Chương II


Chương III

     rong lúc tình hình biến động, do những phong trào đấu tranh bùng nổ khắp nơi, nhà cầm quyền Pháp đã cho dời đồn cầu Vỹ xuống tại Bình Cách trấn ngã ba đường Bình Cách, Gò Cát, Tân Xuân, thẳng qua Gò Công. Cả vùng Cầu Vỹ, Mỹ Hội, Mỹ Chánh, Mỹ Phong được sĩ quan Pháp trực tiếp đưa lính lê dương và lính khố xanh tập trận, tuần rỏn thường xuyên. Có khi bọn chúng căng lều ngủ đêm giữa ruộng đã gặt hái xong chỉ còn trơ các cuông rạ.
Thầy đội Sáu, từ khi được thuyên chuyển về Gò Cát cảm thấy số phận của mình càng hẩm hiu thêm. Ban ngày thầy phải dẫn lính biểu diễn đi a-la-mát [1], ban đêm phải trấn tháp canh. Bây giờ thầy đã già rồi. Nhưng đời làm lính của thầy, kể cho đến già, vẫn chưa lúc nào hưởng sự thong thả.
Thầy đã bị đưa sang Pháp từ hồi thế chiến thứ nhất mãi cho đến năm 1924 mới được hồi hương. Trong thời gian dài sống ở xứ người, thầy chẳng mang về được kỷ niệm nào vui thú. Người ta vẫn bảo những kẻ đi xa về thường nói láo nhưng thầy, khổ thay, lại không có tài bịa đặt. Thầy cũng có cặp vài người vợ đầm, những kiểu lang chạ trong cái thời gian đánh đấm ở tại nước ngoài, nhưng sống với họ, thầy chẳng lưu giữ chút tình nghĩa nào. Vợ đầm không phải là một mơ ước của những con người chất phác có một đồng lương ít ỏi như thầy. Thầy cũng hay nói về những vườn nho, về những rượu chát, nhưng thầy không sao quên được những mùa tuyết lạnh thiếu cả than củi trong các lò sưởi và những trận mạc kéo dài nằm trong hầm hố ướt át, thiếu cả bánh mì, nhưng lại dư thừa tạc đạn quân thù. Tóm lại, với thầy, đi Tây trong khoảng gần mười năm ấy chỉ là một cuộc lưu đày mà thôi. Thầy thuộc vào những lớp người hiền lành, hoàn toàn để cho thời cuộc gần nhất đặt định, không hề biết đến phản kháng, và coi những loại ý kiến riêng tư trái với tình hình như là những đồ quốc cấm phải đem cất giấu càng kỹ càng tốt. Thầy đã vào lính là vì không còn cách nào khác hơn, và đã đi Tây vì không còn cách nào khác.
Đến ngày trở lại quê hương, vui mừng gặp được bà con hàng xóm, thầy tưởng sau trên mười mấy năm trời phục vụ mẫu quốc, bây giờ có thể giải ngũ để về kiếm một việc làm hợp với sở thích, nhưng vẫn không xong. Với một viên đội có nhiều kinh nghiệm chiến chinh như thế, người ta cần giữ thầy để huấn luyện tân binh. Cuộc đời huấn luyện lính mới cũng chẳng vui gì. Mỗi khi có chút biến động lại bị đưa đi đóng quân những nơi hẻo lánh, xa xôi. Ngoài khẩu phần và quần áo với một số lương mỗi tháng là ba đồng rưỡi, thầy khó lòng nuôi nổi một gia đình đông đảo. Nhưng đã nhiều năm quen bước một hai, quen hô khẩu lệnh, bây giờ nếu rời quân ngũ thầy cũng không thể trở lại cuộc đời lao động chân lấm tay bùn để kiếm mỗi ngày từ hai cắc bạc đến một hào tư là cái giá biểu phổ biến trong tình cảnh ấy. Vì vậy thầy phải đành chịu để cho quan trên “lưu nhiệm” và không bao giờ hy vọng có ngày thăng chức.
Đúng ra, thầy cũng nhận thấy nghề lính đã làm hư nhiều tính nết của mình. Ban ngày tiếng là tập trận phải lo tuần rỏn, đi a-la-mát rập ràng nhưng trên thực tế thầy giao hết cho bác cai dưới quyền làm thay. Và trong khoảng thời gian ấy, thầy đi la cà nơi các hàng quán uống trà, nhậu rượu lai rai gọi là giao thiệp lấy lòng đồng bào. Bất cứ hành động nào lại không thể khoác lên những danh từ đẹp? Hết các tiệc ngọt, đến các tiệc mặn, luôn luôn thầy được dân chúng bao ăn, khỏi phải tốn hao tiền túi. Thỉnh thoảng họ còn biếu thầy con gà, con vịt, chai đế đem về thết đãi anh em trong đồn. Chỉ có mỗi việc ban đêm phải thức điểm canh, tuần rỏn thì thầy đành phải cáng đáng vì không thể để ai thay thế được.
Thầy bỗng nhớ lại các sĩ quan Pháp thường hay nuôi chó bẹc-giê để bảo vệ mình, còn chắc ăn hơn là các vệ sĩ. Và thầy đội Sáu như tìm ra được đáp số cho bài toán khó. Nhưng rồi nghĩ đến giá tiền mua một con chó bẹc-giê bằng ba tháng lương, chưa kể đến việc nuôi ăn, chăm sóc hàng ngày, thầy lại cụt hứng. Hay là mình tập chó ta như loại chó xí, chó cò xem sao? Thầy đã nghĩ bụng như thế và bắt đầu tìm trong khắp xóm thôn, nhà nào có con chó tốt đang thời nằm ổ, hỏi xin một con chó đực.
