Ông Cản Ngũ

     ăm ấy hội vật đền Đô vào đám to, tiếng đồn bay dậy khắp mọi miền xứ Bắc, chính vì có tin ông Cản Ngũ về phá giải. Các sân vật, các tay đô vật, những người ham thích xem vật, đâu đâu cũng nghe bàn bạc, sôi nổi về ông Cản Ngũ.
Cản Ngũ là cản ngũ tỉnh. Năm tỉnh đường ngoài xứ Bắc, ông là vô địch. Vì vậy ông Cản Ngũ còn có tên là ông Cản Bắc.
Năm ấy ông Cản Ngũ đã đứng tuổi rồi. Người ta xì xào bảo nhau rằng ông là một ông tướng thân cận của quan Tán Bãi Sậy lâu nay vân giả dạng đi vật, chu du khắp chốn thiên hạ để tuyển mộ những người tài, mạnh, nghĩa khí, kết làm anh em đồng sinh, đồng tử, xung vào đội nghĩa binh đánh giặc, cứu nước.
Từ hôm có tin ông Cản Ngũ về phá giải hội vật đền Đô, nhà cụ Cả Lẫm ở thôn Đình Tràng ngày nào cũng dập dìu ba bốn chục người khách lạ. Họ toàn những tay đô lão luyện, anh tài của các sân vật nổi tiếng quanh vùng đến hội tụ, bàn bạc cách đối phó với ông Cản Ngũ.
Ai cũng biết, người vào vật đầu tiên với ông Cản Ngũ nhất định là Quắm Đen rồi. Sức mạnh và tài đởm của Quắm Đen không còn phải bàn gì nữa. Mấy năm liền Quắm Đen vẫn chiếm giải nhất ở vùng này. Các đô đều vì nể. Quắm Đen to trùi trũi như con trâu mộng. Anh ta khỏe lắm. Gánh lúa của anh bao giờ cũng to, nhiều gấp đôi ba lần người khác. Anh có thể vật suốt ngày không biết mệt. Anh là học trò yêu của cụ Cả Lẫm, được cụ truyền dạy cho nhiều thế đánh bí truyền và những đức tính cần thiết của một người đô vật đàn anh khi giao đấu với những địch thủ lợi hại.
Thế nhưng, Quắm Đen thua ông Cản Ngũ thì ai sẽ vào “theo keo”? Cái khó của các ông đô vật vùng này là chỗ ấy.
Mấy gian nhà khách, mấy ngày đêm liền, lúc nào cũng nghe ồm ồm tiếng bàn cãi. Các tay đô vừa uống rượu, vừa nói. Mặt người nào cũng đỏ phừng phừng. Người nào nom cũng to lớn dữ tợn.
Những lúc bí quá, đã có người bàn đến nước cố cùng là, nếu Quắm Đen bị ông Cản Ngũ đánh ngã thì tất cả các đô trong hàng tỉnh, mỗi anh một chiếc đòn gánh mấu liền cứ thế xông vào mà đánh. Đánh cho bàn dân thiên hạ không thể xem thường đô vật tỉnh Bắc được. Đánh cho ông Cản Ngũ cũng phải kiềng mặt.
Cái ý xằng bậy ấy bị cụ Cả Lẫm nghiêm khắc gạt bỏ đi ngay. Cụ bảo rằng: ông Cản Ngũ không phải là người dễ đánh! Mà gia dĩ có đánh được người ta, cũng không hay ho gì, đẹp đẽ gì cho các sân vật tỉnh mình.
Tý Trâu là con trai út cụ Cả Lẫm. Mấy hôm nay, nhà đông khách, chàng ta được bố phân cho các việc lặt vặt, nước nôi, điếu đóm. Suốt ngày chàng ta chỉ quanh quẩn trên nhà khách hóng chuyện.
Tuy chưa được tập luyện thực sự, nhưng xem các bác, các chú “tắm vật” hàng ngày, Tý Trâu học được khối miếng. Tý Trâu vật rất giỏi, rất khỏe. Tất cả bọn chăn trâu đều bị nó vật ngã. Nó vật ngã cả bò, vật ngã cả trâu, làm gì không vật ngã ông Cản Ngũ! Nó nghĩ bụng, đến hôm này ra sới không ai dám vào theo keo nó sẽ vào vật ông Cản Ngũ cho mà xem. Phục thì phục quý thì quý, nhưng lúc này ông Cản Ngũ là đối thủ của tỉnh mình thì cũng phải vật ngã ông ấy một keo cái đã.

