Chương 3
Làm chồng một nữ sinh

     hà tôi sinh năm 1938. Tuổi con cọp. Còn tôi sinh 1935, cầm tinh con heo. Tướng số dạy: “Tuổi Hợi đợi mà ăn”. Trên cái cuộc đời khốn khó này, không hiểu được mấy thằng “Tuổi Hợi đợi mà ăn”, chứ tôi, để có miếng ăn, đã phải xoay xở toát mồ hôi trán. Cọp không thể sống với heo như gà không thể sống chung với cáo. Môt nhà tu hành cổ thụ đã nói thế. Hôm bà mẹ kế của nhà tôi hỏi tôi năm sinh: tôi phăng phăng đọc “Thưa má, con sinh năm min nớp xăng tờ răng xanh”. Thì bà khựng lại “Tuổi Hợi rồi”. Và đi ngay một đường tử vi thực dụng “Dần, Thân, Tỵ, Hợi tứ hành xung”. Nhà tôi phải vội hỏi tôi:
- Anh nhớ đúng không? Có giấy khai sanh không?
Tôi xám xanh mặt:
- Thú thật là anh khai rút đi hai tuổi cho nó vui vẻ trẻ trung. Anh cầm tinh con gà. Le coq í mà. “C’est moi le coq cocorico...”
Bà mẹ kế của nhà tôi cười khoái chí:
- Vậy con tuổi Dậu. Hạp nhau rồi, làm đám cưới được.
Nhà tôi thờ phào. Tôi thầm nghĩ cọp đói nó tha gì gà. Có điều gà nó bay đậu trên cành cây thì cọp chỉ còn nước ngồi ngáp hay nhe răng đợi đứa nào uống thuốc liều cầm tăm đến xỉa giùm. Heo ục ịch trốn sao thoát. Cọp nó trườn mình tới, tát xiếc một cái là heo đi đoong. Tôi đâu phải lo con gà gáy te te hoặc gáy cúc cù cu. Mà đích thị là chú heo của ca dao “Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”. Định mệnh đã an bài để heo chung với cọp. Tôi xin nhắc lại: nhà tôi là ái nữ của một ông điền chủ miền Tây. Ông nhạc tôi thiết tha với đất vô cùng. Tuổi trẻ của ông đã dừng lại ngày ông đậu tú tài. Ông không học bác sĩ, kỹ sư hay sang Pháp học làm... bác vật. Mà quay về quê, lo chuyện ruộng lúa. Tiền vào két, ông không giữ hay đầu tư vào kỹ nghệ, thương mại mà chỉ làm cho những cánh đồng của mình dài thêm. Hóa nên, bây giờ, ông nghèo vì... đất. Ông là một điền chủ hung hăng chống luật cải cách điền địa của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Thay vì bằng lòng để chính phủ truất hữu ruộng, bắt khoản tiền lớn, ông đã cắt đất chia cho bà con dòng họ mỗi người trăm mẫu. Ông lo bạc sang tên cũng bộn. Hoàng hôn của đời ông kể từ hôm Cộng Sản đốt cháy hàng chục cái máy cầy của ông ở Cái Sắn. Lúc này, ông đang lo... chống dự luật cải cách điền địa của thượng, hạ viện. Và đồng thơi, đang lo cắt từng trăm mẫu đất ra hàng chục nếu dự luật biến thành luật. Nhưng ông cháy túi rồi. Ông là đề tài châm biến của lũ con. Ai hiểu được một người yêu đất tổ tiên như ông bố vợ tôi?
Nhà tôi sinh trưởng trong cảnh giầu sang phú quý. Mãi tới năm 1958, cảnh giầu sang phú quý mới thực sự xuống dốc, thuốc thánh không kéo lại nổi. Đúng là xuống dốc không phanh. Lấy tôi, nhà tôi đã sống thật khổ sở cả vật chất lẫn tinh thần. Thuở vàng son giã từ chưa lâu. Bóng dĩ vãng vẫn chập chờn ở đôi mắt nàng. Khi nàng cảm thấy khổ, dĩ vãng hiện về rõ ràng hơn. Và nàng khổ hơn. Nàng chỉ là một nữ sinh, một nữ sinh không hề biết bên trong cái xe ô tô buýt nó ra sao. Vậy mà nàng dại dột lấy tôi, gã lãng tử mượn câu phú “Người quân tử ăn chẳng cầu, ở chẳng cầu sang” của Nguyễn Công Trứ mà... sống hùng, sống mạnh. Nhà tôi không hề làm phiền tôi. Cái làm phiền tôi, chính là quá khứ vàng son của nàng.
