- XI -
Cầm giấy

     ọn gái của phúc đường sống những đoạn đời “thâm khuê kín cổng cao tường” cũng như những thiếu nữ cấm cung của cái dòng dõi quý phái... Họ đã xin quan trên cấm không cho tôi cứ vào nhà lục xì! Tôi không được bén mảng đến chỗ họ nữa! May sao là tôi đã nghĩ ra được một cách: nếu đã như vậy, thì âu là tôi làm cho họ phải bén mảng đến chỗ của tôi! Và chính đó là điều làm cho họ không thèm giống với những thiếu nữ cấm cung khác.
Bởi thế cho nên, đêm nay, tên bồi của săm V.L. đã phải trố hai con mắt kinh ngạc khi thấy một người có cái tinh thần hiền lành đến nỗi gần như ngốc nghếch nữa, mà lại ngồi vắt vẻo trên ban, cố nặn ra cái giọng hùng hồn của một tay “Càn Long” [1] chính hiệu, đế truyền ra một cái lệnh đáng sợ:
- Mày đi gọi cho tao hai người nhà thổ, bất cứ nhà nào cũng được, miễn là một người vừa già vừa xấu và một người nữa còn trẻ, mới vào nghề độ ít lâu thôi.
Trong khi nói thế, tôi không thèm nhìn vào mặt tên bồi săm ấy. Trước khi hắn đi, nghe tiếng chân chậm chạp không đều của hắn, tôi cũng biết hắn đã phải quay lại nhìn cái phần sau lưng của tôi, độ vài ba lần... Hắn tưởng tôi là một người điên. Thật thế, sau... hai mươi năm kinh nghiệm trong nghề, có lẽ lần này là lần đầu hắn gặp một khách làng chơi kỳ dị như tôi.

 

Ban cảnh sát xướng kỹ đâu?
Cái nhà săm này, thật vậy, là một tổ sản của nghề mại dâm lậu thuế. Tôi đứng ở hành lang ở trên gác cũng trông thấy rõ đủ sáu người đàn bà. Họ ở trong một căn phòng, và khi căn phòng ấy có người muốn trọ họ bị một tên bồi dồn sang một cái phòng bên cạnh, tồi tàn hơn. Hai lần hai cái cửa bị mở toang, ánh đèn hai lần chiếu ròi rọi vào cái đàn cừu ấy. Tôi đã trông thấy một người áo the thâm và quần lĩnh tía, một người nữa mà y phục nói rõ là gái quê buôn tơ, hai người khác ăn mặc cũng nhà quê, một người quần áo tân thời, và một người có cầm nón, chắc là bán hàng rong. Vạn tuế cho lão chủ săm vậy ôi! Lão có đủ hạng người: tân thời, nhà quê, đàn bà cổ, con sen, con nụ và cánh buôn bán “cẩn thận”, nghĩa là lão có thể chiều đãi tất cả những ngài nào khó tính vào bậc nhất. Và những anh bồi sẽ gãi đầu, gãi tai nói như thế này:
- Dạ, bẩm chắc chắn lắm ạ! Người buôn tơ ở Đình Bảng đấy! Cẩn thận lắm, vì lần đầu cô ta muốn kiểm thêm...
Hoặc là:
- Ứ ừ! Cậu cứ tưởng! Ở nhà quê mới ra đây có hai hôm... Mặc váy cẩn thận, và chưa biết đi guốc!
Hay là thế này nữa:
- Thì bẩm vâng chứ sao! Cậu muốn tân thời thì cũng có tân thời! Con nhà danh giá hẳn hoi... nhưng mà, giá tiền khí đắt một chút. Cậu cho năm đồng thì con đi gọi.
