Cánh buồm trên sông

     âu có dòng sông, thì đấy có những cánh buồm đi tới... Đã là bạn, thì dù đi xa mấy, vẫn nhớ nhau...

 

Nhà Thủy ở ngay dưới thuyền. Thuyền lại nổi trên mặt sông. Con sông thân yêu, nơi có “nhà” của Thủy ấy, là sông Hồng. Sông Hồng là một trong những con sông rộng và dài nhất nước ta. Lòng sông mở mênh mông, quãng chảy qua Hà Nội càng mênh mông hơn. Mỗi cánh buồm nổi trên dòng sông, nom cứ như là một con bướm nhỏ. Mặt sông không lúc nào chịu đứng yên. Khi thì sóng dội, khi nước xoáy, khi lừng lững trôi xuôi như người đi thẳng không nhìn ai. Những ngày mưa bão, lòng sông xao động, gầm thét và đen kịt lại. Lúc nắng ửng mây hồng, nước sông nhấp nháy như sao bay. Vào buổi tối không trăng, sao đậu kín trời, sao rơi đầy cả mặt sông như vãi tấm. Con sông Hồng tuy không biết nói, nhưng thật là nhiều chuyện. Thỉnh thoảng, từng đoàn tàu của ta và của nước ngoài tu tu cặp bến Phà Đen. Con sông Hồng rộng thế mà lại có những người bạn nhỏ. Ví dụ như Thủy đây...
Nhà Thủy ở ngay dưới thuyền. Phố phường của Thủy là vạn chài trôi nổi trên sông. Đêm đêm, khi mọi nhà lên đèn, cả khúc sông cùng thấp tha thấp thoáng nhũng đốm lửa và nhộn nhịp tiếng gọi, tiếng thưa, cả tiếng cười nữa, cũng râm ran trên mặt nước. Lúc ấy, ngồi ở dưới thuyền mà nhìn lên thành phố, hay lắm. Thành phố, nhà cửa, đèn điện cũng bồng bềnh, chao đi chao lại. Thủy đã quen cái cảnh nhìn ngắm Hà Nội từ trên mui thuyền và mong dịp được lên thành phố chơi.
Thủy cho rằng mọi nhà trên thành phố cũng đỗ gần nhau, sin sít như mạn thuyền áp mạn. Thế mà không phải như vậy. Đường đi lối lại trên thành phố nhiều lắm. Mỗi phố mang một cái tên riêng, không sao nhớ ngay một lúc được. Người đi, xe chạy như dệt cửi chứ chẳng xuôi một chiều như luồng nước. Các ngã ba, ngã tư, ô-tô lượn đi lượn lại như xoáy nước. Ai chưa thuộc đường phố Hà Nội, dễ lạc lắm. Tuy vậy, Thủy vẫn cứ thích được lên thành phố chơi.
Hôm ấy, Thủy lên bờ mua thuốc lá cho bố. Chả hiểu đi đứng loanh quanh thế nào, Thủy quên béng mất lối về. Có lẽ tại cái xe ô-tô có treo biển “xiếc”, vừa đi vừa gõ trống và giới thiệu các tiết mục biểu diễn. Thủy cứ đi theo cái ô-tô ấy cho tới khi nhớ ra là phải quay về thì lỡ mất rồi. Thủy càng đi, càng lạc; càng rẽ, càng thấy xa lạ. Giữa lúc đó, Thủy thấy có một đứa bé, khéo chỉ bé bằng Thủy thôi, đang đi theo mình. Thủy ngại quá, bước thật nhanh. Đi được một quãng, Thủy quay lại, lại trông thấy thằng bé ấy. Hai đứa cứ thế đi theo nhau đến Bờ Hồ thì Thủy đứng lại. Thằng bé ấy liền bước tới:
- Cậu đi đâu? Lạc lối hả?
Thủy nhìn đứa bạn mới, mỉm cười. Cái thằng dễ thương gớm. Nó tinh thật. Sao mà nó lại biết được là Thủy lạc lối chứ? Nghĩ thế, Thủy gật đầu:
- Ừ, tớ bị lạc.
Người bạn nhỏ ấy nhìn Thủy suốt từ đầu xuống chân:
- Cậu định về đâu?
Thủy thật thà đáp:
- Phà Đen.
- Phà... Đen à? Ở đằng kia cơ mà! Cậu đi thế thì... đến “Tết” mới về tới nhà. Đi, tớ chỉ cho.
Nói xong, thằng bé ấy xăm xăm bước tới dắt tay Thủy:
- Nào, đi. Tớ tên là Tâm. Cậu tên là gì?
Thủy nói gọn lỏn:
- Thủy.
