Chương 1

     hiều người Việt Nam ở tại Sài Gòn dễ quên không biết là mình hiện đang sống ở xứ nào. Chẳng hạn, trường hợp ông Gioan Báp-tí-xi-ta Trần Ngọc Tẹo thì càng hoang mang hơn nữa. Miếng đất của nhà ông ở hàng tháng phải đóng thuế cho người Chà, bảng hiệu của cửa tiệm ông lại đề chữ Mỹ, ba cô con gái của ông thích mặc đồ đầm và ông ưa nói tiếng Tây. Cứ soát xét khắp người ông, với bộ quần áo, giày mũ, thuốc hút, thì ta càng bối rối thêm. Nói dại, lột hết các thứ ấy đi thì cũng không sao tìm được một dấu vết gì chứng tỏ ông là con cháu xứ Đại Cồ Việt. Bởi vì da ông cũng vàng như người Nhật Bổn, có pha màu xám của Phi Luật Tân, hôi nồng một mùi xà bông mua ở chợ trời do người Cao Miên xuất cảng không cần đóng thuế và hăng hắc chút nước hoa nhãn hiệu Hương Cảng sản xuất giữa lòng Chợ Lớn.
Ông Báp Tít Tẹo còn có một miếng đất lớn ở Tân Định dự phần làm nhân vật chính cho quyển sách này. Miếng đất thụt sâu vào trong như một con người khiêm tốn muốn sống ẩn dật, vái dài cuộc đời ồn ào bên ngoài bằng một cánh tay gầy nhom là con đường hẽm độ năm chục mét dẫn ra mặt tiền đường phố.
Lịch sử của miếng đất này cũng không đơn giản. Ban đầu chắc hẳn là nó thuộc về Việt Nam, y như mấy quyển sử ký ở trong nhà trường vẫn còn xác nhận là lãnh thổ ta hình cong như chữ S. Nhưng căn cứ trên giấy tờ địa bộ thì lãnh thổ ta, ở miếng đất ấy, lại do người Pháp làm chủ. Theo sự hiểu biết của một số người thì gã Pháp này thuộc dòng quí phái, bởi vì tên gã có một chữ Đờ nằm ngay phía trước. Gọi luôn cả tên thì là Đờ-tuột Cu-nhông. Cứ nghe như thế thì ta hiểu rằng những gì quý phái, cao sang ở các nước ngoài không có giá trị bao nhiêu khi vào đến xứ sở này. Đúng hơn, lại còn có vẻ trần truồng, thô tục, chỉ đáng xảy ra ở nơi tắm rửa mà thôi.
Ông Đờ-tuột... - đành phải gọi tắt như vậy - làm chủ miếng đất vào trường hợp nào, cũng không ai biết. Hồi ở bên Tây, ông ta đã có vợ rồi. Tất nhiên, vợ ông là đầm chính hiệu. Khi được đổi sang “An Nam”, ông vẫn coi thường người “An-nam-mít” cho đến khi ông gặp được một người đàn bà màu mỡ thì sự kỳ thị biến mất. Như thế, tư tưởng kỳ thị chỉ tồn tại được nơi những con người chưa tự lượng được sức mình. Người đàn bà này trước là lấy ông Đờ-tuột, sau là lấy tiền. Ban đầu bà không phân biệt rõ được giữa hai món ấy, mình thích món nào nhiều hơn, nhưng sau khi đã thâu lượm được một số tiền khá lớn, thì sự phân biệt đã thành rõ ràng: bà ta bèn bỏ ngay ông Đờ-tuột, tìm mua một người đàn ông Việt Nam khá lớn, có đủ bề thế của một người chồng hẳn hoi, để khỏi mất gốc. Và để về sau, khi bà qua đời, có người chịu khó vịn cỗ áo quan đi theo kể lể cho tới lỗ huyệt.
