Chương 11
Con đường của quỷ

     ần Thơ 1959 là một Cần Thơ chưa muốn mặc áo mới, một Cần Thơ còn tiếc cái áo cũ như Diderot. “Tại sao lại thay cái áo cũ của tôi đi? Nó vừa hợp với tôi, tôi vừa hợp với nó”. Tôi đã đến Cần Thơ vào năm đó, năm chiến tranh vừa cựa mình nhưng tiếng súng chỉ lác đác ở miền xa xăm, thật xa xăm. Thành bình yên và lòng người càng bình yên hơn. Để tưởng rằng mới dời Sàigòn một tháng đã ngỡ dời Sàigòn mấy năm. Mà nhớ Sàigòn, Trần thị Phượng rất lãng mạn. Mỗi chiều, nàng thường ra bến xe đò chờ những chuyến xe từ Sàigòn về, thấy một chút bụi Sàigòn là Phượng vui rồi. Vô tình, gặp một người Sàigòn, lại quen nàng, nàng vui cơ hồ con trẻ đón mẹ về chợ. Tôi là người Sàigòn đi qua hai cái phà của hai nhánh sông Cửu Long để xuống Cần Thơ. Và ở lại đó mỗi tuần ba ngày kể cả đêm. Phượng biết tôi là người đến từ Sàigòn - người về từ thủ đô - nàng mừng lắm, hiềm vì tôi chưa quen nàng nên nàng chỉ thập thò bên song cửa ngắm tôi trong những giờ ra chơi. Căn nhà nàng đối diện vói một lớp học của tôi. Tôi cũng thấy những tà áo màu rất Sàigòn thấp thoáng trong những giờ có tôi dạy học.
Một chú học trò trai lơ của tôi, đùa thầy:
- Tại sao thầy không ghé nhà ông hiệu trưởng uống nước?
Tôi hỏi chú học trò:
- Nước trà ở nhà riêng của ông hiệu trưởng đặc biệt hơn nước trà ở văn phòng à?
Chú học trò thích thú:
- Dạ. Hai chị Phượng, Yên châm trà đó thầy... Hai chị đẹp lắm. Học Marie Curie Sàigòn đấy, thầy ơi!
Tôi lắc đầu:
- Vậy tôi mãi mãi thích uống trà ở văn phòng do anh Tư thẹo pha.
Chú học trò chép miệng:
- Thầy... thầy... dại thấy mồ! Em mà đẹp trai, học giỏi như thầy, em sẽ ghé nhà ông hiệu trưởng uống nước.
Tôi khuyến khích chú ta:
- Hãy cố gẳng học giỏi đi, em đẹp trai rồi đó. Còn tôi, tôi nghĩ mình không giỏi cũng chẳng đẹp trai. Em, các em nên nhớ rằng, các cô đẹp chỉ mê những cậu có tài.
Lớp học cười rộ. Tôi nói như một “bậc thầy”, một bậc thầy nói dối! Chú học trò đã gợi cho tôi một sự thèm muốn: Được uống nước trà ở nhà ông hiệu trưởng Trần Thất Thời để chiêm ngưỡng dung nhan các ái nữ của ông. Tôi rất nhút nhát tuy bạo miệng. Một chiều, anh Tư thẹo, tùy phái của trường, chờ tan học, đón tôi và nói:
- Cô Phượng mời thầy ghé nhà uống nước.
Tôi sung sướng rên nhưng giả vờ nói:
- Uống nước gì?
Anh Tư thẹo lễ phép đáp:
- Dạ uống nước trà.
Tôi nói:
- Rất tiếc, tôi dạy nhiều, la lớn đâm ra khô cổ khan giọng, tôi đang thèm ly nước chanh muối. Anh bảo với cô Phượng giùm là mua chanh về muối đi, chừng có chanh muối, tôi sẽ xuống xin một ly.
Và tôi thản nhiên về. Tôi tự khen tôi đã chơi một nước cờ cao kinh khủng. Tôi ném viên sỏi xuống hồ xem hồ nó sâu bao nhiêu. Chiều hôm sau, mặt hồ sủi tăm. Tư thẹo đưa tôi miếng giấy viết nắn nót như vầy:
“Thân gởi anh Lương,
Mời anh ghé nhà uống chanh muối. Mong anh đứng thèm uống nước tra chiều nay.