 

Tiếng trống vật nổi lên dồn dập. Người tứ xứ đổ về đông như nước chảy. Ai ai cũng náo nức muốn được xem mặt, xem tài ông Cản Ngũ. Người ta chen lấn nhau, quây kín quanh sới vật; nhiều người phải trèo lên những cây trôi, cây nhội gần đấy xem cho rõ.
Dưới mái tam quan đền, những vuông nhiễu điều bay đó rực. Các đô trong tỉnh cởi trần, đóng khố ngồi hai bên sới. Trên thềm cao, ông Cản Ngũ ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu đậu trắng, cạp điều. Ông ngồi một mình một chiếu; người ông đỏ như đồng tụ, to lớn, lẫm liệt, nhác trông không khác gì tượng hai ông tướng Đá Rãi ở trong đền. Đầu ông buộc một vuông khăn màu xanh lục giữ tóc, mình trần, đóng khố bao khăn vát. Ông ngồi ung dung ăn trầu uống nước, nói chuyện với mấy ông đàn anh trong dân xã các ông đô sở tại.
Sau những keo vật thờ múa lộn thật đẹp mắt và sau những keo “khảo lèo” những đô khố bẹ; Quắm Đen bước ra sới, xốc lại mảnh khố nhiễu xanh, tiến lên thềm tam quan đền, giơ bàn tay thô, vụng vuốt dài lên mấy vuông nhiễu giải nhất, miệng cười rất tươi.
Đó là dấu hiệu riêng của các đô trước khi vào đấu. Dấu hiệu tỏ ra cho mọi người biết, giải này mình vào phá và sẽ thuộc về mình. Nó là dấu hiệu thách thức, quyết đánh.
Ông đô già người sở tại, khăn chùng, áo dài ngồi cầm trịch, giơ cao chiếc dùi trống sơn son gõ mạnh xuống mặt trống ba tiếng thật đanh, thật giòn tỏ ý nhận lời. Quắm Đen quay ra đứng giữa sới. Ngay lúc ấy, ông Cản Ngũ cũng từ trên thềm cao bước xuống. Tiếng reo hò bốn phía tức thì nổi lên ầm ầm.
Ngay nhịp trống đầu, Quắm Đen đã lăn xả vào ông Cản Ngũ đánh ráo riết. Rõ ràng là anh muốn dùng cái sức lực đương trai của mình lấn lướt ông ta và muốn hạ ông ta rất nhanh bằng những thế đánh thật lắt léo, hóc hiểm. Anh vờn tả, đánh hữu, dứ trên, đánh dưới, thoắt biến, thoắt hóa khôn lường.
Trái lại, ông Cản Ngũ thì xem ra có vẻ lại lờ ngờ, chậm chạp; dường như ông lúng túng trước những đòn đánh liên tiếp của Quắm Đen. Hai tay ông lúc nào cũng thấy dang rộng ra, để sát xuống mặt đất, xoay xoay chống đỡ. Keo vật xem chán ngắt. Cứ nghĩ tưởng Cản Ngũ thì phải thế nào chứ, đánh chác thế kia. “Chẹp!” Chán quá. Ông Cản Ngũ bỗng bước hụt, mất đà chúi xuống. Quắm Đen đã như con cắt luồn qua hai cánh tay ông Cản Ngũ ôm lấy một bên chân ông, bốc lên.
Người xem bốn phía xung quanh reo ồ cả lên. Thôi thế là ông Cản Ngũ ngã rồi, nhất định ngã rồi. Có khỏe bằng voi thì cũng phải ngã.
Tiếng trống vật dồn lên, gấp rút, giục giã. Ông Cản Ngũ vẫn chưa ngã. Ông đứng như cây trồng giữa sới trước những cặp mắt kinh dị của người xem. Còn Quắm Đen thì đang loay hoay gò lưng lại, không sao bê nổi chân ông Cản Ngũ lên. Cái chân tựa như bằng cây cột sắt chứ không phải là chân người nữa.