Ông Đờ-tuột, chán nản hết sức, sau khi viết một quyển sách lý luận về tính không mấy chung thủy của người đàn bà “An Nam” (làm như tất cả phụ nữ chúng ta đều đã lấy ông, và bỏ rơi ông) bèn quay sang tìm một người vợ Tàu. Phải nói rằng có vợ Tàu là một diễm phúc, nếu gặp được người vợ Tàu lý tưởng. Nhưng lấy vợ Tàu cũng như vợ ta, không phải là chuyện dễ dàng, đối với những người ngoại quốc. Bởi lẽ chỉ có một số phụ nữ nào đó - theo sự thống kê trước đây thì vốn không nhiều - chấp nhận làm công việc ấy như lao vào bước đường cùng. Người vợ Tàu này gọi là thím Xường, gặp ông Đờ-tuột cũng đúng là duyên... “tiền định”. Lấy được ba năm, bốn tháng thì ông Đờ-tuột qua đời. Tây quả không mạnh bằng Tàu hay chăng?
Trong số gia sản của chồng để lại, thím Xường có một vạt đất bỏ trống ở vùng Tân Định, xứng đáng để lập nên một vin-la đủ chỗ rộng rãi cho một anh chồng và một chị vợ, với năm đứa con cùng hai con chó ở chung. Chồng chết, tiền mòn, cái vin-la ấy chỉ được xây dựng bằng thứ vôi gạch tưởng tượng của thím nên nhiều năm qua những vị thất nghiệp trở thành du khách, mỗi lúc đi ngang qua đó, có dịp ngắm nghía một cái hàng rào bằng gỗ gồm toàn cây nọc sơn vàng, cắm khá thẳng thớm, vây bọc rất là trơ trẽn một vạt đất trống, y hệt như lính Ăng-lê mặc đồ ka-ki canh giữ sa mạc Ả Rập. Cùng với thời gian, hàng rào vàng ấy lọt vào mắt xanh của những cô bác thiếu củi láng giềng. Lần hồi, từng cây, từng cọc được đưa vào bếp, và sau một thời gian dài cái hàng rào ấy hiện rõ nguyên hình là một hàm răng cụ lão tám mươi. Khi chúng hóa thân toàn vẹn để thành những làn khói nhẹ mỏng manh về chầu Thượng đế thì thím Xường đâm hốt hoảng, ăn ngủ không yên. Sự phòng thủ không tồn tại thị sự chiếm đoạt coi như dễ dàng. Nghĩ mình góa bụa, giữ gìn một cái thân thể mập mạp ham ăn mê ngủ là việc đã khó quá rồi, còn hơi sức đâu phòng vệ cho khoảng đất trống vốn không hề biết chống cự, cũng không hề biết la làng, nên thím nghĩ đến việc bán hẳn mối lo âu cho người khác vậy. Trong số những người mà thím cảm tình đặc biệt, có một người Chà, tên Ma-hô-mết. Ông ta chuyên bán sữa dê, nhà ở tận trên Phú Thọ. Mỗi sáng, đúng sáu giờ rưởi, ông ta đã mang một lít sữa tươi đến tận cửa ngõ thím Xường, và bao nhiêu năm trôi qua, ông vẫn đúng giờ đúng giấc như vậy, tuồng như đồng hồ của ông làm bằng bê-tông cốt sắt và xe gắn máy lạch cạch của ông chạy bằng nguyên chất khí trời. Thím Xường quí mến đức thật thà của ông ta. Nói cho hẳn hòi, sữa dê của ông không có pha phách bao nhiêu. Trung bình cứ một lít sữa thì ông pha thêm một lít nước gạo là vừa. Đôi khi ông muốn pha thêm hai lít, nhưng vốn là người không biết tham lam nên ông cứ giữ nguyên xi mức cũ. Thím Xường một lần đi qua Phú Thọ thấy bầy dê cái gầy còm, thuộc loại dê cụ, lang thang trên đường tráng nhựa, lấy làm phân vân hết sức. Thím nghĩ, dê già làm sao mà có sữa tươi, lại đi trên đường nhựa thì ăn thức gì bổ béo mà có sữa được? Lại cứ đinh