Dịch giả: Bùi Thị Loan
Chương 2

     ước sang năm mới, tôi thành ra hơi nổi tiếng. Thật đáng mừng. Dù là mèo tôi cũng cảm thấy mình có thể hãnh diện, kiêu căng một chút.
Vào ngày mồng một Tết, ông chủ nhận được một tấm bưu thiếp. Đó là tấm bưu thiếp chúc mừng năm mới của một ông bạn họa sĩ. Tấm bưu thiếp phía trên tô màu đỏ, phía dưới màu xanh thẫm, còn ở giữa, nơi một con vật đang ngồi chồm chỗm, được vẽ bằng phấn màu (pastel). Ông chủ ngồi trong phòng sách, ngắm ngang ngắm dọc bức vẽ, khen màu đẹp quá. Tưởng ông thán phục một lúc thì thôi, ai ngờ ông lại tiếp tục ngắm lên ngắm xuống. Ông vặn người, dang tay ra, quay về phía cửa sổ, đưa bức tranh lại sát mũi, ngắm nghía như ông già đang xem tướng số. Ông ta mà không mau mau chấm dứt cái trò này đi, thì nằm trên đùi ông ta, tôi sẽ lâm nguy mất. Khi tôi đang cảm thấy bị chao đảo dữ dội thì nghe tiếng ông ta nói khẽ “bức tranh này vẽ cái gì nhỉ?!” Hình như ông chủ rất thán phục màu của bức tranh, nhưng lại không hiểu nhân vật trong tranh là con gì, nên băn khoăn, khổ sở từ nãy đến giờ.
Tôi nghĩ tranh gì mà khó hiểu thế, rồi rất lịch sự, khẽ hé nửa con mắt đang ngủ, cố lấy lại bình tĩnh, liếc nhìn thì hóa ra đó chính là bức chân dung của mình, không lẫn đi đâu được. Không phải là Andrea del Sarto mà ông chủ vẫn mạo tưởng, mà đây đúng là họa sĩ, với hình khối và màu sắc rất chu đáo. Ai nhìn thì cũng bảo là mèo rồi. Nhưng nếu là người có con mắt một chút thì sẽ biết được, bức tranh này vẽ rất khá và nhân vật trong tranh chính là tôi chứ không phải ai khác, trong tất cả mọi con mèo. Một cái điều hiển nhiên, rõ ràng đến như vậy mà cũng không hiểu, đến nỗi phải khổ sở như thế từ nãy đến giờ, thì thiết nghĩ con người cũng tội nghiệp thật! Nếu được thì tôi muốn nói cho ông ta biết đó chính là tôi. Và dẫu ràng không thể biết được đó chính là tôi thì tôi cũng muốn nói cho ông ta biết đó là mèo. Nhưng khốn nỗi, con người vốn là một loài động vật không được trời phú cho cái may mắn là hiểu được tiếng nói của loài mèo chúng tôi, vậy nên đành phải chịu. Thật đáng tiếc.
Nhân tiện đây, tôi xin lưu ý các độc giả một vấn đề. Đó là, con người vốn dĩ hơi một tí là đánh giá chúng tôi là “mèo, mèo” với giọng điệu rất khinh thường. Đó là một thói quen rất xấu. Cái kiểu suy nghĩ cứ như thể, trâu bò sinh ra từ cặn bã của người, còn mèo thì sinh ra từ cứt của trâu bò như vậy thì cũng có thể làm nảy sinh cái loại người như ông giáo đây, chẳng hề biết đến sự ngu dốt của mình, cứ vênh vênh tự kiêu, tự đắc lắm đấy. Song đứng ngoài nhìn vào thì không thể chấp nhận được.
Dẫu là mèo hay là gì chăng nữa cũng không thể có chuyện thô thiển, giản tiện như vậy. Ở ngoài nhìn vào thì thấy có vẻ mèo nào cũng như mèo nào, không có đặc điểm riêng của từng nhà mà nó sống. Nhưng đi vào xã hội loài mèo mới biết rằng cũng phức tạp lắm, cũng mỗi mèo mỗi vẻ, giống y như xã hội loài người vậy thôi. Mỗi con mèo, từ ánh mắt đen cánh mũi, từ bộ lông đến bước chân đều khác nhau. Rồi bộ ria, vành tai, cái đuôi, cách sắp xếp, độ cong mềm, chẳng có ai giống ai cả. Còn về tài năng, phẩm cách, sở thích, sở trường nữa, phong nhã hay thô thiển… trăm ngàn thứ khác nhau, không thể nói hết được. Mặc dù có sự khác biệt rõ ràng như vậy mà con người thì con mắt chỉ biết nhìn lên – cái mà người ta gọi là hướng thượng hay là ngước mắt lên hay là gì gì ấy – nghĩa là chỉ nhìn lên trời, hóa cho nên mới không nhận biết được tính cách của tôi, thậm chí cả dung mạo của tôi nữa. Thật đáng thương hại.
Từ ngày xưa, người ta đã có câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, người giàu thì đến với người giàu, mèo thì đến với mèo. Đúng là chỉ có mèo mới hiểu được mèo thôi. Còn con người thì trong chuyện này, dù có giỏi giang đến đâu cũng hỏng. Mà nói thực ra, con người họ đâu có giỏi như họ tưởng, vậy nên mới càng khó.
Chẳng phải nói đâu xa, ngay ông chủ của tôi đây này, một người rất thiếu sự cảm thông, hiểu biết người khác. Ngay cái điều đơn giản là “ý nghĩa đầu tiên của tình yêu nằm ở chỗ cả hai bên phải hiểu cặn kẽ về nhau” thì ông ta cũng không biết, cho nên cũng đành hết nhẽ. Ông ta dính chặt vào phòng sách như một con hầu tồi tệ, chẳng bao giờ mở miệng nói gì với ai ngoài đời. Vậy mà lại lên mặt như chỉ có ta là người hiểu biết sâu rộng thì thật kỳ lạ. Một chứng cớ hiển nhiên là ông ta đang cầm bức chân dung của tôi trong tay mà không nhận ra, lại còn bảo “năm nay là năm thứ hai cuộc chinh phạt nước Nga nên có lẽ đây là hình một con gấu lớn chăng”, chứng tỏ ông ta chẳng hiểu biết gì cả. Nói năng thiếu hiểu biết như thế cũng đủ rõ.
Khi tôi vừa nằm trên đùi ông chủ vừa ngẫm nghĩ như vậy thì đúng lúc cô sen lại cầm một tấm bưu thiếp thứ hai nữa tới. Tấm bưu thiếp in hình bốn, năm con mèo nước ngoài, con thì cầm bút, con thì mở sách, đang học. Trong đó có một con rời khỏi chỗ, ra đầu bàn nhảy điệu “mèo đây, mèo đây”[11] theo kiểu Tây. Phía trên viết bằng mực Tàu “tôi là con mèo”. Còn bên phải thì viết cẩn thận hẳn cả một bài Haiku “Một ngày xuân của mèo, đọc sách hay nhảy múa…”
Đây là tấm bưu thiếp của một học trò cũ của ông chủ. Chỉ nhìn qua, ai cũng biết ngay ý nghĩa của nó, vậy mà cái ông chủ ngờ nghệt này hình như chưa nhận ra, hơi ngoẹo cổ và lẩm bẩm “à, thì ra năm nay là năm con mèo à?”[12]. Xem ra ông ta vẫn chưa nhận biết được tôi đã nổi tiếng đến mức nào.
Thế rồi cô sen lại mang tấm bưu thiếp thứ ba tới. Lần này không phải bưu ảnh mà chỉ có dòng chữ viêt “Chúc mừng năm mới”, bên cạnh ghi thêm “Xin cho gửi lời chào mừng cả con mèo nữa nhé”. Xem ra, dù có ngờ nghệt đến đâu, khi đã viết rõ ràng đến mức này thì ông chủ cũng đã hiểu. Cuối cùng ông ta cũng thốt lên được một tiếng “hừ” rồi nhìn vào tôi, vẻ như đã nhận biết được. Ánh mắt của ông lúc đó chứa đựng một niềm tôn kính, khác hẳn từ trước tới nay. Cũng phải thôi, từ trước tới nay, ông vẫn tồn tại mà chẳng được đời biết tới, nay nhờ có tôi mà được nở mày nở mặt với thiên hạ thì ánh mắt như vậy cũng là đương nhiên.
Vừa lúc đó, ngoài cửa có tiếng chuông reo lanh canh, lanh canh, chắc có một vị khách lớn nào tới. Khách đến thì cô sen sẽ ra mở cửa. Còn tôi, đã thành lệ, chỉ trừ khi nào thằng Ume nhà hàng cá tới, tôi không bao giờ ra, nên cứ ung dung ngồi trên đùi ông chủ như cũ. Ông chủ thì nhìn ra cửa với vẻ sợ hãi, cứ như là bị chủ nợ cho vay nặng lãi đến đòi nợ vậy. Hình như ông rất sợ phải tiếp khách đến chúc Tết và phải tiếp rượu khách. Con người mà tính cách đã méo mó đến mức này thì chẳng còn gì để nói nữa. Đã vậy thì sáng sớm, đi đâu quách đi cho xong. Vậy mà cũng chẳng đủ can đảm để đi đâu, cứ ở nhà, thể hiện cái bản chất “con hầu” của mình.
Một lát sau, cô sen vào thưa có ngài Kangetsu[13] đến. Ngài Kangetsu này, nghe nói là một học trò cũ của ông chủ, nhưng bây giờ đã ra trường và đã thành người có danh vọng hơn ông chủ nhiều. Không hiểu sao ông này rất hay đến chơi với ông chủ. Mỗi lần đến lại mang hàng lô chuyện, nào là cô nào đang yêu mình, cô nào không yêu mình, nào là cuộc đời này thú vị ra làm sao, đáng chán ra làm sao. Rồi sổ ra hàng loạt những chuyện ghê sợ hoặc mùi mẫn. Tìm đến một người héo hon như ông chủ để nói những chuyện như vậy, xem ra chẳng hợp tí nào. Nhưng một người mang bản chất “con hầu”, suốt ngày bám trong phòng sách như ông chủ, mà khi nghe những chuyện này, thỉnh thoảng cũng gật gù thì thấy cũng được.
– Lâu quá em không đến thăm thầy. Thực tình năm ngoái em bận nhiều hoạt động quá, mấy lần muốn đi mà rồi chân không hướng tới đây được.
Anh ta vừa tháo dây áo khoác vừa nói như đánh đố như vậy.
– Vậy thì hướng tới đâu?
Ông chủ kéo ống tay áo khoác bông, màu đen, có gia huy của khách, nói với vẻ mặt nghiêm túc. Đây là chiếc áo khoác Haori sợi bông ngắn tay. Từ phía dưới ống tay áo, có cái gì mượt và nhun nhũn[14] thòi ra cả hai bên chừng 5 phân. Anh Kangetsu cười:
– Hề hề… một hướng hơi khác đấy ạ.
Nhìn kỹ thì thấy hôm nay anh ta bị sứt một cái răng cửa. Ông chủ đổi đề tài:
– Răng cậu làm sao thế?
– À, chả là em ăn nấm ở một chỗ…
– Ăn cái gì?
– Ăn nấm! Em ăn nấm và lấy răng cửa cắn cái cánh nấm thì tự nhiên bị mẻ.
– Ăn nấm mà gãy răng à? Nghe cứ như là cụ già ấy. Chuyện này có thể làm thơ haiku được đấy, nhưng không lợi cho chuyện yêu đương đâu nhỉ?!
Ông chủ nói, tay vỗ nhẹ vào đầu tôi.
– À, con mèo hôm trước đấy ạ? Nó béo ra nhỉ. Kiểu này thì cũng không thua kém gì con Đen nhà hàng xe đâu. Giỏi lắm.
Anh Kangetsu ca ngợi tôi hết lời.
– Dạo này nó lớn lên nhiều rồi.
Ông chủ kiêu hãnh vỗ bụp bụp vào đầu tôi. Được khen thì cũng khoái thật, nhưng tôi thấy hơi đau. Anh Kangetsu lại trở lại chuyện cũ:
– Tối hôm kia cũng có một buổi hòa nhạc.
– Ở đâu?
Ở đâu chả thế, thầy cần gì phải hỏi. Ba cây violon hòa tấu với piano rất hay. Violon mà đến 3 chiếc thì dẫu có kéo dở đến mấy cũng tạm nghe được. Trong ba người thì có em và còn lại là hai cô gái. Bản thân em cũng tự thấy mình chơi rất khá.
– Ồ, thế những cô gái ấy là ai vậy?
Ông chủ hỏi có vẻ ngưỡng mộ, thèm khát lắm. Vốn dĩ, thực chất vẻ mặt hàng ngày héo quắt như cây khô của ông ta không phải là do ông thờ ơ, lạnh lùng với phụ nữ. Trước đây, khi đọc tiểu thuyết phương Tây, hễ có một nhân vật nữ nào kha khá là thể nào ông ta cũng mê. Ông ta thuộc loại đàn ông mà nếu thấy một ai đó nói mỉa mai rằng “tính ra có đến 70 phần trăm số phụ nữ đi trên đường làm cho ta muốn yêu” thì vội vàng thán phục ngay câu đó như một chân lý. Một người đàn ông đa tình như vậy mà sao cứ dính chặt ở nhà, không đi đâu? Là một con mèo, điều này, tôi không thể hiểu nổi. Người thì bảo vì ông thất tình. Người thì bảo vì ông đau dạ dày. Có người lại bảo vì ông không có tiền nên đâm ra nhút nhát như vậy. Muốn vì sao thì vì, ông chẳng phải là một nhân vật quan trọng đên mức ảnh hưởng tới lịch sử thời đại Minh Trị, cho nên mặc xác ông. Nhưng quả thật ông đã hỏi về những người phụ nữ đi cùng với anh Kangetsu với một vẻ rất ghen tỵ, mơ ước.
Kangetsu vẻ thú vị gắp một miếng chả cá cho vào miệng, cắn bằng chiếc răng cửa bị mẻ. Tôi rất lo, nhỡ chiếc răng lại bị mẻ nữa, nhưng may quá không sao cả.
– Cả hai cô này đều là cô chiêu cả, thầy không biết họ đâu!
Kangetsu trả lời quấy quá.
– À, ra…
Ông chủ vừa nói vừa ngẫm nghĩ nên bỏ qua chữ “… thế”. Có lẽ Kangetsu nghĩ đây là thời điểm tốt nên rủ:
– Hôm nay trời rất đẹp, thầy không bận thì đi chơi với em đi. Lữ Thuận thất thủ rồi, ngoài phố chỗ nào cũng tưng bừng phấn khởi lắm.
Vẻ mặt ông chủ vẫn tỏ ra như muốn biết rõ gốc tích mấy cô gái kia hơn là chuyện Lữ Thuận bị đánh chiếm. Ông suy nghĩ một chút, rồi hình như hạ quyết tâm, đứng dậy, nói:
– Ừ, đi đi..
Ông cũng mặc một chiếc áo khoác Haori bàng vải bông có gia huy, màu đen, có nhồi bông sợi Yuki. Chiếc áo cũ mèm, đã dùng trên hai mươi năm, nghe đâu là vật kỷ niệm của người anh trai đã chết để lại. Dẫu là bông sợi Yuki hay bông gì, mà cứ mặc mãi như thế thì cũng chẳng còn gì. Nhiều chỗ sờn mỏng, soi lên, nhìn rõ những đường chỉ khâu, vá từ phía trong. Quần áo của ông chủ bao giờ cũng thế, chẳng có năm mới năm cũ nào cả. Cũng chẳng có quần áo mặc ở nhà hay mặc đi chỗ nọ, chỗ kia[15]. Mỗi khi đi đâu thì cứ thế mà đi. Ông không có quần áo để thay, hay có mà không thay vì ngại phiền hà? Tôi chả làm sao mà hiểu được. Nhưng không thể cho rằng đó là vì ông thất tình được.
Hai người đi khỏi rồi, tôi mạn phép xơi nốt chỗ chả cá mà Kangetsu ăn còn thừa. Dạo này tôi không còn là một con mèo bình thường nữa, tôi thấy mình đủ tư cách là con mèo từ sau thời Momokawa Joen[16] hay là con mèo ăn trộm cá vàng của Gray[17] lắm. Những loại như Đen nhà phu xe, tôi không thèm để ý tới. Dẫu tôi có ăn một miếng chả cá thì cũng chẳng ai nỡ nói này nói nọ gì đâu! Vả lại, cái thói quen hay ăn vặt khi vắng mặt người khác như thế này, đâu phải chỉ là thói quen của riêng họ nhà mèo. Chị bếp nhà này, khi bà chủ đi vắng cũng thường xin lỗi, mạn phép làm một vài cái kẹo hay ăn vài ba cái bánh đấy thôi. Mà chả cứ gì chị bếp ngay cả những đứa trẻ con nhà bà chủ, nghe nói là được giáo dục, rèn giũa lịch sự lắm, mà cũng có khuynh hướng này.
Cách đấy bốn, năm hôm, hai đứa trẻ con dậy rất sớm. Trong lúc hai ông bà chủ vẫn còn ngủ thì chúng đã ngồi đối diện nhau ở bàn ăn. Thường thì chúng rắc đường vào bánh mỳ để ăn một phần bánh của ông chủ. Hôm nay, lọ đường để ngay trên bàn, lại có sẵn cái thìa trong đó, không phải chia theo định mức như mọi ngày, đứa lớn xúc hẳn một thìa đổ vào đĩa của mình. Thế là đứa em cũng bắt chước chị làm đúng như thế. Hai đứa nhìn nhau. Rồi con lớn lại xúc một thìa đổ vào đĩa mình. Đứa em lập tức cầm ngay lấy thìa, làm đúng như vậy với đĩa của mình. Đứa chị lại thêm một thìa. Đứa em cũng không thua. Đứa chị lại nắm lấy lọ đường, đứa em lại cầm lấy thìa. Cứ như thế, chẳng bao lâu, đường đã được đổ hết ra đĩa của hai đứa, trong lọ hết nhẵn.
