- 18 -

     ối căm thứ nhất của tôi sau khi nghĩ kỹ lại câu chuyện “thổ huyết lợn” là tức giận. Đó là mối cảm thường có cho những kẻ khi biết mình mắc lừa. Tôi tức giận Lan đã bày trò để dối tôi... Nhưng khi tôi tự xét chính mình cũng đã nhiều lần bày trò để dối Lan thì lòng công bằng bắt tôi phải có lòng dong thứ. Lúc đó tôi lại thương Lan, và tôi thương cả đến sự giả dối của Lan nữa... Vì đâu mà Lan phải giả dối? Chẳng qua vì yêu tôi. Yêu tôi, có tội gì? Vậy, đối với tôi, sự giả dối của Lan là vô tội. Cho đến đối với mẹ, sự giả dối của Lan cũng là vô tội nữa! Một nhà luân lý nào [1] chẳng cho nói dối là cách tự vệ chính đáng của kẻ yếu đó sao? Muốn bênh vực cho ý muốn tự do [2] của mình, đối với sự bó buộc, sự áp chế của gia đình, Lan là kẻ yếu, có quyền dùng thứ lợi khí của kẻ yếu! Tuy vậy, những ý tưởng quảng đại ấy chẳng giữ được cho cái ý định của tôi hôm qua khỏi thay đổi. Hôm qua, tôi tưởng bệnh thế của Lan có thể đưa đến cho Lan cái chết, nên tôi định theo Lan mà bỏ Hữu. Nhưng hôm nay tôi đã biết bệnh Lan là bệnh giả, lòng ích kỷ lại viện đủ mọi cớ để xin tôi theo Hữu mà bỏ Lan. Nó lại còn kéo cả bạn thân của nó là gã Tự ái đến kêu nài với tôi rằng: “Ông ơi! Ông ơi! Hôm nọ ông đã chào bà mẹ cô ta để đi xa rồi! Nếu bây giờ ông còn đến nhà cô ta, còn viết thư cho cô ta, nhất là còn mở mồm hỏi bà mẹ xin lấy cô ta, thì... con chết! Ông làm như thế, bà ta có quyền khinh cái nhân cách của ông, có quyền coi ông là một thằng vô lại, một thằng hèn mạt đấy! Làm cho thiên hạ ghét, cái đó được! Nhưng làm cho người ta khinh thì nhục lắm, ông ạ! Cổ nhân dạy: Vua nhục thì tôi chết! Làm tôi ông, nếu ông nhục thì con không sống được đâu!” Tôi nghe lời cả hai gã. Vội vàng cầm bút viết thật nhanh một bức thư cho Lan như thế này:
“Tôi tự xét tôi về mọi phương diện, đều thấy không đủ làm một người chồng có thể mưu được hạnh phúc cho vợ. Tôi rất hối hận từ trước đến nay đã làm cho Lan phải bao phen khổ sở vì tôi. Tôi không muốn và không dám còn đem tấm thân tội lỗi này mà làm khổ sở Lan đến suốt đời. Vậy, xin Lan quên tôi, Lan quên được tôi, thế là Lan thương tôi, là Lan yêu tôi, là Lan không muốn làm thêm nặng tội cho tôi: đã đắc tội với Lan, còn đắc tội với bà, đắc tội với đời...
Tôi rất tự thẹn rằng trong lúc này Lan đương đau đớn vì tôi mà tôi lại không nhìn đến Lan. Nhưng tôi biết rằng tôi nhìn Lan chỉ làm cho Lan thêm đau đớn. Cho nên tôi mong từ nay tôi không còn bao giờ gặp Lan để hại Lan nữa. Lan hãy can đảm mà sống. Tùy hoàn cảnh mà mưu lấy hạnh phúc, đừng nghĩ gì đến tôi”.
Tôi viết xong, bỏ vào phong bì, dán kín lại, rồi chạy như một đứa điên đem bỏ ra thùng thư trước nhà phát vé xe điện ở bờ Hồ. Tôi chỉ sợ không gửi ngay, tôi lại xé thư viết lại, mà viết không bao giờ xong nữa. Quả nhiên khi bỏ thư xong, về đến nhà, tôi đã hối lại lời trong thư khí vô tình quá! Nhưng việc đã dĩ nhiên mất rồi!