- Thủy à? Tên con gái à? Thôi, cũng được. Tớ thấy cậu lớ ngớ, đi lung tung, tớ biết ngay... Kìa, rẽ lối này chứ. Tớ biết ngay là cậu bị lạc...
Thủy đi theo Tâm thấy vui vui. Ừ, cái cậu này thế mà tốt. Tên cậu ta cũng... con gái như mình, mà cậu ấy lại còn bảo mình! Hai đứa đi tới một cái nhà ba tầng thì Tâm dừng lại:
- Vào nhà tớ, đi.
- Vào làm gì?
- Làm gì à? Tớ phải xin phép mẹ tớ đã chứ. Nhỡ mẹ tớ tưởng tớ đi chơi lung tung thì sao?
Thủy lo ở “nhà” đợi nên chỉ đứng chờ ở ngoài đường:
- Thôi, cậu vào đi. Để lúc khác.
Tâm chạy lên nhà một thoáng rồi ra ngay:
- Đi, mẹ tớ bằng lòng cho tớ dẫn cậu về nhà rồi!
Khi được biết “nhà” Thủy là một cái thuyền. Tâm thích quá:
- Thế thì cậu sướng thật. Đi đâu cũng có thuyền.
Ngược lại, Thủy lại cho là Tâm sướng. Muốn đi phố, có tàu điện, muốn đi đâu thì đi, không sợ bị lạc.
Thủy rủ Tâm về “nhà” mình, Tâm đồng ý ngay.
Lúc xuống thuyền, Tâm run quá, nó chòng chành thế nào ấy. Thủy cười:
- Không sợ. Cứ bước bạo vào.
Tâm ngồi thụp xuống khoang thuyền:
- Cậu biết bơi chứ?
- Biết.
- Bơi qua sông?
- Qua chứ! Sông Hồng ấy mà, tớ bơi luôn.
Tâm tỏ vẻ khâm phục ngước nhìn Thủy. Lúc Thủy cởi áo ngoài ra, trên mình chỉ còn chiếc áo lót cụt tay, Tâm thấy Thủy chắc nình nịch như cái nắm cơm. Tâm định đứng lên bước theo Thủy, thì thuyền khẽ chòng chành, Tâm lại ngồi thụp xuống. Thủy cười hì hì:
- Cậu chưa đi thuyền bao giờ hả?
- Chưa.
Thủy cười to hơn:
- Giống tớ. Tớ chưa đi chơi phố một mình bao giờ. Cậu có muốn ra ngoài sông không?
- Có. Bố, mẹ cậu đâu?
Thủy vớ lấy chiếc bơi chèo:
- Đi đánh cá với hợp tác rồi. Tớ coi nhà.
Thủy nắm chắc mái chèo, khua nhẹ một cái, thuyền quay mũi. Mãi đến lúc này Tâm mới để ý tới “nhà” Thủy một cách kỹ càng hơn.
- “Nhà” cậu đây à? Bé thế?
Thủy lắc đầu:
- Không. Đây là thuyền nhỏ dùng để đi lại. Thuyền to, bố mẹ tớ để ở “vạn” kia.
- “Vạn” là cái gì?
- Là “làng nổi” của những người có thuyền sống trên sông...
Con thuyền nhẹ nhàng rời bến, hướng mũi ra giữa sông. Nước chảy mạnh, gió lùa vào khoang. Đã hơi quen quen, Tâm men theo mạn thuyền ra ngồi ở phía mũi. Chả hiểu lóng ngóng thế nào, Tâm đánh rơi cái mũ xuống nước và thét lên:
- Mũ!... Chết rồi, Thủy ơi!
Thủy ghếch mái chèo, cười hì hì, nhảy ùm xuống sông vớt mũ lên cho Tâm rồi trèo vào thuyền lấy sào neo thuyền lại.
- Cậu làm gì thế? - Tâm hỏi.
- Gỡ cá.
- Cá à?
- Ừ, tớ thả câu mà...
Thủy lao tõm xuống nước. Một lát sau, Thủy nhoi lên, nhảy thoắt vào thuyền, lôi theo sợi dây câu. Tâm ngồi xem Thủy gỡ cá. Những con cá bống, cá ngạnh, béo tròn trùng trục lần lượt bị Tâm gỡ ra khỏi lưỡi câu, giãy đành đạch, nghiến ken két, ken két. Thủy xâu có đến chục con cá vào sợi lạt, đưa cho Tâm.
- Cho cậu.
Tâm lắc đầu:
- Không. Bố mẹ cậu mắng đấy.
Thủy cười tít cả mắt:
- Cá tớ câu được. Bố mẹ tớ không mắng đâu. Tớ cho cậu cơ mà...
Tâm nhìn Thủy, nhìn lòng sông rộng mênh mông mà ngỡ mình nằm mơ. Thì ra, cũng có những đứa bé coi sông nước như cái phố của mình ở trên cạn. Hà Nội của mình ở cả trên bờ lẫn dưới sông. Tâm ngước mắt nhìn lên cao, Hà Nội của mình còn ở trên kia nữa...
Một khoảng trời xanh bao la...
Sau buổi gặp gỡ ấy, đôi bạn đã thân nhau và thỉnh thoảng vẫn đến thăm nhau...