Ông Cản Ngũ vẫn đứng nghiêng mình nhìn Quắm Đen mồ hôi mồ kê nhễ nhại dưới chân. Lúc lâu, ông mới thò tay xuống nắm lấy khố Quắm Đen nhấc bổng anh ta lên, coi nhẹ như ta giơ con ếch có buộc sợi rơm ngang bụng vậy.
Các đô ngồi quanh sới đều lặng đi trước thần lực ghê gớm của ông Cản Ngũ. Thôi thế là Quắm Đen bại rồi. Keo vật bị đánh bại một cách nhục nhã, cay đắng quá chừng. Người ta đánh mình, co không bằng đánh với một đứa trẻ con! Quắm Đen, một tay đô tài mạnh bậc nhất trong hàng tỉnh mà còn bị đánh thua như vạy thì còn ai là người theo keo đánh nổi được ông Cản Ngũ? Họ đều cắn chặt môi lại mà thở dài.
Buổi tối hôm ấy, trong mấy gian nhà khách nhà cụ Cả Lẫm lại ồn ồn tiếng các đô bàn cãi. Tiếng bàn cãi cùng lúc càng xô xát, dữ tợn.
Một ông đô già móm mém đứng lên, xin nói. Ông lão nói nhỏ nhẻ, đà đận như một ông quan viên, đứng nói giữa ngày hội làng.
- Thưa... có đông anh em các đô hàng tỉnh, tôi xin có một đôi nhời...
Ông lão ngừng lại, đằng hắng một tiếng.
- Ông Cản Ngũ tuy thị là tay đô kỳ tài thật. Nhưng tài là tài ở đâu kia, ở ta đây không phải là không có người đánh được ông ấy. Nhất định là đánh được ạ. Tôi xin cam đoan với các chư vị hàng đô ta như thế.
Ông lão túm tỉm, móm mém liếc nhìn mọi người. Cánh đô trẻ sốt ruột giục ầm ầm:
- Ai? Nhưng mà ai mới được chứ?
- Ai thì cụ cứ nói toạc móng heo ra! Tôi xin hỏi: ai đánh nổi ông Cản Ngũ nào?
Ông cụ đô móm hể hả đưa một bàn tay ra chặn người vừa nói:
- Ấy, ấy... Thong thả, cứ để thong thả cái đã nào... Việc này tuy thị cũng dễ thôi, nhưng lại cũng rất ư là khó khăn cơ đấy...
Một tay đô nóng nảy đứng phắt lên, gạt đi:
- Thôi, chúng tôi biết rồi. Đánh ngã ông Cản Ngũ tỉnh này phi tay cụ Cả Lẫm ra, còn ai vào đây nữa!
- Đúng! Đúng! Ngoài cụ Cả Lẫm ra không còn ai đánh nổi ông Cản Ngũ! Chúng tôi đã nghĩ ngay từ hôm có tin ông Cản Ngũ về phá giải rồi kia. Nhưng thực tình chúng tôi cũng ngại. Không biết cụ Cả Lẫm có nhận lời không?
Cụ Cả Lẫm tủm tỉm cười, lắc đầu nói nước đôi với mọi người:
- Tôi bây giờ như con trâu đã về già rồi, biết rằng gân cốt có còn được như trước nữa không?
Nói vậy nhưng cụ Cả Lẫm cũng đã nghĩ như mọi người. Trong hàng tỉnh, ngoài cụ ra, không còn ai có thể địch lại với ông Cản Ngũ được. Keo vật đánh ngã Quắm Đen khi chiều cụ càng thấy rõ điều ấy.
Cụ Cả Lẫm trước kia vốn là một tay đô mà các đô thời ấy đều gọi là ông trạng vật. Cụ đã từng đánh ngã hàng loạt các ông đô được xếp vào hàng đô ngự. Cụ có những ngón bí truyền như “tiện xương”, “rút gáy”, “chặt chân voi” v.v... là những miếng vật đến con cháu trong nhà, cụ cũng không muốn truyền lại, sợ tổn âm đức về sau. Tuy đã hơn mười năm không ra sới, tiếng tăm cụ vẫn lẫy lừng, các đô trong tỉnh đều kính nể, coi cụ như bậc thầy. Keo vật cuối cùng trong đời; cụ đánh ngã một ông đô già. Ông lão cũng là một tay đô tài mạnh lẫy lừng một thời, chỉ vì thanh danh của sân vật mình mà phải ra sới.
