Suy nghĩ tản mạn nhân đọc Ngôi trường đi xuống

     ách đây hai mươi năm, sau tổng tiến công Mậu Thân ít tháng, chúng tôi tình cờ mượn được ở Thư viện Quân đội (Hà Nội) cuốn truyện Ngôi trường đi xuống. Nói là “chúng tôi” vì đó là một nhóm anh em: Phan Đắc Lập, Thạch Phương, Bùi Công Hùng, Phong Hiền, Trần Hữu Tá... chuyên để tâm nghiên cứu văn học thành thị miền Nam. Hễ kiếm được tác phẩm nào hay, hoặc có “vấn đề” chúng tôi truyền nhau xem và thường trao đổi, bàn bạc để đánh giá cho đúng đắn, chính xác, và để có thể có tiếng nói hợp thời góp vào cuộc đấu tranh văn hóa, tư tưởng trên các trang báo ở miền Bắc hoặc qua làn sóng điện của đài Tiếng nói Việt Nam.
Đọc Ngôi trường đi xuống, chúng tôi mừng. Vũ Hạnh, cây bút lúc đó tuy chưa một lần gặp mặt, nhưng với chúng tôi đã rất thân quen qua các trang văn, lại có thêm một đóng góp tích cực vào sự nghiệp chống Mỹ ngụy trên mặt trận văn nghệ. Khác với Vượt thác, Chất ngọc, Mùa xuân trên đỉnh non cao, Cô gái Xà Niêng, Lửa rừng... viết Ngôi trường đi xuống, Vũ Hạnh không dựa vào những hiểu biết của mình về Tây Nguyên hoặc không đi vào đề tài lịch sử, anh khai thác một vốn sống phong phú khác qua nhiều năm vừa viết văn vừa dạy học ở Sài Gòn. Viết về đề tài giáo dục tưởng như hạn hẹp, nhưng nhà văn lại giúp chúng ta tiếp cận với xã hội thành thị miền Nam trên một số phương diện cơ bản nhất. Cái lý thú của tác phẩm trước hết là ở đó.
Chao ôi, cái “Chấn Hưng học đường” nhỏ bé trong ngõ hẻm miệt Tân Định với bảng hiệu “kẻ bằng màu gạch rất tươi trên một màu xanh rất đậm” với ông hiệu trưởng Lê Thành Tài vốn có nhiều hoài bão, khát vọng tốt đẹp ấy, chỉ sau mấy năm sống lay lắt, đã đổ sụp trong sự tủi nhục ê chề.
Đúng là có chuyện cạnh tranh của các trường tư khác, đồ sộ nghênh ngang hơn, tuyên truyền quảng cáo ầm ĩ hơn, theo quy luật cạnh tranh thương mại thường thấy trong xã hội Sài Gòn trước ngày giải phóng. Nhưng nguyên nhân chủ yếu chính là vì thời thế đã đổi thay. Vào những năm 1965-1966 này, ở thành thị miền Nam việc xây trường học không sinh lợi bằng dựng nhà chứa điếm, kiếm ăn quanh số trẻ cắp sách đến trường chẳng nghĩa lý gì so với việc “kinh doanh trên thân xác đàn bà”! Trong cuộc đua chen tranh giành lợi nhuận đến chóng mặt ấy, chủ nghĩa thực dụng rất Mỹ đã là kim chỉ nam cho những chủ đất Trần Ngọc Tẹo và những thầy dùi Tám Tàng tha hồ tự tung tự tác. Bọn này sẵn sàng dàn những màn kịch vu vạ người nhiệt tình ngây thơ như ông giáo Lê Thành Tài, làm cho ông ta thân bại danh liệt, để thu hồi bằng được ngôi trường Chấn Hưng mà chúng đã cho thuê.
