấy có cái chi là lạ trong giọng nói của bà? Bà đã bắt đầu để ý? Tại sao thỉnh thoảng ba tôi kêu bà bún bò vô ăn thì không thấy bà già cằn nhằn chi, nhưng hễ mỗi lần thấy chị Huế bán chè đậu ván là bả lên tiếng la ba tôi liền?.  Để ý như vậy chứ thật ra thâm tâm tôi nào có thắc mắc làm chi đến chuyện người lớn, cho đến một ngày có bà hàng xóm thấy má tôi la ba tôi hoài, gặp tôi bả cười tõn tẽn nói nhỏ cho tôi biết rằng má tôi ghen bóng ghen gió đó! Tôi muốn hỏi bả ghen bóng ghen gió là cái gì thì bả chỉ cười trừ rồi bỏ đi. Một hôm tôi bèn đem chuyện đó mét lại với ba tôi, ổng cười xòa nói rằng má tôi ghen vì có một lần bà bắt gặp ba tôi cười với chị Huế nên bả cáu! Sau này khi lớn lên ít tuổi nữa tôi hiểu biết hơn về chuyện người lớn, bèn nhớ lại và mới vỡ lẽ ra rằng là cô Huế bán chè đậu ván có cái eo tuyệt đẹp và có cái liếc gợi tình! Thảo nào! Nghĩ đến đó tôi không nhịn cười được.  Thằng em tôi thấy tôi cười bèn hỏi tới:
“Anh hai cười cái chi rứa?” Tôi không đáp.
Từ ngày tản cư đến đây ba tôi xài đã hết tiền để dành, nên má tôi lo lắm. Tuy vậy sau mấy tháng trời ăn uống kham khổ, một hôm ông dượng tôi qua thăm gặp vào bữa cơm chiều. Nhìn mâm cơm chẳng có chi ngoài vài con cá rô chiên dầm nước mắm cùng tô canh rau đắng sau hè. Nhìn nồi cơm thì thấy sắn nhiều hơn cơm, ông bèn ái ngại hỏi ba tôi:
“Bộ cháu ba thiếu thốn lắm hả”.
Ba tôi đáp:
“Dạ đâu có, thưa dượng. Tại mấy bữa ni tôi không đi làm thuốc nên ít tiền ăn uống có phần đạm bạc hơn chút thôi.”
Nói rồi ông đứng dậy đi ra ngoài để giấu đi vẻ mặt lo lắng.  Ông dượng tôi nhạy cảm lắm, nhưng ông cũng chẳng nói chi sợ ba tôi mặc cảm. Về bên nhà hôm sau ông cho người đem qua cho ba tôi ba giạ(*) lúa cùng hai giạ gạo và một ít tiền mặt, nhưng ba tôi chỉ nhận lúa gạo và trả lại món tiền mặt viện cớ rằng ba tôi còn tiền.
Ông dượng tôi là một điền chủ nhỏ ở làng này. Ông rất tốt với mọi người, nên tá điền và dân làm ruộng rất yêu mến ông. Đặc biệt với gia đình tôi khi mới chân ướt chân ráo đến đây, ông đã giúp đỡ rất là tận tình. Nào gạo nào khoai, nào lúa giống và ông cũng có cho ba tôi mượn riêng một đám ruộng nhỏ để cấy lúa tự túc cùng nửa héc ta đất rẫy để trồng khoai và sắn mà ăn. Ở thôn quê người ta thực tế lắm: lúa, khoai, sắn, bắp là chính, ít khi họ xài tiền. Tiền chỉ cần khi có tiệc tùng giỗ quảy hay Tết nhất lớn thì mới ra chợ Hà Lam mà mua thịt cá.
