- 15 -

     rong ánh mặt trời tà, tôi thơ thẩn dưới một cây tân di [1], mọc bên đường Cổ Ngư, chơi với mấy đứa trẻ đứng chơi quanh mình. Đó là cái thú tiêu khiển duy nhất của tôi từ khi đi làm. Được ngày nghỉ, tôi bỏ ít thì giờ đi lang thang một mình. Đến đâu, thấy có đàn trẻ đương chơi, tôi liền nhập bọn với chúng. Tùy lúc, tùy chỗ, tôi bày thêm cho chúng một trò chơi. Thế là chúng thân với tôi ngay, và làm quà cho tôi những câu chuyện thơ ngây, ngộ nghĩnh. Lúc ra về, tôi lại làm quà cho chúng những thứ mà tôi mua sẵn để trong túi: mấy cái kẹo hay mấy gói lạc rang. Bấy giờ thì tôi lấy giấy làm một cái thuyền buồm thả xuống mặt hồ. Làn gió chiều hây hẩy, đưa thuyền ra tận ngoài xa. Đàn trẻ nhìn theo nhí nhởn cười. Tôi lại bẻ lá tân di làm cho chúng và tôi mỗi đứa một con trâu. Rồi dứt dây cỏ làm chạc trâu, tôi cùng chúng dắt trâu đi, vừa cười vừa bắt chước tiếng trâu kêu: “Nghé ngọ! Nghé ngọ!” Tôi đương mải nhìn một đứa trẻ mà miệng cười tươi như miệng cười của Hữu, thì chợt nghe tiếng gọi:
- Ngọc! Ngọc! Làm gì ở đấy?
Tôi giật mình ngảnh lại thì Lan đã từ trên xe nhà bước xuống, vẻ đẹp ẻo lả thêm não người vì bộ áo, quần đại tang. Người tôi như gặp một luồng gió lạnh đưa qua; tôi rùng mình nhớ lại việc Lan đã quấy rối cuộc đời bình tĩnh của tôi năm trước. Tuy vậy, tôi cũng vội đứng dậy và ân cần hỏi:
- Kìa Lan! Để tang ai thế?
- Cậu tôi mất ngay năm đi khỏi Thái. Thế Ngọc không nhận được giấy báo tang à? Còn Ngọc, Ngọc để tang ai?
- Thầy tôi cũng mất năm ấy. Tôi đã gửi thư cho Lan biết rồi thôi?
- Gửi hồi nào? Gửi vào đâu? Tôi không nhận được.
- Tôi gửi sau hồi nghỉ hè, gửi lên Thái Nguyên.
- Thế thì thư lạc rồi. Hồi ấy nhà tôi đã về cả Hà Nội.
- Còn giấy báo tang Lan gửi chắc cũng thế. Hồi ấy chú tôi dời nhà đi Phú Thọ. Mà giấy báo tang chắc Lan gửi vào nhà chú tôi cho tôi. Lan có biết nhà quê tôi đâu.
- Thế không trách được! Thảo nào tôi mong thư Ngọc mãi! Tôi giận Ngọc lắm lúc đến phát khóc!
- Thì tôi cũng mong thư Lan như thế!
- Thôi, việc cũ không kể! Ngọc lên Hà Nội mấy năm nay rồi? Học đâu?
- Có học hành gì! Lên Hà Nội hai năm nay, học được mấy tháng, rồi phải đi làm đày tớ ông thần Tiền!
- Tôi cũng bỏ học rồi! Mợ tôi thấy người yếu không cho đi học nữa! Hơn một năm nay, tôi mắc chứng thổ huyết, Ngọc ạ!
Nói đến đây, Lan sẽ cất tiếng thở dài, rồi giậm mũi giày xuống đám cỏ xanh vô tội dưới chân mà nói tiếp:
- Thành thử ra cùng ở Hà Nội hai năm nay mà không gặp nhau! Thôi! Giờ lại đàng nhà thăm mợ tôi!
Tôi định chối song mồm không sao mở được. Lan bảo người kéo xe chạy gọi xe cho tôi. Ngồi trên xe, tôi thấy tôi như người bị Lan bắt cóc. Một lúc sau, xe chúng tôi đã đậu trước một cửa hàng tơ lụa ở phố Hàng Đào. Tôi theo Lan bước vào thì thấy bà mẹ đang ngồi coi hàng. Tôi bỏ mũ chào. Lan cười hỏi mẹ:
- Con đố mợ biết ai đây?
