Chương II


Chương VIII

     on Vá, anh em ruột thịt đồng lứa với con Mực, được ông Hội đồng đặt tên là Ki, cùng danh tánh với con chó có nghĩa mà cụ Sào Nam đã làm bia thờ.
Nó giống y hệt cha nó ngày xưa, pha cái dáng dấp uyển chuyển của người mẹ nó. Đó là giống chó rặt nòi Việt Nam, hao hao giống loại chó rừng, mõm dài, tai đứng dão về phía trước, mũi bằng và hơi phồng to nhưng không nhọn như chó rừng. Lông nó nhuyễn ngắn, sát mình. Đặc biệt trên lưng có xoáy và chòm lông gáy chạy dài dọc theo xương sống. Đuôi nó xòe như chiếc chổi tàu cau. Chân nó thon dài, gân guốc. Nó thuộc về giống chó săn độc đáo và những tài nghệ bắt chồn, đuổi sóc, moi chuột v.v... của nó rất là tài tình. Những bản lĩnh này của nó không kém mẹ nó ngày xưa. Nhưng cũng giống như cha nó, con Ki hình như ra đời không phải để làm một loại chó săn tầm thường.
Ban đầu ông Hội đồng giao nhiệm vụ cho nó là đứng canh chừng nơi cổng. Khi đánh hơi được người quen, tự nó biết ngoạm chiếc chốt kéo sang một bên để cho người ta đẩy cổng đi vào, và nó dẫn đầu chạy trước vào sân báo hiệu cho người nhà biết. Nếu có một người lạ mặt thì nó sủa hực lên một tiếng lớn, báo động cho trong nhà biết chớ không mở cửa. Có một điều lạ là nó mang mối căm hờn sâu xa đối với lính tập hay lính mã tà. Bất cứ gặp lớp người này nơi đâu nó cũng sủa rống lên từng cơn dài, và những muốn nhảy chồm lên trong một dáng điệu sấn sổ để mà uy hiếp.
Một hôm, có người đồng chí của ông Hội đồng đến thăm, được nghe phi báo là hiện đang bị truy nã bởi bọn tay sai của nhà cầm quyền thực dân, bèn vội từ giã ra đi vào lúc nửa đêm. Ông Hội đồng bảo:
- Con đường từ đây ra đến bờ sông có nhiều khoảng rất khuất vắng. Anh hãy dẫn con Ki theo, nó là một kẻ đưa đường rất tốt. Đến bến, anh cứ bảo nó trở về, nó sẽ hiểu được ý anh.
Rồi ông quay gọi con Ki, vuốt ve đầu nó:
- Này con, hãy theo ông Tư ra đến bến đò. Nhớ dẫn đường cho ngoan nhé.
Thế là con chó lon ton đi trước dẫn đường cho khách trong đêm. Nó thường chạy trước một quãng, như dò xét trước đoạn đường rồi quay trở lại. Đôi khi nó dừng bước lại, vểnh tai như để lắng nghe rồi lại cúi xuống ngửi hít trên những lối đi, hay lại ngước chạy đón tìm ở trong không khí một tăm dạng nào. Ông Tư cảm thấy yên dạ được đi với người dẫn đường tinh khôn như thế. Lúc đến một khu rừng nhỏ, con vật mất hút vào trong, rồi bỗng phóng nhanh trở lại cản đường người khách của ông Hội đồng. Ban đầu, ông ta chưa kịp nhận thấy sự báo động ấy nên lách qua nó, bước tới, nhưng con vật đã phóng nhanh về trước, chồm lên những muốn cản ngăn. Nó không kêu một tiếng nào, có lẽ sợ lộ hình tích. Ông Tư dừng lại và con chó Ki cúi xuống lôi một mảnh quần của ông, kéo lại nhẹ nhàng. Biết là có gì bất trắc, người khách của ông Hội đồng tần ngần không biết xoay trở ra sao. Trở lui thì cũng bất tiện vì không có đường nào khác. Ở lại nhà ông Hội đồng thì sợ liên lụy. Vả lại, nếu không thoát khỏi đêm nay thì để ngày mai gặp nhiều khó khăn, vốn cũng là người có biết ít nhiều võ nghệ, ông Tư nghĩ rằng dù sao con chó cũng đã giúp mình phòng bị và thế là quá đủ rồi. Bây giờ cứ sấn bước tới, gặp những bất trắc thì sẽ chủ động ra tay cũng chẳng hề gì. Ông cúi xuống vỗ nhẹ đầu con chó, vuốt trên mình nó như muốn tỏ rằng ông đã hiểu hết những điều nó muốn thầm bảo với ông, rồi ông tiếp tục lên đường.
