Chương II


Chương II

     ng Quản Là mang con chó máu me đầm đìa bằng cách nắm hai chân trước của nó kéo lết qua các đường phố. Con chó nằm yên bất tỉnh, và ông Quản Là nghĩ là nó chết rồi. Khi đặt nó xuống nơi chân, dưới một gốc xoài, ông mới cúi xuống quan sát. Một viên đạn xuyên qua mắt có lẽ đã làm lủng óc con vật. Một viên đạn khác bắn gãy một cái chân sau và một viên nữa trúng vào giữa lưng. Với ba phát đạn như thế, lại bị máu chảy quá nhiều, làm sao con vật có thể sống sót? Vả lại, theo quan niệm của ông, con chó dù sống cũng chẳng ích gì. Trên một quan điểm thuần túy nhậu nhẹt, ông Quản Là nghĩ rằng loài chó, dù là khôn ngoan đến mấy chăng nữa, vẫn chỉ đáng được làm món chả nướng hay là xắt phay. Ông chỉ hơi tiếc con chó đã bị mất máu khá nhiều trên các đường phố. Nhưng bù trừ lại, ông đã đổi nó bằng giá quá rẻ. Lâu nay con chó đã được nuôi dưỡng quá sức đầy đủ bằng những món đồ ngon béo nên thật mập mạp, mướt lông.
Bấy giờ vào lúc đương mưa, ánh nắng oi bức làm cho con người mệt mỏi. Ông Quản Là nghĩ đến một người cộng sự trong việc xẻ thịt con chó để cho nhẹ bớt phần nào công việc. Hơn nữa, cần phải có người đài thọ món rượu và những chi tiêu khác nữa về phần gia vị. Trong số bạn nhậu quen thuộc của ông, ông Quản Là nghĩ ngay đến ông Hai Thìn. Ông Hai Thìn có một quán rượu nhỏ và nổi tiếng là con người hiền lành. Những người hiền lành có một điều lợi là ai gặp những việc gì khó khăn cũng thường nghĩ ngay đến họ.
Khi ông Hai Thìn đã được gọi sang, nhìn thấy con chó, ông thật kinh ngạc. Ông đã từng biết quá nhiều về nó, cũng đã từng nuôi dưỡng nó lâu nay. Trong cái bề ngoài của kẻ lè phè nhậu nhẹt, ông Thìn là người yêu nước, và tâm hồn ông nếu dễ xúc động trước những rượu thịt thì cũng sẵn sàng rung động trước những nghĩa cả. Trái với ông Quản Là, ông Hai cúi nhìn con chó rồi ngồi sụp xuống để che giấu nỗi nghẹn ngào. Khi đã trấn tĩnh lại được, ông mới bắt đầu quan sát con vật. Được nằm yên trong bóng mát và được chuyển tiếp hơi đất quen thuộc, con chó dường như vẫn còn thoi thóp. Phải cứu sống nó, ông Hai tự nhủ như vậy. Cứu sống con chó, đối với ông Hai bây giờ là một bổn phận. Con chó này đáng cứu sống hơn là chán vạn con người phản bội đang sống phây phây giữa cuộc đời này.
Ông bước vào nhà, bảo ông Quản Là:
- Con chó này mất máu nhiều lại quá già nua, ăn chẳng ngon gì. Tôi coi may ra nó còn sống được, nếu mình chịu khó thuốc men. Tôi bằng lòng đổi con Vàng nhà tôi và hai lít đế hảo hạng để mang nó về. Ông Quản có bằng lòng không?
Cố nhiên, ông Quản Là bằng lòng. Ông cũng không cần thắc mắc vì sao mà ông Hai Thìn đánh đổi như vậy. Kể ra, không thiếu gì cách giải thích khi cần biện bạch nhưng ông Hai Thìn đã biết ông Quản Là từ lâu rồi. Những người chỉ biết có việc nhậu nhẹt là quan trọng nhất trên đời thường nhìn thế sự theo một khía cạnh dễ dãi.
Thế là ông Hai đem con chó Vá bông lau về nhà dưỡng bịnh. Vòng da cùng với niềng mây được ông tháo gỡ. Con chó được đặt trong buồng nhỏ thật yên tĩnh và tự tay ông săn sóc hàng ngày. Viên đạn chỉ làm nó hư một mắt chứ không đi sâu vào óc. Ông tự tay rửa vết thương, chăm sóc cho nó từng ly từng tí. Ông nấu cháo, khuấy sữa đổ cho nó dùng. Với một con vật như thế, người ta không được tiếc rẻ gì hết. Và sự tận tâm của ông, sau nhiều tháng dài đã cứu con chó thoát chết và nó đã đứng dậy được. Tuy nhiên con chó vừa chột vừa què. Nó không được mập như xưa, không còn phong độ như xưa, nhưng ông Hai Thìn nghĩ rằng cái hình thức nó dù là tàn phế nhưng tinh thần nó - nếu quả con chó cũng có tinh thần - thì vẫn vẹn toàn.