Nó làm phiền tôi, có lẽ, tôi thuộc thành phần bần cố nông, không “cảm” nổi những cái đáng yêu của địa chủ chăng? Nếu phải quy định giai cấp - dĩ nhiên, quy định để cười chứ không để đấu tranh ấm ớ như mấy anh răng đen mã tấu Cộng Sản - thì tôi thuộc giai cấp vô sản, thứ giai cấp mà Cộng Sản đem ra đánh bóng đến mòn teo, hứa hẹn cho sống ở thiên đường, rốt cuộc vẫn trên răng dưới khố dù đã chết hết... hai thế hệ; thứ giai cấp mà tư bản bóc lột tận tình như Cộng Sản nhưng miệng cứ bi bô đòi thăng tiến cần lao; thứ giai cấp mà tổ quốc thương xót chảy máu mắt song tổ quốc chỉ thí hủi những tấm bánh vẽ; sau hết thứ giai cấp mà tính theo ta ríp Mỹ quốc viện trợ, mỗi người có khoản vốn còm làm ăn, chỉ tiếc, nước ta tham nhũng đông quá nên dân vô sản luôn luôn ăn bã mía, luôn luôn đổ vỏ ốc và chờ... hạnh phúc! Thời thơ ấu của tôi đầy rẫy nhưng nghèo đói, buồn thảm. Năm hai mười tuổi, đứng trước cái máy vô tuyến truyền thanh, tôi còn ngỡ ngàng chẳng biết tắt mở ra sao. Biết đọc hai chữ “on, off” nhưng có được sờ tới cái nút bao giờ. Do đó, tôi không hiểu nếp sống của con nhà giầu. Nhà tôi là con nhà giầu. Và, dù rằng, sự giầu sang của gia đình nàng đã ca bài “Tôi đi giữ hoàng hôn” của nhạc sĩ Văn Phụng, tôi vưỡn khó chịu. Ví cái thuở vàng son của nhà tôi như những vệt nắng xuyên khoai cuối chiều, thật đúng.
Suốt quãng đời lưu lạc giang hồ của tôi, tôi chỉ biết chiếu chứ chưa biết giường. Khi thì nằm nhà sàn, khi thì nằm sàn gác luyện xương cốt. Ăn uống rất phản y học. Bánh mì trừ cơm, khỏi kể rồi. Đói, khỏi kể rồi. Tôi còn hiên ngang ăn chuối chiên, bánh rán, thổi ác-mô-ni-ca (gặm bắp luộc đó) thay cơm nữa. Bây giờ, nhà tôi đưa tôi vào con đường tiến bộ. Ngủ trên đệm mút thông hơi trải “đờ ra” trắng muốt. Mỗi sáng, nhà tôi phủ trên giường cái “cu vờ li” đẹp đến nỗi, muốn nghỉ lưng, tôi không dám nằm. Thêm khoản gối lỉnh kỉnh: gối ôm, gối gác chân, gối gác tay. Nhà tôi đại lý gối. Tôi vốn là kẻ lãng tử “lấy sương gió làm nhà, nước mây làm bạn”, gối đầu trên gốc cây, trên cục gạch, trên bậc thềm xi-măng đã quen.
Nay gối đầu trên gối bông, thật khổ sở. Định mệnh đã an bài. Định mệnh khuyến cáo tôi không được vác gạch đặt ở đầu giường làm gối. Có nhiều đêm, để tưởng nhớ kỷ niệm giang hồ một cách thiết thực tôi đã len lén kéo màn, bò xuống đất mà nằm. Nhà tôi thức giấc, quờ quạng một hồi, không thấy tôi, đã la hoảng. Trong ánh đèn ngủ (lại đèn ngủ) lờ mờ, tôi bèn cười hì hì. Nhà tôi, dù đã tin Chúa, vẫn tưởng ma đến rủ tôi đi đánh phé, vội lấy xâu chuỗi vừa lần vừa đọc kinh và làm dấu loạn tay. Tôi trêu nàng, bèn chui vào gầm giường, giả giọng... thánh Phao lồ:
- Gì thế Phượng? Đừng có sợ, ta là thánh Phao lồ đây.