Để tâm tìm kiếm thầy đã gặp được con chó tương đối vừa ý. Nhà ông giáo Tánh có nuôi cặp chó xi lùn. Con chó cái mới đẻ lứa đầu được hai con, và hai con đều chó cái, một con mình đốm, một con mình đen. Cố nhiên là thầy không thích chó cái. Nuôi chó cái lớn nó sẽ bỏ mình chạy theo chó đực, thật là uổng công. Còn về chó đực, người ta có thể thiến đi để ép uổng nó trung thành với chủ, hơn là có thể thấy nó cuốn gói theo một tình nhân nào đó ở ngã ba đường. Nhưng thầy nghĩ rằng một sự giáo dục thật là cần mẫn và một kỷ luật hết sức nghiêm minh vẫn có thể giữ con chó ở trong khuôn phép. Hơn nữa, loại chó này thật xinh đẹp và điều đáng tin cậy hơn là cha mẹ nó được ông giáo Tánh ca ngợi như là loài vật rất mực trung thành. Không thể chờ đợi lâu hơn, thầy đội quyết định xin một trong hai con đó. Ngày nào thầy cũng tìm đến trầm trồ, vuốt ve hai con chó con vừa mới biết ăn, nằn nì xin cho được một. Thấy thầy đội Sáu đã xuống nước nhỏ mà òn ĩ mãi nên ông giáo Tánh cầm lòng không đậu. Thầy Đội mừng rơn, dùng cái khăn tay quấn lấy con chó rồi ôm trùm trùm trong lòng, trước hai con mắt hậm hực của con chó mẹ.
Về đồn, thầy đặt tên nó là Quít, chịu khó nhai cơm để tập nó ăn. Thầy chăm sóc nó hơn là chăm sóc bầy con của thầy ở nhà, vì kể từ trước đến giờ đối với con cái thầy chỉ nhọc sức mỗi việc tạo ra, còn phần nuôi dưỡng thì giao hoàn toàn cho vợ. Con chó được thầy để ngủ dưới chân, trên một góc giường, trong một chiếc vớ nhà binh đã cũ. Khi nó thức giấc, đòi ra, thầy đem nó thả ngoài sân, tập nó đại tiện, tiểu tiện có nơi có chỗ. Chừng ba tháng sau, nó đã bắt đầu biết đùa giỡn rồi. Thầy tập nó ngồi, tập đứng trên hai chân sau, và lẽ dĩ nhiên tập nó lạy nữa. Lần hồi, nó càng lớn lên, thầy tập các môn khó hơn nhiều, chẳng hạn ném banh bắt nó đi nhặt, cột chuột bằng sợi dây dài, bắt nó vồ lấy cho quen.
Con Quít lớn lên chỉ to bằng con nai con và không thể lớn hơn nữa. Nhờ sự luyện tập thường xuyên, nó thật gọn gàng, nhanh nhẹn và cũng đáo để tinh khôn.
Mỗi lần đi chơi hay là dẫn lính đi tuần, cũng như ngồi gác, không có lúc nào thầy Đội rời xa con Quít. Con vật càng ngày càng giúp thầy nổi danh hơn và thầy cũng được nhiều người chú ý. Mỗi khi vào quán hay có ai mời dự đám kỵ giỗ, thầy có dịp bắt con Quít làm trò thu hút khán giả còn vui hơn xiếc. Thiên hạ trầm trồ tán thưởng, và nhờ con Quít, thầy Đội cũng được đãi đằng mời mọc luôn luôn. Không cần đến những món ăn được người cung phụng, con Quít còn có biệt tài tìm kiếm cho thầy những thực phẩm khác. Mỗi khi ra đồng, thế nào nó cũng sục sạo tìm kiếm khắp nơi và thế nào cũng tìm ra những ổ cà cúm, bắt được những con gà nước, óc cao, mang về cho thầy rô-ti, tha hồ mà nhậu. Qua những cánh đồng có thả vịt đẻ, con Quít cũng biết lặn hụp mò trứng và thầy Đội không sao ăn hết. Chẳng những đã làm tai mắt cho thầy, con Quít còn đem lại những lợi lộc mà thầy không sao ngờ được.
Những khi một mình, thoáng thấy một người lạ mặt, nó sủa vang hồi. Tiếng sủa của nó dồn dập, khẩn cấp, vừa như uy hiếp để tấn công người khách lạ, vừa như báo động với mọi người ở chung quanh. Con Quít vừa sủa vừa chồm người tới, xoay quanh theo người vừa gặp, chứ không thuộc loại bỏ chạy để chồm đầu lại từng lúc như nhiều con chó thường làm. Tiếng sủa của nó như một màng lưới bao vây đối thủ, kỳ cho đến khi không thấy một ai xuất hiện và người lạ mặt cứ việc sấn sổ bước vào thì nó mới gầm gừ lên một cách đáng sợ và nhảy choàng tới như muốn tấn công. Tất nhiên, trước sự đe dọa như thế, người ta phải dừng bước lại. Nghe tiếng sủa vang, thầy Đội và đồng ngũ thầy đã được báo động, và dù bận việc họ cũng vội vàng đứng lên. Trái lại, những khi đi với thầy Đội, con chó không mấy khi sủa. Gặp việc gì lạ, nó chỉ chồm lên báo hiệu cho thầy. Đêm đêm, ngủ dưới chân thầy, thấy bóng những người ba trui [2], nó lấy hai chân phía trước cào nhẹ người thầy, đánh thức.