Bây giờ con chó vẫn đi quanh quẩn trong nhà, lặng lẽ, buồn rầu. Thỉnh thoảng nó cũng đi ra ngoài xóm thơ thẩn ít vòng rồi lại quay về. Vì chột và què, nó đi chậm chạp, khó khăn. Hơn nữa hình như ở trong lòng nó mang sẵn những điều buồn phiền nên không lúc nào ông Hai thấy nó linh hoạt, tươi vui. Một điều đặc biệt, con chó không chỉ chiếm được lòng thương của mọi người gặp mà ngay đến loài chó khác, riêng đối với nó cũng có một sự kiêng nể rõ ràng. Dù bị tật nguyền nó vẫn không bị đồng loại ức hiếp.
Ông Hai Thìn nghĩ con chó này là báu vật, và ông quyết gìn giữ một kỷ niệm lớn lao của một thời kỳ đất nước trải qua những cơn biến động xốn xang. Nhưng giữ như thế nào đây? Vật sống thật là khó lòng tồn tại, và một con chó vừa chột vừa què lại là cái gì rất đỗi mong manh. Lại thêm, mỗi ngày con chó trông càng tiều tụy nhiều hơn và có nhỉều hôm nó đi thơ thẩn suốt buổi từ sáng đến trưa mới lại trở về. Nó có thể gặp tai nạn dọc đường, hoặc gặp những kẻ bất lương giết chết. Nhưng con chó ấy đi đâu? Ban đầu ông Hai Thìn không để ý, nhưng rồi những sự vắng mặt kéo dài như thế cũng khiến cho ông băn khoăn.
Một bữa, ông Hai theo nó, lững thững đi phía sau xa. Cứ nhìn con vật lê bước khó khăn trên đường phố mà thấy thương tâm. Trong những ngày đầu người ta vẫn còn trầm trồ bàn tán về nó, và nhiều người đi trên đường gặp nó, đã đứng dừng lại với lòng quý mến đặc biệt. Những sự khôn ngoan lạ lùng của nó ngày xưa cũng được phóng đại nhiều hơn qua sự khẩu truyền. Việc nó liều mình cứu chủ cũng được thêu dệt như một khúc anh hùng ca với nhiều chi tiết ly kỳ mà trí tưởng tượng phong phú của nhiều con người mới xây dựng nổi. Người ta cũng tỏ lòng thương nó đấy, cũng gọi nó lại để trao cho những thức ăn, nhưng bây giờ đây con chó buồn bã và tàn tật đó gần như cũng không tha thiết gì đến quanh mình. Tiếc nhớ người chủ đã xa khuất rồi hay là cảm thấy bất lực trước những kẻ thù tàn bạo, những tình cảm ấy nơi lòng con chó cô đơn không ai có thể biết được. Và những hình tượng anh hùng, dầu có đẹp đẽ bao nhiêu, một khi đã thành quen thuộc, gần gũi, cũng mất khá nhiều hấp dẫn, khác với khi được hình dung ở trong mơ tưởng xa vời. Cứ nhìn mãi nó trong cái dáng vẻ bình thường tiều tụy, người ta rồi không còn ai lưu ý đến nữa. Lắm khi, đi bên cạnh nó, nhiều người cũng đã quên rằng mới ngày nào đây con chó là một đối tượng mà họ thán phục không ngừng. Hơn nữa, chút lòng thương hại không được kể như là loại tình cảm lâu bền. Con người đối với đồng loại đã không có thể nghiêng mãi tấm lòng chia sẻ, giữa một xã hội cạnh tranh giành giựt hàng ngày, làm sao có thể không ngớt tiếc thương cho một con chó, dầu là con chó khác thường?