Thân
Phượng”
Viên sỏi đã xuống đáy hồ. Tăm nước đã sủi. Thuở nhỏ, nhà quê, tôi thích đi câu cá. Dùng đầu cần câu hắt vài miếng bèo trên mặt ao để hở khoảng nhỏ, ném cám rang xuống dụ cá. Khi thấy sủi tăm là cá đã đến. Áp dụng câu cá vào... câu gái là một nghệ thuật giản dị lắm. Nhưng phải biết câu cá. Anh nào câu cá giỏi, dám kiên nhẫn với những chú cá rô gộc chỉ quen rỉa mồi, anh ấy sẽ tán gái rất mả. Bây giờ, mấy cậu mới lớn không biết tán gái vì không biết câu cá. Cho nên các cậu ấy bị thiệt thòi nhiều. Tôi nghĩ, kỷ niệm đẹp nhất của đời người đàn ông là kỷ niệm... tán gái. Nó vừa thơ mộng vừa lố bịch. Đôi khi nhớ lại, ta phải giật mình. Và, tôi còn nghĩ, kỷ niệm đẹp nhất của đời người đàn bà là được nhiều con trai tán tỉnh ở thời con gái. Không có kỷ niệm đó, dẫu đẹp bao nhiêu, đàn bà vẫn chỉ là những bông hoa dại nở trong rừngên Tân Định nhặt táo, cam, nho và vài lạng thịt bò. Lại hì hục làm cơm chiều. Tôi “mời” Phượng ra ăn cơm. Nàng ra ngay. Nhưng hai đứa không nhìn nhau. Cơm nước xong, tôi luộc “sơ ranh” chích cho nàng mũi thuốc “xanh coọc tin”. Nàng để tôi vạch mông lụi kim tiêm. Ba đứa con nô đùa ầm ỹ. Thằng Tí đem cuốn Lucky Luke bắt bố kể tiếp đoạn nhà Billy The Kid át giọng ông già, bà cả bị dang dở mấy hôm. Tôi kể một lúc là “con ông cụ” ngáy khò khò. Ông bố trẻ bèn bế từng quý tử lên giường, buông màn cẩn thận. Số tôi vất vả ở chỗ, luôn luôn, liên tử thôi việc trước ngày... đại chiến. Tắt đèn, tôi vô buồng, khẽ vén màn, leo lên giường. Nhà tôi chắc là chưa ngủ. Chàng ở mép giường bên này, nàng ở mép giường bên kia. Muốn hòa nhau lắm mà... mắc cỡ. Giá tôi đã mua cái giường Hồng Kông nhỉ? Tôi sẽ giả vờ cựa quậy, giả vờ ngủ say lăn xuống chỗ trũng. Và giả vờ ôm lấy nhà tôi thì nhà tôi cũng sẽ giả vờ mà để tôi ôm. Vài câu trách móc qua loa. Rồi tôi, “yêu” nhà tôi. Thế là hòa bình xảy ra.
Cái giường Hồng Kông. Chỉ là một cái giường chế tạo ở Hồng Kông, cái giường sứ-giả-hòa-bình của những cặp vợ chồng ưa cãi cọ, cấu cắn nhau, tại sao tôi đã không cố công mua cho bằng được nhỉ? Vài chục ngàn chứ bao nhiêu. Mua một cái giường để chống nạn đập đồ đạc tốn cả trăm ngàn mỗi trận võ đài lớn, tưởng đã tiện còn lợi nữa. Hai lần sắm máy lạnh, hai lần bán máy lạnh cho... đồng nát. Mấy cái quạt máy. Cả chục cái đồng hồ treo tường. Máy vô tuyến truyền hình bốn phen thay kính và thay đèn. Tủ lạnh sơ sơ mới sài có nhãn hiệu Hitachi rồi National Zet Cycle. May mắn nhất là cái máy giặt. Hung hăng đến năm mươi độ nóng, cả hai vợ chồng đều chùn tay trước máy giặt. Vì rằng đập phá máy giặt, chàng và nàng sẽ vất vả với quần áo dơ. Không dám để đèn bàn. Đèn bàn là nạn nhân đầu tiên, Lương Khoán đã thức đêm viết văn, viết báo hành hạ Trần thị Phượng. Đèn bàn đồng lõa với Lương Khoán. Đập nát. Đập nát để... kiến thiết. Ôi, mỗi bận kiến thiết, đau ruột biết mấy. Phải chi mua được cái giường Hồng Kông.
