- 8 -

     rong khi yêu, Hữu đã trông thấy hết thảy.
Trái lại, trong khi yêu, Lan không còn trông thấy tí gì.
Từ khi ở chung, đối với Lan, tôi vẫn cố giữ một thái độ nhã, một thái độ mập mờ: Tôi không chằm bặp [1], mà cũng không dám khinh khi. Tuy vậy, nhiều khi trước mặt Hữu, Lan bức tôi quá, tôi không sao khỏi có những lời nói, những cử chỉ lạnh nhạt ra mặt, có thể làm phật ý Lan được. Vậy mà Lan không giận tôi bao giờ cả. Chắc hẳn Lan đã cho vẻ mập mờ của tôi là do tính nhút nhát thông thường cho nhiều kẻ mới biết yêu. Còn vẻ lạnh nhạt cũng thế, cũng là do tính người nhút nhát, phải cố giấu kíiTtấm lòng yêu của mình, không muốn để lộ ra trước mắt người ngoài. Chỉ có tự bưng mắt như thế, Lan mới có thể sau trước vẫn một lòng yêu tôi.
Không trách rằng sau này, sau câu chuyện “dỗi cơm” của tôi, tôi và Hữu hẹn nhau đeo mặt nạ mà đóng hai vai hề trước mặt Lan: Hữu, vai mụ mối, tôi, vai tình nhân, mà Lan không còn bao giờ nhận được bộ mặt thật của chúng tôi, vẫn tin chúng tôi là đôi bạn lòng ngay, dạ thẳng...
Cặp mắt trí tuệ của Lan mờ tối thế nào, thì cặp mắt nhục thể của Lan mơ mộng làm vậy. Mơ mộng về tình, mơ mộng về thơ. Không mấy ngày là Lan không làm mấy câu thơ tình. Mượn cớ nhờ chữa, Lan làm xong lại đưa tôi coi. Kỳ thực thì đó là những chuyện tâm sự mà Lan nói với tôi bằng bút. Chẳng những bắt tôi chữa, Lan còn bắt tôi họa nữa. Lần đầu tôi bảo Lan:
- Thơ Lan hay - Lan đã ép tôi gọi Lan bằng tên không, cũng như Hữu gọi Lan vậy - tôi cũng muốn họa lắm. Nhưng các đầu đề Lan lựa, phải là những người hay sầu, hay cảm như Lan thì làm mới hay được. Còn tôi, Lan cũng biết, tôi vui tính lắm. Dù có họa cũng không hay được. Đã không hay, bắt tôi họa làm gì.
Về sau, tuy không họa thơ Lan, song theo lời Hữu khuyên, dăm, ba ngày tôi lại làm một bài đưa Lan coi. Nghĩa là sau khi đọc mấy bức thư của Lan viết bằng văn vần, tôi cũng phải trả lời Lan một bức bằng văn vần. Trong khi viết thư cho Lan, muốn cho có giọng nồng nàn, tôi phải nghĩ đến Hữu, tôi phải tưởng tượng như viết thư cho Hữu. Viết xong, tôi đưa Hữu đọc trước, rồi mới đưa Lan. Nhờ về sự giả dối của tôi và sự mơ mộng của Lan, tôi chắc Lan hồi đó có khi đã được hưởng một thứ hạnh phúc rất trong sạch: cái hạnh phúc yêu người và tin người cũng yêu mình. Trái lại, sự giả dối của tôi và sự mơ mộng của Lan, càng ngày càng làm cho trái tim tôi bị vò xé bởi những ý nghĩ ái ngại cho Lan. Thần Thiên lương đã cắn rứt tôi ròng rã trong mấy tháng trời. Cho đến một đêm kia, trông thấy nước mắt của Lan, tôi phải hối hận đến nỗi không còn muốn sống...
Hồi ấy là tháng Mười.