Ông Hai Thìn vừa nhẩn nha đi sau con vật một quãng khá xa vừa nghĩ ngợi về thế tình. Dầu sao còn một lý lẽ này nữa đã khiến nhiều người không dám biểu lộ một sự vồ vập dài ngày đối với con chó khôn ngoan, là cái ý tưởng sợ hãi những sự rình mò, khủng bố của nhà cầm quyền. Dưới một chế độ mà cái danh từ công lý chỉ là bình phong che đậy cho những hành động tàn ác, phi nhân thì mối thiện cảm đối với con chó của một số người được xem như là phiến loạn, dầu là con chó tật nguyền, cô độc chăng nữa, cũng dễ bị coi như là bằng chứng của sự bất trung, của một tội lỗi. Trong chế độ ấy lòng thương phải được gói kín, phải được ngụy trang bằng nhiều kiểu cách, và ông Hai Thìn chợt thấy mình là một kẻ liều lĩnh, một hạng gan lì đã dám chứa chấp một vật nguy hiểm. Dầu sao ông cũng tự an ủi rằng ở thành phố này người ta vẫn đánh giá ông quá thấp để có thể nghĩ những điều bất lợi cho ông. Ông được kể trong thành phần bợm nhậu nên việc nuôi con chó ấy có lẽ cũng được người ta xét trên phương diện ẩm thực mà thôi, vả lại, đây chính là sự đổi chác với ông Quản Là và ông Quản Là đổi chác với bọn mã tà, như thế ít nhất cũng có chừng hai thế lực, dẫu là thế lực cỡ nhỏ, chở che cho sự nuôi chó của ông.
Cứ thế, ông Hai thong thả đi theo lộ trình con chó hướng dẫn và ông thấy nó đi qua khá nhiều đường phố khác nhau, ghé lại nhiều nơi, dừng lại nhiều chỗ. Có lẽ những nơi chốn đó ngày xưa nó và người chủ giả dạng ăn xin mù lòa đã từng ngồi đấy nghỉ ngơi hay làm một chỗ trú ngụ. Con chó ngửi hít những nơi chốn ấy như tìm hình bóng một người quen thuộc thân yêu, có khi nó lại nằm khoanh tại chỗ như để đắm chìm trong cái không khí kỷ niệm. Ông Hai tôn trọng những giờ phút đó và ông lảng vảng ngoài xa để đợi chờ nó trở lại chuyến đi, hoặc ông rón rén lại gần, cảm động nhìn ngắm con vật có nghĩa khoanh tròn ở dưới bóng cây hay trong một tòa cổ miếu. Theo dõi con chó vài lần như thế, ông Hai không thắc mắc nữa. Nó còn đi nơi nào khác, ông không nghĩ tới. Yên trí con vật quay lại trên những lối cũ đường mòn, ông bắt đầu nghĩ một kế hoạch khác, ngõ hầu duy trì cái dòng giống chó khôn ngoan cho được dài lâu. Như mọi con người suy tưởng thực tế, ông Hai nghĩ cách kiếm tìm cho nó một người bạn đường khác giống. Một hôm, ông bảo bà Hai:
- Bà xem, con chó ấy sống một mình nó cũng buồn rầu. Ngày xưa nó quen hoạt động, đi đó đi đây, đầu óc của nó chắc không suy nghĩ gì khác. Nhưng bây giờ đây, bất lực và tàn phế rồi, chắc nó phải buồn. Để giúp cho nó khỏi sống cô độc, chúng ta hãy tìm cho nó một người vợ tốt. Coi xem có con chó cái nào xứng đôi không? Tôi sợ nó chết mà mình không gầy giống được, thật là đáng tiếc. Không dễ gì gặp được một con chó khôn ngoan, có lòng như thế.
- Mình cứ để nó thả rong ngoài đường, hễ gặp con nào vừa ý thì nó tìm đến kết bạn chứ hơi sức đâu kiếm tìm.
- Chúng ta định gầy giống tốt chớ cứ để nó lang thang ngoài đường thì biết làm sao mà gầy giống được. Vả lại, tôi đã theo nó nhiều lần, thấy nó đi trên đường phố mà không lưu ý chút nào đến những con chó khác giống. Con này đã quen cuộc sống như vậy, bây giờ mình phải ép nó lấy vợ mới xong.
Ông Hai Thìn tự thấy mình có bổn phận tìm người bạn đời cho con chó Vá.