Gần sáng, tôi giả vờ gác chân lên đùi nhà tôi. Thấy êm. Bèn lấn hai vòng tiến gần địch quân. Và, đặt tay lên ngực địch, vẫn êm. Bèn ôm luôn địch quân như con trăn gió quấn mồi. Nhà tôi vùng vẫy. Vùng vẫy quyết liệt. Người bạn thầy thuốc của tôi đã rất... tâm lý. Có hơi đàn ông, đàn bà mệt lử cò bự bỗng tỉnh táo ngay. Tôi cương quyết đóng phim Rashomon. Nhà tôi chống cự... lấy lệ. Sự việc diễn ra đúng theo ý muốn của Thượng đế. Làm xong cái bổn phận với đấng tạo hóa, tôi nham nhở tán tỉnh:
- Em coi, anh thừa phong độ.
Nhà tôi nói:
- Em không cần cái đó.
Và nàng bắt đầu khóc. Tôi dỗ dành:
- Thôi mà em, anh đã về dàn hòa với em. Anh có lang bạt ở phòng ngủ đâu. Mấy đêm nằm chiếu trải ở nền gạch nhà thằng Minh Vồ cạnh cầu tiêu khổ hơn chó. Nó ngáy như bò rống. Nằm với nó chỉ sợ lây hắc lào. Nó gãi soàn soạt khiếp đảm kinh hồn. Mẹ ơi, con nhà Minh Vồ còn hôi nách nữa. Xuân thu nhị kỳ nó mới tắm gội, người nó hôi hám, toàn mùi chuồng ngựa Phú Thọ.
Nhà tôi vội xoay người, ôm chầm lấy tôi:
- Anh khổ vậy à?
Tôi tả oán:
- Chứ bộ em tưởng anh sung sướng ư? Xẩy nhà ra thất nghiệp. Đi cầu ở nhà thằng Minh Vồ không có giấy chùi. Vợ chồng con cái nó chỉ quen... rửa đít. Giấy chùi đít nó lại cất trong xe hơi để lau tay, lau mặt!
Nhà tôi cười hinh hích. Một lát, nàng phụng phịu:
- Lần này anh bỏ nhà lâu quá.
Tôi nịnh:
- Đi lâu mới nhớ vợ con và khi về thương vợ gấp ngàn lần.
Nàng dụi đầu vào ngực ô-mê-ga của tôi:
- Anh xin lỗi em đi...
Tôi nghĩ thầm “Lại mửng cũ”. Những đành ngượng nghịu nói:
- Ừ, anh xin lỗi em.
- Sao trưa qua về anh không xin lỗi em ngay?
- Anh... anh... xấu hổ!
- Vợ chồng mà anh xấu hổ.
- Vợ chồng mà anh xấu hổ chứ.
Nhà tôi lại khóc:
- Giá anh xin lỗi em ngay sau lúc anh hành hạ em có phải em và con cái đỡ nheo nhóc không?
Tôi ngậm ngùi, ngậm ngùi thật sự:
- Anh có lỗi, anh hứa với em đây là lần cuối cùng.
Nhà tôi thổn thức:
- Bao nhiêu lần anh thề “là lần cuối cùng” rồi. Em coi anh như cái tay vịn để em đi qua cầu. Không có anh, em không ăn được, không ngủ được, không sống được. Em cần anh. Thế mà anh cứ bỏ em vương vất, bê tha.