Đánh ngã ông đô già keo vật ấy, về nhà không hiểu sao cụ Cả Lẫm thấy trong lòng áy náy không yên, vừa thương thương, vừa tội tội. Từ đấy cụ không ra sới vật nữa. Nhưng lúc này, cái cảnh ngộ của cụ có khác gì cảnh người đô già cụ đánh ngã trước kia? Quắm Đen, anh học trò yêu của cụ đã bị ông Cản Ngũ đánh ngã rồi. Cụ không ra sới thì tai tiếng; còn hàng huyện hàng tỉnh. Mà ra sới thì... “Lưỡng hổ tương tranh”. Hai con hổ dữ tranh tài, một sống, một mái...
Vả nữa, ông Cản Ngũ vốn là một ông tướng nghĩa binh dưới cờ quan Tán, mượn danh đi vật để thu phục nhân tâm, lo toan việc nước. Đối với một người như thế, sự thắng bại, mất còn trong một keo vật, phỏng có nên chăng?
Đêm ấy khách khứa trong nhà ngủ yên đã lâu, cụ Cả Lẫm vẫn chắp hai tay sau lưng, đi lại một mình băn khoăn nghĩ ngợi dưới bóng trăng. Keo vật ông Cản Ngũ đánh ngã Quắm Đen vẫn không thể xóa khỏi được trong ý nghĩ của ông cụ. Nó là một keo vật lạ lắm, không thể coi là một keo vật bình thường được. Tư cách người đô vật đàn anh như ông Cản Ngũ, sao có thể nỡ đánh ngã một anh đô mới trỗi như Quắm Đen một cách tầm thường, bỉ thử như thế được. Nó là cách muốn làm nhục nhau!
Không, trong ý tứ keo vật này tất có điều gì bí ẩn đây. Ông Cản Ngũ về tỉnh này, nhất định không lạ gì cụ Cả Lẫm. Keo vật này là keo vật khiêu khích đây. Keo vật thách thức, keo vật gọi Cả Lẫm ra sới thi tài đây.
Đã là một người đô vật, không ai có thể từ chối sự thách thức như vậy được. Trong người ông cụ Cả Lẫm lại rạo rực bầu máu nóng của một anh đô tài ba và dày dạn, lọc lõi. Một ông đô, đã ra đến sới chỉ có quật ngã địch thủ.
Mặt trăng đã ngả chênh chếch về phía tây, ông cụ Cả Lẫm lẳng lặng đi ra vườn sau, thử lại gân sức. Cụ tiến lại bên bụi chuối, giơ một bàn tay chặt liền mấy cái, những cây chuối, bị tiện đại ra, đổ rạp xuống. Ông lão đứng tần ngần ngắm những cây chuối gãy một lúc, rồi lững thững đi lại phía những chiếc cối đá đại, thủng trôn vẫn dùng làm cối đập lúa để ở góc vườn. Ông lão xỏ vào mỗi bên tay một cái cối đá, thong thả đi quanh vườn cây. Ông lão đi như thế đủ ba vòng, rồi ung dung trở vào nhà đi nghỉ.
Nhưng, ông cụ Cả Lẫm vừa đi khỏi thì, từ trong một bụi cây tối, Tý Trâu đã chạy vút ra. Nó cũng chạy đến bên một bụi chuối, cũng giơ tay hăm hở chặt liền một lúc hàng chục cây chuối đổ xuống. Nó cũng xỏ cối đá vào hai cánh tay, mắm môi mắm lợi, cắm cổ chạy quanh vườn hàng chục lượt.
Từ lúc Quắm Đen bị ông Cản Ngũ đánh ngã, Tý Trâu cũng bồn chồn không yên. Nó cũng thấy uất ức, xấu hổ và lo lắng cho sân vật của vùng mình.
Đêm ấy cu cậu lục sục không sao ngủ được. Cứ chợp mắt đi, đã thấy vật nhau với ông Cản Ngũ...
