Chương 2
Nhà tôi tập kịch giận chồng

     ối tình của một anh con trai với em con gái nào cũng rất nhiều thủ tục lỉnh kỉnh. Yêu, ghen, giận, hờn, cười và khóc. Tôi không dám viết những thủ tục lỉnh kỉnh ấy. Vì sợ cướp nghề của các tiểu thuyết gia ái tình, xã hội. Riêng cái khoản thủ tục tình yêu, một nhà văn lớn dư sức sáng tác hàng mấy chục pho tiểu thuyết. Đấy, một thi sĩ cỡ nặng chả bắt nguồn cảm hứng để chế ra ngót mười pho thơ là gì. Bài nào, bài ấy mập mạp ái tình, ngậy mỡ tình yêu. Sau những Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa, nền thi ca tình yêu thuần túy hôm nay - nghĩa là nền thi ca cương quyết không khều mặt trời, không ngồi ghế đá công viên, không đi dưới ánh đèn phố thị, không cho rong biển mọc đầy hồn - những bài thơ ngợi ca ái tình sáng giá nhất, vẫn là những bài thơ mập mạp, ngậy mỡ. Nếu thèm phở tái nước béo mà túi không xu, nên thưởng thức thơ ái tình hôm nay. Ngon lắm, bổ lắm. Tôi chợt nhớ tới cảm nghĩ chân thành của thằng cu Lặc, nhân vật quê mùa của Tô Hoài trong “O chuột” Thằng cu Lặc lần đầu tiên ăn miến. Nó phát biểu “Vừa luốt khỏi cổ đã trôi tuột xuống tận củ tỉ”. Đọc thơ ái tình thuần túy hôm nay, quả là giống hệt cái sự ăn miến của cu Lặc.
Vậy thì, tôi xin đốt giai đoạn, thanh toán thủ tục lỉnh kỉnh để giải quyết ngay vấn đề. Những cái gì thuộc về thủ tục, hãy chịu khó nhường cho nền hành chánh. Tôi lấy nhà tôi ở Sàigòn. Đám cưới tổ chức tại nhà hàng Majestic. Nghe ông nhạc nói nhà hàng Majestic, tôi xuýt té xỉu. Chả là, mấy năm làm nghề đo giường, đếm cột đèn tại Sàigòn, tôi chưa hề được thưởng thức một bữa cơm... quốc tế nào. Nhà hàng Majestic, đối với tôi, là một thiên đường mà cửa ngõ có bảng cấm ghi chữ trắng trên nền xanh: “KHU QUÂN SỰ, LỚ NGỚ LẠI GẦN, BINH SĨ SẼ NỔ SÚNG”. Tôi toát mồ hôi, thưa ông nhạc:
- Ba tính lại coi, con đỗ đánh cả võ Nhật, võ Đại Hàn, võ Hồng Mao lẫn Vovinam mới thuê được căn nhà nhỏ. Bàn ghế, giường chiếu chưa có.
Ông nhạc xoa đau con rể, an ủi:
- Để ba lo.
Rồi ông cảm khái:
- Những cánh đồng thằng cánh cò bay của ba, nay trở thành hoang vu. Bốn cái “o bo” đi thu tiền lúa mỗi cuối năm, giờ đã mọt gỉ cả. Phải chi có an ninh, góp được lúa, đám cưới hai con sẽ đãi hàng ngàn người. Ba tậu cho con cái vi-la, mua cho con cái xe ô-tô. Thôi con, thời chiến mọi người đều cực cả.
Tôi nói:
- Hay là ba để con tổ chức đám cưới ở nhà hàng Việt Nam.
Ông nhạc tôi hỏi.
- Sang không?
Tôi anh dũng đáp:
- “Rét tô răng” này hách lắm. Đủ chín món ăn chơi. Lại có cả cà cuống. Thưa ba, tên nó là rét tô răng Bà Ba Bủng. Bún riêu, bún ốc tuyệt cú mèo.
