Chương 4

     ng Trần Ngọc Tẹo cho rằng từ nhà bảo sanh chuyển sang trường học là một phát triển hợp lý, không có gì trái ngược cả. Hơn nữa điều khiển trung tâm giáo dục cũng vẻ vang hơn điều khiển trung tâm sinh đẻ. Về mặt kiến trúc, ngôi nhà Đại Phước nom cũng ra dáng một cái trường học, chỉ cần phá những rào cản các căn buồng nhỏ là có những lớp học lớn. Số giường thặng dư sẽ đem đổi lấy bàn ghế, vì ở Sài Gòn không thiếu những vị chủ trường muốn biến trường học thành nhà bảo sanh hay là khách sạn. Ông thực hành liền ý định, và một tuần sau đã có một tấm bảng lớn với cái tên hiệu Chấn Hưng học đường kẻ bằng màu gạch rất tươi trên một nền xanh rất đậm.
Trong lúc chờ đợi giấy phép chính thức, ông Tẹo kiểm điểm lại số bạn cũ và bắt gặp được ông Lê Thành Tài, ở giữa quãng đường hồi tưởng.
Ông Tài là người có bằng cấp lớn, đã từng du học nhiều năm ở tại nước ngoài và đọc nhiều sách đến nỗi quên hết việc đời. Để giúp đôi mắt của mình có thể nhìn rõ thực tế hơn nữa, ông mua một loại kính trắng khá tốt có thể nhân các sự vật to mười lần hơn, nhưng ông vẫn không thành công bao nhiêu trong những công ăn việc làm, bởi vì những sự thuận lợi được phóng đại thêm mười lần, thì những khó khăn cũng không vì thế mà nhỏ bé hơn. Nhưng điều mà ông lấy làm tự hào là mối nhiệt tình của ông đối với lý tưởng giáo dục không hề suy giảm trải qua bao nhiêu biến cố dồn dập của xã hội này. Trái lại, trước những sự kiện mà các nhà lý luận học gọi là sa đọa của thanh thiếu niên thì ông càng thấy hăng hái hơn lên. Trong lúc bạn bè của ông vừa thổi xúp-lê vừa gào ở trên mặt báo cấp cứu cho thế hệ trẻ thì ông lăng xăng chạy từ Sài Gòn lên Chợ Lớn và từ Chợ Lớn về Sài Gòn gõ cửa các tòa nhà lớn ít có người ở, muốn thuê với giá thật rẻ để mở trường học phổ biến văn hóa, tuyên truyền đạo đức. Bất cứ nơi nào người ta cũng đón tiếp ông một cách lạt lẽo, một sự lạt lẽo làm bằng hơi thở và chút nước miếng, chứ không được bằng một tách trà nóng nhãn hiệu Con Cua là thứ rẻ nhất ở thành phố này. Nhiều người ưa giữ nhà trống để nhốt kỷ niệm, hơn nhốt học trò. Một số chủ nhân của những biệt thự vừa nghe mở trường đã vội xanh mặt giương mắt trừng trừng nhìn nhà trí thức họ Lê như nhìn một con quái vật bỗng nhiên nói được tiếng người.
Rốt cuộc, về nước trên hai mươi năm, ông Lê Thành Tài vẫn chưa mở được một ngôi trường nào. Ông cũng không chịu đi dạy cho một trường sở nào khác, vì muốn tự mình tổ chức lấy một trường trại theo ý của mình mới bỏ hơi phổi đem ra xài phí hàng ngày. Khi ông Ngọc Tẹo đến tìm ông ở nhà riêng thì ông đang ngồi phác họa một trường kiểu mẫu trên mảnh bìa cứng theo một kích thước vô cùng lớn lao. Chấn Hưng học đường không được lớn lắm, đó quả là điều đáng tiếc, nhưng mang gương vào ông Lê Thành Tài có thể bằng lòng. Sau khi thảo luận về các điều kiện hợp tác, ông Tài cùng với ông Tẹo gặp một mâu thuẫn không sao giải quyết. Ông Tài thích có một trường lý tưởng với một sĩ số hạn chế, theo một kỷ luật tuyệt đối, dạy bằng những phương pháp mới, trái lại ông Tẹo thích có một trường rất đông, càng đông càng tốt, không cần kỷ luật, trừ khoảng kỷ luật áp dụng cho việc đòi tiền học phí, và dạy bằng những phương pháp cũ nhất để các nhân vật cao cấp ở tại cơ quan giáo dục khỏi lấy làm điều phiền muộn. Rốt cuộc, sau trọn ba giờ trao đổi, hai người bạn cũ của thuở thiếu thời bỗng đâm ngơ ngác nhìn nhau, vì họ nhận thấy chưa hề quen biết với nhau bao giờ. Ông Lê Thành Tài chua chát nghĩ thầm: “Tiền bạc đã làm cho nó hư hỏng hết cả tinh thần”. Ông Trần Ngọc Tẹo khó chịu, tự bảo: “Sách vở làm cho thằng ấy lệch lạc tâm não”. Và hai người bạn, mỗi người trở thành tàn tật dưới cặp mắt của người kia. Vốn là một kẻ thực tế, ông Trần Ngọc Tẹo cuối cùng nén giận bảo ông Thành Tài như sau:
- Ý kiến chúng ta có vẻ mâu thuẫn nhưng tôi tin rằng sau một thời gian ta sẽ gặp nhau. Tôi xin nói rằng lúc mới bước chân vào đời, tôi cũng có những quan niệm ở chín tầng mây như là anh vậy. Đó là những thứ tư tưởng tuyệt vời nên đem ngâm muối phơi khô và cất ở trong lồng gương, thỉnh thoảng mang ra ngắm nghía giải sầu. Nếu không, thì sớm muộn gì thực tế của xã hội này sẽ đốt cháy tiêu mọi thứ ý tưởng siêu phàm, đến nỗi khi người ta nói những chuyện cao thượng, hoa mỹ là để che giấu những chuyện thấp hèn và xấu xa nhất. Tôi không dám nghĩ rằng tôi có lý hơn anh, nhưng tôi tin rằng sau một thời gian đi vào thực tế, anh sẽ hoàn toàn đồng ý với tôi. Trong lúc chờ đợi một sự gặp gỡ có thể xảy ra sau này, bây giờ tôi đề nghị một biện pháp dung hòa: tôi cho thuê trường với giá phải chăng và anh tự quyền khai thác. Anh muốn xây dựng theo lý tưởng nào cũng được, hoặc muốn kinh doanh theo kiểu cách nào cũng tốt, miễn là hàng tháng anh trả tiền trước cho tôi. Ít nhất tôi cũng đỡ phải lo âu về sự thất bại có thể xảy ra ở trong tháng ấy, và tôi chỉ phải hồi hộp trong mấy ngày đầu khi chưa nhận đủ số tiền.
Ông Trần Ngọc Tẹo đã dùng lời lẽ chân thật nói với ông Lê Thành Tài vì ông hiểu với những người lý tưởng như vậy lời nói giả dối là không cần thiết. Ông Lê Thành Tài cảm động, chấp nhận lời đề nghị ấy một cách sốt sắng. Từ đó, Chấn Hưng học đường đã có một ông hiệu trưởng lý tưởng, và nó bắt đầu đi vào một giai đoạn mới.