Sau buổi học sáng, tôi vừa về đến nhà, người bỗng lên cơn sốt rét. Tôi quăng sách, vở, về thẳng ngay buồng ngủ, kéo chăn đắp. Nghe Hữu nói, chú, thím tôi vào thăm tôi, rồi gọi người đi đón ông lang. Cơn rét kéo dài trong hai, ba tiếng đồng hồ. Chốc, chốc Hữu lại chạy vào buồng tôi, lật chăn ra hỏi tôi, vẻ mặt buồn rầu, lo lắng. Gần đến giờ đi học, Lan theo Hữu vào thăm tôi. Đó là lần thứ nhất Lan đến buồng tôi. Lan thăm hỏi qua loa, rồi nhắc tôi việc xin phép nghỉ. Tôi chợt nhớ ra, bảo Hữu lấy hộ giấy bút, Lan nói:
- Thôi, anh đương sốt cứ nằm mà nghỉ. Tôi viết hộ anh cũng được. Để tôi viết đưa anh ký thôi. Nói xong Lan cùng Hữu quay ra. Lan đã tạm thời làm thư ký cho tôi...
Chiều hôm ấy, tôi đã hơi tỉnh, ông lang sớm đi vắng, bấy giờ mới đến thăm bệnh. Khi tan học, Hữu ăn cơm xong, vào dỗ tôi ăn sữa. Tôi nể lời gượng ăn, song ăn khỏi mồm là thổ ngay. Hữu gọi con hầu lấy nước cho tôi, và đem cái hỏa lò đun thuốc vào cửa buồng để Hữu coi. Một lúc sau, Hữu lọc thuốc đưa tôi uống. Miệng tôi đã đắng, uống thuốc vào càng đắng. Vị đắng cứ xốc lên cổ, lại có thể muốn thổ. Tôi bảo Hữu:
- Em chạy ra vườn, bút cho anh mấy quả chanh.
Hữu chạy vội ra vườn. Một lát, đem chanh vào, bóc chanh và đưa từng múi cho tôi. Tôi ăn luôn một lúc hết bốn quả. Trời đã sẩm tối, tôi giục Hữu xuống buồng học. Hữu ra rồi, tôi bắt đầu lên cơn nóng. Không biết tự chanh hay tự thuốc, cơn nóng kéo dài suốt đêm ấy và gần suốt ngày hôm sau. Trong cơn nóng, tôi mê man không còn biết có đời. Có lúc tôi thấy tôi là một con chim. Tự nhìn mình, thấy mình to bằng cái bồ mà đậu trên cành cây cao. Trông xuống thì nước chảy mông mênh như cánh đồng lụt. Có lúc tôi thấy tôi bị hùm, beo đuổi bắt. Có lúc tôi thấy ông tôi ngồi bên mà quạt cho tôi...
Thấy tôi suốt hai ngày không ăn, chú, thím tôi lo lắm. Ngoài sự mời ông lang, còn mời cả thầy cúng. Ngoài sự cho tôi uống thuốc, còn cho uống cả tàn hương, nước lã. Lại sai người nhà luộc trứng đánh trúng [2] cho tôi. Đó là chuyện Hữu nói lại với tôi về sau. Chứ trong cơn nóng, người ta làm gì ở quanh mình tôi, hay hỏi tôi câu gì, cho tôi uống gì, khi dứt cơn tỉnh lại, tôi đều không nhớ.
Khi tôi tỉnh lại, thì thấy cửa màn nửa mở. Hữu và Lan ngồi trên hai chiếc ghế mây, đặt ở bên giường. Lan hỏi tôi:
- Anh đã tỉnh đấy à? Anh coi trong mình thế nào? Mới hai ngày mà người sút đi nhiều quá!
Tôi lắc đầu đáp:
- Trong người mệt lắm!
Rồi tôi bảo Hữu cho tôi uống nước và Lan đưa hộ tôi tấm gương. Tôi uống luôn ba cốc nước đầy rồi nhìn vào trong gương, quả nhiên bóng tôi đã gầy kém trước nhiều đến nỗi tôi cơ hồ không nhận được là bóng tôi nữa! Tôi mỉm cười một cách buồn rầu, đưa tấm gương nhờ Lan cất hộ. Hữu nài tôi uống thuốc và ăn sữa. Cả Lan cũng dỗ tôi nữa. Họ nói với tôi như nói với một đứa em nhỏ. Nể họ, tôi gượng uống nửa bát thuốc và ăn vài thìa sữa. Xong lại đặt lưng nằm. Một lúc sau, cơn nóng của tôi lại bắt đầu, cũng mê man và kéo dài như cơn trước. Tan cơn ấy, tôi nhìn ra thì thím tôi ngồi ở bên mình. Thím tôi nói:
- Con xem trong người hôm nay với hôm qua thế nào? Mới vài ngày mà người con trông hốc hác ghê quá!