Mấy ngày hôm sau, lòng tôi cứ sậm sột [3] như có tai vạ gì sắp tới nơi. Nhưng dần dần tôi không thấy động tĩnh gì, tinh thần tôi cũng dần dần khôi phục lại. Bấy giờ thì tôi được yên thân mà sống trong cái hạnh phúc yêu Hữu. Tuy vậy mỗi khi chợt nhìn đến tấm ảnh Lan tặng tôi sau khi lại gặp, tôi cũng không khỏi ngậm ngùi thương Lan. Nhiều khi tôi đã toan đốt tấm ảnh ấy đi, nhưng nó đã trở nên một vật thiêng liêng cho tôi, tôi không dám ra tay hủy hoại.
Hơn một tháng sau, tôi nhận được giấy báo hỷ, đứng tên bà mẹ Lan, mời tôi đến dự lễ thành hôn cho Lan với cậu tú mà trước Lan cho tôi biết. Trong giấy, Lan có viết kèm một dòng chữ: “Thế nào anh cũng đến!” Cố nhiên là tôi không đến, nhưng lòng tôi thì thực mừng rỡ mà cầu nguyện cho hạnh phúc của vợ chồng Lan.
Tôi vẫn định đợi cho Lan lấy chồng, rồi tôi sẽ tính đến việc hôn nhân của tôi. Bấy giờ Lan lấy chồng rồi, nhân dịp về nghỉ Tết, tôi mới chọn ngày tốt lành là ngày mồng một Tết, đem tình riêng mà thưa với mẹ!
Tôi thực không ngờ mẹ tôi vốn nuông tôi mà đối với việc ấy lại tỏ ra nghiêm khắc không kém gì thầy tôi cả...
Mẹ tôi nói:
- Con năm nay đã hai mươi tuổi. Mẹ cũng nghĩ cần phải lấy vợ cho con. Thế nhưng đám nào chứ đám ấy thì mẹ không thể chiều con được! Người ta lấy vợ là cốt hòng sinh con đẻ cái! Nhưng thế nào là “phúc đức tại mẫu”: Đứa mẹ có phúc đức thì đứa con mới mong ra giống người. Như con Hữu, kể ra cũng ngoan ngoãn mà người cũng xinh. Nhưng mà chú Hường con thì quá lắm, con ạ! Con xem cách chú ấy xử sự ở làng đấy: Đình, chú ấy bắt dân phá đi làm quán chợ! Chùa, chú ấy bắt dân dỡ đi xây trường học! Một người bạo thiên, ngược địa, khinh thần, mạn thánh như thế, rồi con cháu, phải trả nợ: “Đời cha ăn mặn, đời con mới khát!” “Cha mẹ có hiền lành, mới để được đức cho con!” Nếu con lấy con Hữu, thì cái tội của chú ấy, con, cháu về sau trả đến mấy đời cho xong? Nhà con được bao nhiêu phúc đức?
Tôi giở hết tài hùng biện ra cũng không sao biện bạch được cho mẹ tôi tin rằng việc phá đình, phá chùa của chú tôi là không có tội. Sau cùng tôi giở đến giọng dỗi:
- Nếu mẹ không bằng lòng cho con, thì suốt đời con cũng không lấy ai cả.
Mẹ tôi cười nhạt:
- Cái ấy thì tùy con đấy! Chứ mẹ thì không sao chiều ý con được! Một người nàng dâu trưởng, là một người phải trông nom việc giỗ, tết. Nếu con lấy nó thì rồi có cúng, thầy con cũng không về nữa! Ngày trước thầy cũng đã có nói với mẹ rằng: Thầy không thuận cho con lấy nó. Thầy đã không thuận, thì cỗ bàn nó có làm ra, thầy cũng không thèm ăn đâu! Con bảo mẹ chiều con mà bỏ chồng ăn “cháo thí lá đa” à?
Tôi không còn biết nói cách nào cho chuyển được lòng mẹ tôi. Tôi nằm lăn ra mà khóc cho đến lúc mệt quá ngủ quên đi mất!
Chú thích:
[1] Schopenhauer. (Chú thích của tác giả.)
[2] Nhượng Tống đang nhắc đến khái niệm quan trọng trong triết học của Arthur Schopenhauer, hiện nay được biết đến rộng rãi hơn dưới cái tên “ý chí tự do”.
[3] Bồn chồn, bứt rứt.