Dịch giả: Vũ Minh Thiều
PHẦN THỨ NHẤT

     hu vườn chìm đắm trong cảnh yên tĩnh và tiếng sóng vỗ đều đều và êm dịu của thác nước dập tắt tiếng vang của những bước đi ở bên ngoài. Mặc dù cảnh có vẻ tự nhiên ở trong những bức tường nhưng tất cả đều có dụng tâm, kể cả sự yên lặng nữa. Về phía đường phố, những ống ẩn giấu khéo léo trong các tảng đá, dẫn nước lên trên cao và nước chảy tựa tiếng thì thầm của dòng suối chảy ở dốc một ngọn đồi xuống. Một mô đất một phần có bao phủ, dựa vào bức tường đá rập theo hình dáng hùng vĩ của sườn một chóp núi ở miền phụ cận thành phố. Nước tuôn xuống như thác trên những tảng đá chồng lên nhau và chảy vào một thủy bàn, đáy trong suốt, đặt ở dưới bóng ba cây thông lớn, thân cây xoăn vặn lại vì lâu năm và nhìn từ xa người ta có cảm tưởng đây là một góc rừng nhỏ.
Phía Bắc khu vườn, ngôi nhà rộng, kiến trúc theo kiểu đặc biệt Nhật, biến dạng dưới một mái thấp, góc nhà như sa xuống, và được những bụi tre mà cành lá, như bức rèm phủ lên những bức tường cỏ ép lưới mắt cáo phủ dày làm dịu bớt đi. Sườn nhà bằng gỗ, còn nguyên vẹn sơn, và lâu ngày biến thành màu xám bạc. Những lùm cây Đỗ quyên hoa nở tưng bừng, lóng lánh trên nền xám êm dịu của gỗ.
Lúc này vào buổi trưa, bác sĩ Sotan Sakai ngẩng đầu lên và đắm đuối nhìn thửa vườn mà mùa xuân phô bày cảnh sắc tuyệt đẹp. Ông đặt bút máy xuống và rời chiếc chiếu, kiêu hãnh một chút ở trong thân tâm là cảm thấy chân mình không cứng nhắc tí nào. Khi ở Mỹ về, nơi mà ông đã trải qua tuổi niên thiếu ở đấy, ông phải mất nhiều năm mới thích ứng được với những phong tục của quê hương. Thoạt đầu ông không thể ngồi viết hàng giờ, chân gấp lại trước một chiếc trường kỷ thấp. Nhưng ông quyết định rời hẳn nước Mỹ. Lòng kiêu hãnh đã buộc ông lựa chọn điều này: bị thúc giục lựa chọn giữa trại tập trung và hồi hương. Ông thích về nước Nhật hơn.
Cũng vì lòng kiêu hãnh, ông cương quyết hướng về những phong tục tập quán của tổ tiên. Ông mua ở cửa thành Kyoto ngôi nhà cũ xưa của gia đình Nam tước Kazuko và ông ở đấy với vợ và cô con gái Josui, con trai Kensan của ông bà, lớn hơn Josui năm tuổi, không muốn rời bỏ Mỹ, sau khi bị giam nhốt ở trại tập trung, chàng bị giết ở Ý.
Cái chết của con trai càng làm bác sĩ Sakai cương quyết trở về Nhật.
Khi chiến tranh kết thúc, ông vẫn sống cách biệt quân đội chiếm đóng và các sĩ quan của họ. Được tiếng là một bác sĩ trứ danh, do Tây phương đào tạo, nên địa vị của ông được bảo đảm. Những đồng bang của ông không bỏ qua được.
Sau khi đi thăm bệnh nhân hàng ngày trong một bệnh viện lớn, tối tân, ông trở về nhà, thay quần áo và tiếp tục biên soạn cuốn sách của ông về các bệnh thiếu sinh tố mà ông đã sưu tầm được rất nhiều tài liệu từ ngày trở về xứ sở.
Bác sĩ Sakai lau chùi cẩn thận chiếc bút máy, sự nhượng bộ độc nhất mà ông chấp nhận từ nay về sau, đối với nền văn minh Mỹ. Và nữa, đó có phải là một sự nhượng bộ không, vì chính những đồng bang của ông cũng đã thay đổi chiếc bút lông cổ truyền để dùng bút máy hay bút chì.
Đứng trên ngưỡng cửa, ông ngắm khu vườn với niềm vui thanh khiết, đúng hơn gần như thanh khiết. Dễ xúc động, ông không thể không tìm những lá khô, rơi hôm qua, hoặc những tổ kiến đùn lên ban đêm, có thể làm mất vẻ đẹp hoàn toàn của khu vườn. Nhắm mắt lại, ông trầm ngâm một chút và lẩm nhẩm đọc những đoạn kinh điển Ấn Độ. Ông mở mắt ra và nhìn khu vườn với vẻ khác lạ, thửa vườn chan hòa ánh sáng, cảnh này ông vẫn ưa thích ngắm.
Suy tưởng đối với ông như là một nghệ thuật khó khăn. Ông lớn lên trong cảnh náo nhiệt của phố phường thành phố Los Angeles, ở đấy, ông bán rau và hoa quả của cha mẹ trông trong một khoảng đất nhỏ ở vùng ngoại ô. Ông kiếm ăn để qua mấy năm ở Đại học và được học bổng liên tiếp, nhờ vậy ông đã học xong Y khoa Đại học đường. Lúc trở về Nhật, ông phải tập suy tưởng, như người ta học một môn âm nhạc, chẳng hạn như tập ống tiêu năm lỗ, mà ông thường thổi buổi tối.
Chiến tranh kết thúc, ông còn một mối băn khoăn: cô con gái Josui của ông. Lúc ở Mỹ đi, nàng mới là cô gái mười lăm tuổi. Tính vâng lời vốn không phải là bản chất của nàng, chỉ có sự giao động và mối lo sợ đã buộc nàng phải theo cha mẹ. Nàng bối rối thấy các bạn gái Mỹ, thường ngày khả ái, thân mật, ngày trước ngày sau đã trở thành thù hận. Mối oán hận làm nét mặt của họ xấu xí và biến đổi nụ cười của các bạn nàng ra nét nhăn nhó. Kinh hoàng, nàng than phiền với người bạn thân nhất, Polly Andrews:
- Nhưng Polly, em có thay đổi đâu! Em vẫn như xưa!
- Không – Polly bẻ lại – chị là người Nhật và tôi khinh chị lắm.
Josui không nói gì. Nàng không trở lại trường. Một vài ngày sau, khi cha mẹ nàng xuống tàu, nàng đi theo, lòng chán nản, nàng chưa quen tiếp nhận nước Nhật được. Từ ngày đó, lòng nàng hoài nghi, nàng chỉ cảm thấy an toàn khi sống dưới mái nhà cha mẹ, nhưng tương lai đối với nàng hóa ra mập mờ.
Bác sĩ Sakai đoán ra tâm trạng con gái và cảm thấy băn khoăn nhiều. Ông bà biết định đoạt về nàng ra sao, nay nàng đã hai mươi tuổi. Tất nhiên, hôn lễ không thể để muộn màng hơn nữa, nhất là đối với một người thiếu nữ xinh đẹp như thế. Nhưng hôn lễ nào?