Câu nói thật dịu dàng tha thiết. Trái hẳn với những câu nói gắt gỏng, cộc cằn khiến vừa nghe tôi đã nổi máu vũ phu thô bạo. Và tôi ứa nước mắt thương Phượng, ít khi tôi khóc. Tôi nhớ, mười lăm năm lưu lạc, tôi chỉ khóc có một lần. Đó là lần từ Ban Mê Thuột về Sàigòn đến nhà người bạn ăn một bữa cơm với canh miến nấu bằng lòng gà chết toi bán ở chợ. Tôi bị đau bụng và nôn mửa. Nửa đêm, tôi thuê xích lô máy lên nhà thương Sàigòn, hy vọng nằm thí một hai ngày. Cô y tá trực chích cho tôi mũi “atropine”, phát vài viên thuốc và bảo tôi về. Năn nỉ cách mấy, cô cũng không cho ngủ tại nhà thương.
Một giờ sáng, tôi đi bộ dọc con đường thênh thang Trần Hưng Đạo để về Chợ Quán. Không đủ tiền đi một cuốc xe đêm. Tôi nghĩ đến mẹ tôi, đến lọ dầu Nhị Thiên Đường nhỏ bé, đến câu dặn dò “con đừng ăn bậy, sẽ bị thổ tả đó” ngày mẹ tôi ra bến xe tiễn chân tôi lên Hà Nội học. “Nếu bị đau bụng, con cứ nuốt vài giọt dầu là khỏi”. Mẹ tôi không có đây, không ai chịu khó nhét vào túi quần tôi lọ dầu Nhị Thiên Đường. Tôi nghĩ về mẹ tôi. Và tôi vừa khóc vừa lầm lũi bước trên đường khuya lạnh lẽo. Lần này, tôi khóc vì thương vợ tôi. Khi vào đời, người ta chỉ có ba lần để khóc. Lần đầu là những giọt nước mắt thương nhớ cha mẹ, anh em. Lần thứ hai là những giọt nước mắt ân hận, tỏ tình thương vợ. Lần thứ ba là những giọt nước mắt thương con cái đã, phen nào đó, để con cái khổ sở, thiếu thốn.
Phượng thấy tôi khóc. Nàng im lặng. Tôi biết Phượng sung sướng lắm. Nàng ôm lấy tôi, hôn tôi. Chúng tôi được uống nước mắt của nhau, được uống nước mắt của tình nghĩa vợ chồng. Tự nhiên, tôi nghĩ rằng tôi sinh ra đời không phải để hằn học, để làm công việc chửi bới lem nhem bằng chữ nghĩa. Một người bạn tôi đã yêu, đã ghét rồi lại yêu, lại ghét, lại yêu đã bảo tôi “Viết lách chửi bới không phải việc của mày. Hãy để cho những thằng bất tài nó múa may”. Tôi cảm giác thấm thía vô cùng. Văn chương sống sượng đã vận vào đời tôi, nó đã phản bội tôi. Vì nó, tôi tưởng đã có quyền coi bàn dân thiên hạ như rác thì cũng coi vợ con như bèo. Không ai dám đụng tới tôi, vợ tôi sức mấy mà dám cãi lời tôi, dám ngăn cản... sự nghiệp viết lách của tôi, dám xâm phạm vào quyền lợi tự do tư tưởng của tôi! Và đã hối hận. Tôi không muốn nhà tôi phải buồn phiền, lo lắng và phải khóc vì tôi. Còn những giọt nước mắt của một đời người, tôi nghĩ, vợ chồng tôi nên để dành khóc tội nghiệp con cái đã hỏng một kỳ thi cử hay thất bại tình duyên hay sa ngã trong trường đời... Phải thế không em, Phượng?
- Em ạ!
- Gì thế anh?
- Lần này anh không còn giống như những lần khác nữa. Anh sẽ soạn thảo một bản hiệp ước sống chung và anh tin tưởng chúng ta sẽ tôn trọng hiệp ước này.
Và bản hiệp ước ra đời gồm từng đây điểm:
VỀ PHÍA TÔI
1) Phải trở về viết báo Mộc Tồn cho linh mục Nguyễn Xây Dựng.
2) Phải vô nhà thờ cùng vợ con, khuôn mặt tươi tỉnh.
3) Phải về ăn cơm nhà và về đúng giờ.
4) Chiều thứ bảy và chủ nhật thuộc về vợ con, không được đi làm hay đi chơi một mình.
5) Gây gổ với vợ xong phải xin lỗi ngay, không được bỏ nhà đi lang bạt kỳ hồ.