Ông nhạc phì cười:
- Thằng này lại ngớ ngẩn quá. Ai lại đãi tiệc bằng bún riêu, bún ốc?
Tôi ngớ ngẩn thật. Chỉ có những người ngu hay điên mới nghĩ rằng đãi tiệc bang bún riêu. Rất may, trên đời có những hai người ngu. Một là tôi và một là nhà văn thời danh nọ. Ông nhạc tôi trấn an tinh thần tôi:
- Ba đủ bạc trả nhà hàng.
Tôi gãi gáy:
- Nhưng mà, thưa ba, mình nên thắt lưng buộc bụng để chứng minh cái phương thức Tam Túc cộng Tam Giác cộng Tam Nhân bằng Nhân Vị của lý thuyết gia Ngô Đình Nhu. Con muốn tự túc cái... xế!
Ông nhạc gắt:
- Xừ Nhu tầm bậy. Với lại con chẳng rõ ba tự túc làm tiệc cưới cho hai con đó ư. Ba có nhận tiền viện trợ Mỹ hồi nào đâu?
Thế là, tiệc cưới đã diễn ra trên lầu cao chót vót của nhà hàng Majestic. Bà con, bạn bè đã để thang máy lôi lên đây, uống xá xị con cọp, bia lây, la de, nhấm nhá xăng uých, pa tê sô mà chứng kiến hôn lễ của Nguyễn văn Lương, tiến sĩ tốt nghiệp đại học Vỉa Hè, (sau này trở thành ký giả hạng bét) và Trần thị Phượng, ái nữ nhà đại điền chủ miền tây Trần Thất Thời. Nhà tôi có một tí đạo Thiên Chúa. Tôi nói một tí vì chỉ có riêng nhà tôi treo ảnh Đức Mẹ và Chúa trong phòng và năng đi nhà thờ, những ngày chưa lấy tôi. Điều này nguy hiểm lắm. Tôi sẽ thuật đầy đủ cuộc “chiến tranh tôn giáo” xảy ra trong gia đình tôi. Tuy thờ Chúa song nhà tôi vẫn cúng Phật và, từ xưa, gia đình nàng theo đạo Phật, thành ra đạo Thiên Chúa được nàng coi như đạo... “xuýp lê măng”. Do đó, không thể có màn kéo nhau tới nhà thờ làm lễ cưới. Giả tỉ nàng đạo gốc, chắc chắn, trước khi cưới nhau, tôi phải theo một “cua” đạo Thiên Chúa cấp tốc với sự hướng dẫn giáo lý của một cụ cố đạo nào đó, hẳn là vất vả chân lấm tay bùn. Ôi, tôi sẽ làm quen hàng lô ông thánh Phao lồ, Phê rô vân vân... Cứ tưởng tượng cái màn hai nhi đồng theo sau cô dâu, nâng chiếc áo dài lê thê, rồi cái màn vẩy nước thánh tôi đã bắt phì cười. May quá tôi thoát nạn. Cũng không bị tới chùa Xá Lợi để nghe sư gõ mõ tụng kinh, vung thiền trượng làm lễ hôn phối.
Tôi xin hân hạnh giới thiệu một người bạn mà sau này biến thành cố vấn hạnh phúc của vợ chồng tôi, ông Tổng thư ký U Thant không đóng trọn vai trò sứ giả hòa bình của ông ta. Người bạn này tên là Đặng Minh Công. Những tháng ngay ba đào của tôi, tôi đã ăn vạ anh ta năm này qua năm khác. Khi tôi chán nghe chuột cãi nhau ở nhà anh ta, tôi bèn tạo một lý do vững chãi để phá bĩnh mà giã bạn đi giang hồ. Chừng bánh chè long, tóc rậm bù không tiền hớt, chông lập hàng rào ấp chiến lược trên cằm, trên mép, giầy há mõm, quần sờn đầu gối, thủng đít, tôi lại dẫn xác về ăn vạ anh ta. Nghe tin tôi lấy vợ, anh ta tròn xoe mắt:
- Mày làm gì có răng vàng mà bẻ ra để cưới? Bộ mày sắm dây treo cổ một người con gái vô tội à?
