Ụ súng xanh

     Tổ trung liên chúng tôi đặt súng ở trên một sân gác thượng. Đáng lẽ, chúng tôi phải mang theo mấy bì cát để làm ụ súng. Song, ở đây đã có sẵn một vồng khoai lang đến lạ. Đó là một cái bồ rách, trong đựng phù sa sông Hồng. Đám dây khoai mọc xanh um, vấn vít lấy nhau như một cái đầu uốn tóc nom rất vui mắt. Chúng tôi đặt súng lên đó và đoán rằng chủ nhân của vồng khoai này nhất định là một chú bé. Bởi vì, tôi đã từng thấy những con gà, khóm chuối được nuôi, được trông ở giữa lưng chừng giời như thế này. Đó là một trong nhiều việc tốt mà các em thiếu niên Thủ đô đã làm theo năm điều Bác Hồ dạy.
Quả nhiên, chỉ chừng mươi hôm sau, vào một buổi sáng chủ nhật, chú bé ấy đã tới “thăm” chúng tôi. Đó là một em bé khoảng 12, 13 tuổi, có cặp mắt tròn, to, hóm hỉnh và cái miệng hay cười. Thấy khẩu súng đặt trên ụ khoai, chú bé đứng sững lại, nhìn chúng tôi, chú biết là mình đã đặt chân tới một tổ chiến đấu của tự vệ khu phố.
Đồng chí tổ trưởng vẫy chú bé:
- Lại đây, em!
Chú bé ngần ngừ nhưng rồi cũng bước tới.
- Ụ khoai này của em phải không?
Chú bé khẽ gật đầu:
- Vâng ạ.
- Cho các anh “mượn” nhé! Các anh sẽ thay em trông nom cho.
Chú bé nhoẻn cười - một nụ cười thật đáng yêu - rồi ngồi xuống đặt tay lên khẩu trung liên:
- Các chú đặt súng ở đây à?
Và, không cần biết là chúng tôi có bằng lòng hay không, chú bé nhoài luôn người ra, áp má vào báng súng, nheo mắt:
- Thích quá các chú ạ!
Tiếng chú bé lảnh lót như tiếng chim. Tự nhiên, cả ba chúng tôi cùng nhìn chú, mỉm cười. Từ hôm lên chiếm lĩnh trận địa, hôm nay chúng tôi mới có một vị khách tới thăm.
- Thế nào? Em đồng ý chứ? Cho các anh “mượn”, khi khoai có củ, anh sẽ gửi cho.
Chú bé bật cười, ngửng đầu lên. Tiếng cười thật hồn nhiên, khoái chí lạ lùng:
- Ôi, chú biết cháu ở đâu mà gửi?
Nói rồi, chú bé đứng lên phủi quần:
- Các chú thích thật. Tha hồ mà bắn tàu bay Mỹ. Chỉ có chúng cháu là phải đi sơ tán.
Vẻ mặt chú bé thoáng có nét buồn buồn. Nhưng, một nụ cười khác đã tươi rói:
- Hễ các chú bắn được tàu bay giặc, các chú cho cháu một miếng “mi-ca” nhé! Để cháu làm kính đèn chiếu.
Hình như, phải đứng yên là một điều khó chịu, thành thử chú bé cứ xoắn lấy khẩu súng. Lúc ngó cái nòng, lúc rứt mấy ngọn khoai. Cuối cùng, chú ngồi xuống bên cạnh tôi, mắt háo hức nhìn khắp bầu trời xanh thăm thẳm.
- Hôm nay em về thăm nhà hả?
Đồng chí tổ trưởng hỏi chú bé.
- Không ạ. Cậu mợ cháu cũng đi sơ tán cả rồi. Cháu về nhà thăm cái góc học tập và lấy một ít dụng cụ cho tổ mộc lớp cháu. À, các chú có cái thông nòng súng nào chưa? Nếu chưa, chốc cháu cho các chú một cái nhé. Úi giời... ở chỗ cháu lắm chuột thế cơ chứ. Chuyến này, cháu phải đem mấy cái thuôn ở nhà đi mới được. Thịt chuột đồng ăn ngon phải biết! Như thịt gà ấy. Nhưng... phải làm cẩn thận. Lắm sán lắm.
- Em được ăn thịt chuột đồng rồi à?
- Vâng. Mới ăn nếm thôi. Nhưng mà ngon thật. Loại chuột ấy nó toàn ăn ngô với lúa. Hại lắm...
Tuy mới về nông thôn sơ tán, nhưng qua lời nói và vẻ mặt của chú bé, chúng tôi cũng thấy là chú đã bắt đầu hiểu giá trị mồ hôi, nước mắt của người lao động đã bỏ ra để có được hạt thóc, bắp ngô. Tự nhiên, tôi thấy yêu cái chú bé hay nói chuyện này quá. Tôi liền hỏi:
- Tuần nào em cũng về thăm góc học tập của em à?
Chú bé nhìn tôi:
- Thỉnh thoảng cháu mới về, mà là về có việc. (Chú nhấn mạnh tiếng “việc” một cách nghiêm chỉnh). Chúng cháu bận lắm. Học này, công tác đội này, tập lao động này... Tổ mộc của chúng cháu bắt đầu đóng xe cút kít cải tiến rồi nhớ! Nhưng mà thiếu đồ dùng. Cháu phải về lấy mấy mảnh gỗ làm chốt, làm ván chắn; lấy miếng lưỡi cưa gãy đem đi cưa tạm. Còn, góc học tập thì ở đâu phải có ngay ở đó chứ chú? Cháu tiếc cái góc ở nhà đây quá. Cháu kẻ mãi đấy. Khó nhất là huy hiệu Đội...
Đồng chí tổ trưởng từ nãy ngồi nghe chú bé nói, bỗng hỏi chen vào:
- Thế các em có được nghỉ hè không?
- Có chứ ạ. Nhưng ít thôi. Mấy lại, chúng cháu cũng chả thích nghỉ nhiều. - Chú bé bứt một cái lá khoai - Khoai của chúng cháu gần trùm kín luống rồi. Nhiều lắm. Tha hồ ăn... Nếu vồng khoai này có củ các chú cứ luộc hay nướng mà ăn. Chưa chắc cháu đã về đâu... Cháu bận lắm...
Tôi suýt bật cười về cái tiếng “bận” của chú bé. Mà thật vậy, các em có biết bao công việc cần phải làm. Nhũng công việc không thể định rõ tên tuổi như người lớn được.
Chú bé vòng tay ôm gọn hai đầu gối, cằm tì lên tay:
- Chú này, chủ nhật vừa rồi các chú ở đâu?
- Chủ nhật nào?
- Hôm Bác kêu gọi đánh Mỹ ấy!
- À, các anh ở đây. Bên ụ khoai này!
Chú bé nói khẽ:
- Tiếc quá. Ở chỗ cháu không có đài, thành thử mãi hôm sau cháu mới được xem báo. Có lệnh sơ tán triệt để rồi, phải không chú?
- Ừ. Có rồi.
- Thế thì cháu không về nữa...
Giọng nói của chú bé thật dứt khoát. Chú bé đứng dậy, khoát tay một cái:
- Hà Nội sau này sẽ đẹp hơn phải không chú? Bác Hồ bảo thế mà... Học xong lớp 10, cháu sẽ đi học ngành kiến trúc, làm nhà. Cháu sẽ thiết kế một kiểu nhà có thể nuôi cả sáo, trồng cây trên sân thượng. Ví dụ như một giàn mướp. Tha hồ mát... Chú nhỉ! Cái nhà thật là cao, cao hơn thế này...
Đôi mắt chú bé sáng hẳn lên. Tôi nhìn chú bé mà lòng thấy náo nức lạ thường. Ừ, em nói phải. Chúng ta sẽ làm lại tất cả.
“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn Độc Lập, Tự Do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!...” Lời nói của Bác như đang sang sảng bên tai tôi. Chú bé chắc cũng đang nhớ đến quyết tâm cùng cha anh đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Chú bé lại đứng lên, bước tới bên khẩu súng và ngồi gọn xuống, nheo mắt:
- Chúng nó có giỏi cứ đến đây chú nhỉ! Ta không sợ. Cháu cũng không sợ. Nếu trường học của chúng cháu có bị đổ, chỉ cần mỗi chú bớt một ngày chủ nhật, đi lao động xã hội chủ nghĩa là chúng cháu có trường mới thôi... Năm nay cháu mười hai rồi, chỉ sáu năm nữa là cháu đủ tuổi đi bộ đội, chú nhỉ!... À, để cháu cho các chú cái này, cháu có rồi.
Nói xong, chú bé chạy vụt xuống thang gác. Lúc trở lên, chú xách một cái mũ rơm. Cái mũ đẹp thật. Chú vừa nói, vừa thở:
- Cháu... cháu biết bện cái mũ này rồi... Ở chỗ cháu sơ tán, nhiều rơm lắm. Các chú cũng phải có mũ rơm chứ!
Tôi cầm chiếc mũ từ trong tay chú bé, lòng thấy ấm áp vô cùng. Tuy rời Thủ đô, nhưng chú bé vẫn mang theo tinh thần quyết chiến quyết thắng của người Hà Nội. Tuy xa Hà Nội, nhưng lúc nào chú bé cũng luôn nghĩ đến những người ở lại để bảo vệ Thủ đô yêu quý!
Bên ụ khoai xanh, bốn chúng tôi - kể cả chú bé - cùng nhìn theo hướng nòng súng. Một ngày mới đang rực lên dưới tia nắng mặt trời. Chú bé chào chúng tôi:
- Cháu về các chú ạ! Chúc các chú bắn rơi nhiều tàu bay Mỹ để bảo vệ Thủ đô yêu quý của chúng ta!
Tôi xúc động nắm tay em. Em bắt tay tôi rất chặt.
Lúc này, ụ khoai đang bắt đầu xanh. Dưới chân khẩu súng, những cái ngọn non sớt đang vươn lên, đỏ hồng hồng...