Con Quít hoàn toàn đáp ứng mơ ước của thầy đội Sáu. Nó đã bảo vệ cho thầy đồng thời sinh lợi cho thầy ngoài sức mong đợi. Từ đó, thầy coi nó như là bùa hộ mạng cho mình. Đi gần, đi xa, thầy Đội cũng dẫn nó theo. Nó là con vật chịu khó, làm việc dẻo dai như không biết mệt bao giờ. Từ ngày có nó, cuộc đời ở lính của thầy bỗng nhiên tươi tỉnh bất ngờ. Thầy Đội cũng nhận thức được về một thành kiến sai lầm từ trước của mình: cứ tưởng loại chó bẹc-giê mới là khôn ngoan, thật là ý nghĩ buồn cười! Nếu mà ngày trước, thầy có đồng tiền dư dả, thầy đã mua ngay con bẹc-giê rồi, đâu có may mắn mua được con Quít khôn ngoan là vậy. Những loại chó cỏ của xứ sở mình, dễ dàng thích nghi trong mọi điều kiện, nếu biết chăm sóc, nó cũng xinh đẹp, nếu biết dạy dỗ, nó cũng tinh khôn, có thể tinh khôn hơn là bất cứ giống chó nào trên thế giới.
Nhưng từ ngày có con Quít, nếu cuộc sống thầy tương đối bình yên và no đủ hơn thì tính tình thầy lại có thay đổi. Những sự dễ dãi thường làm con người lười biếng và món rượu chè dễ làm kích động thần kinh. Thầy Đội bây giờ lại hay nổi nóng một cách bất ngờ, và giữa cơn say nhiều khi thầy cũng lỡ tay đánh đập con Quít thân yêu của mình. Sự phục tùng ngoan ngoãn của nó nhiều ngày đã khiến cho thầy có cái cảm tưởng là mình đủ quyền quyết định về nó, kể cả sự sống và cả sự chết. Hơn nữa, con người đối với loài vật có một ý tưởng khinh rẻ bắt rễ từ ngàn đời rồi. Thường thường sau khi tỉnh rượu, nhìn thấy vết bầm trên mình con vật thầy cũng ái ngại xót xa cho nó. Nhưng nó không biết giận hờn hay là không dám hờn giận. Nó vẫn vui mừng, vẫy đuôi, quấn quýt bên thầy, hoặc chui đầu dưới chân thầy và nằm với một thái độ phủ phục của kẻ bề dưới, biết điều. Thầy lại lấy tay xoa lên mình nó, nói một đôi lời ngọt ngào, cho nó thêm vài lát thịt hay vài khúc xương nhiều hơn thường lệ, coi đó là sự bồi thường hậu hĩ của sự tàn nhẫn vừa qua. Những trận đòn ấy càng ngày càng thường xảy ra và sự ân hận ở nơi lòng thầy càng không bén nhạy như trước. Chừng như suốt một cuộc đời tùng phục, chỉ biết có mỗi một việc vâng lời, kể cả vâng lời những sự quá đỗi bất công, thầy có những mối dồn nén bất bình ở trong tâm trí. Con Quít bây giờ là cái cơ hội thật tốt để thầy giải tỏa được những buồn phiền ngấm ngầm lâu nay, những nỗi buồn phiền mà thầy cơ hồ không nhận thức được rõ rệt. Ít nhất đó là một kẻ mà thầy có quyền hành hạ, tùy theo sở thích, lại được bảo đảm chắc chắn là không có oán thù nào. Đôi lúc, thầy cũng mơ hồ so sánh đời mình với đời con Quít. Đối với mẫu quốc, thầy chẳng đã là con Quít đó sao? Xa vợ, xa con, xa cả mả mồ tiên tổ, gần như không nghĩ gì đến đất nước, quê hương thầy đã giam hãm đời mình trong một vòng trói kỷ luật, nhiều khi lao vào những chỗ hiểm nghèo, rõ ràng là đã làm lợi cho ai? Bởi vậy thầy đã hành hạ con Quít như chính thầy đã bị sự giày vò...
Bây giờ, đã có con Quít bên mình, thầy Đội có thể đi chơi thật xa đồn bót để thăm những bạn bè cũ quanh vùng. Trong số thâm giao hồi thầy còn đóng ở đồn cầu Vỹ, riêng có chú Chưởng là người mà thầy mến nhất. Chú vừa bán tiệm chạp phô vừa mở lò cạo heo thịt, tính tình thật là hào phóng, ăn ở rất thảo đối với bạn bè. Những khi túng ngặt, thầy đều nhờ đến chú Chưởng giúp đỡ. Chịu ơn quá nhiều mà chẳng bao giờ hy vọng có phen báo đáp, nên vào những hôm rảnh rỗi, thầy lại dẫn chó đến thăm. Có khi mượn cớ đi tập, thầy dẫn tốp lính đánh một vòng lớn từ bên Gò Cát qua đình Mỹ Phong, thầy Đội tìm một chỗ mát để lính gác chéo súng lại nghỉ chân đằng xa, rồi dẫn con Quít tới thăm chú Chưởng. Bao giờ cũng thế, vừa thoáng gặp thầy, chú đã kêu lên:
- Ồ, thầy Lội. Hay lắm.