Sau đó, tên bồi sẽ cam đoan một cách rất hùng hồn đại khái răng những món béo bở và chắc chắn, và cẩn thận, và danh giá, mà nó vừa tả cảnh ấy là ở xa, xa lắm phố Hàng Trống, phố Chợ Hôm, đường Quán Thánh, vân vân... Người khách đưa ra một hay là hai hào tiền xe. Nó xuống dưới nhà, nằm ngủ một giấc, hay là kéo vài điếu thuốc phiện, rồi bảo một cô ả đã trốn một chỗ trong căn phòng bên cạnh đi lên, và đòi tiền xe nhặng lên nếu ngài chưa đưa đủ cho nó từ lúc nãy.
Nhưng đó là việc của những ông khách làng chơi hay là của các thầy đội con gái, chứ không lôi thôi gì đến tôi... Đây kia, những “người của tôi” đã đến rồi. Tôi phải vào gian phòng mà tôi đã thuê.
- Ờ ờ! Rõ khéo khỉ lắm nữa!
Thật vậy, lần này thì tôi được phép kiêu ngạo lắm. Tên bồi đã không lừa dối tôi. Đây là hai gái “có giấy” chính hiệu! Tôi đã trông thấy một ả, ở lục xì, lần đầu tôi bước chân vào giang sơn của bọn ấy. Thị cũng vậy, vẫn còn nhớ mặt tôi. Cho nên thị bước chân vào là bảo ngay rằng tôi “Khéo khỉ lắm nữa”.
Thị tiếp:
- Lại cái anh này! Thấy bác bồi đến gọi (tôi thì chỉ là anh, mà thằng bồi là bác) mình lấy làm lạ, tự nghĩ sao lại có quan viên nào chơi ngông đến thế không biết! Có một mình mà lại cự địch với những hai! Bác bồi bác ấy lại đòi cô nào vừa già vừa xấu vào bậc nhất thì cứ ra đi! Càng lạ nữa! Thôi đi, anh lại định kháo chuyện chị em tôi để anh nói (?) trên nhật trình là cùng chứ gì?
Không đáp, tôi trỏ tay vào một chiếc ghế, nói:
- Ngồi chơi!
Tôi nhìn thị từ đầu đến chân. Một cái áo dài màu xanh lá mạ, một cái quần xa tanh trắng đã sờn, một đôi giầy gái nhảy. Trên những cái ấy là một thứ mặt người mà ai cũng không tin là có thật, nếu chưa từng bước vào một nhà thanh lâu. Thị không những xấu mà thôi, thị còn đáng ghê tởm đến buồn nôn lên nữa. Hai cái má bánh đúc nó... cặp môi dày nó... hai mắt nhỏ tí nó... chao ôi, khó nói quá đi mất! Thị có một cái bụng và hai bắp đùi có thể đựng lọt một người đàn ông tầm thước, và hai cánh tay để ôm cho chết ngạt người đàn ông ấy. Thêm vào những... mãnh lực như thế, lại còn một thứ giọng ồ ồ và một thứ cười cục cục nó rất đặc biệt cho những gái thanh lâu.
Cô bé kia dễ coi hơn nhiều! Nhưng mà vẫn có cái gì nó làm cho ta không được bằng lòng ở một kỹ nữ. Nhưng ta trách cứ họ về điều ấy, ta sẽ mang tiếng là người dở hơi! Vả lại, dẫu sao thế cũng được lắm rồi. Các ngài cứ tưởng tượng ra một cái linh hồn gái quê đần độn ở một cái xác thịt gái thanh lâu, bên trong những y phục tồi tàn và rẻ tiền, thì đủ hiểu. Hai người có cái gì rất giống nhau, và cái gì rất trái ngược nhau. Một cái mặt “ngây thơ” bên cạnh một cái mặt đã thạo nghề. Và cả hai thứ mặt ấy đều hợp ý muốn của tôi cả.
Và tôi nói:
- Hai em ở chơi đây suốt đêm với anh, nhưng mà không... chơi!
