Đối thủ

     hế là cậu ấy đi rồi. Biết đến bao giờ chúng tôi mới gặp lại nhau? Một nỗi nhớ nhung, một nỗi buồn man mác mà lần đầu tiên trong tuổi thiếu niên tôi được biết, đã tràn ngập lòng tôi: xa bạn.
Giá như đây là một bạn rất thân, từng chia bùi xẻ ngọt, từng trải qua những trận ẩu đả, những lần cãi nhau chí chóe để rồi càng ngày càng thương mến nhau hơn, thì đã đi một lẽ. Đằng này, cậu ấy là địch thủ của tôi. Một địch thủ đáng gờm trên sân bóng. Chính điều ấy, mới thật day dứt, mới thật nôn nao, vương vất trong tôi chưa biết đến bao giờ nguôi được...

 

Trường tôi có bảy lớp bảy. Cậu ấy ở bên 7E mà tôi thì học lớp 7B. Ngay từ hồi mới là những lớp 5, cả bảy lớp này đều có đội bóng đá và năm nào cũng diễn ra những trận đấu... nảy lửa giữa lớp E và lớp B ở vòng chung kết vô địch của khối. Năm ngoái, khối 6 chúng tôi đã phải xếp đội 6E và đội 6B ngang nhau vì đã đá đến hiệp thứ 4 vẫn không bên nào được bên nào. Năm nay, 7E và 7B có cơ diễn lại tình hình như thế.
Trong các trận đấu vòng tròn, 7B chúng tôi thắng các lớp khác tơi bời, khí thế dũng mãnh như chẻ tre, trận nào cũng 2 - 0, 3 - 0... cùng lắm thì 2 - 1, 4 - 1... Nhưng khi đụng đến lớp 7E, cả hai cùng va vào nhau và bật trở lại như húc phải tường gạch.
Hai đội bóng này, nổi tiếng có lối đá thiên về tấn công. Chúng tôi áp dụng các chiến thuật mới nhất, có hiệu quả nhất của các đội người lớn mà chúng tôi được xem trên sân Hàng Đẩy. Đội nào cũng có những cầu thủ xuất sắc và ngôi sao nổi bật nhưng vẫn có những chỗ yếu không dễ gì sửa ngay được.
Đội bóng lớp tôi có hàng tiền đạo khá vào cỡ trung bình, nhưng hậu vệ thì không thể chê được. Đặc biệt là thủ thành. Tất cả các cậu ở bên đội bạn, cậu nào sút thủng lưới 7B, lập tức được nhận danh hiệu “cây” làm bàn khá nhất ở đội ấy. Đội tôi ít nhiều thắng chính là nhờ ở thủ thành giỏi. Trớ trêu thay, cậu thủ thành nổi tiếng của khối 7 này, lại là... tôi.
Dạo còn là lớp 5, đội 5B đã từng đoạt chức vô địch của khối. Tôi chỉ chịu để lọt lưới có hai quả phạt đến trực tiếp sáu mét, còn thì bắt được hết, suốt cả sáu trận đấu vòng tròn.
Lên lớp 6, lớp 6E tự nhiên có thêm một cậu mới chuyển trường tới. Tên cậu ta là Hòa. Sức học thường thôi, nhưng là một trung phong lợi hại. Với con mắt “thể dục thể thao” thành thạo, chỉ nhìn thoáng động tác tranh bóng của Hòa, tôi biết ngay đây là địch thủ đáng gờm - một chân làm bàn nguy hiểm đối với khung thành của tôi.
Trận đầu tiên gặp nhau (chỉ mới là giao hữu). Hòa sút tung lưới tôi hai lần và chúng tôi chỉ gỡ lại được có một. Với các đội khác, Hòa đã sút là thắng. Riêng đội tôi, cậu ta phải trả với cái giá cao: bảy lần sút, ăn hai, trong đó có một quả phạt đền. Sau đó cậu ta trịnh trọng tuyên bố:
- Tớ mới gặp phải thằng Nguyễn (tức là tôi) là một. Nó bắt bóng dính lắm.
Hòa học kém về môn toán. Nó lý luận “Đá bóng cần quái gì giỏi toán. Tớ vẫn sút ăn như thường”. Song, cô giáo chủ nhiệm bên 7E đã giao hẹn: Nếu sang học kỳ II, Hòa không đạt điểm trung bình về toán cậu sẽ bị treo giò.
Đội bóng của lớp không thể để cho học sinh kém tham gia, dù người ấy đá giỏi đến đâu. Mệnh lệnh của cô giáo chủ nhiệm 7E khiến cho đội trưởng đội địch thủ của tội lo sốt vó, và bọn tôi, tất nhiên mừng thầm. Tự nhiên, tôi nảy ra cái ý nghĩ này: “Giá sau trận chung kết, Hòa mới được trở lại đội bóng nhỉ?” Song, tôi chỉ giữ cái ý ấy ở trong đầu.
Các cậu bên 7E đã xúm vào “vực” môn toán cho Hòa. Mới đầu, Hòa tự ái, nói là không “thèm” đá bóng nữa. Nó thà chịu treo giò để khỏi phải vượt qua cái mốc “èng èng” của môn toán. Nó ngại học toán không thể tưởng được.