Gìn giữ một truyền thống tốt ở trong đời sống muôn mặt của xã hội này cũng là một thứ trách nhiệm. Đừng làm mất đi mầm giống của một loại cây, đừng làm lạc mất một câu hát cổ, đừng làm quên đi một câu chuyện xưa, đừng làm phai nhòa ý nghĩa một phong tục tốt, đó cũng là một trong muôn nghìn cách bảo vệ sự sống của giống nòi mình. Ngay đến loài gà, loài chó với những đặc tính lạ lùng của nó mà để cho mai một đi, chẳng lỗi lắm sao? Bây giờ ông Hai không thể làm được những gì to lớn để góp phần vào đại cuộc thì một chứng tích của đại cuộc ấy cũng không đành đoạn để bị tiêu trầm. Biết đâu con chó này sẽ chết đi và bầy con nó, cháu nó sẽ còn tồn tại, tiếp tục một nòi giống tốt ở trong đời sống phố phường, làng mạc, giúp ích được cho con người không biết chừng nào.
Rồi sẽ có ngày nào đó nhiều người còn nhớ đến nguồn cội nó, nhắc lại sự tích của cha ông xưa, và những cổ tích của loại chó ấy biết đâu không sẽ trở thành bài học phấn khởi cho biết bao người?
Vốn quen biết nhiều trong dân làng nhậu, có sự giao thiệp khá rộng, ông Hai cũng đã để tâm đến nhiều những cô chó khác. Ông cũng dựa theo tính tình của con chó nhà mà chọn bạn đời cho nó. Nó vốn trầm tĩnh, nghiêm trang, hiền lành, kín đáo, không thể kiếm một người vợ sỗ sàng, những loại chó cái bông lông ưa sự chạy đuổi chung quanh bờ rào hay thích la cà dưới trăng với những anh chàng xa lạ. Hơn nữa, sức khỏe của con chó Vá bây giờ đã suy giảm rồi. Tìm một cô nàng sinh lực dồi dào, có một bản năng hiếu động cũng không phù hợp. Ban đầu đến nhà Tư Hải thấy một con Vện thật là hiền lành, ông Hai để tâm quan sát. Con chó không to lớn lắm, bề ngoài sạch sẽ dễ coi, cung cách đi đứng chào hỏi chủ nhà hay là đón tiếp khách lạ cũng không ồ ạt, sỗ sàng. Trong những bữa nhậu, nó không tranh giành gấu ó với những đồng bọn trong nhà, và theo Tư Hải cho biết thì cứ về đêm nó vẫn nằm ngủ ngoài hiên, kể cả những hôm mưa lạnh để mà bảo vệ nhà chủ. Tư Hải cũng còn nói đến nhiều sự khôn ngoan đặc biệt của con vật đó ở trong sinh hoạt thường ngày. Những lúc đi xa, con chó không theo Tư Hải, nhưng các đứa bé trong nhà bước ra khỏi ngõ là nó lẽo đẽo theo sau, sẵn sàng nhảy đến gầm gừ với những con chó khác lạ khi chúng đến gần chủ nó hoặc là sủa vang xua đuổi những đứa trẻ khác chòng ghẹo chủ mình. Đuổi gà phá luống rau cải, bắt chuột ở trong nhà bếp, ngăn ngừa con mèo háu ăn đánh cắp thực phẩm, quả con Vện nhà Tư Hải cũng thuộc về dòng chó quý và thuộc mẫu mực những bà nội trợ hiền lương. Kiếm một con chó như thế đem về làm vợ cho con chó Vá ở nhà thật là xứng đáng. Bây giờ đã hết thời kỳ giang hồ ngang dọc, con Vá kia sẽ yên lành bao nhiêu bên người bạn đời hiền thục, khôn ngoan như thế. Ông Hai quyết định sự chọn lựa ấy nhưng vẫn chưa nói cho một ai hay. Một hôm, lại trong bữa nhậu, quanh quẩn với đề tài chó, luận bàn về chó và người, ông Hai lần hồi đưa đến kết luận về sự đổi chác hay sự mua bán có thể xảy đến giữa những con chó nhà họ. Tức thì Tư Hải kêu lên:
- Không, tôi thì nhất định không bán con Vện cho bất kỳ ai, dầu bằng giá nào.
Ông Hai liền hỏi:
- Sao vậy?
Ông Tư trả lời:
- Thì có gì đâu: mình chưa đến nỗi đói khổ phải bán con chó của mình. Hơn nữa, nó đã ở tốt với mình quá đỗi, bán đi sao đành? Con chó mà đã có nghĩa với mình như vậy, lẽ nào mình lại tham tiền mà xử tệ hơn cả nó hay sao?
Ông Hai cười nói:
- Sao lại bảo rằng xử tệ? Nếu bán để nó được nơi no đủ nhiều hơn, được người chăm sóc kỹ hơn, thì chẳng là quý hơn không?
