Cu chim

     hẳng biết là từ hôm nào, và bắt đầu từ ai, Cu Chim bị gọi là... Cu Chim. Tên bố mẹ đặt cho và ghi trong giấy khai sinh ấy, nó là Nguyễn văn Quý kia. Thằng Quý. Bạn nó, đứa nào cũng gọi nó thế. Thế mà bây giờ, nó hóa ra là thằng Cu Chim. Năm mười tuổi, học lớp 4 rồi, Cu Chim chưa bị gọi là Cu Chim, nó loắt choắt, còi cọc như con chim sẻ. Mùa hè, cởi trần, mặc quân đùi, mẹ nó cười:
- Nom kìa, cái rốn to hơn người!
Nó xấu hổ, kéo vội quần lên. Chả là rốn nó bị lồi. Tức thế. Những lúc sực nhớ ra, nó lấy ngón tay cái ấn vào. Đến tuổi lên 10 thì đã đỡ. Học lên đến lớp 6, nó đã ý tứ không phơi rốn ra nữa, thì lại phải mang cái tên là Cu Chim. Mới nghe, cu Quý tức lắm. Vừa tức, vừa thẹn. Song, đầu đuôi đều tại nó hết.
Sự thể thằng Quý mang tên Cu Chim bắt đầu từ cái ngày nó ham đi bẫy chim. Bẫy chim sẻ trong sân, bắt chim sẻ đồng ở ngoài đồng và lấy nhựa mít nhử cả chim chích trong vườn. Không có tiền mua lồng ngoài chợ, nó đan lấy. Đan kiểu cái rọ đựng trứng gà ấy, đan mắt nhỏ hơn là được. Mỗi lồng có thể nhốt từ một đến ba con chim. Mới đầu, nó bẫy chim sẻ bằng cách rắc vài hạt thóc, úp kênh cái rá lên bằng que tre dòng dây ra xa, hễ chim vào ăn là giật. Bắt chim ra mới khó. Loay hoay mãi có lần chim bay mất. Sau, nó lấy cái áo cũ chùm ra ngoài cái rá, lừa cho con sẻ chạy vướng lùng bùng, bấy giờ mới tóm lấy. Chỉ hai ba hôm đầu, nó đã bẫy được hơn chục con, lồng chim treo la liệt từ trong nhà ra ngoài sân. Bố mẹ nó bắt đem ra ngoài, không có bẩn lắm. Để ở ngoài cứ bị con mèo móc, nó nảy sáng kiến đem treo lên cành bưởi, cành chanh, cây có gai, mèo chịu. Hằng ngày, cứ đi học về là nó lo bắt mồi để nuôi chim. Mẹ nó không cho lấy thóc, bảo: “Thóc ăn chứ thóc đâu mà nuôi chim?” Bắt trong sân chán, nó bẫy ngoài ruộng. Chẳng bao lâu nó đã có được hơn hai chục cái lồng chim treo đầy vườn. Bố nó lấy làm lạ:
- Cái thằng, tự nhiên lại mê chim. Lạ thật.
Mẹ nó thì nói:
- Cho nó chơi chim còn hơn đi chạy rông, nghịch bậy.
Nhưng tại sao tự nhiên thằng Quý lại mê chim đến thế chứ? Điều này thằng Quý không nói ra. Chim bắt được nó không bán. Có lần bố nó nửa đùa nửa thật bảo nó làm thịt chục con cho bố uống rượu, nuôi làm gì mà nuôi lắm thế. Tưởng thật, thằng Quý rơm rớm nước mắt, bố nó cười:
- Bố nói đùa đấy!