Ông nấn ná ở lại trên ngưỡng cửa, rồi bỏ dép dừa ra để xỏ vào guốc, ông đi theo con đường nhỏ dẫn đến bể nước và ngắm dòng thác. Không khí chứa chan hương xuân. Mùa xuân năm nay có ảnh hưởng thế nào đối với Josui. Năm trước, ông nhân thấy ở con gái mình sự nóng nảy, bồn chồn, ông thấy dễ dàng vì ông đã từng nghiên cứu Tâm lý học. Ông biết chắc, qua những cử chỉ dịu dàng, Josui ẩn giấu một tâm tình đam mê, vì vậy bác sĩ Sakai kết luận cần phải sớm gả chồng cho nàng.
Ông nhìn đồng hồ đeo tay giấu dưới cánh tay áo Kimono rộng, Josui về chậm. Nàng đi chơi đâu. Ông cau mày. Nếu trong mười lăm phút nữa, nàng không về, ông sẽ không đợi nữa; trong bữa ăn, sự hiện diện của Josui đối với ông là cần thiết, không phải ông có ý nuông chiều nàng vì ông không tha thứ để người ta xáo trộn thứ tự trong nhà được.
Josui trở về mười phút sau. Bước chân của nàng vang lên trên con đường nhỏ và chị hầu gái cất tiếng chào nàng. Bác sĩ Sakai vẫn chờ đợi, cặp mắt dán vào hồ nước, lưng quay về phía nhà. Bổn phận dạy Josui phải chào cha. Một lúc sau, ông nghe thấy tiếng nói dịu dàng của nàng:
- Thưa cha, con đã về.
Ông quay lại, cố ngăn không mỉm cười:
- Con về chậm thế!
- Không phải lỗi ở con, Josui nói.
Ở trong vườn, có quầng ánh sáng mặt trời bao bọc. Nàng có một vẻ đẹp mê hoặc: nàng đi bộ ở Đại học về khiến cho khách bộ hành nhìn thấy rõ mớ tóc đen bóng loáng, cặp mắt lớn lóng lánh đen, má hồng vì sức nóng, đôi môi đỏ. Về đến nhà, nàng trút bỏ ngay quần áo đi ra ngoài và mặc chiếc áo Kimono màu xanh dịu. Ông không muốn nàng mặc y phục Âu Mỹ.
- Tại sao không phải lỗi ở con? – ông hỏi giọng nghiêm nghị.
- Lính Mỹ đi trong phố  – nàng giải thích. Mọi người đều đứng chờ.
- Con chờ ở đâu?
- Dưới cổng bệnh viện
Ông không căn vặn nữa.
- Thôi, ta đi ăn cơm. Ta chỉ còn ít thời giờ, ta không muốn đến bệnh viện muộn. Đó là làm gương xấu cho những bác sĩ trẻ.
Josui hiểu biết tôn chỉ của cha; nàng vội vàng xin lỗi:
- Thưa cha, con rất tiếc.
Nàng nói tiếng Nhật để ông vui lòng, mặc dầu nàng thích nói tiếng Mỹ hơn.
- Con đã chẳng nói với ta là không phải lỗi của con à?
Ông đi trước, tay chắp ra sau lưng, mắt liếc nhìn hai bên vườn.
- Con đã trông thấy hoa Đỗ quyên chưa? Chưa bao giờ đẹp như vậy.
- Những bông hoa thật mê ly, nàng nói.
Ông dò xét giọng nói của nàng. Ông thường xét nét lời nói của nàng, để có thể xác định, nếu được, nhiệt độ của lòng nàng. Con gái là một gánh nặng, thật ra cũng quý giá lắm, nhưng lại càng nặng nề hơn.
Trong bữa ăn, Josui đoán biết cha mình dò xét mình. Ý thức được mối băn khoăn gây cho cha, nàng cố ý tránh cặp mắt dò xét của ông. Ở trong nhà, nàng sống hai cuộc đời, không phải nàng bất mãn với số phận của mình, nhưng một sinh lực thái quá dày vò nàng. Nàng nghĩ rằng cái sinh lực ấy, nếu nàng có, có lẽ vì nàng đã sinh sống ở California mãi đến tuổi mười lăm, uống sữa bò tươi và ăn hoa quả, rau và thịt. Thân thể nàng chứa đựng một sức lực và một tình cảm dồi dào. Tinh thần nàng sôi nổi đầy hiếu kỳ về đời sống. Tất cả những điểm này làm nàng hoàn toàn khác hẳn những thiếu nữ Nhật khác, xanh xao và yên lặng, vẫn nhìn nàng với vẻ khâm phục lẫn cả ganh ghét và thường gọi là “cô gái Mỹ”. Nay nàng không ăn uống như khi ở Mỹ nữa, nhưng tính háu ăn làm nàng ưa thích cả những món ăn cổ truyền của Nhật, gồm có gạo, cá và rau.
Mẹ nàng bật cười:
- Ai có thể bảo con là con gái một nhà Nho? Con ăn uống như môt cô gái quê!
Trước ba chủ nhân quỳ gối ở xung quanh chiếc bàn thấp, Yumi, người hầu gái, đặt ba chiếc bát con đựng một thứ canh trong có thả những miếng củ cải và vài lá rau diếp, và ba bát canh cá và rau. Trong những chiếc bát sơn vàng và đen khác, cô xới cơm trắng lấy ở một liễn gỗ ra. Cô khẽ cúi xuống mỗi lần đặt bát xuống trước mặt chủ. Lối xá, cúp rạp xuống không còn nữa kể từ ngày Mỹ chiếm đóng và khi có nền dân chủ. Dù sao, bác sĩ Sakai vẫn buộc phải có chút lễ nghi này và người hầu gái chỉ biết tuân theo, ít nhất nhà cũng phải có chủ, mặc dù ông đang ăn cơm với vợ và con gái.
Dò xét con gái một cách kín đáo, bác sĩ thấy má con gái mình đánh phấn hồng hơi đậm quá. Thường ngày chỉ hồng thôi thì hôm nay lại đỏ hẳn.
- Con có đứng ở ngoài nắng khi chờ cho quân Mỹ đi qua không? Ông hỏi nàng.
- Vâng. Sáng nay con để dù ở nhà; con tưởng mặt trời không đến nỗi gay gắt quá.
Bà Sakai nhìn con gái:
- Sau bữa ăn, con phải đánh phấn lại, bà bảo con. Má đỏ quá làm cho người con gái có vẻ tầm thường.
- Thật con chẳng muốn là con một chút nào! Josui kêu lên, vẻ phụng phịu, nhưng lại mỉm cười. Cha mẹ chỉ xét nét con thôi.
Ông bà Sakai quay mặt đi.
- Ngày mai phải thay hoa ở góc phòng, bà Sakai nói.
Góc phòng cắm hoa ở trước cửa vườn. Những cánh liễu đương nẩy mầm và những cành mận đang ra hoa bao quanh cái bình hương. Những bông mận rủ xuống một con nhái bằng đồng đen do Josui đặt ở đấy hôm qua. Người ta để được ba thứ đồ vật trong góc cắm hoa, ngoài ra không thể để một thứ gì thêm được nữa. Bác sĩ Sakai cho con gái theo học nghệ thuật này tại nhà một vị giáo sư danh tiếng trong thành phố.
- Ngày mai, con sẽ cắt những cành đào đang nở hoa. Josui nói.
- Vậy con hãy để cái ly bằng đá thạch anh vào, nó sẽ hòa hợp với hoa đào, ông bác sĩ khuyên con.
Không khí căng thẳng lúc nãy trở lại yên tĩnh. Josui ngồi yên lặng, chăm chú đưa các đĩa thức ăn cho bố mẹ, tránh không để sự yên lặng của mình làm phật ý hai người.