Bà mẹ cười nhìn tôi:
- Cậu gì cháu ông Hường dưới Thái phải không?
Tôi đáp:
- Bẩm vâng! Nhân gặp cô Lan, con mới biết ông đã mất. Bảo lại hỏi thăm bà.
- Cám ơn cậu! Mời cậu vào trong nhà.
Bà mẹ vừa nói vừa đứng dậy. Tôi bước theo. Qua một khu sân nhỏ bày gần kín những chậu cảnh, thì đến phòng khách. Trong phòng, trước cái tủ chè cái sập gụ cổ lệ, bày một bộ bàn, ghế mặt đá. Bà mẹ mời tôi ngồi, rồi ngồi đối diện với tôi. Còn Lan thì sắp bộ đồ chè, đợi pha nước. Câu chuyện hàn huyên của tôi và bà rất vô vị! Về phần tôi, tôi hỏi về bệnh trạng ông chồng, từ khi đau đến khi chết. Cái đó nhắc bà phải nhớ lại một quãng đời buồn rầu, thê thảm. Về phần bà, bà hỏi tôi học đâu. Cái đó bắt buộc tôi phải cung khai một cái tình cảnh thương tâm và nhục nhã. Tuy vậy tôi cũng cố tình khai thực. Không phải muốn cho bà thương, mà là muốn cho bà rẻ rúng tôi. Tôi cho rằng nếu bà rẻ rúng tôi, tôi sẽ có cớ để tuyệt tình cùng con gái bà mà không ra con người phụ bạc. Uống nước xong tôi cáo từ đứng dậy. Lan vồn vã hỏi tôi trọ đâu rồi nói:
- Chủ nhật, ngày lễ anh không đi làm, tôi cho xe nó đến đón anh, lại đây tôi học thêm ít chữ nho.
Tôi giật nảy mình nhìn bà mẹ. Bà cười:
- Phải đấy! Giá nhờ cậu dạy cho đọc thông được những chúc thư, văn tự thì hay lắm. Cậu chịu khó giúp em.
Tôi càng thêm kinh ngạc, cất tiếng “vâng” như một cái máy, rồi cũng như một cái máy tôi ra khỏi cửa hàng.
Đêm hôm ấy tôi mất ngủ già nửa đêm. Tôi nghĩ về tình thế của tôi lúc ấy. Ngoài cớ Hữu là người tôi yêu trước, tôi còn thấy nhiều cớ khác mà lòng ích kỷ viện ra, bảo tôi cần phải tuyệt tình cùng Lan. Lan người vốn gầy yếu, nay lại mắc bệnh thổ huyết. Nếu lấy Lan tôi sẽ phải ở chung với một người ốm suốt đời, và có những đứa con “còm cõi như con cò đói”! Nhà Lan nhà con một. Nếu lấy Lan, tôi sẽ phải “ở rể” và được thiên hạ mỉa mai bằng những câu “chuột sa chĩnh gạo!”, “lặn chuồng tiêu lấy vàng!” Còn nữa... Còn nữa... Tôi nghĩ thế, rồi tôi nghĩ đến những cách làm thế nào mà xa được Lan ra. Nếu tôi là người thắng tỏ [2] thì sự đó dễ lắm. Ban nãy, lúc Lan hỏi tôi trọ đâu, tôi cứ nói bịa ra một cái số nhà vu vơ. Hay lúc Lan nài tôi dạy học, tôi cứ chối phắt một câu. Thế là đủ. Nhưng tôi là đứa giả dối. Tôi muốn phụ bạc, nhưng tôi lại không muốn Lan biết tôi là phụ bạc. Cái cách lưỡng toàn ấy mới là khó. Tuy vậy, “nhất dạ sinh bách kế”! Nghĩ suốt mấy khắc canh tôi cũng tìm ra được một mớ tướng những phương pháp mà tôi cho là tuyệt diệu. Những phương pháp ấy còn phải đợi dịp mới thi hành được. Tạm thời tôi hãy làm ra vẻ tự nhiên.