Mùa bóng đá đang đến gần. Các lớp rục rịch chuẩn bị và bắt đầu có những trận đá “thử” để thăm dò lẫn nhau. Trên sân cỏ, vẫn vắng bóng Hòa. Tôi khấp khởi mừng thầm. Chắc tụi bên 7E “oán” cô giáo chủ nhiệm lắm.
Đùng một cái, đúng vào trận đấu loại đầu tiên giữa 7E và 7B, Hòa xuất hiện. Tôi choáng người. Hay là tụi 7E nó bịa ra chuyện ấy để “xỏ” bọn tôi?
Không. Quả là đã hai tháng, Hòa bị “treo giò” thật. Cậu ta chỉ được đá tập chứ không được dự các trận đấu, dù đấu giao hữu. Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn, khi biết tin chính cô giáo chủ nhiệm đã dạy thêm môn toán cho Hòa trong suốt hai tháng trời, mỗi ngày một tiếng đồng hồ.
Mới đầu Hòa miễn cưỡng đi học. Nó học không một chút hứng thú và tất nhiên không thể có kết quả tốt.
Trong một buổi học, thấy nó uể oải quá rồi, cô giáo chủ nhiệm mới hỏi:
- Em có biết vì sao tất cả các bạn em và cô nữa rất lo cho môn toán của em không?
Hòa suy nghĩ một lúc, rồi trả lời rất thành thật:
- Thưa cô, cô và các bạn của em sợ ở lớp mình còn có học sinh kém toán, thì mất điểm thi đua...
Cô giáo mỉm cười, lắc đầu:
- Không hoàn toàn thế. Cái chính là cô và các bạn em rất mong em góp phần giành thắng lợi cho đội bóng của 7E, vì danh dự của lớp ta và cũng vì khả năng và hứng thú đá bóng của em. Chả lẽ cô lại muốn cho đội bóng của 7E kém hay sao? Nhưng em không thể chỉ đá bóng giỏi mà lại học kém được.
Hòa đã vâng lời cô giáo. Và, chỉ khi đã có điểm mười đầu tiên về môn toán, cậu ta mới chịu trở lại sân bóng, trong trận đấu chính thức. Thật là đẹp, cậu ta xuất hiện đúng vào mùa bóng...
Lần này, 7B và 7E hòa.
Hòa đã hết sức tấn công mà không nổi, bởi vì tôi và các bạn đã bảo vệ kín khung thành. Hàng tiền đạo của chúng tôi yếu hơn, nên thủ thành bên 7E dù không giỏi vẫn bẻ gãy được những cú sút trung bình. Rõ ràng, tôi càng ngày càng nổi tiếng là thủ thành cừ khôi vì đã bắt được mọi cú sút bóng hiểm hóc của Hòa. Ngược lại, Hòa cũng lừng lẫy toàn khối 7 vì chỉ chịu bó... chân có một thủ thành là... tôi.
Bất chợt, cuối học kỳ I năm nay, gia đình Hòa chuyển đến một tỉnh xa ở phía Nam - vì bố mẹ cậu ấy nhận công tác mới - nên Hòa phải đi ngay, cả 7E xôn xao và lo lắng. Trận chung kết sắp tới rồi.
Bên 7B kín đáo thở nhẹ...
Riêng tôi, khi được tin ấy, tôi chực bật reo lên:
- Phen này thì chức vô địch nhất định về 7B!
May mà tôi đã nén được.
Trong bọn lớp tôi, chỉ có cậu Thanh - là lớp trưởng và là đội trưởng đội bóng là tỏ ý buồn rầu, tiếc cho 7E và cũng không hào hứng khi bàn về cái lợi thế của 7B trong cơ hội. Tôi lấy làm lạ và đã hỏi Thanh. Thanh nói:
- Mình tiếc cho Hòa. Không riêng gì trường mình, tìm khắp cả tỉnh, dễ đâu kiếm ra một chân trung phong như nó.
Ngừng một lát, Thanh tiếp:
- Cậu ấy có nghị lực, biết tôn trọng tập thể. Chúng mình rất ân hận là chưa kịp đề nghị chi đoàn thanh niên xét duyệt kết nạp... Mà, cũng phải đến hè này, câu ấy mới đủ tuổi.
Tôi nói sang giải bóng đá năm nay. Thanh chép miệng:
- Đá thắng một đội không cân sức, không có địch thủ, mình cũng cảm thấy không hào hứng lắm...
Rồi Thanh đột ngột hỏi:
- Cậu ngại gặp những đấu thủ xuất sắc như Hòa à? Nếu là tớ, thà tớ bắt một quả bóng hiểm hóc do Hòa sút, còn sướng hơn bắt mười quả do các cậu xoàng xoàng khác sút...
Tôi cứng lưỡi, không thể trả lời ngay được. Cậu ấy nói đúng. Trên sân cỏ, không gì chán hơn là không có đối thủ cân xứng.
Chính điều đó đã khiến tôi nghĩ mãi về Hòa và nhớ cậu ta vô cùng.
Biết đến bao giờ, tôi và cậu ta lại gặp nhau trên sân bóng?