Tôi nhún vai:
- Tao theo cái triết lý “trời sinh voi, trời sinh cỏ”.
Bạn tôi văng tục một hồi. Vá giậm chân:
- Không được, mày đang thất nghiệp nặng. Mày tính cưới vợ bằng những bài thơ chó chết của mày à? Làm ăn đếch lo, chỉ lo... nghệ sĩ! Giờ lại đòi cưới vợ. Mà mày lấy ai? Em nào ngu xuẩn thế?
Tôi tiết lộ:
- Con gái ông điền chủ ở Cần Thơ.
Bạn tôi la lối:
- Mầy nói phét, mày bịp ông. Hay mày bịp ông điền chủ? Mày khoe bằng cấp lớn, gia đình khá giả để lường gạt ái tình, hả?
Tôi lắc đầu:
- Em biết tao “xăng pờ li”, tứ cố vô thân, âm nhạc chỉ đủ kiến thức ái mộ Hoàng Thi Thơ, văn chương thì mê tiểu thuyết bà Tùng Long! Nói trắng ra, em biết tao xác xơ như cái mền tã.
Bạn tôi ngờ vực:
- Tao không thể tin được.
Tôi nói:
- Mày sẽ tin với điều kiện đưa tao đi may một bộ đồ mới.
Anh ta vì tò mò, đã dẫn tôi lên Saigon mua bộ quần áo may sẵn. Anh chi khoản địa cắt tóc rất xôm. Tôi dắt anh ta tới nhà dì của Phượng ở đường Lê Quý Đôn. Cái vi-la to tổ bố đã làm Công ngần ngại. Lại thêm tấm biển vẽ đầu con chó bẹc giê lè cái lưỡi đỏ ghi hàng chữ tây “Attention, chien méchant”, khiến Công càng bối rối. Tôi phom phom bước tới chỗ chuông điện dưới đục ba chữ tắt “SSP” nhấn một phát rất anh dũng. Chuông kêu reng reng. Công ta sợ tái mặt:
- Này, mày đừng đùa dai, phú lít bắt bỏ mẹ.
Chị bồi lon ton chạy ra mở cổng. Tôi hách dịch:
- Cô Phượng có nhà không?
Chị bồi lễ phép:
- Dạ có ạ!
Vẫn hách dịch:
- Ba tôi lên chưa?
Chị bồi chưa kịp trả lời thì Phượng đã nhào ra, nắm chặt tay tôi:
- Em mong anh quá. Ba hỏi anh hoài à...
Bạn tôi tối tăm mặt mũi. Tôi chắc anh ta đang lạc vào chiêm bao. Tôi bèn vỗ vai Công:
- Để tao giới thiệu: Đây là Phượng, vợ sắp cưới của tao. Và đây là Công, bạn nối khố của anh.
Phượng cười rất tươi, nhỏ nhẹ:
- Chào anh.
Bạn nối khố của tôi lắp bắp:
- Cô... Phượng... có...điên... không?
Phượng ngạc nhiên. Tôi giải thích ngay:
- Anh Công cho rằng cái sự em lấy anh là điên rồ, mù quáng.
Phượng âu yếm nhìn tôi và nói với Công:
- Thưa anh, khi yêu nhau, người ta bỗng hóa ra điên rồ, mù quáng hết.
Tôi vỗ vai Phượng:
- Bắt em đợi là vì anh còn xoay tiền sắm bộ đồ mới ra mắt họ hàng nhà em. Anh xoay mệt lả cò bợ.
Phượng ngắm bộ quần ảo của tôi. Nàng khen:
- “Sích” lắm.
Tôi nheo mắt:
- Mua ở Catinat chứ không phải mua ở chợ trời đâu đấy nhé!
