Chương 2

     ng Tính dạy học tròn chẵn ba mươi lăm năm, nhưng ta cứ kể là ba mươi sáu, để tránh thói đời xuyên tạc hay đổ thừa cho con số những cái ý tình bẩn thỉu hầu che đậy bớt tâm não ô uế của mình. Ra đời năm hai mươi ba tuổi, ông dạy đến năm thứ ba mươi hai thì tuổi vừa đúng năm lăm. Đối với một giáo sư trường tư, năm mươi là tuổi quá già. Già vì không còn đủ sức để chạy qua lại mỗi buổi nhiều trường ở cách xa nhau bốn, năm cây số, già vì không còn hơi phổi hò hét trong những lớp học đông đảo cả hàng trăm người, có khi nhiều hơn, và già vì không đủ sức giảng giải cho một lớp học có gần mười thứ trình độ khác nhau hiểu được bài vở, bởi vì các trình độ ấy đã đóng học phí đầy đủ. Trường tư không thích các người già cả, bởi vì giáo dục ngày nay không cần đến những kinh nghiệm là thứ chỉ có tuổi tác mới gây dựng được.
Bởi vậy, đến tuổi năm mươi, ông Lê văn Tính không cần tính toán cũng thấy số giờ của mình bị giảm xuống dần. Cuối mỗi niên khóa, cơ hồ các vị chủ trường muốn quên hẳn ông, và ông phải tìm mọi cách khéo léo nhắc nhở để họ sắp giờ cho ông vào niên khóa tới. Thông thường, họ tỏ ra quá đãng trí và ông phải nhắc đến lần thứ ba họ mới chịu biết là họ nhớ rồi. Để cho chắc chắn, khi niên học vãn, ông Tính lại đến thăm ông chủ trường, thăm ông hiệu trưởng, thăm ông giám học, ông tổng giám thị và cả nhân viên phụ trách phân phối chương trình. Ông phải chào họ từ lúc mới đến ngoài ngõ, sau khi đã lựa chọn giờ để khỏi quấy rầy một giấc ngủ trưa hay là một buổi cơm chiều. Đến tám giờ sáng, có thể là họ đang ăn điểm tâm và họ chưa kịp rửa mặt, chải đầu, họ sẽ khó chịu. Đến sáu giờ chiều, có lẽ là họ bận đi dạo phố chưa về, và tám giờ tối thì họ đang đùa với vợ, với con, đang bận xem sách kiếm hiệp hay bận đánh bài... họ sẽ gắt gỏng. Ông phải linh động chọn giờ đến thăm theo thói quen và tính khí từng người, sắp sẵn những câu rất khéo để khen con cái, gia đình của họ. Với ai, ông cũng nhận thấy họ hưởng được khá nhiều “phước ông bà”, với ai ông cũng kinh ngạc vì họ “trẻ hơn số tuổi nhiều lắm, nhiều không ai ngờ, thật vậy, thật vậy”.
Nếu dám thành thật với mình, ông Tính có thể nhận thấy các vị chức sắc của trường mà ông đến thăm đều tỏ thái độ nhạt nhẽo khi đón tiếp ông. Tuy vậy, ông không bao giờ dám nhìn nhận có điều ấy, nên không hề tỏ chút lo nghĩ nào về sự lãnh đạm của họ. Thực ra, mọi sự ân cần đòi hỏi gắn bó, và họ không muốn trả bằng giá đắt những món xã giao mà họ không cần. Ông Tính còn đến thăm họ một lần thứ hai vào giữa dịp hè - là tháng mà nhiều giáo sư tư thục đều nằm hồi hộp chờ đợi trong cảnh thất nghiệp một niên khóa mới mở màn - cốt để hâm lại cho nóng một bầu không khí bao giờ cũng loãng như nước ao bèo. Rồi tháng hè qua, sắp đến khai giảng, ông Tính lại đến thăm viếng một lần thứ ba, một lần quyết định để tự trấn an rằng mình quả có tên trong danh sách “giáo sư bổn trường” vào niên học tới. Từ năm ông đã rời tuổi năm mươi mà đổ xuống dốc gập ghềnh của tuổi năm mốt, năm hai, để rơi vào cõi suy yếu, ông Tính thấy các giờ dạy của mình thường nát vụn ra vì không trường nào chịu sắp giờ ông một cách tập trung cho tiện việc ông đi lại. Họ phải giành những khoảng trống thuận lợi cho các giáo sư ăn khách, cho các giáo sư còn nhiều hơi phổi, biết gào, biết thét và biết bông đùa. Những giáo sư già, son phai phấn lạt, đâu có hấp dẫn khách hàng!