Nhà tôi biểu diễn màn... xưng tội. Con chiên quỳ trên giường và ống cố đạo nằm dưới gầm giường:
- Thưa thánh Phao lồ anh Lương đi đâu mất rồi.
Ông thánh Phao lồ bịt mũi mà hỏi:
- Chắc con không cho chồng con kê gạch làm gối chứ gì?
Con chiên nhăn nhó:
- Anh có đòi vác gạch lên giường đâu.
Ông thánh Phao lồ an ủi:
- Vậy không sao đâu. Con nằm xuống, quay mặt vô tường, lấy nềm trùm kín mặt, chớ cục cựa. Đếm từ một đến một trăm, tung mền ra sẽ thấy cái thằng Nguyễn văn Lương.
Chẳng biết nhà tôi thắc mắc điều gì với ông thánh Phao lồ mà, đáng lẽ, đếm từ một đến một trăm nàng mới đếm bảy mươi đã tung chăn ra. Đúng lúc tôi lò dò leo lên giường. Nhà tôi nghi ngờ sau vài giây hú hồn:
- Anh làm gì vậy?
- Đâu có.
- Sao đang ngủ anh bỏ trốn em?
Tôi đóng vai ông Phán Phiệu
- Anh chiêm bao gặp thánh Phao lồ. Em ạ, chắc tại anh ưa trêu cợt các thánh nên thánh Phao lồ chơi xỏ anh. Cụ ấy dụ đưa anh lên thiên đường, anh tưởng bở theo ngay. Ai dè cụ Phao lồ dẫn anh xuống gầm giường.
Nhà tôi hạ một lời nặng nề:
- Đáng kiếp lắm.
Tôi cười thầm. Nhưng cơn khoái chí vừa dứt, nhà tôi bỗng đổi giọng:
- Anh đừng gạt em. Em biết tỏng rồi.
Tôi nắm tay nhà tôi, nham nhở:
- Rỡn chút xíu mà.
Nhà tôi giật tay ra:
- Anh ngạo... Chúa!
Nguy quá ta. Tôi nhớ, một đêm đi xe đạp không đèn, bị phú lít thổi còi. Tôi thắng cái rốp, thản nhiên nói tiếng Ăng-lê “My tailor is rich. My tailor is not rich. Our flowers are beautiful. How are you? You are policeman. Very good...” Tôi đã làm điệu bộ như một dân Phi Luật Tân vừa sang Việt Nam. Thuở ấy, nhà nước chưa mở các “cua” dạy tiếng Anh cho công chức. Nên thầy phú lít già bèn xua tay, đi một đường đuổi bằng... tay kèm theo mấy tiếng “cảnh sát không phải là bạn dân ngoại quốc” như vầy: “Đi cha anh đi”. Tôi chuồn gấp. Chừng nghi ngờ chi đó, thầy phú lít già gọi với “Ê, anh kia, khoan hãy dọt”. Tôi vụng ở màn chót, quay xe lại. Thầy phú lít già cười hề hề: “Anh dùng vải thưa che mắt thánh, tính xài tiếng Anh qua mặt tôi hả? Thằng này từng qua Anh Cát Lỵ thụ huấn nghề phú lít mà”. Tôi tái mặt ca bài “con cá nó sống vì nước, con người vi phạm luật giao thông sống nhờ phú lít”. Không xong, tôi bị lôi về bót, cảnh cáo và nộp phạt. Hôm nay, tôi lại rơi vào bẫy của nhà tôi. Nàng giận dỗi:
- Thôi được, từ nay anh khỏi đưa em đi lễ nhà thờ. Em đi một mình.
Tôi thú tội:
- Em ơi, anh đâu dám ngạo Chúa của em. A men. Anh nhớ kỷ niệm trải báo nằm trên đất, lén em mà ngủ đất đó.
Nhà tôi vùng vẳng:
- Anh quý kỷ niệm nằm đất hơn em à?
Tôi vò đầu:
- Lạy Chứa tôi, mô Phật, em nghĩ oan cho anh rồi.