Nếu Kensan anh nàng còn sống, chắc sẽ giúp đỡ nàng chia sẻ gánh nặng tình thương yêu của bố mẹ. Nếu còn sống, chắc Kensan bây giờ đã lấy vợ. Josui còn nhớ rõ vị hôn thê của anh: nhỏ bé, vui tươi, nàng mặc y phục Mỹ, với màu sắc rực rỡ, giầy cao gót. Có năm nàng được bầu làm hoa hậu tháng Năm, ở Trường Trung học Los Angeles. Bố nàng là một mục sư Cơ đốc giáo. Gia đình Sakai theo Phật giáo từ nhiều thế hệ, điều đó không khỏi làm băn khoăn gia đình vị hôn thê Kennsai - những người theo đạo Phật có phải là những người theo tà giáo không? Nhưng tất cả nhưng điều ấy có ý nghĩa gì bây giờ, vì đến ngày dự định cử hành hôn lễ thì Kensan đã mất rồi, gia đình hôn thê chàng bị giam giữ sau hàng rào đầy kẽm gai ở Arizona, còn gia đình Sakai thì ở Kyoto. Ngày ảm đạm, không ai muốn nói một điều gì ở gia đình Sakai. Tuy vậy, Josui hiểu rằng cha mẹ mình vẫn nhớ. Chính nàng cũng ẩn lánh ở cuối vườn để khóc thương anh.
- Ông Takashi Matsui mời ta đến uống nước trà, bác sĩ Sakai nói. Ta đã nhận lời từ năm ngày nay, và hôm nay là ngày ta đến.
Ăn cơm xong, ông uống trà tươi, dễ tiêu như ông vẫn thích.
Takashi Matsui, khách hàng giàu có nhất của ông, đau đởm bào, nhưng từ chối không chịu để cho giải phẩu. Trong ba người con trai của ông, người con lớn bị bắt làm tù binh ở Nga, người thứ hai bị giết trong trận tấn công Nam King. Nay ông chỉ còn người con nhỏ nhất. Ông tự an ủi mình, rằng xứ sở ông sẽ không bao giờ tham dự chiến tranh nữa và đứa con này, ít nhất, sẽ còn lại cho ông. Bản Hiến pháp mới đã chẳng ghi rằng nước Nhật sẽ không được võ trang nữa là gì? Takashi Matsui hướng lòng yêu thương và dành cả của cải cho người con thứ ba này, nó là sinh viên ở Trường đại học Tokyo.
Trong dòng họ Matsui rất cổ xưa, chỉ ở Kyoto là chi bảo thủ nhất và cũng là quan trọng nhất. Takashi Matsui chắc chắn là người Nhật đầu tiên – và có lẽ sẽ là người độc nhất sau chiến tranh - lại đề cao giá trị của Trà đạo. Những thế hệ trẻ có khuynh hướng chế giễu cái phong tục của tổ tiên này, nhưng bác sĩ Sakai nhận thấy việc chấn hưng lại những nghi lễ cổ xưa này là điều rất quan trọng và càng sớm càng hay, cốt để phục sinh tâm hồn người Nhật. Ông cho làm một bữa cơm thanh đạm, vì ông biểu rằng đến giờ uống trà ngày hôm ấy, ta sẽ dùng súp thịt chỉ lấy chất ngọt của đậu, cá và thịt, rau, rồi lại súp và cuối cùng là ăn tráng miệng, tiếp theo là trà tươi hương vị nhẹ nhàng, nấu với những lá giã thành bột, lựa chọn những lá ngon nhất của những cây nhỏ lâu năm trồng dưới bóng mát râm.
Sau nghi lễ này kéo dài trong bốn giờ, ông còn có thời gian đàm đạo với chủ nhân không? Câu chuyện của hai người bao giờ cũng quay về người con trai út yêu quý của Takashi Matsui, và người ta cũng có thể, nếu có thời giờ, nhắc nhở về Josui, cô con gái yêu dấu độc nhất của bác sĩ Sakai.
Bữa ăn trôi qua một cách yên lặng, bố và con gái, người nào cũng giữ trong lòng ý nghĩ thầm kín của mình. Đến tuổi lấy vợ, Kobori, người con thứ ba của ông Matsui, lớn hơn Josui hai tuổi. Trong thời xưa, có lẽ hai gia đình đã dàn xếp công việc; nhưng hai trái bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki đã tàn phá ngoài ngói gạch, xi măng, còn cả thể xác người ta nữa. Bác sĩ Sakai đã nói với vợ rằng Kobori có ý muốn hỏi cưới Josui và nàng quả thật có suy nghĩ, nhưng nàng không quyết định được. Thật ra nàng không ghét bỏ gì Kobori. Còn người phụ nữ nào có thể khinh rẻ một thanh niên đẹp trai, trí thức, đứng đắn và cao thượng được? Nàng đã trông thấy chàng một vài lần trước đây trong lễ hội hoa anh đào. Nàng cảm thấy rất dễ chịu khi ở gần chàng, nhất là trông thấy nàng chàng lại đỏ mặt. Nàng cảm phục sự tương phản giữa màu hồng dưới làn da trắng mịn, và với lời lẽ thân mật theo kiểu Mỹ, nàng đã ca tụng sự lựa chọn bộ quần áo màu xám nhạt của chàng, có nhãn hiệu nhập cảng của Mỹ, nhưng nàng không ưa Kobori, điều làm chàng ngạc nhiên lắm, vì nàng chỉ muốn yêu một người đàn ông và lấy họ. Vậy mà khi gặp Kobori, lòng nàng chẳng có gì xao xuyến và vẫn bình thản.
Những ý nghĩ ngang ngược giao động trong tâm trí nàng, và nàng ăn xong bữa không nói năng gì. Nàng đứng dậy cuối chào mẹ. Nàng còn vội đến trường để khỏi chậm. Josui để cha mẹ ngồi lại thưởng thức chén trà và về phòng, nàng thay chiếc Kimono để mặc chiếc áo dài kiểu Âu Tây. Nàng cũng không quên như buổi sáng mang chiếc dù lụa xanh để che làn da mịn.
Đường phố yên tịnh. Quân Mỹ có lẽ đã tản mác đi thăm thành phố. Họ thường từ Tokyo hay Osaka đến từng đoàn, ầm ĩ, huyên náo, qua vài ngày nghỉ phép ở Kyoto, với cuốn sách hướng dẫn cầm ở tay, đi tìm kiếm những di tích của nền văn minh cổ của Nhật. Người ta nói rằng những phóng pháo cơ của Mỹ được lệnh tránh tàn phá thành phố Kyoto cũng như Nhật đã tránh cho Bắc Kinh. Bác sĩ Sakai không tin lời đồn đại này vì ông nghĩ rằng người Mỹ không hiểu biết gì nền văn hóa.
Đôi khi, ông vẫn than phiền:
- Chúng ta bắt buộc phải lựa chọn giữa cộng sản và tính cách tầm thường của Mỹ.