Ông Tính chấp nhận mọi điều kiện ấy mà không than vãn vì ông không còn ai để nghe mình, kể cả học trò, bởi vì lỗ tai học trò ngày nay chẳng còn dùng để nghe lời thầy dạy. Vợ ông đã chết từ lâu. Con ông, vỏn vẹn một đứa con trai độc nhất, bây giờ đã có vợ rồi, và theo tục ngữ thì cái giường vợ bao giờ cũng gần hơn cái mồ cha. Ông Tính lại chẳng chịu tin ở trời, vì ông cho rằng nếu quả có ông trời thiệt thì bao lâu nay chắc hẳn ông nghe chán chê những nỗi đau khổ lầm than của nhân loại này và ông đã phải can thiệp, dù chỉ một lần. Ông Tính cũng không chắc gì ông Phật có thể tăng thêm giờ dạy của mình, dù giờ dạy ấy đã bị sụt lương hơn các đồng nghiệp đang độ lên chân. Như khá nhiều giáo sư khác, ông Lê văn Tính trọn đời chỉ tự an ủi bằng chữ cam chịu hết sức là tròn, tự che đậy sự thiếu thốn bằng một thể diện hết sức là kín, và thường tự dối rằng mình không có gì để đòi hỏi hơn nữa, mình đủ đầy rồi. Ở trong cuộc đời, cũng như trong sự giảng dạy, ông Tính hoàn toàn chấp nhận theo những ý kiến có sẵn. Chẳng hạn, gặp sách vở bảo: “Ái tình là nguồn đau khổ” thì giáo sư Lê văn Tính kêu lên: “Đúng rồi! Ái tình quả là nguồn gốc của biết bao nhiêu đau khổ trên cuộc đời này! Kìa chồng xa vợ, anh xa em, bạn bè xa nhau cũng bởi vì tình! Ái tình đưa đến tan rã, chia ly, dao găm, a-xít, bệnh viện, nhị tỳ! Ái tình thật đau khổ vậy thay!” Giáo sư Tính sẽ hít hà để mà kết luận như vậy. Nhưng nếu sách vở lại bảo: “Ái tình là nguồn hạnh phúc” thì chắc chắn là chúng ta sẽ gặp ngay giáo sư Tính kêu lên: “Phải lắm! Ái tình tạo ra biết bao vui sướng trên cuộc đời này. Ái tình làm cho thương nhau nên mới lấy nhau, lấy nhau mới đẻ con cái, con cái sinh ra cháu chắt chít chiu, làm nên đông đảo loài người. Ái tình buộc phải chưng diện nên mới sắm thêm quần áo, cần phải nhậu nhẹt nên mới sửa thêm cửa tiệm, cần phải ăn nằm nên mới tạo ra chiếu giường. Ái tình tạo ra xa lộ Biên Hòa, bệnh viện Từ Dũ, nhà thương Chợ Rẫy và các món vải ni lông đủ các sắc màu... Ái tình quả là hạnh phúc vậy thay!” Nói chung, ông giáo sư Tính được kể vào cái đội ngũ đông đảo những người gọi là trí thức được sinh ra đời để chờ minh họa một cách hả hê ý kiến kẻ khác, khi ý kiến ấy có vẻ là của bề trên, thuộc loại ý kiến chính quy, và Lê văn Tính có đủ tất cả ý kiến, trừ ý kiến của ông ta.