Ông Tư đáp xẵng:
- Tôi sợ con chó nó không tính toán như thế. Nó không có nghĩ lợi hại như người mà tính thiệt hơn.
Câu trả lời tuy thành thực nhưng lại ngụ cái ý tưởng xúc phạm đến ông Hai Thìn. Tuy vậy, ông Hai không giận. Giận dữ thường làm hỏng việc. Ông tự trấn tĩnh được mình và cười đáp lại:
- Nó không biết tính thiệt hơn thì chủ nó phải tính giùm nó chứ.
Bấy giờ ông Tư mới tiết lộ thêm một sự thật khác:
- Thực ra cũng chẳng biết ai mà đối xử tốt với nó hơn mình. Đổi chác con chó lợi lộc bao nhiêu mà mang tiếng đời không ít. Lại có điều này, con Vện nhà tôi tuy vậy mà thuộc dòng dõi hiếm con. Con mẹ của nó trước kia cũng chỉ sinh mỗi mình nó. Và bà ngoại nó cũng chỉ sinh được mỗi mình mẹ nó mà thôi. Có lẽ là loài chó quý sinh đẻ không nhiều.
- Cái đó chưa chắc đâu ông Tư ơi.
Cả hai tay nhậu đều cười vui vẻ nhưng chính câu nói vừa rồi của ông Tư Hải tuy có phần nào làm cho ông Hai thất vọng nhưng cũng giải tỏa cho ông được một thắc mắc: ông nhận thấy ngay con Vện không thể nào là người vợ lý tưởng cho con chó Vá nhà ông. Bởi lẽ nó thuộc về dòng sinh đẻ hiếm hoi, còn ông cần có cả một nòi giống phồn thịnh. Ông tự nhủ mình: “May quá, mình quên hỏi rõ cái chi tiết ấy mà thằng cha Tư vô tình lại cho mình biết. Đem một con chó như thế về sống với một anh chàng có vẻ không mấy nhiệt tình trong sự thương yêu, dễ gì kiếm được ít con chó nhỏ để mà gầy giống. Phải chọn một con chó cái thuộc loài đẻ nhiều mới được. Đó là tiêu chuẩn hết sức quan trọng trong sự chọn lựa”.
Và ông Hai Thìn tiếp tục công việc tìm kiếm của mình. Ông mở mang thêm các mối giao thiệp, lân la đến các gia đình nhiều chó, quan tâm đến tất cả chó mà ông gặp gỡ trên đường, đề cập đến câu chuyện chó trong mọi tiếp xúc, dù với người thân hay là kẻ lạ. Tình thế và những sự kiện bất ngờ đã biến ông Hai thành một chuyên viên về chó, một nhà khảo cứu về chó mà ông không ngờ. Đôi khi ông cũng lấy làm buồn cười về sự hiểu biết quá nhiều của mình thuộc loài giống đó và đối với nhiều bạn hữu ông đã trở thành một cái đề tài giễu cợt rất là ồn ào. Người ta thường cười cợt hỏi:
- Chẳng hay tuổi của ông Hai thuộc về tuổi gì?
Và ông Hai Thìn cười đáp hết sức tự nhiên:
- Tuối Tuất.
Thật ra ông Hai tuổi Dậu, là tuổi con gà. Nhưng gà hay chó, điều đó đối với ông Hai chẳng quan hệ gì. Con vật gán cho tuổi tác chỉ là một sự bày đặt và ông Hai Thìn không hề lấy đó làm điều quan tâm. Biết bao nhiêu là hạng người tuổi Cọp mà yếu như sên, hạng người tuổi Trâu mà lười như quỷ. Cái tuổi thuộc về con gì là một sáng chế nhảm nhí, ăn nhập gì đến vận mạng cũng như ý chí của những cá nhân phải sinh hoạt trong guồng máy xã hội? Nhưng sự kiện ông Hai Thìn quan tâm quá nhiều đến loại chó cái cũng khiến nhiều người nghiêm chỉnh không sao ngăn được nụ cười. Những sự cười cợt phần nhiều không tránh khỏi được nông nổi. Và không người nào hiểu được dụng tâm của ông trong việc kén chọn như thế.
Nhưng rồi mọi sự nhiệt thành, mọi lòng nhẫn nại phải dẫn đến đích. Cuối cùng ông Hai đã tìm được người bạn đường vừa ý cho con chó Vá của mình.
Người bạn đường ấy thuộc giống loại nào, và được xuất xứ từ đâu, đó cũng là câu chuyện dài mà chúng ta sẽ nói tới.