Rồi chú sai người múc tô cháo lòng thật lớn, thái một đĩa thịt đầy ắp, mang ra chai đế hạng nhất, và mời thầy nhậu tha hồ. Con Quít ngồi bên cạnh thầy, ngước nhìn thèm thuồng thầy gắp từng miếng lòng heo, húp từng ngụm cháo. Thỉnh thoảng giữa cơn thưởng thức hào hứng như thế, thầy cũng liếc nhìn con chó, biết sự thèm khát của nó nhưng thầy giữ phép lịch sự không dám gắp thịt cho con Quít ăn. Chú Chưởng là người tinh mắt và lại khéo xử nên đã vội vàng lấy miếng thịt quay đút cho con vật. Con Quít né tránh, thối lui, trông rất buồn cười. Đây là con vật khôn ngoan và có giáo dục nên dầu thèm khát bao nhiêu cũng biết hạn chế ý mình. Chính sự từ chối của nó làm cho chú Chưởng cảm động. Chú bảo thầy Sáu:
- Thầy Lội bảo nó ăn cái lày li. Không được cái phép ông chủ, nó chẳng ăn lâu.
Thầy Đội làm như là bị ép buộc, ngần ngừ giây lát rồi mới cúi xuống ra lệnh:
- Quít, chú đã có lòng cho ăn thì mày ăn đi. Tao cho phép đó.
Bây giờ con Quít mới từ tôn ngoạm miếng thịt, đi dang ra xa, ngồi ăn. Chú Chưởng lại sai người múc bát cháo bỏ ít thịt vào, nói với thầy Sáu:
- Thầy Lội, lưa nó ra sau cho nó ăn cái lày li.
Thầy Đội hiểu ý, gọi con chó ra sau nhà, cho nó ăn cháo. Giữa cái thời buổi kinh tế đang cơn khủng hoảng, cho chó ăn thịt trước mặt mọi người dễ khích động lòng căm giận. Chú Chưởng biết chủ con chó còn sống thiếu thốn, làm gì nó được ăn uống đủ đầy. Thường thường, sau khi ăn nhậu no say, thầy Đội mới hỏi thăm đến sức khỏe gia đình, công việc làm ăn chú Chưởng.
- Này chú, làm ăn dạo này khá không?
- Thời pủi này, kiếm cho lủ sống là may rồi.
- Tình hình xóm làng ở đây có được an ninh không chú?
- An linh mà. Mình có cắt cổ ai lău mà họ cắt cổ lại mình.
- Thím Chưởng có sinh được cháu nào không?
- Ồ! Cái thì không. Nó không chịu lẻ, nhất định không lẻ...
- Chú còn trẻ mà, lo gì. Thong thả rồi đẻ.
Chú Chưởng lắc đầu quầy quậy:
- Khó lắm. Cái lày là tại tôi thôi. Chớ còn mụ vợ của tôi thì mụ lẻ lược. Hồi lấy cái lời chồng trước, mụ có lẻ mà. Lẻ lược một lứa, hoang làng như quỷ.
Thầy Đội cũng biết thím Chưởng đã có đứa con với đời chồng trước. Thằng bé tên Múi, vẫn được chú Chưởng nuôi dưỡng và coi như con của mình. Nhưng thằng bé lại lêu lổng, không chịu học hành, bán buôn gì cả. Thầy không muốn nhắc đến nó, sợ gợi thêm sự phiền lòng nơi người bạn mình. Nhưng chú Chưởng không cố chấp, đối với bạn bè chú rất thật lòng. Sau màn thăm hỏi của thầy, chú Chưởng bắt đầu thăm hỏi về phần của chú. Nào là thím Đội có mạnh hay không, mấy đứa bé con ở nhà học hành ra sao, thầy có nghe tin thăng quan tiến chức gì chưa. Mỗi lần câu chuyện cũng cứ quanh đi quẩn lại bấy nhiêu vì không còn gì để nói hơn nữa. Họ thuộc vào hai lớp người có những sinh hoạt khác nhau, chỉ có mỗi điểm gặp gỡ là chút rượu thịt. Hơn nữa, chú Chưởng là hạng rất biết chiêu đãi người có thế lực, và những người như thầy Đội, có lính trong tay, trấn giữ đồn bót địa phương là những con người cần phải quen thân càng nhiều càng tốt. Trong cuộc hỏi thăm, chú nghe thím Đội mới sinh một đứa bé con, chú mừng rỡ lắm. Chú mau mắn cắt một chân thịt nạc, mở tủ lấy một nắm bạc rồi giúi vào tay thầy Sáu. Thầy Đội lúng túng, chỉ xin nhận thịt nhưng từ chối tiền. Thầy cất cả hai tay ra sau lưng để khỏi nhận lấy số bạc. Nhưng khi thầy đưa hết cả hai tay ra sau thì túi quần thầy để trống và chú Chưởng vội nhét tiền vào đó. Cố nhiên là thầy Đội càng lúng túng hơn và đành để yên như vậy. Để gỡ cơn bối rối ấy, thầy nói:
- Chú tử tế quá, cám ơn chú nhiều. Bây giờ anh em chờ ngoài cũng đã lâu rồi, thôi xin được kiếu ra về.