Đúng lúc đó, ông chủ tay dụi mắt, từ phòng bên đi ra, vẻ còn ngái ngủ. Thế là đống đường đã bị xúc ra đĩa, lại bị cho lại vào lọ. Qua vụ này, tôi thấy được, cái quan niệm “công bằng” mà con người nêu ra, xuất phát từ lòng ích kỷ, rõ ràng là hơn hẳn mèo rồi, nhưng về mặt trí tuệ thì thật kém xa. Trong lúc cứ mải xúc đầy cả đống như vậy, thì thà cứ ăn thật nhanh đi có phải hơn không? Nhưng rồi cũng như bao chuyện khác, lời của mèo không bao giờ lọt được vào tai họ, cho nên mặc dù thấy thương hại cho họ, tôi cũng chỉ từ trên nóc chạn lặng lẽ mà nhìn xuống.
Không biết ông chủ đi đâu, làm gì cùng với Kangetsu mà tối hôm đó mãi tận khuya mới về. Sáng hôm sau, 9 giờ mới ăn sáng. Cũng từ trên nóc chạn nhìn xuống, tôi thấy ông chủ ăn zoni (canh bánh dày)[18]. Ông ăn mấy bát liền. Bánh cắt hơi nhỏ nhưng mỗi bát có đến sáu, bảy miếng. Bát cuối cùng, hình như đã quá no, ông bỏ thừa một miếng trong bát, rồi buông đũa. Nếu người khác mà làm vậy là ông không đồng ý đâu. Nhưng vốn hay tỏ vẻ ta đây là ông chủ, ông ta nhìn thấy mẩu bánh bị nướng cháy đen, trong nước canh đùng đục, là thản nhiên bỏ đi, không ăn nữa.
Bà vợ lấy thuốc Taka-Diastase từ trong tủ ra để trên bàn, nhưng ông bảo:
– Thuốc ấy không công hiệu nên thôi không uống nữa.
– Nhưng mình ạ, thuốc này rất công hiệu với những chất tinh bột, uống sau khi ăn rất tốt.
Bà rất muốn ép ông chồng uống thuốc. Nhưng ông trả lời rất ngang bướng:
– Tinh bột hay tinh gì thì cũng vô ích.
Bà vợ nói như ca cẩm một mình:
– Mình thật là người dễ nản chí!
– Không phải dễ nản mà là vì không công hiệu.
– Thế sao trước đây thì mình bảo tốt lắm, tốt lắm, ngày nào cũng uống?
– Hồi đó thấy tốt, nhưng dạo này chẳng thấy tác dụng gì cả.
Ông nói như một vế đối (của câu đối).
– Cứ uống rồi lại bỏ dở chừng như thế thì thuốc có tốt đến mấy cũng chả biết được. Phải cố chịu khó một chút chứ. Cái bệnh dạ dày này không thể khỏi nhanh như các bệnh khác được.
Bà nói và quay nhìn cô sen đang bưng mâm chờ. Cô sen vội tiếp lời bà chủ:
– Đúng thế đấy ạ. Phải uống thêm thì mới biết thuốc có tốt hay không chứ ạ!
– Tốt hay xấu cũng được. Đã bảo không uống là không uống. Đàn bà biết gì mà cũng nói. Thôi, im đi.
– Vâng, đàn bà đây.
Bà đẩy thuốc về phía ông chủ, như quyết tâm bắt ông phải rạch bụng tự sát vậy. Ông chủ không nói gì, đứng dậy đi vào phòng sách. Bà chủ và cô sen nhìn nhau cười. Những lúc như thế này mà tôi đi theo ông, leo lên lưng ông thì thế nào cũng gặp tai họa. Vì thế tôi lặng lẽ vòng ra sân, leo lên thềm phòng sách, dòm vào qua song cửa thì thấy ông đang đọc cuốn sách của Epictetus. Nếu đọc cuốn sách này mà cũng hiểu được bình thường như mọi sách khác thì hơi giỏi đấy. Được khoảng 5, 6 phút ông vứt sách như ném xuống mặt bàn. “Đại thể là thế mà!”, tôi nghĩ và chú ý theo dõi thì thấy ông lôi nhật ký ra viết:
“Đi dạo cùng với Kangetsu ở Nezu, Ueno, Ike no Hata, Kanda[19]. Trước phòng chờ ở Ike no Hata, những cô geisha mặc áo tết cổ lông. Quần áo thì đẹp nhưng mặt thì rất xấu. Trông cứ như mặt con mèo nhà mình.”
Những bộ mặt xấu thì có nhất thiết cứ phải lôi tôi ra làm mẫu như vậy không nhỉ? Tôi mà đi đến hiệu Kita cạo mặt đi thì sẽ chẳng khác gì mặt người đâu. Con người kiêu ngạo đến thế thì gay thật.
“Đi vòng sang phố khác chỗ cửa hàng Hodan thì lại thấy một cô geisha đi đến. Cô này lưng thẳng, vai đẹp, chiếc áo cô mặc màu tím, tông cũng hợp và sang. Cô cười phô hàm răng trắng. Có điều khi cô nói “Anh Gen ơi, tối qua, rốt cuộc em bận quá!” tiếng nghe như tiếng vịt đực, khiến cái hình thức kha khá cũng bị mất giá. Thành ra mình cũng chán, chả muốn ngoảnh lại xem cái anh Gen của cô ta là người như thế nào, cứ thế đi thẳng đến đường Ngự thành. Kangetsu không hiểu sao, trông có vẻ thấp thỏm không yên.”
Không có gì khó hiểu hơn tâm lý con người. Không hiểu lòng dạ ông chủ lúc này là thế nào? Ông đang tức giận hay đang phấn chấn? Hay đang tìm kiếm một chút an ủi bằng con đường di thư[20] đây? Ông đang cười mỉa cuộc đời hay muốn hòa chung vào cuộc đời? Đang buồn bực, tức giận với những điều lố lăng vô nghĩa hay đang siêu thoát khỏi thế giới hữu hình này? Chẳng làm sao mà hiểu được.
Về vấn đề này, loài mèo chúng tôi đơn giản hơn nhiều. Muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ. Tức giận thì tức giận hết mình, kêu gào thì kêu đến xé cổ, xé lòng mới thôi. Trước hết, chúng tôi không bao giờ làm cái thứ vô bổ là ghi nhật ký cả. Bởi vì cũng chẳng cần thiết phải ghi. Tôi cho rằng có thể là, những người có hai mặt như ông chủ đây thì cần ghi nhật ký để khai thác những cái riêng tư của mình trong phòng tối, những cái mà không thể nói ra với đời được. Chứ còn loài mèo chúng tôi thì mọi hành vi: đi lại, đứng, ngồi, đại tiểu tiện ngoài vườn hay trong sân v.v., tất cả đều là nhật ký thực thụ, không cần phải làm cái việc phiền phức ấy để lưu lại bộ mặt thực của mình nữa. Nếu có thời gian ghi nhật ký thì thà để mà nằm ngủ ở hành lang còn hơn.
“Ăn tối trong một cửa hàng ở Kanda. Đã lâu mới uống vài chén Masamune[21], sáng nay thấy dạ dày rất nhẹ, dễ chịu. Mình cho là với người đau dạ dày, uống rượu buổi tối là thượng sách. Taka-Diastase tất nhiên là đồ bỏ. Mặc kệ, ai muốn nói gì thi nói mình dứt khoát không nghe. Đã vô hiệu thì có uống cũng vô hiệu.”
Ông ta kịch liệt công kích thuốc Taka-Diastase cứ như là đang tự cãi nhau với mình. Cơn tức giận sáng nay đã được lộ mặt ở đây. Bản sắc nhật ký của con người có lẽ là ở chỗ này đây.
“Hôm trước tay XX bảo là bỏ cơm sáng thì tốt cho dạ dày. Mình đã nhịn thử hai, ba ngày nhưng bụng cứ sôi ùng ục, chả có tác dụng gì cả. Tay YY khuyên nên bỏ tất cả các loại dưa muối lên men. Theo hắn thì mọi nguyên nhân của bệnh dạ dày là từ dưa muối. Nếu bỏ dưa muối nghĩa là cắt bỏ từ nguồn gốc bệnh dạ dày rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Sau đó, mình đã không hề đụng đũa đến dưa trong khoảng một tuần, nhưng cũng chẳng thấy hiệu nghiệm gì nên lại ăn.
Theo tay ZZ nói thì chỉ có phương pháp xoa bóp là tốt nhất. Nhưng không phải là xoa bóp bình thường mà phải làm theo phương pháp cổ điển của trường phái Minagawa kia. Chỉ cần làm vài ba lần là trị dứt điểm bệnh dạ dày ngay. Ông Yasui Sokken cũng rất ái mộ phương pháp này. Ngay cả đến bậc hào kiệt như ông Sakamoto Ryoma cũng thỉnh thoảng chữa bệnh theo phương pháp này. Nghe nói vậy, mình đã đi ngay đến tận Kami Negishi để xoa bóp thử. Nhưng mà, nào là “phải xoa bóp xương, chuyên đảo vị trí của các phủ tạng thì mới trị tận gốc được”… cả một phương pháp xoa bóp khủng khiếp. Sau đó thì cơ thể sẽ nhũn như bông, tâm trạng sẽ giống như người mắc bệnh hôn mê v.v.
Nghe nói thế mình chữa thử một lần rồi lẳng lặng bỏ.
Cậu A thì bảo dứt khoát không được ăn những thức ăn cứng. Mình đã uống sữa cả một ngày, không ăn uống gì. Thế là ruột cứ réo èo èo như sắp chảy tuôn nước ra, suốt đêm không ngủ được.
Ông B thì bảo thở bằng cơ hoành cách để vận động các cơ quan trong bụng thì dạ dày cũng tự nhiên khỏe lên, cậu thử làm xem. Mình cũng đã làm thử nhiều lần nhưng thấy bụng cứ hồi hộp, rất khó chịu. Đã thế, thỉnh thoảng sắp nghĩ ra một cái gì, đang cố gắng tập trung, được dăm sáu phút lại quên béng mất. Cố gắng để khỏi quên thì lại bận tâm đến hoành giáp mạc, không thể đọc, viết gì được. Nhìn thân thể mình như vậy, nhà mỹ học Meitei đùa giễu “thôi, cậu không phải vặn vẹo như đau đẻ thế nữa”, thế là dạo này mình thôi không làm nữa.
Thầy C thì bảo ăn soba (kiều mạch) rất tốt. Thế là lập tức hết soba nấu đến soba luộc. Kết quả là chỉ có đi tiêu chảy nhiều chứ chẳng có công hiệu gì cả. Mình đã cố gắng áp dụng mọi phương pháp để quyết tâm từ giờ đến sang năm, trị hẳn cái bệnh dạ dày này, nhưng chẳng có phương pháp nào có hiệu quả. Chỉ có mỗi ba chén Masamune uống cùng với Kangetsu tối qua là có hiệu quả rõ ràng. Từ rày mình sẽ quyết định mỗi tối uống 2, 3 chén.”
Quyết định này thể nào cũng chẳng tiếp tục lâu được đâu. Lòng dạ ông chủ luôn luôn biến đổi không ngừng, cũng giống như tròng mắt của tôi. Ông là người làm cái gì cũng chỉ được mấy hôm. Vả lại trong nhật ký thì ông ta lo lắng đến cái bệnh dạ dày như thế, nhưng bên ngoài thì rất gan lì, nín chịu. Thế mới lạ.
Hôm trước có một người bạn, là một học giả gì đó, đến chơi. Ông này đưa ra một học thuyết rằng “có một loại quan điểm cho rằng, mọi thứ bệnh tật trên đời này đều do từ bản thân mình hay tổ tiên, ông cha mình sinh ra”. Học thuyết được trình bày rất khúc chiết, minh bạch. Tội nghiệp cho ông chủ tôi, ông là người không đủ đầu óc và tri thức để phản bác lại học thuyết này. Nhưng vì ông đang có bệnh dạ dày nên ông muốn biện giải gì đó để giữ sĩ diện của mình. Ông nói:
– Lý thuyết của anh nghe hay đấy, nhưng chính ngay cả Carlyle cũng bị đau dạ dày đấy thôi!
Ông cứ làm như là vì Carlyle đau dạ dày thì mình đau dạ dày cũng là một vinh dự, nên mới đối đáp nhầm lẫn như vậy.
– Ông Carlyle đau dạ dày không có nghĩa là hễ ai đau dạ dày sẽ là ông Carlyle.
Thế là ông chủ im, không nói gì nữa. Thật là buồn cười, một con người mang đầy lòng hư danh như vậy mà thực ra lại muốn thà không đau dạ dày vẫn hơn và đã quyết tâm từ tối nay, trước khi ngủ sẽ uống rượu. Xem ra, sáng nay ông ăn nhiều zoni như vậy chắc là do ảnh hưởng của việc tối qua đã uống rượu cùng với Kangetsu. Thế là tự nhiên tôi muốn ăn thử zoni xem thế nào.
Tôi là mèo nhưng nói chung món gì tôi cũng ăn. Tôi không đủ sức khỏe và ý chí như Đen nhà hàng xe để mà đi xa, đến tận hàng cá trong phố. Tôi cũng không phải là kẻ có đẳng cấp để có thể xa hoa như nàng Tam Mao nhà bà thầy dạy đàn nhị huyền[22] ở trong hẻm. Bởi vậy, tôi thuộc loại ít chê các món ăn. Những mẩu bánh bọn trẻ con ăn làm rơi vãi tôi cũng ăn. Nhân bánh hay kẹo, tôi cũng liếm. Món dưa muối thì cực kỳ dở. Nhưng để biết mùi, tôi cũng đã từng ăn thử hai lát củ cải muối. Ăn rồi mới thấy rất kỳ lạ. Và từ đó tôi có thể ăn tất cả mọi thứ một cách bình thường. Cái kiểu xa hoa nũng nịu “tôi không thích món này, tôi không thích món kia” là cái không thể nói ra từ miệng một con mèo, sống trong nhà một ông giáo bình thường, như tôi.
Theo ông chủ nói thì ở Pháp có một nhà văn tên là Balzac, là một người rất xa hoa xa xỉ. Không phải xa hoa trong chuyện ăn uống mà là trong viêt lách. Một hôm, giữa lúc ông đang tìm tên cho một nhân vật tiểu thuyết của mình nhưng thấy tên nào cũng không vừa lòng thì có một người bạn đến chơi. Ông ta bèn rủ người bạn đi dạo phố. Người bạn không biết gì, cứ thế đi theo. Còn Balzac thì muốn tìm cái tên mình đang cần nên cứ kéo ông bạn đi hết cửa hàng này sang cửa hàng khác, chỉ để đọc mỗi cái tên cửa hàng trên biển hiệu. Vậy mà mãi vẫn không tìm được cái tên ưng ý. Ông ta cứ kéo bạn đi mãi. Người bạn chẳng hiểu sao cũng cứ đi theo. Hai người đi khắp Paris từ sáng đến tối. Khi quay về, Balzac chợt nhìn thấy biển hiệu một cửa hàng may mặc có cái tên là Marcus. Balzac vỗ tay reo:
– Đây rồi, đây rồi. Chỉ có cái tên này thôi! Cái tên Marcus hay đấy. Ta sẽ thêm chữ Z vào đầu chữ Marcus, sẽ được một cái tên không phải phàn nàn gì nữa. Phải là chữ Z mới được. Z. Marcus, ôi thật là hay! Những cái tên mình đặt, dẫu có đẹp mà nó không tự nhiên, miễn cưỡng thì cũng không hay. Mãi bây giờ mới tìm được cái tên vừa ý.
Ông ta vui sướng và quên rằng mình đã làm khổ bạn thế nào. Đặt tên cho một nhân vật trong tiểu thuyết mà phải đi sục sạo khắp Paris suốt cả một ngày như vậy thì cầu kỳ thật. Xa hoa được đến mức đó thì cũng hay lắm. Nhưng mà thân phận một con mèo, có ông chủ suốt ngày ru rú xó nhà như tôi đây làm sao mà làm nổi chuyện ấy! Cái gì cũng được miễn có cái ăn là tôi vừa lòng. Điều này cũng do cảnh ngộ mà ra thôi. Do vậy, việc tôi muốn ăn thử canh bánh dày lúc này công không phải vì xa hoa. Đó chẳng qua là xuất phát từ cách suy nghĩ muốn ăn gì thì cứ ăn, và vì tôi chợt nhớ ra cái canh mà ông chủ ăn bỏ thừa biết đâu vẫn còn ở trong bếp… Và thế là tôi đảo vào bếp, xem thử.
Vẫn miếng bánh dày sáng nay, với cái màu cũng như ban sáng, dính dưới lòng bát. Thú thực, từ trước tới nay tôi chưa ăn bánh dày bao giờ. Trông thì cũng có vẻ ngon đấy, nhưng hơi kinh kinh. Tôi lấy chân trước gạt những mẩu rau bám ở trên ra. Nhìn móng chân thấy có bánh dày bám vào, dinh dính. Tôi cào cào thử xem thì thấy có mùi như mùi khi xới cơm. Tôi nhìn quanh, băn khoăn hay là ăn chăng? Một điều, không hiểu là may hay không may, là lúc này không có ai ở đây cả. Chị bếp, cuối năm cũng như đầu năm, lúc nào cũng nét mặt ấy, đang mải đánh cầu. Bọn trẻ con ở phòng trong, đang hát “con thỏ là con thỏ gì”. Nếu ăn thì chính là lúc này đây. Bỏ lỡ cơ hội này thì cho đến bằng giờ sang năm, tôi sẽ sống mà không biết mùi vị bánh dày là gì. Mặc dù là mèo, chỉ trong khoảng khắc rất ngắn tôi đã ngộ ra một chân lý: “loài vật nào cũng vậy, thời cơ rất hiếm, phải biết chớp cơ hội mà chiếm lấy”. Thực ra mà nói thì tôi cũng chẳng thích ăn zoni lắm. Càng nhìn kỹ đáy bát càng thấy ghê ghê, chẳng muốn ăn chút nào. Lúc này mà có tiếng chị bếp hay tiếng bước chân bọn trẻ con đi vào thì tôi bỏ ngay, chẳng tiếc rẻ gì, và cho đến tận sang năm, cái chuyện canh zoni cũng chẳng đọng lại trong đầu tôi đâu. Nhưng mà chẳng có ai xuất hiện cả. Tôi cứ trù trừ mãi và vẫn không có ai vào bếp. Thế là như có tiếng ai giục “ăn đi, ăn đi, mau lên”, tôi vừa dòm đáy bát vừa thầm mong mau mau có ai đó vào đây thì hay. Nhưng rồi vẫn chẳng có ai. Cuối cùng tôi buộc phải ăn zoni.