Con chó chừng như hiểu hết ý định của ông nên phóng đi trước. Trong bóng đêm dày vì những cây rừng làm cho đêm tối càng khó nhận rõ lối đi, người khách của ông Hội đồng bước rất chậm chạp, nhướng mắt, chong tai, tỉnh táo trước mọi động tĩnh ở chung quanh mình. Gần khỏi khu rừng, nhìn thấy loáng thoáng từ xa trước mắt cánh đồng lờ mờ trải rộng, ông Tư mừng thầm, hy vọng có thể thoát khỏi mọi cuộc truy lùng. Nhưng vừa lúc ấy ông cũng kịp thấy con chó từ một bụi cây bên đường phóng ra, như chận lối đi. Ông Tư dừng lại đột ngột thì từ gốc cây bên đường một kẻ nhảy ra, và ở sau ông, từ một bụi rậm, ông nghe tiếng người nhảy tới. Ông Tư vội vàng quay ngoắt mình lại đối phó với kẻ sau lưng, tung một ngọn cước vào ngay bụng dưới của gã khiến gã té nhào xuống đất, thì hai bóng đen khác nữa cũng đã ập đến. Con người xuất hiện trước mặt ông Tư ban nãy giơ chiếc gậy lớn tiến tới trợ lực đồng bọn thì nhanh như cắt con Ki đã phóng vào gã, ngoạm lấy cánh tay vừa cào cấu khắp người gã. Bị tấn công quá bất ngờ gã phải thả rơi chiếc gậy, hoảng hốt lùi lại, nhưng con chó vẫn không tha, hết sức nạp theo, cắn xé khắp người. Khi gã mang những thương tích tìm đường tháo chạy thì con Ki đã quay lại phụ lực ông Tư tấn công ba kẻ thù kia. Con chó chiến đấu ác liệt đến độ nó đã dồn hẳn ba kẻ vào một góc rừng để ông Tư kịp thì giờ phóng chạy ra cánh đồng rộng.
Không dám đi theo lối sẵn, người khách của ông Hội đồng bươn xuống ruộng lầy, chạy về bến đò cho được mau hơn. Ông đã tránh những bãi lác, vũng sình dày đặc, nhưng vì đêm tối, đường trơn lại không quen thuộc rõ ràng lối bước nên ông sa chân ngã xuống một vũng lầy lớn. Ở đây mặt đất bập bềnh như vùng cát lún, hễ càng cựa quậy lại càng bị lún sâu hơn. Ông Tư cũng đã nghe biết những vùng đất lầy như thế, những nơi mà người nông dân phải cấy lúa trên những cây sào dài thả trên mặt đất để khỏi bị chôn vùi dưới bùn sâu. Nhưng không còn cách nào khác để tự cứu mình, ông phải nhoi lên một cách tuyệt vọng, nhưng mỗi cố gắng như chìm sâu hơn vào trong sình lầy. Cuối cùng, đuối sức, ông Tư thấy mình đã bị ngập sâu tới ngực, chỉ còn sải dài hai tay để giữ cho mình khỏi bị nhận chìm. Mỗi lúc ông nghe lồng ngực càng nặng nề hơn, hơi thở trở nên khó nhọc. Đêm càng về khuya, hơi lạnh càng thấm vào trong xương thịt qua lớp đất bùn ẩm ướt và những con đỉa bắt đầu rỉa rói trên khắp châu thân.