Hai thị nhìn nhau, ngạc nhiên. Rồi, sau khi nghe rõ lời cắt nghĩa của tôi, cái cô ả nhiều tuổi bèn yêu cầu:
- Nếu thế thì ít ra cũng phải “trô” vậy, chứ không thì chán bỏ bố! Không hút, thức sao được?
Cô ả còn “ngây thơ” bèn reo lên:
- Ồ! Thế thì thích lắm!
Tôi quay lại bảo tên bồi, lúc ấy còn đứng túc trực ở ngoài phòng:
- Vào lấy tiền mua hộ hộp thuốc, rồi cho một cái bàn đèn lên đây!
Bên ngoài, vừa gió lại vừa mưa. Mùa đông đến đã được hai tuần lễ. Thật là một đêm buồn rầu đủ cho người ta xúc cảm để kể lể thân thế và chán nản tương lai. Cho nên thị Lành (tên ả có tuổi) lúc nhập đề, đã trở nên có văn vẻ lắm:
- Anh hỏi thì tôi phải nói, chứ cái đời tôi thì còn đáng kể cho ai nghe làm gì! Nhàm tai ra mà thôi! Tôi bây giờ cũng như cái đò ngang, ai sang cũng chở tuốt!
Vì không muốn thương tổn đến lòng tự ái của một người đàn bà (dẫu rằng là một chị nhà thổ nữa) tôi đã gối đầu vào đùi của thị, nhắm mắt lại mặc thị cứ hút, cứ tiêm... Nhưng thấy thị đi ra ngoài đầu đề nhiều quá, tôi phải mở to mắt ra để cho nguồn văn chương kia ngưng bớt lại.
- Ô hay! Tôi bảo chị kể cái lúc chị bắt đầu cầm giấy thì nó ra làm sao, thế cơ mà?
- À! Được lắm! Tớ lại cứ tưởng đằng ấy bắt kể cả cái đời giang hồ ra, nghe chơi! Nhưng mà trô [2] đi đã, nếu không thì tớ giận, tớ đòi về ngay bây giờ!
Sau khi tôi hút điếu thuốc, thị khẽ tát yêu tôi một cái. Còn con Yến thì nằm gối đầu vào một bên ống chân tôi, ngoan ngoãn nghịch bằng một cái đóm lia đi lia lại trên nõ điếu thuốc lào.
- Nếu đêm nào cũng đi khách như thế này thì, mẹ kiếp! Làm nhà thổ là sướng nhất.
Thị Lành nhìn tròng trọc vào mắt tôi, tiếp một cách nũng nịu lối kỹ nữ:
- Sao anh lại hiền lành như bụt thế, hở anh?
Lần thứ nhì tôi phải nhắc đến chuyện bắt đầu cầm giấy của thị. Đó không phải việc dễ: đa số gái thanh lâu không biết chuyện, không hiểu rõ nghĩa lý một câu nói rất thường của nó. Nếu họ nói, họ chỉ hay dùng những tiếng không có trong Hán - Việt Tự điển! Nhưng tôi cũng biết đại khái như thế này:

 

Thị Lành có lẽ vốn vì hư hỏng và lười biếng mà bước vào nghề mại dâm. Thị tập sự vào lúc sớm lắm: mười lăm tuổi. Hồi ấy, nhà lục xì còn ở một cái đền trong khu vực Tòa đốc lý bây giờ là Vườn Trẻ Con.
Từ bé thị đã không có bố mẹ. Làm sao lại sống? Đó là một điều bí mật. Lúc mười bốn tuổi thị cũng vẫn còn đi đổ nước vào những tổ dế mèn, đi chạy vòng quanh những gốc cây để bắt ve sầu chưa lột, hay là cầm những hòn đá, những thanh củi, ném lên cây sấu, cây me... Dế mèn để vứt vào bếp cho nó chín rồi ăn, ve sầu thì bán nửa xu một con, quả sấu, quả me hoặc ăn, hoặc bán lấy tiền đong gạo. Nhưng người ta bĩu mồm nói: “Con gái... gì mà cứ như là con giai! Rõ đồ quạ mổ!”. Những việc kia thuộc về sinh kế, thị ngẩn mặt ra trước lời trách móc ấy. Dẫu sao, thế cũng không được nữa. Thị đổi nghề. Rồi từ đó, người ta thấy thị Lành có một cái mẹt nhỏ trong đó có mấy khúc sắn, mấy múi bưởi, vài chục quả ổi, một giỏ con lạc rang. Buôn bán không có vé, cái đó không cần phải nói.