Tôi gần như đổ cả sức nặng người mình xuống đáy bát, ngoạm một cục bánh dày vuông mỗi chiều trên 3 cm. Dùng sức đến thế mà cắn, nếu bình thường ra thì cắn được ngay, nhưng thực là kinh ngạc! Tôi nghĩ thôi chẳng ăn nữa, định rút răng ra nhưng không rút được. Lại cắn thử một lần nữa thì răng dính chặt, không cựa quậy được nữa. Khi hiểu ra được bánh dày là một loại “ma” thì đã muộn. Giống như người sa xuống vũng lầy, càng cố rút chân lên càng bị lún sâu hơn, tôi càng cố cắn thì miệng càng chặt cứng lại, răng hoàn toàn không cử động được nữa. Cảm giác sướng răng thì cũng có đấy. Song chỉ là cảm thấy răng được cắn thật đã thôi, nhưng không thể nào thanh toán cho xong chuyện được. Trước đây, có lần nhà mỹ học Meitei đã đánh giá ông chủ tôi “cậu là người cái gì cũng dây dưa, không dứt khoát được”. Quả là một nhận xét rất giỏi. Bánh dày này y hệt ông chủ, không thể cắt cho đứt hẳn ra được. Càng cắn thì càng như lấy 10 mà chia cho 3. Một phương trình không bao giờ tận cùng cả. Giữa lức phiền toái này, tôi lại bắt gặp một chân lý thứ hai. Đó là: “Mọi động vật đều dự đoán các sự vật có phù hợp với mình hay không, theo trực giác”.
Đã tìm ra được hai chân lý, nhưng vì bánh dày dính chặt quá nên ngay cả ngứa lông tôi cũng không cảm thấy. Răng tôi bị bánh dày kẹp chặt, đau buốt như sắp rụng. Không ăn mau mà chuồn đi thì chị bếp sẽ vào. Tiếng hát của bọn trẻ con cũng không nghe thấy nữa. Thế nào chúng cũng sắp chạy vào bếp cho mà xem. Quá lo buồn, tôi ngoáy tít cả đuôi, nhưng cũng không ăn thua gì. Rồi tôi giương tai lên, cụp tai xuống, cũng vô hiệu. Suy cho cùng thì tai và đuôi chả có liên quan gì tới bánh dày cả. Cuối cùng tôi hiểu ra là, dù có vẫy có cụp cũng chỉ tiệt, nên tôi thôi. Một lúc sau, tôi nghĩ rằng chỉ có dùng chân trước gỡ bánh ra là có khả năng thôi. Đầu tiên tôi đưa chân phải lên, xoa xoa xung quanh miệng. Xoa một lúc cũng không gỡ được. Lần này tôi dang rộng chân trái, xoa quyết liệt xung quanh miệng. Dùng phép bùa ấy cũng không xua được con ma bánh dày. Biết là phải kiên tâm mới được, tôi cứ luân phiên hết chân phải sang chân trái xoa miệng, nhưng răng vẫn bị cắm trong bánh. Thật là tai quái. Lần này tôi dùng cả hai chân một lúc. Thật ngạc nhiên, lúc này tự nhiên tôi đứng được bằng hai chân sau. Tôi có cảm giác kỳ lạ như mình không phải là mèo nữa. Nhưng là mèo hay không, thì vào cái ngày như ngày hôm nay, cũng có nghĩa gì đâu. Tôi chỉ còn biết cào, xoa khắp mặt, sao cho rãy được cái con ma bánh dày này ra thôi. Vì hai chân trước giãy giụa mãnh liệt nên hơi một tí là mất thăng bằng, suýt ngã. Mỗi lần như vậy lại phải dùng chân sau lấy lại thăng bằng nên tôi không thể đứng yên một chỗ, phải xoay khắp phòng. Tự mình cũng thấy không hiểu sao mình có thể đứng tài như vậy. Một chân lý thứ ba bỗng lại ập tới: “Lúc lâm nguy, hãy bình tĩnh lại, ta sẽ làm được cái mà lúc thường không làm nổi. Cái đó là trời phù hộ.”
May mắn được trời phù hộ, tôi đang ra sức vật lộn với con ma bánh dày thì nghe như có tiếng bước chân từ phòng trong đi ra. Phen này bị con người nhìn thấy thì gay to, nghĩ thế tôi hăng tiết, lao khắp phòng. Tiếng bước chân càng đến gần. Ôi, thật đáng tiếc. Trời phù hộ hơi bị thiếu. Cuối cùng bọn trẻ con đã nhìn thấy. Có tiếng hét lớn:
– Trời ơi, con mèo nó ăn zoni và nó đang múa kìa.
Người đầu tiên nghe thấy tiếng hét ấy là chị bếp. Chị ta ném vội cả quả cầu lẫn bàn cầu, từ cửa sau chạy vào, miệng kêu “trời đất ơi!”. Bà chủ, mặc áo lụa sồi có vẽ gia huy, bảo “con mèo dở quá nhỉ”. Cả ông chủ cũng chạy từ phòng khách ra, mắng “cái đồ của nợ này”. Chỉ có bọn trẻ con là kêu hay quá, hay quá, rồi như đã hẹn nhau, tất cả cùng cười khúc khích. Tôi rất tức. Cảm thấy khốn khổ, muốn thôi nhảy nhót mà không thôi được, sức đã yếu. Rồi tiếng cười cũng ngưng và đứa trẻ 5 tuổi bảo:
– Mẹ ơi, con mèo cũng ghê nhỉ!
Thế là lại rơi vào tình trạng “chết đuối vớ phải bọt”. Tôi đã từng nghe và chứng kiến rằng loài người là giống vô tình và bạc bẽo, nhưng chưa bao giờ tôi thấy căm giận họ như lúc này. Cuối cùng, sự phù hộ của trời cũng đi đâu mất. Tôi nằm bò xuống như vẫn nằm, đành diễn tiếp cái trò khó coi, mắt lờ đờ, trợn ngược.
Quả thật, thấy cứ bỏ mặc như vậy cũng tội nghiệp, ông chủ bảo chị bếp:
– Gỡ miếng bánh dày ra cho nó đi.
Chị bếp đưa mắt nhìn bà chủ như muốn hỏi “cứ để cho nó tiếp tục biếu diễn nữa nhé?”. Bà chủ cũng muốn xem múa đấy, nhưng không muốn xem cho đến khi nó chết, nên bà im lặng. Ông chủ lại nhìn chị bếp, nói:
– Không gở ra cho nó, nó chết đấy. Nhanh lên, gỡ cho nó đi.
Chị bếp túm mẩu bánh dày, lôi tuột ra, vẻ mặt thẫn thờ như người bị đánh thức giữa lúc đang mơ được ăn ngon. Không phải là Kangetsu, nhưng tôi nghĩ chắc răng cửa của mình cũng bị gãy hết rồi. Không nói là đau hay không đau, chỉ độc mỗi chuyện, những chiếc răng bị cắm chặt trong bánh dày mà bị kéo bạt mạng không thương tiếc như vậy, cũng đủ hết chịu nổi. Tôi lại trải nghiệm một chân lý thứ tư. Đó là: “Mọi sự an nhàn, sung sướng không thể không trải qua sự khổ sở”. Tôi trân trối nhìn một lượt khắp xung quanh phòng thì tất cả mọi người đã vào phòng trong hết rồi.
Khi đã gặp thất bại thế này mà lại ở nhà dàn mặt với chị bếp thì cũng ngượng. Tôi bèn lẻn ra sau bếp, đi đến nhà bà thầy dạy đàn nhị huyền ở trong hẻm, thăm Tam Mao.
Tam Mao đẹp nổi tiếng trong vùng này. Với mèo thì chẳng nghĩ thế đâu, nhưng thôi thì tôi cứ nghĩ theo cách cảm nhận của con người vậy. Mỗi khi ở nhà mà nhìn thấy cái mặt ông chủ nhăn nhó, hay bị chị bếp la mắng là tôi lại tìm đến người bạn khác giới này, để giãi bày nỗi lòng. Thế là mọi lo lắng, khổ não của tôi bay biến hết, lòng thanh thản, thấy mình như được đổi đời, được sinh ra lần khác vậy. Ảnh hưởng của nữ giới thật là lớn lao.
Từ kẽ hở hàng rào gỗ sam nhòm vào, tôi đưa mắt tìm thì thấy nàng đang ngồi rất ngoan ngoãn, kiêu sa trên thềm nhà, cổ đeo một chiếc vòng mới, vì hôm nay là ngày Tết. Cái lưng tròn của nàng quà là đẹp như người ta vẫn nói, nó tạo thành vẻ đẹp của một đường cong. Cái dáng cụp đuôi, xếp chân, rồi cái điệu vẫy tai liên tiếp vẻ u sầu… thật khó mà hình dung nổi.
Nàng ngồi lịch thiệp ở một nơi đầy nắng, trông rất ấm áp, cho nên mặc dù phong thái rất đoan trang, nghiêm túc mà bộ lông mượt như nhung phản chiếu ánh nắng xuân làm người ta tưởng nó đang lay động rộp rờn, mặc dù không có gió. Tôi say mê ngắm nàng một lúc rồi trở lại với mình, dùng chân trước vời vời, khẽ gọi “Tam Mao, Tam Mao!”. Tam Mao cất tiếng “ôi, thầy!” rồi đứng dậy, rời bờ hè. Chiếc chuông nhỏ mắc tren chiếc vòng cổ màu đỏ kêu leng keng, leng keng. Tôi còn đang mê mải, cảm động, thầm nghĩ “ngày Tết nên người ta đeo cả chuông ư? Tiếng chuông hay quá!” thì nàng đã đến bên cạnh, vẫy đuôi về phía bên trái, chào: “A, năm mới, xin chúc mừng thầy”.
Trong loài mèo chúng tôi, có phong tục khi chào nhau thân ái thì vểnh đuôi lên, vẫy về phía bên trái như vậy. Trong hàng phố này, chỉ có mỗi một mình Tam Mao gọi tôi là “thầy”. Như tôi đã nói, bởi vì tôi chưa có tên, nhưng cũng vì tôi sống ở nhà ông giáo nên Tam Mao kính trọng, cứ gọi tôi là “thầy, thầy”. Bị gọi là thầy tôi cũng không thấy khó chịu gì lắm, nên cứ đáp “vâng, vâng”.
– Ôi, xin chúc mừng năm mới. Hôm nay cô trang điểm đẹp quá nhỉ!
– Vâng, cuối năm ngoái, bà thầy dạy nghề đã mua cho em đấy. Cũng đẹp đấy chứ, phải không ạ? – Nàng vừa nói vừa rung chuông leng keng.
– Ồ, tiếng kêu thanh thật. Từ bé đến giờ, tôi chưa nhìn thấy thứ đồ tuyệt hảo như vầy bao giờ cả.
– Ôi, không phải thế đâu. Ai cũng đeo cả mà!
Nàng nói và lại rung chuông leng keng, leng keng.
– Tiếng chuông nghe rất hay, phải không ạ? Em rất thích.
Nàng nổi và lại rung leng keng.
– Bà chủ nhà cỏ cỏ vẻ thương yêu, chiều chuộng cô lắm nhỉ?
Tôi thầm so sánh với thân phận mình và thốt lên ý ghen tị như vậy.
– Vâng, đúng thế. Bà ấy coi em như con mình vậy.
Nàng cười hồn nhiên. Không phải nhất thiết là mèo thì không biết cười đâu. Loài người nghĩ rằng ngoài mình ra, các loài khác không biết cười thì thật nhầm to. Khi cười, chúng tôi thường nhăn lỗ mũi thành hình tam giác, rung cuống họng mà cười nên con người không thể biết thôi.
– Vậy, thể bà chủ nhà cô là người thế nào?
– Ôi, chủ em ấy à, kỳ lạ lắm! Là người dạy nghề mà. Thầy dạy đàn Nhật đấy.
– Cái ấy thì tôi biết rồi, nhưng đẳng cấp của bà ta thế nào? Hình như trước đây bà ta là người cao sang lắm, phải không?
– Vâng.
Bên trong cửa sổ, bà thầy dạy đàn đang gảy “anh chờ em mà em chẳng đến”. Tam Mao nói vẻ kiêu hãnh:
– Đấy, tiếng đàn nghe hay chưa?
– Nghe có vẻ hay đấy, nhưng tôi chẳng hiểu gì cả. Thế là cái gì vậy?
– Cái đó à? Là gì nhỉ? Bà thầy thích nó lắm. Bà ấy đã 62 tuổi rồi, khá điêu luyện đấy chứ, phải không ạ?
Đã sống đến tuổi ấy rồi thì không thể nói là không thành thục được. Tôi bảo “ừ”, nghe hơi ngớ ngẩn nhưng trong óc chẳng nảy ra được câu đáp lễ nào hay ho nên đành vậy.
– Ấy thế mà đảng cấp của bà ấy rất cao đấy, bà ấy vẫn bảo vậy.
– Thế à? Bà ấy vốn là gì?
– Bà ấy bảo bà ấy vốn là con gái người cháu trai của bà mẹ chồng mà cô em gái của người thư ký của “Thiên Chương Viện”[23] về làm dâu đấy.
– Thế nghĩa là thế nào?
– Người em gái của người thư ký của Thiên Chương Viện…
– À, thế à, người em gái của người thư ký của Thiên Chương Viện…
– Ngài Thiên Chương Viện mà thầy cũng biết đấy.
– Ừ, ừ.
– Người thư ký ấy mà.
– Ừ, ừ.
– Đúng rồi.
– Về làm dâu.
– Cô em gái về làm dâu…
– Đúng, đúng, tôi nhầm. Cái ngài mà cô em gái đi làm dâu…
– Là nơi người con gái người cháu họ bà mẹ ấy…
– Con gái của cháu họ bà ấy à?
– Vâng, thầy hiểu rồi chứ ạ?
– Chưa hiểu. Hơi rắc rối nên tôi chưa nắm được. Vấn đề ở chỗ, thế thì là gì của ngài Thiên Chương Viện?
– Mãi thầy chẳng hiểu gì cả. Thì đã nói rồi mà, là con gái của người cháu họ của bà mẹ chồng, nơi mà em gái của ngài thư ký của ngài Thiên Chương Viện về làm dâu mà lỵ,
– Cô biết rõ quá nhỉ.
– Biết rõ như vậy tốt lắm chứ.
– Ừ.
Tôi chịu, đành xin hàng. Chúng tôi có những lúc phải nói dối đầy lý luận như vậy.
Tiếng đàn bên trong cửa đã tắt. Tiếng bà chủ gọi:
– Tam Mao, Tam Mao đâu? Về ăn cơm đi.
– Ôi, bà chủ đang gọi, em phải về đây. Có được không ạ?
Nhìn Tam Mao có vỏ vui sướng nên tôi không thể bảo “không”.
– Thế thì hôm khác thầy lại đến chơi nhé.
Nàng vừa nói vừa rung chuông leng keng chạy vào, đến gần sân, bỗng nàng đột ngột quay lại, hỏi với vẻ lo lắng:
– Trông thầy thần sắc có vẻ kém lắm, phải làm thế nào chứ?
Không thể nói ra cái chuyện ăn zoni rồi múa may quay cuồng ấy, tôi bảo:
– Cũng chẳng có gì đặc biệt đâu, tôi chỉ hơi nghĩ ngợi một chút nên đau đầu thôi. Tôi nghĩ là nói chuyện với cô thì sẽ khỏi nên đã đến đây mà!
– Ồ, thế à? Vậy thầy chú ý giữ sức khỏe nhé. Xin tạm biệt.
Nàng có vẻ hơi lưu luyến. Thế là cái vụ zoni cũng qua, tôi đã hồi phục, khỏe lại. Lòng tôi rất vui. Trên đường về, tôi định đi qua vườn chè mọi khi nên bước qua những mảnh băng mỏng của sương đọng, đang tan mà đi. Vừa ló mặt ra khỏi góc hàng rào phên tre đã thấy Đen nhà hàng xe nằm cuộn lưng trên bụi cúc héo, đang ngáp. Gần đây, không phải là sợ mà vì ngại nói chuyện nên hễ gặp Đen là tôi giả vờ không nhìn thấy và hôm nay tôi cũng đang định cứ thế đi qua. Đen là kẻ có tính thấy người khác hơi có vẻ coi thường mình là không chịu yên.
– Này, cái thằng nhà quê không tên kia, dạo này mày có vẻ vênh váo lắm nhỉ? Dẫu mày có ăn cơm nhà ông giáo hay dẫu là gì thì cũng không phải lên mặt kiêu căng, hợm hĩnh như thế đâu nhé. Coi thường người khác là không hay đâu.
Hình như Đen vẫn chưa biết rằng tôi đã nổi tiếng. Tôi muốn nói cho nó biết, nhưng dẫu sao nó cũng không phải là kẻ có thể hiểu được nên tôi quyết định hãy cứ chào hỏi qua loa, rồi tìm mọi cách thoái thác mà về, càng sớm càng tốt.
– Ôi, chào cậu Đen, xin chúc mừng cậu năm mới. Trông cậu vẫn mạnh khỏe lắm nhỉ.
Tôi cong đuôi, vẫy về phía bên trái. Đen chỉ cong đuôi lên mà không chào hỏi gì cả.
– Cái gì? Chúc mừng ấy à? Nếu ngày tết là đáng chúc mừng thì mày đáng mừng quanh năm đấy. Liệu mà cẩn thận, cái đồ “đằng sau ống thổi” ạ.
“Đằng sau ống thổi” có vẻ là thứ ngôn ngữ chửi rủa gì đó, nhưng tôi không hiểu.
– Xin lỗi, xin cho tôi hỏi thế “đằng sau ống thổi” nghĩa là gì?
– Hừ, lại còn hỏi à? Ai mà thèm trả lời. Vây nên mày là thằng “đáng mừng như tết” đấy.
‘Thằng đáng mừng như tết” nghe có vẻ giống thơ lắm, nhưng câu cú còn khó hiểu hơn cả “đằng sau ống thổi” nữa. Tôi còn muốn hỏi nữa để tham khảo nhưng biết là có hòi cũng không được trả lời rõ ràng nên tôi chỉ đứng im trước mặt Đen. Thật là những giây phút chán chường, tẻ nhạt.