Trong thâm tâm, Josui thường cho cha mình là cực đoan. Theo lối của ông, ông ghét Mỹ, vì Mỹ đã trục xuất ông, nàng nghĩ như vậy, và sự thù ghét này là biểu lộ một tình yêu tuyệt đối nước Nhật cùng những truyền thống cổ xưa của xứ sở. Trà đạo thật sự là một chuyện điên rồ! Nàng thấy kỳ cục, những người đàn ông ngồi trang trọng trong một túp lều ở cuối thửa vườn, cặp mắt chìm đắm trong cõi hư vô, chờ đợi uống một thứ nước xanh nấu bằng lá trà giã nhỏ! Mùa thu năm trước, nàng đã theo cha mẹ sang dự lễ trà đạo tại nhà ông Matsui và cha nàng vẫn cố chấp gọi là Chanoyu (1). Câu chuyện mà người ta cố gắng giữ trên phương diện tinh thần làm nàng phải buồn ngáp. Ông Sakai ngâm những bài thơ tứ tuyệt ngắn, tưởng như chính ông ứng khẩu đọc ra; thật ra, Josui biết lắm, ông đã để hàng giờ để biên soạn trước.
Josui đi ngoài đường, đầu ôn lại những ý nghĩ này, vì nàng hiểu rõ không bao giờ nàng dám tỏ bày những ý nghĩ thầm kín này. Nàng bình tĩnh đi, đầu ngẩng cao, mặc dầu nàng muốn chạy, tay giơ ra như hai cánh; nàng cùng bè bạn cười đùa thả cửa và cũng không hiểu tại sao. Ở Nhật, nàng không thấy một thiếu nữ nào chạy cả, ngay cả những cô gái nhỏ, họ đi những bước nặng nề, với đôi guốc hoặc đôi giầy da lớn; hoặc họ đi từ tốn với những đôi giầy tập thể dục, đế cao su, rất thích hợp cho các cuộc chạy đua.
Nàng đến cổng bệnh viện, sát liền Trường Đại học. Chính ở đó, buổi sáng, nàng không thấy quân lính Mỹ đi qua, và nàng chỉ thoáng nhìn họ vì hiếu kỳ. Trông họ giống nhau cả. Người Nhật ví người Mỹ như học sinh, lúc nào cũng sẵn sàng xô đẩy nhau, cười, đấm đá nhau bất thình lình, giả đò đánh nhau, và họ băn khoăn tự hỏi “Người Mỹ có phải chỉ là trẻ con không?”.
Xung quanh cổng bệnh viện, cây hoàng đậu tưng bừng nở hoa, ngả những cành lá xanh nhợt xuống, nặng nề nang những chùm hoa đỏ thẫm giống như trái nho. Đó là mùa hoa hoàng đậu, hoa khê tôn và mẫu đơn, và Josui yêu những thứ hoa này lắm. Cha nàng không để ý hoa. Vườn ở nhà nàng có một vẻ đẹp trang nghiêm, với những hòn non bộ, những cây thông, và suối nước; riêng chỉ có những cây tre điểm một vẻ dịu dàng. Để trang trí trong nhà, mẹ nàng trồng hoa ở vườn rau.
Mỗi lần nghỉ đến cha nàng, Josui cảm thấy vừa yêu mến, khâm phục và giận hờn lẫn lộn một cách kỳ dị. Nàng không ngớt tiếc nhờ việc nàng và gia đình phải rời Mỹ ra đi. Cha nàng không hiểu những nổi khó khăn mà một người đàn bà có thể gặp ở Nhật mà không từng biết ở Mỹ. Nhớ đến các bạn ở California, Josui ví họ như những nữ hoàng. Ở Nhật, đàn bà chẳng bao giờ là các bà hoàng cả, nhưng là những nữ công dân phục tòng, phải làm đầy đủ bổn phận.
Nàng thở dài. Hương hoàng đậu ám ảnh nàng. Nàng vừa cụp dù thì trông thấy, bên cạnh cửa, một thanh niên mảnh khảnh: đó là một quân nhân Mỹ. Chàng đứng dựa lưng vào tường, chân bắt chéo, hai tay bỏ túi.
Nàng giật mình khi trông thấy chàng
- Tôi chờ cô, chàng nói và mỉm cười.
Nàng sửng sốt không biết nói sao, mắt chăm chăm nhìn chàng, mồm há hốc. Chàng đẹp trai với mớ tóc vàng phải thật đẹp. Cặp mắt xanh, xanh như ngọc lam. Da mịn và trắng.
Cặp mắt sáng ngời, tinh ranh, chàng nói:
- Tôi thành công có phải không?
Josui đỏ mặt. Nàng chòng chọc nhìn chàng vì chàng nhớ lại những kỷ niệm đã lu mờ: những chàng trai ở California, những bạn trai ở trường trung học, vừa lúc nàng lưu ý tới họ thì cha nàng bỗng quyết định trở về Nhật.
- Có lẽ cô không nói được tiếng Anh? Chàng nói lại
- Có chứ, nàng đáp không chút ngượng ngùng.
- Thật là lần đầu tôi cảm thấy lời cầu xin của tôi được toại nguyện. Thật đẹp quá!
- Cái gì đẹp quá?
- Phát giác được một thiếu nữ độc nhất mà tôi muốn gặp ở Nhật nói được ngôn ngữ nước tôi.
Nàng mỉm cười.
- Anh muốn gặp tôi sao? Tôi chưa bao giờ trông thấy anh.
- Cô có nhìn tôi mà không biết đó, sáng nay, nhưng tôi trông thấy cô ở dưới cây hoàng đậu. Tôi nhìn cây này vì nó gợi nhớ mẹ tôi: chúng tôi cũng có cây hoàng đậu ở nhà. Tôi thấy cô đứng dưới những chùm hoa và tôi thấy cô… đẹp quá. Tôi nghĩ rằng trở lại chỗ để đợi cô, chắc chắn tôi sẽ thấy cô.
- Tôi đi học
- Cô còn đi học ở trường à?
- Không, ở Đại học, nàng vội vàng nói. Tôi phải đi bây giờ. Tôi đến lớp chậm mất.
Chàng không cựa quậy, chàng có khuôn mặt mỏng, hàm vuông, lưỡng quyền cao.
- Tôi muốn làm quen với cô, chàng nói, giọng trầm và lớn, chàng cố dịu giọng.
- Không thể được. Xin để cho tôi đi.
- Tại sao?
Chàng đến gần nàng. Nàng lại mở dù ra. Để làm gì? Nếu có ai trông thấy nàng ở cạnh người Mỹ này và nói lại với cha nàng, chắc nàng sẽ thấy cha nàng giận hết sức.
- Xin anh đi cho, nàng nói và lảng xa, không nhìn chàng.
- Ở Nhật, chắc phải có một cách nào để làm quen với một thiếu nữ – chàng năn nỉ – Thí dụ, tôi có thể đến nhà thăm cô được?
- Ồ! Không. Josui kêu lên. Cha tôi sẽ giận dữ.
- Tại sao?
- Ồ! Bởi vì… nàng đáp hết sức bối rối.
Đến cửa Trường Đại học, nàng quyết định bằng bất cứ giá nào, xua đuổi người đàn ông này đi.
- Tôi van anh, để cho tôi đi, nàng nói giọng thất vọng. Quả thật tôi sẽ bị phiền phức nếu anh đến.
- Được, tôi đi. Nhưng ngày mai, tôi sẽ ở chỗ kia. Đây là tên tôi.
Chàng đưa chiếc thiếp. Nàng chỉ còn biết cầm và đọc Thiếu úy Allen Kennedy.
- Cô cho tôi biết quý danh? Chàng hỏi.
Nàng sắp từ chối, nhưng lúc nàng ngẩng mắt lên nhìn chàng, xem ra chàng đối với nàng thật dễ thương lễ phép lắm. Hơn nữa, trong thân tâm, nàng muốn làm quen với một người Mỹ.