Nhà tôi không thèm nói năng gì cả, quay mặt vào tường. Tôi năng nỉ mãi phát cáu, cũng lăn ra mép giường mà ngủ. Nhưng không nhắm mắt nổi. Tôi mơ mộng chiếc giường Hồng Kông. Giá vợ chồng tôi đang nằm trên giường Hồng Kông, chỉ cần giả vờ giẫy giụa mạnh là hai đường thẳng song song sẽ gặp nhau ở chỗ... trũng. Tôi suy nghĩ vẩn vơ rồi quyết định ngồi dậy, “lông nhông” chụp lấy nhà tôi. Nhà tôi chống cự lấy lệ, chống cự kiểu báo nhận tiền của nhà nước đối lập nhà nước. Tôi anh dũng áp dụng chiến thuật của thằng “phải gió” với em gái “lên núi hái chè”. Nói theo cái điệu quảng cáo tủ lạnh National Jet Cycle thì “kết quả hoàn toàn đông lạnh”. Vợ chồng tôi quên ông thánh Phao lồ, quên hết trơn hết trọi. Tôi chắc nàng quên luôn cả Chúa. Và tôi, nhất định, tôi đã quên Phật khi thủ diễn thằng “phải gió”. Sau đấy, nhà tôi thủ thỉ:
- Như vậy, chẳng bao giờ mình giận nhau, anh nhỉ?
Tôi mệt mỏi đáp:
- Ừ, nhưng mà một tuần nên kiếm cớ giận nhau hai lần thôi, kẻo anh sẽ long bánh chè. Mai em đền anh một chầu cật heo hấp, em nhé!
Nhà tôi ngây thơ lắm. Khi tôi đòi cật heo, nàng bèn hỏi:
- Bộ cật heo bổ hả, anh?
- Ừ.
- Bổ gì?
- Bổ... thận. Bổ... trái cật của anh mà. Thận anh mà bổ, anh cam đoan mỗi ngày chúng ta có thể giận nhau mười lần theo công thức “đêm bảy ngày ba”
Tôi phải ghé sát tai nhà tôi thầm thì, nhà tôi mới vỡ lẽ. Và nàng mắng tôi một cậu rất dễ yêu:
- Quỷ ở đâu!
Tôi vừa kể một chuyện lỉnh kỉnh điển hình về cái sự ngủ của một bần cố nông với một địa chủ. Bây giờ, đến chuyện lỉnh kỉnh điển hình về cái sự ăn. Nhà tôi ăn như mèo ấy. Thánh nhân dạy đúng phóc. “Nam thực như hổ, nữ thực như... miu miu”. Nhưng chính vì “thực như miu” mà nàng rất khó khăn với bếp núc. Bí quyết nấu ăn của nhà tôi là:
Gạo ngon. Nước mắm thượng hảo hạng.
Dao sắc. Bếp cháy rực.
Bát, đĩa đẹp.
Muỗng, nĩa mạ kền bóng nhoáng.
Khăn trải bàn nhiều hoa lá cành.
Khăn ăn trắng muốt, thơm phức.
Vân vân...
Nàng giải thích con dao của người nội trợ như vầy:
- Em thí dụ thái một miếng thịt heo luộc nhé! Nếu dao không bén, miếng thịt đâu có mỏng và đều. Nó sẽ giống miếng gỗ cưa. Trông xấu xí, ăn hết ngon. Dao bén thái thịt bò xào mới đều, miếng nào cũng mềm giống miếng nào.
Và bếp cháy rực:
- Gì chứ xào thịt bò cần bếp nóng. Đặt chảo mỡ lên bếp cho đến khi mỡ nó hết kêu, nó thách thức lửa tức là nó nóng tột độ. Bấy giờ, mới bỏ hành ta vào. Ái chà, vừa ném hành vô, mùi thơm đã quyến rũ tuyệt đỉnh. Rồi đổ thịt bò “ướp” nước mắm ngon theo, đảo qua đảo lại vài lần. Và nhấc chảo khỏi bếp. Em cam đoan, thịt bò ngon hơn... tiệm! Bếp ít lửa mà xào thịt bò, thịt bò sẽ dai như da giầy của anh ấy.