6) Không được đập đồ đạc quý giá. Khi nóng giận, muốn đập phá, bắt buộc phải chọn những cái ly rẻ liền mà đập.
7) Phải năng đưa vợ đi ăn, đi xi nê, đi diễu phố kẻo quần áo nó khóc trong tủ.
8) Thỉnh thoảng nó giở trò “pích ních” xa lộ.
9) Luôn luôn dịu dàng với vợ con. Tuyệt đối không được nói những lời lỗ mãng.
10) Không được đi đánh bạc.
Tôi đưa ra năm điểm. Nhà tôi thêm vào năm điểm và có hai, ba rất chi là một sự khó tôn trọng hiệp ước. Đó là những điểm 2, 3, 6, và 8. Những điểm còn lại, dễ thi hành lắm. Chằng hạn điểm 1. Tôi nhận lời mời nồng nàn của linh mục Nguyên Xây Dựng ngay sau khi ký kết thỏa ước dù trước đó, tôi đã tỏ ra thờ ơ. Và, chính tay tôi đã viết cái “a nông” đăng trên trang nhất nhật báo Mộc Tồn như sau:
Sau những ngày đi hoang, Lương Khoán lại trở về mái nhà Mục Tồn xưa với hành lý nóng bỏng như
CÁT SA MẠC
* một tiểu thuyết của tuổi trẻ
* một tiểu thuyết tha thiết tình đời và tình người.
KHỞI ĐĂNG TỪ NHỮNG SỐ TỚI
Để nịnh vợ, để tạ tội cùng vợ, để cho vợ hiểu rằng tôi ví những ngày làm cho Mùn Sẩu như những ngày đi hoang. Một vài người tưởng tôi đã phải lạy lục linh mục Nguyễn Xây Dựng để được viết ở nhật báo Mộc Tồn. Chắc linh mục Xây Dựng biết chuyện, ngài sẽ thanh minh ầm lên cho mà coi. Nhưng tôi cóc cần thiên hạ, cóc cần thanh minh. Tôi chỉ cần vợ con tôi. Tôi ốm đau ngất ngư thiên hạ có thức đêm săn sóc tôi đâu. Vẫn chỉ có một mình vợ tôi, mặt mày hốc hác vì lo lắng, nằm bên tôi. Và mỗi lần tôi thức giấc là mỗi lần tôi thấy nhà tôi đặt tay lên trán tôi. Ngay cả những hôm giận vợ, phẫn chí đi uống rượu say sưa để về nôn mửa từ cửa vào đến giường, vợ tôi vẫn lo lắng giùm tôi, coi tôi như bị... phải gió, vất vả thay quần áo, lấy khăn nóng lau mặt, nhà tôi xoa dầu khắp mình mẩy tôi, đắp chăn cho tôi nằm rên rồi đi lau chùi, dọn dẹp những đống ói mửa. Chỉ có người vợ mới làm những công việc đó, làm những công việc đó bằng sự rung động tột độ của trái tim. Vì chồng. Người vợ là dòng sông mát phát nguyên tự Tình Thương suốt đời âm thầm chảy róc rách trong tâm hồn chồng. Như một thuyền trưởng chết theo tầu, dòng sông vợ chỉ ngừng luân lưu khi tâm hồn chồng úa héo. Bấy giờ sông còn một nhánh gọi là sông mẹ và đổ xuống những tâm hồn con.
