Vườn ông vườn xuân

     ẹ tôi sinh tôi ở thành phố, lúc tôi được bố mẹ cho về quê thì ông nội tôi đã mất rồi. Ông không có ảnh để lại. Bà bảo bố tôi rất giống ông. Nhưng tôi lại thấy bố tôi giống bà, nhất là cái mũi và khi bà cười. Bố tôi cười y như thế. Bà dẫn tôi ra vườn, đến cạnh cái bể đựng nước, chỉ vào cây mít:
- Ông mất từ ngày nó chưa ra quả.
Tới giữa vườn, bà trỏ cây nhãn:
- Lúc ông đi, nó mới cao bằng cháu.
Ra bờ ao, có cây sung cành lá rùm ròa, thân cây ngả ngả, nhoài là là, xỏa lá cành xuống gần mặt nước, bà kể:
- Cây này ông trồng, rồi ông uốn nó xuống để cho cá ăn sung. Bố cháu ngày bé cứ cưỡi lên thân cây như cưỡi ngựa ấy. Có bận lăn tòm xuống ao, ướt như chuột.
Tôi ngơ ngác:
- Thế mà bố cháu không việc gì ạ?
Bà cười:
- Ao nông, bố cháu lại biết bơi.
Nhìn sang bên kia, viền quanh bờ ao là cả một bờ tre bao kín.
- Tre ông trồng đấy - Bà bùi ngùi - ông định làm lại cái bếp. Tre chưa kịp đảnh cây thì ông ra đồng nằm.
Mộ ông kề bên mảnh ruộng hai sào của nhà giữa cánh đồng. Vi vu gió là gió. Lui vào phía trong bờ ao vài bước chân, là cây táo ngọt, quả nhon nhon bằng đầu ngón tay giữa của trẻ con, ăn ngọt đến no thì thôi. Bà bảo:
- Táo có gai, nhưng quả nó lành. Muốn ăn phải chọc cho rơi xuống, không trèo được, không lo trẻ bị ngã. Vì thế ông trồng cho vui vườn.
Vườn của ông theo lời chỉ dẫn của bà tôi, có nhiều thứ cây. Chuối um tùm sau nhà. Trước sân là năm cây cau cao vút. Dưới gốc cây cau thứ nhất đứng ở thềm nhìn ra, là bể nước. Một bẹ cau được buộc từ lưng gốc vào bể lấy nước mưa giữa trời. Giữa quãng cách của những cây cau là cây dành dành và hoa mẫu đơn. Lá mẫu đơn hái đun nước uống vị hay hay như nước chè hâm. Quả dành dành giã nát, cho chút muối đắp mắt khi bị đau mắt đỏ. Nước quả dành dành màu vàng như nghệ, dùng nhuộm vải được. Hoa mẫu đơn dùng để cúng. Cúng xong, rút cái nhị hoa ở từng cọng hoa ra mút, nghe ngòn ngọt như đường. Nhai cả hoa cũng được. Bà kể thêm:
- Tất cả đều do ông trồng từ trước. Lụi cây nào, bà bảo các chú trồng lại cây ấy, đúng như khi ông còn sống.
Tôi ngẩn ngơ hỏi:
- Sao ông lại trồng cây mít ở đây?
Bà nhìn bể nước:
- Bể nước cần mát. Lá mít không độc, lại tỏa bóng râm. Rụng vào bể lá nào, lá ấy vẫn còn tươi nguyên, mấy hôm sau vớt ra chưa bị ủng.
Mảnh vườn nhỏ lúc tôi đã đủ trí khôn để nhớ, thấy có cả cam, mận, chanh, bưởi nữa. Riêng cây xoan, cây khế thì mọc tít ở rìa vườn và ngoài ngõ, gần cổng. Bởi lá khế chua, lá xoan đắng, cành vươn ra đến đâu, trụi đất đến đấy, không thứ cây ăn được nào sống nổi dưới gốc. Mà trong vườn thì còn có lá lốt, lá mơ, ngải cứu, khoai sọ, nhọ nồi, thài lài... mọc dưới những cây cao. Rau má, rau sam bò lan... toàn là thứ rau khi cần thì dùng để ăn và để làm thuốc. Ví như ngải cứu, nhọ nồi, đánh gió, giải cảm, dùng cho bà đẻ ăn, thật là lạ lùng đối với tôi khi ấy.
Vào vườn, tôi nhớ đến ông và tự hình dung ra ông đã trồng cây, cặm cụi vun xới ra sao. Dù chỉ hoàn toàn là tưởng tượng, nhưng bóng hình ông không thể nhạt nhòa khi cây vườn còn mãi mãi xanh tươi, cảnh trí và sự sắp đặt các loại cây, từng loại cây đều là có chủ định và có khoa học.
Tết đến, hoa mận nở trắng. Đầy vườn lá xanh non. Sang xuân, thì hoa bưởi, hoa chanh, hoa nhãn. Mẫu đơn thì đơm bông cả bốn mùa. Các Tết được sống ở quê, đêm giao thừa nào bà tôi cũng đặt một mâm cúng lên mặt bể nước để vái vọng trời đất và mời ông trở về vui với con cháu cho cây vườn đỡ nhớ, cho cửa nhà yên vui...
Đến tận bây giờ tôi không sao quên được. Mảnh vườn ấy là Vườn ông - Vườn xuân...
Xuân 1995