Nhà tôi sáng tác ra món thịt bò xào khoai tây mà tôi cho là nhất. Nàng gọt khoai, thái không dầy lắm. Nàng chiên cho khoai giòn, vớt ra đặt vào đĩa lớn. Giai đoạn hai là xào thịt bò như nàng vừa giải thích ở trên, giữ lại nước, chỉ đặt thịt trên khoai. Giai đoạn ba là làm sốt cà chua rưới lên thịt. Nước sốt thấm qua thịt, thấm xuống khoai. Khoai mềm ra. Trên đĩa thịt bò xào khoai “điểm một vài” ngọn ngò xanh, nom đẹp mắt và ăn ngon tuyệt cú mèo. Thỉnh thoảng, nhà tôi biểu diễn một màn thịt đúc trứng ngoạn mục. Nàng chẻ đôi từng sợi đậu đũa ra, đan lại như cái vỉ. Thịt băm nhỏ, đánh quyện với trứng. Nàng đổ thịt và trứng lên cái vỉ đậu đũa thứ nhất rồi đặt cái vỉ đậu thứ hai trùm kín thịt trứng. Và rán. Khi vỉ đậu đũa chín vàng là thịt bên trong cũng chín. Món này đặt vào đĩa đẹp, dùng dao sắc cắt từng miếng, xịt ít giọt Maggi phú lãng xa mà ăn thì tưởng, nội cái công phu chế tạo thành nó, đã khoái khẩu rồi.
Tôi không hiểu nhà tôi học làm những món ăn cầu kỳ của Bắc kỳ ở đâu. Mới hỏi:
- Ai dạy em nấu những món ăn Bắc kỳ đó?
Nàng kiêu hãnh đáp:
- Lấy chồng Bắc kỳ thì phải biết chứ, cần gì ai dạy.
Nhưng rồi nàng cũng thú thật, là chơi với các ái nữ của nhà văn Lê văn Siêu, thường đến nhà bạn coi làm bếp, ăn cơm nên học được... nghề. Nhà tôi nói tiếng Bắc kỳ hay ra phết. Số là vì trượt tú tài Tây, nàng xoay qua chương trình Ta, học Việt văn với giáo sư Nghiêm Toản, ngồi cạnh toàn nữ sinh Hà Nội thành ra nàng bị... ảnh hưởng. Ôi, định mệnh đã an bài từ đầu năm 1954 lận.
Tôi mới kể sơ sơ vài món ăn mà đã thấy sốt ruột rồi. Định mệnh nào an bài tôi để tôi được thưởng thức những món ăn mà một gã bần cố nông như tôi không bao giờ dám mơ ước. Triết gia ái tình Tí con, tôi xin bái phục ông, bái phục. Nhưng, chính ra, tôi bị thưởng thức. Tôi là nạn nhân của... đớp hít. Tôi khổ tâm hết sức. Ngồi vào bàn ăn, xì xụp húp bát “súp” xương bò rồi mới được ăn cơm. Vừa ăn lại phải vừa uống nước đá lạnh hay li-mô-nát. Nhà tôi bầy cái trò uống rượu chát. Tôi dẹp vội vì... đau gan. Đau ruột thì đúng hơn. Con nhà lính, thứ lính đo đường, đếm cột đèn, mà học tính nhà quan, tôi sợ bao nhiêu tư trang nhà tôi sẽ “Tung cánh chim tìm về tổ ấm” đáp tiếng gọi chiêu hồi của các nhà kim hoàn hết. Ôi, đã mấy lần tôi nhìn những chiếc vòng “xơ men” ra đi. Chúng nó đi cơ hồ Yêu Ly, Chuyên Chư, Kinh Kha ra đi. Ra đi nhất định không về. Tết Congo chúng nó mới về với điều kiện tôi đi làm, dành dụm tiền để... dử chúng nó về.
Tôi thường nói với nhà tôi:
- Em ạ, cách ngôn dạy rằng “người ta ăn để mà sống chứ không sống để mà ăn”. Bao tử anh ví như cái “véc xi” bằng cao sư ấy. Anh đã từng uống một ly cà phê sữa, sống trọn ngày. Hoặc uống nước lã cầm hơi. Hoặc ăn ba đĩa cơm sườn heo nướng, thêm ly cà phê đá bự một bữa. Anh rất ghét ăn cơm Tàu. Anh thù Tầu mà. Nó đô hộ mình những ngàn năm. Đấy em coi, đi ăn cưới ở Đồng Khánh, anh chỉ ngồi nhìn mồm, chờ món cơm rang. Cơm Tây anh cũng ghét. Nó độ hộ mình trăm năm. Em hãy học nấu riêu cua, canh cua cho anh ăn, anh khoái canh cua lắm, anh đầy phè dân tộc tính.