Bỗng có tiếng bà chủ nhà Đen cất lên xe xé:
– Chết rồi, chỗ cá hồi cất trong chạn đi đâu mất rồi. Chết thật, lại cái con mèo đen thổ tả ấy công đi thôi. Thật là một con mèo hỗn láo, đáng ghét. Mày mà dẫn xác về đây lúc này thì mày biết tay ta.
Tiếng quát tháo không kiêng nể ai, làm chấn động cả bầu không khí êm đềm đầu xuân. Một vị minh quân đang nổi giận làm tan vỡ cả một triều đại đang thiên hạ thái bình. Đen tỏ thái độ lì lợm “muốn gào thét thì cứ việc gào thét cho thỏa đi!” rồi nó đưa cái cằm vuông ra, tỏ ý bảo “đây mày nghe thây chưa?”.
Từ nãy đến giờ, mải lo ứng xử xã giao với Đen nên tôi không để ý. Bây giờ nhìn kỳ mới thấy, dưới chân Đen có những mẩu xương một miếng cá hồi đáng giá 2 hào 3 xu[24] đã bị lấm lem bùn đất. Tôi quên mất sự vướng mắc vừa rồi mà cất lời cảm phục hỏi:
– Cậu vẫn làm thế nhỉ?
– Mày nói cái gì, hả, cái thằng này? Một vài miếng cá hồi mà “vẫn làm vẫn làm” cái gì? Mày đừng có mà nói giọng khinh người thế nhá. Tao có cố kìm nén đến mấy thì vẫn là mèo Đen nhà hàng xe, hiểu chưa?
Mắng mỏ từ nãy đến giờ vẫn chưa thỏa mãn, thay vì xắn tay áo, nó giơ chân trước bên phải lên, cào ngược lên tận vai, nói.
– Ngay từ đầu tôi đã biết cậu là Đen rồi mà.
– Biết mà sao còn “vẫn làm, vẫn làm” cái gì? Vẫn nghĩa là thế nào?
Nó tiếp tục trút lửa lên đầu tôi. Nếu là người, chắc tôi đã bị tóm ngực nện cho rồi đấy. Tôi hơi chờn chờn, lòng cảm thấy gay rồi thì lại nghe tiếng bà chủ khi nãy:
– Này Nishikawa, anh Nishikawa ơi, tôi nhờ chút việc đây. Cái anh này, đi đâu rồi. Mang ngay cho một cân thịt bò đây. Nghe thấy chưa? Hiểu chưa? Mang cho một cân thịt bò. Thịt bò mềm ấy.
Tiếng gọi mang thịt bò phá tan bầu không khí yên tĩnh khắp xung quanh.
– Hâm! Một năm mới đặt mua thịt bò một lần mà hét nhắng cả lên. Tự hào với hàng xóm láng giềng chỉ vì một cân thịt bò, rõ đồ dở hơi.
Đen vừa dè bỉu vừa dồn sức vào bốn chân, dướn mình đứng dậy. Tôi biết có nói gì cũng vô ích nên im lặng nhìn.
– Một cân thì chẳng bõ. Nhưng mà thôi, cũng được, cứ mua đi, ta sẽ ăn cho.
Đen làm như người ta đặt mua thịt cho mình vậy.
– Lần này thì cậu được ăn cỗ to rồi, tốt quá. Hay quá.
Tôi nói để mong đuổi hắn về, càng sớm càng tốt.
– Mày biết gì mà nói. Im đi, lắm chuyện.
Hắn nói và bỗng lấy chân sau hất té đầy bùn đất vào đầu tôi. Tôi giật mình, đang còn mải phủi bùn đất trên người thì Đen đã chui qua hàng rào, biến mất. Chắc là đi rình miếng thịt nhà Nishikawa.
Tôi về đến nhà, nghe từ trong phòng khách có tiếng cười vui vẻ, đầy mùa xuân mà ngày thường không có, thậm chí cả ông chủ cũng cười. Tôi leo qua hành lang để ngó, đến gần chỗ ông chủ thì thấy có một vị khách lạ. Vị khách đầu chải mượt, rẽ ngôi, mặc quần Hakama loại Kokura cùng với áo khoác Haori có in gia huy, một người trông rất thư sinh và nghiêm túc. Nhìn trên mép lò sưởi của ông chủ, thấy có tấm danh thiếp để cạnh hộp thuốc lá sơn mài Xuân Khánh, trên đó viết “Mizusima Kangetsu xin giới thiệu anh Ochi Tofu[25], tôi biết đây là bạn của Kangetsu.
Chuyện của chủ và khách đang nói giữa chừng nên không hiểu thế nào nhưng nghe có vẻ có liên quan đến nhà mỹ học Meitei mà trước đây tôi đã giới thiệu. Ông khách nói rất điềm đạm:
– Thầy ấy bảo là có “ý nghĩa”[26] rất hay, nhất định cậu phải đến nhé.
– Sao việc ăn trưa ở nhà hàng u ấy mà có ý nghĩa ư?
Ông chủ rót trà, đẩy đến trước mặt khách.
– Chà, cái “ý nghĩa” ấy thì lúc đó em cũng chẳng hiểu gì, nhưng nó như thế nên em cho là chắc có cái gì hay đây.
– Cậu đã đi cùng với hắn à? Ra thế đấy!
– Nhưng thật là kinh ngạc.
Ông chủ vỗ bộp bộp vào đầu tôi, đang nằm trên đùi ông, dường như muốn nói “Đó, thấy chưa?”. Tôi thấy hơi đau.
– Nó lại làm cái trò đó à? Tay này có cái tật ấy mà.
Tự nhiên ông nhớ lại cái vụ Andrea del Sarto.
– Hì hì. Vì thầy ấy bảo là: “Này cậu, ta ăn món gì khác đi một chút chăng?”
– Ăn cái gì vậy?
– Đầu tiên là xem thực đơn rồi nói chuyện về món ăn.
– Trước khi đặt món à?
– Vâng.
– Thế rồi sao?
– Thế rồi thầy ấy ngoẹo cổ, nhìn về phía anh bồi bàn bào chẳng có món gì đặc biệt nhỉ!? Anh bồi cũng không chịu thua, bảo có món vịt quay hay sườn bê gì đó. Thầy ấy bảo mấy cái thứ nhàm chán ấy thì việc gì phải đến tận đây mà ăn? Anh bồi nghe bảo “nhàm chán” thì không hiểu nghĩa là thế nào, mặt ngớ ra, im không nói gì.
– Thế à?
– Thế rồi thầy ấy quay lại, rất hăng say bảo em: “Cậu mà đi Pháp hay đi Anh thì có thể được ăn những món Thiên minh điều (hương vị khách quan) hay Vạn diệp điều (có hình thức, không nội dung) đấy, nhưng ở Nhật Bản này thì đến đâu cũng toàn những món giống nhau như in, mình chẳng muốn vào các tiệm ăn Tây ở đây một chút nào cả”. Thầy ấy đã đi Tây rồi chăng?
– Cái gì? Meitei mà đã đi Tây rồi ấy à? Ừ thì có tiền, có thời gian, muốn đi lúc nào chả được. Có điều lấy việc “sẽ đi” mà nói là “đã đi” để ra bộ cho oai thế thôi.
Ông chủ nói và tự cho là chí lý lắm, cất tiếng cười hề hề. Nhưng khách thì không thấy tỏ ra cảm phục gì lắm.
– Thế à? Thế mà em tưởng thầy ấy đã từng đi Tây rồi, nên nghe cứ tưởng thật. Xem ra thì những món canh sò hay súp ếch cũng toàn do thầy ấy tưởng tượng và bịa ra thôi.
– Chắc là cậu ta nghe ai đó nói. Cậu ta giỏi bịa chuyện lắm.
– Có vẻ thế.
Ông khách vừa ngắm nhìn những cây hoa thủy tiên cắm trong bình vừa như có vẻ đang tiếc một cái gì.
– Thế thì cái gọi là “ý nghĩa” là cái đó chăng?
– Không, đó chỉ là phần mở đầu thôi. Từ bây giờ mới bắt đầu đi vào nội dung chính cơ.
– Chà!
Ông chủ thán phục với vẻ tò mò.
– Sau đó thì thầy ấy bảo, có muốn ăn sò, ăn ếch cũng chẳng được, nên tôi muốn bàn với cậu là ta đành ăn tạm món “tochimenbo” chăng? Em không biết gì nên bảo thế cũng được. hơi lâu
– Tochimenbo à? Lạ nhỉ!
– Vâng, kỳ lạ lắm. Nhưng thầy ấy rất nghiêm chỉnh nên em không nhận ra.
Người khách nói như xin lỗi ông chủ.
– Thế rồi sau đó thế nào?
Ông chủ vô tư hỏi, không hề quan tâm gì đến ý xin lỗi của khách.
– Sau đó thầy ấy gọi bồi, bảo mang cho hai suất mì tochimenbo. Anh bồi hỏi là menchibo phải không? Thầy ấy càng nghiêm nghị hơn, bảo không phải menchibo mà là tochimenbo.
– À, ra thế! Hóa ra, đúng là có cái món tochimenbo không ấy à?
– Vâng, em cũng thấy hơi lạ, nhưng thấy thầy ấy rất điềm tĩnh, lại thông thạo Tây phương như vậy, vả lại lúc đó em cũng tin là thầy ấy đã từng đi Tây nữa, nên em cũng hùa theo, bảo anh bồi là “món tochimenbo”.
– Thế anh bồi ấy làm thế nào?
– Anh bồi ấy thì bây giờ nghĩ lại thấy rất hài hước. Anh ta suy nghĩ một chút rồi bảo “đáng buồn cho quý khách quá, hôm nay rất tiếc là không có tochimenbo. Nếu là menchibo thì chúng tôi có thể làm ngay được hai suất”. Tiên sinh tỏ ra rất tiếc, bảo thế thì hôm nay chúng tôi cất công đến đây chẳng được tích sự gì cả. Nói roi thầy ấy đưa cho anh bồi tờ tiền 20 sen bảo anh xem thế nào, cố gắng cho chúng tôi ăn món tochimenbo đi. Anh bồi bảo để tôi đi hỏi bếp trưởng xem thế nào, rồi đi đâu mất.
– Cậu ta có vẻ muốn ăn món tochimenbo quá nhỉ!
– Một lúc sau, anh bồi ra, bảo thật là trớ trêu quá, nếu các ông đặt thì chúng tôi sẽ làm, nhưng phải chờ hơi lâu mới được. Thầy Meitei rất thản nhiên bảo không sao, ngày tết nên chúng tôi rất rỗi, có thể chờ được. Nói thế rồi thầy ấy móc túi rút thuốc lá ra hút phì phèo. Em cũng rút báo từ trong túi ra đọc. Anh bồi lại đi vào trong để bàn bạc.
– Chà, nhiêu khê, cầu kỳ quá nhỉ.
Ông chủ nói và mời khách ngồi chơi với khí thế chuẩn bị nghe tin chiến sự.
– Thế rồi anh bồi lại đi ra, bảo dạo này vừa mới hết nguyên liệu để làm món tochimenbo. Chúng tôi đã đến tiệm Kameya, sang cả tiệm Jugoban ở Yokohama mà cũng không mua được. Cho nên rất tiếc là bây giờ không thề làm được món này. Thầy ấy nhìn em bảo chán quá nhỉ, cất công đến đây mà không được… Em không thể không nói gì nên cũng hùa theo “vâng, tiếc thật, chán thật”.
– Hết ý đấy!
Ông chủ tán thành. Tôi không hiểu ông bảo cái gì là hết ý?
– Anh bồi cũng tỏ ra thương cảm bảo là mấy hôm nữa có nguyên liệu, xin mời quý khách quay lại. Thầy ấy hỏi thế nguyên liệu của món ấy là gì? Anh bồi cười hề hề, không trả lời. Thầy ấy liền hỏi lại “có phải là những thi nhân trường phái Nhật Bản không?”. Anh bồi bảo vâng, đúng thế ạ. Vì thế cho nên gần đây đi Yokohama cũng không mua được, thật đáng tiếc vô cùng.
– Ha ha… được một bài tấu hài đấy nhỉ.
Ông chủ cười rất to, chưa từng thấy ông cười như thế bao giờ. Đùi ông rung nảy lên, làm tôi suýt bị rơi. Vậy mà ông vẫn cứ cười vô tư. Chắc là ông khoái lắm vì biết không phải chỉ một mình ông đã bị mắc chuyện A. Sarto.
– Sau đó hai người đi ra ngoài. Thầy ấy rất khoái chuyện chơi chữ của mình, bảo em: “Thế nào, cậu thấy tôi nói được không? Lấy Tochimenbo[27] làm đề tài cũng hay đấy chứ hả?” Em định bảo “vâng, rất kính phục” rồi chia tay luôn, nhưng cuối cùng mãi mới được ăn trưa, đói ơi là đói.
– Thật là phiền hà quá nhỉ!
Lần đầu tiên ông chủ bày tỏ sự thông cảm với người khác, về chỗ này thì tôi cũng giống ông chủ. Câu chuyện tạm dừng ở đây. Tiếng kêu phát ra từ cổ họng tôi lọt vào tai ông chủ và vị khách. Anh Tofu uống một hơi cạn chén trà đã nguội, tiếp tục nói chuyện:
– Hôm nay em đến đây, thực ra là có chút việc muốn nhờ thầy.
Ông chủ hưởng ứng ngay:
– Việc gì vậy?
– Như thầy đã biết đấy. Em rất mê văn học, mỹ thuật nên…
Ông chủ cổ vũ:
– Cái đó hay đấy!
– Những người cùng chí hướng tụ tập với nhau, hôm trước đã tổ chức một “Hội ngâm đọc”. Chúng em định mỗi tháng gặp nhau một lần để tiếp tục nghiên cứu theo chiều hướng này. Lần đầu tiên đã tổ chức vào cuối năm ngoái…
– Xin lỗi, anh cho hỏi, nghe nói là “hội ngâm đọc” thì nghe như kiểu đọc thơ, văn theo một loại tiết tấu nào đấy, vậy thì các anh làm như thế nào?
– Chúng em định là đầu tiên thì sẽ đọc những tác phẩm cổ điển, sau dần dần đọc cả tác phẩm đương đại.
– Tác phẩm cổ điển thì như loại Tì bà hành của Bạch Lạc Thiên ấy à?
– Không ạ.
– Hay là loại Xuân phong mã đề khúc của Buson?[28]
– Không ạ.
– Thế thì là cái gì?
– Lần trước chúng em đã ngâm tác phẩm “Chuyện cùng quyên sinh” của Chikamatsu[29].
– Chikamatsu à? Cái ông Chikamatsu của tuồng Tịnh lưu ly ấy à?
Chikamatsu thì làm gì có hai người cơ chứ. Nói là Chikamatsu thì rõ ràng chỉ có nhà soạn kịch ấy chứ còn ai nữa. Vậy mà còn hỏi. Cái ông chủ này đúng là ngu thật! Tôi nghĩ bụng như vậy, nhưng ông ta thì không hề biết, cứ vuốt ve đầu tôi rất tử tế. Trên đời này cũng có cái loài người, một loài mà cứ nhìn nhận sai lầm nên tự cho là mình được ca tụng thế đấy. Cho nên cái sự ngu dốt này cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên lắm. Thế là tôi cứ để mặc cho ông ấy vuốt ve mình. Anh Tofu nhìn nét mặt ông chủ, trả lời:
– Vâng ạ.
– Vậy thì một người đọc hay phân vai nhiều người đọc?
– Phân vai cho nhiều người cùng phối hợp làm. Quan trọng nhất là phải thể hiện được tình cảm của các nhân vật trong tác phẩm, làm nổi bật tính cách nhân vật. Giọng đọc phối hợp với động tác tay và người. Lời kịch chủ yếu là thể hiện con người đương thời, dù là một tiểu thư hay một thằng hầu cũng phải giống hệt như nhân vật đó.
– Vậy thì giống như đóng kịch còn gì?
– Chỉ khác là không bài trí quần áo và trang trí sân khấu thôi.
– Xin lỗi cho hỏi, vậy các anh làm có tốt không?
– Vâng, vì là lần đầu tiên nên có thể coi như đã thành công.
– Thế cái vở “cùng quyên sinh” mà anh bảo các anh đã làm thì thế nào?
– Đó là đoạn người lái đò chở khách đến Yoshiwara.
– Làm đúng cái đoạn khó nhất ấy à?!
Ông giáo nói một mình và lắc đầu làm khói thuốc Hinode từ mũi ông phả ra, bay qua tai tôi rồi lại vòng qua mặt ông.
– Cũng chẳng khó lắm đâu ạ. Nhân vật thì chí có người khách, người lái đò, Oiran và người hầu phòng, người sai vặt và người bảo vệ thôi mà.
Đệ tử Tofu trả lời bình thản. Ông chủ nghe đến cái tên Oiran thì hơi nhăn mặt rồi hình như ông không có đủ tri thức về các thuật ngữ “người hầu phòng” “người sai vặt” “bảo vệ” nên hỏi:
– “Người hầu phòng” tức là người hầu của người sương phụ (gái điếm) ấy à?
– Cái này em chưa nghiên cứu kỹ, nhưng người hầu phòng tức là đầy tớ gái trong phòng trà, còn người sai vặt thì giống như một vai phụ nữ nào đó…
Cái anh Tofu này, lúc nãy thì bảo là phải thế hiện đúng như nhân vật ấy xuất hiện trên sân khấu, vậy mà hình như cũng chả hiểu gì tính cách của người hầu phòng, người sai vặt…
– À, thì ra là vậy! Người hầu phòng là người thuộc phòng trà, còn người sai vặt là người đầy tớ thuộc lâu xanh nhỉ. Thế còn “bảo vệ” thì là người hay vọng gác? Là người thì đàn ông hay đàn bà?
– Bào vệ thì em nghĩ nhất định phải là đàn ông.
– Ông ta giữ chức vụ gì nhỉ?
– À, cái đó em chưa tìm hiểu kỹ. Sau này em sẽ nghiên cứu.
Tôi liếc nhìn mặt ông chủ và nghĩ thầm rằng, khi họ biểu diễn thì chắc sẽ rối tung rối mù lên đây. Ông chủ vẫn hỏi nghiêm túc:
– Thế những người trình diễn, ngoài anh ra còn những ai?