Căn nhà nhỏ mà gia đình tôi đang tá túc là của ông thuê lại một gian giữa của chị người làm thuê cho ổng. Ông bảo với ba tôi: “Chú thím ba khỏi lo lắng chi hết, nhà này trước kia của tôi, nhưng tôi bán rẻ cho vợ chồng con mẹ Tấn. Nay chồng nó mất rồi, còn có hai mẹ con, ở chi cho nhiều nên tôi mướn lại một gian cho chú thím. Chú thím cứ yên tâm, đừng ngại ngùng chi hết, tôi có nói chuyện với mẹ con nó rồi, cứ yên lòng ở đó cho đến khi mô yên giặc thì trở về Đà nẵng. Chỉ có gia đình ông là ba tôi chịu ơn rất nhiều, chẳng phải vì ruột thịt mà thôi, nhưng với lòng nhân đức thương người sa cơ có một không hai của ông. Chẳng thấy ông ăn chay nằm đất, nhưng tôi thiết nghĩ ăn ở như ông thì ngay tại thế ông đã thành Phật rồi. Nhưng cái mụ Tấn cho thuê nhà là cứ tìm đủ chuyện gây gỗ với ba mẹ tôi hoài. Tôi cũng không hiểu tại sao. Có lẽ là vì tụi tôi đến ở chình ình trong căn nhà của mụ? Nhưng ông dượng tôi đã trả tiền hàng tháng cho mụ ấy rồi mà? Có một hôm mụ mất một con gà, không biết có mất thiệt hay không, mà mụ ra sân chửi đổng:
“Ối, chắc cái nẫu tản cư đây, chớ gà của tao nuôi từ trước tới nay có đi mô mà mất, reng (răng) bữa ni kêu hoài kêu hũy mà nó chẳng về?"
Ba mẹ tôi nghe, giận lắm nhưng để bụng chớ không đối chất làm chi, và mẹ tôi bảo rằng khi mô mụ Tấn chửi ra mặt rồi hẵng nói với ông dượng.
Sáng nay có một đám người quang gánh nào nồi nào ống nào dây chão vào đám rừng tràm nằm dưới khu rừng cây mà anh em chúng tôi vẫn đi bẻ củi, hốt lá về chụm mỗi ngày. Thằng Nhái thấy lạ bèn chạy tót qua nhà réo tôi  rủ đi ra đó xem họ làm cái gì. Khi tôi đến đã thấy đám con nít trong làng tụ tập chỉ chỏ, tôi cũng nhập vào bọn nó và đứng đó xem. Đám người mới đến đặt hết đống đồ xuống một khu ruộng khô.  Số là sau nhà tôi ở không xa có một đám rừng tràm lá dày (cùng họ eucalyptus) thấp, cao không quá ngực. Bên Mỹ vùng Nam Cali tôi cũng có thấy loại cây tràm này, nhưng cây to và cao, ước đến ba bốn chục feet. Lá cũng có mùi thơm khuynh diệp nhưng mùi không nồng bằng lá tràm ở rừng tôi. Vỏ cây này hay bị bung ra lòi cái lõi cây trắng vàng nhạt láng như da người bị lang ben. Cái chỗ rừng tràm đó rộng cũng đến 3, 4  mẫu là ít. Tôi hay ra đó lặt lá tươi mang về cho ba tôi nấu nước xông khi trong nhà có người bị cảm. Dân làng có người cũng ra chặt cây về phơi khô làm chổi quét sân.
Tôi thấy một người có vẻ là trưởng nhóm đang phân công cho một số lên rừng trên để lấy củi, một số đi lấy nước trong xóm, người còn lại đang loay hoay ráp mấy cái nồi vào một chiếc ống to. Tôi thắc mắc không hiểu họ sẽ làm cái gì. Tôi đến bên anh đang ráp cái ống vô một cái nồi lớn bằng nửa cái thùng phuy (loại barrel đựng dầu xăng). Trên nồi có cái nắp vung tròn đầu nhọn ló ra một cái ống ngắn, nói tóm lại nó giống như cái phễu lớn úp lên trên cái nồi vậy. Anh ta đặt cái nồi trên một cái kiềng ba chân làm bằng sắt, dưới có chỗ rộng để đút cây chụm lửa. Trên cái ống phễu đó anh nối cái ống thiếc qua một cái nồi nhỏ bằng nửa cái nồi kia.  Đặc biệt tôi thấy là cái ống không có thẳng cũng không cong như chũ U lộn ngược, mà lại giống như chữ V lật úp. Nối hai đầu ống xong, ông trưởng nhóm đến xem xét lại và gật đầu ra ngồi kế bên một ông mặc bộ đồ xanh lá cây như lính, hai ông ngồi hút thuốc tán gẫu. Tôi thấy ông trưởng nhóm rảnh rổi bèn lân la đến hỏi:
“Thưa chú, mấy chú nấu cái chi vậy?”