- Tên tôi là Josui Sakai
- Josui Sakai – người thanh niên Mỹ nhắc lại. Và còn địa chỉ của cô, tôi có thể biết được không?
Josui lắc đầu hoảng sợ, nhưng sự chống chọi của nàng tan biến ngay trước cặp mặt đẹp, vẻ van lơn (2). Một sức nóng lan chảy khắp người nàng, nàng chỉ những muốn cười. Nàng gấp dù lại, vượt qua cổng trường và ẩn mình sau một bụi tre. Chàng hiện lên trên ngưỡng cửa, ngập ngừng, rồi cuối cùng đi. Chàng đứng lại dưới giàn hoàng đậu và bỗng nhận ra hương thơm dịu của hoa. Tại sao chàng không nhận ra hương thơm này sớm hơn? Chàng nấn ná lại ở đấy, lưỡng lự, chìm đắm trong một dự cảm mơ hồ. Chàng sẽ dấn thân vào chuyện gì? Vì lẽ gì, hương thơm kia lại làm chàng đắm say?
Josui trông thấy chàng ngẩng mắt lên, rồi bỗng rời đi. Nàng ở sau bụi tre đi ra, nghĩ rằng không bao giờ trông gặp chàng nữa. Nàng đến lớp học, tâm trí lơ đãng, vì nhớ lại khuôn mặt trẻ đẹp, mà những nét không làm nàng ngạc nhiên, vì chúng thuộc về những kỷ niệm không sao quên được của tuổi thơ nàng.
Hồi được khí lực vì trà đạo. Bác sĩ Sakai chia sẻ sự yên lặng trầm ngâm của người khách khác. Rất hiếm có những gia đình dành cho nghi thức này tất cả ý nghĩa tinh thần của nó. Thật ra, bác sĩ Sakai tự coi mình như một tài tử, vì khi ở California ở nhà bố mẹ, quán trà không có và ông không quen với tập tục này.
Còn ông Matsu, chưa bao giờ rời nước Nhật, ông tiếp đón một cách hiếu kỳ vị bác sĩ, vẻ mặt nghiêm nghị, thân hình cao lớn, và mặc dầu hết sức cố gắng để trở thành một người Nhật trăm phần trăm, vẫn có điệu bộ Mỹ mà không biết. Buổi chiều hôm ấy, sự khôn khéo đặc biệt mà bác sĩ Sakai đã cung kính thực hiện được đối với môn trà đạo không khỏi làm ông Matsui ngạc nhiên. Nhưng ông giả giữ ý không thể như một món hàng đặt ra là có được. Chuyển hướng câu chuyện về vấn đề vô thưởng vô phạt, ông rút ở một chiếc hộp đựng nữ trang bọc lụa vật quý giá nhất của ông: một bát uống trà. Ông nói:
- Một người bạn thân của tôi, nay đã mất, chủ nhân một Chanoyu, bao giờ cũng uống bằng bát này. Lúc ổng sắp mất, ổng tặng tôi, vì người con trai độc nhất của ổng không muốn tập theo trà đạo.
Bác sĩ Sakai cầm chiếc bát hết sức trân trọng, khuỷu tay tì xuống chiếu trải trên mặt đất. Người ta không thể cầm chiếc bát quí giá này mà không tựa tay vào đâu, khi ông Matsui uống trà với chiếc bát này, ông đặt bát vào lòng bàn tay trái và ông lấy tay phải nâng nó lên. Bác sĩ Sakai ngắm nghía chiếc bát màu xanh nhợt, trơn nhẵn, giản dị, một cách lạ lùng, với những vòng cong đều hòa và thanh nhã, thư thái như mặt nước phẳng lặng. Ông trao trả nó cho ông Matsui, thở dài và nhìn xung quanh mình. Chiếc Kakemono (3) treo ở tường, hộp trà, những đồ phụ tùng cần thiết cho trà đạo, tất cả đều quá đẹp trong sự giản dị! Năm người khách, toàn là đàn ông, quỳ gối, lưng thật phẳng, không gò bó một cách lộ liễu, thấm nhuần một sự bình thản từ tâm hồn, phát ra, nhờ ở khung cảnh tuyệt hảo của gian phòng.
Trong suốt buổi lễ lâu dài và trong khi nhấm nháp thức ăn, không một câu chuyện nào lãng trí khách được. Rồi đến lúc chiều tà, khách đứng dậy, nghiêng mình xá chủ để cảm ơn và rút lui vào tiền đình mà ở đấy họ có quyền nói chuyện. Mấy phút sau ông Matsui đến. Bác sĩ Sakai rất thích thú nghe câu chuyện của mấy người này, ai ai cũng muốn bảo tồn nền văn hóa của xứ sở, qua những năm ngoại bang chiếm đóng. Những câu chuyện, nói về nước Nhật cổ xưa, những tập tục ngàn xưa tốt hay xấu, đều như biến ông thành người mới.
Lúc này bác sĩ Sakai mới hiểu rõ hơn tại sao người Nhật lại bị lôi cuốn một cuộc đời không hòa hợp với tính tình họ.
Ông Tanaka giải thích:
- Dân tộc nào cũng có những xấu xa. Ở đâu cũng có những kẻ thô lỗ, ngoan cố, không tiếp nhận một nền giáo dục nào. Chúng tôi cuốn vào phe chúng những kẻ yếu hèn và bất mãn. Những kẻ ấy, đã hơn một thế kỷ nay, làm lợi cho tinh thần đồi bại, để ngang nhiên tuyên bố với dân tộc chúng ta rằng các cường quốc Tây phương đã bận trí để phân chia Á châu nên chiếm luôn cả nước Nhật. Có thể rằng họ có lý, nào ai biết được? Mặc dầu thế nào họ vẫn reo giắc sự hoang mang và lợi dụng tình trạng để hành động theo ý muốn của họ. Bằng cách chống đỡ mối sợ hãi - chính là nguồn gốc của tất cả các sự yếu hèn - có thể chúng ta sẽ không bị lầm lạc chăng?
Ông Tanaka, một ông già nhỏ bé, khô đét, bảy mươi tuổi, đã trải qua thời kỳ biến đổi này mà không hề chịu theo cách trang trí nhà cửa và ăn mặc theo Tây phương. Trận chiến tranh đầu tiên với Trung Hoa làm ông mất người cha và trận chiến sau cùng, ông mất hết con trai. Thù hận, chiến tranh và bài xích thần đạo về những lý thuyết ái quốc, ông trở thành Phật tử. Ông tuyên bố là ông theo học phái nhân văn và chủ trương tinh thần hữu nghị giữa các dân tojcom và như vậy kể cả người Mỹ.
Ông ngồi quay mặt ra vườn nơi mà ánh chiều tà như rải bụi vàng xuống, ông ngừng nói, vẻ suy tư, và không ai làm rối sự yên lặng của ông.
- Tôi đã chứng kiến biết bao cảnh bạo tàn trong đời, ông tiếp tục nói. Khi trái bom nguyên tử rơi xuống Nagasaki, tôi có đến nơi để quan sát những sự tàn phá. Từ đó, tôi không sao tha thứ được một hành động tàn bạo, dù nhỏ nhặt chăng nữa. Tôi không thể nào giết một con kiến hay một con ruồi. Tôi không thể để một đứa trẻ khóc. Thêm vào những tội ác người đời đã phạm không những ở xứ sở chúng ta mà còn khắp trên thế giới, thêm cả tội lỗi của tôi nữa, thì tôi chết đi cho rồi. Ôi! Đức Phật xin Người hãy làm ngưng lại những tai họa!
