Chương 3

     ề cái biện pháp thứ hai, là sự xây cất, ông Tẹo tìm hỏi ý kiến một người bà con bên vợ là ông Tám Tàng, thuộc loại quân sư, “cố vấn sinh hoạt”, chuyên bán ý kiến tạp nhạp về đủ mọi ngành, mọi nghề, để lấy la-ve, củ kiệu dùng ngay tại chỗ. Sau khi quan sát tình hình, Tám Tàng vừa nhậu vừa bảo:
- Đất này mà mở một nhà bảo sanh, thì hốt bạc cắc. Cứ xem chung quanh, có biết bao nhiêu phụ nữ lẳng lơ mà có cái nhà thương đẻ nào đâu? Đại phàm bị một chuyện gì thôi thúc mình còn cắn răng nín được, nhưng còn đau đẻ thì có trời can cũng cứ chịu thua. Mở nhà bảo sanh, ở địa điểm này, là coi như nhốt hết các bà chửa quanh vùng vào đó. Thử hỏi, đến hồi đau đẻ, họ chạy đi đâu cho thoát?
Ông Tẹo tán thành ý ấy và nhìn thấy trước viễn ảnh phát đạt của nhà bảo sanh tương lai. Ông đem dự định thảo luận với vợ, và bà Tẹo đang có chửa vào tháng thứ năm, lấy làm vui vẻ tiếp nhận ý kiến của chồng. Bà nghĩ rằng xây cất xong, bà sẽ có dịp long trọng khai mạc nhà bảo sanh ấy một cách cụ thể, để làm gương cho những phụ nữ khác noi theo.
Người ta bèn xây một nhà hai tầng. Ở dưới có một văn phòng để tiếp các bà sản phụ xem thai và tám căn buồng, mỗi căn vừa đủ kê giường cho người đẻ nằm, với một chiếc bàn rất nhỏ để chai và chén, kèm một hình vẽ ông tướng nhà trời mặt mày vằn vện để uy hiếp sự rặn đẻ cho mau thông suốt. Một cái thang gác xây bằng bê tông cốt sắt cho thật kiên cố chạy rất xuôi dài để đưa các bà bụng mang dạ chửa lên cao trong sự bảo đảm hoàn toàn. Thang gác lại có tay vịn rất thấp và chắc, điểm từng trụ nhỏ để có bà nào leo thang quá mệt có thể bấu víu vào đó mà thở cho được bình an. Ở trên, tương đối mát hơn, chia làm mười hai phòng nhỏ, sáu phòng có cửa mở về hướng đông, sáu phóng có cửa mở về hướng tây. Như thế sản phụ có thể ngắm mặt trời mọc hay lặn để quên bớt sự đau đớn. Đó cũng là một phương pháp tối tân, loại đẻ không đau, theo cách khai thác thiên nhiên, vay mượn rất nhiều phương pháp tìm hứng của các thi sĩ. Với mười tám phòng, ông Tẹo tin rằng có thể cung cấp chỗ nằm đủ cho cả ngàn phụ nữ trong xóm, kể cả những người có chồng, hoặc không có chồng rõ ràng.
Để làm vẻ vang cho cơ sở mói, ông Tẹo dựng một bảng hiệu khá lớn, sơn màu thiên thanh là màu hi vọng - hy vọng chóng giàu hơn nữa - với cái tên đề rất ư khuyến khích: Bảo sanh Đại phước tô bằng chữ vàng, tròn cạnh, y hệt như các thoi vàng năm lượng do các máy bay mang lậu từ Hồng Kông về.
Đến ngày khánh thành, ông Tẹo hân hạnh đón tiếp một người đàn bà đầu tiên hăm hở đến đẻ nhưng không trả tiền, đó là bà Trần Ngọc Tẹo. Bà Tẹo đẻ đứa con thứ mười bốn nên xem chẳng khó khăn gì, cũng chẳng cần ngắm mặt trời, vì đẻ vào lúc nửa đêm. Tóm lại, một sự khai mạc dễ dàng như vậy không thử thách được khả năng của các cô đỡ nên xem bà Tẹo không mấy hài lòng. Nếu bà đẻ được khó khăn như lần thứ nhất, vừa chửi vừa rủa ông Tẹo không thiếu lời thô tục nào, vừa huy động được toàn thể chuyên viên đỡ đẻ nhốn nháo túc trực quanh mình, thì sự khai mạc có thể gây nên đình đám xôm trò, hơn cả quảng cáo rùm beng trên báo hay trên màn ảnh. Nhưng sau bà Tẹo hầu như không có ai chịu hưởng ứng. Ông Tẹo đi rảo quanh xóm, sốt ruột nhìn ngắm nơi bụng các bà một cách tuyệt vọng. Mọi người có vẻ phớt tỉnh, với cái bụng kém nở nang, với cái dáng đi không có gì là nặng nề và ông Ngọc Tẹo lấy làm xót xa hết sức cho sự lười biếng sinh đẻ của dân tộc mình. “Cái họa diệt vong coi như cầm chắc, cầm chắc...” ông Tẹo nhủ thầm, và bận tâm về quốc gia xã hội như nhiều chính khách đột ngột lo đến nước nhà, qua cái mức độ sinh lợi bỗng nhiên sút kém của gia đình mình.
