- 5 -
Bờm láu hồi hương bỏ cuộc phiêu lưu
Tư đờn sợ biến thành con ve sầu

     e đò dừng lại, và không thèm chạy thêm. Ba đứa chúng tôi ngồi ì. Hành khách thì đã xuống hết. Thằng nhóc lơ xe bằng tuổi tôi - hay hơn tôi môt hai tuổi là cùng - toét miệng cười, hất đầu:
- Hết tiền rồi.
Con nhà Bờm cũng cười:
- Thua bài cào à?
Nhóc lơ xe nheo mắt:
- Đừng rỡn mày. Trả tiền xe lẹ đi để xe tao còn quay về Long An.
Bờm ỡm ờ:
- Tụi tao muốn đi xa.
Nhóc lơ xe nói:
- Kiếm xe khác. Xe này chỉ chạy đến Tân Hiệp thôi.
Bờm vỗ đùi cái đét:
- Sao lúc này mày không biểu trước. Ông đi Mỹ Tho chứ ông đi Tân Hiệp làm quái gì.
Tôi và Tư đờn lặng thinh nghe hai ông nhãi lý sự. Người tài xế bỏ xe đi uống cà-phê. Nhóc lơ xe chắc là con của ông ta. Bờm thấy nhóc lơ xe không biết trả lời ra sao, cười thích thú:
- Đành lộn về Tân An với mày cho vui.
Nhóc lơ xe bối rối:
- Xuống lẹ, xuống lẹ... Không ăn tiền tụi bây nữa.
Bờm nhảy xuống ngay. Tư đờn nhìn tôi, tôi gật đầu. Và Tư đờn móc tiền ra:
- Ba đứa mày “ăn” bao nhiêu?
Nhóc lơ xe ngạc nhiên:
- Trả tiền hả?
Tư đờn nói:
- Bạn tao rỡn mày chút chơi. Chúng tao có tiền đàng hoàng, không thích lừa gạt. Nếu không có tiền, chúng tao xin đáp xe nhờ.
Nhóc lơ xe chớp mắt:
- Lấy hai chục, rẻ rề. Mà chúng mày xin thì tao cho. Xe này của ba tao.
Tôi lắc đầu:
- Chúng tao thiếu gì tiền.
Tư đờn đặt hai đồng một chục vô tay nhóc lơ xe rồi chúng tôi giã từ nó, giã từ một ông nhóc tốt bụng. Nó níu tay tôi:
- Tao không ưa thằng bạn mầy.
Nhóc lơ xe muốn nói về thằng Bờm.
- Lần sao gặp mầy, tao chở thí.
Tôi cám ơn nhóc lơ xe. Tư đờn có vẻ khó chịu thằng Bờm. Nó chưa nói nhưng tôi đoán rằng “anh kép hát lang thang” của tôi không thích có Bờm trong cuộc phiêu lưu của hai đứa tôi. Con nhà Bờm đứng chờ chúng tôi ở xa. Khi chúng tôi tới, nó khoe:
- Tao “ngon” chứ?
Tư đờn không dằn nổi tức giận, chỉ luôn vào mặt thằng Bờm:
- Đồ ba xạo!
Bờm lơ láo:
- Nhờ tao ba xạo, mày đỡ phải trả tiền xe đò. Lát nữa, tao trổ tài ba xạo, chúng mình ăn nem Tân Hiệp khỏi tốn một cắc.
Tư đờn nghiêm giọng:
- Như vậy là xí gạt, là gian dối.
Nó ngó tôi:
- Phì lũ, tao không chơi với thằng gian dối. Tao trở về túp lều của tao để mày phiêu lưu với đồ ba xạo.
Tôi đã chú ý khuôn mặt Tư đờn từ lúc ba đứa ngồi trên chiếc xe cà rịch cà tàng. Nó thấy tôi nói chuyện vui vẻ với Bờm thì khó chịu nom rõ. Ý chừng nó sợ sự thân mật giữa tôi và nó bị chia sẻ cho Bờm. Khi ta chơi thân với một người bạn mới, ta không thích bạn ta thân với ai nữa. Tư đờn đã nghĩ lẩm cẩm như vậy. Tôi định sẽ giải nghĩa câu “tứ hải giai huynh đệ” cho Tư đờn nghe nếu nó nhất định ghét Bờm. Nhưng chưa có dịp thì Tư đờn đã tìm đúng lầm lỗi của Bờm. Con nhà Bờm thộn mặt nghe Tư đờn mắng mỏ. Tội nghiệp nó. Tôi vỗ vai Tư đờn:
- Tao cũng đã chơi trò gian dối.