ninh dê đó là của ông Ma-hô-mết (dê nào mà chẳng của Ma-hô-mết?) nên sáng hôm sau, thím uống cạn hết cả lít mà không thấy có vẻ... dê chút nào. Thím bèn tỏ ý ngờ vực thì Ma-hô-mết trợn mắt đập ngực, đưa cả hai tay lên trời kêu đấng “A-la” là đấng tối Tối cao để chứng tỏ sự trung thực. Theo thím, khi người ta viện cả đấng thiêng liêng can thiệp vào chuyện sữa dê thì người ta phải hết sức chân thành. Nhưng hình như Ma-hô-mết lại không nghĩ vậy. Anh ta cho rằng đấng thiêng liêng đã biết hết mọi việc trên cuộc đời này thì thêm nước gạo vào trong sữa dê làm sao qua mắt ngài được? Vậy thì có gọi tên ngài hay là làm thinh, cũng chẳng có gì quan hệ, vì dù chối cãi cách nào ngài cũng biết dư cả rồi. Do đó, nếu phải pha năm phần nước vào sữa thì Ma-hô-mết sẵn sàng gọi đấng Tối cao một cách nhiệt thành.
Tính tình thật thà của Ma-hô-mết làm cho thím Xường cảm động nên thím quyết định chọn y để bán mảnh đất với giá cắt cổ mà không sợ y la làng. Ma-hô-mết về nhà tính nhẩm số nước bột gạo bán theo giá sữa trong suốt mười năm cho thím Ba Xường, và thấy dù mua mảnh đất với giá thế nào đi nữa, y vẫn còn lời khá đậm. Tuy vậy, y vẫn cò kè thêm một bớt hai cho đến phút chót, khi thím Xường đã thật sự chán nản cho sự chậm hiểu của những loại người thật thà, thì y mới chịu mua đứt đúng theo thời giá, trừ thêm một khoảng tiền lớn chi phí vào việc dọn dẹp các đồ rác rưởi càng ngày càng được tập trung cao độ ở trên mảnh đất.
Chính khoản rác này trở thành một mối đe dọa trầm trọng cho Ma-hô-mết. Từ khi mất cái hàng rào, miếng đất trở thành bất lực như mọi cơ sở công cộng, và tất cả những người sống chung quanh vốn chẳng ưa gì nhau lắm, bây giờ bỗng thấy gặp nhau một cách dễ dàng ở trên rác rưởi. Ban đầu, họ còn nhờ có đêm tối làm kẻ đồng lõa nên sự đổ rác mang đầy tính cách hồi hộp thú vị của sự lén lút. Người nào cũng tưởng chỉ có riêng mình mới đủ can đảm làm việc xấu xa như vậy. Nhưng qua hôm sau, nhận thấy số rác ngập cả nền đất, họ cảm hết nỗi đau khổ của kẻ đã mất độc quyền can đảm, nhưng thay vào đó, là nỗi vui mừng được quyền đổ rác tự do. Mỗi sáng, lỡ bước sang ngang qua đó, người ta có thể nhìn thấy đủ thứ loại hàng phế thải của người Sài Gòn. Bên cạnh vài con chuột chết ruột phơi nhầy nhụa, có những chai bể đủ cỡ, hộp thuốc đủ màu, lá chuối láng bóng màu mỡ, vú giả nứt toác và băng vệ sinh đỏ lòm... Nổi bật hơn hết là có những bầu tâm sự hôi hám trút gọn vào các nhật báo - ôi! báo chí! - và sự gói ghém không được cẩn mật đã vỡ tung ra một cách bừa bãi giữa mớ rác rưởi hỗn loạn, hấp dẫn bọn ruồi bốn phương bay đến xanh lè, đảo lộn vần vù suốt buổi, suốt ngày. Thỉnh thoảng, một vài con chó phóng đãng rất ư thích tìm của lạ tạm rời hiên trước nhà chủ kéo vào sục sạo đống rác nồng nhiệt, gây sự đảo lộn tơi bời, khơi lên từng luồng hôi hám đậm đặc tưởng có thể xé rách toang lỗ mũi cả những lớp người nghẹt thở kinh niên thường quen hô hấp mà không phân biệt được loại mùi nào.
