Chương 14

     hư vậy, Chấn Hưng học đường đổ sụp, ngã xuống trong sự tủi nhục ê chề.
Qua hai ngày sau, không một bóng người lảng vảng ở nơi sân trường. Buổi trưa, có ông Trương Bảng đến thu dọn các món đồ có thể bán tháo bán đổ, và vào lúc chiều, khi hoàng hôn rũ màu tang lên một khung cảnh không ai buồn khêu điện dậy, người ta thấy cái hình bóng gầy gò của ông giáo Cảnh lướt nhẹ qua sân, chậm rãi ở nơi văn phòng lạnh lẽo, tần ngần trên cái cầu thang cô độc và mất hút trong mấy lớp đen ngòm. Lát sau, cái bóng lặng lẽ của ông giáo Cảnh ra khỏi ngôi trường và đêm tối về bao phủ tràn đầy.
Nhưng chỉ tháng sau, một ngôi nhà lớn bốn tầng đã được dựng lên, theo một cung cách xây dựng qui mô, với lớp gạch vôi sáng sủa, tối tân hơn nhiều. Không còn chút gì gợi lại mái trường Chấn Hưng ngày xưa. Đây là những phòng sắp hàng loạt, có cả quạt điện và cả máy lạnh, có cả hàng rào dây thép phía ngoài chằng chịt, tỏa mùi hăng hắc của loại vải dày và mùi oi nồng của những nước hoa pha trộn đủ loại mồ hôi. Ngõ hẻm đã được khai quang, không còn là cánh tay gầy nhom của ngày nào. Với cái mặt đường phẳng phiu trải nhựa, hai bên xây thành, quét vôi, ăn lấn sâu vào nền đất mọi nhà, đây là một khúc thịt mỡ trườn ra đại lộ.
Chấn Hưng học đường bị xóa hẳn tên trên bản đồ giáo dục và ông giáo Tài, bên cạnh bằng cấp học hành đỗ đạt của mình, đã có thêm một thành tích đáng kể được ghi đậm nét vào trong tư pháp lý lịch và trong tâm não hoang mang của rất nhiều người.
Nhưng dù nơi đó không có Chấn Hưng học đường, quang cảnh hằng ngày vẫn không thiếu vẻ tấp nập, và mảnh đất ấy từ đây góp phần mở mang cuộc đời những ông Ngọc Tẹo, nâng cao địa vị những ông Tám Tàng, và nhiều người nữa mà chúng ta không biết đến tên tuổi, nhưng ta nhận diện họ rất dễ dàng.

HẾT


Xem Tiếp: ----