Tư đờn gạt phăng tay tôi ra:
- Mày khác.
- Tao khác gì?
- Mày biết mày làm láo. Còn nó, nó chả hối hận gì cả. Tao sợ nó đía cả với hai đứa mình, mày ạ! Sức mấy nó đi ở đợ! Nó khôn quá “chời”!
Tư đờn vén chút bí mật về Bờm. Tôi giật mình. Con nhà Bờm lại toét miệng cười:
- Tao thề không đía nữa!
Tôi đưa trái đấm lên miệng hà hơi, dọa nạt:
- Mày nói dối tao, hả?
Con nhà Bờm chối bai bải:
- Đâu có, đâu có.
Tôi gồng cánh tay:
- Tao đấm mày một trái là mày vẹo quai hàm. Mày xí gạt tụi tao, hả?
Bờm sợ quá, lùi dần. Tư đờn giục:
- Nhận tội đi, Bờm!
Con nhà Bờm có vẻ buồn bã. Nó cúi mặt nhìn đôi chân không mang giầy dép, đôi chân nổi rõ đôi càng dế mèn, vua giang hồ vặt mà tôi rất phục:
- Ừa, tao đã xí gạt mày
Tư đờn vênh mặt nhìn tôi:
- Thấy chưa, phì lũ!
Tôi đâm ra lúng túng. Đột nhiên, tôi nhớ bài tập đọc trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư, lớp dự bị của Đỗ Thận và Trần Trọng Kim do Nha Học Chính Đông Dương xuất bản. Tôi quên cái đầu bài. Nó ở trang bên tay trái, cạnh bài “Câu Cá” mở đầu là “Những ngày nghỉ học, tôi thường theo anh tôi đi câu cá. Anh tôi vác cần câu đi trước, tôi xách giỏ theo sau...” Tranh của bài tập đọc vẽ hình con nhà Tô đang kiểng chân “cớp” một trái quýt. Đại ý, bài tập đọc tả thằng Tô, nhân lúc mẹ đi vắng, thò tay lên bàn thờ lấy trái quýt ăn. Khi mẹ về, thấy mất trái quýt mới hỏi thì Tô chối bai bải. Mẹ nó giảng giải về tội ăn vụng. Tô xấu hổ quá, khóc hu hu, thú nhận mình đã ăn vụng. Mẹ nó xoa đầu, an ủi: Con biết thú tội thì hết tội, lần sau chớ có phạm tội!
Vỗ vai Bờm, tôi nói:
- Từ nay mày đừng xí gạt nữa. Xí gạt là nói dối. Nói dối là không ngay thẳng. Nói dối rất nguy hiểm.
Tôi kể cho Bờm nghe câu chuyện trong cuốn Luân lý giáo khoa thư lớp dự bị. Một thằng nhãi lêu lổng hết cả trò nghịch ngợm, thấy làng xóm ra đồng làm việc, bèn chạy ra đồng tri hô “cháy nhà, cháy nhà” ầm ĩ. Người lớn bỏ cày bừa, tất cả chạy về cứu hỏa. Ai ngờ bị thằng nhãi xí gạt. Ông nhãi trốn một chỗ, ôm bụng cười khoái chí. Ít lâu sau, chính căn nhà thằng nhãi bị cháy. Nó chạy ra đồng kêu cầu cứu. Người lớn tưởng nó lại giở trò xí gạt, chẳng ai thèm về. Thế là nhà nó cháy ra tro, cháy lây sang nhà hàng xóm. Không tiền đền, bố mẹ nó phải vào tù. Thằng nhãi thì đi ăn mày khổ sở.
Tôi vừa kể dứt câu chuyện, chưa kịp “cách ngôn”, đã mủi lòng vì hai hàng nước mắt của Bờm. Nó nhìn tôi, mất hết vẻ láu lỉnh. Bờm nói:
- Tao trở về nhà tao đây...
Tôi ngạc nhiên:
- Mày ngán phiêu lưu rồi à?
Bờm lắc đầu:
- Tao khoái phiêu lưu với hai đứa mày, nhưng mà...
- Sao?
- Mày viết giấy để lại tao đã đọc rồi. Tao giả đò không biết chữ. Tao phải về ngay kẻo má tao đáp xe lên Sàigòn kiếm tao.
Tôi sững sờ:
- Mày xí gạt tao nguy hiểm quá chừng. Vậy là tao can tội bắt cóc mày.
Bờm nắm chặt tay tôi nói một câu đầy cảm xúc:
- Chừng mày chán phiêu lưu, quay lại Tân An, nhớ ghé thăm tao để uống vài ly xi-rô nghe, phì lũ! Tao dọt gấp! Ông sợ chúng nó uống hết trơn xi-rô rồi.