Cùng với rác rưởi ngày càng lên cao, nỗi lo của Ma-hô-mết ngày càng thêm lớn. Sợ rằng có ngày người ta ghi nhận sở đất của mình như là một khu đổ rác phụ thuộc của các tòa rác đô thành, Ma-hô-mết tìm mọi cách cản ngăn. Ban đầu, ông ta mượn được một người thông thạo tiếng Việt nhờ viết hộ cho tấm bảng treo trên sở đất để chận đứng sự ném rác loạn xạ trên nền đất mình. Người này vốn có ít nhiều tư tưởng chính trị và đã tham gia hoạt động tích cực trong các phòng trà, bảo rằng nên nói những câu hết sức ngọt ngào, lễ phép để cho cô hồn đổ rác vui lòng. Viết rằng: “Yêu cầu giữ vệ sinh chung” trên một bảng gỗ khá dài, đóng vào cây nọc khá lớn, rồi Ma-hô-mết sau khi chuẩn bị đầy đủ tinh thần, hít một hơi dài không khí bụi bặm ngoài lộ, đoạn nín thở cầm cây cọc ấy chạy vào, đóng hối đóng hả xuống giữa bãi rác, xong chạy ra vừa kịp đúng lúc gần ngã quỵ xuống vì sắp chết ngạt.
Mấy người láng giềng quanh đấy nhìn thấy tấm bảng, có những phản ứng khác nhau. Một số phản đối, cười mũi: “Cái vệ sinh riêng mà giữ chưa xong, làm sao giữ vệ sinh chung cho được!” Số khác, tỏ ý thông cảm, gật đầu: “Đúng rồi, vì giữ gìn vệ sinh chung nên phải đổ dồn vào hết một chỗ cho tiện”. Tóm lại thì người tán thành và kẻ phản đối đều thấy hài lòng về chuyện đổ rác của mình.
Tấm bảng cắm ngày thứ nhất, có vẻ một sự can thiệp dũng cảm, nhưng qua đến ngày thứ ba thì lại ra vẻ trơ trẽn, buồn cười. Được chừng một tuần thì nó trở nên hết sức tội nghiệp. Ma-hô-mết rầu rĩ, kiếm một người khác chỉ dẫn, và anh ta rất hoan hỉ được người này viết cho một câu khá quyết liệt: “Không được phóng uế!!” để cắm bằng sự quyết tâm kinh khủng như lần thứ nhất. Nhìn mấy chữ đề, hàng xóm đều thấy yên lòng. Họ nghĩ rằng mình chỉ có đổ rác, ném đồ dơ bẩn, vứt xác chuột chết, hoặc là phân người, đôi khi tối tăm vắng vẻ lại ra đại tiện ngoài ấy, chứ có phóng uế bao giờ?
Sau khi nhận định liên tiếp hai phen về chuyện cắm bảng, tư tưởng của Ma-hô-mết trở nên đặc biệt bi quan. Rác cứ mỗi ngày mỗi cao, không có cách gì xô nổi, nói gì đến sự xây cất, điểm tô? Tấm bảng thứ ba vắn tắt và quyết liệt hơn, lại được dựng lên: “Cấm đổ rác”, cố gắng cải thiện thực trạng một cách hoàn toàn tuyệt vọng. Bởi vì, theo những quan niệm thông thường, chuột chết, phân người, vú giả, không thể gọi là rác được. Cho nên, với một lương tâm hết sức yên ổn, họ cứ ném mạnh các món đồ ấy ra trên nền đất mà không sợ làm trái ý chủ nhân. Tưởng cũng nên biết rằng các món này chiếm một số lượng đáng kể trong các sinh hoạt Sài Gòn ngày nay.