Hôm nay là ngày giã đám rồi. Sau Quắm Đen vẫn chưa có người vào vật với ông Cản Ngũ. Chỉ còn từ giờ đến chiều là các sân vật tỉnh Bắc mất giải. Dưới mái tam quan, các bô lão, các ông quan viên, quan đám, các ông đô sở tại, chạy vào chạy ra thờ thẫn. Hội đám nhạt thếch. Trống vật thập thùng rời rạc, cầm chừng. Thôi, giải vật năm nay cầm chắc về tay người ngoài rồi.
Ông đô già cầm trịch đã đứng lên sửa soạn đánh một hồi ba tiếng trống hạ giải thì, một ông già từ ngoài sới, rẽ đám đông bước vào.
Cụ Cả Lẫm! Cả sới vật cùng reo lên. Các ông quan đám, quan viên, các ông chức dịch trong xã đều đứng cả dậy. Đúng là keo vật mà tất cả mọi người đang chờ đợi.
Cụ Cả Lẫm hôm nay nom oai phong, lẫm liệt như một lão tướng sắp ra trận. Ông cụ đứng giữa sới, râu tóc bạc phơ, mình trần, đóng một cái khố bao nhồi trấu bằng vóc vàng, xung quanh vắt hai tấm nhiễu xanh và nhiễu đỏ lòa xòa đến gối. Cả người ông lão chắc nịch, xù xì, gân guốc như một gốc đa cổ thụ.
Lên đài xong, hai ông đô già vào “bá tay tư”. Chỉ mới vào “bá tay tư” [1] thôi, cả sới bỗng đều như ngộp thở trước cuộc giao tranh sắp tới. Biết rằng gặp tay đối thủ lợi hại, ông Cản Ngũ đánh rất dè dặt. Hai ông đô vừa đánh vừa thăm dò ý tứ của nhau. Họ không bỏ sót ở nhau từng cử động nhỏ nào. Họ đề phòng nhau từng cái liếc mắt, cái rùng mình...
Tiếng trống vật bỗng dồn lên, càng lúc càng dồn lên mạnh mẽ. Keo vật đang từ thế thăm dò, dè dặt bỗng chuyển sang những thế đánh quyết liệt. Dồn lên, du xuống, quay tít quanh sới. Thực ra đấy vẫn chỉ là đánh để thăm dò. Chưa bên nào dám đánh đến hết miếng đánh của mình, vừa đánh vừa giữ thế thủ.
Cụ Cả Lẫm quả là một tay đô lão luyện, dầy dạn. Bao nhiêu đòn ông Cản Ngũ đánh sang, ông cụ đều đỡ gạt, tránh né, gỡ thoát một cách hết sức nhẹ nhàng. Cụ vẫn chưa đánh trả ông Cản Ngũ một đòn nào. Đột nhiên, cụ Cả Lẫm bỗng chao người đi, khuỵu một bên gối xuống, cả người cụ như một con thoi lao vút qua nách ông Cản Ngũ gánh lên. Nhưng ông Cản Ngũ đã kịp lùi lại một bước, thót người lại, vòng hai cánh tay to khỏe như hai con trăn đất, khóa chặt lấy gáy, lấy lưng ông cụ Cả Lẫm, lắc mạnh...
Keo vật đã đến lúc hư, thực khôn lường. Cả hai ông đô đều trổ hết tài nghề ra để hạ nhau. Bốn bề chỉ nghe tiếng trống dồn dập, tiếng chân hai ông đô tranh tài dỗ thình thịch trên mặt sới. Hai ông đô cứ thế xoắn chặt lấy nhau, quần nhau, xoay như chong chóng. Cả sới ngồi xem đều lặng đi trước một cuộc tranh tài ghê gớm từ xưa chưa từng thấy.
Bỗng có một người nào đó hét lên:
- Ông Cản Ngũ bị rồi!
Cả sới vật tức thì xao động, nhốn nháo. Ông Cản Ngũ đã bị năm đầu ngón tay cứng như năm cái vuốt của cụ Cả Lẫm quặp chặt lấy xương quai xanh.
Đó là một miếng vật bí truyền. Khi mà cụ Cả Lẫm đã hạ đến miếng “móc quai xanh” ấy thì kẻ địch chỉ: một là thua, hai là gẫy quai xanh mà chết. Miếng vật các đô mới chỉ được nghe cụ nói lúc vui chuyện, chưa được xem cụ đánh bao giờ.