*

Cho đến nay, Thủy đã thuộc dần đường phố Thủ đô và Tâm cũng làm quen với con thuyền, cánh buồm trên sông hơn trước.
Một bữa kia, Thủy đến nhà Tâm, không thấy Tâm ở nhà. Thủy lững thững đếm từng bước chân, xách xâu cá quay trở lại. Chắc là Tâm đi sơ tán rồi. Nay mai, Thủy cũng cùng vạn chài rời bến, đi xa...
Vào một buổi khác, Tâm ra bên Phà Đen tìm chiếc thuyền quen thuộc thì chỉ thấy mênh mông dòng nước đỏ. Hẳn Thủy đã đi sơ tán. Tâm thẫn thờ đi qua từng gốc cây, mang mấy cuốn sách mới trở về... Tâm sắp cùng các bạn trong phố tạm xa Thủ đô...
Thủy đi đâu? Chắc con sông có biết. Nhưng, con sông Hồng không biết nói. Chỉ có cánh buồm là có cách báo tin cho người ở trên bờ rõ thôi. Thủy cứ băn khoăn mãi về chuyện không nói cho Tâm biết đặc điểm của cánh buồm trên thuyền Thủy. Phải, chỉ cần nom thấy cánh buồm thân yêu thấp thoáng từ xa là Thủy nhận ra “nhà” của mình ngay...
Song, Thủy không thể ngờ trước được.
Sau một chuyến đi lưới, thuyền của “nhà” Thủy giong buồm về bến Bát Tràng. Lúc cặp bờ, Thủy chưa kịp nhảy lên thì đã nghe tiếng gọi:
- Thủy ơi! Thủy!
Thủy biết ngay đó là tiếng Tâm. Tâm thật! Tâm chạy xô tới, hai đứa ôm choàng lấy nhau, líu ríu:
- Tớ nhận ra thuyền cậu mà! Đúng quá. Tớ nhớ mãi cái hình đầu sư tử ở cánh buồm nhà cậu ấy, càng ở xa, càng nom rõ...
Hai mắt Thủy sáng lên. Cái cậu Tâm này cừ thật, thế mà cậu ấy cũng nhớ được đặc điểm của cánh buồm.
Đôi bạn cứ thế nắm tay nhau một lúc lâu. Dòng sông mênh mông lùa từng đợt gió dồn dập, ì oạp vỗ vào mạn thuyền nghe mới vui sao...
Ra đi đánh Mỹ và ra đi bảo vệ mình, những người bạn nhỏ của Thủ đô vẫn gặp nhau.
Đâu có dòng sông, thì đấy có những cánh buồm đi tới!... Đã là bạn, thì dù đi xa mấy vẫn nhớ nhau...
Mùa xuân 1968