Và chỉ cần một tháng, cái trường nhỏ bé đã được phá đi, ngôi nhà lớn bốn tầng đã được dựng lên, “tối tân hơn nhiều, có những dãy phòng sắp dài hàng loạt, có cả quạt điện và cả máy lạnh, có cả hàng rào dây thép phía ngoài chằng chịt, tỏa mùi hăng hắc của loại vải dày và mùi oi nồng của những nước hoa pha trộn đủ loại mồ hôi” (tr 108).
Một phương cách tố cáo đế quốc Mỹ kín đáo mà tài tình! Không cần một lời đả kích trực diện, nhưng vào thời điểm sách ra đời - cuối năm 1966 - ai cũng hiểu đạo quân xâm lược Mỹ là thủ phạm chủ yếu gây nên sự xáo trộn ghê ghớm trong sinh hoạt xã hội vùng thành thị miền Nam, dẫn đến tình trạng băng hoại của đạo đức, nhân cách. Và lớp người chuyên mánh mung phe phẩy vùng Sài Gòn tạm chiếm lại vốn rất nhạy thính trước quy luật cung cầu. Bất chấp lương tâm và nhân phẩm, họ sẵn sàng làm đủ trò tệ hại, miễn là hốt được nhiều đô-la của bọn lê dương xâm lược.
Bằng lối viết hài hước nhưng thật chua chát mỉa mai, một nét phong cách quen thuộc của Vũ Hạnh, anh còn cho ta hiểu được cái rối rắm, nhố nhăng, kỳ cục của thế giới trường tư Sài Gòn trước đây. Hầu như bất cứ ai cũng có thể trở thành “giáo sư”, bịt mũi trẻ lấy tiền vô tội vạ.
Vị giáo sư hóa học Nguyễn văn Hai kia, vốn đã sập tiệm sau ba lần pha chế nước mắm ở Phan Thiết, vì lần nào cũng bị thối chín chục phần trăm. Và cái ông Đỗ văn Chỉ nọ, bút hiệu Hồng Hoa Phượng Điệp, tác giả những tập thơ Ái tình nguyên tử, Khối sầu nhược tiểu, Cô đơn cường quốc... mỗi cuốn in dăm trăm bản, để biếu lấy le hơn là bán, cũng thành “giáo sư văn chương”, dù bản thân ông ta chỉ dạy học trò thường viết sai chính tả và bất chấp ngữ pháp, v.v... và v.v...
Hóa ra, trong xã hội thực dân mới trước đây, cái gì cũng trở thành hàng hóa. Giáo dục, lĩnh vực trang nghiêm, cao quí ấy cũng bị vấy bùn và trở thành nơi tung hoành của những cai thầu văn hóa. Khốn khổ thay, đó cũng còn là chỗ để cho những thầy giáo bần cùng có thể cấu phổi, đút dạ dày. Thật thảm hại, cuộc đời của những giáo sư như Lê văn Tính. Sau ba mươi lăm năm gắn bó với bảng đen và phấn trắng, hết trường tư này đến trường tư khác, với bao nỗi lo âu khắc khoải vì bị nợ áo cơm ghì sát đất, họ đã chết mòn trong bệnh tật, đói nghèo và tủi cực.
Rõ ràng, một mảng đời của xã hội Sài Gòn trước ngày giải phóng đã hiện hình và cựa quậy trên trang sách, khó tin nhưng là chuyện thật, vừa buồn cười vừa bi đát, với không ít mẫu người sống động khác nhau.
Những tác phẩm như thế này của Vũ Hạnh, cũng như của những cây bút yêu nước tiến bộ khác, được viết trong vòng kiềm tỏa của Mỹ ngụy, nên và cần được in lại, để chúng ta có thêm cơ sở hiểu sự tiêu vong của cái chế độ thực dân mới là hệ quả tất yếu, để từ đó chúng ta thêm tự hào với những thành quả có được của ngày 30/4/1975 lịch sử. Và điều chủ yếu, để chúng ta phấn đấu làm tốt hơn sự nghiệp dựng xây cuộc sống mới, cho hôm nay và cho tương lai.
Hè, 1988.
Trần Hữu Tá