Toàn thân ông Cản Ngũ đã run lên bần bật. Mặt ông lúc đỏ tía lên, lúc lại tái nhợt đi, đại chân mềm oặt. Lúc này, hai con mắt cụ Cả Lẫm sáng quắc như hai ngọn lửa chiếu thẳng vào mặt ông Cản Ngũ. Cụ đẩy ông ra xa, cụ kéo xích ông lại gần, cụ thong thả dắt ông đi từng bước diễu quanh sới. Ông Cản Ngũ hoàn toàn lệ thuộc vào sự điều khiển theo ý muốn của cụ Cả Lẫm.
Cả sới tưởng chừng như không ai dám thở mạnh nữa. Ai cũng thấy rõ nếu ông Cản Ngũ cưỡng lại sẽ bị gãy xương ngay.
Chỉ có các tay đô trong tỉnh xem ra người nào cũng sướng. Mặt mũi người nào cũng rạng rỡ, phớn phở hẳn lên. Ông cụ đô móm không ăn được trầu, nhưng cũng mang sẵn một phong từ nhà, lúc này mới mở ra, đưa truyền mời mỗi ông đô một miếng. Ông lão tủm tỉm, móm mém, nói nhỏ với mấy ông đô ngồi bên cạnh:
- Cụ Cả nhà mình, tuy thị cũng là tay thâm nho đáo để. Hôm trước ông Cản Ngũ xách Quắm Đen như con nhái, thì hôm nay ông cụ dắt ông Cản Ngũ khác gì xỏ sẹo dắt con trâu... Đô vật tỉnh Bắc Ninh chứ có phải...
Chợt thoáng vừa có cái gì khác lạ xảy ra. Có những tiếng reo hò và tiếng dùi đập vào tang trống cắc cắc... Cái gì lạnh toát vừa chạy suốt sống lưng ông lão đô già móm mém. Ông Cản Ngũ vừa ngã đổ người xuống ngực cụ Cả Lẫm. Và, như một tia chớp, ông đã thoát khỏi năm đầu ngón tay ghê gớm của cụ Cả Lẫm, xuất kỳ bất ý “sang sườn” đánh một miếng “gồng vai” đội lên.
Ông lão đô móm không còn kịp nói hết câu nữa. Không còn tin ở mắt, ở tai mình nữa. Keo vật đã chuyển bại thành thắng như ở trong một cơn mê.
Cụ Cả Lẫm lảo đảo bước ra khỏi sới. Mấy tay đô đàn em vội chạy vội theo. Không ai nói được một lời nào. Keo vật cụ Cả Lẫm thua đau quá. Cầm bát nước bà hàng đưa cho mà ông lão không thể sao nuốt đi được. Nó cũng giống như keo vật cụ đánh ngã người ta cách đây mười mấy năm về trước. Giống quá! Giống quá!... Ông cụ lắc đầu thở dài sườn sượt.
Trời đã xế chiều. Trống vật nghe vẫn còn rộn rã. Quái lạ, còn ai vào đánh với ông Cản Ngũ nữa nhỉ? Một tay đô từ xa hấp tấp chạy lại. Anh ta vừa thở, vừa nói:
- Thưa cụ, thằng Tý Trâu...
Cụ Cả Lẫm đặt vội bát nước xuống chõng hỏi lại:
- Sao? Thằng Tý Trâu làm sao, bác?
- Thưa cụ... Thằng Tý Trâu đang vật với ông Cản Ngũ.
- Chết thôi! Con cái nhà, ra sới mau lên thôi bác! Quên cả nỗi buồn bực, uất ức, cụ Cả Lẫm lật đật chạy theo anh đô vật ra sới.
Trên sới vật, Tý Trâu đang giao đấu với ông Cản Ngũ. Nó đánh rất hăng. Đúng là con nhà nòi, có tài, có sức và gan dạ. Nó bám riết lấy ông Cản Ngũ đánh liên tiếp hết miếng này qua miếng khác. Nhìn miếng nó đánh hóc hiểm đến các ông đô ngồi xem bên ngoài cũng lấy làm lạ. Ông Cản Ngũ chỉ lùi, tránh, đỡ, gạt, ông không có ý đánh ngã thằng bé.