Ông quay sang tôi cười rồi trả lời:
“Nấu dầu chổi.”
Tôi à lên một tiếng thật to, và tài lanh tiếp:
“Dạ cháu biết rồi, mấy chú lấy lá tràm ni bỏ vô nồi nấu nước xông phải không?”
Ông cười to rồi đáp với tôi:
“Cậu ni giỏi đó nhưng nói đúng có một phần!”.
Ông nhìn tôi nheo mắt, thấy mặt tôi có vẻ sáng sủa hơn mấy thằng kia bèn cười và hỏi tiếp:
“Cháu là người địa phương này hả?”
Tôi cười đáp:
“Dạ thưa đúng, nhưng đúng có một nửa”.
Ông tỏ vẻ ngạc nhiên thấy tôi lý sự bèn hỏi:
“Thế nửa kia là sao?”
Tôi tiếp:
“Dạ cháu ở đây, nhưng không phải là người địa phương này, cháu là nậu tản cư ngoài Đà nẵng vào”.
Ông à lên một tiếng rồi quay mặt qua ông mặc đồ xanh cười nói:
“Cậu ni cũng là dân Đà nẵng tản cư đó bác sĩ nè.”
Tôi nghe ông kêu ông đó là bác sĩ tôi cũng hơi tò mò định hỏi nữa nhưng không dám. Ông trưởng nhóm quay sang tôi giảng giải tay chỉ chỏ vào hai cái nồi một cái lớn và một cái nhỏ nối bởi một ống thiếc lớn. Ông nói:
“Cái nồi lớn này để nấu lá tràm, khi nước lá tràm sôi bốc hơi, hơi nước đó sẽ dẫn qua cái ống nầy. Khi lên đến chỗ cong cao kia (ông chỉ chỗ góc hình chữ V) ống nhỏ lại, hơi nước qua đó gặp lạnh sẽ rơi vào cái nồi nhỏ này và chất nước đó là dầu chổi.”
Mấy thằng chăn trâu đứng kế bên quay qua bảo với nhau:
"Ông nớ nấu dầu chủi (chổi)"!
Tôi nghe ông nói xong gật đầu cám ơn và rồi nhìn vào ông bên kia, thấy ông ta cũng đang cười với tôi và gục gặc cái đầu. Sau này tôi mới biết ông đó là bác sĩ Bùi kiện Tín, người sáng chế dầu xanh có tên là “dầu khuynh diệp bác sĩ Tín”.
Tôi đứng xem họ nấu dầu một chặp chán rồi bỏ ra về. Vừa về đến nhà thấy thằng Nẩm đi qua ngõ ngoắc tôi rối rít rủ đi bỏ lờ. Thế là tôi bật dậy như cái lò xo với tay lấy chiếc lờ đi theo thằng Nẩm ngay. Tôi vừa đi vừa quay mặt lại dặn thằng em:
"Ba có hỏi nói tau đi đặt lờ với thằng Nẩm nghen".
Thằng em tôi nói với theo:
"Cho em đi theo với!"
Tôi la lớn:
"I', mi đi răng được, nhỡ té ngoài ruộng ai khiêng mi về?"
Tao đi khoảng chiều tao về ngay, ba có kiếm thì ra ngoài ruộng ông Tám riu nghe”.
Nói rồi là ba chân bốn cẳng chạy theo thằng Nẩm. Tôi nhủ thầm, phen này chắc có cả lờ cá rô chón (rô nhỏ), tha hồ cho má mình chiên. Nghĩ đến con cá rô chiên dòn rụm mà ăn với cơm nóng hổi làm nước miếng tôi chạy quanh rồi. Đây là lần thứ hai thằng Nẩm cho tôi đi bỏ lờ với nó. Lần trước mỗi lờ được vài chục con chón, nhưng lờ của thằng Nẩm nên nó chỉ cho tôi được có bảy tám con nhí. Tôi nói với nó kỳ này tôi có lờ riêng, cho tôi lấy nguyên cả lờ nghe. Nẩm gật đầu. Nhưng tôi không có chiếc lờ mới như tôi mong, vì ông anh bà con tôi là anh cả Lượng cháu ông dượng, không có thì giờ đan cho, nên cho tôi cái lờ cũ của anh, cũ nhưng cũng còn tốt chán. Bữa đó tôi hớn hở mang lờ về khoe với ba mẹ tíu tít nên hôm nay khi thấy thằng Nẩm đi ngang qua nhà vẫy tay là tôi chạy theo liền không suy nghĩ chi hết.