– Nhiều lắm ạ. Trong vai Oiran có anh K, cử nhân luật. Anh ta để râu nhưng lại nói giọng con gái nhõng nhẹo, nghe hơi buồn cười. Lại có cả chỗ Oiran nấc nữa.
Ông chủ lo lắng hỏi:
– Đọc ngâm mà cũng phải nấc à?
– Vâng, dù sao sự biểu hiện tình cảm là rất quan trọng mà!
Anh Tofu lúc nào cũng mang tính chất chuyên môn.
– Vậy nấc có đạt không?
Ông chú đã thốt lên được điều mấu chốt. Anh Tofu cũng thở ra một điều quan trọng:
– Riêng việc nấc thì lần đầu nên hơi khó.
– Thế cậu thì sắm vai gì?
– Em là người lái đò.
– Sao, cậu là lái đò à?
Giọng ông chủ như muốn bộc bạch rằng, nếu anh làm được lái đò thì chắc là tôi cũng có thể đóng được vai người bảo vệ lắm! Cuối cùng ông nói thẳng, không cần ngoại giao, khách sáo:
– Cậu sắm vai người lái đò thì khó đạt yêu cầu lắm nhỉ?
Anh Tofu cũng không tỏ ra bị chạm nọc gì cả, vẫn nói giọng từ tốn:
– Cái vai lái đò đó chẳng được diễn mấy, mà tiếc là đã kết thúc một cách “đầu voi đuôi chuột” mất. Chả là, ở gần hội trường đó có bốn năm cô nữ sinh trọ học. Không biết nghe ai nói mà các cô ấy biết hôm đó có buổi đọc ngâm, nên đến đứng nghe ngấp nghé ngoài cửa. Khi em cầm mái chèo, vừa làm điệu bộ bắt nhịp vừa nghĩ bụng thế này sẽ tốt đây… nghĩa là làm điệu bộ hơi quá một chút thì các cô cười phá lên. Thế là em giật mình, làm sai hết, sau đó không thể nào làm tiếp được nữa. Kết cục đành giải tán giữa chừng.
Đấy, lần đầu tiên nói là đã thành công mà như vậy. Còn nếu bảo là đã thất bại thì không biết nó thế nào nhỉ? Cứ tưởng tượng mà không nhịn được cười. Tự nhiên từ cuống họng tôi bật ra tiếng “gừ, gừ”. Ông chủ lại nhẹ nhàng vuốt đầu cho tôi. Cười người khác mà lại được thương yêu thì tốt rồi. Nhưng dẫu sao tôi cũng cảm thấy hơi vô duyên thế nào ấy.
– Thật chả ra làm sao!
Ngày đầu năm mới mà ông chủ đã đọc điếu từ như vậy.
– Chúng em định rút kinh nghiệm, từ lần thứ hai trở đi sẽ làm đàng hoàng hơn, hoành tráng hơn. Hôm nay em đến đây cũng là vì thế. Nghĩa là muốn mời thầy vào Hội để góp sức thêm cho Hội.
Ông chủ ngay lập tức tiêu cực từ chối:
– Tôi thì không thể biết nấc đâu.
– Không, không nấc cũng được. Đây là danh sách những người tán thành, ủng hộ…
Ông khách vừa nói vừa giở chiếc khăn gói màu tím, nâng niu, trân trọng lấy ra cuốn sổ cỡ giấy Gokiku[30]. Anh ta giở cuốn sổ ra trước đầu gối ông chủ, nói:
– Xin thầy ký tên và đóng dấu vào chỗ này.
Tôi nhìn vào sổ, thấy hàng loạt tên các văn nhân, tiến sĩ nổi tiếng được liệt kê đủ cả.
– Sao lại có danh sách người ủng hộ à? Thế người ủng hộ thì có nghĩa vụ gì?
Xem ra ông chủ thuộc loại người rất cẩn thận.
– Nghĩa vụ thì cũng không có yêu cầu gì nhất định cả, chỉ cần ghi tên và bày tỏ ý chí ủng hộ là được thôi ạ.
– Nếu vậy thì tôi cũng vào.
Vừa mới nghe không phải có nghĩa vụ gì là ông chủ thoải mái ngay, vẻ mặt ông thể hiện ý chí nếu biết rằng không phải chịu trách nhiệm gì thì dẫu có ký tên vào bản liên minh lật đổ nhà vua, ông ta cùng sẵn sàng. Hơn nữa, được ghi tên vào danh sách cùng với những nhà học giả nổi tiếng thế này đối với ông là một vinh dự quá lớn mà từ trước tơi nay chưa bao giờ có được cơ hội. Cho nên ông hăng hái cũng là phải.
– Xin lỗi, chờ một chút.
Ông nói và đi vào phòng sách để lấy con dấu. Tôi bị ném tọt xuống sàn. Tofu thò tay nhón bánh kasutera trong hộp, cho đầy vào mồm rồi nhai lúng búng một chập, trông rất khổ sở. Nhìn cảnh này làm tôi nhớ lại vụ zoni sáng nay… Khi ông chủ cầm con dấu từ phòng sách đi ra thì bánh đã được nằm yên vị trong bụng anh Tofu rồi. Chắc ông chủ không biết là thiếu một miếng kasutera trong hộp bánh đâu. Ông ta mà biết thì người bị nghi ngờ đầu tiên sẽ là tôi đấy!
Sau khi Tofu về rồi, ông chủ đi vào phòng sách, nhìn trên bàn thấy bức thư của thầy Meitei đã để đó từ bao giờ. “Xin kính chúc năm mới…”. Ông chủ nghĩ bụng “gớm sao mà có vẻ nghiêm trang hiếm thấy quá!”. Thư của Meitei thì chẳng bao giờ có được lá nào viết nghiêm túc. Chỉ toàn mấy cái thư với nội dung đại loại kiểu: “Sau đó thì cái người con gái đã từng yêu tha thiết ấy cũng không đến nữa. Cũng không còn những bức thư tình, thầm yêu, trộm nhớ gì nữa. Dần dần rồi ngày tháng cũng trôi qua. Vả lại cũng phải để cho lòng được xa lánh, nguôi quên…” Vậy mà tấm bưu thiếp chúc mừng năm mới này lại viết nghiêm túc tử tế, khác hẳn những bức thư ấy.
“Đệ cũng muốn đến thăm nhà huynh lắm, nhưng mong đại huynh thông cảm cho. Ngược với chủ nghĩa tiêu cực của đại huynh, đệ đây theo phương châm hết sức cố gắng tích cực. Do vậy, với ý định đón một cái tết xưa nay chưa từng có, ngày nào đệ cũng bận đến chóng mặt…”
– Phải rồi, tay này thì tết chính là dịp để chơi bời thử sức, nên bận là phải.
Trong thâm tâm, ông chủ đồng ý với Meitei như vậy.
“… Hôm kia được một chút rảnh rỗi, đệ nghĩ phải đưa anh Tofu đi thưởng thức món tochimenbo, nhưng tiếc là hết nguyên liệu nên không thực hiện được, thật vô cùng không may… ”
Ông chủ lặng lẽ cười mỉm:
– Lại bắt đầu chứng nào tật ấy rồi đây!
“Ngày mai thì có hội Lá bài Karuta của một ông Nam tước. Ngày kia thì tiệc năm mới của hội mỹ học. Ngày hôm sau đó thì hội chào mừng giáo sư Toribe. Rồi hôm sau đó… ”
– Rõ thật lắm chuyện.
Ông chủ bỏ qua, đọc lướt đi.
“Như đã nói ở trên, mấy hôm nay liên tiếp đệ phải tham dự các cuộc hội họp, nào là hội giao khúc, hội bài cú, hội đoản ca, hội thơ mới… nên thay vì đến nhà chúc tết đại huynh, đệ đành phải dùng bưu thiếp này, mong đại huynh rộng lượng thứ lỗi… ”
Ông chủ đáp lời với lá thư:
– Chẳng cần đến cũng được.
“Lần sau huynh đến chơi, đã lâu lắm chưa chiêu đãi huynh, đệ muốn mời huynh dùng cơm tối. Nhà nghèo, không có cao lương mỹ vị gì, nhưng ít nhất, đệ cũng chuẩn bị sẵn món tochimenbo… ”
Ông chủ hơi nhăn mặt, tức giận:
– Lại tochimenbo. Đồ bố láo.
“Có điều là món này dạo này hết nguyên liệu. Nếu trường hợp chuẩn bị không kịp thì sẽ thay bằng món lưỡi chim công.”
– Chơi xỏ nhau đây.
Ông chủ nói và muốn đọc tiếp.
“Như ai cũng biết, lưỡi một con công thì chỉ được một mẩu thịt bằng đầu ngón tay út. Đế đủ cho cái dạ dày ăn khỏe của đại huynh… ”
– Đồ láo toét.
Ông chủ nói như hát đi.
“… thì phải bắt vài ba chục con công. Nhưng các vườn động vật hay các nhà hàng chim cảnh ở Asakusa thì mới thấy lác đác có công, chứ những cửa hàng bán chim bình thường không thấy có, nên tìm vất vả lắm… ”
– Ai khiến. Tự mình đi chuốc lấy vất vả. – Ông chủ chẳng mảy may biết ơn tẹo nào.
“Món lưỡi công này là món rất thịnh hành thời La Mã cổ đại. Xin huynh hiểu cho là phải hào hoa, phong nhã hay khi thèm lắm người ta mới dám ăn đấy… ”
– Hiểu cái gì, đồ dở hơi. – Ông chủ cười nhạt.
“… cho đến thế kỷ 16, 17, khắp châu u, công là món ăn ưa thích không thể thiếu trong các cuộc yến tiệc. Còn nhớ, khi Bá tước Leicester mời nữ hoàng Elizabeth đến chơi ở Kenilwarth cũng đã dùng món này. Trong bức tranh “Yến tiệc” của họa sĩ nổi tiếng Rembrandt cũng có con công xòe đuôi trên bàn tiệc… ”
Ông chủ ca cẩm: “Có thời gian viết được cả lịch sử món lưỡi công như vậy thì làm gì mà đến nỗi bận rộn thế?”
“Quả thật là gần đây đệ đã nghĩ một người dạ dày yếu như đại huynh thì nếu có chiêu đãi gì, nhất định phải thử… ”
Ông chủ lại làu bàu “Như đại huynh là rách việc. Chẳng can phải lấy tôi làm tiêu chuẩn đánh giá dạ dày như vậy đâu.”
“Theo các nhà sử học thì người La Mã một ngày mở tiệc tới 2, 3 lần. Trong một ngày mà ăn cao lương mỹ vị đến 2, 3 lần như vậy thì dẫu người có dạ dày khỏe đến mấy cũng loạn kỹ năng tiêu hóa, huống hồ như đại huynh… ”
– Lại như đại huynh à, láo thật!
“… Nhưng, là những nhà nghiên cứu, mong tìm cách cân bằng giữa xa xỉ với vệ sinh, họ thấy cần phải làm thế nào để vừa có thể cứ ăn thật nhiều cao lương mỹ vị vừa vẫn giữ được dạ dày bình ổn, họ đã đưa ra một bí quyết… ”
– Kỳ lạ nhỉ!
Tự nhiên ông chủ trở nên hào hứng.
“Sau khi ăn, bao giờ họ cũng tắm. Sau khi ngâm mình trong nước, họ thực hiện một phương pháp tổng vệ sinh dạ dày, bằng cách nôn ọe tất cả những cái đã nuốt vào bụng ra. Sau khi đã làm sạch dạ dày, lấy lại sức khỏe cho thành ruột, họ lại ngồi vào bàn tiệc, thưởng thức thoải mái những của ngon vật lạ. Sau đó lại ngâm mình trong nước, rồi lại nôn ọe. Làm như vậy thì tha hồ ngốn bao nhiêu thức ăn ngon, bổ mà các cơ quan tiêu hóa vẫn chẳng mảy may bị ảnh hưởng gì. Đây đúng là một phương pháp hành động “nhất cử lưỡng tiện” (một công đôi việc), chứ không phải là gì khác… ”
– Ừ, quả là nhất cử lưỡng tiện thật. – Ông chủ tỏ ra khâm phục và ngưỡng mộ phương pháp đó.
“Đệ có thể đầy tự tin mà nói rằng, ở thể kỷ 20 này, giao thông đi lại phát triển, tiệc tùng yến hội tăng lên là chuyện không cần phải nói nữa. Rồi thì, sau hai năm binh lửa chiến tranh, vất vả, bận rộn, bây giờ nhất định đã đến lúc, nhân dân của đất nước thắng trận chúng ta phải học tập người La Mã phải nghiên cứu cái kỹ thuật tắm và mửa này. Nếu không thì trong tương lai không xa, nhân dân của một cường quốc hiếm lạ này, ai cũng bị mắc chứng đau dạ dày hết như đại huynh thì thật đau lòng… ”
– Lại “như đại huynh” nữa à? Cái thằng chỉ chuyên chọc tức người khác. – Ông chủ nghĩ bụng.
“Gần đây, những người thông thạo, am hiểu Tây phương chúng ta đã khảo cứu những truyền thuyết cổ sử, phát hiện ra những bí quyết, những phương pháp đã bị hủy bỏ để ứng dụng cho xã hội Minh Trị. Họ thật là có công trong việc ngăn chặn mầm mong tai họa cho tương lai. Mai sau, nếu được sống thoải mái với mọi khoái lạc hàng ngày, hẳn chúng ta phải nhớ công ơn họ lắm!.. ”
Ông chủ ngoẹo cổ, vẻ khó hiểu.
“Vì vậy, gần đây đệ có tìm đọc các tài liệu, sách vở của các tác giả Gibbol, Mommsen, Smith… nhưng thật đáng tiếc, vẫn chưa tìm ra đầu mối của các phát minh. Nhưng, như đại huynh đã biết, đệ là người một khi đã định làm cái gì thì quyết không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng, nếu chưa thành công đâu. Vì vậy, đệ tin rằng việc chấn hưng lại phương pháp mửa này chắc cũng không còn xa nữa. Những chuyện này, nếu phát hiện được đến đâu, đệ sẽ xin báo cáo. Mong đại huynh cứ yên tâm. Còn món Tochimenbo và món lưỡi công mà đệ vừa nói thì đế khi nào phát hiện ra các bí quyết của nó, ta sẽ dùng. Như vậy tiện cho hoàn cảnh của đệ, mà cũng tiện cho người yếu dạ dày như đại huynh nữa. ”
Ông chủ cười, nói lẩm bẩm: “Thế là cuối cùng mình bị lừa à? Nó viết nghiêm chỉnh quá, thành ra mình cứ thành thật đọc cho đến hết. Mới đầu năm mới mà đã tếu táo thế này thì cái tay Meitei này cũng rỗi rãi thật.”
Bốn năm ngày sau đó không có chuyện gì đặc biệt. Những cây thủy tiên trong bình sứ trắng dần dần héo đi. Những nhành mai tía cũng dần dần nở hoa. Cứ suốt ngày nhìn những thứ đó cũng chán, tôi đi tìm gặp Tam Mao mấy lần nhưng không gặp. Lần đầu tưởng Tam Mao đi vắng, nhưng lần thứ hai thì biết là nàng đang ốm, nằm trong nhà. Nấp sau chậu hoa Điệp lan, nghe bà thầy dạy đàn và cô hầu gái nói chuyện sau khung cửa, tôi đã biết được như vậy.
– Tam Mao có ăn được không?
– Không, từ sáng đến giờ chưa ăn gì cả. Cháu đã cho nó nằm gần lò sưởi cho ấm.
Chả có vẻ mèo gì cả. Được đối xử cứ như là người vậy. Tôi nghĩ đến tình cảnh của mình mà phát ghen lên. Song mặt khác, thấy con mèo mà mình thương yêu được đối xử hậu hĩnh như vậy thì tôi cũng vui.
– Gay quá nhỉ, không ăn uống gì thì người cứ yếu mãi đi mất thôi.
– Vâng, đúng thế đấy ạ. Ngay cả cháu mà một ngày không ăn thì hôm sau cũng không thể làm gì được.
Người hầu gái nói cứ như mèo là động vật cao cấp hơn mình vậy. Có thể thực tế trong cái nhà này, mèo được quý hơn người hầu gái cũng nên.
– Đã đưa nó đi bác sĩ khám chưa?
– Vâng, đã đi rồi ạ. Cái ông bác sĩ ấy thật kỳ. Cháu bế mèo vào phòng khám thì ông ấy lại hỏi bị cảm à và định bắt mạch cho cháu. Cháu bảo bệnh nhân không phải là tôi mà là con mèo này, rồi đặt mèo ngồi lại trong lòng mình. Ông ta cười hề hề, bảo bệnh của mèo thì tôi không biết chữa, cứ để kệ nó, tự nó khắc khỏi thôi. Thật là quá đáng. Cháu tức quá, bảo thế thì thôi, không cần khám cũng được. Đây là con mèo rất quý hóa của chúng tôi đấy. Nói rồi cháu bỏ Tam Mao vào bọc, mang về.
– À, đúng nhỉ!
“Đúng nhỉ” là thứ ngôn ngữ tôi không bao giờ nghe thấy ở nhà mình. Có lẽ chỉ có cái bà là gì gì của Thiên Chương Viện này là mới dùng thôi. Quả là sang trọng, tôi hết sức khâm phục.
– Nó sụt sà sụt sịt như là nói cái gì ấy.
– Vâng, chắc là bị cảm nên đau cổ họng đấy. Ngài nào mà bị cảm thì cũng đều bị ho cả mà.
Chỉ có mỗi người hầu gái của gì gì đó của Thiên Chương Viện là ra sức dùng lời kính cẩn.
– Nghe nói gần đây có cái bệnh phổi gì đấy mà!
– Vâng, đúng là không bao giờ như bây giờ, gần đây phát sinh toàn những bệnh mới, nào là bệnh lao, nào là dịch hạch, không thể lơ là được đâu ạ.
– Những thứ mà thòi Mạc phủ ngày xưa không có, thì không thể có cái gì là tử tế đâu. Cô cũng phải cẩn thận đấy.
– Vâng, đúng thế đấy ạ! – Người hầu gái tỏ vẻ rất xúc động.
– Nó có đi đâu đâu mà lại bị cảm thế nhỉ?
– Không ạ, thưa bà, gần đây cô ấy có bạn, một người bạn rất xấu đấy ạ!
Người hầu gái có vẻ đắc ý như đang nói đến một vấn đề đại sự quốc gia vậy.