Từ lúc biết Tý Trâu là con trai cụ Cả Lẫm và đánh với nó vài nhịp trống, ông Cản Ngũ bỗng yêu quý thằng bé đến lạ lùng. Trong đời đô vật, ông chưa thấy tay đô nào quyết đánh bại địch thủ dũng mãnh như thế. Có lúc ông đã thử bóp gân, xương cho đến tái người đi, nhưng vừa buông ra, nó đã lăn xả vào đánh liền. Có lúc ông đánh dồn dập năm, bảy miếng liền; nó vẫn tỉnh táo chống lại không hề nao núng. Càng đánh, ông càng thấy yêu, ông có ý muốn thu phục thằng bé.
Cụ Cả Lẫm đứng ngoài theo dõi keo vật, ông lão đã thấy rõ hết cái ý ấy của ông Cản Ngũ. Nước mắt ông lão bỗng trào ra, cảm kích vô cùng. Ngay giữa keo vật đang đánh giở, ông lão xông vào giữa sới xin cho được ngừng lại và bắt Tý Trâu nhận ông Cản Ngũ là thầy học. Ông Cản Ngũ sung sướng nắm chặt lấy tay ông đô già, nhận lời.

*

Đêm ấy, trong nhà cụ Cả Lẫm vẫn đông đủ khắp mặt các tay đô vật trong tỉnh. Bình thường những lần mất giải về tay người, và sau những keo vật như Quắm Đen, cụ Cả Lẫm bị đánh ngã, thế nào cũng xảy ra những cuộc xô xát. Có khi đến đổ máu. Nếu không xông vào giữa sới đánh nhau thì, cũng tìm cách đón đường, chặn lối không cho đối thủ của mình về. Cái cảnh thua đau như chiều nay, ai còn mặt mũi, lòng dạ nào mà hội họp, mà ăn uống!
Thế nhưng cụ Cả Lẫm đã có lời mời. Hôm nay ông Cản Ngũ ở lại chơi nhà cụ, ý cụ muốn có mặt đông đủ anh em hàng đô trong tỉnh. Họ nể lòng quá, phải ở lại. Những người đô vật to lớn, ngang tàng nhưng lại rất biết phục thiện các bậc đàn anh; và nữa, đối với một ông đô tài mạnh, lẫy lừng như ông Cản Ngũ, trên sới vật họ coi là đối thủ, là thù địch, thực ra trong lòng họ vẫn rất lấy làm hâm mộ.
Trong ánh sáng của những ngọn đuốc nhựa trám cháy rừng rực cắm quanh nhà, các ông đô ăn uống, nói năng từ tốn, chậm rãi. Hôm nay, nom họ rất hiền, chất phác, thuần hậu như những ông thợ cày.
Rượu được vài tuần, ông Cản Ngũ chắp hai tay vào nhau, từ từ đứng lên. Ông hướng ra bốn phía các ông đô ngồi quanh, ngập ngừng lên tiếng:
- Thưa... Các bạn hàng đô... tôi xin có vài lời...
Tất cả mọi người đều ngừng đũa, hướng về phía ông Cản Ngũ.
-... Tôi đi vật cho đến nay, kể như gần hết một đời người rồi. Đông, Nam, Đoài, Bắc không thiếu đâu tôi không có mặt. Gần hết đời người rồi tôi mới thấy được buổi hôm nay. Thật là một sự hạnh ngộ quý hóa vô cùng...
Ông Cản Ngũ mím chặt môi lại, cúi đầu xuống. Đôi vai to lớn của ông rung lên. Lúc lâu ông mới lại ngửng lên nói tiếp:
- Các bạn hàng đô ở đây không những đã không coi tôi như thù địch, mà còn đãi tôi vào hàng khách quý, thân thiết như một người đô cùng trong một sân vật mình. Điều ấy thật là hiếm có. Điều ấy khiến tôi phải bộc bạch trước các bạn hàng đô tỉnh nhà về keo vật hôm nay.
Ông ngừng lại, nhìn vào cụ Cả Lẫm rất lâu.