Vào năm năm mươi ba tuổi, ông giáo sư Tính thấy mình mệt mỏi lắm rồi. Sau một buổi dạy, cổ ông khô đắng, ông uống liên tiếp nhiều chén trà lạt ở tại văn phòng nhà trường mà không thấy mình dễ chịu chút nào. Tuy vậy, nước trà không phải bao giờ cũng có dồi dào: các đồng nghiệp trẻ hơn ông, lanh lẹ hơn ông, lại dạy những lớp gần với văn phòng đã tỏ tấm lòng chiếu cố sốt sắng đặc biệt đến các bình nước. Nhiều khi đến lượt ông nhấc bình lên, ông thấy nó nhẹ một cách đáng ngại, nhưng vẫn tự dối rằng nó còn đủ cho ông uống qua cơn khát, và mãi khi nghiêng chúi hẳn bình xuống mà chỉ ri rỉ vài giọt lợn cợn ông mới bắt đầu bàng hoàng vì thấy tuyệt vọng thật sự. Ông không dám gọi một ly nước chanh, hay chai lave ở gian hàng nước trước trường như nhiều giáo sư cóvẻ sang trọng, giàu có hơn ông thường uống trước khi vào dạy, sau khi dạy xong, hoặc cả những khi đang dạy. Ông đặt mình xuống ghế gỗ, nghe đầu choáng váng, lỗ tai vần vù, không còn phân biệt những tiếng cười nói của các đồng nghiệp ở chung quanh mình. Thỉnh thoảng, ngẩng đầu nặng nề nhìn lên, ông lờ mờ thấy loáng thoáng những tà áo màu của các đồng nghiệp phái nữ ơ trước mắt mình và ông khó chịu nghĩ rằng sao họ không chịu ngồi thật yên lặng như ông, hoặc như một kiểu mẫu người đàn bà theo ông quan niệm, nghĩa là một bức tượng đá thực sự. Trong cái thời khoảng của một đầu não rã rời từ chối mọi sự suy nghĩ, ông Tính bỗng giật mình lên vì nghe chuông reo báo hiệu giờ chơi đã tàn. tiếng chuông ngân dài, gay gắt, nhức nhối, chà xát tâm não của ông và khi nó dứt, ông bị ném vào một sự sợ hãi lạ lùng. Đúng hơn, đó là một nỗi kinh hoàng pha trộn ghê tởm của một con người bị đẩy vào một việc làm nặng nhọc mà mình nhìn thấy như một tai nạn không có lối thoát. Viễn ảnh những giờ nóng bức trong một lớp học đông đảo, chật chội, với đám học trò bất trị có cả trăm cách gây nên ồn ào, những giờ kéo dài tưởng như không bao giờ dứt, làm cho ông muốn bỏ trường chạy vút ra ngoài như trốn một cảnh tù ngục. “Thảo nào có những giáo sư trường tư nổi điên, và khi nhìn thấy học trò bỗng kêu hoảng lên rồi cắm đầu chạy”. Ông tự nhủ thầm như vậy, và thấy bây giờ mình mới thật hiểu căn bệnh của những người ấy một cách thấm thía, vào lúc năm mươi ba tuổi.
Khi các đồng nghiệp đứng lên, ông vẫn ngồi yên trên ghế, cố nán thêm giây phút nữa. Có vài giáo sư nôn nóng vào lớp ngay khi tiếng chuông chưa dứt. Họ là những người rất trẻ, mới bước vào nghề, còn ham hố nói tất cả những điều mình biết và cả những điều mình không hề biết, với nhiều ảo tưởng về năng lực mình. Có những giáo sư ngồi nhìn qua lại đợi chờ đồng nghiệp đứng lên khá đông mới chịu uể oải đứng dậy, không muốn tỏ ra yêu nghề một cách nồng nhiệt mà cũng không muốn nhà trường lưu ý về sự trễ nãi của mình. Ông Tính thuộc về lớp ấy, trừ những hôm nào quá sức nhọc mệt, tự thôi thúc mình nhiều lần mà vẫn không đứng dậy nổi. Vào những trường hợp như thế, phải đợi cho các đồng nghiệp gần ra khỏi phòng ông mới hoảng hốt đứng dậy, đi vội lại một chiếc bàn kề cửa ra vào, quờ quang chọn ít viên phấn rồi lại lật đật bước ra, lấy sự gấp rút làm một động lực xô đẩy mình đi khỏi phải ở mãi trên chiếc ghế nhỏ như sự lưu giữ của một