Tôi sinh ra để làm phiền quá nhiều người, nhất là làm phiền vợ con và bạn bè thân thuộc. Tôi ví mình như một con ngựa đi hoang trở về tầu ngựa cũ. Tầu ngựa cũ là mái nhà, nơi vợ con tôi đang sống. Một vài người cứ tưởng tầu ngựa cũ là nhật báo Mộc Tồn. Nếu tôi có quỵ lụy, van xin, người được quỵ lụy, van xin chỉ là vợ con tôi. Tôi hãnh diện nói thế. Nên tôi đã chấp nhận điểm 1 một cách hoan hỉ. Điểm 2 hơi kẹt. Tôi làm dấu rất vụng về, kinh kệ lem nhem, vô nhà thờ để thành tượng gỗ à? Nhưng vợ tôi đã muốn là Chúa đã muốn. Tôi bèn... đồng ý. Rồi thi hành thật nghiêm chỉnh. Tôi đã vô nhà thờ, đã nhìn mắt vợ con tôi long lanh cầu nguyện trước Đức Mẹ và tôi hết dám có những ý nghĩ khôi hài về tôn giáo. Tôi không nói dối đâu, chính nhà tôi đã dẫn tôi đến với Chúa. Điểm 3 được thi hành một cách linh động. Cuối cùng thì nghiêm chỉnh, tuyệt đối. Vì càng nghiêm chỉnh, gia đình càng yên vui. Tôi chợt hiểu tại sao nhà tôi thích ăn cơm nhà. Thứ nhất, nhà tôi thấy tôi bỏ cơm nhà, toàn đi uống rượu và ăn nhảm. Thứ hai, nhà tôi muốn chứng tỏ tài làm bếp. Điểm 6, tôi đã tranh luận với nhà tôi thật gay go. Thí dụ, khi nổi nóng ác ôn là khi con người biến thành thú dữ, mắt hoa lên, tim bị mỡ phủ kín, đâu có thể phân biệt được đồ đạc quý giá và đồ đạc rẻ tiền. Nhà tôi suy nghĩ rất lâu rồi đưa ra một giải pháp tân kỳ. Là, trong buồng nhà tôi kê cái bàn nhỏ, để sẵn mớ quần áo cũ của tôi. Còn phòng ngoài, nhà tôi kê cái bàn, bày sẵn ly tách rẻ tiền. Hễ đụng độ, một phe xé quần áo cũ, một phe đập ly tách rẻ tiền. Giải pháp có vẻ hay ho. Song dùng tới, chắc chắn, không vui tí ti ông cụ nào. Điểm 8, tôi bác bỏ vì thấy nó... thời thượng, nó đua đòi một cách rẻ tiền. Nhà tôi bảo không đua đòi mà chỉ nhằm mục đích bắt tôi có bổn phận với con cái những chiều thứ bảy và chủ nhật. Và, “pích ních” không không có nghĩa là khuân bánh mì, vác cả lu nước mắm ra xa lộ, trải chiếu ngồi để toàn gia ăn bánh mì chấm nước mắm! Mười điểm nhà tôi đưa ra, tôi phải chấp nhận hết.
VỀ PHÍA NHÀ TÔI
1) Phải đi chợ, sắm hàng hóa một mình.
2) Không được bắt chồng đi đổi một món hàng mình không vừa ý.
3) Muốn đi chơi xa phải báo trước hai ngày.
4) Cằn nhằn chồng từ mười phút đến bốn mươi phút là hạn chót.
5) Không được đi xem bói, dù chỉ đi ngồi xem thầy bói đoán cho bạn.
6) Phải uống thuốc bổ mỗi ngày.
7) Không được nhắc tới những lỗi lầm đã qua của chồng mỗi khi tức giận.
8) Không được “chém thớt” chồng mỗi khi có việc sửa chữa nhà cửa mà “giận cá” thợ đã làm sai ý mình.
9) Lúc nào cũng phải trang điểm cho đẹp dù là trang điểm xong thì đi rửa bát.
10) Phải cười thật tươi hai lần trong ngày để đón chồng đi làm về.
Nhà tôi đọc xong, không có ý kiến. Nàng mỉm cười và dùng bút đỏ gạch hết. Đàn ông không có quyền ra điều kiện cho vợ khi đã trót bê bối. Nhà tôi muốn cho tôi biết điều ấy. Tôi ngầm hiểu, ở ngoài gia đình, đàn ông có thể làm vua. Nhưng về nhà, đàn ông chỉ là nô lệ của vợ con.