Ông ngẩng khuôn mặt hốc hác lên và nhắm mắt lại. Bác sĩ Sakai kính cẩn cúi đầu xuống. Ông cảm thấy trong đáy lòng một nỗi buồn thống thiết, lẫn lộn với sự khuây khỏa vô biên.
Cuối cùng, tất cả các khách đều đứng dậy và cáo lui. Không có dịp thuận tiện để bác sĩ Sakai nói với ông Matsui về con cái của hai người, vả lại ông cũng không muốn nữa. Buổi tối nay, ông được một sự an ủi lớn lao. Ông đã để tâm hồn mình chìm đắm trong quá khứ và hiểu biết hơn để càng thẩm định giá trị của xứ sở mình. Ông đi chậm chạp về nhà, tâm hồn bình thản.
Trong gian chính, bà Sakai đợi chồng. Biết kể cho ông nghe những biến cố buổi chiều làm sao được? Bà sợ hãi và khâm phục chồng hơn bất kỳ ai trên đời. Nếu không hoài nghi một chút bà đã yêu chồng hết sức! Nhưng người ta không thể yêu đâu một người mình quá khâm phục. Bà nhận thấy, với sự khiêm nhường của mình, là trí thông minh của chồng không để lộ một khuyết điểm nhỏ nhặt nào. Trong tận đáy lòng, bà Sakai giấu giếm một tội lỗi mà bà không hề thú nhận với ai, bà không yêu nước Nhật. Bà thích ở Mỹ hơn, dù ở trong một trại tập trung, vì thời tiết ấm áp và khô trong bãi sa mạc Arizona. Ở Kyoto, nước trong vườn, sương mù ngoài biển và trên núi làm cho nhà luôn luôn ẩm ướt.
Quỳ trong chiếc áo Kimono màu tím, cổ áo viền một mép lụa trắng muốt, bà Sakai kiên nhẫn chờ đợi. Bà đi đôi vớ bông sợi trắng có hai lớp gót do bà đan. Bà là người nội trợ hoàn toàn, sinh sống ở Nhật, trong một trang trại nhỏ trên dãy núi cao của Nagasaki. Cha bà nghèo quá nên khi ông bất ngờ xem một quảng cáo trên báo hiến cơ hội cho những thiếu nữ Nhật kết hôn với người đồng bang di trú ở Hoa Kỳ, ông đã gởi ngay tính danh và hình của con gái. Chuộng khuôn mặt dịu hiền của thiếu nữ, bà cụ thân sinh của bác sĩ Sakai đã lựa chọn cho con trai. Thiếu nữ cũng không ngờ rằng mình lấy một bác sĩ, một người không bao giờ ưa đôi chân vòng kiềng, bàn chân thô lớn và hai bàn tay dày của nàng.
Ở Nhật, tuy vậy có một điều làm vừa lòng bà Sakai: chiếc áo Kimono che giấu bàn chân thô bạo của bà. Ở Mỹ bà luôn luôn nghĩ ngợi về hai bàn chân phơi bày ra trước sự hiềm khích của chồng. Ông chỉ quay mặt đi, điều làm bà đau đớn hơn những lời tàn ác.
Khi con cái còn nhỏ tuổi, Sotan Sakai rất dễ giận hờn nếu vợ không nuôi nấng chúng đúng theo lời chỉ bảo của ông. Vì vậy, bà đã bắt buộc con trai, mặc nó khóc lóc, phải uống thứ sữa bò gớm ghiếc! Nay bà hối tiếc biết bao đôi khi làm trái ý con! Bà không thể đến thăm cả mộ con được nữa.
Những giọt nước mắt chảy chan hoà trên má bà mỗi khi bà nghĩ đến con trai. Bà cẩn thận lấy làn vải lót tay áo rộng lau mắt và sì mũi vào một chiếc khăn tay bằng giấy để giấu trong tay áo bên trái. Bà vo viên chiếc khăn giấy và vứt vào một chiếc bình lớn gần đấy. Bà theo những tục lệ Tây phương nhưng từ khước không dùng chiếc khăn tay vải.
Bước chân của bác sĩ vang động. Người hầu gái vội vã tháo giày cho chủ. Bà Sakai tiến ra cửa và cúi đầu chào chồng. Ông chỉ khẽ gật đầu đáp lại và lẩm bẩm tên bà trước mặt người hầu gái. Bà trở lại phòng khách đi đằng sau ông. Khi ông ngồi xuống, bà liền quỳ gối sờ xem hơi nóng của ấm trà để trong bao dạ len.
Ông giơ tay lên và nói:
- Thôi khỏi. Tôi vừa uống xong. Trà ngon quá!
Biết nói với chồng thế nào về việc xảy ra chiều nay? Bà lấy tay che miệng và ho.
Ông bổng ngẩng đầu lên
- Hariko, có gì thế?
- Tôi không biết nói với ông thế nào?
- Có ai đánh vỡ chiếc bình sung phải không? Ông hỏi, băn khoăn.
- Ồ! Không có đâu ghê gớm thế!
- Hay con cá chép lớn chết rồi?
- Không, ồ! Không. Không có vật gì chết cả.
- Vậy, bà nói đi! Tôi có giết bà đâu và cũng không có đánh bà.
Được sự vui vẻ của chồng khuyến khích, bà thú thật hết sức thận trọng:
- Một thanh niên chiều nay lại đây và hỏi thăm ông.
- Một bệnh nhân à?
- Không – bà ngập ngừng rồi nói tất cả sự thực. Một quân nhân Mỹ.
Khuôn mặt mỏng và đẹp của bác sĩ Sakai không còn sắc diện.
- Tôi không quen biết một người Mỹ nào, ông nói.
- Ông ta không có nói là biết ông. Ông ta muốn được quen biết ông.
- Tại sao y biết tên ta?
- Hình như do một người bạn.
- Y muốn trở lại. Tôi giải thích cho y biết rằng ông không tiếp người lạ ở đây, và tôi có khuyên y đến gặp ông ở phòng giấy bệnh viện.
- Bà nói rất hợp lý – ông mím môi lại. Một người Mỹ! Có ai ở bệnh viện đã cho y biết địa chỉ của ta.
- Có lẽ vậy – bà nói, nhẹ nhõm hẳn người.
- Bà xử sự rất phải, khi nói sự thực với chồng và ông không tức giận. Bà Sakai tự trách mình sợ chồng giận dữ, mà thật ra chưa bao giờ ông nói to với bà; nhưng bà dễ xúc cảm quá, nên dù có hơi chút bất mãn, bà cũng nhận thấy ngay. Bà đứng dậy, dáng yểu điệu mặc dầu cặp chân ngắn.
- Tôi xin rút lui, vì còn bận công việc.
Ông chỉ gật đầu, không muốn làm tiêu tan cái không khí những giờ qua với các bạn. Còn lại một mình, ông đứng im lặng, quay mặt ra vườn, và quả quyết xua đuổi ý nghĩ về người Mỹ khó chịu kia.
Bà Sakai luôn luôn vừa dò xét chồng, vừa nhẹ nhàng kéo đóng cánh cửa. Ông không hỏi bà về hình dáng người Mỹ kia và bà cũng giữ ý không nói với chồng, điều lầm lỗi, làm bà tự trách mình ngay, coi đó như một hình thức dối trá.
- Cậu từ California đến à? Bà hỏi người khách và khách vội kêu lên:
- Bác nói tiếng Anh!
- Chút ít.