Nàng mời hai đứa tôi vô nhà. Bạn tôi được một phen choáng mắt nữa. Ba Phượng bắt tay chúng tôi, chuyện trò cứ như Tây ấy. Ông đưa cho tôi cái mẫu thiệp cưới, bắt đặt in gấp để ông còn gửi vung vít báo tin họ hàng, bạn hữu. Khi hai đứa tôi rời cái vi-la to tổ bố, Phượng đã kín đáo ghép mười tấm giấy năm trăm gạch cua vào cuốn tiểu thuyết Tây, đưa cho tôi và dặn:
- Cuốn này hay tuyệt.
Đứng đường chờ... xích lô máy, Công chép miệng:
- Mẹ kiếp, mình chỉ mơ được ở căn nhà dành cho bồi bếp của nhà nàng.
Tôi nói:
- Nhà dì nàng đó. Bố vợ tao giờ suy yếu rồi, chứ không, tao cho mày một căn nhà lớn cỡ đó.
Tôi mở cuốn tiểu thuyết, khoe Công:
- Em vừa tiếp tế lương thực.
Bạn tôi phát ngôn một câu lãng nhách:
- Mèo mù vớ cá rán. Mày suốt đời là mèo mù.
Anh ta hỏi:
- Ông cụ có hỏi mày dân miền nào không?
Tôi đáp:
- Không.
- Biết mày tứ cố vô thân không?
- Biết.
- Lạ nhỉ!
- Lạ cái gì?
- Bắc kỳ di cư, răng đen ăn trầu, ruồi tái béo như mày mà ông cụ bằng lòng gả con gái cho thì lạ thật!
Tôi bèn sung sướng vì vừa chợt nghĩ ra điều đó. Rồi bỗng tôi muốn tống giẻ rách vào miệng những anh chính khách kỳ thị địa phương. Người ta kỳ thị địa phương chỉ vì cái miếng đỉnh chung trên mâm chính trường. Chính trị nó vốn đê tiện. Nhưng có phải tất cả dân tộc Việt Nam đều làm chính trị đâu? Bạn tôi, sau những phút ngạc nhiên rụng rời, đã tặc lưỡi mà đi một đường triết lý còm.
- Tình yêu lạ thật. Xuân Diệu nói đúng: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”.
Và bổn phận đối với bạn của anh ta là tới sở làm reo với ông chủ để mượn một khoản tiền. Khoản tiền đó, anh ta đã sang cho tôi một căn nhà ở ngoài ô Phú Nhuận. Căn nhà số nọ chồng lên số kia. Đi từ đường cái vô nhà tôi, hát đứng bốn lần bản “Phố buồn” của Phạm Duy, hát rặn từng chữ, hát cho nó dầm dề như cô Giao Linh hát ấy. Còn dư, anh ta dẫn tôi lên hiệu may Văn Quân cắt bộ đồ lớn. Vậy là tôi thành chú rể, chú rể can đảm nhất xã hội: thất nghiệp mà cứ đòi cưới vợ.
Ông nhạc tôi... Tây lắm. Ông đã nhét vào túi tôi một nắm bạc nhỏ, dặn rằng:
- Mỗi lần lên xuống thang máy, con nên cho tiền bồi gác thang.
Tiệc cưới xảy ra thật ngoạn mục. Thân nhân của vợ kế của nhạc gia tôi cũng đến dự. Có cả ông Tây bà Đầm nữa. Ôi giờ vui của đời tôi trôi đi rất nhanh cơ hồ khoản tiền nhỏ của một công chức hạng bét trôi đi sau ngày lĩnh lương. Bản nhạc giã từ họ hàng quyến thuộc trỗi ở trong tim tôi, tôi bèn dẫn nhà tôi đến tiệm ảnh của ông phó nhòm Trần Cao Lĩnh chụp vài “bô” làm kỷ niệm. Sau đó, vợ chồng bắt chiếc xe nhân dân tức là xe xích-lô đạp về ngoại ở Phú Nhuận. Không có đêm tân hôn đâu. Căn nhà chật quá. Vài người bà con bên vợ, quý hóa vợ chồng tôi, xung phong tới ngủ một đêm cho tình thương yêu đậm đà. Vậy là tôi đành để nhà tôi nằm với bà cô thân mến. Còn tôi, tôi trải báo trên gạch mà ngủ. “Thấy anh nằm đất em thương”. Chờ mọi người ngáy khò khò, nhà tôi mò xuống ngủ với tôi. Nhưng ngủ suông, ngủ để lấy hơi ấm thôi. Muốn làm nhiệm vụ thiêng liêng mà Thượng đế khuyến khích, cần chờ đợi đêm mai.