Ra đến ruộng, tôi theo Nẩm đến cái mương dài nước chảy giữa hai bên bờ ruộng phía trên, nó nắm tay tôi bảo không phải chỗ ni, đi lần theo bờ đê xuống ruộng dưới cũng của nhà nó.  Tìm một chỗ nước chảy mạnh hai bên có nhiều cỏ che bít hàng mương rồi hắn dạy tôi cách gài lờ. Gài vào bên mé mương, để nước ngập trên thân lờ chút đỉnh, đừng có đặt lờ sâu quá vì cá nhỏ hay đi theo hai bên bờ ruộng. Đặt sâu chừng khoảng hai gang tay người lớn tính từ trên bờ ruộng xuống. Lấy cỏ phủ lên lờ rồi để đó theo nó đi qua chỗ khác để đặt thêm hai cái lờ nữa của nó. Đặt xong hai thằng xuống cái ao gần bụi tre cách đó hai cái ruộng rồi cổi đồ ra tắm.
Kỳ này tôi đã dạn dĩ hơn mấy lần trước khi mò xuống ao. Tôi cởi hết áo quần ra để trên bờ ao rồi nhảy cái ùm xuống với thằng Nẩm. Nước ao văng tung tóe, hai đứa tôi thì thụp lặn xuống, nổi lên chơi trò tạt nước vào mặt nhau. Nhưng bữa ni răng thằng Nẩm lặn đâu mất tiêu! Tôi bắt đầu sợ, kêu lên:
“Nẩm ơi, mi ở mô rứa?”
Thằng Nẩm lần này chơi cắc cớ nhảy xuống ao rồi lặn riết vô trong chỗ lùm bèo dày đặc sát mé ao ngóc nhẹ đầu lên giấu mặt trong đám lục bình. Tôi kêu mấy tiếng vẫn không thấy nó trả lời, tôi thất kinh tưởng nó chết đuối rồi bèn hét to lên:
“Nẩm ơi, Nẩm...”
rồi rõi mắt dáo dác tìm. Nhưng sau đó tôi nhác thấy thằng bạn tiểu yêu đang ngó ngoáy cái đầu nhấp nhô dưới đám lục bình, tôi ngưng gọi giả vờ không thấy chậm chạp trèo lên bờ. Tôi bốc một nắm sình rón rén men theo bờ đến trên chỗ thằng Nẩm thảy xuống đầu nó một cái rầm. Cu Nẩm bị nắm sình vào đầu bèn hết hồn bơi tuốt ra giữa ao miệng la bài hải.  Tôi cười ha hả rồi nhảy xuống lại, hai thằng lại tạt nước và bắt cẳng với nhau cho đến lúc có một người đàn bà hàng xóm gánh đất đi ngang qua ao la hai thằng:
“Tụi bây không sợ ma da kéo cẳng răng tụi bây dám tắm dưới nớ vào giữa trưa?” 
Thằng Nẫm nguýt bà hàng xóm một cái, nhưng tôi thì không ngạc nhiên chút nào song bắt đầu sợ, bèn nhè nhẹ bơi vô trèo lên bờ trước đôi mắt khó chịu của thằng Nẩm. Tôi sực nhớ ngay là ông anh cả Lượng có kể cho tôi nghe một lần trong một buổi tối ăn bắp nướng bên sân nhà bác cả Cửu.  Anh nói rằng cái ao đó có ma da, vì năm ngoái có hai đứa nhỏ chăn trâu ở xóm trên xuống tắm và chết đuối dưới đó mà không ai hay. Đến chiều tối cha mẹ không thấy con về mới xách đuốc đi ra ruộng tìm thì nghe thấy tiếng é ngọ của con trâu mình, bèn vội vã đến ao thì chỉ thấy đống quần áo của tụi nhỏ để trên bờ cạnh đó, còn con trâu thì đang đứng nhai cỏ bên ruộng.  Xuống ao mò xác 2 đứa cõng về chôn trên rừng chàm, nên sau đó mỗi đêm người trong làng Phú mỹ thấy nhiều ánh lửa chập chờn trên ao cho đến sáng. Ông bác tôi nghe anh cả nói vậy thì la át anh:
“Ma mô mà ma, người ta thắp đuốc đi bắt nhái bắt ếch chứ ma cái chi, đừng dọa mấy đứa con nít nó sợ!”