Nhưng nghề đó cũng vất vả lắm. Không ăn thua gì! Mà lại còn thấy cảnh sát, người bắt vé, những ngày mưa to gió lớn mà trẻ con thành phố không ra vỉa hè để vui chơi. Một buổi tối, tại vườn hoa ông Bôn Be [3] một bác lính tập [4], sau khi mua vài xu bưởi, bảo thị đi theo... Lúc đầu, thị trù trừ, sợ hãi... Nhưng thị Lành vốn tò mò. Thị rất muốn biết cái ấy nó ra làm sao. Vả lại mẹt hàng còn đầy lù lù, mà trong túi thị số tiền chưa đủ đong một bơ gạo. Đó là một cớ rất mạnh để thị phải quyết.
Và, sáng hôm sau anh lính tập kia cho thị ba hào! Ba đồng hào còn mới nguyên, sáng lấp lánh, trông thích mắt lắm. Thôi, ta chẳng nên trách cái máu tham hễ thấy hơi đồng của cái loài động vật biết tiêu tiền, trên thế gian.
Từ đấy thị Lành, vào những lúc bán bưởi, đã không gạt bàn tay của những khách hàng bóp vú mình, và khi nghe thấy họ nói thầm vào tai, cũng không lắc đầu từ chối.
Thị bị một thầy đội con gái điệu về lục xì vào lúc bốn giờ đêm, khi thị cùng với một chàng công tử ở một nhà săm bước ra. Ông thầy thuốc tìm thấy cả trùng giang mai lẫn trùng lậu!
- Anh ạ, tôi phải giam sáu tháng mới khỏi các bệnh. Đáng lẽ tôi chưa phải cầm giấy, vì mới bị bắt có lần đầu. Thế mà tôi phải cầm giấy! Phải xin cầm giấy ngay tức khắc! Chúng nó nhất định thế! Thì từ lúc nãy tôi đã bảo với anh rằng: vào nhà pha thì làm tù cho anh em, vào lục xì thì làm tù cho chị em.
Thị Lành nói như vậy để không ai hiểu cả!
- Chúng nó là những ai? Chị muốn nói cái gì!
Thị gắt lên:
- Chúng nó là bọn nhà thổ bị giam trong lục xì chữa bệnh, chứ còn ai nữa! Ma cũ bất nạt ma mới mà lại! Mụ chủ hẳn thiếu người, nên dặn con em phải xui tôi cầm giấy cho được! Không đêm nào chúng nó không đánh tôi như đòn xăng tan [5]. Bọn đàn ông vào nhà pha thì có phải bị lính gác ngục hành hạ đâu! Chỉ những thằng tù, tù chung thân, sống lâu lên lão làng, chúng chẳng còn phải sợ cái gì nữa, là chúng hành hạ cực kỳ khổ sở, cực kỳ tàn nhẫn bọn “lính mới”! Bọn đàn bà bị bắt vào lục xì cũng vậy...
Đến đây, thị Lành nghiến răng nhớ đến cái phẫn uất từ hai mươi năm xưa! Thị đã cố cho tôi trông thấy cái nhà lục xì vào lúc nó là một nơi ngục tù ghê gớm cho bọn kỹ nữ, nghĩa là lúc nó còn ở một cái đền cũ trong khu vực Tòa đốc lý.