Cuối cùng, rác rưởi làm cho tiêu tan chút ít hy vọng còn lại nơi Ma-hô-mết. Vốn đã nhiều năm quen tính lợi hại, ông ta không thể nào quan niệm được mình chịu mua đất cho kẻ khác xài. Mỗi một cọng rác là một xúc phạm đối với tinh thần làm ăn của Ma-hô-mết, mà rác như núi non như là sự xúc phạm lớn như trời bể. Ma-hô-mết đành bán lỗ cho người Việt Nam có cặp một cái tên Tây, là Báp-tít-xi-ta Trần Ngọc Tẹo, vì y thực thà nghĩ rằng một người mang ở trên mình ngôn ngữ của hai quốc gia hẳn phải là người có nhiều kiến thức, đủ sức làm chủ một miếng đất trống kiểu đó.
Như một số người Việt Nam tự nhận khôn ngoan, và biết cách sống hợp thời, ông Tẹo không thích chính trị, không ưa quân sự, không thèm văn chương, chỉ thích có mỗi hai việc: làm giàu và đọc các sách kiếm hiệp. Ông đủ kinh nghiệm để hiểu trong các vật dụng hiện thời ở các thành phố, không có gì có lời cho bằng đất cát, và dù đất ấy là méo hay tròn, là dài hay ngắn, sình lầy hay cao ráo, rác rưởi hay trơn tru, ông đều mua tất, không cần so đo. Sự ngu dại nhất của kẻ tính toán khôn ngoan vẫn có giá trị hơn sự thông minh đặc biệt của kẻ vụng về, lẩm cẩm, đó là quan niệm về đời của Trần Ngọc Tẹo.
Mua xong, ông Tẹo cho bơm dầu hỏa vào số xác chuột, vú giả, vân vân, và theo như sách kiếm hiệp truyền dạy, ông bèn đốt hết như là “Hỏa thiêu Hồng Liên Tự” vậy. Làm đúng sách vở, cho nên ông Tẹo thành công. Ông cho đào sâu bốn góc thành bốn hố sâu, lùa hết tro tàn xuống đó, định bụng sau này sẽ trồng ở ngay mỗi lỗ một cây mận ngọt để đến mùa trái hái cho láng giềng mỗi người ít quả gọi là đền đáp công khó của họ đã từng tiếp sức với ông trong việc vun quén đất đai cho thêm phì nhiêu. Đoạn, ông mua dây kẽm gai rào hết ba mặt, chỉ còn một mặt sát cái vách ván của người láng giềng thì ông miễn rào, coi như an toàn. Nhưng cuộc đời thường tấn công chúng ta ở vào các điểm mà ta tin tưởng là vững chắc nhất.
Cho nên, sau một thời gian ngồi chờ giá đất cao lên, ông Tẹo để ý thấy miếng đất mình hẹp lại và cái vách ván của láng giềng như nới rộng ra, theo tỉ lệ thuận với cái mái tôn cũng được cơi thêm. Tất cả sự xâm lấn này đã được thực hành theo một kế hoạch tỉ mỉ, đúng là lối tằm ăn dâu, che đậy rất khéo bởi cái vách ván có vẻ sần sùi, nham nhở như không thay đổi nhưng cứ được xê xích dần ra cái nền trống, tương tự bộ mặt giả vờ đạo mạo hiền lương của gã thầy bói trong lúc hắn đang tìm mọi phương cách lấy tiền thân chủ. Sự ăn lấn này thực hiện xem ra lâu ngày mà không hề gợi được sự chú ý của Trần Ngọc Tẹo, đủ biết kẻ chủ trương nó phải là một tay bậc thầy.
Mà quả là bậc thầy thực. Vì đó là công trình của một vị giáo sư [1] chuyên dạy tư thục trên ba mươi năm - ông Lê văn Tính.
Chú thích:
[1] Trong chế độ cũ, các người giảng dạy ở cấp Trung học trở lên, gọi là giáo sư.