Tôi xin thú thực rằng, khi không tôi vẫn định dứt tình cùng Lan, song khi ngồi gần Lan tôi vẫn thấy một mối cảm êm đềm gần như sung sướng. Cặp mắt mơ mộng, đa tình; nụ cười đằm thắm có duyên; nước da mịn màng và trắng xanh; mười đầu ngón tay nho nhỏ, thon thon, như trời sinh ra để bấm, chí trái tim người khác... tiếng nói trong trẻo và dõng dạc; vẻ đi tha thướt và khoan thai... Bao nhiêu những cái đó ở Lan, cùng hùa nhau mà làm cho tôi, như người ta nói, chuyển động tâm thần!... Trong những lúc ấy, tôi thấy cái ý định dứt tình cùng Lan, là một ý định bất nhân, tàn nhẫn. Nhưng khi ra về, tôi lại bàng hoàng như kẻ chiêm bao mới dậy. Nhìn tấm ảnh Hữu tôi tự nhiên thấy ngượng ngùng, bẽn lẽn với người trong ảnh, tôi tự cho tôi là có tội. Bao nhiêu lần tôi tự nhủ: “Nếu Hữu có phép tàng hình, trông thấy mình khi ngồi đối diện với Lan...!” Nhưng những lời tự nhủ ấy không làm cho tôi khỏi càng ngày càng đắm say Lan. Trước tôi còn mượn tấm ảnh Hữu làm cái bùa trừ để xua đuổi những bóng dáng Lan thường theo dõi ám ảnh tôi. Nhưng sau bùa cũng không thiêng nữa! Trước kia ngoài buổi đi làm, tôi nằm, ngồi yên một chỗ mà đọc sách. Bấy giờ tôi nằm ngồi không yên nữa. Tôi phải chạy rong các phố, vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ. Trước kia, sắp đến ngày nghỉ, tôi còn nghĩ kiếm cách từ chối, không đến dạy Lan, dù những cách ấy tôi không làm bao giờ. Bấy giờ thì chẳng những ngày nghỉ tôi ngồi ngong ngóng chờ người nhà Lan đến đón tôi, ngày thường lắm lúc bỗng dưng tôi cũng nảy ra cái ý nghĩ đến thăm Lan nữa. Một hôm đêm đã khuya, tôi còn một mình đi ở ngoài đường như người đi trong giấc mê ngủ. Chợt thấy chân tôi đứng dừng lại, tôi kinh ngạc mà nhận ra rằng chỗ tôi đứng là cửa nhà Lan. Tôi vội vàng rảo bước đi qua. Nhưng một lúc sau, tôi lại thấy tôi dừng chân ở chỗ tôi dừng chân lần trước. Tôi hoảng hốt chạy về nhà trọ như kẻ nát đảm [3] tưởng mình bị ma đuổi! Tôi bắt đầu cảm thấy sự gần gụi Lan là nguy hiểm. Tôi tự nghĩ: “Mình mê mất rồi! Khi người ta đã mê thì biết thế nào mà nói được! Biết đâu rồi chẳng có ngày mình không còn nhớ đến Hữu nữa!” Ý nghĩ ấy làm tôi chua xót. Tôi đem ảnh Hữu và các thư của Hữu bày cả ra trước mặt. Rồi tự thề rằng không bao giờ quên Hữu. Một lúc sau, tôi ngồi mà viết cho Lan một bài học, chua rõ cả âm lẫn nghĩa vào từng chữ. Bên dưới lại phụ thêm lời giảng nghĩa về cả bài, và lời dặn về văn pháp. Tôi lại viết một bức thư cho Lan. Đại ý nói từ nay tôi bận phải kèm cho mấy đứa em học - tôi nói bịa ra như thế - vậy xin cứ viết bài đến để Lan học mà thôi...
Hôm sau người nhà Lan lại đón, tôi giao hắn đem thư và bài học về. Tôi mong ít dịp phải gần Lan để lòng tôi khỏi xiêu đổ về phía Lan. Song chính ngày hôm ấy, tôi ủ rũ như người mất hồn. Tôi càng thấy rõ tôi đã để tâm hồn tôi cho Lan thu bắt mất một phần lớn quá!
Chú thích:
[1] Tân di: cây đa lông, hay dùng để làm thuốc. Ở chỗ này có lẽ là cây đa, vì sau đó tác giả có viết “bẻ lá tân di làm cho chúng và tôi mỗi đứa một con trâu”.
[2] Thẳng thắn.
[3] Nát đảm: nghĩa là vỡ gan, ý nói kinh hoàng táng đởm.