Đó là một tòa “nhà” chia làm hai ngăn. Qua một cái sân nhỏ đến một căn phòng khá rộng có những cột gỗ to để chống giữ cho những cái xà ngang, dọc, cái nào cũng có chạm trổ: rồng, phượng, mặt hổ phù, chữ thọ. Tại chỗ ấy có những tấm phản để cho độ sáu chục người nằm. Số gái bị bắt vào đó thường là trên một trăm, bị giam cầm chật hẹp, mùa hè thì ngốt người lên, mùa đông thì chết rét. Bên cạnh cái phòng ngủ ấy là phòng khám bệnh, cũng rộng vừa bằng cái lỗ mũi. Ngày thứ ba, thứ sáu, tất cả gái thanh lâu của Hà Nội phải đến đấy, và đó là một cảnh “ngoạn mục” lạ thường. Sau buổi khám, quệt trầu tung tóe khắp mọi chỗ; những cái lá sen mà những ả sạch sẽ dùng để lót chỗ ngồi cho khỏi bẩn đũng quần hay là để khỏi rây những chất bẩn ở đũng quần xuống ghế ngồi, làm cho ta cứ nhìn cũng đủ buồn nôn...
Đêm đêm, một trăm gái đĩ lậu và có giấy lẫn lộn trong một căn phòng chỉ có sáu mươi chỗ nằm, đã gây ra những trò khó thuật chuyện. Người ta chửi nhau, đánh nhau, gào thét, kêu la. Nhiều ả hát rất vui vẻ nữa: đó là những thị đã vì cái hoàn cảnh hỗn loạn mà hóa điên rồi, hay là sắp sửa hóa điên.
Vậy thì, khi thị Lành sắp khỏi bệnh rồi, đêm nào cũng có ba đứa “có giấy” rất đáng sợ khuyên thị nên xin cầm giấy.
- Này em ạ, đừng lo, cầm giấy sướng chán! Chả phải lẩn lút, trốn tránh như kẻ cắp nữa! Ta được đường hoàng làm cái nghề của ta. Chả sợ gì đội con gái nữa!
- Quan chánh cho ra thì xin cầm giấy ngay đi, rồi về cái nhà có chị, em ạ. Rồi chị sẽ che chở, dạy bảo cho em thạo những cách kiếm tiền. Có ừ hay không thì bảo tao?
Thị Lành được dỗ ngọt, bị đánh đập: không còn một cách nào mà những ả kia lại không dùng đến. Có lần thị đã bị những ả ấy cấu nát cơ quan sinh dục, sau khi bị họ cầm cái độn tóc đuôi gà mà tọng vào hậu môn. Cứng cổ được chừng ba đêm, đến đêm thứ tư thị Lành phải quỳ xuống đất, khóc lướt mướt, nói:
- Em lạy các chị, đừng đánh đập em nữa! Em nhất định xin cầm giấy và về nhà các chị rồi!
Bọn kia còn đánh tát thị cho đến lúc thị phải cam đoan thế sáu, bảy lần nữa.
- Mày nói mà mày không làm như mày nói, thì mày chết với bà!
- Mày mà không xin cầm giấy thì lần sau, vào đây đừng có hòng sống sót!
- Mày đừng tưởng ra khỏi cái nhà này thì rồi là không bao giờ phải quay vào một lần nữa đâu!
Thị Lành cứ việc cúi đầu xuống, chỉ còn dám chống cự bằng van lạy, khóc mếu...
Đến đây, tôi ngạc nhiên lắm. Tôi đã nói với ngài rằng thị Lành có một cái bụng và hai bắp đùi có thể đựng lọt một người đàn ông tầm thước, và hai cánh tay để ôm cho chết ngạt người đàn ông ấy. Tôi bèn ngắt thị lại, và hỏi:
- Chị to béo như thế này mà lại để họ đánh đập một cách dễ dàng như thế sao? Nói đùa hay nói thật?
Thị ngờ ngợ một lát rồi phì cười:
- Tôi béo mới có bốn năm nay thôi. Hồi ấy, tôi còn gầy còm nữa, họ dễ bắt nạt lắm. Nghĩa là cứ làm mãi nghề này thì phải béo...