– Bạn xấu nào vậy?
– Vâng ạ, một con mèo đực bẩn thỉu, ở nhà cái ông giáo ngoài phố lớn ấy ạ.
– Ông giáo là cái người mà sáng nào cũng la lên những tiếng nghe mất lịch sự ấy à?
– Vâng ạ. Cái người mà mỗi lần rửa mặt lại hét như con ngỗng bị bóp cổ ấy ạ.
Nghe thấy “như tiếng ngỗng bị bóp cổ” thì thật là một hình dung tuyệt giỏi. Ông chủ của tôi có thói quen mỗi khi rửa mặt, súc miệng trong nhà tắm lại lấy tăm chọc vào cổ họng, vô tư phát ra những tiếng kêu nghe kỳ quái. Những lúc ông khó chịu thì càng ầm ĩ hơn. Và cả khi phấn khởi, hứng lên lại càng ngậu xị nữa. Tức là khi ông bực tức hay phấn khởi, đều gầm gào rất hăng.
Theo bà chủ, vợ ông, thì trước khi dọn đến ở đây, ông không có cái tật này. Nhưng rồi một hôm, ông bỗng phát ra những tiếng như vậy và cho đến bây giờ, không có một ngày nào là không phát nữa. Thật là một thói quen phiền hà mà không hiểu sao ông cứ nhiệt tình giữ mãi như thế. Loài mèo chúng tôi quả thật không thể tưởng tượng nổi. Chuyện đó thì thôi, cho qua cũng được. Nhưng khi nghe thấy lời đánh giá rất xấu rằng “con mèo bẩn thỉu” thì tôi vội dỏng tai lên nghe tiếp:
– Gầm gào như vậy, chắc là bị trù ám, nguyền rủa gì đó cũng chưa biết chừng đâu. Thời trước duy tân, dù cho là con ở hay đầy tớ xách dép gì thì cũng đều có những phép tắc của nó cả. Chẳng có ai mà lại có cái kiểu rửa mặt như vậy giữa một con phố toàn những người khá giả cả.
– Đúng thế đấy ạ.
Người hầu gái tỏ ra rất cảm kích, cấi gì cũng “ạ, ạ.”
– Một con mèo mà có ông chủ như vậy thì chắc là mèo hoang. Lần sau, nó mà đến thì quật cho nó mấy cái vào!
– Vâng, nhất định cháu sẽ đánh. Con Tam Mao bị bệnh cũng hoàn toàn do nó chứ sao. Nhất định phải đánh nó mới được.
Thật oan uổng vô cùng. Không thể đến gần cái mụ đàn bà này được, tôi đành đi về mà không gặp được Tam Mao.
Về đến nhà, thấy ông chủ đang ở trong phòng sách, tay cầm bút, nghĩ ngợi trầm ngâm cái gì đó. Tôi mà nói cho biết những lời bình phẩm về ông, nghe được ở nhà bà thầy dạy đàn kia, thì chắc ông sẽ cáu tiết lên đấy. Nhưng mà “ngu si hưởng thái bình”[31] nên tôi ậm ừ, để mặc cho ông trở thành một thi nhân thần thánh. Vừa lúc đó, ông Meitei, cái người gửi thiếp chúc tết, nói là bận lắm không đến được ấy, lại lù lù hiện ra.
– Cậu đang sáng tác thơ mới đấy à? Làm được bài nào hay chưa, cho tôi xem với nào.
Ông ta nói. Ông chủ nặng nhọc đáp:
– À, có bài này thấy hay, tôi đang định dịch đây.
– Bài, bài của ai?
– Chả biết của ai cả.
– Vô danh à? Bài vô đanh cũng có nhiều cái hay lắm đấy, không thể coi thường được đâu. Đại để cậu lấy ở đâu ra vậy?
Ông ta hỏi. Ông chủ lấy bình tĩnh trả lời:
– Trong tạp chí “Độc bản số II.”
– Độc bản số II à? Độc bản số II làm sao?
– Những bài văn nổi tiếng mà tôi đang dịch là ở trong đó mà.
– Đừng có đùa nhé. Kiểu này chắc đang định trả đũa cái vụ lưỡi công đây!
Ông chủ thản nhiên vuốt râu, nói:
– Tôi không phải cái đồ bốc phét như cậu.
– Ngày xưa có người hỏi ông Sanyo (Sơn Dương), thưa thầy, gần đây thầy có bài viết nào nổi tiếng không ạ? Ông ta bèn chỉ cái giấy đòi nợ của người đánh ngựa viết mà bảo “văn chương gần đây thì nổi tiếng nhất là bản này đây”. Đấy, đại loại là có chuyện như vậy. Biết đâu con mắt thẩm mỹ của cậu lại bất ngờ chính xác đấy. Đâu, đọc lên xem nào, tôi sẽ đánh giá cho.
Thầy Meitei nói như một nhà thẩm mỹ chính hiệu. Ông chủ cất giọng đọc, nghe như một vị thiền sư đọc lời răn của Đại đăng quốc sư:
– Cự nhân dẫn lực.
– Cái gì? Cự nhân dẫn lực nghĩa là gì?
– Đầu đề là “Cự nhân dẫn lực”.
– Đầu đề kỳ lạ nhỉ? Tôi chà hiểu nghĩa là thế nào cả.
– Ý định nói là “người khổng lồ có tên là sức kéo”.
– Một cái “định” khó ghê nhỉ. Nhưng thôi, đầu đề thì cho qua. Nào đọc vào bài đi. Tiếng cậu tốt, nghe hay lắm.
– Không được phá quấy đâu đấy!
Ông chủ nói và lấy lại giọng, bắt đầu đọc:
“Keith nhìn qua cửa sổ. Những đứa trẻ đang chơi đánh cầu. Chúng tung những quả cầu lên cao. Những quả cầu bay lên, bay lên. Một lúc sau thì rơi xuống. Chúng lại tung những quả cầu lên. Tung đi tung lại: hai ba lần. Mỗi lần tung lên, quả cầu lại rơi xuống. Tại sao lại rơi xuống? Tại sao những quả cầu không chỉ bay lên? Keith hỏi. Mẹ trả lời: “Bởi vì trong lòng đất có người khổng lồ. Đó là người khổng lồ có tên là Sức kéo. Ông ta rất khỏe, ông ta kéo vạn vật về phía mình. Ông ta kéo mái nhà về mặt đất. Nếu không kéo thì mái nhà bay đi. Những đứa trẻ cũng bay đi. Con nhìn thấy những chiếc lá rụng kia rồi chứ? Đó là do người khổng lồ “Sức kéo” gọi đấy. Và có khi quyển sách cũng rơi, đúng không nào? Là bởi vì người khổng lồ Sức kéo bảo nó “lại đây”. Quả cầu bay lên không trung, người khổng lồ Sức kéo gọi lại. Gọi lại nên nó rơi xuống!”
– Hết rồi hả?
– Ừ. Được đấy chứ?
– Ôi, cái này đáng sợ thật. Không ngờ món Tochimenbo lại được đáp lễ ở đây.
– Không phải đáp lễ đáp lủng gì cả. Quả thật, tôi thấy hay thì dịch thôi. Cậu có thấy thế không?
Ông chủ nói và nhìn sâu vào đôi mắt phía sau đôi kính gọng vàng.
– Thật kinh ngạc. Không ngờ cậu lại cao tay thế này. Lần này hoàn toàn chịu. Xin hàng. Xin hàng.
Ông ta tự giác ngộ, tự nói một mình như vậy. Những lời nói hoàn toàn không đến tai ông chủ.
– Tôi không hề có ý định bắt cậu phải đầu hàng. Chỉ là thấy hay thì dịch thôi.
– Ổ, thực tế là rất hay. Nếu không như vậy thì không phải thử thiệt. Ghê quá! Sợ thật!
– Không đến nỗi phải sợ thế đâu. Gần đây tôi bỏ vẽ tranh thuốc nước rồi nên định viết lách cái gì chăng.
– Không thể so sánh với tranh thuốc nước, loại hình không có sự khác nhau giữa gần với xa, màu trắng hay màu đen đều bình đẳng được. Đáng khâm phục hết mức rồi.
– Được khen đến thế thì tôi cũng vui lắm.
Ông chủ, mãi mãi vẫn cứ lầm lẫn.
Vừa lúc đó thì anh Kangetsu bước vào, vừa đi vừa “xin lỗi, hôm trước đã làm phiền”.
Thầy Meitei nói lấp lửng:
– À, xin chào! Bây giờ được nghe một áng văn tuyệt vời, đã xua đuổi được vong hồn của tochimenbo rồi!
– Hả? Thế à?
Và đây lại có thêm một lời đáp vô nghĩa, khó hiểu nữa. Có lẽ không phải chỉ có một mình ông chủ đang cao hứng.
– Hôm trước, cái người tên là Ochi Tofu mà cậu giới thiệu, đã đến đây đấy.
– Ồ, đến rồi à? Cái cậu Ochi Kochi ấy là người rất thật thà nhưng phải cái hơi hâm hâm. Em sợ sẽ làm phiền thầy, nhưng mà cậu ta cứ nhất định đòi giới thiệu…
– Không, chẳng có gì phiền cả.
– Cậu ta đến đây, có giải thích gì về cái tên họ của mình không?
– Không, không nói gì về chuyện đó cả.
– Thế à? Cậu ta có thói quen đi đâu, gặp ai lần đầu tiên cũng giải thích về cái tên của mình.
Như chỉ chờ có thế, Meitei xen vào:
– Giải thích như thế nào?
– Cái từ Tofu (Đông Phong – gió đông) ấy, cậu rất thích đọc theo âm (tiếng Nhật) là Kochi.
– Lạ nhỉ!
Thầy Meitei nói và nhón từ trong túi đựng thuốc bằng da, có vân kim tuyến ra một nhúm sợi thuốc lá.
– Cậu ta bảo, tên tôi không phải là Ochi Tofu mà dứt khoát phải là Ochi Kochi cơ.
– Kỳ quá nhỉ.
Ông thầy nói và nuốt khói thuốc Kumoi vào tận bụng.
– Cái này hoàn toàn là do lòng say mê văn học mà ra. Đọc là Kochi thì nghe ra thành ngữ “gần xa”. Không những thế cậu ta còn rất hãnh diện về cái tên họ có vần điệu nữa. Cậu ta phàn nàn rằng “nếu đọc theo âm Hán là Tofu thì mọi người chẳng hề hiểu cho cái dụng ý rất công phu không dễ gì có được của tôi cả”.
– Thế thì đúng là hơi hâm thật.
Meitei nói và cao hứng nhả khói thuốc Kumoi từ trong bụng ra đằng mũi. Giữa đường, khói bị lạc, chui ra đằng mồm. Ông thầy cầm tẩu, ho sù sụ. Ông chủ cười, nói:
– Hôm trước đến đây, anh ta nói là đã đóng vai người lái đò, trong đêm biểu diễn của Hội đọc ngâm văn học, rồi bị các cô nữ sinh cười đấy.
– À, cái đó, cái đó…
Thầy Meitei nói, tay gõ gõ cái tẩu vào đầu gối. Tôi cảm thấy nguy hiểm nên lùi xa ra một chút.
– Cái hội đọc ngâm ấy, khi chúng tôi thưởng thức món Tochimenbo hôm trước, cậu ta cũng nói đên. Cậu ta bảo, lần thử hai tổ chức, chúng em định thế nào cùng phải mời những văn sĩ nổi tiếng. Vì vậy nhất định mong được “thầy” thế nào cũng tham dự. Tôi hỏi, lần sau sẽ diễn vở “Trò đời” của Chikamatsu à? Cậu ta bảo không, lần này sẽ chọn vở mới, vở “Kim sắc dạ xoa”. Tôi hỏi thế cậu sẽ sắm vai nào? Cậu ta bảo vai Omiya. “Omiya Tofu” thì thú vị thật. Tôi định là nhất định sẽ đi xem để vỗ tay cổ võ đấy.
– Chắc là sẽ hay đấy!
– Nhưng cậu ấy là người thật thà, không có gì xấu nên không sao cả. Khác hẳn cái loại như Meitei.
Ông chủ nói để cùng một lần trả thù luôn cả vụ A. Sarto lẫn vụ lưỡi chim công và tochimenbo. Ông Meitei dường như không để ý, cười:
– Bởi vì tôi thì dẫu sao cũng chỉ có tư cách của “chiếc bàn xúc hến Gyotoku”[32] thôi mà!
– Xem ra có lẽ đúng thế đấy.
Ông chủ nói, nhưng thực ra ông cũng chẳng hiểu “chiếc bàn xúc hến Gyotoku” nghĩa là gì. Nhưng vì lâu năm làm nghề dạy học, quen nói lấp liếm, đánh trống lảng nên trong trường hợp này, ông cũng áp dụng kinh nghiệm môi trường giáo dục vào môi trường giao tiếp xã hội.
Kangetsu hỏi một cách thành thật:
– Cái bàn xúc hến Gyotoku là cái gì?
Ông chủ nhìn sàn nhà, đánh trống lảng:
– Cái hoa thủy tiên kia, dạo cuối năm ngoái, trên đường đi tắm về, tôi mua về cắm mà tươi lâu thế đấy.
– Lại nói đến cuối năm ngoái. Cuối năm ngoái, tôi đã gặp một chuyên rất là ly kỳ.
Meitei vừa nói vừa xoay xoay cái tẩu trên tay như xiếc Daikagura[33].
– Chuyện gì vậy? Nói cho nghe với nào.
Ông chủ có vẻ định gạt phắt chuyện “cái bàn hến” sang một bên nên hào hứng bắt chuyện. Nghe cái gọi là chuyện ly kỳ của thầy Meitei thì nó là thế này:
‘Tôi nhớ rõ là vào ngày 27 cuối năm ngoái, vì có hẹn trước mời ngài Tofu của chúng ta đến chơi để muốn nhân đó nghe thầy nói về văn nghệ, nên tôi phải ở nhà. Thế là tôi dài cổ chờ suốt từ sáng mà mãi chẳng thấy thầy ấy đến. Tôi ăn trưa xong, đang nằm cạnh lò sưởi, đọc truyện cười Barry Pain[34] thì có thư của mẹ tôi từ Shizuoka gửi đến. Đọc thư mới thấy, chỉ những người già là lúc nào cũng coi tôi như trẻ con. Mẹ tôi nhắc nhở nào là đang mùa rét, ban đêm không được đi ra ngoài, nào là tắm nước lạnh cũng được nhưng trước khi tắm phải đốt lò sưởi cho ấm nhà lên rồi hãy tắm, không sẽ cảm đấy… Thế đấy! Cha mẹ thật là đáng quý. Chứ người ngoài thi có ai nhắc nhở cho như vậy đâu. Một kẻ lông bông, bất cẩn như tôi cũng phải cảm động. Ấy thế mà nếu cứ sống lêu lổng thế này mãi thì rất phí. Phải sáng tác một cái gì đó, một tác phẩm lớn, làm sáng danh gia đình mới được. Tôi có ý định là trong lúc mẹ còn sống, phải cho thiên hạ biết rằng có mặt thầy Meitei này trong văn đàn Minh Trị đây. Sau đó, tôi đọc tiêp thư thì mẹ tôi viết rằng mày thật là sướng, trong khi cuộc chiến tranh với Nga đã nổ ra, bao nhiêu thanh niên phải vất vả cho tổ quốc thì mày, ngay cả những ngày cuối năm bận rộn này cũng vẫn nhởn nhơ chơi bời như ngày tết. Nào có phải tôi chơi bời như mẹ tôi nghĩ đâu. Sau đó mẹ tôi liệt kê một loạt tên các bạn tôi từ thời tiểu học, những người mà kẻ thì chết, người thì bị thương do chiến tranh. Đọc từng cái tên đó, tôi cảm thấy đời thật vô vị, con người ta thật là chán! Cuối cùng, mẹ tôi viết nghe rất tội nghiệp rằng tao cũng già rồi, có lẽ ăn cái tết này cũng là tết cuối cùng thôi.
Tôi càng đọc càng thấy buồn chán, chỉ mong sao anh Tofu đến mau cho nhưng chẳng thấy thầy ấy đâu cả. Thế rồi đã đến bữa cơm tối. Tôi nghĩ phải viết thư trả lời cho mẹ và viết được khoảng 12, 13 dòng. Thư của mẹ tôi thì dài đến 6 tấc, nhưng tôi thì không thể có tài năng như vậy, bao giờ cũng chỉ trên dưới độ chục dòng, bao gồm cả những lời xin lỗi. Thế rồi cả một ngày không nhúc nhích, dạ dày thấy ấm ách, tôi nghĩ nếu Tofu mà đến thì cho hắn đợi và tôi ra bưu điện bỏ thư rồi đi dạo luôn.
Tôi không đi về phía phố Fujimi như mọi khi mà đi về phía Dote (phường số 3, khu bờ đê). Đêm đó trời hơi âm u. Gió từ bên kia sông thổi tới rất lạnh. Từ phía dốc Kagurazaka tàu hỏa hú còi chạy qua dưới chân đê. Buồn ơi là buồn. Trong đầu tôi, những thứ nào là cuối năm, chết trận, già lão, kiếp người mong manh… cứ quay cuồng, nhốn nháo. Tôi chợt nghĩ tới việc người ta hay treo cổ tự sát có lẽ cũng vì cái ý nghĩ muốn chết nảy sinh vào những lúc như thế này chăng? Tôi chợt ngửng lên, nhìn lên phía trên đê thì thấy mình đã tới đúng ngay dưới cái cây thông ấy từ lúc nào rồi.
– Cây thông ấy là cái gì?
Ông chủ ném ra một câu hỏi cụt lủn. Meitei kéo lại cổ áo, nói:
– Cây thông treo cổ ấy mà!
Kangetsu khơi thêm:
– Cây thông ở Konodai ấy à?
– Ở Konodai là cây thông treo chuông, còn ở khu bờ đê (Dote Sambancho) là cây thông treo cổ. Sở dĩ có cái tên này là vì, từ ngày xưa truyền lại rằng bất kỳ ai, hễ đi đến dưới cây thông ấy là đều muốn treo cổ. Trên đê có mấy chục cây thông, nhưng mà hễ cứ có vụ treo cổ nào là y như rằng đúng cây thông này. Mỗi năm thể nào cũng có hai, ba vụ. Nhất định không ai chịu chết ở cây thông khác.