Chú Chưởng sốt sắng:
- Thầy dẫn anh em lại lây hết li. Mỗi người phải uống với tôi lấy thảo mới lược.
Sợ không dẫn anh em đến thì hóa ra mình chỉ lo mỗi việc ăn nhậu no say một mình, nên thầy Đội lại ra ngoài, tập hợp số lính đang ngồi chờ đợi rục rã ở dưới bóng cây và đưa vào nhà chú Chưởng. Thầy ra huấn lệnh:
- Uống một chén rượu thôi nghen. Hàng quán người ta mà làm thẳng cánh thì có mà dẹp tiệm sớm.
Lần lượt mỗi người ăn một miếng thịt, uống cạn một ly rượu nhỏ. Đối với mọi người Việt Nam, chú Chưởng đối xử thật là rộng rãi, vì chú đã nhận đất nước này làm quê hương. Chú cũng thường nói là chú đã sống ở đây và cũng sẽ chết ở đây, chết với hai bàn tay trắng. Chú không hề có ý định mang những của cải về Tàu. Dù có công sức của mình, nhưng mà của cải làm ra vốn là của xứ sở này, đâu có mang về Tàu được? Chú cũng tâm sự với thầy Đội là muốn đãi hết lính tráng trong đồn thì chú làm nguyên con heo lớn mới đủ, nhưng làm như thế thật là tốn kém mà cũng phiền phức. Riêng về thầy Đội, nếu cứ mỗi ngày đãi một tô cháo hay một đĩa thịt thì chú đãi được, và nếu thầy Đội chịu khó về đây hằng bữa thì chú sẵn sàng. Nếu liệu đi xa không nổi thì cứ mỗi tuần thầy đến một lần.
Tình nghĩa như thế thật là êm đẹp. Thầy Đội hoan hỉ và thầy tập hợp:
- Cô-lon pa-đơ! [3]
Rồi lấy gân cổ, thầy hét:
- Lạp xi pun. Ắt! [4]
Để cho mọi người cùng chào chú Chưởng cái rụp. Chú Chưởng sung sướng, đứng ở trên thềm, ngỡ ngàng đưa một cánh tay lên chào trở lại. Thầy Đội lại hô:
- Ấn na-quăng, mát! [5]
Đoàn quân nhịp nhàng theo bước on, đơ. Thầy Đội cúi chào lần chót, dạy con Quít xá chú Chưởng mấy cái rồi rảo bước theo anh em.

*

Một hôm, thầy Đội đến chơi cho biết tình hình bây giờ đã yên ổn rồi và thầy cũng sắp sửa ngày về hưu, trở lại quê nhà, chắc còn lâu lắm mới mong có dịp gặp lại chú Chưởng. Có vẻ xúc động trước cái tin ấy, chú Chưởng tổ chức một buổi rượu thịt ê hề thết đãi thầy. Bữa tiệc có cái tính cách tiễn đưa vĩnh viễn làm cho thầy Đội cảm thấy buồn lòng. Rượu ngà ngà say, thầy lại càng thấy buồn lòng hơn nữa. Cuộc đời của thầy, vào buổi chiều tà bóng xế, chẳng còn giữ lại được gì. Những bữa rượu thịt no say như thế này đây, cũng không còn nữa. Con Quít trở về sống trong gia đình kham khổ, ăn cám lứt heo, liệu còn có chịu nổi không? Thầy sẽ làm gì để nuôi một bầy con dại, với cái sức khỏe đã suy mòn rồi, với cái đồng lương hưu trí gầy guộc, mỏng manh? Bao nhiêu sự tình đó được men rượu làm thành cay đắng và thầy cúi xuống nắm đầu con Quít kéo lên như xách một kẻ thủ phạm bắt ngay tại trận.
Con Quít có vẻ đã quen những trò dằn vặt như vậy nên không lộ chút xúc động, bình tĩnh trong một dáng điệu phục tùng, chờ đợi những cơn thịnh nộ thường xuyên của chủ. Bỗng nhiên thầy Sáu chửi lên:
- Xà lù, mẹt! [6]
Rồi thầy quật mạnh nó xuống nền gạch. Con Quít bị va đầu vào chân ghế, choáng váng mặt mũi. Nhưng giống như mọi con người trung thành với chủ, nó không được quyền biểu lộ những sự đau đớn của mình. Với cái dáng điệu lảo đảo, nó lại ngồi lên, rướn người tiến lại phía chủ, sẵn sàng để nhận lệnh mới. Đối với thầy Đội bây giờ thái độ con Quít có vẻ như sự khiêu khích. Và thầy trợn mắt, thu tay, lấy đà phóng cái mũi giày đinh nhọn vào giữa đầu nó. Con vật bị đá nhào ngửa, kêu lên ăng ẳng. Thầy Đội vớ cái ly rượu còn thừa chút cặn, hắt lên mặt nó, rồi cười ha hả.