Làm nô lệ cho vợ con là một nghệ thuật, là một lạc thú ở đời. Mãi gần đây tôi mới biết khi muốn phân chất tình một người con gái yêu một người con trai. Ôi, tình yêu đó mới là tình yêu. Người con gái yêu người con trai xa lạ lấy làm chồng, chịu đựng đau khổ, hy sinh xuân sắc để sống mãi với chồng, - đuổi đi nhất định không đi, hay đi rồi lại trở về - coi chồng trên hết, tôi tưởng đó mới là tình yêu. Còn những thứ tình khác như tình phụ tử, tình mẫu tử chỉ là tình thương. Thương vì có liên hệ máu mủ, có bổn phận. Tôi ao ước được viết nổi một cuốn tiểu thuyết dầy cả nghìn trang để ngợi ca tình yêu trai gái. Chỉ tiếc tôi đã không đủ tài. Và không đủ thì giờ. Vì mưu sinh, tôi phải viết những gì tôi không thích viết. Công việc bất bắc dĩ ấy choán hết tầm mơ mộng của tôi. Cuộc đời đòi hỏi nhiều ở những người viết tiểu thuyết. Nhưng cuộc đời rất đông kên kên mở hiệu cho mướn tiểu thuyết và thuê tiểu thuyết! Nhà văn đã chết lần chết mòn. Mai Thảo, tại sao ông phải viết “phơi ơ tông”? Hoàng Hải Thủy, tại sao ông chưa viết nổi cuốn tiểu thuyết nào cho ông? Hoàng Anh Tuấn, tại sao ông cam đành làm thứ quản đốc để họp hành chung với bọn gấu dở hơi? Ông Hoàng Anh Tuấn có thể nói vì ông thương vợ con ông. Tôi kính phục ông. Tôi kính phục tất cả những người đàn ông thương vợ con trên cõi đời này, cả những người đàn ông sợ vợ. Tôi không thể ngửi được những thằng đàn ông bỏ bê vợ con nheo nhóc đi sống với vợ bé hay tình nhân, đó là sự chia chác tình yêu bỉ ổi. Tôi có nhiều lỗi với vợ con nhưng tôi hãnh diện nói rằng, chưa lần nào tôi mơ tưởng lấy vợ bé. Vợ tôi hành ha tôi, cấm đoán tôi chỉ vì yêu tôi và muốn tôi có trách nhiệm với con cái. Tôi hiểu kỹ điều đó và tôi hoan hỉ chấp thuận mười điểm trong bản thỏa hiệp. Đúng là thứ “hòa ước bất bình đẳng” đã xảy ra trong lịch sử mất nước của Việt Nam.
Thỉnh thoảng, tôi cũng vi phạm thỏa hiệp. Những lần đó kinh hãi vô cùng. Linh mục Nguyễn Xây Dựng đã quá thương vợ chồng con cái tôi, mấy buổi trưa liền, ngài lái xe đến nhà tôi để “hòa giải dân tộc” và “rửa tội” cho tôi. Nhờ linh mục Nguyễn Xây Dựng nên sóng gió dù ghê gớm lắm, vẫn dịu đi. Và, nhà tôi, hễ có việc gì, lại dẫn con cái lên nhà thờ Huyện Sĩ, nhờ linh mục Nguyễn Xây Dựng dùng “hóa công đại pháp” mà giải tỏa hết nỗi bực bội của nhà tôi. Đôi khi, tôi bị oan vì cái sự “tồ tồ” của ông Minh Vồ. Ông Minh Vồ nói chuyện trên giời dưới biển, chuyện ấm ớ hội tề theo sự hiểu biết của ông ta. Nhà tôi bèn tin và rỉa rói tôi kịch liệt. Tôi chỉ còn cách vò đầu mà réo tên Minh Vồ chửi cho đã giận.
Cho tới hôm nay, sau cả ba mươi bảy lần dọa ly thân ly dị, mười bốn lần xé thỏa hiệp và soạn thảo tân thỏa hiệp, vợ chồng tôi bắt đầu sống hạnh phúc như những ngày mới yêu nhau. Vì tôi đã chán nản cuộc sống bên ngoài. Cuộc sống phũ phàng chỉ có những bàn chân đạp mình ngã dúi mà không có những bàn tay níu kéo mình như những bàn tay của vợ con mình. Nhưng, chắc chắn nhất, tôi về yên phận với vợ con vì Chứa đã đoái thương nhà tôi. Đức Mẹ đã nhìn thấy những viên đá “Tạ ơn” chân thành của nhà tôi.
Phượng ạ, hôm nào em cho phép anh mua một viên đá “Tạ ơn Đức Mẹ” nhé!