Nó bước cạnh Tư đờn, dùng hai ngón tay nhón sợi dây đàn, kéo khẽ, buông ra:
- Rất tiếc chưa được “cổ kim hòa điệu” với mày.
Nó vù lẹ. Tôi và Tư đờn nhìn theo. Bờm kịp chuyến xe của nhóc lơ xe tốt bụng. Nó ngoài lại, vẫy tay và hét inh:
- Chắc tao bị ăn đòn quá!
Chiếc xe chuyển bánh. Tôi bỗng cảm như bị mất mát một cái gì. Và tôi buồn khi nghĩ tới mẹ tôi. Cả đêm hôm qua, mẹ tôi đã không ngủ. Chưa biết chừng, trên một chuyến xe đò đi Châu Đốc sáng nay, đã có cả mẹ tôi. Than ôi, chỉ vì câu cách ngôn “Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn” mà Hưng mập này cất bước giang hồ, đáp theo tiếng gáy của con dế mèn bất hủ. Tư đờn thấy tôi buồn bã, hỏi:
- Tao vô tích sự hả, phì lũ?
- Chi?
- Tại tao nên thằng Bờm phải về Tân An.
- Mày đã giúp nó trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn. Nó sẽ hết gian dối. Nó về má nó sẽ mừng!
- Rồi nó có bị đòn không?
- Không.
- Giá tao còn má, tao không sợ má tao uýnh tao. Mà này, phì lũ...
- Gì?
- Chuyện mày kể hay ghê.
- Trong sách đó.
- Tao thèm đọc sách.
- Về Sàigòn, tao xin thằng Chương còm cho mày những cuốn sách đó.
Hai đứa tôi lang thang ở Tân Hiệp, nơi nổi tiếng bán nem chua ngon. Tân Hiệp giống như cái ngõ cư xá Chu Mạnh Trinh. Tôi sợ còn thua ấy chứ. Ngõ cư xá Chu Mạnh Trinh của tôi nổi tiếng ra phết. Bò vò viên trứ danh. Chè táo nhãn, sâm bửu lượng cũng đặc biệt. Phở thì ăn đứt phở 79 Võ Tánh, Sàigòn. Buổi sáng ngõ cư xá đông đúc từ 7 giờ đến 9 giờ. Buổi tối, xe gắn máy Nhật đậu ngăn cả lối vào. Người ta kéo nhau tới thưởng thức bún bò viên. Tôi rất sợ thịt bò viên. Tận mắt tôi, đã trông thấy bà Tầu viên bò viên. Đang viên, bà ta vắt mũi cho con rồi lại viên thịt. Eo ơi, bẩn quá xá! Ở Tân Hiệp không thể có hàng bò viên nổi tiếng. Vậy mà cũng vẫn hách. Vì gánh hát Giang Hồ đang đóng đô với vở tuồng “Quái khách trên sông”.  Tư đờn đứng ngó cái bích chương viết xấu òm. Lòng nó đã gửi vào đó. Người bạn của tôi lại mơ ước múa kiếm gỗ trên sân khấu lưu diễn rồi.
- Ê, Tư đờn!
- Chi, phì lũ?
- Cảnh tượng ở đây không đẹp. Mình đáp xe xuống Trung Lương đi.
- Kiếm xem trường học ở chỗ nào, tao đờn ca lai rai.
- Còn đủ tiền mà.
- Tao muốn ăn nem thật đã đời.
Tư đờn không thích trở thành con ve sầu trong truyện ngụ ngôn mà tôi đã kể cho nó nghe. Nó là đứa thông minh tuyệt vời. Nước tôi có hàng triệu đứa bé vừa thông minh, vừa đại lượng, vừa giàu tình thương như Tư đờn. Tự nhiên, tôi thấm thía những bài học ở trường. Và tôi tin lời thầy tôi. Hễ nước tôi thanh bình, hàng triệu Tư đờn sẽ làm nổi một quê hương Việt Nam anh dũng. Niên học tới, nếu thầy ra bài luận “Tại sao em hãnh diễn làm người Việt Nam”, tôi chắc tôi làm không dở.
- Phì lũ, mày nghĩ chi đó?
- Tao nghĩ nem Tân Hiệp ngon. Ông Tô Tô sẽ khoái.
Dũng sĩ Tô Tô chừng hiểu, vẫy đuôi lia lịa. Và ba chúng tôi phiêu lưu Tân Hiệp, tìm một ngôi trường để Tư đờn ca vọng cổ, tôi biểu diễn bụng và Tô Tô ngậm mũ xin tiền.