nắm mồ. Có những trường học ít có giáo sư mới bước vào nghề, sau lúc chuông reo rất lâu, hầu như không ai muốn đứng dậy cả. Kẻ đứng lên trước được xem như một loại người đáng ghét, một loại ngu ngốc hay là dơ bẩn. Ngu ngốc vì không biết giữ gìn lấy sức khỏe mỗi ngày mỗi một suy tàn mau chóng của kiếp giáo sư. Dơ bẩn vì làm như thế có lẽ là hắn muốn nịnh chủ trường, muốn tỏ ta đây là có trách nhiệm hơn đám đồng nghiệp. Thông thường họ cứ dòm ngó lẫn nhau, và nếu có kẻ đứng dậy trước hết thì không phải y đi lại bàn phấn mà là vào trong cầu tiểu, hay lại bàn nước nhẫn nại uống thêm một tách, hai tách hoặc hút sòng sọc một điếu thuốc lào cạnh cái đèn dầu nhỏ bé đặt sát bình trà. Nếu viên giám học hay viên hiệu trưởng có giờ để dạy thì các vị này bao giờ cũng là những kẻ dẫn đầu cho sự đứng dậy, nhưng họ vẫn biết cân nhắc cái phút giã từ ghế gỗ một cách phải chăng để khỏi phật lòng mọi người vốn chỉ có một nguyện vọng là được ngồi mãi mà vẫn lãnh lương đầy đủ.
Sau một ngày dạy như vậy, ông Lê văn Tính ra về không còn đủ sự tỉnh táo để thấy cái vui của kẻ làm tròn bổn phận, hoặc là cái mừng đã được phần nào thoát nạn. Không, ông chỉ thấy sự mệt mỏi và sự ê ẩm mỗi lúc mỗi nặng nề hơn khiến ông phải chống chọi lại trong từng bước đi gắng gượng để giữ một vẻ chững chạc bên ngoài. Nếu phải chấm bài đến khuya, ông Tính thường ngủ gục trên đống giấy đầy những nét chữ nguệch ngoạc của học trò mình. Cặp mắt của ông bây giờ không chiều theo ý ông nữa, nó cũng hóa vô kỷ luật như bọn học sinh ngồi dãy cuối lớp. Do đó, khi ông muốn thức thì nó muốn ngủ, và sự mở, nhắm của nó không còn tùy theo nhu cầu công việc mà hoàn toàn theo sở thích tâm hồn, một cái tâm hồn luôn luôn chỉ chực thiếp đi trước các chồng bài cao nghệu. Buổi sáng, ông giáo sư Tính có thể thức dậy khá sớm, nhưng không thể nào ngồi lên cho mau chóng được, mặc dầu ở cái văn phòng bó hẹp của ông không có các vị đồng nghiệp nào khác để cùng trì hoãn với nhau cho được một dạ một lòng. Ông cảm thấy sự bải hoải khắp người, trong đó ý thức đã tách rời khỏi sinh lực và thân thể ông bây giờ mới đúng theo sách vạn vật là chịu chia ra làm đủ ba phần, nên không phần nào chịu sự can thiệp hữu hiệu của một phần nào. Mãi cho đến khi đồng hồ gõ lên những tiếng báo động tối hậu mà mọi trễ nãi đều bị rút hết giấy phép, ông Tính mới bị lôi dậy như sức điện truyền và ông chua chát hiểu rằng sinh kế cuộc đời từ lâu đã là lý tưởng cao nhất của ông thực sự chỉ là trói buộc chứa đầy tủi nhục, nhưng ông không chịu thừa nhận một cách thẳng thắn điều đó với mình. Rồi ông rửa mặt vội vàng, mặc đồ vội vã, ôm cặp gấp rút, leo lên chiếc xe gắn máy cà tàng, vừa thở phì phì vừa đạp cho nổ, chậm rãi một cách lo âu đi thẳng đến trường. Nếu cái máy xe không trở chứng gì khó chịu, hoặc những người đi ngoài phố không cùng rủ nhau kẹt lại quá đông thì giáo sư Tính có thể còn đủ ít phút để nghĩ đến sự lót lòng. Sau khi đã đưa xe vào một góc sân trường và khóa cẩn thận trên một ống sắt khá dày kẹp cứng bánh xe với giàn xe, ông bước ra một quán cóc, lựa một bàn nào không có đồng nghiệp để khỏi có sự thù tạc lôi thôi và uống ly cà phê nhỏ - một cái “xây chừng” - nói như tiệm nước quen dùng.
