Dịch giả: Ái Cẩm
Chương 7

     hư thường lệ, mỗi tối Ngọc Bội đến nhà Luật sư Thanh Phước dạy kèm cho Ái Vân. Nghĩ đến ngày thi vào đại học của Ái Vân còn hơn hai tháng nữa, Ngọc Bội càng cảm thấy không an tâm. Ngọc Bội không mấy hy vọng vào Ái Vân vì thực sự trình độ của Ái Vân quá kém, ngay cả vào đại học văn khoa mà vốn liếng văn chương thi phú cỡ như Ái Vân thì chắc chắn không đạt thành mơ ước. Một vài lần Ngọc Bội bày tỏ thật ý nghĩ của mình đến Luật sư Thanh Phước.
- Giả sử lần này Ái Vân thi rớt nữa thì ông nghĩ sao?
Luật sư Thanh Phước nhìn thẳng vào mặt Ngọc Bội nghi ngờ:
- Học được ngày nào hay ngày đó, năm nay không đậu thì năm tới, thi hoài đến khi nào đậu thì thôi, lo gì.
Mọi khi Ngọc Bội bước vào nhà là đã thấy Ái Vân ngoan ngoãn ngồi chờ sẵn trong phòng. Nhưng hôm nay mở cửa phòng không thấy bóng dáng Ái Vân đâu, nhìn thoáng qua cửa sổ, hình như bóng Ái Vân đang lúi húi bên mấy chậu hoa lan và có vẻ say sưa với chuyện cây cỏ. Dưới ánh trăng lồng lộng tỏa sáng khắp khu vườn như giòng sữa, Ái Vân mặc chiếc áo màu hoàng yến càng thêm lộng lẫy như một nàng công chúa trong những câu chuyện thần tiên. Vừa nhìn thấy Ngọc Bội bước lên thềm hoa, Ái Vân đã vồn vã chào hỏi:
- Thưa cô mới đến ạ. Mời cô đến xem hoa lan vừa nở thêm mấy đóa tuyệt đẹp.
- Chuyện gì mà thích thú như thế?
Vừa bước tới bên mấy chậu hoa, Ái Vân đã tươi cười chỉ vào chùm hoa lan có những cánh mong manh màu tím có dáng dấp như những cánh chim phượng hoàng, màu sắc hòa hợp thật đẹp làm cho người ngắm hoa phải ngây ngất.
- Thú thật với Ái Vân từ xưa tới giờ cô chỉ xem hoa trong sách vở, chưa bao giờ có cơ hội nhìn tận mắt những cánh hoa đủ màu sắc tuyệt đẹp như thế này.
Ái Vân có vẻ thiện nghệ hơn nên giải thích:
- Dạ thưa cô, đây là lan bướm hồng, đây là cánh phượng, đây là phượng hoàng.
Qua những lời hướng dẫn đầy hiểu biết về hoa, Ngọc Bội nhìn hết những cánh hoa rực rỡ sắc màu này đến những sắc màu khác. Mỗi loại hoa đều có những sắc màu khác nhau, nhưng tựu chung đều xinh đẹp mà đôi khi ngôn ngữ không đủ để diễn tả.
- Thưa cô, tất cả các loại hoa lan này em trồng năm ngoái đấy, em nghiên cứu đến vài chục loại hoa lan và em thích các loại hoa này lắm. Có nhiều loại cây không phải có mà những cánh lá trông cũng rất đẹp.
Nói xong Ái Vân hướng dẫn Ngọc Bội lần lượt đi xem tất cả các chậu hoa lan và thuyết minh từng loại một cách tỉ mỉ.
Ngọc Bội nhìn Ái Vân có vẻ thán phục về kiến thức phong phú về hoa.
- Bằng cách nào em tìm hiểu cặn kẽ các loại hoa quý này?
- Thưa cô, như em đã nói là xem sách vở, và nhất là hỏi thêm người làm vườn, chính họ có nhiều kinh nghiệm sống đáng cho mình tham vấn và học hỏi. Mỗi loài hoa đều có màu sắc riêng của nó,  nhưng màu nào em cũng thích cả.