Tôi chưa kịp đáp thì thím tôi đã quay ra, gọi người nhà đem thuốc lại. Tôi vịn gối gượng ngồi dậy. Đưa nước cho tôi súc miệng rồi, thím tôi cầm bát thuốc để lại bên miệng tôi mà nói:
- Này! Con cô mà uống. Chú, thím lo lắm. Nếu ngày mai mà con không đỡ thì chú, thím phái cho người về tìm thầy, mẹ. Chứ một mình chú, thím, nhỡ quá ra khi có thế nào...
Thím tôi không nói nốt câu, nước mắt đã tràn trên gò má. Tôi vội vàng đỡ lấy bát thuốc, uống cả làm một hơi. Thím tôi lại đưa nước súc miệng cho tôi, rồi bảo tôi nằm mà nghỉ. Hữu và Lan đi học đã về, đem nhau vào thăm tôi. Thím tôi đứng dậy bảo Hữu:
- Mợ có người mời đi ăn cơm. Con ở nhà, cô dỗ anh ăn sữa. “Cơm, cháo không ăn, mạnh gì thầy!”
Rồi thở dài ngảnh lại bảo tôi:
- Con phải cố mà ăn mới được, cố mà ăn chứ người ốm có muốn ăn bao giờ đâu!
Thím tôi ra rồi, tôi bảo Hữu và Lan:
- Trông người tôi yếu lắm phải không? Lúc nãy thím khóc, thím lo tôi chết.
Hai người lẳng lặng không đáp, cùng cất tiếng thở dài rất buồn và nhìn tôi bằng những con mắt nước chạy quanh. Tôi cười:
- Lan với Hữu lo tôi chết à? Thế thì khóc đi! Có lẽ tôi chết thật đấy! Tôi muốn có ai khóc thì khóc trước khi tôi chết. Nhưng khi tôi chết đi rồi thì đừng khóc. Cứ suy như những lúc tôi mê sảng, tôi chắc tôi chết đi không còn có linh hồn.
Tôi nói đến chuyện chết mà lòng tôi không động chút nào. Ngày thường, mỗi khi nghĩ đến cái chết, là tôi lại sợ hãi và lo buồn. Nhưng những khi ốm đau, tai nạn, những khi gần với cái chết, thì tôi nhìn mặt thần Chết lại như nhìn mặt bạn quen. Tôi còn chưa hiểu tại sao trong cõi lòng tôi lại có cái hiện tượng ấy. Nhưng câu nói của tôi đã làm cho hai cô bạn không cầm được tiếng nức nở. Còn tôi có một mối cảm man mác như khi tôi đọc một câu văn hay, hay ngắm một bức tranh đẹp, trong lúc tôi nhìn họ cùng rút mùi soa lau nước mắt ở cạnh giường tôi...