Quang cảnh của nhà Bảo sanh Đại phước hết sức tiêu điều và các cô đỡ lộ vẻ chán nản rõ rệt. Nhiều cô ăn xong, lên giường nằm dài nghỉ ngơi và thở sườn sượt như người sản phụ mệt mỏi. Ban đầu, họ còn hài hước độn gối tai bèo vào bụng, giả làm các bà sắp đẻ, rồi gào lên chửi bậy bạ người chồng tưởng tượng để sau đó cười ầm ĩ với nhau cho qua những phút nhàn rỗi. Nhưng cái trò ấy không thể đùa dai và dễ đem lại kết quả buồn thảm về mặt tâm lý, họ bỗng ao ước được đẻ thật sự, nhưng có hô hào đến bao nhiêu nữa cũng chẳng có gì để đẻ. Chán rồi, họ ngủ thiếp đi trên các giường sắt và khi ông Trần Ngọc Tẹo chân ướt chân ráo đến thăm, hí hởn mừng hụt, lầm tưởng bà con lối xóm bắt đầu chiếu cố thiết thực cơ sở kinh doanh khai thác của ông.
Giữa lúc ông Trần Ngọc Tẹo định phát động một chiến dịch quảng cáo cho thật rầm rộ, vừa kêu gọi các thân bằng quyến thuộc đến đẻ với giá hạ thấp sáu mươi phần trăm, thì ông thấy nhiều cơ sở cao lớn được xây cất lên với chữ Bảo sanh lồ lộ như sự khiêu khích ngang tàng. Những tòa nhà này kiến trúc đẹp đẽ với lầu năm tầng - làm như các đàn bà chửa thích chuyện trèo cao - và trang bị nhiều máy móc tối tân như lời quảng cáo đăng trên báo chí và dán ở các trụ đèn. Tất cả mặt tiền đều bằng đá hoa bông lợt với những cửa sổ xanh lơ và những cửa kiếng long lanh trông thật ưa nhìn. Ở trong có phòng máy lạnh, giường đều lót nệm, đủ chỗ rộng rãi cho mẹ, cho con và cả cho cha chúng nó đến nằm canh chừng. Nhìn cái tủ kính đồ sộ chứa đầy hộp thuốc đủ loại nhưng khóa rất kỹ nên không ai biết bên trong có thuốc hay không, và nhiều chậu bằng thủy tinh đựng nước vàng hoe trôi nổi bập bềnh những cái bào thai như muốn gợi cảm cho những cô nàng chưa quen với chuyện sinh con. Có những lồng kính ở trong nhốt những đứa trẻ đỏ lói, nhỏ chút, sinh nở thiếu tháng nhưng được nuôi dưỡng bằng những ống chuyền ăn thông ra ngoài để chờ cho nó đủ ngày... Trên các bức tường có nhiều hình vẽ ruột gan đàn bà lằng nhằng, ngóc ngách, chứng tỏ chửa đẻ là sự khó khăn cần phải đưa đến ngay tại nơi đây săn sóc. Các ruột gan ấy có nhiều mũi tên chạy ra, đâm vào các chữ khá lớn chung quanh, như tuồng chữ nghĩa cũng là kẻ thù của đàn bà đẻ.
Xem qua một lượt bên trong các tòa nhà ấy thì thấy sự sinh đẻ cũng công phu nhiều và lý thú lắm. Nhiều bà, nhiều cô sau khi vào coi cho biết, đều tỏ ý muốn thử đẻ một chuyến xem sao. Ông Trần Ngọc Tẹo có đủ khiêm tốn để hiểu Bảo sanh Đại phước của ông, dầu được cổ động bao nhiêu cũng chẳng có ai chịu đẻ, kể cả đẻ không mất tiền, hay là theo lối mua một biếu một như dầu cù là. Thái độ khôn ngoan cao nhất ở đời là phải nên biết rút lui cho sớm, khi mình không thể tới được. Đó là châm ngôn của những người tướng cầm quân, của những chính khách, của những chàng trai hỏi vợ, và của ông Tẹo. Lập tức, ông đi thỉnh vấn TámTàng để có dịp quy trách nhiệm về sự thất bại vừa rồi. Tám Tàng vội vàng cắt nghĩa ế ẩm là do xây cất ngôi nhà Đại Phước mà không tra cứu lịch Tam Tông Miếu, rồi giúp ông Tẹo mở một lối thoát bằng lời khuyên nhủ như sau: mở ngay một trường có cả mẫu giáo, tiểu học và cả trung học. Học trò sẽ học từ nhỏ đến lớn ở tại trường mình, khỏi cần đi đâu cho mệt. Đã có các nhà bảo sanh đồ sộ mọc ở chung quanh cung cấp học trò lai rai, dạy hoài không hết, thế nào cũng phát đạt to.