Giữa lúc mệt mỏi và đau nhức ấy, ông Tư nghe tiếng cào cấu loạn xạ trên bờ, những tiếng sủa nhỏ của con chó Ki và cái hình bóng cuống quýt của nó lượn quanh vũng lầy. Ông Tư hết sức vui mừng, nhưng sau sự mừng rỡ ấy ông càng thấm thía cảnh ngộ tuyệt vọng của mình. Không có cách gì cứu thoát ông khỏi nơi đây, bởi con chó Ki nếu phóng mình xuống cũng sẽ bị chìm ngập trong vũng lầy. Con chó nháo nhác trên bờ như một đốm trắng chờn vờn giữa mảng trời khuya. Ông Tư đập một bàn tay lên mặt vũng lầy, kêu những tiếng nhỏ trìu mến: “Ki! Ki!” như những tiếng chào giã biệt, nhưng trong một thoáng con chó đã vụt biến mất. Nó chạy về báo cho ông Hội đồng hay chăng? Ông Tư vẫn không hy vọng gì được cứu sống. Từ đây về nhà của ông Hội đồng con đường thật xa và chuyến khứ hồi như thế dù được thực hiện nhanh chóng cũng mất vài tiếng đồng hồ. Mỗi phút, ông Tư bị lún dần xuống một tí, và chỉ chừng một giờ sau khi sự chống chỏi đã kiệt lực rồi ông cũng khó lòng thoát khỏi cái chết khủng khiếp ở dưới bãi lầy.
Nhiều phút trôi qua trong nỗi đợi chờ tuyệt vọng và ông Tư đã bắt đầu thấy những sao trời lốm đốm trên cao tắt dần trong đôi mắt mình. Giữa lúc mệt mỏi và sắp buông xuôi ông nghe mơ hồ những tiếng động nhỏ dồn dập của một con vật phóng nhanh qua những vũng nước bãi sình và nhiều lần ông mở mắt nhưng vẫn không trông thấy gì. Có thể đây chỉ là một ảo tưởng xuất phát từ một thần kinh xúc động trong những tột độ hãi hùng. Rồi sự im lặng của bầu trời khuya giữa cánh đồng vắng mênh mông mỗi lúc mỗi nặng nề thêm.
Nhưng bây giờ những tiếng động lại nghe rõ hơn, cả tiếng chó hực, và ông Tư cố mở mắt xoay chuyển người mình một cách khó khăn, nhìn về phía bờ. Con Ki lại đã xuất hiện, không còn cuống quýt như trước, đứng cúi nhìn ông kêu những tiếng nhỏ như lời mời gọi. Ông bỗng nhìn thấy con vật cúi xuống trên đất, ngoạm lên một chiếc gậy dài rồi thả gậy xuống vũng lầy vừa cắn một đầu để chìa đầu kia về phía tay ông. Lập tức, ông Tư nắm lấy chiếc gậy như bấu víu vào sự sống. Ông vẫn còn lo phập phồng không biết con vật liệu có đủ sức làm một điểm tựa cho ông lê người ra khỏi vũng lầy, nhưng không còn cách nào khác là phải tự mình nỗ lực nương vào sức trì kéo kia vươn lên khỏi chốn hiểm nghèo. Con vật như tìm được một điểm tựa trên bờ, ghìm sâu chân xuống mặt đất cắn chặt cây gậy, và ông Tư cứ như thế nhoi dần người lên, rướn tới từng chút từng chút cho đến khi ngã soài người vào được mé bờ, một tay vẫn nắm chiếc gậy, một tay bám được vào một mô đất. Bây giờ thì ông có thể buông tay khỏi chiếc gậy kia, dừng lại ít phút để thở. Con chó cũng nhả gậy trên bờ cỏ, kêu lên những tiếng nho nhỏ vui mừng, rồi cúi mình xuống ngoạm lấy vai áo của ông, phụ lực để kéo ông lên. Ông Tư cố bám vào đất để leo lên bờ, vừa thả người xuống đám cỏ ướt đẫm sương đêm đã ôm choàng lấy con Ki vào lòng như ôm người bạn thân thiết, một kẻ ân nhân đầy sự gan dạ và óc thông minh. Có lẽ con vật cũng hiểu được sự trìu mến và tri ân ấy, nên nó nằm yên trong lòng ông Tư, rồi nhẹ nhàng ghếch mõm lên trên cánh tay ông, liếm những vết máu do bị đỉa cắn đây đó ở trên da thịt. Những giọt nước mắt ấm áp từ trên khuôn mặt ông Tư nhỏ xuống trên mình con vật. Ngồi được một lát, hơi thở trở lại điều hòa, ông Tư quờ tay tìm lấy chiếc gậy. Chắc là chiếc gậy kẻ thù toan quật ngã ông ở trong khu rừng, bây giờ đã được con Ki biến thành phương tiện để cứu sống ông. Ông ôm con chó trong lòng, chống cây gậy ấy đứng lên và dựa vào nó để tìm lối bước trên những đường ruộng mấp mô. Tới một ao nước ửng sáng trong vùng đêm đen, ông bèn dừng lại rửa ráy những lớp sình lầy quết đầy trên mình, giặt giũ quần áo, rồi cùng con Ki tìm đường ra tới bến đò. Bây giờ có lẽ cũng đầu canh năm, trời còn tối mịt, vì ánh sao mai đã thấy lấp ló ở chân mây xa. Qua khỏi được dòng sông này, thế là thoát nạn. Bước lại bến đò, gọi người lái đò đang ngủ chập chờn trong chiếc lều nhỏ bên bờ sông vắng, ông Tư chịu món tiền lớn để được đưa gấp sang sông. Trước khi lên thuyền, ông còn cúi xuống ôm chặt con Ki vào lòng, hôn trên đầu nó, nói lên mấy lời cảm tạ ân cần. Đợi cho con thuyền ra đến giữa dòng, con chó mới quay trở lại, phóng mình về nhà.