Nhà tôi cười:
- Anh chỉ ba xạo.
Có nhiều điều tôi ba xạo. Chẳng hạn chê cơm Tây. Chê vì chưa từng ăn những món khác ngoài thịt bò bíp tếch. Khi có tiền, lại không dám phiêu lưu vào những món mà mình chưa ăn. Sợ không ăn được. Cơm Tàu thì tôi kịch liệt phản đối. Thuở nhỏ, ở với mẹ, mẹ tôi cứ sợ tôi bị... cam nên chỉ cho ăn cơm với thịt nạc kho, giò rim. Lớn lên đi giang hồ, ăn thêm được vài món. Ếch, thỏ, chuột, mắm là không có tôi. Lấy vợ miền Nam không ăn được mắm, thịt chuột là một điều thiệt thòi. Nem nướng chấm nước mắm giảm giá trị tám mươi phần trăm. Song tôi vẫn yêu cầu được chấm nước mắm. Đôi khi, nhà tôi thèm ăn thịt chuột, ăn mắm chưng, nhà tôi phải đuổi khéo:
- Hôm nay anh đi ăn tiệm nhé!
Nếu tôi thắc mắc, nhà tôi dọa:
- Cô Hai gửi cho chục con chuột và một hũ mắm.
Tôi bèn phú lỉnh ngay. Tối về, giả vờ hỏi:
- Em đánh răng chưa?
Và gạ nhà tôi nhai kẹo “sô uynh gum” lia lịa. Nhà tôi ăn được hết các món ăn Bắc kỳ. Tôi thì chỉ ăn được gỏi gà, canh chua, thịt kho nước dừa. Ôi, món thịt kho nước dừa cá lóc, sao mà ngon thế! Nước thịt kho chấm với dưa giá, tuyệt vời. Thần tình. Tôi cứ định bụng hễ làm ăn khấm khá, tôi sẽ tập uống rượu mạnh. Biết uống rượu mà lấy vợ Nam, sướng nhất trần gian. Bởi vì, miền Nam có nhiều món nhậu bất hủ. Tôm khô củ kiệu, chẳng hạn. Rất tiếc, tôi chê củ kiệu. Nó hăng hắc làm sao ấy. Nhà tôi trịnh trọng nấu nướng, tôi chỉ nhấm nhá lấy lệ và khen nhặng xị ngậu. Nhà tôi buồn ra mặt:
- Anh có ăn đâu mà khen!
Và mỉa mai:
- Anh chỉ biết tôm khô vắt chanh, canh cua mồng tơi, rau đay, mướp và.. canh bánh đa. Em chả thiết làm bếp nữa.
Tuy nói vậy, hôm sau, vẫn thấy nhà tôi tóm cổ mấy chú cá rô bự về, luộc chín, gỡ xương, đâm đầu cá, lược nước và nấu canh bánh đa cá cho tôi ăn. Nàng hớn hở khoe:
- Em biết nấu riêu cua rồi. Mai em mua chầy cối.
Một buổi tối mùa hạ, ngồi vào bàn ăn, tôi đã cảm động muốn... sốt rét khi thấy có bát canh hoa lý nấu với cua đồng. Tôi chưa kịp “thẩm vấn”, nhà tôi đã khai:
- Sách dạy nấu các món ăn Bắc kỳ không có món này. Em đọc truyện ngắn “Giàn hoa thiên lý quê nhà” của anh, bắt chước mẹ, nấu canh hoa lý cua đồng cho anh ăn đó.
Tiếng mẹ nghe thật nồng nàn, thiết tha. Mẹ tôi ở tận làng Thanh Triều, bên dòng sông Trà Lý, không biết mặt con dâu. Nhưng con của Mẹ đã biết tình thương yêu của Mẹ trong bát canh cua đồng nấu với hoa lý. Nhìn xuống bát canh, tôi tưởng chừng gặp khuôn mặt thân yêu của mẹ tôi và những nụ cười.
Nhà tôi hỏi:
- Anh lại bày đặt viết truyện ngắn à?