Bà cố không cười, tránh để lộ hàm răng xấu. Người Mỹ vốn yêu chuộng hàm răng trắng đẹp. Bà Sakai nghĩ rằng chính vì bệnh thiếu sinh tố nên chân bà hoá ra vòng kiềng và răng hư hỏng. Trong tuổi thanh xuân, những tật này hình như không quan trọng, vì tục lệ muốn các thôn nữ nhuộm răng đen trước khi lấy chồng. Mẹ nàng có hai hàm răng đen như hạt huyền.
Bà nhắc lại câu hỏi:
- Cậu ở California đến à? Chúng tôi ở đấy khi trước.
- Không, cháu ở Virginia, một miền đẹp lắm.
- Tôi không biết.
Câu chuyện suýt thành thân mật, vì bà Sakai vốn vẫn rất thân thiện với người Mỹ. Mặc dù chàng khả ái, bà cũng sửa sai kịp. Chàng đưa cho bà tấm thiếp và cáo từ.
Bà đi những bước ngắn, vội vàng và yên lặng, dọc theo dãy hành lang hẹp, dẫn đến phòng ngủ của bà. Đầy những tấm bảng ra, dùng thay tường, người ta có thể hợp phòng này với phòng kế cận, nhưng bà Sakai để đóng nguyên những tấm bảng này và như vậy dành được cho mình một nơi tịnh dưỡng. Bà cầm chiếc tráp nhỏ hình chiếc tủ nhiều ngăn, đặt xuống một cái bàn thấp và quỳ xuống những thứ để trong các ô kéo: những đồ nữ trang không có giá trị, những mẩu băng, những hình ảnh của Kensan, hình một ngôi nhà của gia đình trước ở Los Angeles. Một tấm bảng kéo ra vài phân. Bà trông thấy Josui mỉm cười với bà.
- Mama, ở đấy à!
Josui đi vào. Mẹ nàng trông thấy trên khuôn mặt nàng hiện ra vẻ hân hoan. Josui chưa biết cách giấu tình cảm của mình dưới một vẻ bình thản.
Bà hỏi nàng:
- Con có vẻ hài lòng. Có điều gì sung sướng thế?
Josui lắc đầu:
- Thưa mẹ, không. Riêng chỉ có xuân về.
Mùa xuân có đủ in dấu yêu thương lên những nét của khuôn mặt xinh đẹp và dịu dàng kia không? Bà Sakai trầm ngâm nhìn con gái, cố gắng nhớ lại ảnh hưởng của tiết xuân về chính tuổi thanh xuân của mình. Vào tuổi hai mươi, ở trang trại của cha, bà làm việc như một người đàn ông; đối với bà, mùa xuân chỉ là cày bừa khó nhọc và gieo lúa, không, mùa xuân chẳng nhắc nhở bà điều gì khác nữa.
Bà không hỏi Josui câu nào khác nữa, mà bà coi nó như là “con gái của bố”, Kensan là con trai của bà. Nếu chàng còn sống, nay bà đã có cháu, và tình yêu của bà đối với các cháu có vẻ giống như những trẻ Mỹ, điều đó bà có sá kể gì. Ở Mỹ, đàn bà có máy giặt và bếp điện, bà buồn rầu nhủ thầm.
Josui cần một bức hình của Kensan, anh nàng đứng cạnh vị hôn thê, Satsu, một thiếu nữ tóc cắt ngắn và xoăn.
- Con chỉ muốn cha cho phép con cắt tóc, Josui thở dài, vẻ bất mãn.
- Chắc cha con không cho phép đâu, bà nói, mặt cúi xuống  hình của Satsu và nói thêm: mẹ nghĩ bây giờ nó đã có con. 
- Sinh đẻ ở trong trại tập trung, không đến nỗi ghê gớm như thế.
- Ồ! Con có biết đâu. Josui thở dài cau mày lại.
Josui thở dài làm bà băn khoăn. Bà có nên nói cho con gái biết về người Mỹ đến không? Không nói là hơn. Bà lại cầm những vật mọn vô giá trị và những hình ảnh để cẩn thận xếp gói vào tấm giấy lụa.
- Con đi thay quần áo. Josui nói.
Nàng đi và bà Sakai tự khen mình kín tiếng, im lặng bao giờ cũng là cách giải quyết tốt đẹp.
Trong góc nhà là nơi riêng biệt của nàng, nàng quỳ gối, quay ra vườn và soi gương. Nàng mặc một chiếc Kimono màu hồng nhạt, có in một cành đào đang trổ bông, mô phỏng ở chiếc váy, màu hồng đậm hơn.
“Quan niệm của người Mỹ về sắc đẹp người đàn bà như thế nào?” – nàng tự hỏi. Nàng có làn da trắng, trắng như trái hạnh đào tươi. Môi dưới… có lẽ dầy quá chăng? Khuôn mặt của nàng có gọi cho người ta cảm giác một sức khoẻ dồi dào không? Má nàng hồng như hoa đào. Mũi nàng? Phải, khi hơi xuống dưới quá, một người Mỹ nhận thấy ngay. Nếu nàng còn ở California, nàng có thêm bạn trai không? Người ta nói rằng Mỹ không còn thù hằn người Nhật nữa. Nhiều nhất báo đã đăng những bài về sự dũng cảm của tiểu đoàn của Kensan ở Ý; một vài tờ kể cả anh nàng. Chàng tử trận khi chỉ huy tấn công ngọn đồi.
Tốt hơn là nó đừng tỏ ra quá dùng cảm, bà Sakai vừa khóc vừa nói.
Josui rút trong áo ra tấm thiếp nhỏ của chàng sĩ quan và đọc khẽ tên Allen Kennedy. Tên họ này có ý nghĩa gì? Nàng không biết. Nàng lại bỏ tấm thiếp vào trong áo và lại liếc nhìn gương. Nàng đặt lên má ấm nóng hai bàn tay mát. Nếu người quân nhân kia muốn bắt tay nàng theo kiểu Tây phương, nàng sẽ từ chối. Không thể cho phép một thiếu nữ để người lạ cầm tay được. Cái quyền đó để dành cho người chồng tương lai
Trong khi Josui mơ mộng như vậy thì chị hầu đẩy tấm ngăn và vào. Mặc chiếc Kimono bằng vải bóng, Yumi nhìn nàng và nói:
- Ông gọi cô, ông ở dãy thông.
- Nói với ông ta lại ngay bây giờ.
Bác sĩ Sakai đi dạo chơi với hàng thông trong vườn. Mùi nhựa tươi, hun đốt dưới sức nóng của mặt trời, tỏa ra một mùi gắt và dễ chịu.
- Cô con sẽ tới bây giờ. Yumi báo với chủ và khẽ cúi đầu.
- Cô làm gì thế?
- Cô đang soi gương.
Josui rút lui và bác sĩ Sakai dừng bước ngay. Josui soi gương? Như thế có nghĩa gì? Nàng có trông thấy người khách Mỹ không? Bác sĩ muốn biết sự thực. Người ta không thể tin người Mỹ về vấn đề đàn bà được. Josui con gái của ông… ông không muốn người ta lầm tưởng là một đào nương hoặc gái điếm.
Đi từ từ lại cha, Josui trông thấy ngay cặp mắt đen và sắc, đôi lông mày nhíu lại thành một cục ở giữa.
Không kiềm chế được, ông hỏi nàng một cách thô bạo:
- Con giấu ta điều gì phải không? Ta cảm thấy thế.