Câu chuyện con Ki cứu người bạn ông Hội đồng khỏi sự vây bắt của những kẻ thù hung ác và thoát chết khỏi vũng lầy mãi về sau này nhiều năm ông Hội đồng mới biết được. Người bạn của ông, vì những công tác nơi xa và gặp hoàn cảnh khó khăn không tiện thư từ nên đã không viết cho ông biết rõ về sự việc ấy. Gần năm năm sau, khi có dịp kể lại câu chuyện cũ với ông Hội đồng thì bấy giờ con Ki đã vĩnh biệt cõi đời.
Nhưng ông Hội đồng còn nhớ sau cái đêm ấy không lâu, chừng độ vài tháng có lẽ, một hôm nhà ông có đám kỵ lớn, bà con cùng những thân hữu xa gần kéo đến khá đông, trong số những khách đến dự con Ki bỗng nhiên cứ chạy theo mãi một người khách lạ cùng có những mối tương quan bè bạn với một đôi người bà con bên ngoại của ông, gầm gừ, hực sủa trong một dáng điệu căm thù. Người khách tỏ ra khó chịu rõ rệt, và ông Hội đồng phải vừa xin lỗi vừa mắng con vật bảo nó im đi. Con chó tuân theo lời chủ, lui về một góc sau nhà nhưng nó vẫn lấm lét nhìn người khách, thỉnh thoảng lại muốn chồm tới để tấn công gã. Sự lưu ý quá đáng của một con chó làm cho người khách khó chịu, và sau tuần rượu khai vị y đã vịn cớ bận việc để mà cáo từ. Ông Hội đồng đã để tâm theo dõi một thời gian sau mới biết người khách hôm ấy là tên điềm chỉ đắc lực của bọn cầm quyền thực dân, nhưng ông không ngờ được rằng chính y là kẻ đã từng mai phục bên rừng để hại một người đồng chí của ông từng được con Ki cứu thoát, và đã tìm cách đến dự ngày giỗ hôm ấy với cái dụng tâm dò xét, điều tra về ông.
Bấy giờ, sau khi ông Nguyễn An Ninh về nước khởi động lên lòng ái quốc, các bậc chí sĩ của thời Đông Du đều có cảm tình và những phần tử tích cực hưởng ứng phong trào do ông khởi xướng. Nhờ các ông Mai Bạch Ngọc, thầy Nhứt Giai, thầy giáo Hộ, Hương trưởng Hoài mà phong trào lan rộng khắp Tân An, Mỹ Tho, Gò Công... và vào sâu tận Cai Lậy, Đồng Tháp.
Những trạm liên lạc đã được thiết lập theo một tuyến dài ở giữa các vùng hoạt động. Con Ki được ông Hội đồng đưa về giúp việc cho người bà con, vừa là đồng chí của ông, ở miền Đồng Tháp, gọi là bác Năm. Từ đó, một nơi mới được dựng lên trong một khu vực người ta khai phá đồng lầy mở vườn lập ấp, bác Năm thường xuyên liên lạc với một trạm nối kế tiếp vào quận Bến Tranh. Suốt một thời gian khá dài con Ki đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thư từ đi lại, đưa rước những người hoạt động, đã từng qua mặt lính tráng, tuần đinh, và các đồn bót, chưa hề một lần bại lộ.