Đó là một sự nghe vô lý lắm, vậy mà quả thật nó thế đấy! Làm cái nghề mỗi đêm phá giá, độ mười lần, sức khỏe của mình đi, vậy mà lại béo phì nộn ra như được tẩm bổ bằng nhiều thứ sâm, nhung thượng hảo hạng! Câu nói “Giời sinh giời dưỡng” có lẽ là rất đúng cho gái thanh lâu.
Thị kết luận:
- Ấy vô số con gái nhà tử tế, có khi con gái khuê các nữa, mà phải cầm giấy, là vì đã bị hành hạ như thế.
Tôi bèn hỏi:
- Thế còn chị, chính tay chị đã hành hạ độ bao nhiêu cô ả như thế?
Thị ngừng tay tiêm để tỏ cái hệ trọng của sự phân bua:
- Từ ngày xửa ngày xưa kia! Tất cả cũng độ năm hay sáu đứa là cùng... Trước thì tôi sẵn cái ác, để báo thù đời chơi, nhưng về sau, nghĩ rằng trong chỗ chị em toàn là một bọn xấu số với nhau, người ta cũng khổ như mình, anh bảo ác thì “nước mẹ” gì kia chứ! Phương ngôn đã nói: gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau, có phải thế không? Vả lại, mới đây, Nhà nước lại ngăn bằng chấn song sắt trong buồng ngủ để cho gái có giấy với gái lậu cách biệt hẳn nhau, còn đứa nào có thể ác được với đứa nào nữa!
- Này chị này, tôi thấy người ta đồn rằng những ả nào có nhan sắc, còn trẻ mà cầm giấy thì được chủ ưu đãi lắm.
- Đã hẳn! Nhất là cô ả nào có vẻ trâm anh, khuê các. Ở Hà Nội này, có dăm nhà được những gái như thế. Chúng nó mà ra phố thì các anh cứ tin đứt là tiểu thư vì xưa kia chúng cũng đã là tiểu thư. Không bao giờ chúng ra cửa ăn quà vặt như hạng em (vì hạng em thì còn gìn giữ làm đếch gì)! Chúng đi đâu cũng diện xe, mà rất ít khi các ông bắt gặp người ta ra hay vào cái nhà số đỏ đấy nhé! Hễ trông thấy những ả ấy ngoài đường, trong hội chợ, trong các cuộc chợ phiên, các ông cứ tin đứt đó là những nữ học sinh đi thôi! Cho nên đã bao nhiêu chàng công tử đi bắt nhân tình với gái đã cầm giấy, mà cứ tưởng là chim được những tiểu thư khuê các!

 

Thị Yến mới “cầm giấy” chưa đầy nửa năm. Đó chính là thuộc hạng người để cho ông đốc tờ Coppin nói rằng: “Cũng có một vài thị trông còn xuân: đó là hạng tập sự họ chỉ mai kia đây thì cũng sẽ lâm vào cảnh hoa tàn, nhị rữa...”.
Tuy đối với pháp luật, thị Yến đã là kỹ nữ chính thức, song le đối với khách làng chơi, thị chỉ là “ngang tắt”, là cánh “sộp” hay là “con nhà tử tế” nữa. Thị không phải tiếp những ông lính tráng, mặc dầu da vàng, da trắng hay là da đen. Người thợ mộc, người thợ rèn, đi nhà thanh lâu mà trong túi chỉ có ba hào, thì không đời nào được hân hạnh trông thấy mặt thị, ở cái buồng đợi mà những kỹ nữ như thị Lành ngồi như những hóa phẩm bầy trong một cửa hàng bán Solde [6].
Tôi hỏi:
- Thế ra em không sợ “cầm giấy” thì là hỏng cả một đời rồi?