- Keo vật tôi với cụ giao đấu lúc ban chiều thật khó hiểu quá. Tôi không bao giờ dám nghĩ rằng mình có thể thoát được năm ngón tay cứng như thép ấy của cụ. Lúc ở ngoài sới, còn đang say đấu, thực tình tôi chửa thấy được điều ấy. Về đây, càng nghĩ tôi càng lấy làm lạ. Một ông đô vật dày dạn, lỗi lạc như cụ, không khi nào để tôi thoát khỏi miếng vật hiểm nghèo ấy một cách dễ dàng quá như thế được... Đúng là cụ tha cho tôi keo vật ấy. Đúng là cụ không muốn đánh tôi gẫy xương, không muốn tôi thành một người tàn phế. Đã được coi như người thân trong nhà, trước có đông anh em hàng đô hôm nay, tôi muốn hỏi cụ cho rõ điều ấy?
Tất cả các mâm rượu đều xôn xao cả lên. Không ai ngờ keo vật lại là như thế. Người ta ngạc nhiên, khó hiểu. Vì sao ông cụ lại không đánh ông Cản Ngũ nhỉ? Có đúng thật là cụ Cả Lẫm đã tha cho ông Cản Ngũ không?
Cụ Cả Lẫm vẫn ngồi im trước mâm rượu. Những lời ông Cản Ngũ nói đúng vào ruột gan ông lão. Đúng là keo vật đến lúc cụ phải đánh đến miếng “móc quai xanh” thì ông cụ có phân vân, suy nghĩ. Người đô vật khi phải đánh đến những miếng hiểm độc đã là hạ sách rồi. Đấy là nước cùng, của một anh tầm thường, xấu chơi. Huống chi, ông Cản Ngũ tiếng là đi vật, nhưng ông lại là một ông tướng nghĩa quân của quan Tán, có nên vì một keo vật mà làm hại một người bấy lâu vì dân, vì nước được không? Chính lúc cụ Cả Lẫm còn đang phân vân bhư thế, thì chợt đã thấy mình bị ông Cản Ngũ đánh ngã rồi.
Lúc sau, cụ Cả Lẫm mới đứng lên từ tạ. Ông lão có vẻ miễn cưỡng mà phải nói:
-... Keo vật được, thua đã định ở ngoài sới rồi. Đúng ra cũng chả nên nhắc lại làm gì. Nhưng ông bác đã hỏi, thì tôi phải xin thưa...
Ông lão ngập ngừng một lúc, rồi tiếp:
- Tôi cứ nghĩ rằng, đã là người đô vật mình, dù ở đâu, ở xứ Đông hay ở xứ Đoài, xứ Nam hay xứ Bắc, ở đâu cũng là người dân Việt ta cả. Cũng là máu đỏ da vàng với nhau; trong cái buổi còn đang nước mất nhà tan này, có nên vì hơn, thua một keo vật mà đánh một người nghĩa khí, một người vì dân, vì nước như ông bác đây thành một người tàn phế, bỏ đi được không? Được như vậy, có thể gọi là được, được không?...
Tất cả mọi người đều ngồi lặng đi. Có một cái gì to lớn, thiêng liêng lắm đang choán lấy hồn những ông đô vật.
Quắm Đen ngồi dưới ngọn đuốc đang cháy rừng rực, anh ta cúi gằm mặt xuống. Từ hôm bị ông Cản Ngũ đánh ngã không thấy Quắm Đen hé răng nói một lời nào. Anh ta vẫn ngầm nuôi cái ý phục thù. Lúc này, nghe những lời cụ Cả Lẫm nói, anh ta bỗng thấy xấu hổ...
Ngay đêm ấy, Quắm Đen đến gặp cụ Cả Lẫm, xin cụ nói cho anh được cùng Tý Trâu theo ông Cản Ngũ...
Mấy hôm sau, Tý Trâu, Quắm Đen theo ông Cản Ngũ xuôi về vùng Văn Giang, Gia Bình. Cụ Cả Lẫm tiễn chân đến tận bến Sải. Ông lão đứng trên bờ nhìn theo mấy thầy trò ông Cản Ngũ qua sông một lúc rồi mới quay về. Từ dưới cũng không thấy cụ nói với ai rằng họ đi đâu...
Mãi mấy năm về sau mới có người nghe tin Tý Trâu và Quắm Đen ở trong đội nghĩa quân của ông Tán Thuật đánh Tây, nhiều mưu mẹo và gan dạ lắm.
Chú thích:
[1] Bá tay tư: Một tay vít gáy, tay kia nắm cánh hoặc bá vai. Trước khi đánh các đô đều vào bá tay tư để dò xét sức lực nhau.