Cứ cái điệu ấy, ông Lê văn Tính dạy đến năm năm mươi bốn tuổi trời thì ông càng mệt mỏi hơn và nhiều khi dạy trọn buổi ông cũng ngạc nhiên không hiểu sao mình có thể vẫn còn bình yên để mà về nhà giữa lúc ngực nóng, tai ù. Ông không dám tưởng tới sự nghỉ dạy. Đối với một giáo sư già trường tư, nghỉ dạy đồng nghĩa với chết. Nếu có dành dụm đồng nào, ông để dành ăn trong dịp nghỉ Tết, nghỉ hè là những thời gian không có huê lợi nào khác là sự ở không, hoặc để uống thuốc, mua sắm cho con, cho cháu. Bây giờ già cả, không thể xoay theo nghề khác. Bỏ dạy là rời sự sống, dù sự sống ấy vô cùng cực nhọc đối với buồng phổi đã kiệt quệ rồi, đối với cổ họng đã gần tê liệt, đối với cặp mắt đã đuối mờ rồi. Ông Lê văn Tính phải cố bám vào sự dạy như kẻ bị nước cuốn trôi bám vào một mảnh ván mục. Trước mặt chủ trường và các giám thị, ông vẫn tỏ ra là một người rất quắc thước, nhưng với học trò ông không giấu mãi được sự suy nhược của mình, qua cái giọng nói khàn khàn, qua sự giận dữ bất thường, qua cái trí nhớ nhiều khi bỗng thành lười biếng một cách đột ngột, giấu phắt nửa chừng các đoạn trích dẫn hoặc những sự việc mà lúc ban đầu ông đã đưa ra một cách tin tưởng.
Một buổi sáng nọ, ông Lê văn Tính không ngồi dậy được trên giường. Những tiếng đồng hố cuống quýt cũng không hối thúc ông nổi. Ông vật vã, cố lê mình dậy, nhưng thấy mình đã chịu thua mình rồi.
Ông tự nhủ thầm: “Chết cha! Bỏ dạy rồi sao?” Và càng vật vã nhiều hơn, ông không sao khuyến cáo nổi một cái cơ thể mệt mề đến độ cùng cực. Ông muốn ngồi dậy một cách đường hoàng, nhưng lại lảo đảo ngã xuống và càng hốt hoảng hơn lên trong cái ý nghĩ bỏ dạy. Hình ảnh những đứa học trò đập ghế, đập bàn, huýt còi, văng tục, nhốn nháo trước những giám thị mặt mày sưng sỉa, hoặc nhàu nát như bị rách, làm ông lo âu. Và giữa sự khủng hoảng ấy, hình ảnh của ông chủ trường hiện lên với cái sắc khí hầm hầm không nói không rằng lại càng đáng ngại hơn nữa: “Thằng cha Tính này đã hết xài rồi! Không còn dạy dỗ gì được!” Liệu ông chủ trường có nghĩ nặng hơn vậy chăng? Chao! Sao ông lại đâm ra đau ốm giữa lúc này? Sao ông không đợi nghỉ hè, nghỉ Tết, những dịp chính phủ ra lệnh đóng các cửa trường trong một thời gian để tránh tình hình xáo trộn mà đau có phải hơn không? Ông sẽ được nhịn mọi thứ một cách chính thức, kể cả nhịn ăn, và ông sẽ bớt ưu phiền. Đáng lẽ cơ thể của ông phải hiểu rõ rằng giáo sư tư thục không được có quyền nghỉ ngơi ở trong niên khóa, và chưa bao giờ có một qui lệ cho phép họ được nghỉ một số ngày nào đó để mà tự do đau ốm, tự do đau khổ về việc gia đình. Cho dù phải bị trừ tiền, họ cũng không được nghỉ ngơi quá lâu, nếu họ không muốn có người thay thế vĩnh viễn. Ông Lê văn Tính tự chửi rủa mình nhiều lần mới chống tay ngồi dạy được trên chiếc giường gỗ, giống như con tàu quay cuồng giữa cơn sóng bão và ông phải cố gợi lại hình ảnh của cơm, của áo, của nhà cửa và thuốc men mới tìm đủ can đảm viết một lá thư cho ông hiệu trưởng, cho ông giám thị và ông giám học với những lời lẽ vắn tắt, ôn tồn, một hai xác nhận rằng ông chỉ đau ốm xoàng và ông sẽ đi dạy ngay, sẽ không nghỉ thêm một ngày nào nữa, ông sẽ dạy bù lại cả, ông chẳng bao giờ muốn làm phiền muộn mọi người... Sau khi nhờ người con trai trong lúc đi làm ghé tạt qua trường đưa hộ lá thư, ông lại cảm thấy hối hận nhiều hơn về sự đau ốm của mình và cứ nằm suy đoán mãi về các vẻ mặt những người tiếp nhận mảnh giấy của ông.