- Hề gì cái ấy? Trái lại nữa thì có. Em vẫn kiếm tiền được như trước, mà lại không phải lôi thôi với những đội con gái. Em còn hy vọng có phen được làm nhân tình với những khách làng chơi người Tây. Em rất ham muốn cái địa vị của những chị em trong nghề mà tốt số hơn em. Chỉ có Nam nhân Nam quốc (?) với nhau mà lại đi khinh bỉ người có giấy thôi, chứ người Tây thì lại cho rằng chơi gái có giấy mới thật là chắc chắn.
Tôi lại hỏi nữa:
- Thế cái lúc em cầm giấy thì nó thế nào?
Thị Yến vẫn đáp ngây thơ:
- Thì em đi với đội con gái sang bên Sở Mật Thám để lấy căn cước, chụp ảnh, nhà đo...
- Không, nhưng mà em nghĩ ngợi thế nào?
Đáng lẽ đáp, thị Yến lại hỏi tôi:
- Em nghĩ thế nào?
- Ừ. Em có cảm tưởng gì không? Em không biết rằng thế là em đã bị liệt vào hạng người không cùng sống cái cuộc đời của những người khác? Em không tiếc gì cả? Không lo sợ gì cả? Em không biết rằng đã cầm giấy thì là thôi, rất khó lòng mà lấy được người chồng hẳn hoi, vì nghe thiên hạ nói, “xé giấy” cho một người gái thanh lâu là khó lắm...
Đến đây, thị Lành nói chen vào:
- Cô nó cầm giấy là tội tôi, về cái nhà mụ chủ của tôi cũng là công tôi. Tuy mới bị bắt về lục xì có một lần nghĩa là cũng vẫn còn tự do đấy, nhưng mà ra rồi thì biết làm gì mà chẳng cầm giấy quách?
- Thế còn những ả chưa đến lúc phải cầm giấy và được thả khỏi lục xì, thì thường thường ra sao?
- Nhà nước cũng dặn họ qua loa rằng phải chừa đi, không được lén lút mãi nữa, lần sau bị bắt nữa sẽ phải cầm giấy. Xưa kia, người ta tử tế hơn nữa. Đứa nào muốn về làng thì nhà nước cho người giải về tận làng. Nhưng mà, thường ra, cha mẹ ở nhà quê mấy khi còn muốn nhận những đứa con yêu tinh như thế nữa! Cái khoản phí tổn ấy chẳng ai chịu, về sau cái lệ giải những cô gái quê trụy lạc về tận nguyên quán để giao cho bố mẹ cũng thôi.
Tôi muốn biết những cảm tưởng của người đàn bà khi mới bắt đầu làm đệ tử chính thức của thần Bạch My...
Tôi không được biết: họ có đâu mà mình biết?
Tôi không được biết: đã từ lâu, họ chẳng còn là “đàn bà” nữa rồi. Đã từ lâu, tuy chưa có giấy, họ cũng đã sẵn có cái linh hồn gái thanh lâu.
Đối với họ, việc cầm giấy cũng chẳng là một tai nạn nhỏ nữa.
Tôi thấy đêm nay, tôi mất toi cả thời giờ lẫn tiền.
Bấy giờ, thị Lành đã đánh đến xái nhì, còn thị Yến, tuy chỉ là mời “hút chơi” thôi, cũng đã kéo đến điếu thứ sáu. Bị thuốc phiện làm ngứa ngáy, thị Yến nhăn nhó vật mình mẩy, gãi luôn tay.
Tôi nhớ rằng, trước khi bước vào căn phòng ô uế này, tôi có mua một tờ nhật báo. Tôi bèn ngồi lên, ra chỗ mắc áo để lấy trong túi áo số báo ấy.
Tôi quay lại về khay đèn.