- Cô rất đồng ý sự yêu thích của em nhưng phải cố gắng lần này nhé, không thi đậu thì ba của em buồn lắm.
Cả hai song song bước vào phòng học, nhưng thoáng ý nghĩ về Ái Vân với những đam mê kỳ lạ nên Ngọc Bội bỗng dưng muốn gặp ông Thanh Phước để thảo luận cụ thể hơn về vấn đề này.
- À, hôm nay có ba em ở nhà không?
- Thưa cô có.
- Ở đâu?
- Thưa cô, ba trong thư phòng.
- Vậy em có thể lên báo với ba cô muốn gặp có việc bàn đến sự học hành của em.
Ái Vân vâng dạ rồi ngoan ngoãn bước vào thư phòng của ông Thanh Phước.
Chờ khoảng năm mười phút, cánh cửa thư phòng mở với sự xuất hiện của ông Thanh Phước. Ngọc Bội có vẻ lúng túng vì phải bưng hai chậu hoa.
- Cô làm gì thế? Tôi có thể giúp cô được không?
- Cám ơn ông?
Sau khi để chậu hoa bên cạnh bàn, Ngọc Bội mỉm cười chỉ vào chậu hoa màu vàng.
- Ông có biết hoa này gọi tên là gì không?
- Hoa Kim Cúc chứ gì?
- Còn chậu hoa kia?
- Hồng Điệp. Đúng chưa?
- Đây không phải hoa Kim Cúc nhưng là hoa Kim Trãn. Còn đây cũng không phải Hồng Điệp mà là Nhạn Lai Hồng, ông nghe có thơ mộng quá không?
Ông Thanh Phước nhìn thẳng vào đôi mắt Ngọc Bội có vẻ thán phục tài biết đến các loài hoa.
- Thực sự tôi cũng như ông chỉ biết hoa đại khái chung chung thôi, người có nhiều kiến thức về hoa quý này phải nói đến Ái Vân. Chính cô ta vừa dạy cho tôi một bài học cụ thể về các loại hoa này một cách thích thú.
- Ồ thế hở!
- Nhiều ngạc nhiên hơn nữa là chính những loại hoa quý và đẹp trong khu vườn nhà ông đều do bàn tay săn sóc khéo léo của Ái Vân.
- Chuyện đó cũng bình thường thôi, thích trồng hoa yêu thú có gì quan trọng đâu, ai cũng có thể làm được cơ mà.
Ngọc Bội lắc đầu phản đối:
- Không phải bất cứ cô gái nào cũng thích làm việc đó. Chỉ có sở thích và năng khiếu của mỗi người. Có thể Ái Vân không thích học toán, không thích văn chương mà chỉ yêu thích chuyện trồng hoa thì sao? Sao ông không để ý theo dõi và khích lệ sở thích của con mình?
Nghe qua sự trình bày của Ngọc Bội, ông Thanh Phước cảm thấy những nhận xét của Ngọc Bội thật là hợp lý và tự trách mình bấy lâu đã bỏ quên vai trò tìm hiểu tâm lý con mình về sở học sâu sắc của nó. Những phân tích của Ngọc Bội làm cho ông Thanh Phước cảm thấy mình đã có nhiều định kiến nghề nghiệp trong xã hội. Tại sao phải chọn vào y khoa, phải vào trường luật mới là tạo nên những địa vị đáng kính trọng trong xã hội. Trong khi khả năng kiến thức của Ái Vân không làm nên được những điều đó.
Tuy nghĩ như thế, nhưng ông vẫn mang thái độ độc tài của mình, những điều ông muốn đều phải thực hiện cho bằng được. Chính vì chủ quan nên ông có vẻ không bằng phòng lời phát biểu thẳng thắn của Ngọc Bội.
- Tại sao cô vẫn nghĩ Ái Vân không thể thực hiện được những điều tôi mong muốn. Đôi khi cô còn tìm mọi cách thuyết phục tôi bỏ ý định bắt buộc con tôi đi theo con đường vạch định của tôi?