Tôi nhìn kỹ, thấy cây thông này cành rủ xuống rất vừa tầm với người đi qua. Cái cành ngả vừa vặn thế kia mà cứ để không thì phí quá. Phải làm thế nào treo thử ai vào đây xem sao? Có ai đang đi đến đây không nhỉ: Tôi nhìn nháo nhác xung quanh, nhưng đáng tiếc là không có ai cả. Đành treo cổ mình lên xem chăng? Nhưng tự treo mình lên thì toi mạng mất. Nguy hiểm lắm, thôi vậy!
Nhưng ngày xưa, ở Hy Lạp có chuyện người ta chơi trò treo cổ trong các cuộc yến tiệc để cho tăng phần vui nhộn. Một người leo lên bệ, chui đau vào một nút dây đã buộc sẵn, đúng lúc đó thì một người khác đá đổ cái bệ. Đồng thời với lúc cái bệ bị đá đó ấy, người cho đầu vào thòng lọng cũng đã nói lỏng nút đây, nhảy xuống. Nếu quả có chuyện đó thật thì chẳng có gì đáng sợ cả. Tôi cũng muốn thử một lần xem sao. Tôi giơ tay, với thử cành cây thì nó cong xuống vừa đúng tầm. Cái độ cong vừa vặn, đúng tầm này quả thật là một vẻ đẹp. Cứ tưởng tượng, mình chui đầu vào đây mà đung đưa thì khoái biết bao. Tôi nhất định muốn thử, nhưng lại sợ nhỡ Tofu đến, đang đợi ở nhà thì tội nghiệp. Tôi định sẽ gặp Tofu trước, nói chuyện như đã hẹn đã, sau đó sẽ ra thử sau, thế là tôi đi về nhà.
– Thế là hết chuyện hả?
Ông chủ hỏi. Kangetsu tủm tỉm cười, khen:
– Chuyện hay đấy nhỉ.
– Tôi về đến nhà thì Tofu không đến, nhưng có bưu thiếp gửi đến, nói là hôm nay đột nhiên có việc bận, không thể đến được, xin để một hôm nào khác sẽ xin được hầu chuyện. Thế là tôi yên tâm, bây giờ mình có thể cứ vui vẻ mà treo cổ được rồi, không cần phải lo gì nữa. Tôi lập tức xỏ chân vào guốc, vội vàng quay lại chỗ lúc nãy xem thì…
Nói đến đây ông ta tỉnh bơ, nhìn mặt ông chủ và Kangetsu. Ông chủ sốt ruột hỏi:
– Quay lại thì sao?
Kangetsu nói và kéo dây buộc lại áo Haori:
– Chà chà, đến đoạn hay rồi đây!
– Quay lại thì thấy đã có ai đến trước, đang treo cổ ở đấy rồi. Chỉ chậm có một bước chân thôi mà cậu thấy không, thật đáng tiếc. Bây giờ nghĩ lại mới thấy, tất cả mọi sự lúc đó đều do tử thần quyết định cả. Nói như James[35] thì giữa thế giới u minh của tiềm thức với thế giới thực tại mà ta đang sống luôn có sự cảm ứng lẫn nhau, theo luật nhân quả. Đúng là có sự kỳ lạ thật nhỉ?
Meitei trở lại vẻ mặt tỉnh bơ. Ông chủ nghĩ mình lại bị chơi nữa rồi, không nói gì, phồng má nhai bánh. Kangetsu cẩn thận cời tro lò sưởi, cúi mặt cười tủm tỉm, rồi cuối cùng lại lên tiếng, dáng vẻ rất trầm tĩnh:
– Đúng, quả là như vậy thật! Nghe chuyện của thầy, tôi mới thấy đúng là rất lạ, hoàn toàn không thể tưởng tượng được. Chính bản thân tôi mới gần đây cũng đã trải qua, nên hoàn toàn không có nghi ngờ gì cả.
– Ô, cậu cũng đã muốn treo cổ à?
– Không, chuyện của tôi thì không phải là treo cổ, nhưng việc này cũng xảy ra vào cuối năm ngoái. Vả lại, cũng đúng ngày, giờ với chuyện của thầy nên càng thấy là kỳ lạ.
– Cái này thú vị đấy. – Meitei cũng phồng má nhai bánh dẻo, nói.
– Hôm đó, tại nhà một người quen của tôi ở Mukojima có một cuộc liên hoan cuối năm, kiêm biểu diễn văn nghệ. Tôi cũng vác cây đàn violon đến dự. Một cuộc tụ tập tương đối tưng bừng, có khoảng độ 15, 16 các bà mệnh phụ, phu nhân và các tiểu thư, cô chiêu đến dự nên tôi nghĩ đây là một dịp vui và chuẩn bị rất chu đáo. Tiệc tùng, ca nhạc xong, chỗ này chỗ kia chuyện trò rôm rả. Đêm cũng đã khuya, tôi nghĩ có lẽ nên cáo từ mà về, thì một phu nhân của một vi viện sĩ đến cạnh tôi, khẽ hỏi anh có biết gì về bệnh của cô XY không? Thực ra đó là người mà mới cách đó vài ba hôm, tôi đã gặp, thấy rất khỏe mạnh, không thể nghĩ được lại có thể có bệnh, cho nên tôi sửng sốt, hỏi kỹ lại thì được biết là ngay hôm gặp tôi đó, đêm về cô ta bị sốt cao, luôn mê sảng, nói rất nhiều. Nếu chỉ có thế thôi thì không sao. Có điều, trong những lời mê sảng kia, thỉnh thoảng lại có tên của tôi.
Ông chủ thì tất nhiên rồi, ngay cả đến thầy Meitei cũng không thấy nói những câu như mọi khi, kiểu “không rẻ tiền đâu!” mà ai nấy đều chăm chú, lễ độ lắng nghe.
– Người ta đã mời bác sĩ đến khám nhưng không biết được là bệnh gì. Bác sĩ chẩn đoán rằng: “Chỉ biết là sốt cao nên đầu óc bị rối loạn. Nếu cho uống thuốc ngủ mà không có công hiệu thì tình trạng sẽ nguy kịch”. Tôi vừa nghe thấy thế, lập tức một nỗi chán chường dâng lên, một cảm giác khó chịu như sự rên rỉ trong cơn mơ ập tới. Tôi cảm thấy như không khí xung quanh đặc quánh lại, siết chặt lấy tôi từ bốn phía. Trên đường về, đầu óc tôi chỉ nghĩ về chuyện ấy và cảm thấy ngột ngạt vô cùng… Cái nàng XY xinh đẹp ấy, khỏe mạnh ấy, trong câu chuyện vui nhộn này…!
– Xin lỗi, dừng lại một chút đã. Cái nàng có tên là XY từ nãy đến giờ nghe đã hai lần rồi. Nếu không có gì trở ngại thì xin cho biết rõ là ai đi. Cậu thấy thế có đúng không, nhỉ?
Meitei quay sang nói với ông chủ, nhưng ông chủ chỉ ậm ừ.
– Cái đó có thể làm phiền cho người ta, nên thôi, bỏ qua.
– Tất cả cứ để cho nó mờ mờ, ảo ảo mà tiến triển thôi nhỉ! Đúng không?
– Xin đừng có cười khỉnh như thế. Đây là chuyện nghiêm túc thật sự đấy… Chỉ biết là khi nghe tin phu nhân ấy tự nhiên mắc bệnh như vậy, tôi cảm thấy lòng tả tơi tan nát, toàn thân như mất hết sức lực, đâm ra u uất, rã rời, chỉ còn biết dò dẫm, lê gót đến bên cầu Azuma. Tôi dựa lan can thành cầu nhìn xuống, không biết thủy triều đang lên hay xuống, chỉ thấy nước chảy đen ngòm. Từ phía Hanakawado, một chiếc xe kéo tay tiến đến, đi qua cầu. Tôi nhìn theo, chiếc đèn lồng treo trên xe cứ nhỏ dần và mất hút chỗ (trụ sở công ty) bia Sapporo. Tôi lại nhìn xuống dòng nước và nghe thấy từ trên sông có ai gọi tên mình. Trời, vào giờ này mà có ai gọi tên tôi ư? Không thể tin được, song tôi vẫn nhìn xuống nước và chỉ thấy tối đen, không nhìn thấy gì cả. Có lẽ đây chỉ là ảo tưởng. Phải đi về ngay thôi. Tôi nghĩ thế và bước đi được vài bước thì lại nghe thấy tiếng rất nhẹ gọi tên tôi từ xa. Tôi lại đứng lại, dỏng tai lên nghe. Nghe tiếng gọi đến lần thứ ba thì tay tôi bám vào lan can cầu, đầu gối run lẩy bẩy. Tiếng gọi đó không biết từ xa vọng lại hay từ hay từ đáy sông vọng lên, nhưng rõ ràng là tiếng của XY, không lẫn vào đâu được. Tôi bất chợt cất tiếng thưa “ơi”. Tiếng thưa rất to, vọng trên mặt nước yên tĩnh khiến tôi phải giật mình vì chính nó và hốt hoảng nhìn xung quanh. Chẳng thấy người nào, chó nào. Trăng cũng không. Lúc đó tôi đã bị cuốn vào trong “đêm tối” mà đùng đùng muốn đi đến chỗ có tiếng gọi ấy. Tiếng cô XY vẫn vẳng vào tai tôi như đau đớn, như mách gọi, như cầu cứu, nên lần này tôi đáp “tôi sẽ đến ngay đây!”, rồi nhoài nửa người ra ngoài lan can, nhìn xuống dòng nước đen ngòm. Tôi đinh ninh là tiếng gọi tôi vọng lên từ dưới lớp sóng, cố tình vọng lên tư dưới làn nước này đây. Tôi nghĩ thế và đã leo hẳn lên lan can, quyết tâm nếu lần này nghe tiếng gọi thì sẽ nhảy xuống. Tôi đang nhìn dòng sông thì tiếng bi thương lại vọng lên như một sợi chỉ. ‘‘Chính nó đây!”, Tôi thầm nghĩ và dồn sức nhảy lên, rồi rơi xuống như một hòn đá cuội, không hề mảy may lưu luyến gì cả.
– Cuối cùng đã nhảy thật à?
Ông chủ trợn mắt hỏi. Meitei tay vuốt mũi nói:
– Tôi không nghĩ đến mức ấy đâu.
– Sau khi nhảy xuống rồi, tôi lặng đi một lúc lâu, không còn biết gì nữa. Khi tỉnh lại thì thấy lạnh nhưng không bị ướt gì cả, mà cũng không có cảm giác là đã uống nước. Đúng là tôi đã nhảy thật mà. Lạ quá! Thấy kỳ lạ, tôi mới nhìn ra xung quanh thì giật mình. Tôi định nhảy xuống nước nhưng hóa ra lại nhảy vào giữa cầu. Thật chán quá! Chỉ vì nhầm lẫn phía trước với phía sau mà tôi đã không đi được đến chỗ tiếng gọi ấy.
Kangetsu cười hề hề và bận bịu với cái áo khoác Haori.
– Ha ha ha… chuyện này hay thật. Giống hệt trường hợp tôi cũng đã gặp thì thật là kỳ lạ. Đây sẽ là tư liệu cho giáo sư James đây. Nếu viết lại câu chuyện này hoàn toàn đúng như sự thực, thành một tác phẩm có nhan đề là “Cảm ứng của con ngưcri” thì nhất định sẽ làm kinh ngạc văn đàn đấy… Thế bệnh tình của cái cô XY ấy sau đó thế nào? – Thầy Meitei còn truy thêm.
– Cách đây vài ba hôm, đầu năm mới tôi đến chơi thì thấy đang đánh cầu với cô hầu gái ở trước cổng, trông có vẻ như bệnh tình đã khỏi hẳn.
Ông chủ suốt từ đầu đến giờ yên lặng, đến đây thì lên tiếng, tỏ ra không chịu thua:
– Tôi cũng có một câu chuyện.
– Có chuyện là chuyện gì?
Trong con mắt Meitei, một người như ông chủ thì tất nhiên không thể có chuyện gì được.
– Chuyện của tôi cũng xảy ra vào cuối năm ngoái.
– Tất cả đều hẹn nhau vào cuối năm ngoái, kỳ diệu thật.
Kangetsu cười. Trên rìa chiếc răng cửa bị mẻ có dính bánh dày ku-ya. Meitei hỏi châm chọc:
– Cũng cùng ngày cùng giờ phải không?
– Không, khác ngày. Vào khoảng ngày 20 thì phải. Hôm ấy vợ tôi bảo thay vì quà tặng cuối năm mình đưa em đi nghe hát tuồng của đoàn Settsu Daijo được không? Tôi bảo đi cũng được, nhưng hôm nay hát vở gì? Vợ tôi đọc trên báo bảo là vở Unagidani[36]. Tôi bảo tôi không thích vở này nên hôm nay chưa đi, thế là hoãn được một hôm. Hôm sau, vợ tôi mang báo đến bảo hôm nay là vở Horikawa[37] thì được chứ? Tôi bản vở này chỉ toàn có tiếng đàn samisen ầm ĩ chứ chẳng có nội dung gì, thôi đừng đi. Vợ tôi rất tức, bỏ đi. Hôm sau nữa thì vợ tôi bảo hôm nay là vở Sanyusangendo[38], em đứt khoát nuốn đi nghe vở này của Settsu Daijo. Có thể mình không thích vở này nhưng cứ phải đưa em đi. Cô ta mà cả dứt khoát như vậy.
Tôi bảo nếu cô đã muốn đi đến thế thì đi cũng được, nhưng tuồng này cả đời mới có một lần nên người xem đông lắm, không thể chen lấn mà vào được. Làm như vậy là không nghĩ đến người khác. Muốn đến những chỗ như vậy, thường người ta phải liên hệ trước với các nhà hàng để đặt chỗ chẳng hạn. Mình bỏ qua những quy tắc thông thường như vậy thì không hay. Cho nên dù là đáng tiếc thật đấy, nhưng hôm nay đừng đi. Nghe thế, vợ tôi lừ mắt rồi khóc, nói “Em là phụ nữ, em không biết những chuyện rườm rà rắc rối như vậy. Mẹ anh Ohara, vợ anh Suzuki kia có phải làm thế đâu mà vẫn đi được đấy thôi. Dù mình có là ông giáo hay ông gì thì cũng chẳng cần phải thủ tục rắc rối như vậy cũng được chứ. Mình thật quá đáng!” Tôi đầu hàng và chấp nhận vậy thì cứ đi, ăn cơm tối xong sẽ đi bằng tàu điện. Cô ấy hăng hái giục thế thì phải có mặt trước 4 giờ, không thể chần chờ được. Tôi hỏi tại sao phải có mặt trước 4 giờ thì cô ấy bảo chị vợ anh Suzuki cho biết nếu không đến sớm như vậy sẽ hết chỗ, không thể xem được. Vậy thì nếu quá 4 giờ là không được phải không? Tôi hỏi lại cho chắc chắn, cô ta bảo vâng, đúng thế.
Thế là các cậu biết không? Không hiểu sao từ lúc đó, tự nhiên bị lên com sốt rét.
Kangetsu hỏi:
– Vợ thầy ấy à?
– Không. Vợ tôi khỏe như vâm thì có. Tôi đây này. Tự nhiên tôi thấy mình xẹp đi như quả bóng bị thủng, mắt hoa lên, không còn cử động được nữa.
Meitei họa thêm:
– Bệnh nhanh đến bất ngờ nhỉ!
– Bí thế đấy. Ước muốn của vợ một năm mới có một lần, tôi rất muốn làm cho cô ấy toại nguyện. Suốt cả đời, lúc nào cô ấy cũng chỉ toàn bị tôi trách móc, giận dữ, bắt nuôi con vất vả mà tôi chưa có dịp trả công. Hôm nay may mắn có thì giờ, trong túi cũng có tiền nữa, muốn đưa vợ đi thì được quá rồi. Vợ tôi thì muốn đi mà tôi cũng muốn đưa cô ấy đi. Nhất định phải đưa đi. Muốn như thế mà lại bị sốt rét thế này, mắt mũi cứ tối sầm cả lại. Như thế này thì ngay đến cả xỏ chân vào giầy cũng không xỏ nổi, còn nói chi đến đi tàu điện nữa. Ôi, tội nghiệp quá. Thật đáng thương! Càng nghĩ lại càng sốt, mắt mũi càng tối sầm lại. Phải mau mau đi tìm bác sĩ, xin thuốc uống thì may ra mới kịp khỏi trước 4 giờ chăng? Tôi bàn với vợ như thế rồi đi mời bác sĩ Amaki. Nhưng thật trớ trêu, đêm qua bác sĩ phải trực nên bây giờ vẫn còn ở trường. Người nhà bác sĩ cho biết khoảng 2 giờ thì ông ta sẽ về, khi nào về họ sẽ báo ngay. Giá mà lúc ấy uống nước hạnh nhân thì chắc sẽ khỏi trước 4 giờ đấy, nhưng khốn nỗi, những lúc rủi ro thì cái gì cũng không nghĩ ra được, không theo ý mình được.
Thỉnh thoảng tôi liếc nhìn bộ mặt hớn hở của vợ thì thấy những nét vui biến đi đâu hết. Với vẻ mặt oán giận, vợ tôi hỏi tóm lại là anh có đi hay không? Đi chứ, nhất định đi chứ. Đến 4 giờ là nhất định tôi sẽ khỏi cho mà xem. Cứ yên tâm đi rửa mặt, thay quần áo, sửa soạn rồi chờ đi. Trong lòng tôi đầy tình cảm thiết tha như tôi đã nói. Nhưng sốt càng lúc càng cao mắt mũi hoa cả lên, đầu óc quay cuồng lộn lạo. Kiểu này, nếu đến 4 giờ mà không khỏi cho để thực hiện lời hứa thì ai chứ đàn bà, vốn tính hẹp hòi, chẳng biết rồi cái gì sẽ xảy ra đây? Đã đến cái bước khổ nhục rồi, biết làm thế nào đây. Để đề phòng bất trắc xảy ra, ngay từ bây giờ phải giải thích cho cô ta hiểu rõ cái lý lẽ vạn vật đổi thay, sinh giả tất diệt[39]. Phải làm cho cô ấy giác ngộ từ bây giờ để nhỡ có gì xảy ra khỏi bị bất ngờ, hoảng hốt. Đó cũng còn là nghĩa vụ của một người chồng đối với vợ nữa.