Tôi đáp:
- Ừ, anh đang làm mầm non văn nghệ, em ạ! Anh sẽ viết một truyện dự thi “Truyện Ngắn Tiếng Chuông”. Hễ ông Đinh văn Khai chấm truyện của anh nhất, anh sẽ được đăng hình lên báo, sẽ được lãnh tiền và tấm bằng... văn nghệ. Tiền thì để mua giường Hồng Kông. Bằng thì để lồng khung kính treo trên tường phòng khách. Ông Đinh văn Khai sẽ đưa anh vào văn học sử hậu bán thế kỷ thứ hai mươi.
Nhà tôi cười nửa miệng:
- Ông Khai mà đưa anh vào văn học sử Việt Nam em sợ anh sẽ chết cứng trong văn học sử. Muốn lôi anh ra cũng không lôi được. Thôi anh đừng dự giải “Truyện Ngắn Tiếng Chuông” nữa. Tốt hơn cả, anh đừng mộng viết văn. Anh hãy sống thật bình thường. Em không ham sự phi thường của các bậc văn hào, thi bá. Hễ sự nghiệp lẫy lừng, người ta mải mê sự nghiệp, đua đòi đủ thứ và dễ ruồng rẫy vợ con.
Nhà tôi có lý. Cái bọn văn nghệ sĩ chúng nó bê bối lắm. Hút thuốc phiện, nhảy đầm, yêu vũ nữ, vợ nhỏ cả bầy và sống không nề nếp. Đàn bà vốn sợ một đời sống xáo trộn. Nhà tôi chẳng thích tôi trở thành văn sĩ vì thế. Và nàng đã ngăn cản tôi thật lực. Tôi là nhà... mầm non văn nghệ khác đời, nghĩa là, chỉ có cảm hứng sau bữa ăn. Hóa cho nên, khi bụng đã căng, buông đũa là tôi vồ lấy bút nguyên tử... sáng tác văn chương. Nhà tôi dọn bát đĩa xong, đến cạnh tôi, xòe đôi bàn tay ngọc:
- Anh coi, tay em hết đẹp rồi. Xà bông nó tiêu diệt da tay em.
Tôi bèn cầm tay nhà tôi, nịnh đầm rất anh dũng:
- Để chén bát anh rửa cho, em ngồi nghỉ. Có mang can phải nghỉ ngơi.
Và tôi hùng hục rửa bát đĩa, quên đi chuyện văn chương phú lục. Nghĩ rằng “Văn chương phú lục chẳng hay, thà là rửa bát tối ngày cho xong”. Tôi đã rơi vào cái bẫy của nhà tôi mà không biết. Nhà tôi hay thật tình. Nàng âu yếm bắt tôi làm tạp dịch để phá hoại một thiên tài văn chương hy vọng giải Nobel Ma ní ngang hàng với đại văn hào Tôn Thất Thiện. Thay vì sáng tác chuyện ngắn dự giải “Truyện Ngắn Tiếng Chuông”, tôi đã gõ muỗng vào trôn bát mà ca: Cớ sao vợ lại trách trời nhỉ
Vợ chỉ hơn trời có cái trai
Tự đó, nguồn cảm hứng văn chương của tôi đã bị nước rửa bát cuốn phăng. Cứ mỗi lần cầm bút sáng tác là nhà tôi sai làm tạp dịch. Chẳng hạn: giặt quần áo, xuống quán mua xí muội, xoa dầu nóng khắp chân tay giùm vợ, mua chỉ về may lót, tã cho con đầu lòng tương lai. Vân vân... Nhưng không phải rửa bát, giặt quần áo thường trực đâu. Nếu cơm nước xong, tôi nằm khểnh hút thuốc lá rồi ngủ đi thì nhà tôi lo hết công việc. Và tay vẫn đẹp. Nhà tôi thù ghét sự nghiệp văn chương của chồng. Nàng yêu tôi, thương tôi nên sợ, một mai, khi tôi ẵm giải “Truyện Ngắn Tiếng Chuông”, rất có thể, tôi sẽ bán cả quần của nhà tôi để hút thuốc phiện. Bởi vì, văn sĩ thường đi liền với nghiện sĩ. Ôi, ghét của nào, trời trao của ấy. Và đó là nỗi khổ vô biên của nhà tôi sau này.