Ít quen với những lời báng bổ đột ngột, Josui giật mình. Xưa kia, cha nàng hay có những cơn giận dữ, nhưng từ khi trở về Nhật, ông cố tìm cách kiềm chế mình bằng cách suy tư. Ông trở nên yên lặng và dễ dãi!
Josui ngẩng đầu lên:
- Con không có giấu giếm điều gì.
- Con thây đổi từ ngày hôm qua. Có điều gì xảy ra, ông mắng nàng.
Chỉ có trực giác hướng dẫn ông, nhưng Josui kinh hoảng trước sự minh mẫn hiển nhiên này. Tại sao ông có thể xét đoán nàng một cách dễ dàng như vậy?
Nàng nói:
- Không có xảy ra điều gì rõ rệt cả. Tuy vậy, có lẽ cha có lý. Trông thấy những người Mỹ sáng nay thưa cha, việc đó đã gợi cho con biết bao kỷ niệm.
Đột nhiên, ông hất đầu ra lệnh cho nàng đi bên cạnh ông. Những tia nắng cuối cùng bám vào rêu tạo nên những ánh sáng màu xanh như có lân tinh(4) .
- Con phải tin cậy ở cha, bác sĩ Sakai nói quả quyết. Về mọi phương diện, con tiêu biểu tất cả những gì cha có. Mẹ con là một người vợ hiền, một người mẹ gương mẫu. Một người đàn ông còn cần gì hơn nữa? Nhưng, về tinh thần, con và cha giống nhau, con biết rõ điều đó!
Nàng phản đối, phẫn uất ngay:
-  Con khác cha lắm.
- Bây giờ con khác, nhưng về sau đây, sẽ không thế, ông khứng chịu. Khi cuộc đời con được xếp đặt và khi con không cần phải phản đối cha nữa để chứng tỏ tính cách độc lập của con, lúc đó con sẽ phát giác rằng con giống cha đến mức độ nào.
Josui cảm thấy mình bị giam hãm trong cái tình yêu phụ tử, như bao vây chặt chẽ nàng. Kìa, ở trong lòng nàng, nàng có cầm giữ một con dao găm nhỏ để cắt những mắt lưới. Nàng lấy tấm thiếp ở trong áo ra và đưa cho bố không nói câu nào. Ông cúi xuống để đọc những dòng chữ in, rồi ông cũng làm một cử chỉ như con gái, đưa cho nàng một tấm thiếp giống như thế.
- Cha lấy tấm thiếp này ở đâu thế? Nàng sửng sốt kêu.
- Cha có thể cũng hỏi con như thế, ông đáp vẻ nghiêm nghị.
- Có người… cho con.
- Y đến lúc ta vắng nhà, và để lại tấm thiếp này cho mẹ con.
Hai người chòng chọc nhìn nhau, nàng quyết định không để cho vẻ mặt dữ dằn của bố uy hiếp mình.
- À! Josui. Ông nói giọng thật trầm.
Nàng cúi người xuống và không nói câu nào, đặt tấm thiếp nhỏ vào trong lòng bàn tay bố. Ông cầm lấy và bỏ hai tấm thiếp vào trong đó.
- Con xem, cha có lý, ông nói vẻ thân yêu và buồn rầu. Bây giờ, con gái ta, hãy nói cho ta biết có việc gì xảy ra thế?
Nàng không thể nói. Nước mắt trào ra và nàng chùi nước mắt bằng tay áo Kimono.
- Ta van con không nên giấu giếm bố mẹ điều gì, bác sĩ Sakai nói tiếp, sau một lúc lâu yên lặng. Ta nghĩ rằng nếu con bỏ chúng ta đi, lòng ta sẽ tan nát, ta tin rằng con không làm. Xưa ta đã đau khổ biết bao!
Josui ngẩng đầu lên:
- Vì anh Kensan đã mất?
- Không, trước khi Kensan và con ra đời. Trong buổi thiếu thời của ta, ta... Ồ! Chẳng nên nói làm gì, điều đó chẳng có gì quan hệ lúc này. Hãy nói cho cha biết tại sao con giữ tấm thiếp này? Ông nói giọng âu yếm.
Sự hiền từ đột ngột của ông lại làm cho Josui sướt mướt khóc. Nàng cố nói qua giọt lệ và chăn chặn những tiếng thổn thức trong cánh tay áo.
- Con không biết, con chẳng có gì nói cả. Chàng ngăn con lại ở dưới cây hoàng đậu và hỏi tên con. Con có nói tên. Chỉ có thế, con xin hứa với cha.
Biết sự thực, bác sĩ Sakai tỏ ra khoan hồng:
- Cha không bắt con chịu trách nhiệm về hành động của người đàn ông ấy. Nhưng con có thể từ chối không nói tên con. Như chính con đã nhận thấy, con sống quá lâu năm ở Mỹ.
- Con không nói điều này.
- Được, ta sẽ nói: sống nhiều năm, ông nhượng bộ. Nhưng không bao giờ chúng ta trở lại đấy nữa. Chúng ta sống ở đây, ở trên đất Nhật, con gái của ta ạ. Con sẽ lấy chồng ở đây. Cha không ép buộc con về hôn nhân. Con có thể chờ đợi đến bao giờ là tùy ý con. Về phương diện tâm lý, nên kết hôn sớm là hơn, nhất là đối với một người thiếu nữ. Nếu không, cái nguyện vọng bình thường của người ta sẽ lụi tàn và những hoài bão khác sẽ thay thế. Ta đã thấy ở Mỹ, nhiều phụ nữ đã mất cái nguyện vọng ấy, chú ý vào công việc nghề nghiệp mình, điều đó đáng tôn kính, nhưng trái ngược với nữ tính. Vậy, chúng ta thử xem có thể xử sự như thế nào. Nếu con không ưng Kobori Matsui, hãy tìm một người khác, con sẽ lựa chọn.
Cảm động về thái độ hòa giải của bố và vì tình yêu thương vô bờ bến đối với cha, Josui không có lòng nào trách móc ông.
- Con còn học một năm nữa. Con muốn học xong.
- Cố nhiên rồi, và cha rất tán thưởng. Ồ! Vậy ta quyết định không nhắc tới việc này nữa. Cha con ta hiểu nhau, có phải không?
- Vâng, nàng nói nhỏ - trái ý mình.
- Trong trường hợp này…
Ông ngừng nói, nàng quay mắt nhìn cha. Ông lấy hai tấm thiếp ở trong áo ra và xé vụn từng mảnh nhỏ. Sau đấy, ông cúi xuống, bứt một cụm rêu và đặt lên trên các mảnh thiếp vụn, như một nấm mộ nhỏ. Ông đặt lại cụm rêu.
- Con lại đây - ông nói: ta về đi.
Chú thích:
- Bản tiếng Việt của dịch giả là Tokyo nhưng bản gốc tiếng Anh ghi là Kyoto, còn nhà quý tộc tên Kazuko. Nên mạn phép chỉnh lý cho đúng theo nguyên tác Anh ngữ.
- Josui là tiếng Nhật phát âm nhẹ và dứt khoát Dô`-Sư-I
(1) Chanoyu: hoặc trà đạo, là thú tiêu khiển tao nhã đặc biệt của Nhật, bầy tỏ nghệ thuật pha và uống matcha hay trà xanh xay thành bột.
(2) Từ đồng nghĩa với van nài, van vỉ, van xin.
(3) Kakemono là bức tranh cuốn treo vách
(4) Chất lân và là tên gọi khác của phốt pho.