Ông thừa hiểu rằng dù sẽ trừ tiền trong các giờ giáo sư nghỉ, nhiều vị chủ trường vẫn có quan niệm quái gở rằng các giáo sư thường bày vẽ ra những chuyện ốm đau để phá hoại trường, khó dễ chủ trường, hơn là cơ thể của họ chứa chấp bệnh hoạn. Bởi vì, họ càng không nên có bệnh là tốt hơn hết. Giáo sư trường tư, trong sự đau ốm bị thiệt hai lần, đó là tiền thuốc, và tiền dạy học, vậy thì dại gì mà còn sinh chuyện ốm đau kia chứ?
Qua ngày hôm sau, ông Lê văn Tính gắng gượng đến trường trên hai ống chân lẩy bẩy. “Nếu mình nghỉ thêm được một ngày nữa...”, đó là ao ước thầm kín của ông. Nhưng biết phận mình không còn được sự yêu chuộng như lúc thịnh thời, nếu gây phiền phức cho trường có thể số giờ sang niên khóa khác bị giảm hẳn xuống quá nửa hay bị rút hết không chừng, ông không dám mơ tưởng thêm một ngày nghỉ ngơi, như một người nghèo mạt kiếp hối hận vì đã mơ tưởng một sự tiêu hoang không bao giờ có. Khi ông vào lớp, học trò không hỏi thăm ông được một câu nào. Có lẽ, chúng mong ông nghỉ thêm vài hôm nữa. Đau gì mà chỉ ở nhà có mỗi một ngày? Ước sao có một đứa hỏi “Thầy đau, hả thầy?” thì ông sẽ được an ủi ít nhiều. Nhưng giáo sư Tính biết rằng mối tình sư đệ ngày nay khan hiếm lắm rồi. Minh tinh màn ảnh cùng tiểu thuyết nhảm giành hết nhiệt tình của chúng, và khi quay về các ông thầy dạy chúng chỉ thấy có hình ảnh nhạt nhẽo của một kỷ luật lỗi thời và những giáo điều khô khan.
Lúc bước lên kệ, định quay xuống phía học sinh, ông giáo sư Tính bỗng thấy đau nhói ở ngực và có một sự ớn lạnh toàn thân rồi cả cơ thể như vo tròn lại. Ông đưa cánh tay vịn lấy bảng đen, nhìn thấy học trò xóa nhòa như đám sương mù lỗ chỗ những vết đen trắng, rồi một tiếng ho đột ngột bắn tung ra khỏi lồng phổi. Ông kịp giữ lại trong miệng một sức nước trào nóng hổi và cắn răng nuốt ực xuống như nuốt một liều thuốc đắng.
Khi ông ngẩng lên, ông nghe mấy nữ sinh dãy bàn đầu kêu lên:
- Xem môi thầy kìa! Đẹp chưa!
Một đứa nói lớn:
- Thầy tô son môi, thầy làm dáng quá!
Và những tiếng cười khúc khích tiếp theo, rồi tiếng vui nhộn ào lên, trong đó ông nghe nhiều đứa tru tréo: “Chu choa! Thầy tôi làm dáng! Sơn môi đỏ choét! Già rồi thầy ơi! Thầy ơi! Thầy ơi...” xen lẫn với tiếng vỗ bàn rầm rập.