Vào hè, sau vụ gặt, chim sẻ về rất đông. Ấy là lúc những người đi bắt chim xuất hiện. Họ không bẫy mà đánh bằng lưới, môi mẻ hàng mấy chục con. Hàng trăm, hàng nghìn con bị nhốt vào lồng chật cứng, đèo trên xe đạp, chở lên thành phố bán. Tại các quán bia, chim sẻ quay đặt đầy một bàn. Đi học về, nhìn thấy người uống bia, nhai chim sẻ rau ráu, có người mỗi con chỉ một miếng, thằng Quý nhắm cả mắt cả mũi lại mà bước. Ghê hơn là khi nó nom thấy hàng xâu, hàng xốc con chim bé như quả cau bị vặt trụi lông, cái mỏ há ra, cái đầu hêu hếu mà thương, mà kinh quá. Thế này thì lấy đâu ra chim nữa cho họ bắt, họ ăn? Chim bay xung quanh, chim làm tổ ngay trên mái nhà, ngoài vườn đấy, nhưng mà chưa bao giờ thằng Quý bắt chim, ăn thịt chim. Nó chỉ chơi với chim, ngắm con chim lích tích, rí ráu vào những khi ở nhà một mình. Buổi trưa nhà phơi thóc, phải ngồi trông, nó chỉ đuổi gà chứ không đuổi chim. Nó còn đùa với đàn sẻ đồng, xua cho bay rợp cả mắt. Con sáo đậu trên lưng, đậu cả trên sừng trâu, nom mới thích chứ.
Họ ăn, họ bắt chim như thế kia thì hết mất chim chứ còn gì nữa. Chính vì nghĩ như vậy mà thằng Quý đã nảy ý định bẫy chim về nuôi. Do nuôi chim, nó biết được khối điều hay về loài chim. Chẳng hạn: chim sẻ, chim chào mào không thích sống một mình. Phải có hai ba con một lồng nó mới không buồn. Cào cào ngon thật đấy, nhưng chim chích không thích ăn. Chim sẻ không khoái giun... Bạn bè đến chơi bảo thằng Quý bán bớt đi, chim cuối mùa được giá lắm. Một nghìn ba con, một nghìn một đôi cũng có người mua. Quý chỉ lắc đầu:
- Tớ không bán.
Nhưng rồi đến lúc thằng Quý không thể làm thêm lồng, nuôi thêm chim được nữa. Vả lại; chim đã vãn. Trong sân nhà nó cũng chẳng còn mấy con chim. Cho nên, bẫy được con mới, nó lại thả con cũ ra. Mẹ nó nom thấy, bật cười:
- Bắt vào, thả ra, thế thì bắt làm gì hở con?
Thằng Quý nhìn mẹ định nói gì đấy, rồi lại thôi. Mẹ nó tủm tỉm nói ngọt:
- Hôm nay có các bác trên tỉnh về chơi, con đãi bố với các bác một bữa...
Cu Quý vẫn không nói gì. Ấy cũng là khi cu Quý đã được nhận cái tên mới là Cu Chim. Chắc lũ bạn nó đặt cho.
Mấy hôm sau, thằng Quý nghe bố nó nói đến chủ nhật thì nhà có khách. Nó giật mình nhìn mẹ. Suốt cả ngày hôm ấy nó ra vẩn vào vơ, bần thần với đám lồng chim, quanh quẩn ở nhà, hết cho chim ăn, nhấc lồng mang ra ao cho chim uống nước, rồi lại vào nhà ngồi. May mà nghỉ hè rồi, chứ không thì nó không còn bụng dạ đâu mà học bài. Đến tối hôm ấy, thằng Quý thầm quyết định một việc quan trọng. Nó đi ngủ sớm và sáng hôm sau nó dậy rất sớm ra vườn lần lượt mở hêt nắp lồng chim. Mở xong, nó đi thẳng ra ngõ như để chạy trốn ai ấy...
Nắng lên. Nghe tiếng chim ríu ran nháo nhác bay tới tấp trong vườn, mẹ nó nhìn nhìn, kêu lên:
- Quý ơi! Chim xổng hết rồi kìa!
Không thấy nó đâu, mẹ nó chạy vào vườn, đứng sững.
- Khổ. Thằng bé sợ nhà ăn thịt chim của nó đây mà...
Song, thằng Quý đã nghĩ khác. Bọn người đánh chim đã đi hết rồi. Đã đến lúc thả bầy chim ra cho nó sinh sôi, nảy nở, đẻ trứng, ấp con...