Nghỉ đến đó tôi giật mình ớn da gà thật. Nhìn thằng Nẩm tôi ra dấu kéo nó lên khỏi ao. Từ khi nghe chuyện đó trở đi tôi bắt đầu ngán cái ao đó, vì có đêm tôi thức dậy ra sân sau đi tiểu nhớ lại lời kể của anh cả Lượng, nhìn ra phía cái ao cũng thấy có nhiều ánh lửa chập chờn trên đó, nhưng tôi đâu có biết rằng hôm nay chính thằng Nẩm lại cắc cớ dắt tôi đi tắm đúng cái ao này. Tôi rùng mình, gai ốc nổi lên đâỳ người. Líu ríu xỏ chân vào cái quần cụt và mặc vội cái áo thun vô mình, vội vàng nên không thấy một con đỉa to bằng đầu đũa đang đeo cứng bên ống quyển phía trên mắt cá trái đang co lại hút máu tôi một cách ngon lành. Tôi cảm thấy ngứa ở dưới cái ống quyển trước bèn ngó xuống thấy con đĩa mập ú lên, tôi cầm lấy con đỉa dựt ra và vứt ngay xuống ao. Lấy tay chùi vào chỗ máu, thấy nguyên cái lỗ nhỏ máu còn rịn ra. Tôi nhúng vội tay xuống ao vốc nước rửa chỗ vết cắn, miệng lẩm bẩm rủa con đỉa một mình. Đang lầm bầm tôi nghe tiếng thằng Nẩm phân bua với bà gánh đất.
“Ma mô mà ma, tui với thằng Sếu tắm hoài ngoài ni có răng mô?”
Nói dạn vậy, chớ cu con cũng bắt đầu ớn và hỏi lại bà hàng xóm:
“Thiệt hả dì?”
“Ủa chớ cha mi không nói cho mi biết hả? Lần sau đừng có rắn mắt nghe con. Nó mà kéo cẳng thì chỉ có trời cứu!”
Nói rồi bà lật đật gánh cái gánh đất bỏ đi. Hai thằng mặt tái mét không còn hột máu vội vàng chạy đi không kịp cám ơn bà gánh đất.
Thằng Nẩm vùa chạy vừa thở nói với tôi.
 “Đến coi mấy lờ cá đã vô chưa?"
Nói xong hắn chạy đi liền. Tôi thầm nghĩ thằng này nói dạn chớ cũng nhát gan thấy tía! Lúc tôi còn tần ngần chưa kịp đi vì còn rửa chỗ vết cắn của con đĩa, Nẩm bỗng giật tay tôi lia lịa kéo chạy đi ngay sang hướng mé ruộng của nó. Hai đứa cắm đầu cắm cổ chạy. Cũng không dám quay mặt nhìn lại cái ao! Kéo ba chiếc lờ lên đầy nhóc cá rô, có lẫn mấy con cá tràu (cá lóc) nhỏ. Hai đứa cười ỏn ẻn mặt sáng rỡ. Nẩm la lên:
“Túi ni có cá ăn rồi! Thôi xách lờ về đi mi.”
Hai thằng oắt con thoăn thoắt đi theo mé ruộng về làng. Mỗi đứa trên tay đầy lờ cá. Bóng tối đã tràn ngập. Tiếng ếch nhái bắt đầu hợp ca bản đồng ca: Ột ệt…à oang!...
Chú thích:
(*) Giạ là một cái thúng tròn đựng vào khoảng ba chục ký gạo hay lúa.