*

Từ buổi ấy, mỗi lần lên gác thượng trực chiến, tôi lại nhớ đến chú bé. Khi thành phố lên đèn tôi tưởng như chú đang cùng các bạn vui chơi dưới những cây cột đèn sáng trưng. Và, khẩu trung liên hàng ngày nghếch nòng lên ụ khoai, sẵn sàng nhả đạn nếu lũ cướp trời mò đến. Tôi cứ nhớ tới chú bé. Chắc chú đã làm một cái góc học tập khác, không kém cái góc học tập chú đã để lại. Bọn giặc thật điên rồ, hàng trăm tấn bom đạn của chúng, hàng chục năm sa lầy tận cổ ở đất nước này, chúng không dọa nổi một em bé. Hỏi rằng, chúng làm sao thắng nổi cả một dân tộc anh hùng đã nuôi dưỡng những mầm non như thế?
Cái ụ khoai của chú bé mọc nhanh quá. Tôi cứ phải bấm ngọn luôn. Ở trong cái bồ này, đã bắt đầu có những rễ cái lớn phình lên đậu thành củ. Và, đám ngọn non sớt, đỏ hồng hồng vẫn đua nhau nảy những chiếc lá xanh tươi vấn vít lên nhau kết thành một ụ súng xanh...
7-1966

HẾT


Xem Tiếp: ----