Chú Chưởng ngồi yên sững sờ trước cảnh tượng ấy. Chú thật không ngờ thầy Đội có thể làm thế đối với con vật khôn ngoan, tận tụy dường kia. Chú cũng không sao ngờ được thầy Đội có lối xử sự lạ lùng như vậy. Theo con mắt chú, thầy là một người hiền lành tử tế, chứ đâu phải kẻ hung ác, dữ dằn. Hay là từ bấy lâu nay thầy Đội đã khéo che giấu bản chất tàn bạo của mình, và bây giờ đây nhân một cuộc rượu quá đỗi no say, cái bản chất ấy mới lộ nguyên hình? Chú Chưởng bối rối, ngơ ngác như đối diện với một người lạ mặt. Bỗng chú thấy thầy Đội chồm về phía con chó đang nằm quằn quại, co một chân lên, chú không ngăn được bất bình nhảy tới xô mạnh vào thầy, cốt để cản ngăn kịp thời một cái hành động bạo tàn. Chú kêu:
- Không lược! Không lược! Thầy Lội bất nhân quá hà!
Thầy Đội bị đẩy ngã nhào ra sau, va đúng vào cái thành ghế đau điếng, tức giận tràn hông, đứng dậy ra về không một tiếng chào. Thầy đi loạng choạng, lảo đảo, đôi mắt đỏ kè, hai tay vung vẫy như muốn phân bua với một người nào tưởng tượng ở trước mặt mình. Chú Chưởng cũng không thấy cần xin lỗi trước một hành động như thế. Nhưng con chó Quít thì đã gượng dậy chạy theo chủ nó, đầu cúi thấp xuống với một thái độ khổ tâm. Buổi ấy, thầy Đội chếnh choáng về đồn, nằm vật xuống giường rồi lại ngồi dậy. Đầu óc của thầy vần vù, rối loạn. Ý nghĩ về một ngày mai thật là tối tăm. Thầy cảm thấy mình đã bị xúc phạm nặng nề bởi con chó Quít. Bây giờ thầy sắp về hưu, con vật có lẽ không cần thiết nữa. Nuôi nó trong những điều kiện kham khổ, chắc gì nó còn chịu ở với mình? Để nó sống với người khác, làm lợi cho người khác, thiệt là uổng công dạy dỗ lâu nay... Nhưng đem bán nó để lấy tiền xài, liệu bán được bao nhiêu đó mà mang tiếng đời? Trong cơn tức giận của sự xúc phạm vừa rồi ở nhà chú Chưởng, thầy Đội hằm hằm đứng dậy vẫn chưa thấy tỉnh cơn say. Thầy rút súng, đi ra ngoài đồn, xuống dưới bực sông, leo lên một chiếc tam bản. Con Quít vội vàng nhảy theo lên ngồi ở phía sau chủ. Thầy đưa mái chèo đẩy chiếc xuồng nhỏ lướt ra giữa dòng. Thỉnh thoảng thầy vẫn đi xuồng như thế săn bắn vịt trời, gà nước ở chung quanh đây. Bây giờ lại được đi săn với chủ, con Quít tuy bị ê ẩm do sự hành hạ vừa rồi, nhưng vẫn cảm thấy vui lòng vì được phục vụ. Thuyền ra theo dòng nước chảy vào một mạn đồng, hai bên mọc đầy lau lách. Thầy Đội thấy cặp vịt nước đang nằm phơi mình trên đám lục bình, ra lệnh con Quít nhảy xuống.
Con Quít cố bơi nhanh hơn dòng nước, tiến gần đám bèo. Thầy Đội chỉ đợi có thế. Thầy đưa súng lên, nhắm phía sau đầu của nó bắn tới. Nhưng chiếc xuồng nhỏ chao đảo trên dòng nước trôi, không có thăng bằng. Trong cơn váng vất của một đầu óc buồn phiền chưa phai men rượu, mũi súng chúi xuống, đạn bị sức cản của nước chạy vẹt lên trời. Hai con vịt nước giật mình, tung bay. Thầy Đội hấp tấp nổ tiếp phát súng thứ hai, nhằm vào con Quít, con vật vô tình đang bơi ngơ ngác giữa đám lục bình mất dạng con mồi. Nhưng thầy Sáu mất bình tĩnh, mũi súng giật ngược trở lên, và viên đạn bay không biết hướng nào. Kể ra thầy không phải là một tay thiện xạ và các thành tích của thầy cũng chẳng đưa thầy từ lâu, qua các chiến trận, lên một địa vị cao hơn. Nhưng khi mũi súng giật ngược trở lên thầy đã ngã về phía sau, và chiếc tam bản gặp dòng nước xiết nghiêng chành khiến thầy nhào ngửa xuống sông.
Thầy Đội vì những quân phục nặng nề, phần vướng cây súng, phần bị tiệc nhậu đã làm choáng váng nên không thể nào lội được.
Thầy cố vùng vẫy nhưng càng nỗ lực bao nhiêu càng uống nhiều nước bấy nhiêu. Sặc sụa, đuối sức, thầy bị dòng nước cuốn trôi và chìm dần xuống sông sâu. Cái chết coi như thấy rõ trước mắt và cuộc đời thầy không được hy sinh ở chốn chiến trường để mà đền ơn mẫu quốc, bây giờ lại chết ở nơi dòng sông hẻo lánh, vùi mình dưới đáy sình lầy.
