Sông Ông Lãnh

     ây đặt cho nó cái tên rất ngây ngô là “Rạch Cắc chú” (Arroyo chinois).
Tôi muốn ít lắm nó cũng được gọi là lạch Bến Nghé cho dễ nghe và cho gợi ý.
Có người kêu nó là kênh Tàu Hủ.
Nhưng mấy anh bạn ghe thương hồ kêu nó là Rạch Ông Lãnh, hay Sông Ông Lãnh. Tên sau đây có lẽ là tên vĩnh viễn của nó bởi vì đó là cái tên của dân chúng đặt ra, chớ không phải của tác giả của một quyển địa dư nào hết.
Thủ đô miền Nam là một thành phố mới. Cây, lá, nhà, phố, phong tục, đều chưa mang được cái vẻ cổ kính, chưa biết kể lể những kỷ niệm cảm động để quyến luyến con người.
Nhưng trong tình cảnh thiếu thốn bản sắc riêng ấy, may thay, Sàigòn còn được con sông Ông Lãnh...
Con sông con thân mật, đứng bờ bên này hú một tiếng là bên kia nghe liền...
Con sông gợi tình, thỉnh thoảng màu nước trong xanh biến ra vàng sậm vì từ lòng cạn vẩn lên phù sa gợi nhớ Thủy Chân Lạp hoang vu, nê địa, gợi nhớ cuộc đổ xô vào Nam, gợi hình ảnh đẹp đẽ của đoàn người chiến đấu với thiên nhiên để khai thác đất mới...
Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai vào Bến Nghé, Đồng Nai thì vào.
Con sông làm vận thừa cho một giang cảng sầm uất, (cái bụng của Sàigòn), tập trung tất cả ghe thương hồ của một hậu phương trù phú.
Có ai nhìn thấy đám ghe thương hồ ấy chưa, nhứt là vào lúc chiều tối khi các hoạt động kinh tế đã chấm dứt?
Một người bạn ghe nào đó, không tiền để đi hưởng các cuộc vui của thành phố tưng bừng, ngồi trong khoan thuyền gảy nhẹ chiếc độc huyền, và cất giọng nói thơ.
Với tiếng nhạc quê mùa, hương gió của Đồng Nai, mùi bùn của Ba Thắc, tất cả linh hồn của đất nước như đã theo thuyền buôn mà về đây.
Con sông đặc biệt Á Đông với những chiếc ghe dùng làm nhà, trên mui chưng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn bờ, một con gà muốn cất cánh bay mà ngại chết đuối.
Nên chi, đi xa mười năm, vẫn nhớ Sàigòn. Không nhớ những phố lớn, nhà cao, vô vị vì giống phố nhà nơi khác, mà nhớ con sông nho nhỏ, khổ đau vì chở nặng những ghe chài khẩm lừ hàng hóa, thủ phận người vợ hiền chăm nuôi con dại, và bỡ ngỡ như một chị nhà quê lạc lỏng vào thành phố. Chị nhà quê này chỉ tìm lại được sự dễ chịu khi qua khỏi Xóm Củi, Bình Đông, về tới ruộng lầy, với thiên nhiên, về giữa không khí riêng của chị.
Sông con ơi, Sàigòn làm đỏm làm dáng mà ngươi vẫn dơ, vẫn hôi mùi bùn non, mùi nước mắm, hôi cái mùi của những chị cần lao. Nhưng chính cái mùi hỗn hợp ấy đã làm cho ngươi dễ thương biết bao.
1952