Ông Lê văn Tính mím môi, cố liếm cho sạch chất đỏ, nghe một vị mặn có mùi tanh nồng. Ông đưa cánh tay run rẩy ra làm hiệu lệnh im lặng một cách vô hiệu, và khi cánh tay buông xuống ngoài sự điều khiển của mình, ông chỉ kịp chồm bước tới ngồi phịch xuống ghế, mệt gần đứt hơi. Lúc tiếng ồn ào bỗng nhiên dịu bớt, ông mới ngẩng đầu nhìn lên, lờ mờ thấy hai khuôn mặt giám thị cau có hiện ngoài khung cửa.
Mấy tuần sau đó, ông giáo sư Tính một buổi sáng dậy nằm liệt trên giường. Qua một sáng khác, ông vẫn không sao dậy nổi. Liên tiếp hai ngày ông chỉ còn đủ sức khỏe viết được mấy hàng cho ông hiệu trưởng, đại khái xin lỗi về sự ốm đau và xin hứa hẹn ngày mai, ngày mai nhất định, ông sẽ đến lớp như thường. Qua ngày thứ ba thì ông vẫn không dậy được và cũng không viết được một dòng nào. Rồi ngày thứ tư và ngày thứ năm, cũng lại như thế. “Ngày mai, ngày mai nhất định, tôi sẽ có mặt ở lớp...”, ông đã không giữ được lời hứa hẹn, và mười ngày sau, khi ông chống tay run rẩy ngồi được trên chiếc giường gỗ để mừng một đồng nghiệp già tới thăm, ông tiếp một cái tin buồn: nhà trường đã tìm một người thay thế ông rồi, một giáo sư trẻ, có nhiều tiếng tăm, thường thấy đăng tên quảng cáo trong các khóa dạy chuyên tu ở mục “rao vặt” của các nhật báo, bên cạnh thuốc dán, thuốc xổ, thuốc chữa hôi nách, cùng các loại thuốc chuyên làm mọc tóc, mọc lông...
Người bạn già bước về rồi, ông giáo sư Tính nằm vật ra giường như một xác chết. Nhưng rủi ro thay, ông không được chết để hưởng một sự phúng điếu của các đồng nghiệp như lệ nhà trường vẫn làm, kèm theo một bài điếu văn lâm ly do một giáo sư Việt văn có uy tín nhất đọc trước mộ huyệt. Ở xã hội này, người ta chỉ tỏ ra rất chí tình đối với người chết, và những danh từ hoa mỹ bậc nhất vẫn thường dành riêng để tặng hậu hĩ cho người quá cố. Còn người bệnh hoạn, có một triển vọng đói khát kéo dài như giáo sư Tính thì hãy cứ nên bình tĩnh chờ đợi một ngày đi chôn không có đồng nghiệp đưa tang. Đồng nghiệp chỉ có bổn phận với người bị chết giữa lúc đang còn hành nghề, chứ không cần có cảm tình với kẻ thất nghiệp. Trong khi kế thế những giờ bỏ trống của kẻ qua đời, ít nhất họ cũng tỏ lòng tri ân, cho hợp với lẽ công bằng.
Ông giáo sư Tính ở trong tình trạng vất vưởng như thế không biết mấy ngày. Ông sẽ không lưu ý đến thời gian, nếu không có sự thay đổi đột ngột ở trong thức ăn buổi sáng thường lệ của ông: đồng bạc bánh mì và chén sữa loãng do người con dâu phục dịch đã được thay thế bằng đồng bạc xôi, lớn gần ba tàn xì-gà vứt ở dọc đường phố lớn. Người con trai ông giải thích lý do lâu nay gã không còn mua sữa được. Có lẽ sữa không hợp với tạng chất dân nghèo nên các nhà giàu đã tích trữ hết. Và những người nghèo đa sự, có những đứa trẻ thèm sữa một cách dại dột, nên mua sữa bằng một giá chợ đen cắt cổ. Suy ra như thế cũng là một cách phục vụ dân nghèo. Bởi vì, có bị mua giá quá đắt chúng mới không dám học đòi uống sữa. Nhưng khi con trai ông Tính bị đi quân dịch, thì hai ngày sau, đồng bạc xôi cho ông Tính cũng biến mất. Ông giáo sư già trước tuổi, chờ đợi mỏi mệt thức ăn thường lệ, và khi nghe tiếng đồng hồ điểm mười giờ sáng thì ông biết rằng từ đây ông đã trở thành một vật vô dụng, hơn thế, một loại báo hại đối với gia đình con cái. Sau bao nhiêu năm vắng mặt, bây giờ hai giọt nước trong veo teo tóp tích tụ khá lâu ở nơi khóe mắt mới đủ sức nặng rơi xuống gò má nhăn nheo, ghi một vệt ướt giữa lớp da đã khô cằn.