Chiếc tam bản không người chèo nổi nhẹ trên dòng nước cuốn, lững lờ trôi đi. Nhưng giữa lúc ấy, con Quít nhìn thấy chủ rơi xuống nước. Nó bung hết sức còn lại, lội ngược dòng sông tìm đến cứu chủ lúc đó đã hụp xuống rồi. Con vật lặn xuống, cắn vào cổ áo thầy Đội, nâng người chủ lên, vừa bơi vừa đuổi theo chiếc tam bản. Thầy Đội hoàn hồn, nước lạnh và sự nguy hiểm làm cho tỉnh táo, thấy con Quít đến cứu mình, thầy vừa thở dốc vừa vùng vẫy bơi để tự cứu lấy. Cả hai vất vả một hồi khá lâu mới đuổi kịp chiếc tam bản. Thầy Đội hào hển, chỉ kịp với tay níu lấy chiếc xuồng rồi dựa vào đó để thở trong khi con Quít rảnh rang leo lên ngồi giữa khoang xuồng rảy nước. Sau chừng ít phút, lấy lại hơi thở điều hòa, thầy Đội lóp ngóp leo lên chiếc xuồng. Thầy không dám nhìn con Quít, vì thầy cảm thấy xấu hổ với nó. Thầy đưa mái chèo nặng nhọc bơi xuồng về đồn, đôi lúc thắc mắc tự hỏi không hiểu vì sao mình có ý định lạ lùng giết con chó Quít!
Con Quít chẳng hay biết gì về ý định ấy, nhưng dù có biết rõ ràng dụng ý chủ mình, e rằng nó cũng không mang chút oán hận nào. Khi bước lên bờ, cột xong tam bản vào chiếc cọc gỗ, thầy Đội bước đi nặng nề như bị sức nặng của lòng hối hận đè trên người mình. Một đôi người lính trên đồn có vẻ cười cợt về chuyến săn bắn tay không của thầy và cũng lấy làm ngạc nhiên về thân hình thầy ướt đẫm, cái dáng điệu thầy bơ phờ. Nhưng chuyến săn này, thật sự thầy Đội đâu có trở về tay không? Thầy đã săn bắt được lương tâm thầy, một lúc nào đó tuồng như sổng chạy. Và con Quít kia rõ ràng là đã cứu thầy khỏi chết. Nó đã cứu thầy khỏi làm một việc bất nhân, nhưng chính cái sự vô tâm của nó trước tội ác đó và sự trung thành bền bĩ của nó đã làm cho thầy cảm thấy sâu xa hơn bao giờ hết bản chất ti tiện của tâm hồn mình.
Thầy Đội thấy rõ là mình không còn xứng đáng với con chó nữa. Con chó tốt quá mà thầy thì xấu xa quá. Sự hiện diện của nó ở trước mặt thầy thường ngày như nhắc nhở lại điều làm thô bỉ vừa qua, thầy Đội suy nghĩ, và đến một hôm gần ngày trở lại quê nhà sống đời hưu trí, thầy dắt con Quít đến thăm chú Chưởng một lần cuối cùng. Thầy có ý định rõ rệt về chuyến đi này, nhưng bước lên thềm tiệm chú, thầy cũng cảm thấy ngượng ngùng. Chú Chưởng có hơi ân hận ít nhiều về cái thái độ hôm trước nhưng vẫn âm thầm nhận thấy là sự phản ứng của mình hoàn toàn hợp lý hợp tình nên không nghĩ đến một sự xin lỗi thầy Đội. Nay thấy thầy Đội trở lại, chú có lòng mừng. Chú nghĩ là thầy đã không giận chú vì sau khi tỉnh cơn say, thầy đã thấy lỗi của mình. Những kẻ say sưa dễ thành tàn bạo, thầy Đội đâu có hành hạ con chó giữa cơn tỉnh táo? Vả lại, ý nghĩ về sự thết đãi niềm nở của mình đối với thầy Đội có thể là điều kiện tốt để mà dễ dàng xóa bỏ giận hờn, nên chú bước ra hớn hở cầm tay thầy Đội dắt vào trong nhà:
- Vào lây, vào lây, thầy Lội.
Rồi chú vội bảo người nhà múc cháo, dọn thịt, đem thứ rượu nhất ra mời. Nhưng thầy Đội đã khoa tay:
- Thôi chú, đừng bày ăn uống làm gì.
Đây quả là điều lạ lùng hết cỡ. Thầy Đội đến đây mà không cần phải ăn uống, vậy đến làm gì? Từ xưa đến nay, chuyện này mới có lần đầu và đáng cho chú ngạc nhiên không ít:
- Sao dậy? Có chuyện gì dậy? Cái gì cũng phải ăn uống mà.
Thầy Đội có vẻ ngượng ngập, rồi mới trình bày cho chú Chưởng rõ:
- Chú nè, tôi sắp về hưu, và tôi còn mỗi việc này cần phải giải quyết.
Chú Chưởng vội hỏi:
- Việc gì?
Thầy Đội dừng lại như tìm một cách trình bày cho thật dễ nghe, rồi đáp:
- Mai đây, tôi phải về quê. Từ bấy lâu nay chú đối với tôi thật là tử tế. Tôi nghĩ không có cách gì đền đáp tấm lòng tốt ấy nên muốn giao lại cho chú con Quít để nó giúp chú coi ngó cửa hàng trong lúc đêm hôm. Bây giờ công vụ của tôi chấm dứt, lưu giữ nó không ích gì. Hơn nữa, về quê chúng tôi ở nơi đồng bãi, nó sống khổ sở không sao bằng được như đây là nơi chợ búa, bán buôn sung túc.