Tôi nghèo, cóc có tiền đi Đà Lạt hưởng tuần trăng mật. Thành ra, vợ chồng tôi... trăng mật tại gia. Trăng mật tại gia chắc cũng “ép-phê” như... tu tại gia. Những ngày đầu, hạnh phức thơm phưng phức. Ông cố vấn hạnh phúc Đặng Minh Công lấy làm ngưỡng mộ hạnh phúc của vợ chồng tôi. Ông ta tiếp tế đều đều. Tiếp tế không điều kiện, khác hẳn công cuộc viện trợ Mỹ. Ông cố vấn chỉ đòi hỏi “đừng cắn nhau”. Nhà tôi nhõng nhẽo. Lại hay khóc. Đây, lần “tác-giăng giận chồng” đầu tiên. Hôm ấy, tôi đi nộp đơn xin làm biên tập viên ở sở nọ về, thấy nhà tôi giúi vội cuốn sách xuống dưới đệm mút thông hơi. Tôi bèn nổi máu ghen:
- Em giấu cái gì đó?
- Cuốn sách mà anh.
- Đưa anh coi!
- Không được đâu, sách kỳ lắm.
- Kỳ anh cũng coi.
- Em bảo không được mà.
- Hừ, khó quá. Chẳc em đọc thư tình của thằng nào ngày xưa chứ gì? Hay hồi ký yêu đương thuở học trò? Em bắt chước T. T. Kh. hả?
Nhà tôi nhăn nhó:
- Em mới yêu anh là người thứ nhất.
Tôi bĩu môi:
- Nhờ em tí. Đưa cuốn sách cho tôi coi.
Nhà tôi cương quyết không đưa. Tôi nặng lời, nhà tôi vẫn ngoan cố. Tức hộc máu mồm, tôi giở thủ đoạn vũ phu, đẩy nhà tôi khỏi chỗ nằm và móc cuốn sách ra. Đó là cuốn sách trong loại sách “Học làm người” nhan đề “Trước khi về nhà chồng, người con gái nên biết”. Căn cứ theo mép gấp cuốn sách thì nhà tôi đang nghiên cứu tiết mục “Tắt kinh”.
Tôi ngước mắt nhìn lên trần nhà, nói một câu dọ dẫm hòa bình:
- Ơ, vậy là anh sắp làm cha!
Nhà tôi đã quay mặt vào tường từ cái lúc tôi khám phá bí mật dưới đệm giường. Tôi biết nàng đang cáu. Bèn pha trò.
Lấy vợ sinh con rồi có cháu
Làm chồng làm bố sẽ làm ông.
Nhà tôi không cười. Nàng ấm ức khóc. Tôi rất ghét nghe tiếng khóc. Đàn bà khóc tôi càng ghét, ghét như ông quán của cụ Đồ Chiểu ghét chuyện tầm phào ấy. “Ghét cay ghét đắng vào tận tim”. Tôi mới nhẹ nhàng khuyên nàng:
- Phượng, em nín đi! Có thế mà cũng khóc.
Nhà tôi khóc lớn hơn, ai oán hơn. Tôi nói:
- Lỗi tại em còn khóc gì?
Nhà tôi nức nở:
- Anh đổ lỗi cho em à? Em đã bảo... kỳ cục lắm, em mắc cở không dám để anh coi. Anh lại nghi ngờ em.
Tôi nham nhở:
- Anh cũng phải biết ghen một tí chứ.