Cuối cùng, ông Lê văn Tính không dám nhìn thẳng vào mặt con dâu, trong những bữa cơm. Ngày nào ông thấy mình luôn có lỗi với các hiệu trưởng thì bây giờ đây ông lại cảm thấy có lỗi với vợ của con trai mình. Bắt nó nuôi cơm, nuôi thuốc hàng ngày, ông phải làm gì để giúp đỡ chúng? Già yếu, bệnh hoạn, thất nghiệp, ông đã hết cả khả năng.
Nhưng một buổi sáng, nhìn ra cái nền đất trống của Gioan Báp-tít-xi-a Trần Ngọc Tẹo, ông Tính nảy ra một ý thuộc về hệ thống mới lạ chưa hề có trong tâm não của mình. Ông bảo con dâu:
- Nhà mình quá chật. Để ba nới rộng thêm ra một ít.
- Làm sao mà nới rộng được? Khéo vẽ!
- Được mà!
Rồi ông hí hoáy tháo từng tấm ván thông nhỏ, ghi dấu bằng bút chì màu cẩn thận như một họa sĩ thuộc phái tả chân vẽ tranh triển lãm, lại đóng, lại tháo nhiều ngày để cuối cùng cơi thêm được một khoảng vừa đủ kê cái giường ngủ của ông. Ở trong thâm tâm, giáo sư Lê văn Tính muốn chứng tỏ rằng ông đã tự túc được một chỗ nằm, khỏi phải phiền quấy đến sự chật chội của nhà con ông, tuy ngôi nhà ấy từ xưa đã do tiền bạc phần lớn của ông xây cất. Dù sao trong những ngày tàn, nhờ công việc này mà giáo sư Tính bỗng khám phá được rằng ông có tài về môn toán học hơn các môn khác. Giá ông biết khai thác năng khiếu ấy từ lúc vào nghề thì chắc bây giờ ông khỏi băn khoăn về khoản chạy tiền để mua một cái lỗ huyệt phòng hờ về sau. Sự tiết lộ chậm trễ của bản thân ông về cái khả năng toán học quả không cứu vãn được gì cho sự nghiệp ông, ngoại trừ mấy thước đất trống ăn bớt của người láng giềng vắng mặt. Ông Tính sẽ còn khuếch trương hơn nữa biên giới của bức tường ván, nếu vào một hôm, ông Trần Ngọc Tẹo không kịp hoảng hốt nhìn thấy ngôi nhà láng giềng chồm sâu trong nội địa mình. Lập tức, ông Tẹo nghĩ ngay hai cách đối phó: một cách ngắn hạn là ông chặn đứng mọi sự xâm lăng bằng một hàng rào kẽm gai mà ông đã cố tiết kiệm ngày nào, và cách dài hạn là nghiên cứu ngay một sự xây cất có lợi để miếng đất khỏi sống trong tình trạng hớ hênh rất là nguy hiểm.
Sau khi hàng rào ấy được thiết lập một cách kiên cố, thì giáo sư Tính lâm bệnh khá nặng, và ít ngày sau thì ông qua đời. Có lẽ ông không còn chỗ mở mang thêm khả năng mình, cũng không còn gì để ham hố nữa. Và ông Ngọc Tẹo chẳng bao giờ ngờ rằng mình đã dùng kẽm gai kết liễu nhanh chóng cuộc đời hiền lương, mẫu mực của một nhà giáo từng phục vụ nghề trên ba mươi năm, chưa bao giờ dám xin phép nghỉ ngơi một tuần ròng rã, cũng chưa bao giờ bất kính dám mở cái miệng mô phạm để đòi tăng thêm tiền giờ.