- Tôi thành thật nói với ông, từ ngày được hân hạnh dạy kèm Ái Vân, tôi rất có cảm tình với cô bé ấy, nên tôi không muốn nhìn thấy cô ta buồn khổ vì thất bại trong thi cử một lần nữa.
Vừa nói Ngọc Bội vừa liếc nhìn ông Thanh Phước một cách thành khẩn.
- Tôi hiểu ý ông, vì ông chưa bao giờ nếm mùi thất bại, cuộc đời mấy ai được cái diễm phúc như ông. Tất cả mọi cuộc tranh đua chỉ vì hư danh mà thôi. Thưa ông, đời sống dàn trải qua muôn hướng, nghề nào cũng có riêng giá trị, xã hội như một guồng máy, cần những mắt xích thì guồng máy mới hoàn hảo. Có thể Ái Vân không thích môn học này, nhưng thích môn học khác, và chứng tỏ có nhiều tài năng hơn người, ví dụ như cô ta thích nghiên cứu về cây cỏ, tại sao ông không khuyến khích cô ta vào trường Đại Học Viện Nông Lâm, tôi tin chắc cô ta sẽ trở thành một chuyên viên xuất sắc. Nếu ông muốn có cơ hội đối thoại về kiến thức tổng quát của một sinh viên nông lâm thì ngày mai tôi sẽ đưa ông đến một nơi, người bạn của tôi và sau khi diện kiến thảo luận, tôi hy vọng ông sẽ bằng lòng.
- Không hiểu có phải cô đã có lần thất bại nên cô biết được mùi vị đắng cay?
- Nhận xét của ông quả đúng như vậy, nếu tôi không từng nhận lãnh những nỗi thất bại thì làm sao tôi có thể hiểu những xót xa đau buồn.
- Từ bao giờ thế?
- Hình như đã có lần tôi đã thổ lộ với ông rồi cơ mà, về chuyện tình cảm riêng tư của tôi. Đại khái là khi tôi yêu, tôi đã đặt hết niềm tin với người đó, nhưng cuối cùng người đó đã làm cho tôi thất vọng. Chẳng khác gì tâm trạng một người đang đứng trên đỉnh núi, cơn bão đã xô ngã xuống vực thẳm.
- Thực sự tôi không phải là nhà tâm lý học nhưng câu chuyện cô vừa kể không phải là thất bại mà gọi là thất tình thì đúng hơn. Thất bại có nghĩa mình muốn làm việc gì đó với tất cả quyết tâm phải đạt cho được nhưng cuối cùng không đạt như ý, còn thất tình là do nguyên nhân tình cảm giữa hai người, cho dù mình cố gắng giữ trọn niềm thủy chung nhưng người kia phản bội điều mà mình không thể giải quyết được.
- Theo tôi không chỉ thất tình mà còn cả sự thất bại.
Ngọc Bội chớp chớp mắt như cố giữ lại sự xúc động có thể rơi lệ nói tiếp:
- Thất bại có nghĩa là tôi không đủ nhan sắc để giữ lại tình yêu như ý muốn, khiến cho tôi mất cả niềm tin. Và tôi có cảm tưởng tôi sẽ không còn tin ai nữa, nhất là những người đàn ông sau này. Tôi đã đánh mất tuổi thơ ngây của mình. Có phải thực sự tôi đã già nua rồi chăng? Chẳng khác gì con chim bị tên suýt chết cứ hốt hoảng lánh xa những cành cây như gươm giáo.
Ông Thanh Phước nhìn vóc dáng người con gái trầm buồn trước mặt, bỗng dưng lòng ông chùng xuống xúc động. Một thoáng giây yên lặng trôi qua, ông lên tiếng:
- Nghĩ như thế thực sự cô đã lầm rồi.
Ông Thanh Phước đứng dậy bước khẽ đến bên Ngọc Bội.