Chú Chưởng có vẻ cảm động trước lời lẽ ấy, cầm tay thầy Đội mà nói:
- Tốt lắm, thầy Lội ăn ở với tôi như dậy thật là tốt lắm. Nói rằng vì chút tình cảm của tôi mà thầy Lội giao con chó thì tôi không có pằng lòng. Là chỗ giao tình, không có gì mà thầy phải pận tâm. Nhưng thầy Lội sợ con chó khổ sở, giao cho tôi nuôi thì tôi la tạ, nhưng tôi chỉ sợ thầy Lội nuôi nó mến tay mến chân, pây giờ phải ở với tôi, nó không chịu lâu. Thôi thầy cứ lem nó về, chừng nào thầy luôi không lổi nó thì hãy hay. Nó ăn uống gì pao nhiêu mà sợ?
Thầy Đội trả lời:
- Nó khôn ngoan lắm, tôi bảo ở đâu thì nó ở đấy. Để nó về nhà phải ăn chung cám với heo, nghĩ cũng tội nghiệp.
Chú Chưởng vui vẻ:
- Vậy thầy pảo nó chịu ở lại lây thì tôi nhận liền.
Thầy Đội nắm tay chú Chưởng đặt trên đầu nó, rồi nghiêm sắc mặt bảo nó:
- Này Quít, từ đây chú Chưởng là chủ của con.
Con chó ngước nhìn hai người rồi lại cúi xuống, lặng lẽ. Thầy dắt nó vào giường ngủ chú Chưởng, đi quanh một vòng rồi lại dắt đến nơi cửa bảo nó nằm xuống, dặn dò:
- Con có bổn phận ngủ đây và canh cửa này.
Thầy chậm rãi nói tiếp như đang tâm sự với người thân yêu sắp sửa chia tay trong cuộc giã biệt lâu ngày:
- Ở đây, con được sung sướng tấm thân và giúp được ta đền ơn đáp nghĩa trước khi ta phải giải ngũ về lại quê nhà. Nhớ lời ta dặn, nghe con!
Thầy vỗ đầu nó, dặn dò nằm yên không được nhúc nhích, rồi bước thụt lùi đi dần ra phía nhà trước. Con vật nằm yên thin thít như hiểu rõ được tâm trạng thầy Đội. Chờ một lúc lâu, nó phóng ra ngoài, sấn đến chân thầy. Mối tình quyến luyến từ bấy lâu nay khó lòng dứt bỏ đột ngột như thế. Con vật như xoắn lấy thầy, đưa mõm ngửi hít chung quanh mình thầy và ngước đôi mắt ẩm ướt như tuồng van lơn. Thầy Đội bỗng thấy xúc động, quay mặt nơi khác để khỏi nhìn thấy con vật trìu mến như đang kêu gọi một ân huệ nào. Thầy nói nghẹn ngào:
- Ở đây, con sẽ sung sướng hơn nhiều. Hãy nghe lời ta.
Rồi thầy thò cái bàn tay run run móc trong túi ra một sợi xích nhỏ, bấm vào khuy cài ở khoen cổ nó, trao đầu dây cho chú Chưởng. Chú dẫn con chó vào trong. Thầy Đội dỗ dành nó lần cuối cùng:
- Ở đây, không được cãi lệnh, nghe chưa?
Thầy cố nói bằng một giọng quyết liệt như khi cần phải ra một nghiêm lệnh cho thuộc cấp. Rồi thầy quay ngoắt ra phía nhà ngoài không dám nhìn lại nó một lần nữa. Chú Chưởng ra theo, đến tủ mở lấy sáu đồng bạc đặt lên bàn, ở trước mặt thầy:
- Thầy chắc piết pụng tôi dồi. Lừng nghĩ lồng tiền này lổi con chó. Thầy cầm số tiền lày về làm vốn. Tôi nuôi con chó thay thầy. Công luyện tập nó thành thục như là ngày nay không thể nào lánh giá lược. Dầu có pao nhiêu tiền của cũng khó lòng tìm mua lược con vật khôn ngoan như dậy. Thầy lừng thắc mắc gì hết mà phụ lòng tôi.
Thầy Đội không còn từ chối cách nào khác được, cảm ơn chú Chưởng, cất sáu đồng bạc vào túi. Trước khi từ giã, thầy muốn quay vào thăm nó một lần cuối cùng, số phận con Quít bị thay đổi chủ bất ngờ và nó hết sức buồn bã trước sự tình ấy. Nó thấy mình bị xích lại, đặt nằm trong một căn buồng xa lạ, chủ lại ra lệnh bảo phải nằm yên - giọng nói cứng rắn và nặng nề kia chắc là có chuyện cần sự phục tùng. Khi thấy thầy quay trở lại, nó thật mừng rỡ, ngoắt đuôi, ngoắt đầu như muốn chồm lên nhưng nhớ lại sự dặn dò vừa qua nó không dám bày tỏ hơn một sự đón chào nồng nhiệt. Thầy Đội cúi vỗ đầu nó mấy cái, vuốt lên mình nó không nói năng gì, rồi thầy đứng lên từ giã chú Chưởng, bước nhanh về phía cầu Vỹ, cố giấu một sự xúc động.
Chú thích:
[1] A-la-mát, từ tiếng Pháp à la marche! (đi bước đều).
[2] Ba trui: (patrouille) đi tuần.
[3] Colonne par deux: sắp hai hàng.
[4] L’arme sur l’épaule: súng lên vai
[5] En avant, marche: đằng trước, bước.
[6] Salaud, merde: tiếng chửi tục tĩu.

Truyện Chương II ---~~~cungtacgia~~~---

6 Tác phẩm