Nàng xoay mình, quay mặt ra. Nước mắt nhễ nhãi:
- Anh đâu có ghen? Anh bắt nạt em. Em sẽ mách anh Công.
Tôi bốc máu:
- Này, anh nói em nghe, chủ quyền gia đình này thuộc về anh. Không ai được phép xía vô nội bộ gia đình ta, kẻ cả ba em. Anh độc lập mà.
Nàng ngồi dậy:
- Nhưng anh đã hứa với anh Công là anh không bẳt nạt em.
Tôi vênh mặt:
- Bắt nạt em hồi nào. Em đừng có vu khống.
Nàng la lối:
- Anh bảo em vu khống, hả?
Tôi thọc tay vào túi quần:
- Ừ đấy.
Nhà tôi đáp lễ:
- Anh xô đẩy em, anh là người chồng vũ phu!
Nhà tôi dám xúc phạm tôi. Tôi chợt nhớ lời vàng ngọc của tổ tiên:
“Dạy con từ thuở còn thơ,
Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”
Và câu giáo huấn “Yêu cho đòn cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Nhà tôi đang... bơ vơ. Tôi lại yêu nhà tôi lắm. Tôi cần phải đáp theo tiếng gọi của tổ tiên “dạy vợ” một bài học mới được. Tôi nghiến răng, xổ một tràng Khổng “viết”:
- Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử em có hiểu gì không?
Nàng bĩu môi:
- Em không biết chữ nho.
Tôi giải thích:
- Nghĩa là đã về nhà chồng thì theo chồng triệt để. Thi hành mệnh lệnh tuyệt đối. Chồng bảo đưa cho xem bất cứ cái phải cho xem ngay. Lơ tơ mơ sẽ ăn đòn.
Nhà tôi đưa cánh tay áo, quệt ngang mắt:
- Anh dọa đánh em à?
Tôi tỏ lập trường:
- Anh sẽ áp dụng biện pháp mạnh. Kỷ luật tối đa.
Nhà tôi thách thức:
- Anh giỏi đánh em đi.
Tôi cảnh cáo:
- Anh đánh bằng... chân tay đó. Em chớ có rỡn.
Nhà tôi tưởng tôi nhu nhược trăm phần trăm, kê tôi một câu nặng hơn cái cối giã bèo:
- Anh tồi hết sức.
Tôi đang chỉ là một ngọn lửa yếu ớt, ngọn lửa sắp bị đập tắt bằng những giọt nước mắt của nhà tôi, bỗng nhà tôi tưới ét-xăng vào ngọn lửa. Đã bảo tôi rất ghét nước mắt của đàn bà. Sợ đấy. Sợ đến nỗi không dám đem kinh nghiệm của tổ tiên ra mà... “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Nhỡ yêu vợ quá, cho vợ một “cái roi”, vợ khóc thét lên thì còn đáng sợ hơn. Tôi bốc cháy phừng phừng, quên mất câu ngạn ngữ Tây “Không nên đánh đàn bà dù đánh bằng bông hoa hồng”. Và tôi dõng đạc chất vấn nhà tôi y hệt một ông dân biểu cù lần được anh em bẻ đôi trái ớt cắm vào lỗ đít cho ông ta hung hăng chất vấn Tổng thống.
- Cô dám miệt thị chồng cô là đồ tồi, hả?
Tôi khuỳnh tay:
- Đồ tồi là đồ bỏ, là thùng rác. A, thằng này là cái lon sữa bò nằm trong thùng rác chung với vỏ cua, vỏ tôm.
Nhà tôi phân trần:
- Em đâu nói cái ý ấy.
Tôi thừa thắng xông lên:
- Chẳng anh em gì nữa. Vậy cô định nói cái ý gì? Đồ tồi là đồ vất đi, là đồ phế thải. Tồi nó gắn liền với tệ. Tồi tệ mờ lỵ.
- Anh đừng có mặc cảm.
- Mặc cảm gì? Thằng này cóc mặc cảm gì hết. Thằng này...
- Thằng này sao?