- Ít ra đối với tôi, cô không phải là một người như vậy. Cô giống như một đóa hoa rừng đầy hương sắc và hiếm quý. Cô có dáng vẻ những cánh lan mong manh cần được nâng niu trân quý. Ngay từ giây phút đầu tiên gặp cô, nét duyên dáng ở cô có một hấp lực kỳ lạ đã thu hút tôi.
Bất ngờ tình cảm say đắm đã lôi cuốn ông Thanh Phước và ông không kềm chế nổi. Ông vòng đôi tay ôm lấy Ngọc Bội vào lòng và đặt lên môi nàng một nụ hôn đằm thắm ngất ngây. Giây phút quá bất ngờ, toàn thân Ngọc Bội như đang bốc lửa từ nụ hôn nóng bỏng mà từ lâu ngỡ như đã quên. Tâm trí Ngọc Bội bấn loạn, trôi bồng bềnh như người đi trên mây. Mọi phản ứng hầu như bị tê liệt, nhưng khi Thanh Phước ngước nhìn lên khuôn mặt Ngọc Bội thì vừa chợt khám phá hai hàng nước mắt chảy dài trên đôi má nàng.
Phản ứng tự nhiên của người con gái. Nàng đã tỉnh táo và đã suy nghĩ tại sao mình không có một sự phản ứng nào. Rồi đây thế nào ông ta cũng sẽ coi thường mình là đứa con gái quá dễ dãi. Nhất là đối với một Luật sư danh tiếng lừng lẫy, chuyện đàn bà đối với ông như các món đồ chơi. Nhưng đối với ta, đâu có thể nghĩ như thế được, trước mặt đàn bà ông lúc nào cũng tự tin vào khả năng chiếm đoạt, tại sao mình lại ngu đến mức như thế? Những ý nghĩ về bản năng tự vệ đã gia tăng sức mạnh nên Ngọc Bội đẩy mạnh ông Thanh Phước rồi chạy nhanh ra khỏi phòng.
Ông Thanh Phước cũng hốt hoảng chạy theo:
- Ngọc Bội, em làm gì vậy, anh thành thật xin lỗi.
- Hãy buông tôi ra, đừng xem tôi như những người đàn bà đã đến với ông. Tôi không…
- Em đừng có hiểu lầm như thế!
- Tôi tự biết thân phận nghèo hèn của tôi, nhưng thưa ông, tôi còn phẩm cách, ông đừng có hiểu lầm và biến tôi như món đồ chơi của ông chớ.
Ông Thanh Phước định tiến theo vài bước nữa nhưng Ngọc Bội đã thoát ra ngoài với dáng điệu hớt hải.
Không ngờ phía ngoài cửa, anh chàng phụ tá Luật sư đang chăm sóc hồ cá và mỉm cười chào Ngọc Bội với nụ cười tinh nghịch.
- Chào cô giáo ạ!
Bỗng dưng Ngọc Bội cảm thấy xấu hổ vì nàng nghĩ chắc trong đầu anh ta cũng đang nghĩ xấu về mình, cũng giống như bao nhiêu cô gái khác, ham tiền và danh vọng, tự động hiến thân cho ông Luật sư. Nếu quả thực là cô giáo có tư cách đàng hoàng dạy cho Ái Vân thì tại sao lại vào phòng riêng của Luật sư?
Càng nghĩ đến đó Ngọc Bội càng cảm thấy xấu hổ nên hai má nóng bừng, chạy một mạch như ma đuổi ra khỏi cửa ngoài ngôi biệt thự. Nàng vẫy gọi taxi. Khi biết mình đã an toàn ngồi trên xe chạy về hướng nhà mình Ngọc Bội mới cảm thấy như đã hoàn hồn, tỉnh táo. Tại sao mình quá yếu lòng đến như thế, giá chi mình còn tự chủ tát cho ông Thanh Phước một cái tát thì hay quá. Dù sao tự ái mình cũng đỡ đi phần nào. Nhưng cho dù có giận đến mấy chăng nữa, nụ hôn bất ngờ đó cũng còn tạo cho tâm hồn cô nỗi rạo rực vu vơ...