Tôi nghĩ thế nên gọi vợ vào phòng sách, hỏi: “Cô là phụ nữ nhưng chắc đã biết câu châm ngôn của châu u “many a slip twixt the cup and the lip” (từ chén rượu đến miệng vẫn còn nhiều rủi ro) rồi chứ?” Thế là cô ta nổi giận đùng đùng, cho một thôi một hồi: “Cái loại chữ viết ngang ấy ai mà biết được. Mình biết là người ta không biết tiếng Anh, vậy mà cố tình dùng tiếng Anh để chế giễu. Vâng, tôi là người không biết tiếng Anh đấy. Nếu mình thích tiếng Anh như vậy sao không đi mà lấy những cô tốt nghiệp trường dòng Giê-su ấy? Không thấy có người nào bạc bẽo như mình cả!”
Thế là cái dự định tốt đẹp của mình bị bẻ gãy. Tôi cũng xin thanh minh với các cậu là tôi tuyệt nhiên không dùng tiếng Anh với ý xấu. Hoàn toàn chỉ xuất phát từ tình thương vợ hết lòng thôi. Thế mà lại bị vợ tôi hiểu lầm như vậy, thật không còn mặt mũi nào nữa. Vả lại, cơn sốt và chóng mặt từ bấy đến giờ làm đâu óc tôi loạn lên, tôi nôn nóng, muốn nhồi nhét cho vợ hiểu nhanh cái chân lý “hữu vi chuyển biến” “sinh giả tất diệt” kia nên mới quên mất là vợ không biết tiếng Anh và đã dùng tiếng Anh một cách vô ý thức. Ngẫm ra thấy cũng hoàn toàn lỗi tại mình, đó là thất bại của mình. Bị thất bại như vậy, cơn sốt càng nặng lên, mắt tôi càng hoa lên.
Vợ tôi nghe theo lời giục, vào nhà tắm trang điểm rồi lấy kimono trong tủ ra thay. Cô ấy đã sẵn sàng chờ để có thể xuất phát bất kỳ lúc nào. Tôi cuống lên, không biết phải làm thế nào nữa. Giá mà bác sĩ Amaki đến nhanh cho thì hay biết bao. Tôi sốt ruột nhìn đồng hồ, đã 3 giờ. Chỉ còn có một tiếng đồng hồ nữa là đến 4 giờ. Vợ tôi mở cửa phòng sách, thò mặt vào hỏi đã đến giờ đi rồi chăng? Kể ra tự khen vợ mình thì cũng kỳ, nhưng tôi thấy chưa bao giờ vợ tôi đẹp như lúc này. Được tắm rửa kỹ càng, da cổ trắng nõn ánh lên trên nền vải đũi đen. Khuôn mặt ấy cùng với xà phòng và niềm hy vọng được đi xem tuồng, hai yếu tố hữu hình và vô hình, làm cho nó càng rạng rỡ thêm. Tôi cảm thấy muốn làm thỏa mãn niềm hy vọng ấy bằng bất kỳ giá nào.
Thế là, khi tôi đang hút một điếu thuốc, định cố ráng sức đi chăng thì bác sĩ Amaki đến. Mọi sự diễn ra đúng như mong muốn. Nhưng nghe tôi kể bệnh thì bác sĩ bắt tôi thè lưỡi ra cho xem, rồi cầm tay, gõ ngực, sờ lưng, bành mắt, chọc vào sọ tôi rồi suy nghĩ một lúc. Tôi bảo “tôi thấy dẫu sao cũng hơi nguy hiểm!” Nghe nói thế, bác sĩ bình tĩnh bảo không có gì đặc biệt cả. Vợ tôi hỏi thưa bác sĩ, có đi đâu một chút thì chắc cũng không sao, phải không ạ? Bác sĩ lại suy nghĩ và nói một cách khó khăn “cái đó thì… nếu không thấy khó chịu thì…” Tôi bảo tôi thấy khó chịu lắm. Bác sĩ bảo “tôi cứ cho ông một liều thuốc uống ngay và một chai thuốc nước vậy”. Tôi bảo “ôi! bệnh tình có vẻ nguy lắm phải không bác sĩ?!” Bác sĩ bảo “không, không đến nỗi đáng lo thế đâu, đừng có làm thần kinh căng thẳng, không tốt đâu”, rồi đi về.
Lúc đó đã hơn ba rưỡi, tôi sai người giúp việc lấy thuốc về. Theo nghiêm lệnh của vợ tôi là phải đi ngay, về ngay. Đã 4 giờ kém 15, vẫn còn 15 phút nữa mới đến 4 giờ. Thế là từ 4 giờ kém 15 trở đi tôi bắt đầu buồn nôn, cái triệu chứng mà suốt từ trước đến lúc đó chưa có. Vợ tôi pha chén thuốc đặt trước mặt tôi. Tôi cầm chén thuốc định uống thì từ trong dạ dày có cái gì như muốn ọe ra, đành phải đặt chén xuống. Vợ tôi giục “cứ uống thật nhanh vào thì không sao đâu”. Khong uống thật nhanh, không đi nhanh lên thì không còn tình nghĩa gì nữa, tôi nghĩ thế và vừa cầm chén lên kề vào miệng thì lại ọe. Cứ cầm lên đặt xuống rồi lại đặt xuống cầm lên định uống như vậy thì chiếc đồng hồ trong phòng đã kêu reng reng, báo 4 giờ.
Trời, 4 giờ rồi, không thể chần chừ được nữa. Tôi lại cầm chén đưa lên miệng thì lạ quá các câu ạ. Chính cái này mới là kỳ lạ đây. Cùng với tiếng chuông đồng hồ báo 4 giờ, cơn buồn nôn cũng chấm dứt và tôi đã uống được chén thuốc không khó khăn gì. Sau đó, đến khoảng 4 giờ 10 thì tôi đã hiểu dược nguyên nhân sự nổi tiếng của bác sĩ Amaki. Những cái ớn lạnh ở sống lưng, sự hoa mắt, choáng váng cũng biến đi như trong mơ. Bệnh tình cứ tưởng là đứng cũng không nổi, thế mà bỗng chốc khỏi hoàn toàn, mừng ơi là mừng.
Với vẻ mặt ý như “chuyện với trò, chả ra đầu ra đuôi gì cả!”, Meitei hỏi:
– Thế sau đó cậu có cùng đi xem kịch nữa không?
– Tôi muốn đi nhưng mà đã quá 4 giờ, vợ tôi bảo bây giờ có đi cũng không còn chỗ nữa, thế là đành bỏ. Giá mà bác sĩ Amaki đến sớm hơn cho, chỉ cần 15 phút thôi, thì tôi đã làm tròn bổn phận của mình mà vợ tôi cũng toại nguyện. Vậy mà chỉ sai lệch có 15 phút! Thật tiếc vô cùng. Cho đến bây giờ, nghĩ lại vẫn thấy cái giờ phút đó thật là nguy hiểm.
Kể xong chuyện, ông chủ làm như mình đã tròn nghĩa vụ. Chắc ông ta nghĩ thế là mình cũng ngang bằng với hai người kia rồi. Kangetsu lại nhe cái răng mẻ ra, cười như mọi khi:
– Tiếc quá nhỉ!
Meitei thì mặt tỉnh bơ, nói như nói một mình:
– Có được một người chồng tử tế như cậu, vợ cậu thật là hạnh phúc quá đấy!
Từ sau cánh cửa, nghe có tiếng hắng giọng ho khan của bà chủ.
Tôi đã lặng lẽ lắng nghe lần lượt chuyện của ba người, chẳng thấy lạ, cũng chẳng thấy buồn. Tôi nghĩ con người là cái loại chẳng biết làm gì hơn ngoài múa may cái mồm để giết thời gian. Họ cười những cái chẳng có gì đáng cười, thích thú những cái chẳng có gì hay ho như vậy đấy. Sự hẹp hòi, ích kỷ của ông chủ tôi thì tôi đã biết rõ từ trước rồi. Thường thì ông ít nói nên tôi nghĩ có thể ông cũng hiểu biết gì đó, và có cảm giác hơi sờ sợ về cái “có thể hiểu biết” đó. Nhưng bây giờ, sau khi nghe chuyện của ông, tôi bỗng đâm ra khinh bỉ. Tại sao ông ta không im lặng mà nghe chuyện của hai người kia? Chỉ vì hiếu thắng mà đem cái chuyện bỉ ổi ấy ra nói để làm gì? Chắc là trong sách của Epictetus đã viết là “hãy làm thế đi” chăng?
Tóm lại thì ông chủ cũng như Kangetsu và Meitei, đều là những kẻ ăn không ngồi rồi, nhàn rỗi. Họ như những dây leo, nhờ gió thổi mà tung lên, sống nhởn nhơ, vẻ cao siêu sang trọng, nhưng thực ra cũng đầy lòng tham, thói xấu, tầm thường. Thói ganh đua, lòng hiếu thắng vẫn thỉnh thoảng hé ra trong những chuyện đùa tếu hàng ngày của họ. Chỉ tiến thêm một bước nữa thì họ cũng một gáo một giuộc, cùng hội cùng thuyền với những kẻ phàm phu, tục tử mà hàng ngày họ vẫn chửi bới, xỉ vả thôi. Trong con mắt của mèo, nhìn họ thật đáng thương hại. Có điều là hành động, ngôn ngữ của họ không rập khuôn, nhàm chán hay tỏ vẻ ta đây như những kẻ hiểu biết nửa vời, gây cho người khác phải khó chịu, cho nên về điểm này cũng còn hơi chấp nhận được.
Nghĩ thế, tự nhiên tôi thấy chuyện của ba người trở nên nhạt nhẽo, tôi bèn vòng qua sân, sang nhà bà thầy dạy đàn xem tình hình Tam Mao ra sao? Những dây rơm bên trang trí ngày tết đã được dỡ bỏ, đã sang mồng 10 tết. Từ bầu trời cao vòi vọi, không một gợn mây, nắng xuân êm dịu tỏa khắp nơi trên mặt đất. Mảnh vườn chưa đến 10 chư-bô cũng rực rỡ, đầy sức sống hơn hẳn ngày đầu năm, khi đón nhận ánh bình minh chiếu dọi. Trên hành lang thềm nhà có một chiếc zabuton[40] nhưng không có ai cả. Cửa cũng đóng kín mít. Có thể bà thầy dạy đàn đang đi tắm ở hiệu tắm nước nóng chăng? Bà ấy đi vắng cũng chẳng sao, tôi chỉ muốn biết Tam Mao đã khá hơn hay chưa thôi. Vắng lặng, không có ai, nên tôi cứ chân bẩn mà leo qua hành lang, vào nằm khểnh trên chiếc zabuton, cảm giác rất khoái. Thế rồi tôi thiu thiu buồn ngủ và ngủ thiếp đi, quên cả Tam Mao. Bỗng nhiên nghe thấy tiếng người nói phía trong cửa:
– Tốt quá. Xong rồi hả?
Hóa ra không phải bà thầy đi vắng.
– Vâng, xin lỗi, cháu về hơi muộn. Cháu đến nhà hàng làm đồ thờ thì họ bảo vừa làm xong.
– Đâu, cho tôi xem nào? Ồ, đẹp quá. Thế này thì Tam Mao cũng được lên cõi tịnh độ đây! Vàng thì không sợ tróc đâu nhỉ.
– Vâng, cháu đã hỏi cho chắc chắn, họ bảo là bài vị này dùng vật liệu tốt nên còn bền hơn bài vị của người kia đấy… Họ bảo là cái chữ “dự” của “Miu dự tín nữ” nên giản lược đi thì trông đẹp hơn. Vì vậy nên nét chữ có thay đổi một chút.
– Đâu, đâu, để ngay lên bàn thờ, thắp hương cho nó đi.
Tam Mao làm sao rồi? Sao có vẻ kỳ lạ thế nào ấy! Tôi vội đứng phắt lên trên chiếc đệm. Tiếng tụng niệm của bà thầy bắt đầu cất lên sau tiếng chuông “cheng”: Miu dự tín nữ, nam mô a di đà phật, nam mô a di đà phật… Cô cũng khấn cho nó đi. “Cheng”. Nam mô miu dự tín nữ, nam mô a di đà phật, nam mô a di đà phật! Lần này là tiếng người hầu gái.
Tôi đứng lặng trên tấm đệm, tim đập thình thình, mắt không động cựa, y hệt một con mèo gỗ.
– Thật là đáng tiếc quá đi mất thôi ạ. Lúc đầu chỉ có cảm nhẹ một chút, thế mà lại… có phải thế không ạ?
– Giá mà ông Amaki cho nó thuốc thì biết đâu nó đã qua khỏi rồi cũng nên.
– Cái ông Amaki ấy, trước hết là người rất tồi. Ông ta đã coi thường Tam Mao quá đáng.
– Đừng có nói xấu người khác như vậy. Đây cũng là đến lúc tuổi thọ của nó đã hết thôi.
Xem ra, hình như Tam Mao cũng đã được thầy Amaki khám bệnh!?
– Tức là, tôi nghĩ chắc nó đã bị con mèo hoang ở nhà cái ông giáo ngoài phố lớn ấy rủ rê, đi lung tung, bừa bãi nên mới ra như thế.
– Vâng, chính cái thằng khốn ấy là kẻ thù của Tam Mao đấy ạ.
Tôi rất muốn thanh minh đôi điều, nhưng biết rằng chỗ này là chỗ nên nín nhịn nên tôi đành nuốt nước bọt, lắng nghe. Câu chuyện giữa chừng bị gián đoạn một lát, rồi lại tiếp tục:
– Cuộc đời chẳng như ý người ta mong muốn. Đầy đủ, sung sướng như Tam Mao thì lại chết sớm. Những con mèo hoang đói khổ thì lại khỏe mạnh, chơi đùa, quậy phá…
– Vâng, đúng thế đấy ạ. Con mèo đáng yêu như Tam Mao thì có mang chiêng, mang trống mà đi tìm cũng không có người thứ hai đâu, phải không ạ?
Đáng lẽ phải nối là “con” thứ hai thì lại nói là “người” thứ hai. Có lẽ cô hầu này coi người và mèo là cùng một loài chăng? Nếu vậy thì mặt cô cũng giống mặt mèo chúng tôi đấy.
– Nếu mà được thì thay cho Tam Mao…
– Giá được đúng như ý cầu nguyện, mà cái con hoang ở nhà ông giáo ấy chết đi nhỉ!
Được như lời cầu nguyện thì hơi gay đây! Chết là thế nào? Tôi chưa từng chết bao giờ nên không thể nói là thích hay ghét được. Có điều, hôm trước vì lạnh quá, tôi chui vào trong cái vò đã tắt lửa để nằm. Cô sen không biết có tôi trong đó, cứ thế đậy kín lại. Cái sự ngột ngạt, khổ sở hôm đó nghĩ mà sợ. Theo giải thích của chị Bạch thì nếu mà cứ tiếp tục ngột ngạt như thế cho đến giờ thì là chết đấy. Nếu chết thay cho Tam Mao thì tôi cũng chẳng phàn nàn gì đâu. Nhưng nếu chết mà phải chịu sự ngột ngạt, khó thở như vậy thì tôi chả muốn chết vì ai cả.
– Nhưng mèo mà cũng được nhà sư tụng kinh, được cải danh thế này thì chết cũng chẳng còn ân hận gì nữa.
– Vâng, đúng thế ạ. Hoàn toàn là có “quả báo” mà. Nhưng nói về mong muốn của cháu thì kinh của nhà sư ấy “khinh thiểu” (ngăn và sơ sài) quá, phải không ạ?
– Thấy ngắn quá, tôi hỏi nhà sư “nhanh quá nhỉ” thì vị sư của chùa Nguyệt Quế ấy bảo là “vâng, vừa đúng đến chỗ ngắt đoạn mà… có gì đâu, mèo thì chỉ bằng ấy là cũng đủ lên cõi tịnh độ rồi…”
– Ối trời ơi… nhưng mà cái thằng hoang kia thì…
Thỉnh thoảng tôi vẫn thoái thác là mình không có tên, vậy mà cái cô hầu gái này cứ gọi tôi là Hoang, Hoang… thật là mất lịch sự.
– … tội nó nhiều lắm, dù có được tụng bao nhiêu kinh cũng chẳng được cứu rỗi đâu.
Tôi không biết sau đó cái tên “thằng Hoang” còn được lặp đi lặp lại mấy trăm lần nữa? Tôi bỏ mặc giữa chừng cuộc nói chuyện vô hạn định này mà trườn khỏi đệm, rơi xuống sàn. Khi nhảy từ bờ hè ra ngoài, tôi rùng mình một cái, tất cả tám vạn, tám nghìn, tám trăm, tám mươi tám sợi lông đồng loạt dựng đứng cả lên. Từ đó trở đi, tôi không bao giờ ghé qua gần nhà bà thầy dạy đàn ấy nữa. Bây giờ thì có thể, chính bà ta đang được nhà sư chùa Nguyệt Quê tụng niệm cho cái thứ kinh “khinh thiểu” gì đó rồi cũng nên?
Gần đây tôi cũng chẳng còn can đảm đi ra ngoài nữa. Tôi thấy đời sao mà đen tối, chán chường thế. Tôi thành ra một con mèo lù đù không kém gì ông chủ. Khi ông chủ vùi mình trong phòng sách, không ló mặt đi đâu, mọi người bảo ông thất tình, ngẫm ra không phải là vô lý.
Tôi chưa bao giờ bắt chuột, nên có lần chị bếp đề nghị đuổi đi. Ông chủ thì biết tôi không phải là một con mèo bình thường như mọi con mèo khác, cho nên tôi vẫn ung dung tá túc trong cái nhà này.
Về điểm này thì tôi không ngần ngại tỏ lòng cảm tạ công ơn sâu sắc của ông chủ, đồng thời tỏ lòng kính phục con mắt tinh đời của ông. Chị bếp vì không biết tôi nên ngược đãi, tôi cũng chẳng giận.
Nếu mà bây giờ Hidari Jingoro[41] xuất hiện, chạm khắc chân dung tôi lên cột cửa lâu đài, hay một Steinlen[42] nào đó của Nhật Bản vẽ chân dung tôi lên canvas thì cái bọn đần độn ấy mới bắt đầu gột rửa được cái đầu óc tăm tối của chúng chăng?