- Cô gọi tôi là thằng, hả?
- Em gọi bao giờ?
- Vừa xong mà còn chối.
- Em không thèm chối.
Tôi gồng các thớ thịt, quai mồm ra:
- Anh cần noi gương tiền bối. Em hãy nhớ đây là lời khuyên của tổ tiên. Anh phải bợp tai em.
Nhà tôi vênh áo:
- Anh mà dám bợp tai em!
Tôi tỏ chí khí:
- Nghe đây: Từ nay nhớ kỹ câu “Xuất giá tòng phu”. Chồng bảo ăn bánh mì không được ăn bánh ú; chồng ăn bún riêu không được ăn bánh canh; chồng mê cải lương Kim Chung không được mê xi nê mát cốp; chồng đọc Phụ Nữ Diễn Đàn không được đọc Marie Claire; chồng tát má bên phải, chìa luôn má bên trái hứng thêm cái tát nữa theo lời Chúa dạy.
Và tôi tát nhà tôi một cách bất ngờ. Phải đánh mau, đánh mạnh trong lúc mình làm chủ chiến trường kẻo bị địch dồn vào con đường thối chí. Nhà tôi, đúng như tôi tiên liệu, đã khóc thét lên. Tôi bèn phú lỉnh. Cát tát vợ đầu tiên mà tổ tiên dạy bảo đã đẩy tôi vô nhiều lầm lẫn sau này. Tổ tiên đã hại những đứa con trai làm chồng rồi, tổ tiên ơi! Tát vợ xong tôi đi lang thang trên các vỉa hè Sàigòn, lòng ngập đầy hối hận. Những kẻ chiến thắng không ăn cái giải gì. Đó là tên một cuốn truyện của văn hào Ernest Hemingway. Tôi đã chiến thắng và đang ăn cái giải... lo sợ. Buổi chiều, tôi lầm lũi ca thầm bốn lần bản “Phố buồn” từ đại lộ Chi Lăng rẽ vào ngõ nhà mình. Từ đầu con ngõ, tôi đã thấy nhà tôi ngồi dưới gốc cây ngoài cửa đang nhặt những bông hoa vàng rơi rụng. Nàng nhặt hoa và chờ chồng. Lòng tôi trỗi dậy một bản nhạc thương yêu. Tôi bước nhanh tới chỗ nhà tôi ngồi, đặt nhẹ bàn tay - bàn tay tát nàng buổi trưa - lên vai nhà tôi:
- Đi vào, Phượng.
Nhà tôi ngoan ngoãn theo tôi. Bữa cơm chiều trôi đi trong sự buồn tẻ. Đêm ngủ, mỗi đứa nằm một mép giường. Con sông Bến Hải là cái gối ôm dài. Gần về sáng, tôi chợt tỉnh và thấy đang bị ôm chặt. Tôi cười thầm. Nhà tôi lay tôi dậy:
- Anh.
- Gì em?
- Sao anh không xin lỗi em?
- Ừ, anh xin lỗi em.
- Sao anh không xin lỗi em ngay mà lại bỏ đi?
- Anh... anh... xấu hổ.
Tôi vội lảng chuyện:
- Em ạ, mai mốt anh đi làm, anh sẽ để dành tiền mua cái giường Hồng Kông.
Nhà tôi hỏi:
- Ô, thích ghê. Nhưng tại sao cần ngủ giường Hồng Kông?
Tôi hôn vào cổ nhà tôi:
- Vì giường Hồng Kông có lò xo, lại trũng ở giữa. Nò là nhà hòa giải tài tình nhất của những đôi vợ chồng hay giận hờn nhau. Chỉ cần một đứa giẫy, tự nhiên cả hai cùng rơi xuống chỗ trũng trong giấc ngủ. Rồi ôm nhau. Khi tỉnh ngủ bỗng hết giận hờn nhau. Em bằng lòng mua một chiếc giường Hồng Kông chứ?
Nhà tôi cắn tai tôi:
- Em bằng lòng lắm, anh ạ!