Cơn nóng của tôi hôm ấy nhẹ hơn. Trong khi mê, tôi thấy như tôi ốm ở giữa gia đình nhà tôi. Quanh giường, mẹ tôi và các chị, các em tôi ngồi xúm xít. Tôi chợt tỉnh ra, nhìn quanh không thấy ai cả. Trong cổ tôi khát như có lửa đốt. Tôi vùng ngồi dậy, mở cửa màn, vịn thành giường tôi bước xuống đất. Hai chân tôi run lẩy bẩy như không mang nổi mình tôi. Tôi vịn tay vào tường, bước lần lại bên cái bàn để ở góc tường. Tôi cầm bình nước dốc vào mồm. Nhưng bình cạn, dốc mãi mới được có mấy giọt. Tôi cất một tiếng thở dài thất vọng, lại lần về giường. Tôi không biết trời còn sớm hay đã khuya. Tôi ngồi mà đợi xem có ai đến sẽ xin nước uống. Nhưng khi nghe tiếng chuông điểm mười hai giờ thì tôi tuyệt vọng. Tôi cảm thấy cái khổ cô độc. Trong ánh sáng le lói của ngọn đèn hoa kỳ, trong tiếng gió rít trên các ngọn cây như những tiếng ngân dài của điệu sa mạc, cảnh quanh mình lúc ấy, tôi thấy muôn vàn thê lương. Trốn những quang cảnh ấy, tôi vùi đầu tôi vào trong chăn. Tôi thấy cần có người vuốt ve, yên ủi cho tôi. Tôi mong gặp mẹ tôi trong giấc mộng. Tôi thiếp đi, nhưng lại chập chờn tỉnh lại. Chợt nghe có tiếng thở dài ở ngay bên gối. Tôi tung chăn ra, mở mắt nhìn thì thấy Lan ngồi ngay trước mặt tôi. Lan đặt tay vào trán tôi, ân cần hỏi:
- Anh đã dậy đấy à? Tỉnh hay mê đấy?
Tôi nửa kinh ngạc, nửa mừng rỡ:
- Tôi cũng không biết rằng tỉnh hay mê nữa. Nhưng tôi khát quá, cho tôi cốc nước. Tôi nhịn khát từ nãy mà cái bình kia thì hết nước rồi.
- Tội quá! Để tôi lấy cho.
Vừa nói Lan vừa trụt xuống giường, thoăn thoắt lén ra ngoài cửa. Tôi nhìn theo mới biết: vì tôi mà Lan đã bỏ giày mà đi bít tất không...
Lan cho tôi uống xong, thu dọn bình, cốc để lại đằng bàn, rồi lại ngồi lại bên giường tôi. Tôi hỏi Lan:
- Sao Lan không đi ngủ? Sáng mai còn đi học.
Lan cười:
- Nhưng ngủ làm sao được! Ngọc đau, Lan nằm có yên đâu! Đêm qua và đêm kia, đêm nào Lan cũng ngồi đây từ một giờ cho đến gần sáng mới về giường nằm. Có Ngọc mê, Ngọc không biết đấy thôi!
- Thế ra ba đêm nay Lan không ngủ à? Người Lan có khỏe đâu. Sao không giữ gìn lấy sức?... Nếu tôi có chết, Lan ngồi đây cũng không kéo lại được kia mà?
- Vâng! Không kéo lại được! Nhưng mà Lan có thể chết theo được!
Nói thế rồi, Lan mỉm một nụ cười mê man, rút túi áo lấy ra một con dao nhỏ:
- Đã ba đêm nay Lan ngồi đây, biết bao nhiêu lần nghe Ngọc kêu chết. Lan vẫn định nếu Ngọc chết thì Lan nằm xuống bên Ngọc và cho mũi dao này vào cổ Lan. Lan không sợ chết, có cần gì sức khỏe với sức yếu?
Lan bỏ dao vào túi, rồi lại đặt tay lên trán tôi mà nói tiếp:
- Nhưng bây giờ thì Ngọc không đến nỗi chết nữa! Đầu Ngọc mát và người Ngọc đã tỉnh rồi. Ngọc thấy trong người có dễ chịu không? Thương Lan, Ngọc đừng chết nhé!
Nói đến đấy, miệng Lan cười mà má Lan đã đầm nước mắt. Tôi gật đầu, đỡ bàn tay Lan để lại bên môi. Tôi hôn tay Lan và lòng thì muốn chết ngay không còn nhìn thấy cõi đời. Tôi chán, ghét cái đời tôi. Tôi cho đời tôi từ trước đã là tội ác mà từ nay càng là tội ác: Tôi bắt đầu nhận thấy sự lừa dối Lan là một tội ác...
Chú thích:
[1] Phương ngữ, có nghĩa như vồ vập.
[2] Cách chữa bệnh dân gian, đánh gió để  chữa cảm mạo, trúng gió.