Rồi tôi thấy, lẫn trong cái đống tin tức quan trọng của thế giới, của nhà nước, mười dòng tin vặt như sau này:
Một gái giang hồ bị bắt
Đêm qua, một viên đội con gái đã bắt cô ả Ng.T.V một gái giang hồ đã “có giấy” từ năm năm nay, ở trước cửa săm Đ.L., vào khoảng bốn giờ sáng. Rất có nhiều khách làng chơi toan can thiệp cho cô ả. Người đội con gái nhất định bắt, còn thị V. thì nhất định cưỡng, và kêu rằng thị ở trọ ở khách sạn ấy với người chồng của thị đã vài hôm nay. Thị có giơ một tập giấy bạc độ trên ba trăm đồng ra khoe, tỏ rằng mình là người lương thiện. Tuy vậy, thị V. cũng bị giải về lục xì vì thị chưa xé giấy, dẫu rằng thị có thể đã làm ăn lương thiện đã năm năm nay. Việc này, nhà chức trách còn xét.
Tôi đọc cái tin ấy cho thị Lành và thị Yến cùng nghe. Tôi chờ cái phản động lực trên nét mặt họ.
Thị Yến gật gù bảo thị Lành:
- Thế thì đích đấy! Vú già đưa cơm cũng có nói rằng trong đít-băng-xe [7] có chuyện ấy, mới ban sáng hôm nay thôi.
Và thị Lành thản nhiên bảo tôi:
- Phải lắm. Đi trốn thì bị bắt, dầu rằng là trốn đã mười năm hay năm năm. Ai bảo không xé giấy! Bị bắt là phải, còn kêu cái nỗi gì!
Cái tin vặt kia khiến tôi nghĩ ngợi mãi... Tôi nhớ đến chuyện anh tù vượt ngục Jean Valjean, khi đã làm đến chức xã trưởng [8] rồi, mới lại bị pháp luật hỏi đến tội vượt ngục cũ. Tôi ngạc nhiên vô cùng, khi thấy một việc như thế mà cũng chẳng đủ gây một mối bất bình nào cho hai người kỹ nữ nằm cạnh tôi. Nhưng mà rồi tôi cũng hiểu rõ ngay. Ở đời này, bất cứ vào hạng nào, cái công lệ thiên nhiên bất di bất dịch nó là thế này: không ai muốn cho ai “khá” cả!
Đã vậy, tôi chỉ còn cần biết rõ vì những lẽ gì, việc một kỹ nữ xin xé giấy để cải tà quy chính, cải ác quy thiện, để “làm lại cuộc đời”, mà lại là rất khó khăn.
Để rồi phải đi tìm bác sĩ Joyeux, ông Giám đốc nhà lục xì, một lần nữa!
Chú thích:
[1] Càn Long là niên hiệu của một triều vua Mãn Thanh bên Trung Quốc cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, nổi tiếng ăn chơi trong các cuộc du hành xuống Giang Nam nên người ta gọi bằng cái tên ấy những tay chơi bời bạt mạng trong xã hội Hà Nội những năm 30.
[2] Tiếng lóng: hút thuốc phiện.
[3] Tên viên Toàn quyền người Pháp đầu tiên ở nước ta, viết là Paul Bert; Cái vườn mang tên ấy sau đảo chính Nhật đổi là Chí Linh, nay là công viên Indria Ganddi.
[4] Lính tập hay lính khố xanh là lính người Việt Nam ở các tỉnh, do các hạ sĩ quan người Việt chỉ huy và một viên giám binh người Pháp cai quản, có phận sự canh gác các cơ quan chính quyền của người Pháp vũ khí chỉ có chiếc súng trường cá nhân.
[5] Từ chữ centrale trong Prison centrale (Nhà tù trung tâm hay Nhà pha Hỏa Lò) đọc ra xăng tan, nghĩa là đòn tù.
[6] Tiếng Pháp: bán giá rẻ.
[7] Đọc chữ Rapdispensaire, chỉ nhà thương không phải trả tiền, nhà thương làm phúc.
[8] Jean Valjean, nhân vật chính trong tiểu thuyết Những kẻ khốn cùng của Victor Hugo.